QUAN-NIỆM KHÁC NHAU VỀ THƯỢNG-ĐẾ
TRONG CÁC TÔN-GIÁO
Đối với bản-thể và quyền-năng của Thượng-Đế thì bàng-bạc vô cùng, mỗi tôn-giáo đều dựa trên những cơ-sở khác nhau, để diễn-tả một phần nào đó, hầu đáp-ứng cho những nhu-cầu tâm-linh của một bộ-phận nhân-loại, tùy theo đối-tượng, tùy theo địa-phương và trình-độ tiến-hoá của con người ở từng thời-đại.
Ngay Phật-giáo, Lão-giáo và Nho-giáo không gọi đích-xác rằng Thượng-Đế là Người tạo-dựng ra vũ-trụ vạn-hữu, nhưng Đức Thích-Ca đã gọi cái sinh ra pháp-giới chúng-sanh là Chân-như, Đức Lão-tử gọi là Đạo, Đức Khổng-tử gọi là Lý Thái-cực, không phải các Ngài phủ nhận Thượng-Đế, mà các Ngài muốn thức-tỉnh chúng sanh ở thời-điểm đó, không nên tôn thờ đa-thần và ỷ lại vào thần-quyền. Vì theo tín-niệm chung nhân-loại trong thời-đại của các Ngài, thường tin vào đa-thần, hoặc nếu có tin-tưởng vào Thượng-Đế thì cũng có một định-kiến rằng Thượng-Đế là một người có quyền-lực vạn-năng, quyết-định mọi sự một cách độc-đoán, nên các Ngài muốn giáo-hóa cho con người thời đó đừng ỷ-lại vào thần-quyền hay tin tưởng vào đa-thần một cách mê-tín dị-đoan, mà khuyên con người phải ăn ở đúng với Thiên-lý, Chân-tâm, Phật-tánh, đúng với lương-tâm và lòng trắc-ẩn sẵn có nơi chính mình, thì mới hưởng được phước-lành, chứ không phải chỉ cầu-khẩn suông nơi Thượng-Đế hay tin-tưởng vào nhiều thần-linh từ bên ngoài mà có được hạnh-phúc chân-thật.
Đối với bản-nguyên và quyền-năng của Thượng-Đế, trên thế-gian chưa có Đấng Giáo-chủ nào giảng-giải rõ-ràng được căn-nguyên của Ngài, cũng như diễn-tả được hình-thể của Ngài, vì Ngài là nguồn sống của vũ-trụ vạn-hữu, nên hình-thể của Ngài cũng có thể nói là hình-thể của cả vũ-trụ và vạn-hữu chúng-sanh, nên không thể lấy một con người hay một vật-thể nào để tượng-trưng cho Ngài được. Vì nếu đem ra so-sánh thì con người chỉ là hột cát trong bãi sa-mạc, chỉ là một phần-tử cực kỳ nhỏ bé so với nguồn sống bao-la của đất trời, đời sống lại vô-cùng ngắn-ngủi so với sự vĩnh-hằng của Tạo-hóa. Chính các vì Giáo-chủ là bậc Đại-giác-ngộ, nhưng cũng không thể nào dùng văn-tự và ngôn-ngữ hữu-hạn của con người để giảng-giải rõ-ràng.
Ngay như Đức Phật khi giảng-giải về Chân-như, là cái tạo ra pháp-giới chúng-sanh, nhưng Ngài cũng dùng những ngôn-từ như : cũng có, cũng không, không phải có, không phải không, cũng đồng, cũng khác, không phải đồng, không phải khác... hoặc là những điều ta biết như lá trong rừng, và cái ta nói ra như nắm lá trong tay này... (Theo Thủ Lăng Nghiêm).
Theo Đức Lão Tử thì Đạo tạo-dựng ra vũ-trụ, nhưng Ngài không biết gọi tên cái đó bằng gì, nên gượng gọi là “Đạo” (Cưởng chi viết Đạo), và khi Ngài nói về Đạo, cũng nói rất là thận-trọng và khiêm-tốn, thường dùng cách nói lơ-lửng như : có lẽ (tượng), giống như (tự), hình như (nhược), hoặc là (hoặc)... Ngài cũng xác-nhận rằng Đạo cũng như vũ-trụ vô-cùng huyền-bí, không thể hiểu được và giảng-giải được, nên trong Đạo-đức-kinh Ngài đã nói rằng :
“Đạo khả đạo phi thường đạo” (Đạo đức kinh / Thiên thượng).
Có nghĩa là cái Đạo mà đã diễn-tả ra được bằng lời nói, thì không phải là cái Đạo đã tạo-lập vũ-tru,ï thường-hằng bất-biến.
Còn đối với Nho-giáo, các vấn-đề huyền-bí về vũ-trụ và nhân-sinh, Đức Khổng-tử chỉ đề-cập đến trong khi sang-định kinh Dịch (Thiên-đạo) và kinh Xuân-thu (Thế-đạo). Phần này chỉ dành cho những đệ-tử có kiến-thức đặc-biệt tự lãnh-hội lấy mà thôi, chứ Ngài không đem dạy rộng-rãi cho mọi người. (Theo Nho-giáo của Trần Trọng Kim).
Đối với các vị Giáo-chủ là những bậc nhận thiên-mệnh của Thượng-Đế xuống thế-gian để độ-rỗi chúng-sanh, mà các Ngài không thể dùng ngôn-ngữ của con người để giảng-giải rõ-ràng các vấn-đề huyền-bí của Tạo-hóa. Nên các Ngài đành giữ im-lặng, xa lìa văn-tự, nhưng nếu không nói gì, thì làm sao cứu-độ chúng-sanh, nên các Ngài phải tuỳ thời, tuỳ trình-độ hiểu biết của nhân-loại mỗi nơi, mỗi thời-kỳ mà nói, nhưng nói một cách lơ-lửng như Đức Phật, hay rất khiêm-tốn như Đức Lão-tử hoặc chỉ nói đến phần thể-dụng thiết-thực như Đức Khổng-tử; cốt để gợi ý cho con người lắng nghe cho được tiếng gọi của Thượng-Đế từ nơi tâm-linh của mình mà thôi.
Quan-niệm về Thượng-Đế trong các tôn-giáo, cũng như ngoài nhân-gian, tuy có khác nhau, nhưng xét cho cùng, thì đều có một mục-đích là đả-phá những mê-tín của chúng-sanh trong một thời-điểm, và ở một địa-phương nào đó; nên những quan-niệm đó cũng có giá-trị giới-hạn nhứt-định, thích-hợp với từng địa-phương và từng thời-đại, nếu ta nhắm vào những giáo-lý cổ xưa của một thời-đại nào đó tại một địa-phương này, để kích-bát và đả-phá những giáo-lý đã được phổ-cập ở một địa phương khác, ở một một thời-đại khác, đó là điều không thức-thời. Cũng như dùng một quyền-lực nào đó, để bắt buộc mọi người ở mọi nơi phải nghe theo những giáo-lý đã lỗi-thời, không còn phù-hợp với sự tiến-hóa của con người, thì đó là một sự cuồng-tín nguy-hiểm, cũng như vì tham-quyền cố-vị cố duy-trì lại những giáo-lý cũ-kỹ để củng-cố quyền-lực, ngăn-cản không cho các giáo-lý mới-mẻ tiến-bộ lưu-hành, thì cũng là một điều tai-hại, trái với quan-niệm của Nho gia là :
“Muôn vật cùng sinh trưởng mà không xâm hại lẫn nhau, các đạo cùng lưu-hành mà không phản-bội lẫn nhau (Vạn-vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo lý tịnh hành nhi bất tương bội/Trung dung).
Như vậy cũng như xã-hội hiện đang tồn-tại, thì tất-cả niềm-tin vào Thượng-Đế cũng đang tồn-tại, nhưng có từng thứ bậc là điều cần-thiết, người tin vào Thượng-Đế hiện-hữu khắp mọi nơi, không nên cho người tin Thượng-Đế ngự trên Trời cao, cách biệt với con người là sai, vì đó cũng là một quan-điểm đúng, nhưng đúng với những người mới bắt đầu tin-tưởng vào Thượng-Đế, và niềm-tin nầy đang trên con đường đi đến chân-lý tuyệt-đối. Cũng như các tôn-giáo không dùng danh xưng Thượng-Đế để chỉ Đấng tạo-lập nên vủ-trụ, mà họ đã tin rằng có “Một Cái Gì Đó” đã vận-hành bằng “Một Cách Nào Đó” để tạo ra vạn-hữu chúng sanh như Phật-giáo, Lão-giáo và Nho-giáo, cũng không phải là một quan-niệm vô-thần, phi Thượng-Đế, mà họ cũng thừa-nhận Thượng-Đế dưới một danh xưng khác mà thôi. Nghĩa là niềm-tin nầy không phủ-nhận niềm-tin khác, mà niềm-tin nầy chỉ là sự hoàn-mãn của niềm-tin khác.
Bookmarks