Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện ăn độn
Đăng lúc: 17.05.2017 14:55
bài viết
Hạt thóc phần lớn gửi ra tiền tuyến nên người dân chấp nhận ăn độn trường kỳ - Ảnh: Tư liệu/Internet
Hạt thóc thời chiến tranh là hạt vàng, phải nộp lên kho thóc nhà nước để xay gạo gửi ra tiền tuyến nuôi bộ đội, mình ráng chịu thèm nhạt, đói thiếu để chờ ngày chiến thắng nên ai cũng chấp nhận.
Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết ăn độn là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, đâm ra thắc mắc độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn… Tôi có đứa cháu họ học lớp lá, có lần nó xin ông trẻ ơi cho cháu ăn độn với, thì ra nghe người nhớn nói, nó tưởng độn là món ngon, kiểu như gà quay, khoai tây chiên, pizza chẳng hạn. Cũng như có lần nó đòi về hưu, nó bảo ông bà về hưu sao không cho cháu theo, cháu thích về hưu lắm, thích hơn ở thành phố. Trẻ con ngây thơ thật dễ thương.
Miền Bắc ăn độn trường kỳ, suốt từ sau năm 1954 cho mãi tới đầu thập niên 90, còn dân miền Nam trước năm 1975 theo như ông bạn đồng nghiệp tôi người TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) kể thì không phải ăn độn, lúa gạo ê hề, độn điếc gì, chỉ từ sau 1975 mới được nếm món đặc sản vĩ đại ấy.
Bu tôi sinh tôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 1 năm. Sau này tôi nhớn rồi, thỉnh thoảng bu tôi ôn nghèo kể khổ, bảo “chỉ ông Thông là khổ nhất, chả biết thịt sữa là gì, tinh dững ăn độn”. Bu tôi kể lúc tôi còn bú nhưng bu chả có sữa, bởi ăn toàn những khoai, sắn, củ rau muống thì lấy đâu ra sữa. Tôi còi cọc đèo đẹn, nuôi mãi mới lớn cũng một phần do tôi là sản phẩm của thời đại thiếu thốn “dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, học đến lớp 10 mà chỉ loắt choắt như đứa lớp 7-8 hệ 12 bây giờ.
Đầu những năm 1960, cả miền Bắc rùng rùng bước vào công cuộc hợp tác hóa. Nhà nào không chịu vào hợp tác, cố làm ăn riêng lẻ thì bị o ép khổ sở đủ đường. Nhưng thày tôi quyết không vào, thày tôi bảo, xem kìa, những nhà vào hợp tác chỉ vài ba hôm là ăn độn ngay, nhà mình vừa mới khá lên, có bát cơm trắng thế này nhờ làm lụng mà được, chứ vào hợp tác là mất. Lý lẽ vậy, sắt đá kiên quyết thế, nhưng đến năm 1964 thì thày tôi đành phải phất cờ trắng đầu hàng, cùng nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu, là 3 nhà cuối cùng khép cánh cửa vào hợp tác. Không vào cũng chả được, họ coi như phản động, thành phần chống đối lại con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội; thuế khóa, thóc nghĩa vụ phải chịu nặng gấp đôi hộ xã viên, con cái đi học thì học phí cũng gấp đôi, muốn sinh hoạt đội thiếu nhi, muốn vào đoàn thanh niên cũng chả ai cho vào, còn định đi thoát ly làm công nhân hoặc học trung cấp rõ là điều không tưởng.
Vào hợp tác, mỗi nhân khẩu một vụ được chia vài chục cân thóc, quy thành gạo chỉ vài ký/tháng, thế là bắt đầu cuộc trường kỳ ăn độn. Nồi cơm vừa mới hôm nào bắc lên mở vung ra cơm trắng thơm phưng phức, đến nỗi mấy bà người thôn Du Lễ, Tú Đôi xã Kiến Quốc bên cạnh đi chợ huyện ngang qua, thường vào nhà tôi xin nước mưa uống cho đỡ khát giữa độ đường, các bà hỏi “ông ơi, nhà ta nấu gạo gì mà thơm thế?”. Hồi ấy, thày bu tôi có gần 9 sào ruộng, dành hẳn mấy sào cấy lúa di hương hoặc dự thơm, hạt thóc chắc nình nịch, xay ra hạt gạo có màu phơn phớt xanh, cơm thơm ngào ngạt. Cơm gạo di hương chỉ rưới mắm cáy cũng ngon quắt tai. Nhưng vào hợp tác thì chấm hết, không còn ruộng để cấy di hương, dự thơm nữa, các bà Tú Đôi, Du Lễ đi chợ ngang qua vẫn vào uống nước, chả ai hỏi gì ngay cả lúc nhà tôi trúng bữa cơm trưa. Nồi cơm giờ bữa thì độn khoai khô, bữa khoai tươi, củ sắn, ngô, khoai tây, hôm nào sang hơn thì mì sợi, cầm cái đũa cả xới mỏi mắt mới tìm thấy hạt gạo.
Thực ra thì không phải ai cũng chịu cảnh ăn độn. Cán bộ cấp cao dù thời nào cũng vậy, ngay cả khi chiến tranh ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, đói kém nhất vẫn không phải ăn độn. Họ còn có cả vùng quy hoạch trồng lúa đặc sản ở Mễ Trì (huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) chuyên cấy lúa tám thơm, dự hương cung cấp gạo ngon cho trung ương. Hồi những năm 1973-1976 tôi học đại học, trường nằm ngay vùng lúa ấy, buổi chiều ra đồng ngồi hóng gió, hương lúa thơm dìu dịu như say lòng người. Cây lúa còn thơm như vậy thì hạt gạo thơm đến thế nào.
Dân chúng chẳng ai tị nạnh với cán bộ trung ương làm gì. Quan to thì phải có chế độ đặc biệt chứ, kể cả hạt gạo. Điều đáng quý thời ấy là những cán bộ nhơ nhỡ, be bé đều chịu chung cảnh đói kém với dân. Những cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi như ông Sơn, ông Hoạt, bà Tươm… gia đình nào cũng ăn độn như bao gia đình xã viên khác. Anh Tế con bác họ tôi là chủ nhiệm HTX nhưng giở vung nồi cơm nhà anh thấy tinh những sắn. Tôi học chung cấp 1 với anh Nguyễn Đình Gơ con bà Tươm phó bí thư xã, một lần đến rủ Gơ đi học nhóm, trúng bữa cơm Gơ rủ vào ăn một bát hẵng đi, nồi cơm cũng chỉ toàn khoai lang độn, được mời ăn cơm mà kỳ thực là ăn khoai, vật chất nghèo nàn nhưng cái tình thì nhớ mãi.
Thèm cơm là sự thèm thuồng thường xuyên của đám trẻ con sống ngay giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ thời ấy. Chả ao ước điều gì ghê gớm, nhiều khi chỉ ước có bát cơm trắng không độn khoai khiếc gì, chan nước cá kho cũng đủ thỏa khao khát. Hạt thóc thời đó là hạt vàng, phải nộp lên kho thóc nhà nước để xay gạo gửi ra tiền tuyến nuôi bộ đội, mình ráng chịu thèm nhạt, đói thiếu để chờ ngày chiến thắng nên ai cũng chấp nhận.
Thứ độn vào nồi cơm thì đủ cả. Thông thường nhất là khoai khô, khoai lang, khoai tây, sắn, ngô, khoai sọ, củ mình tinh, mì sợi, bột mì nặn thành từng cục, có khi cả các loại đỗ, sau này có thêm hạt lúa mạch (miền Nam gọi là bo bo). Khó ăn nhất là bột mì và bo bo, vài bữa ngán ngay. Không có dầu mỡ để rán bánh như bây giờ, chỉ còn cách ngào nặn bột thành từng cục đem luộc, hấp hoặc bỏ vào phía trên nồi cơm. Bột mì mới còn đỡ, gặp phải mẻ bột cũ đầy mọt hoặc cứt gián phải đem rây lại. Mà cái thứ cứt gián thật ghê gớm. Cả nồi cơm chỉ cần bị một cục cứt gián là hôi ùm, không ăn thì đói, ăn vào cứ muốn nhổ ra ngay. Nhưng bột mì vẫn còn đỡ hơn hạt bo bo. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Bookmarks