Trang 2 trong 2 Đầu tiênĐầu tiên 12
kết quả từ 21 tới 31 trên 31

Ðề tài: QUANG MINH TU ĐỨC - KINH CHÙA TIÊN

  1. #21

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội Đạo cần nhất phải viên toàn bẩy việc thanh tao

    Bẩy việc thanh tao như sau:
    1. “ĐẠI TỪ” là nơi lòng thương xót to rộng thênh thang.

    2. “HOAN HỶ” là nơi dẫu có gặp cái cảnh ngộ thuận hay nghịch gì thì lòng cũng tự nhiên, không có chút gì là bất bình.

    3. “VÔ NGÔ là nơi thân người do năm uẩn giả hiệp mà thành thì đâu có cái gì chắc chắn nhất định là ta, còn pháp do nơi nhân duyên mà sinh ra, thế thì nhất định cái nào là ta, cho hay nghĩa cứu cánh vô ngã là thế đó.

    4. “DŨNG MÃNH” là nơi dũng mãnh lực mà tiến mãi lên con đường tu học cho được thành công kết quả.

    5. “ NHIÊU ÍCH” là nơi tấm lòng tế nhân lợi vật chẳng có khi nào biết nhàm.

    6. “HÀNG MA” là tấm lòng bình đẳng, rộng lớn như hư không, nên có cái oai thần tự tại, cảm hóa được tất cả ma quân.

    7. “VÔ CHỨNG” là nơi gương cảnh trí viên dung, một màu sáng suốt, thống nhiếp tất cả hiện tượng của mọi vật, bằng một bản thể tự nhiên, dầu cái bóng của muôn vật thoạt còn thoạt mất, biến đổi không thường, song cái bản thể sáng suốt bao giờ cũng vẫn nguyên hiện, thế nên gọi là Vô Chứng. Cho hay người đời mê hay ngộ, thì cũng tại trong lẽ ấy mà ra.

  2. #22

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội Đạo phải cần tu khổ luyện sao cho thành tựu năm điều công đức nhớn như sau này:

    1. Sự khó nhẫn phải cố mà nhẫn, việc khó làm phải cố mà làm.

    2. Ví dù có kẻ sàm nhiễu bách loạn mà lòng vẫn thản nhiên không giận, giáng điệu không lúc nào tỏ vẻ không vui.

    3. Chăm tu hết thảy mọi chỗ sáng suốt, khiến cho khôn khéo.

    4. Định để chữa mọi bệnh tán loạn; Tuệ để chữa tính ngu si; Tuệ mà không Định là Tuệ điên; Định mà không Tuệ gọi là Định khô.

    5. Muốn viên thành đại giác, rộng giúp quần sinh, phải dùng phép chỉ quán song vận, nghĩa là thôi bỏ sự hoặc tập, quan sát mọi nhẽ vô thường. 1) Phẩm hạnh ưu mỹ. 2) Thanh tịnh vô nhiễm. 3) Tổn mình mà ích cho người. 4) Dứt hoặc tập. 5) Chứng chân lý. 6) Lên tới bực tăng phẩm trang nghiêm. 7) Nếu muốn từ ngôi phàm mà vào ngôi Thánh, phải nên khiêm hạ lòng mình mà kính sùng bực có đức. Lúc nào cũng thấy đức của người mà không thấy lỗi của người. Lúc nào cũng thấy lỗi của mình mà không thấy đức của mình.

  3. #23

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội Đạo phải cần liễu ngộ bốn hạnh đại thừa nhập đạo

    Sự nhập đạo có nhiều cách nhưng ước lược mà nói thì chỉ có hai nhẽ này: 1) “LÝ NHẬP” và 2) “HẠNH NHẬP”.

    Sao gọi là “LÝ NHẬP”? Nghĩa là nhờ nơi giáo nghĩa mà ngộ được tâm tòng, nên thâm tín cái ý chúng sinh với chư Pháp đồng một tính thể chân như.
    Song vì chúng sinh nhầm theo cái tâm vọng tưởng, nên bị khách trần rộn rực án mặt chủ nhân, làm cho chẳng tỏ rệt ra được, cho sớm biết bỏ vong về chân, thì không người không thành phàm một bực, hằng đứng vững trên địa vị chân trụ, chẳng chút đổi dời, lại cũng không trì trục theo văn tự giáo nghĩa. Đó là mình hợp với chân lý, tịch nhiên vào cảnh vô vi, vậy nên gọi là “LÝ NHẬP”.

    Sao gọi là “HẠNH NHẬP”? Trong “HẠNH NHẬP” có bốn nghĩa kể lược như vầy:
    1. “BÁO OÁN HẠNH” là nói những người tu hành nếu trong lúc thụ khổ phải nghĩ rằng: vì kiếp vô số về trước, ta bò gốc theo ngọn, chôi lăn trong bể sinh tử luân hồi, gây ra không biết bao món nghiệp nhân thù ghét cho nên đời này dẫu ta không làm phạm đến tội lỗi mà bị các khổ báo như vậy, là bởi ác nghiệp của ta kiếp trước lưu lại, chứ không phải giời nào làm và người nào vu cho ta, nên phải đành lòng nhẫn chịu, không kêu oan than trách chút nào.
    Nếu tu hành mà quán thấu đáo được như thế, thì tự nhiên hiểu được nguyên nhân sự khổ một cách rõ ràng rồi do lòng kiên nhẫn đó mà tiến lên con đường Chính Đạo – Vậy nên gọi là “BÁO OÁN HẠNH”.

    2. “TÙY DUYÊN HẠNH” là nơi nguyên lai không có chúng sinh, như vì đầu tiên bởi một niệm vô minh gây ra nghiệp duyên nên kiếp kiếp đời đời xây quanh theo trong vòng quả báo.
    Nếu biết như vậy thì sự khổ sự lạc gì cũng do nơi nghiệp duyên mà sinh ra. Nếu đã do nghiệp duyên mà sinh ra, thì dẫu cho gặp được các cảnh ngộ vinh dự cũng là thiện nhân của ta kiếp trước mà chiêu cảm, hễ khi duyên hết rồi thì hoàn không, chớ có gì là đáng mừng?
    Nếu suy rộng thì nhất thiết việc được việc mất cũng điều tòng duyên chớ tâm không chút tăng giảm. Nếu người tu hành tham cứu thấu đáo được như thế, thì gió Bát Phong bặt thổi, lửa Tam Độc hết phừng, rồi tự nhiên tâm thuận với đạo, vậy nên gọi là “TÙY DUYÊN HẠNH”.

    3. “VÔ SỞ CẦU HẠNH” là nơi người đời hễ tiếp súc lấy cảnh gì hay sự gì, thì cũng sinh lòng tham trước, rồi mê mẩn ở trong trường sống say chết ngủ mà cạnh cầu không khi nào thỏa lòng dục vọng.
    Vả lại cửa nhà tam giới như bếp lửa hồng, nếu đã có thân ắt phải có khổ, cho nên những bực đã rõ thấu cái do lai của vạn hữu đều là không, mà để tâm vào trong cảnh giới vô vi tịnh tịch thì chẳng có chút gì hỉ cầu. Vậy nên gọi là “VÔ SỞ CẦU HẠNH”.

    4. “XỨNG PHÁP HẠNH” là nơi nhân theo cái lý của tịnh tính mà làm pháp, nhưng lý ấy vốn không các tướng: Trước, Nhiễm, Kia, Đấy.
    Trong kinh nói rằng: “Các pháp do nhân duyên mà sinh ra chớ thiệt là không tự tính”.
    Những bực trí giả đã đã tìm hiểu được lý ấy, nên xứng theo pháp mà làm, dẫu đem tài sản và thân mệnh ra bố thí thì cũng không lẫn tiếc, nghĩa là làm thế nào cho tới cái mục đích “Tự Lợi Lợi Tha” mà không trước tướng. Nếu thí độ đã như thế thì năm độ kia cũng vậy, vì bởi dứt trừ vọng tưởng mà tu theo pháp Lục độ, cho kỳ thật không có chỗ gì gọi là làm cả. Vậy nên gọi là “XỨNG PHÁP HẠNH”.

  4. #24

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội đạo phải chém bốn con ma dữ

    Thế nào gọi là bốn con ma dữ ? Tức là: 1. “MA MEN” 2. “MA SẮC” 3. “MA THUỐC PHIỆN” 4. “MA CỜ BẠC”.

    1. “MA MEN” – Thánh Hiền khi xưa sinh ra rượu để những khi tế lễ kính dâng, lúc yến ẩm vui mừng, tiếp khách nghênh tân cho lịch sự. Hoặc làm cơn tật bệnh dùng rượu làm thuốc bóp thuốc soa, rượu có tính chất thông kinh huyết giáng khí khu tà, rượu có ích chứ không phải toàn hại. Chỉ vì người chí ngu chí dại, dùng quá nhiều tai hại biết nhường nào, nào những khách thanh tao? Nào những người lịch sự? Dùng rượu sao phải giữ phải gìn cho có tiết có độ, chứ đừng cho rượu là duyên nợ với ba sinh, lúc buồn tênh uống rượu vào dãi tỏ tâm tình, khi lo lắng hết kinh hết sợ, cứ ngày ngày đeo thêm mối nợ, lâu thành người lang chạ rượu chè, say say tỉnh tỉnh lại mê mê, khi ban sáng lúc canh khuya lăn lóc lóc, mặt bừng đỏ tính hung hăng sấc lấc, môi đã mềm thì mắt hết trí khôn, trong gia đình mặc vợ mặc con, ngoài xã hội kệ anh kệ bác. Tạo nên nhiều tội ác, bày ra lắm trò dơ, kẻ thế cười chê, nghìn năm bia miệng. Vậy có thơ rằng:
    Say xưa chè rượu hỡi ai ơi!
    Tỉnh lại mà nghe nhủ mọi nhời,
    Hút vía thu hồn men chếnh choáng,
    Thiêu gan đốt ruột chén đầy vơi,
    Ngông cuồng nào biết khôn cùng dại,
    Nghiêng ngửa hay chi đất với giời,
    Be bét hại thân hư mất nết,
    Nghìn năm bia miệng thế gian cười.

    2. “MA SẮC” – Khá kinh thay cái sắc đẹp, đã làm cho mê mệt biết bao người, bực vua chúa vì sắc đẹp mà phải bỏ ngôi, đứng anh hùng vì sắc đẹp mà hư đời hại mạng. Khoé thu ba một lần sóng gợn, làm cho nghiêng nước nghiêng thành, người mỹ nữ đôi mắt đưa tình, làm cho siêu đình đổ quán, gặp người đẹp ngắm không biết chán, thấy gái tơ lòng những thèm thuồng, suối dục tình sóng nổi cồn cồn, khe dâm thủy nước tràn chan chứa. Phàm điều tà dâdm cũng vì chính thế, để danh kia ô uế xấu sa, muôn tội ác nhất thói dâm tà, mau chóng chóng kíp đã hối cải. Vậy có thơ rằng:
    Chính khu là chủ định tâm,
    Ham chi sắc đẹp luyến tình dâm,
    Lộn nhào vực thẳm xa hang tối,
    Đắm đuối sông mê đọa bể trầm,
    Phỏng lưỡi cháy mồm nồi mật ngọt,
    Toạc da đứt thịt ngọn dao đâm,
    Đào Tiên nỡ để lay phàm bén,
    Gương sáng đừng tung bụi phủ lầm.

    3. “MA CỜ BẠC” – Đánh bài bạc như tài bàn, tổ tôm, ích sì, Bài Cào, Phán Thán, Tài Sửu, Sóc Đĩa, Đánh bắt, Đánh chắn, vân...vân... Có khi vui chơi anh em mà đánh, có khi sát phạt mà chơi, xét ra điều có hại cả hai, này khi cầm đến quân bài thì chẳng hiểu đất giời, quên hết mọi sự, vì bao nhiêu tâm thần trí lực điều chú ý đến nước bài, đêm khuya canh giài, mất công mất việc, hại sức hại thân, lâu lâu dần dần, hóa ra người bê tha lang chạ làm hư con, làm khổ vợ, trong gia đình sẩy lắm nỗi bất hòa. Bài lá như Tổ tôm, Tài bàn cũng là con ác ma, ta kíp nên trừ diệt. Khi ngồi vào chiếu bạc ai chả khởi lòng tham? Những muốn móc ruột moi gan bạn đồng nghiệp, được ham ăn thua ham gỡ, mắc công mắc nợ, phải tội phải tù, chú cháu cũng là mà cha con không kể. Vậy có thơ rằng:

    1.
    Cho người say mệt lại say mê,
    Cờ bạc khen mi phép cũng kỳ!
    Tứ thất, cửu tam quay súc sắc,
    Thập thành bát sách nẩy chi chi,
    Nay khuyên mai dỗ trơ đầu vịt,
    Ngày bạc đêm bài rỗng sác ve,
    Cha mẹ mất trông con mất cậy,
    Cửa tan nhà nát bét bè be…

    2.
    Là bác thằng bần gã bạc bài,
    Mi sao mi lại khéo trêu ngươi,
    Khi thua đập phá tan tành nghiệp,
    Lúc được mê chơi chuyển động giời,
    Mê tiếng hát hay cô má phấn,
    Mê cung đàn ngọt ả mày ngài,
    Rượu nồng dê béo say mê mãi,
    Mê lúc chiều hôm buổi sớm mai.

    4. “MA THUỐC PHIỆN” – Thuốc phiện hương rất thơm tho mà ngon ngọt, hút khói vào xướng như bay bổng tột cung mây, ai chả mê? Ai chả say? Ai không ưa? Ai không thích? Nay một điếu mai một điếu, bùi mồm hút mãi lâu dần thành nghiện, giai tráng kiện thành yếu ớt xanh sao, gái má đào thành da chì mặt bủng, hại cả tộc chủng, hại cả gia đình, hại cả thân mình, một anh chàng nghiện. Nào vườn nào ruộng theo khói mà tan, nào bạc nào vàng chui vào chiếc lọ. Vậy có thơ rằng:

    Ngọc trong nỡ vứt vũng bùn nê,
    Hỡi khách A Phiền lẳng lặng nghe,
    Mày mặt võ vàng con mắt bạc,
    Cổ vai so rụt nước da chì,
    Ví hồn bay bổng làn mây khói,
    Vườn ruộng chui vào chiếc lọ xe,
    Này cái nợ nần vương vít mãi,
    Quăng đèn đập lọ tiếc mà chi?

  5. #25

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội Đạo phải giữ năm Đạo Thường

    Thế nào gọi là năm “ĐẠO THƯỜNG”? Năm “ĐẠO THƯỜNG” là
    1) VUA TÔI;
    2) CHA CON;
    3) VỢ CHỒNG;
    4) ANH EM;
    5) BÈ BẠN.

    Dẫu Tam Giáo Cửu Lưu cho đến Thần Tiên Phật Tổ trước cũng trọn vẹn năm Đạo Thường sau mới thành Đạo. Đạo tu luyện cũng bất xuất chữ “TAM CƯƠNG NGŨ THƯỜNG”. “TAM CƯƠNG NGŨ THƯỜNG” là tính giời phú cho người, Tam Độc Lục Trần là lòng người tự sinh ra. Lòng nhân dục thắng thì lòng thiên lý vong, người đời bây giờ như thế cả, cho nên mờ mờ mịt mịt, say Tam Độc, đắm Lục Trần, khinh Luân Thường, nhờn Đạo Đức, cho nhời nói Thiên Đường Địa Ngục là hoang đường, quả cửu tự mình làm ra, chẳng xa xuống u trì thì hãm vào ám thất. Còn mong gì tu luyện nữa. Nếu muốn tu luyện, nên lòng ngay ý thực, gìn giữ Cương Thường, đoạn trừ Trần Độc, ấy là cửa mở cho người nhập môn tu đạo đó. Nếu đã biết đường biết lối thì thành Tiên thành Phật công phu cũng được nhẹ nhàng. Vậy có thơ rằng:

    Ngũ luân là gốc phải vun giồng,
    Gốc vững ngọn tươi nẩy trái bông,
    Vua kính tôi trung ghi sử sách,
    Cha hiền con hiếu tỏ non sông,
    Chung cành liền cuống tình anh chị,
    Gửi thịt trao xương nghĩa vợ chồng,
    Tín nghĩa bạn bè năm đạo trọn,
    Tu thành Chính Quả phúc viên dung.

  6. #26

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội Đạo phải dưng năm thứ hương này để cúng dàng Đức Cha Hiền Mẹ Báu

    Tươi cười nét mặt không hờn,
    1. Là “Hương Cúng Phật” ngát thơm nhất đời,

    Từ bi ăn nói nhường lời,
    2. Miệng không hờn giận tức thời “Diệu Hương”,

    Lòng kia không chút giận hờn,
    3. Là “Hương Cực Lạc” Thiên Đường cảm thông,

    Không hờn ý ấy sạch trong,
    4. Là “Hương Đạo Đức” ngát xông ngạt ngào,

    Thân kia không chút giận nao,
    5. “Tịnh Hương” cảm thấu trời cao muôn trùng,

    Thắm tươi như cánh sen hồng,
    Suốt trong tựa ngọc sáng lồng như gương.

  7. #27

    Mặc định

    Các đệ tử tu theo Nội Đạo lúc nào cũng phải bước theo tám con đường chính

    Thế nào gọi là tám con đường chính?
    1. “Chính kiến” nghĩa là xem thấy chân chính.
    2. “Chính duy tư” nghĩa là nghĩ ngợi chân chính.
    3. “Chính ngữ” nghĩa là nói năng chân chính.
    4. “Chính nghiệp” nghĩa là việc làm chân chính.
    5. “Chính mệnh” nghĩa là sinh mệnh chân chính.
    6. “Chính tinh tiến” nghĩa là chuyên cần thật chân chính.
    7. “Chính niệm” nghĩa là ghi nhớ chân chính.
    8. “Chính định” nghĩa là thuyền định chân chính.

    Thật là con đường ngay thẳng mà sáng suốt, phá chất ngu, mở mắt thịt cho ta, khiến cho tinh thần khoái lạc êm đềm, vằng vặc giăng thiền, chói lòa gương trí, rũ sạch bụi cấu uế, thảnh thơi tới Liên Đài, xin đừng mê hoặc nghi hoài, cũng chớ rẽ ngang tạt tắt – Con đường trung đạo rất qúy tôn mà mầu nhiệm! Từ kẻ tại gia cho đến người xuất gia tu hành mong tấn tới, đảo cầu muôn ứng linh. Phúc Quả được viên minh, kịp mau mau đi theo con đường đó.

    Bát Chính quý hơn bảo ngọc tiền,
    Quỷ kinh, thần thiếp đất giời khen,
    Vẹn tròn muôn nết ngàn thu chuộng,
    Cao ngất chín từng một khí thiêng!
    Đỏ ối vàng tô trong tựa ngọc,
    Trắng ngần tuyết sạch ngát như sen,
    GƯƠNG TÂM lóng lánh soi ba cõi,
    Chứng đạo hiện thành PHẬT THÁNH TIÊN.

  8. #28

    Mặc định Kinh chùa Tiên

    TỔNG KẾT

    Khi đã trừ Tam Độc, tuyệt Lục Trần, chém bốn con ma dữ, tu trọn năm Đạo Thường, dâng năm thứ hương báu, bước theo tám con đường chính thì sẽ được kết như bài thơ sau này:

    Tuốt thanh Gươm Tuệ chém ma thiêng,
    Ma sắc, ma men, đổ bác yên,
    Bẻ lái Ngũ Luân qua khổ hải,
    Dương buồm Bát Chánh vượt mê xuyên,
    Muôn làn khí độc điều tan hết,
    Năm sắc mây lành tức hiện lên,
    Bền vững nền Nhân tươi cỗi Đức,
    Xinh tươi trái Phúc đẹp bông Duyên.

    TÁN HOA

    Khi tôn Phật Tượng (để thờ) hoặc Ảnh Tượng (để đeo) đức Nam Hải Quan Âm Tuyết Sơn Bồ Tát thì trước hết đọc bài “Bài Thhỉnh về Phật Tượng hoặc Ảnh Tượng Bạch Y Quan Âm Tuyết Sơn Bồ Tát” (Kinh Chùa Tuyết Quyển trung trang 61) sau đọc đến bài TÁN HOA như sau này:

    1.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Cúng dàng đức Bồ Tát,
    Đại bi đại Thánh Đức,
    Nguyện giáng phổ đàn chung.

    2.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Nhất tâm thành cúng dạng,
    Tuyết Sơn giáng Phật Tượng,
    Phóng vô lượng hào quang.

    3.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Cảm thấu cõi thiên thượng,
    Quan Âm giáng Phật Tượng,
    Hiện ngọc thể kim thân.

    4.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Cảm thấu Hương Sơn Động,
    Quan Âm giáng Phật Tượng,
    Ban Pháp Bảo Thần Thông.

    5.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Ngạt ngào Tam Thiên Giới,
    Tòa sen vàng thắm chói,
    Phật giáng hạ trần gian.

    6.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Cảm thấu nước Cực Lạc,
    Đức Quan Âm Bồ Tát,
    Phật giá ngự kim đàn.

    7.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Ngạt ngào trong giời đất,
    Cúng dàng đức Bồ Tát,
    Nam Hải Quan Thế Âm.

    8.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Một lòng tôn ngưỡng vọng,
    Tuyết Sơn giáng Phật Tượng,
    Tăng trưởng chư thiện côn.

    9.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Mùi hương bay sự nức,
    Nguyện cầu khắp muôn nước,
    Quy Nội Đạo Quang Minh.

    10.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Một tấc lòng thành kính,
    Quan Âm đại đức thánh,
    Giáng huệ trạch hồng ân.

    11.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Hồng, đào, lan, cúc, huệ,
    Đức Quan Âm giáng hạ,
    Phúc, Lộc, Thọ, ban ban.

    12.
    Chúng con tán hoa thơm,
    Cúng dàng Đức Bồ Tát,
    Phật thí ân bố đức,
    Thiên Hạ đại Thái Bình.

    13.Ca
    Hôm nay tháng tốt ngày lành,
    Mồng . . . tháng. . . phúc sinh rõ ràng,
    Chúng con thiện sĩ Minh Quang,
    Tôn tượng Bồ Tát Tuyết Sơn Phổ Đà,
    Thiết lập trai đàn Tán Hoa,
    Hương thơm tỏa khắp gần xa ngạt ngào…
    Cảm thấu ba cõi Thiên Tào,
    Tây Trì Cung Động cao cao muôn trùng,
    Tuyết Sơn giáng hạ cõi trần,
    Giáng linh lục trí thần thông tức thì!
    Giáng linh Phật Tượng Bạch Y,
    Oai thần hiển hiện riệu kỳ vô biên!
    Phụng thờ thiên vạn ức niên,
    Con con cháu cháu kế truyền hậu lai,
    Quan Âm Nam Hải Bảo Đài,
    Độ cho xích tử đời đời vinh hoa,
    Huệ lan sực nức mặn mà,
    Một nhà Ngũ Phúc Tam Đa kiêm toàn,
    Mừng nay cây Đức vững vàng,
    Nụ ngà quả ngọc hoa vàng long lanh.

    Na Mô Nam Hải Giáng Sinh Quan Thế Âm Linh Cảm Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát Lục trí Thần Thông giáng linh Phật Tượng. (Đọc 3 lần lễ 3 lễ).

  9. #29

    Mặc định Kinh chùa Tiên

    Giỗ Tết
    Nam Hải Quan Âm giáng

    Các Đệ tử tu theo Nội Đạo, khi giỗ ngày tết phải theo đúng nghi thức sau này:

    Trước hết phải khăn áo chỉnh tề, suốt cả gia đình cha mẹ, vợ chồng, anh chị em đồng quỳ trước ban thờ Tổ Tiên, đồng lễ 4 lễ 3 vái, mỗi lễ thỉnh một tiếng chuông, sau ngồi cả xuống chắp tay vào ngực, trước tiên đọc bài “Sái Tịnh” ở Kinh Chùa Tuyết Quyển Thượng trang 3 – khi làm phép thì cầm ba nén hương thư năm chữ Nhật Nguyệt Quang Minh Tâm vào bình nước lã, khi thư chữ Nhật thì miệng đọc Nhật Quang Bồ Tát, khi thư chữ Nguyệt thì miệng đọc Nguyệt Quang Bồ Tát, khi thư chữ Quang thì miệng đọc Ngọc Quang Bồ Tát, khi thư chữ Minh thì miệng đọc Quang Minh Bồ Tát, khi thư chữ Tâm thì miệng đọc Tâm ấn Thượng Sư Phật Tổ - Khi thư xong thì đọc ba Thánh Hiệu như đã chép ở kinh rồi cầm bình nước dót từ từ vào một cái chậu miệng niệm Phật một tràng hai ba tràng tùy tâm – niệm 10 câu Quan Thế Âm Bồ Tát – 10 câu Đại Thế Chí Bồ Tát – 10 câu Địa Tạng Vương Bồ Tát – 10 câu Tuyết Sơn Bồ Tát – 10 câu Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát – Khi niệm xong rẩy nước ở chậu ra trước cửa, rồi người con trưởng hay tộc trưởng bưng lô trầm, gia quyến mỗi người cầm 3 nén hương quỳ xuống đọc bài sau này (đọc một mình).

    Nhớ ơn Tiên Tổ - Công đức cao dầy – Bể rộng khôn bì – Non cao khó sánh – Chí thành chí kính – Nhân ngày hôm nay là ngày … tháng … năm … Chính là ngày (Kỵ Nhật, Tiêu Thường hay ngày tết nhất gì) tên vong là gì? Hiệu là gì? Táng ở đâu? hiếu chủ tên là gì? Vợ con của hiếu chủ tên là gì? Cư tại … cùng hết thảy họ hàng gia quyến kính dưng lễ cúng, tỏ chút lòng thành, xin … giáng linh, chúng con đội đức lại xin kính mời (nếu ông bà cha mẹ mất rồi thì mời cả) cùng Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, bá thúc huynh đệ, cô di tỷ muội, nội ngoại viễn cận, khắp cả tông môn, các vong lịch đại.

    Đọc đến đây người trên đọc người dưới điều họa theo:
    Hương trầm quế xạ - Nghi ngút ngạt ngào – Quỳ gối khấu đầu – Trước ban Tiên Tổ - Nguyện tấm lòng đỏ - Tươi thắm vàng son – Nguyện tích lắm công – Nguyện hành âm chất – Nguyện tâm trung thực – Nguyện tính thẳng ngay – Nguyện xin đêm ngày – Rèn tâm luyện tính – Nhân nghĩa trí tín – Trung hiếu tiết trinh – Quyết trí tu hành – Cầu Giời niệm Phật – Lòng con chân thật – Cầu nguyện ước mong – Tổ Tiên siêu thăng – Liên Hoa ngự tọa – Chứng con tấc dạ - Lạy Đức Tổ Tiên – Phù hộ cháu con – Đời đời thịnh vượng – Đèn Thiền tỏ rạng – Gương Trí chói lòa – Bát Nhã khai hoa – Bồ Đề nẩy nhánh – Nguyện theo Đạo Chính – Tu Đức Minh Quang – Thắm đỏ son vàng – Xanh tươi tòng bách – Nguyện lòng kiên quyết – Chẳng nhạt chẳng phai – Chẳng đổi chẳng dời – Chẳng lay chẳng chuyển.

    THI:
    Nhớ ơn Tiên Tổ đức cao dày – Bể rộng non cao khó sánh tầy – Nguyện chiếu đèn Thiền soi Vũ Trụ - Nguyện rung Trống Pháp tỉnh đông tây – Nguyện lòng vàng đá không phai nhạt – Nguyện đạo Chân Như chẳng chuyển lay – Nguyện được Tổ Tiên đời ngự tọa – Sen Vàng chín phẩm ngát hương bay.
    (Ngâm xong vái hương cắm lên bát nhang rồi lạy 4 lạy 3 vái, ngồi xuống tụng các bài như sau này:

    Biến thực chân ngôn
    Na mô tát phạ đát tha nga đa pha rô chỉ đế, án tam bạt la, tam bạt la hồng (đọc đủ 21 lần).

    Cam Lộ Thủy Chân Ngôn
    Na mô tô rô bà da, đát tha nga đà da, đát điệt tha án tô rô tô rô, bát la tô rô, sa bà ha (đọc đủ 9 lần).

    Xong niệm 4 hiệu Phật như sau này:
    1) Na mô Đa Bảo Như Lai
    2) Na mô Quảng Bác Thân Như Lai
    3) Na mô Diệu Sắc Thân Như Lai
    4) Na mô Ly Bá Úy Như Lai

    Niệm xong rồi búng móng tay 7 lần rồi đọc bài này:
    Chúng con Thiện Sĩ Quang Minh. Chí thành chí kính đinh ninh một lòng. Hoàng Thiên ban tứ ân hồng. Thượng Thiên Phật Tổ Cửu Tằng Hư Không. Di Đà Thế Chí Quan Âm. Tuyết Sơn Bồ Tát thần thông vô cùng! Ra tay lấp bể trầm luân. Cứu bao bệnh tật gian chuân thảm sầu. Vô biên phép Phật nhiệm mầu. Cam Lồ tịnh thủy một bầu tưới ra. Lầu lầu sạch rửa trần xa. Cây khô nẩy lộc sinh hoa tức thời. Lòng con bao xiết mừng vui. Khấu đầu lạy trước Kim Giai tâu quỳ. Giốc lòng niệm Phật tu trì. Cảm mười phương Phật phù trì xót thương. Tràng phan bảo cái dẫn đường. Tổ Tiên mừng được sinh sang Liên Trì. Sen vàng thay sắc một khi. Hương liên ngào ngạt quang huy chói lòa. Vô biên thọ mệnh hà xa. Chẳng sống chẳng chết chẳng già chẳng đau. Muốn sao như ý sở cầu. Thần thông pháp lực nhiệm mầu vô biên. Tiêu rao tự tại tự nhiên. Đi về khoảnh khắc cánh Tiên nhẹ nhàng. Ra vào cung ngọc điện vàng. Oai nghiêm tướng mạo rỡ ràng kim thân.

    (Đọc xong niệm Phật 3 tràng, niệm Quan Thế Âm Bồ Tát 10 câu, niệm Đại Thế Chí Bồ Tát 10 câu, niệm Địa Tạng Vương Bồ Tát 10 câu, niệm Tuyết Sơn Bồ Tát 10 câu, niệm Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát 10 câu. Khi niệm Phật xong lễ 4 lễ 3 vái rồi dưng 3 tuần rượu, mỗi tuần đọc một bài thơ và lễ 4 lễ 3 vái).

    1)
    Một tuần rượu chuốc nguyện từ nay,
    Lái hiếu chèo trung vững dạ này,
    Tăng lộc tăng khang tăng phúc thọ,
    Gặp duyên gặp vận gặp rồng mây.

    2)
    Hai tuần rượu chuốc nguyện từ nay,
    Cột nghĩa buồm nhân quyết dựng xây,
    Quả Phúc hoa Duyên tươi tốt đẹp,
    Thắm như vàng đỏ ngát sen bay.

    3)
    Ba tuần rượu chuốc nguyện từ nay,
    Muôn đám mây mù quét sạch ngay,
    Đốt đuốc “Quang Minh” ngời bốn bể,
    Treo gương “Tu Đức” chiếu đông tây.

    HẾT

  10. #30

    Mặc định

    Cảm ơn Ban Quản Trị đã tách từng cuốn Kinh Quang Minh ra để các Thiện sĩ Quang Minh dễ coppy. Kinh Quang Minh còn một số cuốn nữa mong BQT biên tập để nhiều người có tài liệu tu tập.

  11. #31
    Đai Đen
    Gia nhập
    Dec 2012
    Nơi cư ngụ
    Đi khắp mọi nơi mà ko dời..một chốn
    Bài gởi
    584

    Mặc định

    Trời là Cha, Phật là Mẹ...thật hợp tình hợp lý, dù kẻ ngu muội cũng dễ thông suốt mà cung kính.
    Nam Mô Ngọc Hoàng Thượng Đế Vô Cực Đại Từ Tôn!
    Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Từ Tôn, Đại Từ Tôn!
    Nam Mô A Di Đà Phật!
    Nam Mô QUan Thế Âm Bồ Tát!
    Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát!
    Nam Mô Tam Toa THánh Mẫu, Tứ Phủ Vạn Linh!

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 2 users browsing this thread. (0 members and 2 guests)

Similar Threads

  1. BỬU SƠN KỲ HƯƠNG - TÁC GIẢ VƯƠNG KIM
    By vankhuc in forum Bửu Sơn Kỳ Hương
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 22-07-2012, 04:47 PM
  2. PHƯƠNG TU THỜI TAM KỲ PHỔ ĐỘ
    By kinhvotu in forum Đạo Cao Đài
    Trả lời: 5
    Bài mới gởi: 22-07-2012, 12:50 AM
  3. Tôi muốn làm Linh mục
    By hoi tho in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 96
    Bài mới gởi: 25-06-2011, 11:26 PM
  4. QUANG MINH TU ĐỨC - KINH CHÙA TUYẾT
    By Love_Tamlinh in forum Quang Minh Tu Đức
    Trả lời: 26
    Bài mới gởi: 28-12-2010, 06:52 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •