kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Chân sư và Tà sư

  1. #1

    Mặc định Chân sư và Tà sư

    Chân sư và tà sư khác nhau chỗ nào?

    Đối với tu sĩ của một số tôn giáo tôn thờ thần quyền, sự đánh giá chân-ngụy, chánh-tà khá dễ dàng qua mặt đạo đức, tác phong của chính các vị tu sĩ ấy. Mà phẩm cách đạo đức, tác phong của tu sĩ các tôn giáo này thường chỉ đặt nền tảng trên sự cần mẫn tận tụy hiến dâng, phụng sự thần linh, thực hành các giáo điều, tín điều đã được thần linh ban hành hay trích dẫn từ kinh sách được tin là được viết ra do sự mặc khải của thần linh. Tu sĩ nào thực hành nghiêm chỉnh các tín-giáo điều thì được coi là có đạo đức; và ngược lại thì vô đạo đức; hoặc thiếu đạo đức mà làm bộ như ta đây đạo đức thì bị gọi là đạo đức giả. Đối với tu sĩ các tôn giáo ấy, tu tập chỉ có nghĩa là như vậy: tuân thủ các giới điều và tín điều.
    Trong khi đó, thực hành giáo lý đạo Phật, tu sĩ Phật giáo không phải chỉ là những người trau luyện đạo đức hay một thứ tư cách cao quí đức hạnh làm người nào đó mà xã hội mong đợi. Con đường chính yếu của họ là thực hành các phương pháp tinh diệu nhằm phá vỡ biên giới của tự ngã để thể nhập vào bản thể tịch lặng vô biên sẵn có trong mỗi người, mỗi loài. Để thành tựu trọn vẹn mục tiêu này, hành giả phải trải qua một tiến trình, hoặc nhanh hoặc chậm, gồm 53 giai đoạn từ sơ cơ đến thượng trí. Những giai đoạn tu chứng này vượt ra khỏi thứ đạo đức làm người của thế gian, bước vào thánh hạnh cao quý của hàng Bồ tát, Phật. Và chính vì có khá nhiều giai đoạn và thứ bậc như thế, việc nhận dạng các vị chân tu đắc đạo đang ở giai đoạn nào không phải là đơn giản, trừ phi chúng ta đắc đạo như Phật.
    Tuy nhiên, như đã nói ở trước, để tầm sư học đạo, chúng ta cần thiết phải biết nhận dạng một vị chân sư để theo học, như cách người xưa thường nói “chọn mặt gởi vàng.” Điều này nói ra có vẻ như một điều mai mỉa bất kính làm đụng chạm một số đạo sư nào đó. Nhưng nếu thực sự có một sự đụng chạm, hóa ra vị đạo sư ấy dễ bị dao động đến thế sao? hóa ra vị đạo sư ấy hãy còn một cái ngã to lớn cứng rắn nào đó để cho sự lượng giá của học trò đụng chạm đến sao? và nếu cứ tránh né đụng chạm những đạo sư, hóa ra lại đẩy những thiệt thòi về phía những người học trò đang khao khát tìm cầu chân lý?

    Người học trò thượng căn như Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa có thể rời bỏ các sư phụ để tự mình tìm kiếm chân lý, còn những học trò căn trí thô thiển cạn cợt như chúng ta ngày nay thì sao? Nếu chọn lầm sư phụ thì chẳng phải là cái tiền đồ tu tập của chúng ta sẽ mở vào một cõi u u minh minh hay sao?

    Cho nên, rất cần thiết phải biết chọn thầy bằng cách nhận dạng dấu hiệu thực nghiệm toát ra từ nếp sinh hoạt của họ. Sự nhận dạng này không có nghĩa là phải nhìn thấu từng quả vị tu chứng của họ hoặc đòi hỏi họ phải chứng minh sở đắc. Chúng ta có một chìa khóa nhỏ để mở ra cái kho vô tận xứng đáng cho mình qui phục, nương tựa. Và chìa khóa đó chính là điểm chung mà hầu như các vị chân tăng đều có: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

    Chân sư và tà sư theo quan niệm Phật giáo khác nhau ở chỗ đó. Họ có thể sử dụng những phương tiện giống nhau: tụng kinh, tọa thiền, giảng dạy Phật Pháp, làm việc văn hóa, làm việc xã hội từ thiện... Nhưng mục đích hành đạo của họ thì khác nhau: một bên thì có khuynh hướng dẹp trừ bản ngã để thể nhập vào thể tánh vắng lặng vô biên; một bên thì nuôi lớn bản ngã, đắp cao thành trì của ái dục và lợi danh tầm thường.

    Nếu chú trọng đến chân và tà. Mà trong chân có thể vừa có thánh vừa có phàm, trong khi trong tà—dù có là một đạo sư nổi tiếng cách mấy đi nữa—chỉ hoàn toàn là phàm. Như vậy, nếu chúng ta thực sự muốn tìm cầu một bậc thầy có khả năng hướng dẫn ta tiến đến giải thoát giác ngộ, nên lấy chân, bỏ tà.

    Đức Phật đã từng nói: “Nếu nước đại dương chỉ có một vị mặn thì đạo lý của ta chỉ có một vị duy nhất là giải thoát.” Hành giả tu tập có thể giữ gìn giới luật để được giải thoát từng phần [biệt giải thoát] tùy theo giới cấm mình tiếp thọ; nhưng mục tiêu tối hậu vẫn là giải thoát hoàn toàn tất cả mọi phiền não trói buộc của tự tâm. Mà để có được điều này, phải dẹp trừ cả ngã chấp và pháp chấp. Tóm lại, tu tập theo chân tinh thần Phật giáo là đi vào vòm trời tự tại vô ngại của tánh Không để được thành Phật như đức Phật, chứ không phải chỉ học làm người, học làm vua, làm tôi, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm thầy giáo, làm học trò, làm người truyền đạo, làm nhà trí thức, làm người có bằng cấp thế gian, làm người có tiếng tăm danh vọng, làm công dân đạo đức đàng hoàng trong xã hội... mà bất cứ tôn giáo nào cũng có thể hướng dẫn được.

    Chân sư Phật giáo tạm thời phân chia thành hai bậc: thánh tăng và phàm tăng.

    Các chân thánh tăng thì không còn gì để nói, vì chắc chắn họ là những bậc chân sư đáng qui phục, ai có phước duyên thì được tu tập dưới sự hướng dẫn của họ. Giả như không gặp thánh tăng, chúng ta hãy còn may mắn là có những chân phàm tăng để bái làm thầy. Những vị này tuy chưa chứng thánh nhưng luôn có khuynh hướng truy cầu giải thoát giác ngộ, biết được con đường chân chính để đi và hướng dẫn môn đệ cùng đi, nỗ lực tu tập những phương thức dẹp trừ bản ngã và khát dục. Cả hai bậc chân sư trên đều rất xứng đáng cho chúng ta đảnh lễ qui y.

    Nhưng ở trên, vẫn chỉ là nói một cách khái quát. Chúng ta cần đi vào chi tiết: làm thế nào để nhận ra một vị chân sư? Câu hỏi này đưa chúng ta quay trở lại với tiền đề nêu ở trước: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày của các vị chân sư.


    VÔ NGÃ TRONG NẾP SINH HOẠT
    Theo quan niệm Phật giáo, sở dĩ chúng sinh trôi lăn trong biển khổ luân hồi là vì đã tự cho rằng mình thực sự có một thứ bản ngã độc lập. Một vài tôn giáo tôn thờ thần quyền cũng đã xác nhận có một thứ bản ngã qua sự tồn tại bất diệt của linh hồn; trong khi có tôn giáo chủ trương hy sinh bản ngã bằng cách dâng hiến trọn vẹn thể xác và linh hồn cho thần linh để được đền bù tưởng thưởng xứng đáng sau khi chết. Công nhận hay chối từ bản ngã theo các lối trên, đều chứng minh có một cái ngã có thực tướng hay có thực tánh, thực sự tách rời với vũ trụ và vạn hữu chung quanh. Và đây chính là cái mầm của phiền não, trói buộc.

    Tu tập theo Phật giáo là tiến trình của sự lột bỏ (nhanh hay chậm, hoàn toàn hay từng phần) sự vận hành và tồn tục của cái ngã đó. Dù là thượng căn hay hạ trí, dù phương pháp tu tập có khác nhau, họ vẫn có điểm chung là phá trừ kiến chấp về ngã.

    Như vậy, chúng ta có thể chọn lựa bất cứ vị sư phụ tầm thường (không chân chính) nào trên cuộc đời để hướng dẫn chúng ta nếu chúng ta không cần giải thoát giác ngộ mà chỉ cần chạy rông để tìm danh lợi trong số đông hoặc một thứ giá trị đạo đức thông thường của thế gian; còn nếu thực sự muốn tu tập để thoát ly sinh tử, chúng ta phải sáng suốt tìm đến một vị chân tăng chứ không cần uổng phí thì giờ và công phu tu tập của mình theo chân những vị thầy mà nếp sinh hoạt hàng ngày của họ biểu lộ rõ ràng khuynh hướng bảo vệ và nuôi lớn tự ngã như các trường hợp điển hình sau:

    — khi một vị thầy tự xưng mình là bậc thầy vĩ đại hoặc là bậc thầy cao tột không ai bằng (đại sư, vô thượng sư), hoặc vui thích đắm mình trong những danh xưng, tước hiệu, phẩm hàm tôn quí do kẻ khác ban tặng... vị thầy ấy đang ở trong cơn mê của lòng vị ngã, ái ngã, và đang ôm theo mình niềm tăng thượng mạn, tích cực nối đuôi ma vương để trèo lên đỉnh thang hào nhoáng của danh vọng và quyền lợi thế gian;

    — khi một vị thầy nói với bạn rằng chỉ có phương pháp của ông (hay bà) là cao tột, vượt hẳn các phương pháp của các bậc thầy khác, thì vị thầy này đang sống trong niềm tự hãnh của một bản ngã còn đầy căn khí kiêu kỳ, ngạo mạn;

    — khi một vị thầy phê phán và chỉ trích cá nhân những bậc thầy khác, nêu những lỗi xấu của những bậc thầy khác để làm nổi bật phong cách của mình, thì vị thầy này đang biểu lộ phần nào tâm lượng tị hiềm nhỏ mọn của mình;

    — khi một vị thầy, dù không lên tiếng chỉ trích kẻ khác, cũng không tự mở lời khoa trương về phẩm cách của mình, nhưng hài lòng với sự tâng bốc ca tụng của môn đệ và trong lòng tự nghĩ mình cao quí, lẳng lặng cười mỉa mai kẻ khác, không chịu lắng nghe quan điểm của kẻ khác để tự sửa mình mà một mực cho rằng kẻ khác chỉ trích hay phê phán mình là vì họ thua sút và ganh tị mình, thì vị thầy này cũng đang tự bồi đắp tường thành ngã chấp ngay ở nền tảng thâm sâu của nó;

    — khi một vị thầy thường tỏ vẻ bất bình, bẳn gắt, cau có, lúc nào cũng muốn mọi người phải thuận theo ý mình chứ không chấp nhận luận điểm trái ngược, chỉ đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối từ kẻ khác, thì vị thầy ấy đang tiếp tục nuôi dưỡng mầm mống của tâm ái ngã;

    — khi một vị thầy thường trau chuốt bề ngoài của mình bằng hương hoa, bôi trát son phấn để tạo cái đẹp giả dối hoặc che giấu nhân dáng thực của mình, hoặc dùng các thứ trang sức vàng bạc, y phục diêm dúa đắt tiền lộng lẫy để chứng tỏ sự hào phóng giàu sang... có nghĩa là vị thầy đó chưa bao giờ tìm thấy một thứ giá trị cao tột nào ở phần tâm linh và đang bị dẫn dắt bởi những tiểu yêu tầm thường nhất của con ma dục vọng;

    — khi một vị thầy ưa thích xuất hiện giữa đám đông quần chúng để được ca tụng và đón nhận lòng ngưỡng mộ từ kẻ khác, tung tiền bạc và lòng thương giả tạo để mua chuộc niềm tin của những kẻ nghèo kém vật chất và tinh thần... vị thầy đó đã tự chứng tỏ có một sự rỗng tuếch bên trong của mình và đang cố gắng khỏa lấp bằng ảo tưởng là có một thứ tự ngã cao quí được người khác nhìn nhận;

    — khi một vị thầy lộ vẻ hãnh diện khi được sự tưởng thưởng từ các giới quyền lực thế gian, khiếp sợ và tỏ ý tuân phục các thứ cơ cấu chính quyền để mưu cầu an nguy cho bản thân, hoặc cảm thấy mình được tăng giá trị khi thân cận tiếp xúc với giới này, hoặc thâu góp tài sản dâng hiến của môn đệ để biếu tặng giới này mà mưu cầu danh vọng... vị thầy đó rõ ràng hãy còn cái tâm vị ngã, chưa thấy được giá trị cao tột của con đường xuất thế viễn ly, chưa tìm được nơi nương tựa chân chính cho tâm linh mình và chưa tự làm ngọn đuốc soi sáng cho đời mình;

    — khi một vị thầy thường lấy bằng cấp, sách vở, kiến thức thế gian và sự qui tụ đông đảo của giới trí thức học đường thế tục để làm thứ bảo chứng giá trị cho việc tu tập tâm linh của mình, có nghĩa rằng vị thầy ấy đang còn đứng ngoài vòng rào của trí tuệ siêu việt, chưa bao giờ nếm được chất liệu giải thoát giác ngộ thực sự và có thể là chưa từng bao giờ có khuynh hướng muốn vươn tới sự viễn ly triệt để;

    — khi một vị thầy làm được điều gì cũng hay có khuynh hướng tự kể lể, báo cáo, khoa trương, đưa hình ảnh và tên tuổi của mình ra trước công chúng qua các phương tiện truyền thông hoặc khích lệ, vui vẻ, tán đồng sự tâng bốc, khoa trương kể lể của môn đệ đối với việc làm của mình... vị thầy ấy hãy còn mê muội đắm mình trong ảo giác của những vầng hào quang huyễn dối của dư luận và danh vọng thế gian;

    — khi một vị thầy sợ hãi dư luận quần chúng, sợ hãi sự mang tiếng cho cá nhân mình, sợ hãi sự phiền hà rắc rối cho đời tư của mình mà ngoảnh mặt với điều thiện nên làm, làm ngơ trước điều ác đang làm khổ những đồng loại chung quanh mình, thì vị thầy ấy chưa có được tâm vô úy; chưa có được tâm vô úy có nghĩa là vị thầy ấy hãy còn nuôi giữ một thứ bản ngã to lớn, co rút trong cái vỏ của vị kỷ, cầu an; điều này cũng chứng tỏ vị ấy chưa có được sự mẫn tuệ của kẻ thực hành bồ tát hạnh và cũng chưa phát triển đúng mức lòng từ bi của mình đối với chúng sinh...

    Vài nét đại cương ở trên dĩ nhiên không có giá trị tuyệt đối nhưng ít nhất chúng cũng cho chúng ta khái niệm về những biểu hiện của cái ngã—đối tượng để tu tập và chuyển hóa trong tất cả mọi pháp môn, mọi sinh hoạt của Phật giáo.

    Trình bày những biểu hiện của sự chấp ngã để những người môn đệ tìm cầu giải thoát giác ngộ có thể chọn được một minh sư chân chính nào đó để hướng dẫn mình đi đúng đường; còn những vị đang đóng vai trò hướng đạo thì cũng tự nhìn lại mình, lượng giá được chân tướng của mình cũng như con đường mà mình đang đi.

    Trường hợp những người học trò chỉ tìm đến thầy để học đạo như cách học trò đến trường thu lượm kiến thức, hoặc chỉ như những học giả muốn tìm hiểu một thứ triết lý gì đó cho thỏa tính hiếu kỳ hay để soạn viết một tác phẩm biên khảo công phu mà giương danh với đời, hoặc như những người tín đồ đúng nghĩa (tức là chỉ đến với tôn giáo bằng niềm tin, không cần suy xét) tìm đến nơi thờ tự đấng thần linh để cầu sự che chở hoặc ban thưởng phước lành, hoặc những người tìm đến tôn giáo chỉ vì muốn trả ân đã được tôn giáo đó giúp đỡ vật chất khi ngặt nghèo, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ vì để được kết hôn với người thuộc tôn giáo ấy, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ để học một cách sống đạo đức hay chỉ để học một nếp sống hòa bình, an lạc, nhàn nhã trong cuộc đời... thì bài viết này không liên hệ gì đến họ cả. Bởi vì những gì mà số người này tìm kiếm, họ có thể tìm được ở bất cứ nhà đạo đức nào, bất cứ vị học giả hay triết gia nào, bất cứ vị bác sĩ tâm thần nào, bất cứ nhà từ thiện xã hội nào, bất cứ vị thầy nào của tất cả các tôn giáo có mặt trên thế gian này, rất nhiều và nhiều lắm

    Nhưng để vĩnh viễn thoát ly sinh tử hay ít nhất cũng chọn được chính đạo để xác định tiêu đích giải thoát của mình, người học trò phải tìm cho kỳ được một vị chân sư (phàm hay thánh) đang ngày đêm nỗ lực hướng đến tiêu đích giải thoát đó và đang sống giữa cuộc đời ô trược này mà không đắm nhiễm cuộc đời. Tính cách bất nhiễm của vị chân sư đó được thể hiện trong tinh thần vô ngã. Sự tu tập của người theo Phật giáo khác với tín đồ của các tôn giáo khác ở chỗ đó.

    Trong Phật giáo không có phương pháp cao thượng hay phương pháp thấp kém. Quan trọng là ở chỗ nó được thực hiện trong tinh thần vô ngã hay chấp ngã. Thực hiện trong tinh thần vô ngã tối thắng, vừa cứu độ lợi ích cho chúng sanh vừa giúp hành giả dẹp trừ được sự chấp ngã và giải thoát sinh tử luân hồi. Thực hiện trong tinh thần chấp ngã chỉ đưa chúng ta đến gần với thế giới của ma vương và nếu có giúp gì chăng thì chỉ giúp chúng ta trở thành những con người đàng hoàng, đứng đắn, mô phạm, đạo đức, sống an hòa trên cuộc đời
    Last edited by khongkhongkhong; 06-01-2009 at 10:00 AM.

  2. #2

    Mặc định Di chuyển bài

    Di chuyển bài của khongkhongkhong
    Ngày gởi: 05-01-2009, 11:00 AM


    Thời mạt pháp, ma quỷ lộng hành, bày chuyện hoang đường nhảm nhí để đưa người ta vào ma đạo, thống khổ trầm luân. Mình xin giới thiệu trích dẫn một bài viết về thế nào là minh sư, để các bạn suy ngẩm, hầu tránh vào ma đạo:"................"

    Trên con đường tu học của người theo đạo Phật, chúng ta có nên tìm cầu vị minh sư hay không?

    Ngày xưa muốn học đạo phải lặn lội đi tìm thầy, vì thầy là người không những có đức hạnh mà còn có đầy đủ kinh nghiệm tu trì và có khả năng truyền dạy lại cho người sau. Thời ấy muốn học đạo phải đến chùa vì chỉ nơi đây mới có đầy đủ kinh sách. Ngày nay, việc tìm kinh sách không khó, ngoài chùa ra, còn có trong các thư viện trường đại học, các nhà sách lớn và ở trên Internet, ai cũng có thể tìm đọc và tự nghiên cứu học hỏi. Do đó có người nói việc tìm thầy học đạo thời nay không cần thiết lắm. Tuy nhiên, quý bạn cần lưu ý, ngay chuyện học ngoài đời, chúng ta vẫn phải có thầy dạy. Việc nghiên cứu trong sách vở là điều cần thiết nhưng vẫn cần phải có thầy hướng dẫn. Đó chỉ là học về kiến thức mà còn cần đến thầy dạy, huống chi cầu học đạo giác ngộ giải thoát?

    Trong đạo Phật không phải chỉ học giáo lý suông mà còn phải tu trì nữa. Một vị thầy dạy chúng ta giáo lý không những qua việc thuyết giáo mà còn dạy chúng ta về giới đức qua hành động và cử chỉ hàng ngày của ông thầy mà thuật ngữ nhà Phật gọi là thân giáo. Chính thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị thầy mới quan trọng, nó làm gương cho ta noi theo. Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy. Một trăm lần tụng đọc về kinh Từ Bi không bằng một lần thấy hành động từ bi nơi vị thầy của mình.

    Hiện nay có một số người tự xưng mình là Minh Sư, Đạo Sư, Vô Thượng Sư, Đại Sư, Thiền Sư, vân vân… thường dùng một số giáo lý Phật giáo, lợi dụng uy tín của đức Phật để thuyết giảng hầu lôi cuốn quần chúng, nhưng thực chất bên trong những điều giảng đó lại chứa đựng những tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Cho nên, nếu chúng ta là những Phật tử quyết tâm tu hành theo giáo lý giải thoát, mà không hiểu rõ giáo lý căn bản của nhà Phật thì rất dễ bị đi lạc đường
    Trước hết chúng ta nên lưu ý đặc biệt đối với những vị Thầy hay bất cứ một ai khi đến khuyên bảo chúng ta tu mà luôn luôn khoe khoang pháp môn của mình là hay nhất và ra sức chê bai hay chỉ trích pháp tu khác là sai đường, cho là không đúng, thì chúng ta phải xem xét lại những lời nói và hành động của họ, tức là tìm hiểu về thân giáo, tức hành động, nhân cách, giới phẩm và đức hạnh của vị ấy và động lực nào thúc đẩy ông ấy giảng dạy.
    Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy rằng: “Động lực giảng dạy của một vị Thầy phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…”

    Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…”

    Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền được ăn cắp. Ông nói, “là những người được Trời Brahma tức đấng sáng tạo của thế giới, đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa”. Trong số những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng vị thầy người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …”

    Đó là lời giảng dạy của Ngài Đạt Lai Lạt Ma về việc chọn Thầy. Với Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm, trong bài giảng Lựa chọn minh sư như thế nào ?

    Hoà thượng nói:

    "Nghề học phải chuyên nhất." Do đó học tập pháp môn nào đều phải lựa chọn các bậc minh sư có chuyên môn giỏi, độc đáo, tinh thông về các mặt học vấn nghệ thuật và giáo lý Phật học. Mặc dù minh sư không nhất thiết phải từ cửa minh sư mà trưởng thành ra, trong số đệ tử của minh sư không nhất thiết xuất hiện những đệ tử xuất chúng. Nhưng khi đi tìm minh sư thì tối thiểu họ cũng không được nhầm phương hướng, dạy sai yếu lĩnh, phải đảm bảo an toàn, chắc chắn chứ không thể như "người mù chỉ lối cho người mù".

    Vậy ai là minh sư ? Thường thường thì không có cách nào mà biết được điều đó. Đặc biệt là theo kinh nghiệm của tôn giáo và khi khổ công tu thiền, khi bản thân chưa nhập môn thì không có cách nào phán đoán được ai là minh sư và ai không phải là minh sư. Thế nhưng minh sư không nhất thiết phải nổi tiếng, nhưng người minh sư được quần chúng công nhận thì đáng tin cậy hơn so với người tự xưng là minh sư mà chưa được đông đảo quần chúng công nhận. Hoặc các bậc thầy tuy chưa nổi tiếng nhưng được các bậc thầy đã nổi tiếng giới thiệu là minh sư cho mình thì đó là điều đáng tin cậy.
    Như kinh "Hoa Nghiêm" có nói : "Phương thức thiện tài đồng tử tham gia về việc chất vấn 53 vị thiện tri thức thông qua một vị giới thiệu một vị đã hình thành mối quan hệ liên tục đối với 53 vị sư. Vì vậy, các thiện tài đồng tử tuyệt nhiên không phải công nhận các bậc thầy một cách mù quáng".

    Bất kỳ thời đại nào trên thế gian này đều có những nhân vật tự xưng là tôn sư của thời đại. Họ dùng những lời yêu quái để mê hoặc quần chúng, lẫn lộn trắng đen, nghe thấy lung tung, thu nạp đông đảo các đệ tử phô trương thanh thế. Nếu không phân biệt rõ thì rất có khả năng lấy tà sư khét tiếng làm minh sư. Vì vậy, Mạnh Tử cũng nói: Tai họa lớn nhất của con người là "thích làm thầy người ta".
    Bởi vì những tà sư này có tác hại hướng dẫn lệch lạc lương tâm xã hội, khiến cho con người nẩy sinh nhiều sự quấy nhiễu không bình thường, nghi hoặc bất an. Do vậy, mà theo họ, học tập những tà pháp, tà thuyết và tà thuật thì chẳng những không mở mang được cảnh giới nhân sinh mà ngược lại còn mang tác hại cho thân tâm mình, gia đình mình bất hòa. Chỉ đáng tiếc là những người bình thường rất khó mà phân biệt được cái thật, cái giả, cái tà, cái chính của những người này.

    Xét theo lập trường của Phật Pháp thì tiêu chuẩn về cái tà, cái chính, cái tối, cái sáng đều phải được khảo sát, thí nghiệm ở trung tâm cái tôi của mình. Nếu con người còn mang nặng tham, sân, si thì nhất định không phải là minh sư. Lại có người tuy bề ngoài thì biểu hiện nhân từ, vẻ mặt phúc hậu, tươi tắn, đạo mạo trịnh trọng nhưng lại là kiêu căng, ngạo mạn thì cũng nhất định không phải là minh sư. Về việc tìm minh sư, "Đại trí độ luận" cuốn 4 đã nêu lên 4 điều trọng yếu gọi là tứ y pháp "4 chỗ nương tựa".

    1) Dựa vào pháp không dựa vào người :

    Minh sư không tự cho mình là trung tâm, cũng không lấy cá nhân nào đặc biệt làm quyền lực mà lấy nguyên tắc, quy luật chung là tiêu chuẩn Pháp của Phật giáo là pháp nhân duyên, pháp nhân quả. Nếu đạo lý và những điều khêu gợi của vị thầy nào trái ngược với phép tắc nhân quả và nhân duyên thì không phải là minhh sư. Bởi vì, nhân quả đòi hỏi chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhân duyên là dạy chúng ta không được khởi tâm chấp trước tham, sân. Không thì tuy được đông đảo mọi người tôn là Thánh cũng không khác gì tà sư.

    2) Dựa vào nghĩa không dựa vào lời :

    Phàm là phép tắc chân chính thì nhất định tung ra bốn biển đều đúng, từ xưa tới nay đều giống như nhau, không phải vì bối cảnh dân tộc, khu vực, văn hóa khác nhau mà sai biệt khác nhau. Nếu cho rằng do sự cấm kỵ về tôn giáo hoặc có sự bí mật trên ngôn ngữ mà không phải chính pháp là không đúng. Chính pháp nên chú trọng đến sự cảm thông về nghĩa lý chứ không được câu nệ trên sự dị biệt trên ngôn ngữ. Tỉ dụ, nếu nói người theo đạo Hồi chú trọng đến chữ Ả rập, người Do Thái chú trọng đến chữ Hêbơrơ thì xét về chuẩn tắc là khác nhau. Người theo đạo Phật chú trọng đến chữ Phạn, Pàli là để nghiên cứu những kinh điển nguyên thủy, để truy tìm nguyên nghĩa chứ không phải nói chữ Phạn và chữ Pàli có thần lực và thần thánh gì đặc biệt. Tất nhiên Ấn Độ giáo chú trọng đến tiếng Phạn, âm Phạn khác với Phật giáo.

    3) Dựa vào trí, không dựa vào thức:


    Trí là trí tuệ của thánh nhân, là sản sinh ra đại trí của vô ngã, từ đại bi đến đồng thể. Do đó, hể có tự ngã làm trung tâm, dù là vì mình, vì người, thậm chí vì tất cả chúng sinh hoặc vì cầu cho Phật Đạo vô thượng, dù là đại ngã, phạm ngã và thần ngã, cái ngã cá biệt và cái ngã toàn thể đều không thể sản sinh ra trí tuệ chân chính được. Vì vậy, điều đó vẫn thuộc vào phạm vi trí thức và trí tuệ. Trí thức là từ trong kinh nghiệm học tập của bản thân mình mà sản sinh ra tác dụng phân biệt, ghi nhớ và suy lý. Còn trí tuệ chỉ có hiện tượng của khách quan không có trung tâm chủ quan. Chỉ có công năng chuyển vận, không có trung tâm chủ thế, nếu trái ngược như thế thì không phải minh sư.

    4) Dựa vào ý nghĩa rốt ráo, không dựa vào ý nghĩa không rốt ráo:

    Nghĩa rốt ráo là không nói ra được, không có pháp nào có thể chấp, không có pháp nào có thể tu, cũng không có pháp nào có thể chứng được. Đúng như vô niệm vô tướng, vô trụ, mà "Đàn kinh" nói : "Không vì cái gì, cũng không có cái gì, chỉ việc ăn cơm, mặc quần áo, sinh sống, lợi mình, lợi người, tinh tiến không ngừng".

    Căn cứ vào 4 điều chuẩn trên, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng ai là minh sư, ai không phải là minh sư, rồi dựa vào 4 tiêu chuẩn đó mà quan sát thẩm tra minh sư mà mình mong gần gũi thì nói chung không thể có sự nhầm lẫn, rồi ngày qua tháng lại dù không gặp được minh sư thì bản thân anh cũng trở thành minh sư…”

    Các bạn thấy đó :
    Đức Đạt Lai Lạt Ma và Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm đã chỉ cho chúng ta một số nguyên tắc trong đó có bốn tiêu chuẩn để chọn minh sư. Y pháp bất y nhân là một trong bốn tiêu chuẩn hướng dẫn chúng ta trên đường đi tìm thầy tìm học đạo. Câu này có nghĩa là nương theo giáo pháp chứ không nương vào thầy. Lẽ dĩ nhiên, y pháp bất y nhân không có nghĩa là được pháp rồi thì không cần biết gì đến thầy. Học đạo không giống như học các ngành học ở ngoài thế gian, học đạo phải có lòng tri ân tôn kính thầy nhưng không bám víu và thần tượng hóa thầy.

    Ngày nay một số trong chúng ta theo thầy không phải vì thực sự cầu pháp gỉai thoát mà vì tình cảm hay biên kiến, hay vì thầy là người nổi tiếng trên thế giới, đông đệ tử xuất gia lẫn tại gia có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, có chùa to đất rộng, vân vân...đáng tiếc thay cho đạo giác ngộ giải thoát, đạo phá trừ chấp ngã, phá trừ tham sân si.

    Có nhiều Phật tử đặt câu hỏi: Sau khi quy y và tu học theo thầy một thời gian dài, cảm thấy không tiến bộ, tham sân si vẫn như cũ, chấp ngã gia tăng nhiều hơn, muốn đi chùa khác tìm thầy khác nhưng làm như thế có phải là phản thầy không. Chúng tôi xin thưa ngay là không có mang tội phản thầy. Khi làm lễ qui y là chúng ta quy y với ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, chứ không phải quy y với thầy. Thầy chỉ là vị đại diện làm lễ quy y cho chúng ta quay về nương tựa với Tam Bảo. Trong buổi lễ chưa bao giờ chúng ta nói: Con xin quy y với thầy Thích Tâm A hay thầy Thích Tâm B. Hơn nữa, ở ngoài đời, học xong bậc tiểu học, chúng ta phải lên trung học rồi lên đại học chứ đâu có thể học mãi một lớp hay một trường được.

    Xưa kia lúc còn tìm đạo, thái tử Tât Đạt Đa đến học với đạo sĩ Alara Kalama, sau khi chứng được thiền "Vô sở hữu xứ" và không học được gì thêm nữa thì ngài từ giã thầy. Kế tiếp ngài đến học đạo với Uddaka Ramaputta, sau khi chứng được thiền "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" và không học được gì hơn thì ngài cũng kiếu từ ra đi. Nếu thái tử trung thành ở lại với đạo sĩ Kalama hay đạo sĩ Ramaputta thì chắc ngày nay chúng ta không có Đức Phật và Phật Pháp.

    Là Phật tử, muốn có được đời sống an lạc, hạnh phúc, tiến bộ, chóng thành đạo quả giác ngộ thì phải hết sức cẩn trọng trong việc chọn thầy, chọn bạn, chọn pháp môn tu, chớ để tánh hiếu kỳ dẫn dắt, thì mới khỏi oan uổng công phu tu tập suốt cả một đời.

    Đọc bài viết này, hi vọng các bạn sẽ ra pháp là tà pháp, ai là tà sư bày chuyện hoang đường nhảm nhí để dẫn dắt mọi người đi vào tà đạo.

    -------------------------------------------------------------------------


    Di chuyển bài của ramboman
    Ngày gởi: 05-01-2009, 11:54 AM


    Chào KHONGKHONGKHONG!
    Rất khâm phục những hiểu biết rất thâm thúy của bạn, rất chính xác sẽ đem lại lợi ích cho thật nhiều người!Mình thấy có nhiều người còn rao bán "Bùa,Ngải" giảm giá nữa kìa hihihii.Bài viết của bạn sẽ cảnh tỉnh được nhiều người đấy!
    Mình chỉ bổ sung thế này:
    Du bất cứ người thầy nào đi chăng nữa chúng ta chỉ nên gọi là thầy chứ không nên gọi là Sư Phụ vì:
    Trước khi nhận ai làm Sư Phụ thì ít nhất chúng ta cần phải có sự hiểu biết về vị nầy ít nhất là từ 7 đến 10 năm. Sau khi biết chắc vị này có đủ các phẩm chất đạo đức cũng như trình độ để "độ" cho mình thi hãy nên tin theo.Con không? Mình khỏi phải bị ai lợi dụng và giúp cho vì thầy đó không có cơ hội để ngạo mạn.
    vài lời mong chỉ giao thêm
    thân ái!
    Ngả nghiêng đồi cao bộc trăng ngủ
    Đầy mình lốm đốm những hào quang
    ramboman

    -------------------------------------------------------------------------


    Di chuyển bài của bonbanhiba
    Ngày gởi: 05-01-2009, 11:58 AM


    Trích dẫn Nguyên văn bởi ramboman Xem Bài Gởi
    Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
    Đầy mình lốm đốm những hào quang
    Ramboman có hai câu thơ hay đấy, cả bài thơ thế nào hả bạn?

    -------------------------------------------------------------------------


    Di chuyển bài của ramboman
    Ngày gởi: 05-01-2009, 12:36 PM


    Chào bonbanhiba!
    Đây là 2 câu thơ trong bài thơ NGỦ VỚI TRĂNG của cô thi sĩ HÀN MẶC TỬ.
    Ta không nhấp ruou
    Mà lòng ta say
    Vì lòng nao nức muốn
    Ghì lấy đám mây bay
    Té ra ta vốn là thi sĩ
    Khát khao trăng gió mà không hay
    Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy,
    trên sóng cành, sóng áo cô gì áo đỏ hây hây
    Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lảng
    Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây
    Gió nâng khúc hát lên cao vút
    Vần thơ uốn éo lách rừng mây
    Ta hiểu rồi, trong một phút
    Lời tình chơi với giữa sương bay
    Tiếng vàng rơi xuống giếng
    Trăng vàng ôm bờ ao
    Gió vàng đang xao xuyến
    Áo vàng bởi chị chưa chồng đã mặc đi đêm
    Theo tôi đến suối xa miền
    Cõi thơ, cõi mộng, cõi niềm yêu đương
    Mây trôi lơ lửng trên dòng nước
    Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
    Ngả nghiêng đồi cao boc trăng ngủ
    Đây mình lốm đốm những hào quang.
    HÀN MẶC TỬ

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •