"Vương quốc" của người Việt cổ
21/05/2010 0535
- Tỉnh Hoà Bình có nhiều địa điểm mà xưa kia người nguyên thuỷ đã chọn làm nơi sinh sống. Thế nhưng, hiếm có nơi nào sự sống lại tập trung nhiều như ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn. Tại đây, nhiều hang động trên dãy núi đá Sáng cao chất ngất nối dài hàng trăm mét là nơi tổ tiên ta đã sinh sống.
Thung lũng cổ
Vẫn còn đó cái nghèo cái đói trên mảnh đất này nhưng ai đó đã bảo Cao Răm như một bức tranh hoàn mỹ của đất trời thật chẳng sai. Ở giữa thung lũng bằng phẳng, rộng lớn người dân đang ở là những dãy núi cao hùng vĩ bao bọc. Xuyên qua thung lũng là con sông Bùi bốn mùa tắm mát cho cánh đồng luôn xanh ngát. Những người Mường sống trên mảnh đất này tự hào lắm, họ bảo đây là mảnh đất tổ tiên người Việt đã từng sống và bây giờ con cháu họ tiếp tục sinh sôi phát triển ở đây.
Cụ Bùi Ngọc Nghê, một người cao niên của xã Cao Răm bảo, cụ cũng không nhớ rõ người Mường đã sinh sống ở thung lũng Cao Răm này từ lúc nào nhưng phải có từ lâu lắm. Hết thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau định cư bên chân dãy núi Sáng.
Hang Chổ được coi là "mái nhà" của người nguyên thuỷ
Sống giữa nơi núi rừng âm u, bà con hay kể câu chuyện về một hang đá được gọi là hang Chổ, nơi linh thiêng nhất của bản. Ngày đó, chẳng ai dám bén mảng lại gần cửa hang vì các cụ bảo nơi đó là nhà của tổ tiên trước đây. Những ngày lễ, Tết, bà con phải tổ chức cúng lễ. Nếu ai xâm phạm vào đó sẽ bị thần linh phạt nặng.
Những câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết được các đời sau "thêu dệt" ngày một huyền bí hơn, ăn sâu vào tiềm thức của những cư dân Mường nơi đây. Đời nọ truyền cho đời kia nên họ rất thận trọng mỗi khi vào các hang đá.
Dấu ấn thời gian
Những hang đá dưới chân núi Sáng là niềm tự hào đối với người dân xã Cao Răm. Ông Bùi Tiến Ất, Chủ tịch UBND xã mỗi khi nhắc tới địa danh đó cũng tỏ ra rất thành kính. Riêng hang Chổ được ông Ất giải thích: Nguồn gốc của từ Chổ theo tiếng Mường nghĩa là hang ốc vì trong hang có nhiều ốc. Năm 1930, bà Ma đơ Len Cô Ni, một nhà khoa học người Pháp đã tìm về đây nghiên cứu. Những phát hiện của bà đã được báo cáo tại Hội nghị tiền sử Đông Nam Á. Báo cáo đó đã làm các nhà khảo cổ hết sức ngạc nhiên và thích thú.
Khi chúng tôi có ý định đến thăm hang Chổ, ông Ất đã tận tình cử cán bộ địa phương am hiểu địa bàn dẫn đường. Nhìn từ xa, dãy núi Sáng cao sừng sững giữa trời. Cửa hang Chổ rộng thênh thang ở ngay ngọn núi cao nhất. Phía trước là thung lũng rộng, đất đai phì nhiêu, cây cối tươi tốt. Đứng từ cửa hang phóng tầm mắt ra là cả xã Cao Răm rộng lớn.
Anh Bùi Hải Quân, cán bộ văn hoá xã Cao Răm cho biết, trước kia hang này có hàng nghìn, hàng vạn con dơi sinh sống. Bà con thường vào đây lấy phân dơi về làm thuốc súng. Nhiều hơn cả vẫn là những lớp vỏ ốc. Lần đầu đến đây ai cũng bất ngờ về những lớp ốc hoá thạch dày đến 2 - 3m. "Điều này chứng tỏ tổ tiên của ta phải sống ở trong hang này rất nhiều năm. Họ sống gần sông, gần suối nên có thể dễ dàng tiến hành việc săn lượm kiếm tìm thức ăn. Ở trên một ngọn núi cao thế này cũng rất an toàn", anh Quân khẳng định.
Sau lần nữ khảo cổ học người Pháp về đây khai quật, do điều kiện sống khó khăn, chiến tranh kéo dài nên mãi sau này các nhà khảo cổ học trong nước mới tiếp tục nghiên cứu. Sau mỗi lần khai quật đều phát hiện được rất nhiều hiện vật có giá trị.
Qua kết quả điều tra, thám sát và nghiên cứu các nhà khảo cổ học đều cho rằng, hang Chổ là mái nhà cổ của người nguyên thuỷ. Căn cứ vào số lượng cũng như các hiện vật tìm được, các nhà khảo cổ khẳng định: Hang Chổ có những yếu tố biểu hiện của một giai đoạn cao của Văn hoá Hoà Bình, có niên đại trên dưới 10.000 năm trong giai đoạn chuyển tiếp sang trung kỳ đá mới ở nước ta.
Ngoài hang Chổ, ở Cao Răm còn có hang Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng... đều là nơi được người nguyên thuỷ chọn làm nơi trú ngụ. Cao Răm trở thành cái nôi của tổ tiên người Việt cổ.
Kỳ tới: Bộ xương của người rừng
Xứ Mường (Hoà Bình) là cái nôi của người Việt cổ, nơi đây ẩn chứa nhiều di chỉ của người nguyên thuỷ. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tìm về đây để nghiên cứu và có những phát hiện gây chấn động. Tất cả những phát hiện đều khẳng định, nền văn hoá thuộc thời đại đồ đá tập trung nhiều nhất vẫn là ở Việt Nam chúng ta.
Nguyễn Cảnh Dũng
Bookmarks