Giải mật khối lượng vũ khí khổng lồ Liên Xô viện trợ Việt Nam

Trong giai đoạn 1953-1991, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 2000 xe tăng, xe bọc thép, 1700 pháo và súng cối, hơn 5000 pháo cao xạ, 158 tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến, đã triển khai 117 cơ sở quân sự. Bài viết sau đây trích từ chuyên mục “Nhìn lại ngày hôm qua” của đài Sputnik với chủ đề nói về sự giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nga-Việt vào tháng Giêng tới. Sau đây là nội dung bài viết:

Quan sát viên đài chúng tôi Aleksei Lensov viết: Trong buổi phát tranh lần trước, chúng tôi đã nói về sự hỗ trợ mà Liên Xô dành cho Việt Nam sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến trên không chống miền Bắc Việt Nam, ban lãnh đạo Liên Xô đã lập chương trình cung cấp viện trợ quân sự cho nước này. Kế hoạch khi ấy là viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự khoảng 10 triệu rúp cho Việt Nam – xin nói rõ rằng đồng rúp của Liên Xô thời đó rất có giá trị.


Các phi công Việt Nam với máy bay Mig-17 do Liên Xô viện trợ để chống Mỹ. Ảnh minh họa.

Để thống nhất với nhau về quy mô và tốc độ viện trợ, tháng Hai năm 1965, phái đoàn Liên Xô đứng đầu là Thủ tướng Kosygin đã đến Hà Nội. Tham gia cuộc đàm phán có các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Khi cuộc đàm phán đang diễn ra, không quân Mỹ đã tiến hành cuộc không kích lần thứ hai vào Hà Nội. Nếu Hoa Kỳ dự định đe dọa ban lãnh đạo Liên Xô, cảnh báo họ về việc giúp đỡ Việt Nam, thì họ đã nhận được kết quả hoàn toàn ngược lại. Sử gia Moskva kiêm nhà Việt Nam học Maksim Syunnerberg cho biết:

“Theo các nhân chứng, vốn là người luôn luôn điềm tĩnh và kín đáo, Thủ tướng Liên Xô Kosygin rất phẫn nộ vì sự ngang ngược của người Mỹ. Ngừng cuộc đàm phán, ông gọi về Moskva báo cáo với ban lãnh đạo Liên Xô rằng, theo ý kiến của ông, cần đáp trả hành động của Mỹ bằng cách cung cấp viện trợ cho Việt Nam với quy mô lớn hơn và thời gian nhanh hơn so với dự kiến trước đây".

Quan sát viên đài chúng tôi Aleksei Lensov viết tiếp: Quan điểm của ông Kosygin được ban lãnh đạo ở Moskva hoàn toàn ủng hộ. Tại cuộc đàm phán ở Hà Nội, hai bên đã đạt được tất cả các thoả thuận thích hợp. Đặc biệt là quyết định thành lập bốn trung đoàn tên lửa thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và gửi đến VNDCCH các chuyên gia quân sự, các thiết bị quân sự và vũ khí Liên Xô hiện đại nhất thời kỳ đó. Và trong những năm tiếp theo, tại tất cả các cuộc gặp liên chính phủ Xô-Việt, khối lượng quân sự của Liên Xô dành cho Việt Nam được điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên.


Các xe tăng T-54/55 xuất xứ Liên Xô đến nay vẫn được quân đội Việt Nam sử dụng.

Trong giai đoạn 1953-1991, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 2000 xe tăng, xe bọc thép, 1700 pháo và súng cối, hơn 5000 pháo cao xạ, 158 tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến, đã triển khai 117 cơ sở quân sự. Đa số viện trợ này được cung cấp cho Việt Nam trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại thời điểm đó, viện trợ quân sự chiếm hơn 60% tổng viện trợ của Liên Xô dành cho VNDCCH.

Vũ khí và trang thiết bị đã được chuyển giao trong khối lượng mà phía Việt Nam có thể sử dụng. Xét về giá trị, đó là khoảng 2 triệu $/ngày - và như vậy cho tất cả những năm chiến tranh. Cũng cần lưu ý rằng tất cả mọi viện trợ này đều không hoàn lại. Trang thiết bị quân sự được gửi từ Liên Xô đến Việt Nam là loại hiện đại nhất tại thời điểm đó. Ví dụ, tên lửa chống máy bay "Dvina" đã có thể bắn trúng mục tiêu trên không, ngay cả ở độ cao 25 km. "Từ trước tới nay, đây là vũ khí lợi hại nhất bắn từ mặt đất tới máy bay" - “Tạp chí quân sự-kỹ thuật" của Mỹ thời đó đã bình luận như vậy.


Các tên lửa Sam-2 mà Liên Xô gọi là Dvina đã giúp Việt Nam chiến thắng các máy bay B-52 của Mỹ.

Tên lửa "Dvina" đã tiêu diệt những chiếc máy bay địch đầu tiên trên bầu trời Việt Nam vào ngày 24 tháng 7 năm 1965. Ngày này trở thành lễ kỷ niệm thành lập lực lượng tên lửa Việt Nam. Tháng Hai năm 1967, tại khu vực vĩ tuyến 17, hai "pháo đài bay" "B-52" đầu tiên đã bị bắn rơi bằng loại tên lửa này. Thời gian đầu, chuyên gia quân sự Liên Xô đã điều khiển tên lửa bắn máy bay của đối phương, bộ đội tên lửa Việt Nam làm trợ lý cho họ. Một trong những bậc thầy tên lửa tại Việt Nam là Trung Tá Phedor Ilyin. Ông đã chỉ huy 18 trận đánh, bắn rơi 24 máy bay Mỹ. Thiếu tá Tereshchenko tham gia 11 trận và bắn rơi 10 máy bay. Thiếu tá Ryzhikh trong 9 trận bắn rơi 8 máy bay. Đại úy Bogdanov bắn rơi 8 máy bay trong 10 trận đánh...


Mỹ định dùng B-52 hủy diệt Việt Nam năm 1972 nhưng họ đã phải chuốc lấy thất bại đau đớn.

Lực lượng tên lửa phòng không đã chứng tỏ khả năng chiến đấu của mình trong vụ Mỹ không kích Hà Nội nhân dịp Giáng sinh 1972. Họ đã bắn rơi 54 máy bay Mỹ - đó là hai phần ba số máy bay kẻ thù bị bắn rơi trong khoảng thời gian này. Trong số đó có 31 máy bay ném bom chiến lược "B-52". Mỗi chiếc “Pháo đài bay” mang theo 25 tấn bom, có thể tiêu diệt toàn bộ dân cư và tất cả các tòa nhà trong khu vực tương đương với 30 sân bóng đá. Trong suốt thời gian chiến tranh, lực lượng tên lửa phòng không của VNDCCH, do các chuyên gia Liên Xô đào tạo, đã tiến hành 3328 trận đánh, tiêu diệt khoảng 1.300 máy bay Mỹ, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược "B-52". Tất nhiên, Liên Xô không chỉ viện trợ cho VNDCCH tên lửa chống máy bay. Trong cuộc mạn đàm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp nối chủ đề này.

Theo Tiếng nói nước Nga