kết quả từ 1 tới 14 trên 14

Ðề tài: CHUYỆN VỀ CHA

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định CHUYỆN VỀ CHA

    Bố tôi không để lại cho tôi một chút tài sản nào. Thậm chí, những năm tháng tôi học đại học, bố tôi cung không cho tôi một đồng nào. Tuy vậy, tôi vẫn tâm niệm rằng: Mọi thứ tôi có hôm nay đều nhờ ở bố.
    Tôi viết lại những câu chuyện này với cả niềm tri ân sâu săc. Mỗi câu chuyện là một nén tâm nhang tưởng nhớ công đức của Người.


    ĐẼO ĐÁ THÀNH BI

    Ngày ấy, đang thuở chín mười, nhìn bọn trẻ hàng xóm có những hòn bi đá tròn vo, đen nhánh, đẹp đến mê hồn. Tôi hỏi một đứa thì nó nói đã nhặt được trên đường. Thế là ngày ngày, tôi cứ đi lang thang tìm kiếm hết đường này, ngả nọ. Hy vọng tìm được hòn bi tròn trịa cho mình. Những viên đá méo mó thì nhiều vô kể, còn hòn bi tròn thì chẳng thấy bao giờ. Biết chuyện, bố tôi gọi lại và bảo:
    - Con ạ, trên đời không có sẵn cái gì tròn trịa cả. Tất cả những hòn bi mà bọn bạn con có, ban đầu cũng chỉ là những viên đá méo mó, bình thường. Nhờ bàn tay con người gọt đẽo mà nên.
    Nói rồi, bố tôi lấy một con dao cùn, rồi ra nhặt một viên đá ven đường. Ông bắt đầu ghè, đẽo. Quá trình đẽo đá thành bi quả là hết sức công phu. Kì cạch suốt buổi chiều mới biến được viên đá méo trở nên tròn trịa. Tiếp đó, ông dùng hai cái vỏ ốc nhồi, đục lỗ, đặt viên bi mới đẽo vào giữa hai lỗ. Hai tay cầm hai con ốc, ông xoay đi xoay lại. Bột đá rơi lả tả. Hai lỗ trên những con ốc to dần. Hòn bi ngày một nhẵn. Đến tối, khi nhận hòn bi từ tay bố, tôi thấy nó hệt như hòn bi của lũ bạn. Bố tôi đưa cả hai cái vỏ ốc cho tôi và bảo:
    - Con đã có một hòn bi tròn, nhẵn, Nhưng rồi khi chơi cùng bạn, do va chạm, do bụi thời gian.. hòn bi sẽ sứt sẹo, biến dạng đi. Muốn nó mãi vẫn tròn nhắn như mới thì hàng ngày phải thường xuyên chăm sóc mài xoáy con ạ.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  2. #2

    Mặc định

    THĂM TRẠI NHÍM

    Một lần, Bố tôi đưa tôi đi thăm một người bạn ở Đại từ - Thái nguyên. Nhà bạn bô tôi có nuôi một dãy chuồng nhím. Trong khi chủ nhà pha trà, bố dẫn tôi ra xem nhím. Thấy chúng tôi lại gần, lũ nhím xù lông lên tự vệ. Nhìn những chiếc lông nhím nhọn hoắt, dựng đứng, tôi hỏi bố:
    - Lông chúng dài và nhọn thế kia thì làm sao chúng gần gũi nhau được hả bố ?
    Bố tôi suy nghĩ một lát rồi đáp:
    - Khi muốn gần nhau, mỗi con nhím đều biết cụp lông lai hết cỡ để tránh làm tổn thương nhau.
    .Chủ nhà bước ra tiếp lời:
    - Thật ra, dù có cẩn thận đến mấy, chúng vẫn làm xây xát nhau đấy. Thôi, hai bố con vào nhà đi !
    Bố tôi nhìn bác chủ nhà gật đầu, rồi quay lại phía tôi, ông nói:
    - Để được gần gũi nhau phải chấp nhận tổn thương thôi con ạ. Hạnh phúc nào cũng gắn liền với nỗi đau. Nói đúng hơn, nỗi đau cũng là một phần của hạnh phúc. Mọi loài đều phải biết chịu đựng nhau, và một trong những việc phải học ở đời đó là học tha thứ.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  3. #3

    Mặc định TRAO NHẪN CƯỚI

    Một lần, sau bữa cơm chiều, cả nhà ngồi quây quần bên bàn nước, tôi hỏi bố:
    - Tại sao vào ngày cưới cô dâu chú rể thường trao nhẫn cho nhau hả bố:
    Bố tôi suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
    - Có nhiều cách giải thích tục lệ này, nhưng bố thích nhất cách giải thích thế này: Lễ cưới là khởi đầu của một quá trình hai người chung tay xây đắp hạnh phúc. Hành trang quan trọng nhất đối với họ không phải là tiền bạc hay trí tuệ, mà chắc chắn phải là chữ Nhẫn. Không có nhẫn thì không thể có hạnh phúc con ạ.
    Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Theo tôi hiểu thì tục trao nhẫn khởi nguyên từ phương tây, còn chữ Nhẫn mà bố tôi nói lại là từ gốc Hán. Điều này chắc chắn bố tôi đã biết, sao ông lại dùng cách giải thích này. Rất may, tôi đã không đưa ra ý kiến phản bác., mà im lặng suy ngẫm. Càng ngày tôi càng thấy thích cách giải thích của bố tôi.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  4. #4

    Mặc định Ở HIỀN GẶP LÀNH

    Ở HIỀN GẶP LÀNH

    Một ngày chủ nhật, tôi đưa vợ con về thăm bố. Bố tôi vui lắm. Trong khi hai bố con đang đối ẩm, vợ tôi lúi húi làm bếp. Thằng con tôi lăng xăng chạy đi chạy lại trên sân. Bỗng nhiên nó hớt hải chạy vào nhà, tay áo phải sũng nước. Bàn tay nắm chặt một con nhái, đang giãy giụa:
    - Con gì đây hả bố ?
    Tôi giật mình:
    - Con Nhái. Mà sao con bắt được nó vậy ?
    - Con thấy nó trong vại nước kia kìa..
    Thằng bé chỉ tay về phía chiếc vại sành nhỏ, dùng để chứa nước vo gạo Chắc con nhái chẳng may rơi vào đó và không ra được. Tôi ôn tồn bảo con:
    - Con thả nó ra vườn rau kia để nó bắt sâu, rồi bảo mẹ thay áo cho đi !
    - Bố buộc chân nó cho con chơi cơ - Thằng con nài nỉ.
    - Thôi tha cho nó đi ! Ở hiền gặp lành mà con !
    Thắng bé miễn cưỡng bươc đi. Tôi quay lại:
    - Bố uống nươc đi !
    Bố tôi năng chén nước, nhấp một ngụm nhỏ, mắt vẫn nhìn theo đứa cháu nội:
    - Thằng bé hiếu động và biết vâng lời, thế là tốt.
    Ngừng một lát, ông tiếp:
    - Nhưng vừa rồi anh đã dùng không đúng thành ngữ Ở hiền gặp lành rồi đó.
    Tôi ngạc nhiên:
    - Vậy hả bố ?
    Nhấp thêm một ngụm nước, bố tôi thong thả:
    - Không dùng thành ngữ này để khuyên nhủ người khác. Ở hiền là một tiêu chí làm người. Người ta phải ở hiền vì bản tính và không thể làm khác được. Nếu ở hiền chỉ vì mong được gặp lành thì việc ở hiền ấy là vụ lợi, kém ý nghĩa.
    Lại nhấp thêm một ngụm nước, ông tiếp:
    - Bố kể anh nghe chuyện này: Một người đàn ông phát hiện ra con bò cạp đang chơi vơi trong nước. Ông ta quyết định đưa tay ra cứu nó nhưng chính con bò cạp đó lại cắn ông ta. Vẫn cố gắng vớt con bò cạp ra khỏi nước, người đàn ông đó lại bị cắn nữa. Một người khuyên ông không nên cứu nó nữa. Nhưng người đàn ông trả lời rằng:
    "Bản năng tự nhiên của bò cạp là cắn. Bản tính tự nhiên của tôi là yêu thương. Vậy tại sao tôi phải từ bỏ bản tính yêu thương của mình, chỉ vì bản năng tự nhiên của bò cạp?"
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  5. #5

    Mặc định KHỔ VÀ NHỤC

    KHỔ VÀ NHỤC

    Một lần trống tiết dạy, tôi ghé về thăm bố. Bố tôi rủ cùng ông đi thăm một người bà con ở quê. Không được như bạn bè cùng trang lứa, bác Hải - rời mái trường là về làng, cây ruộng, lấy vợ, sinh con.. Bố tôi kể: vợ chồng bác Hải sinh được năm con, nhưng chưa đứa nào tốt nghiệp cấp hai. Hai cô con gái lấy chồng khi tuổi vưa mười tám. Mảnh đất hương hỏa chia cho ba thằng con trai. Giờ hai vơ chồng bác sống cùng vợ chồng đứa con đầu cùng ba cháu nội. Quanh năm thiếu ăn. Ngôi nhà cấp bốn xây hơn chục năm rồi vẫn chưa trát Hai vợ chồng bác cả đời không ra khỏi lũy tre làng Bạn bè nhiều người trách, nhưng bố tôi hiểu cũng do hoàn cảnh mà thôi. Tôi chia sẻ:
    - Bac Hải nhục quá, bố nhỉ ?
    Bố tôi phì cười:
    - Sao anh nói bác ấy nhục ? Có thể nói bác ấy thật khổ, nhưng nói bác ấy nhục là lại dùng sai từ rồi.
    Tôi ngơ ngác:
    - Vậy như thế nào là nhục ạ ?
    Bố tôi suy nghĩ một lát rồi nói:
    - Nhục là trạng thái cảm súc khi con người ta phải thực hiện điều mình không mong muốn. Ví dụ: Phải phỉnh nịnh một thằng côn đồ để nó không gây sự với mình là nhục.
    Tôi hỏi lại:
    - Con nghe nói Khổng Tử dạy học trò: Người quân tử thà chịu chết chứ không chịu nhục, phải vậy không bố.
    - Cũng không nên cực đoan con ạ. Làm người cũng cần biết chịu nhục. Phải quỵ lụy van xin một thằng bác sỹ đáng tuổi con mình, để nó cứu vợ mình, đó là cái nhục.nên làm.
    Im lặng một lát, ông tiếp:
    - Có nhiều tấm gương chịu nhục đáng phục. Ví như Hàn Tín phải chui háng một thằng bán thịt, Câu Tiễn phải nếm phân chẩn bệnh cho Phù Sai.. Đó là những bậc trượng phu, biết lấy đại cục làm trọng, không câu nệ tiểu tiết.
    Tôi ngớ người, đâ là thầy giáo của biết bao học trò, làm bố của hai đứa trẻ, vậy còn nói sai, nhiều khái niệm sơ đảng vẫn chưa hiểu hết. Tôi hỏi:
    - Còn thế nào là khổ ạ ?
    - Khổ là trạng thái cảm súc khi con người ta không được thực hiện điều mình mong muốn, Ví dụ: Muốn cho con đi học mà không có tiền đóng học cho con, là khổ. Muốn xây mộ cho bố mà không có tiền thực hiện, là khổ.
    Ngừng một lát bố tôi tiếp:
    - Thật ra, nỗi khổ không chừa một sinh linh nào. Từ cỏ cây, con sâu, cái kiến.. loài nào chẳng khốn khổ vì đời. Hổ báo, dẫu được mệnh danh là chúa sơn lâm, mà đâu có sướng. Biết bao nhiêu hổ báo bị săn lùng ráo riết, không chốn nương thân, đã có nhiều hổ báo bị chết vì đói. Nỗi khổ không chừa một ai. Người nghèo đau xót vì "cái khó bó cái khôn". Nhà giàu thì lo con cái hư hỏng, nghiện ngập. Bạch đinh thì khổ vì bị chèn ép. Quan chức thì lo đấu đá, giữ ghế... Bởi thế, người ta nói: Đời là bể khổ mà.
    - Trong thực tế vẫn có kẻ sướng người khổ chứ ạ ? - Tôi hỏi.
    - Cảm giac về nỗi khổ, cũng còn phụ thuộc vào quan niệm. Thường thì khi lăn lộn trong vòng danh lợi, người ta không nghĩ là mình khổ. Chỉ người ngoài cuộc mới thấy ghê sợ.
    Tôi hỏi:
    - Vậy thì có thể làm gì để bớt khổ được không ạ ?
    Im lặng một lát, bố tôi nói:
    - Căn nguyên nỗi khổ đời người là dục vọng. Vậy thì bớt dục vọng sẽ bớt nỗi khổ. Vẫn phải cố gắng hết mình vì một tương lai sáng tươi, nhưng hãy luôn bằng lòng với những gì đang có. Mỗi Thành công đều là kết quả của rất nhiều yếu tố, mà sự cố gắng của cá nhân chỉ là một yếu tố. Thậm chí nhiều khi là rất nhỏ nhoi.
    Có thành công, đừng nghĩ mình đã tài hơn mọi người. Chẳng qua là cái phúc, cái phận mình được hưởng. Dẫu thất bại, đừng hằn học tức tối làm gì, chỉ thêm khổ mà thôi.
    Đột nhiên bố tôi hỏi:
    - Anh biết chuyện Con Cáo và chùm nho của La Phông Ten chứ ?
    - Con biết, nhưng sao hả bố ?
    - Hãy học tập con cáo trong câu chuyện này. Khi đã nhảy tới dăm bảy lần vẫn không hái được chùm nho, thì đừng cố nữa. Hãy tự an ủi rằng: Nho xanh chẳng xứng miệng người khôn ngoan ! Khi ấy sẽ thấy lòng mình thanh thản hơn nhiều.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  6. #6

    Mặc định MAY VÀ RỦI

    MAY VÀ RỦI

    Tôi dạy học tại một trường chuyên nghiệp cách nhà hai mươi cây số, thường đi về bằng xe máy. Đường từ nhà tới trường qua chỗ bố tôi. Thỉnh thoảng tôi lại tạt về thăm cụ.
    Có một lần, khi còn cách trường khoảng hai cây số, thì xe máy hỏng. Tôi dắt xe chạy được một quãng thì có một quán sửa xe. Tôi đưa xe vào quán, gửi đó, nhờ chữa, rồi ôm cặp chạy đến trường. Tới cổng trường thì trống báo. Tôi vào lớp, mồ hôi đẫm lưng áo. Hết giờ, tôi ra lấy xe, rồi tạt qua thăm bố. Tôi đem chuyện hỏng xe kể cho bố nghe. Bố tôi chăm chú nghe tôi kể, rồi gật đầu:
    - May quá !
    Tôi băn khoăn hỏi lại:
    - Sao hỏng xe mà lại nói là may hả bố ?
    Bố tôi nói:
    - Anh thường ngày đến trường bằng xe máy., lẽ dĩ nhiên, xe có thể hỏng bất cứ nơi nào, lúc nào. Vậy mà nó lại hỏng cách trường hai cây số, chứ không phải là mười cây, nó không hỏng vào hôm mưa to gió lớn, mà lại hỏng đúng hôm tạnh ráo. Như thế là may quá đi chứ !
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  7. #7

    Mặc định CHUYỆN VỀ CHA

    KẺ ÁC

    Tôi dạy ở một trường chuyên nghiệp. Thường tuần lên lớp ba bốn buổi, mỗi buổi khoảng hai ba tiết. Thời gian rảnh rỗi khá nhiều. Một hôm, nhân không có giờ, tôi về thăm bố. Bố tôi đang ngồi xem Tivi. Rót nước cho tôi, bố tôi bảo:
    - Bố hay xem thế giới động vật, hay đáo để.
    Tôi ngước lên màn hình. Trên thảo nguyên mênh mông, đàn linh dương tung tăng găm cỏ. Bỗng một con báo gấm xuất hiện. Con báo nhẹ nhàng luồn qua những bụi cỏ, tiến sát bầy linh dương, rồi đột ngột lao vào giữa đàn như một mũi tên. Đàn linh dương chạy toán loạn. Một con linh dương nhỏ, vấp phải một gờ đât, loạng choạng. Nhanh như căt, con báo lao tới, cắn ngang cổ con linh dương lôi đi. Con linh dương giãy giụa, tuyệt vọng. Máu từ cổ con linh dương phun ra tung tóe. Tôi quay mặt đi.
    - Xem ác thú săn mồi, con cảm thấy bất nhẫn quá. Mà sao người ta không tiêu diệt hết các loài ác thú, thậm chí còn kêu gọi bảo vệ chúng nữa chứ.
    - Loài nào cũng phải đấu tranh sinh tồn mà.
    Bố tôi rót một chén nước, nhấp giọng rồi nói:
    - Phần đầu của cuốn phim này chiếu hôm trước rồi. Con báo gấm là mẹ của hai con báo con. Mấy ngày qua không kiếm được mồi. Báo mẹ không còn sữa cho con bú Cả ba mẹ con chúng đều rất đói. Hôm nay mà báo mẹ săn mồi thất bại, chắc sẽ có con báo bị chết vì đói. Ác nỗi, loài báo không thể gặm cỏ như linh dương được.
    Ngừng một lát, bố tôi tiếp:
    - Phật dạy: Hãy biết yêu thương, cả những người yêu thương ta, và cả những người ghét bỏ ta. Kẻ ghét bỏ ta, nhiều khi cũng chỉ là bất đăc dĩ mà thôi.
    Last edited by thichanlac; 10-08-2013 at 06:42 AM.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  8. #8

    Mặc định CHUYỆN VỀ CHA

    XEM HOA

    Bố tôi gọi tôi về đưa ông đi dự tang lễ một người bạn đồng môn. Cô Thủy - bạn bố - sống cô độc, không chồng con gì. Theo bố tôi kể, thời đi học, cô Thủy là hoa khôi trong lớp. Cô rất thích hoa, thường nhịn ăn sáng để giành tiền mua hoa. Đặc biệt cô chỉ thích hồng. Cô sẵn lòng đổi cả một bó hoa lớn để lấy một bông hồng nhung.
    Tốt nghiệp y khoa loại ưu, Thủy nhận việc tại một phòng Hoá nghiệm của một bệnh viện lớn.
    Một sáng, trời mưa, rảnh việc. Nhìn bông hồng nhung mơn mở trong lọ, Thủy nghĩ: Sao không khám phá khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của cánh hồng. Cô ngắt một cánh hồng mịn như nhung đặt dưới ống kính hiển vi của phòng hoá nghiệm. Vừa đưa mắt vào thị kính, Thủy bàng hoàng kinh ngạc. Dưới ống kính hiển vi, cánh hồng thật ghê tởm. Lổn nhổn trên nền đỏ sãm là những vệt nước bùn nhầy nhụa. Và trong những vũng bùn nhơ nhớp ấy, nhung nhúc những vi trùng đủ loại. Từ liên cầu khẩn, tụ cầu trùng, phẩy khuẩn tả.. Thậm chí cả trùng Ebola, loài vi trùng mà theo cô biết thường chỉ có mặt ở những nơi bẩn thỉu nhất. Nghĩ đến bao lần đã từng kề môi, áp má vào những cánh hồng, Thủy rùng mình. Cô đeo găng tay rồi cầm cả bó hoa ném vào sọt rác.
    Ngừng một lát bố tôi tiếp:
    - Sau lần ấy, côThủy chẳng những có ác cảm nặng với mọi loài hoa, mà đau xót hơn, cô ấy mất hết niềm tin vào những giá trị tốt đẹp ở đời. Cô luôn nhìn mọi thứ trên đời bằng đôi mắt hoài nghi, cay độc. Cô quyết ở vậy cũng bởi lý do ấy.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  9. #9

    Mặc định CHUYỆN VỀ CHA

    GIÁO LÝ NHÀ PHẬT

    Tôi về thăm bố. Cánh cổng khép hờ. Nhà vắng tang. Tôi đi quanh sân, đang ngắm những chậu cảnh , thì bố tôi về.
    - Bố đi đâu ? Sao không gọi con về đưa đi ? - Tôi hỏi.
    - Bố đi thăm cụ giáo Hạnh làng bên - Bố đáp - Thỉnh thoảng cũng nên vận động cho khí huyêt lưu thông.
    Tôi mở cửa vào pha trà. Bố tôi dắt chiếc xe đạp, dựng ở một góc nhà:
    - Khổ thân cụ giáo, sống thui thủi một mình,.- Bố nói.
    - Hình như cụ ấy có một ông con trai phải không ạ ? - Tôi hỏi.
    - Ông ấy hơn anh mấy tuổi đấy, nhưng cũng chẳng vợ con gì. Thậm chí cũng chẳng mấy khi ở nhà.
    Bố tôi lại bàn, đón chén nước từ tay tôi nhấp một ngụm rồi bằng một giọng bùi ngùi, ông kể::
    - Ông con cụ giáo là một nhà tu hành, sau nhiều năm nghiên cứu Phật học đã quyết định bỏ nhà đi giáo hoá chúng sinh. Ông ta đi khắp nơi rao giảng giáo lý nhà Phật, nhiều khi quên ăn, quên ngủ. Lượng tín đồ nghe ông giảng kinh ngày càng nhiều, danh tiếng ông nổi như cồn. Trong khi đó bà mẹ ở quê, không nơi nương tựa, bữa thất bữa thường.
    Ngừng một lát ông tiếp:
    - Cám cảnh trước cuộc sống của cụ giáo, bố tìm lời an ủi: "Cụ thật tốt phúc, có ông con trai rất thông hiểu giáo lý nhà Phật." Anh biết không, nghe bố nói vậy, cụ giáo đưa tay chùi nước mắt, trả lời:
    - Nó là thằng háo danh chứ biết gì về Phật học. Nếu nó thông hiểu giáo lý nhà Phật thì nó đã không để mẹ già phải vò võ cô đơn thế này. Tôi thật vô phúc, ông ạ !
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  10. #10

    Mặc định CHUYỆN VỀ CHA

    CHỌI TRÂU

    Tôi có người bạn ở Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hải phòng. Đầu tháng chín năm ngoái, bạn tôi bảo:
    - Chúng tôi sắp tổ chức lễ hội chọi trâu. Nếu ông bà sắp xếp được công việc, tôi biếu hai vé.
    Tôi cám ơn bạn rồi về rủ vơ. Vợ tôi cáo bận không đi được. Tôi liền về nhà rủ bố. Bố tôi nói:
    - Bố chưa hình dung ra lễ hội chọi trâu như thế nào ?
    Được dịp diễn thuyết với bố, tôi hào hứng:
    - Bố cứ tưởng tượng, trong một cái sân rộng, có hàng vạn người ngồi xem xung quanh. Giữa sân vẽ một vòng tròn to. Người ta đưa vào vòng tròn ấy từng cặp trâu đã được nuôi dạy cả năm trời. Trâu dự thi không chỉ béo khỏe, mà còn rất thạo các ngón nghề thi đấu. Cũng dương đông kích tây hù dọa, thừa cơ lựa thế tung đòn. Con nào chạy ra khỏi vòng tròn la thua bố ạ.
    Nghe tôi kể xong, bố cau mày:
    - Sau trận chiến, chắc phải tốn nhiều công của để dưỡng thương cho chúng.
    - Không. Người ta thịt bán cho khách chứ. Giá thịt phụ thuộc vào thứ hạng thi đấu. Con thắng cuộc có giá vài triệu đồng một cân đó bố ạ.
    - Con thắng cũng bị thịt à ? Bố ngạc nhiên hỏi lại.
    - Vâng. Con thắng được cắt đầu tế thần, rồi mổ thịt.
    Bố tôi thở dài:
    - Tội nghiệp lũ trâu. Thắng bại cũng đều lên đĩa, vậy thì đấu đá mà làm gì.
    - Để mua vui cho những người mua vé đén xem mà.
    Trầm ngâm một lát, bố tôi bảo:
    - Cũng đáng để suy ngẫm đó con ạ. Nhưng mà bố không đi đâu. Nghe anh kể vậy là đủ rồi.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  11. #11

    Mặc định CHUYỆN VỀ CHA

    TRÊN ĐỈNH HÀM RỒNG

    Tôi nhớ một dịp hè, cả nhà rủ ông đi nghỉ mát Sapa. Nghe mọi người nói nhiều về núi Hàm rồng, một thắng cảnh không thể bỏ qua. Cả nhà rủ nhau lên đường. Qua mấy con dóc thì tới một bãi rộng, tại đó có một quán nước, với đủ các loại trà Á Âu, kim cổ ..Biết bố hay uống trà, tôi đề nghị:
    - Vào uống tử trà Sapa bố nhé !
    Chúng tôi rẽ vào, gọi một ấm trà theo sở thích của bố. Trong lúc chờ trà ngấm, vợ tôi bảo:
    - Vừa nãy em nghe thấy anh có điện thoại đó, mở ra xem ai gọi.
    Tôi mở túi lấy điện thoại ra xem, thì ra thằng bạn đồng môn nhắn tin mời dự tiệc chiêu đãi nó vừa được phong tướng, Vợ tôi xuýt xoa:
    - Sướng nhỉ !
    Bố tôi trầm ngâm rót trà cho mọi người. Ông nhấp một ngụm rôi nhìn vợ tôi mà bảo:
    - Cũng chưa chắc đâu con ạ.
    Đột nhiên bố tôi nói:
    - Các con đi tiếp nhé ! Bố chờ ở đây thôi.
    Đoán là bố ngại leo trèo, tôi nài nỉ:
    - Mình cứ túc tắc mà bố, mệt đâu nghỉ đấy.
    - Cơ bản là bố không thấy hứng thú, không thấy có gì hấp dẫn ở trên đó. Bố thích ở đây hơn.
    Biệt không thể nài thêm, chúng tôi đành để ông ở lại và tiếp tục lên đường.
    Mỗi lần qua một con dốc, lại thây tầm mắt mình được rộng hơn thật. Tuy vậy, những gì thấy rõ hầu như không thay đổi, thậm chí nhiều khi những thứ ở rất gần, mà cũng chỉ thấy mờ mờ ảo ảo, bởi sương phủ mây che. Trong khi đó, cái ngày càng hiện hữu rõ rệt là cảm giác mệt mỏi, chán trường. Đã mấy lần tôi định quay lại, nhưng do sỹ diện và hiếu thắng, tôi lại cố sức leo lên.
    Trên đỉnh Hàm rồng là một mỏm đá, rộng chừng chục mét vuông, có lan can bao quanh. Đứng trên đỉnh cao ấy, có thể ngắm được toàn cảnh Sapa. Thung lũng Mường Hoa, Tả Pìn,, ẩn hiện trong sương khói. Tại đây thường xuyên có mây che phủ, nên dù ánh nắng có vẻ gay gắt hơn, nhưng nền đá vẫn ẩm ướt và rêu mọc khá dày. Đặc biệt là gió không lúc nào ngớt. Hy vọng khi lên tới đỉnh cao sẽ thảnh thơi thoải mái chỉ la hão huyền. Tôi phải gồng mình, nắm giữ lan can để chống chọi với rêu và gió. Có lúc hãnh diện vì thấy một đám mây bò dưới chân mình, nhưng gần như tức thì, lại cảm thấy xót xa bất lực, khi chính đám mấy ấy bỗng vọt lên che kín mặt mình, trèo lên đầu lên cổ mình mà không làm gì được. Tôi quyết định bò xuống.
    Chúng tôi trở lại quán trà. Bố tôi vẫn ngồi chờ ở đó. Ông không hỏi gì về cảm giác của tôi khi trên đỉnh phù vân,
    chỉ cần nhìn vẻ mặt của chúng tôi, ông đã biêt cả.
    Last edited by thichanlac; 29-08-2013 at 07:23 AM.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  12. #12

    Mặc định

    CÔNG BẰNG

    Bố tôi, Bác Hùng và cô Thanh là bạn đồng môn, thân nhau từ ngày còn đi học. Cuộc sống ném mỗi người một ngả. Bố tôi tiếp tục học rồi đi dạy học. Bác Hùng vào lính, cả đời cứ hết nam chinh lại bắc chiến. Cô Thanh về làng, lấy chồng, đẻ con, vui thú điền viên. Mỗi người một cảnh, nhưng vẫn quý nhau như thời còn đi học.
    Nhà tôi có hai anh em trai. Tôi theo nghề dạy học. Thằng em tôi,. theo nghiệp binh đao, giờ cũng đã mang hàm cấp tá. Một ngày chủ nhật, hai anh em tôi cùng về thăm bố, tình cờ gặp Bác Hùng và cô Thanh đến nhà. Chủ khách cùng quây quần trên một chiếc sập Ấm trà vừa pha, Bố tôi nói với chúng tôi:
    - Giờ anh nào có thể rót trà mời bác Hùng và cô Thanh sao cho thật đều, bố xem nào.
    Em tôi nhanh nhảu, rót một chút nước ra chén, tráng hết một lượt, đổ đi. Sau đó nó bắt đầu rót, mỗi chén một chút. Hết một vòng, nó rót ngược trở lại. Nó cứ trở đi trở lại mấy vòng như thế, cho đến khi nước trong mỗi chén đạt tới ba phần tư độ cao thì dừng lại, ngước mắt nhìn bố dò hỏi. Bố tôi lắc đầu, miệng lẩm bẩm: Không đều, không đều... và đưa măt nhìn tôi chờ đợi.
    Tôi thong thả đổ các chén trà mà em tôi vừa rót vào ấm, rồi lấy ra một chiếc cốc to, nhẹ nhàng rót trà từ ấm vào chiếc cốc. Chờ cho nước trong cốc đã ổn định, tôi mới rót từ cốc ra các chén và lại ngước mắt nhìn bố. Tôi bất ngờ thấy bố vẫn lắc đầu:
    - Vẫn không đều ! Nhưng thôi con mời khách đi kẻo trà nguội mất.
    Chờ tới khi bác Hùng và cô Thanh mỗi người đã nhấp một ngụm trà, Bố mới thủng thẳng:
    - Các con rót trà như vậy, bố dám chắc là khi uống, cô Thanh sẽ nhăn mặt mà kêu thầm: "Đặc quá, sít cả cổ, chẳng ngon lành gì". Còn bác Hùng nhất định sẽ nghĩ bụng: "Loãng toẹt". Như thế có thể được coi là đều không ? Người biết rót trà là phải rót sao cho ai cũng cảm thấy tương đối vừa miệng. Muốn vậy phải rót cho cô Thanh ngay sau khi pha khoảng hai phút. Tiếp đó rót cho các con, cho bố, chén cuối cùng sẽ rót cho bác Hùng.
    Em tôi nhanh nhảu:
    - Làm như vậy con sợ bác Hùng tự ái vì chén của bác bị rót sau cùng. Vẫn còn nhiều người coi trọng thứ tự đó bố ạ.
    Bố tôi cười độ lượng:
    - Đúng vậy ! Cho nên có thể đầu tiên cứ rót cho bác Hùng, nhưng một chút thôi. Cuối cùng chốt lại ở chén ấy.
    Tôi gật gù tán thưởng:
    - Công bằng không có nghĩa là cào bằng, phải không bố ?
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

  13. #13

    Mặc định

    Cảm ơn Thich an lac về những câu chuyện đầy cảm động và chưa đựng bao bài học ý nghĩa.

  14. #14

    Mặc định

    Chân thành cám tạ các quý thân hữu: 123go , anhphuc123, cuchuoixanh , hiepold, Love_Tamlinh, lyhai, nguoivohinh1, son72, thhai_mel, vôvi91, pvhunghung , thuytrangpt, phongvan38, Tôi Là Ai , qtrang... đã ghé thăm, chia sẻ và để lại lời châu ngọc.
    ---------------------------
    Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
    Thuyền cũng muốn dừng mà sóng chẳng yên
    Đời là biển động triền miên
    Mỗi thân phận, một con thuyền lênh đênh..

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Chuyện ma có thật: Đất độc [Full] - VOZer
    By whyhandsome15 in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 21
    Bài mới gởi: 22-01-2014, 10:29 AM
  2. VỀ MỘT NGƯỜI VIỆT SIÊU PHÀM
    By happy in forum Ngoại cảm - Khả năng đặc biệt
    Trả lời: 45
    Bài mới gởi: 11-08-2013, 06:05 AM
  3. Dẫn nhập giả thuyết về thiền định
    By vuhanp in forum Thiền Tông
    Trả lời: 53
    Bài mới gởi: 25-09-2012, 07:04 PM
  4. Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 14-06-2012, 07:16 PM
  5. Để Bạn Hiểu Rõ Hơn Về Mễ Du !
    By vohinh69 in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 14-06-2012, 06:59 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •