II/- Ý NGHĨA CHỮ ÐẠO
TRONG CAO ĐÀI GIÁO
Trong tôn giáo Cao Đài người ta quen dùng chữ Đạo với ý nghĩa hết sức bao quát. Qua kinh điển và ngôn ngữ trong sinh hoạt hằng ngày của người tín đồ một cách đại khái chúng ta ghi nhận những nghĩa chánh sau đây:
1/ ÐẠO LÀ NGUYÊN LÝ TẠO THÀNH VŨ TRỤ
Trong trường hợp nầy chữ Đạo được dùng để chỉ những hiện tượng đã xảy ra liên tiếp như thế nào trong vũ trụ, kể từ khởi nguyên để đạt đến kết quả là có những vì tinh tú, thái dương hệ của chúng ta cùng những sinh vật đang sống trên địa cầu ngày nay. Ý nghĩa nầy giống như thuyết nói về "Dịch lý" trong triết học Trung Quốc. Đó là con đường biến hóa từ nhất nguyên đến nhị nguyên và tăng số mãi mãi tạo thành hình tướng và những sinh hoạt vô cùng phức tạp của vũ trụ như ngày nay.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của Đạo Cao Đài có ghi lời dạy của Đức Chí Tôn như sau : " Khi chưa có chi trong Càn Khôn thế giới thì khí hư vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực, Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra càn khôn thế giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là : vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm gọi là chúng sanh (TNHT. TG.1928).
Ở một đoạn khác cũng với ý trên đây nhưng nói rõ hơn về con người và Thần linh. " Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một chơn thần mà biến càn khôn thế giới và cả nhân loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy, các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con mới có chư Thần Thánh Tiên Phật" (TNHT.Q1.tr 48).
Giáo lý nầy nói rõ sự sanh hóa từ một ra hằng hà sa số và gọi con đường ấy là Đạo. Khi giảng về sự sống chết của kiếp con người Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế có dạy : " Tà mị cũng như hột lúa bị ẩm mà thúi thì thế nào mọc đặng mà sanh bông trổ trái?. Còn bậc chơn tu tỷ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì lên cây, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa chơn thần, chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Đạo" (TNHT.TG 22-7-1926).
Lại nữa khi giảng về nghi lễ, chấp hai tay bắt ấn tý để lạy có nghĩa gì thì Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng đã dạy rằng Đạo là con đường sanh hóa do phép âm dương phối hợp : " Tả là nhựt, hữu là nguyệt, vị chi âm dương. Âm dương hiệp nhứt phát khởi càn khôn, sanh sanh hóa hóa Tức là Đạo"
Lạy kẻ sống hai lạy là tại sao?
" Là nguồn cội của nhơn sanh, lưỡng hiệp âm dương mà ra. Ấy là Đạo. (TNHT.TG.25-2-1926).
Tất cả những dẫn chứng trên đây cho chúng ta thấy rằng nghĩa lý chữ Đạo là con đường sanh hóa ra muôn loài vạn vật khởi từ một gốc duy nhất là hư vô chi khí.
2/- ÐẠO LÀ CON ĐƯỜNG PHẢN BỔN HUỜN NGUYÊN
a)- Cá thể:
Từ nhứt nguyên sang nhị nguyên cái chơn thần của Đấng Chủ tể Càn khôn thế giới ngày nay bị phân chia manh mún để tạo hóa vạn linh và gởi gấm vào trong những hình hài dị biệt cái năng lực sống của chính Ngài bàng bạc khắp mọi nơi. " Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy, Thầy là cha của sự sống." Hoặc nói rõ hơn " Cái mạng sống là Thầy "
(TNHT.TG1928) Thế nhưng khi bước sang vòng nhị nguyên thì sống và chết là những giai đoạn kế tiếp nhau, và chỉ có ý nghĩa tương đối. Nói sống là để so sánh với những gì gọi chết và ngược lại nói chết là để so sánh những gì gọi sống. Vượt lên trên thế giới nhị nguyên ấy chúng ta thấy rằng sự sống chết chẳng qua chỉ là những lần biến hóa của cái chơn thần Đấng Thượng Đế luân chuyển từ trong hình hài nầy qua hình hài khác, chẳng khác nào chất nước khi thì ở đồng ruộng tắm mát cỏ cây, lúc chảy ra sông nuôi loài tôm cá, khi thì ở đại dương, khi bốc thành hơi nước lúc hóa mây mưa có lúc lại chun vào thân người thành máu huyết, lúc tiết ra mồ hôi, nước tiểu. Nước ấy vẫn là nước nhưng đã trải qua bao lần biến thể cũng như chơn thần của Thượng Đế đã tự phân chia thành muôn vàn mạng sống của vạn linh, luân chuyển qua những hình thức tử sinh của vạn loại mà khối sống ấy vẫn không hề mất.
Con đường trở về từ vạn linh đến Thượng Đế từ tiểu ngã của mỗi cá thể hòa vào cái đại ngã của vũ trụ cũng gọi là Đạo. Ấy là con đường phản bổn huờn nguyên mà các nhà Đạo giáo xưa nay vẫn thường gọi.
Sự trở về với nguồn gốc nguyên thủy, sự hiệp nhứt giữa Trời và Người, giữa vạn linh và chí linh cũng được những người tín đồ Cao Đài gọi là Đạo. Giáo lý Cao Đài dạy rằng nơi mỗi con người chúng ta có ba phần quí báu nhứt là Tinh, Khí, Thần. Ngày nào ba món ấy hiệp một được thì người tu sẽ thành công, nghĩa là trở về cùng khối đại chơn thần của Đức Chí Tôn mà biến hóa vô cùng. Sự hiệp nhứt ấy được gọi là Đạo trong lời giảng giải sau đây: " Lạy Thần lạy Thánh ba lạy là tại sao? Là lạy Đấng vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Đạo. (TNHT.TG 25-2-1926)
b)- Tập Thể :
Còn nói về sự hiệp nhứt của những tập thể gồm nhiều sanh linh thì Đạo có nghĩa là con đường trở về nguồn gốc nguyên thủy. Nó được vạch ra phơi bày trước mắt, mời mọc cho người bước lên và cùng đi theo hướng đi ấy. Như một đoàn lữ hành nối đuôi nhau rảo bước mà có kẻ đến đích trước người đến sau, hoặc có kẻ ngả gục giữa đường ấy là tùy ở những bước đi của chính cá nhân họ. Con đường hay Đạo nơi đây có tính cách khách quan như một phương tiện cống hiến cho con người. Trong ý nghĩa đó, chúng ta tìm thấy chữ Đạo được dùng để chỉ những tổ chức tôn giáo, các hình thức tín ngưỡng, triết thuyết Đạo giáo. Đạo được bày ra nhằm giúp cho con người biết cách sống đúng với nguyên lý sanh hóa của Trời đất từ nhứt bổn tán vạn thù rồi vạn thù qui nhứt bổn. " Thầy khai bát quái mà tác thành càn khôn thế giới nên mới gọi là Pháp, Pháp có mới sanh càn khôn vạn vật, rồi mới có người nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy". (TNHT.TG-24-10-1926).
Dĩ nhiên với ý nghĩa nầy chữ Đạo dùng để chỉ phần " vạn thù qui nhứt bổn " tức là một nửa chu kỳ của một dòng tấn hóa vì đã được nói quá rõ " Lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy "" Đạo là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Đạo thì các bậc ấy đều lạc bước mất hết ngôi phẩm" ( TNHT- TG- 1926 )
Đoạn nầy còn chỉ rõ hơn, Đạo là con đường trở về cựu vị tức là nguồn gốc ban xưa, Đạo là phương pháp tu hành hay là công thức để cho nhiều người nương theo đó tìm trở lại phần tinh anh bất sanh bất diệt ngay từ trong những diễn biến hữu sanh hữu diệt của cuộc đời trần tục nầy, thường gọi tắt là lánh cửa luân hồi.
3)- Đạo là những quan niệm luân lý xã hội
Đã bảo rằng "các con là Thầy, Thầy là các con " thì với cái nhìn đầy tính cách nhân bản, Thượng Đế chẳng qua là tập thể vạn linh. Vậy thì ý muốn của đa số con người trên hoàn vũ chính là ý muốn của Đức Chí Tôn. Những sự cố gắng liên tục của bao thế hệ nằm trong hướng tiến đến những tiêu chuẩn tốt đẹp chi phối cuộc sống của con người dần dần hình thành những quan niệm về luân lý xã hội cũng gọi là Đạo. Ấy là những lẽ phải tương đối do xã hội qui định, có tính cách biến thiên tùy theo thời gian và không gian.
Giáo lý Cao Đài có ghi lại lời xác định của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế về một nghĩa của chữ Đạo đồng với luân lý xã hội như sau : " Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy thành chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc khán , khôn vô đắc duyệt thì nhơn loại duy có hành Đạo nơi tư phương mình mà thôi"
" Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng càn khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau." (TNHT.TG-24-4-1926)
Nghiên cứu về phong tục và xã hội học chúng ta thấy quá rõ rằng "Bên này dãy núi Pyrénées là chân lý, bên kia lại là sai lầm." ( Vérité en deca des Pyrénées, erreur au delà- Pascal).
Ngay cả lẽ phải trong đời sống lứa đôi gọi là đạo vợ chồng cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Nơi đây bị kết án là vi phạm luân lý xã hội nghĩa là vô Đạo, nếu người trai kết hôn với con gái của dì ruột y, ngược lại ở xứ khác như Trung Hoa y có thể làm công việc ấy một cách tự nhiên.
Tóm tắt, chữ Đạo trong giáo lý Cao Đài được dùng để chỉ :
- Nguyên lý sinh thành vũ trụ hay nguồn gốc phát sinh mọi vật và mọi việc.
- Sự trở về nguồn trong đời sống của cá nhân.
- Lý thuyết, phương pháp tổ chức giúp cho tập thể con người hướng về nguồn gốc nguyên thủy.
- Luân lý xã hội bày ra có tính cách hướng dẫn đời sống con người đạt đến những giá trị cao hơn các loài sinh vật khác.
Bốn nghĩa chính ấy xếp liền nhau đã cho chúng ta một ý niệm khá đầy đủ về chữ Đạo trong học thuyết Cao Đài, dẫu rằng còn nhiều điều chưa được giải rõ và hứa hẹn những sự khám phá mới trong tương lai. " Đạo nghĩa lý rất sâu xa nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng." (TNHT.TG.1926).
Bookmarks