kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Sự thật về “ma thuốc độc” ở xã Cẩm Lạc

  1. #1

    Mặc định Sự thật về “ma thuốc độc” ở xã Cẩm Lạc

    Sự thật về “ma thuốc độc” ở xã Cẩm Lạc
    2:43, 29/04/2007



    Lá bùa của "thầy" Long.


    Nhiều bà con ở các thôn: Hưng Đạo, Nam Hà, Lạc Thọ thuộc xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện một số triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như: nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ít ăn và kém ngủ... nên một số người "bắn tin": Có ma thuốc độc(!?).


    Từ nguồn tin của kẻ xấu, hàng chục bà con lũ lượt cơm đùm, áo gói vượt hơn 10 cây số đến nhà riêng của Nguyễn Văn Long (50 tuổi, ngụ thôn 2, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) để nhờ "thầy" khám bệnh, "bắt con ma thuốc độc" ra khỏi người...

    Nỗi oan sau đám cưới

    Câu chuyện mang tính chất mê tín dị đoan có thể được bắt đầu từ miệng của những người ác ý ở thôn Hưng Đạo.

    Ngày 22/2/2007, gia đình anh Dương Đức Hải (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lê (45 tuổi), ở thôn Hưng Đạo, xã Thạch Lạc, tổ chức liên hoan cho con gái về nhà chồng. Mâm cỗ soạn ra như thường lệ, bà con trong xóm, ngoài thôn tấp nập kéo đến mừng hạnh phúc gia đình, mừng con gái ngày mai về nhà chồng. Cuộc vui diễn ra bình thường, đầm ấm.

    Sau cuộc vui 3 ngày của gia đình anh Hải, một số bà con trong xóm có biểu hiện mỏi mệt, có người ho, có người tức ngực, khó thở... Không hiểu từ đâu, một nguồn tin như sét đánh giáng xuống gia đình anh Hải: Lợi dụng đám cưới, vợ chồng anh Hải, chị Lê bỏ thuốc độc cả xóm (!?). Trong khi đó, hàng trăm người đến ăn cỗ chẳng ai việc gì, chỉ vài người có mâu thuẫn trong buôn bán với chị Lê tung tin ở chợ Biền. Anh Hải và chị Lê “chết đứng” trước lời đồn thổi của kẻ độc miệng bởi không sao thanh minh được miệng thế gian...

    Theo thống kê của cơ quan chức năng xã Cẩm Lạc, trong hơn một tháng qua, đã có ít nhất 150 người là công dân xã Cẩm Lạc, mà tập trung ở các thôn Hưng Đạo, Nam Hà và Lạc Thọ, đã trực tiếp, hoặc gửi áo đang mặc, đi xa cả chục cây số để nhờ "thầy" Nguyễn Văn Long... “khám bệnh”.

    Trước tình hình lộn xộn ở các thôn trên, Công an xã Cẩm Lạc và Công an huyện Cẩm Xuyên đã vào cuộc, điều tra, gọi hỏi, lập hồ sơ để xử lý Nguyễn Văn Long về tội mê tín dị đoan và tội lừa đảo tài sản công dân.

    Trước Cơ quan Công an, Nguyễn Văn Long cho biết: Cách “khám” của Nguyễn Văn Long là kéo áo bệnh nhân lên, dùng tay vỗ vào bụng, hoặc vào ngực họ 3 cái làm “bệnh nhân” đau điếng; lấy kim khâu chích nhiều cái vào khắp cơ thể “bệnh nhân” để... “đuổi tà”; vứt chiếc áo mà họ đang mặc lên... bàn thờ gia tiên, ít phút sau, Long lấy áo xuống và phán rằng: “Con bị ma thuốc độc ám hại, ta sẽ ra tay cứu giúp con!".

    Nếu vì lý do nào đó, người nhà mang chiếc áo của “bệnh nhân” đang mặc đến thì Long khám bệnh qua... mồ hôi. Y khám bằng cách: giơ chiếc áo lên ngang tai để... nghe. Bỏ chiếc áo xuống đất để... âm - dương hòa hợp. Sau đó, Long lại giơ lên “soi” qua ngọn nến leo lét cháy và phán rằng: Người mặc chiếc áo này bị "ma thuốc độc" hãm hại!...

    Sau khi khám xong, Long bốc thuốc trừ “ma thuốc độc” cho bà con, giá “mỗi thang” từ 20 đến 30 ngàn đồng! Các cơ quan chức năng ở huyện Cẩm Xuyên đã kiểm nghiệm 10 "thang thuốc" của Long... bán cho người “bệnh” gồm: 7 ngọn ngải cứu, 7 ngọn cây ích mẫu, 1 cây hương (nhang), 1 quả cau, 1 ngọn trầu và một lá... bùa. Cả 6 thứ “hổ lốn” nói trên, người “bệnh” mang về nhà sắc uống.


    Nguyễn Văn Long.

    Bán tín, bán nghi, nhiều bà con kéo nhau đến nhà Long nhờ khám bệnh và chữa trị ngày càng đông. Ngày 6/4/2007, Thiều Văn Biển (31 tuổi, ngụ thôn Thọ Hà) chẳng có bệnh tật gì, lại to, khỏe, nặng trên 60kg, chỉ mỗi nghiện uống nước chè xanh. Nghe tin "thầy" Long “bắt con ma thuốc độc giỏi”, Biển phóng xe máy vượt 10 cây số sang nhà "thầy". Sau khi “ngửi mồ hôi” nơi áo của Biển, "thầy" Long phán một câu xanh rờn: "Con bị "ma thuốc độc" ám hại, nhanh chóng uống thuốc trừ diệt".

    Nghe "thầy" Long phán vậy, Biển phóng xe từ nhà Long ở xã Kỳ Bắc về thẳng nhà anh Hải, chị Lê, gọi chị Lê ra giả vờ xin nước uống. Ngỡ thật, chị Lê rót nước mời khách. Khi bát nước chè xanh vừa rót ra, Biển cầm cả bát nước hắt vào mặt chị Lê và “cảnh cáo”: “Mày và chồng đã bỏ thuốc độc vào nước chè xanh trong đám cưới con mày, tao đến uống và mắc bệnh”.

    Sau sự việc đó, chính quyền và Công an xã Cẩm Lạc đã vào cuộc, lập hồ sơ để xử lý Thiều Văn Biển...

    Đi tìm “con ma thuốc độc”

    Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với những người có trách nhiệm ở xã Cẩm Lạc, được biết: Cẩm Lạc có 1.650 hộ, với gần 7.000 nhân khẩu. Xã có 12 thôn xóm, nhưng tại 3 thôn: Nam Hà, Hưng Đạo, Lạc Thọ, đã có khoảng 150 người đi “khám bệnh ma thuốc độc” ở nhà Long.

    Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều bà con ở 3 thôn nói trên, ai cũng công nhận “chưa bao giờ thấy “mặt mũi” con ma thuốc độc như thế nào cả”.

    Bà con chỉ kể cho chúng tôi câu chuyện “ma thuốc độc” mang tính huyền bí, mê tín, lạc hậu sau đây: Ngày xưa, ở những vùng rừng núi hẻo lánh, có nhà ai đó muốn phát triển kinh tế nhanh, thì bí mật nuôi một con chuột bạch (chuột trắng - TG), chuột được nhốt trong một cái chum, hay một ché, một hũ bằng sành, giấu nơi thật kín, ví như trong buồng chẳng hạn.

    Cứ một tuần, gia chủ làm thịt một con gà cho chuột ăn! Sau ba tháng, mười ngày, gia chủ lấy nước bọt của con chuột, bí mật mang ra chợ, cho vào hoa quả như chuối, mít, dứa, mận, hồng... hoặc bí mật cho vào tô bún, cái bánh mà khách đang ăn!

    Sau khi “bôi” nước bọt chuột bạch vào sản vật, người bỏ thuốc độc chỉ việc “khấn” họ tên, tuổi, quê quán... của người ăn quà... Về nhà, người ăn quà sẽ bị bệnh... “ma thuốc độc”. Còn người đi bỏ thuốc độc thì được giàu to, nuôi heo chóng lớn, nuôi gà, vịt đẻ nhiều, trồng cây nhiều hoa trái...!

    Cái tích chuyện... "ma thuốc độc" mà bà con kể cho chúng tôi là vậy. Nhưng khi hỏi đã ai thấy chưa? Thì những người được hỏi từ già đến trẻ đều lắc đầu và cho biết: "Nghe các cụ kể lại vậy thì biết vậy! Làm sao thấy được".


    Danh sách những người khám bệnh thuốc độc.


    Trước tình hình con “ma thuốc độc” gây ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân ở 3 thôn của xã Cẩm Lạc, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên đã cử một đoàn chuyên gia y tế về xã nghiên cứu, tổ chức khám bệnh cho nhân dân, không phát hiện bất cứ một dấu hiệu nào khác lạ về sức khỏe của bà con, đặc biệt bà con bị “bệnh ma thuốc độc”.

    Bác sĩ Đặng Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Lạc cho biết: Một số bà con có bị đau đầu, tức ngực, khó thở, mệt mỏi bởi thời tiết chuyển mùa từ nhiều tháng mùa đông lạnh giá, nay chuyển sang mùa hè nóng nực, nhiệt độ trong ngày lạnh - nóng quá chênh lệch, có khi chênh lệch đột ngột đến hơn chục độ, do vậy cơ địa của một số người “thích nghi không kịp, dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, kém ngủ, tức ngực, khó thở là điều dễ hiểu.

    Số bệnh nhân đi khám “ma thuốc độc” ở 3 thôn nói trên, trong thời gian qua không hề đến trạm y tế xã để khám bệnh. Phải khẳng định rằng: Thực tế không có “con ma thuốc độc”. Do nhận thức xã hội, nhận thức khoa học của một bộ phận người dân ở 3 thôn Nam Hà, Hưng Đạo, Lạc Thọ lạc hậu, đã bị kẻ xấu lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi.

    Trưởng Công an xã Cẩm Lạc - anh Võ Kim Đức dẫn chúng tôi đến nhà anh Hải, người bị kẻ xấu vu cho là thủ phạm bỏ thuốc độc trong đám cưới. Đã hơn một tháng nay, bà con xung quanh gần như không đến nhà, nếu có đến cũng chỉ là miễn cưỡng, họ không ăn uống gì ở nhà anh Hải bởi sợ "con ma thuốc độc".

    Tôi nói với vợ chồng anh Hải: "Trong nhà có cái gì, mang ra đây, bác và anh Đức ăn!". Chị Lê mừng rỡ và khoe: "Nhà còn một quả mít chín". Nói rồi, chị Lê nhanh chóng bổ mít ra đãi khách. Thấy chúng tôi ăn tự nhiên, mấy đứa trẻ con hàng xóm cũng “không sợ con ma thuốc độc” vô tư tham gia.

    Khi chúng tôi ăn mít, uống nước và nói cười rôm rả, thì chị Lê rơi hai hàng lệ kể: "Ngoài làm 8 sào ruộng, em chạy chợ bán chè xanh, hoa quả... để kiếm tiền tiêu vặt, nuôi con ăn học. Đã một tháng nay, em không dám ra chợ, bởi bà con thấy em như ngại HIV! Không ai mua hàng cho em!

    Thấy em đi xa, người ta nói với nhau: “Đừng đi dưới gió! Con ma thuốc độc từ con mụ Lê nó bay sang thì chết” (!?).

    Còn anh Hải thì trầm ngâm tâm sự: "Niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ là có con gái lấy chồng. Nhưng sau đám cưới của con, một số người ác ý đã nhấn chìm hạnh phúc của gia đình tôi".

    Cháu Dương Đức Quỳnh (17 tuổi), hiện là học sinh giỏi lớp 11, Trường THPT Hà Huy Tập, đã nhiều lần khóc, xin bố mẹ cho nghỉ học để vào miền Nam lập nghiệp, vì bạn bè trong lớp, trong trường xa lánh cháu. Chịu không nổi sự đối xử của bạn bè, cháu Quỳnh đã bỏ học 1 tuần trong tháng 4/2007. Được chính quyền địa phương, các chú công an, thầy cô giáo yêu thương, động viên, nay Quỳnh đã trở lại trường học tập.

    Anh Võ Văn Cường, 44 tuổi, nhà ở cùng xóm Hưng Đạo với gia đình anh Hải, chị Lê, tâm sự: "Đã hơn một tháng nay rất ít người vào nhà anh Hải. Có một lần chị Lê định gieo mình xuống dòng sông Rác. Thật tai hại cho nhận thức ấu trĩ".

    Trước nhận thức non kém của một bộ phận người dân, cấp ủy, chính quyền, Cơ quan Công an đã vào cuộc, tổ chức họp nhân dân, họp các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... để tuyên truyền, giác ngộ bà con không nghe bọn xấu, xây dựng tình làng nghĩa xóm đầm ấm như xưa.

    Công an huyện Cẩm Xuyên đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, để xử lý Nguyễn Văn Long và những kẻ tuyên truyền, hoạt động mê tín dị đoan theo quy định của pháp luật




    Đinh Quang Lân
    Last edited by Bin571; 09-11-2007 at 12:58 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Quảng Ngãi: Khi “bóng ma thuốc độc” còn lẩn khuất
    4:25, 20/09/2007


    Một góc làng Tốt.


    Sau khi Chuyên đề ANTG có bài phản ánh về tệ nghi kị "cầm đồ thuốc độc" ở các huyện miền núi tây Quảng Ngãi, lực lượng Công an địa phương đã có nhiều biện pháp giải quyết hiệu quả tình trạng này. So với những năm trước, đầu năm nay, "nghi cầm đồ thuốc độc" đã tạm lắng xuống; đồng bào các dân tộc thiểu số phần lớn đã hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của loại hủ tục này.


    Thế nhưng, trong mấy tháng gần đây, những vụ việc "cầm đồ thuốc độc" lại diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân...



    Từ chuyện buồn ở làng Vả Tia

    Làng Vả Tia và làng Tốt thuộc xã Ba Lế (huyện Ba Tơ). Làng Tốt đã có lần “nổi như cồn” nhờ cơn sốt trúng kỳ nam cách đây mấy tháng. Dù vậy, do địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, đường giao thông khó khăn, cái chữ, cái điện, cái nước còn quá nhọc nhằn "vượt núi" nên cả làng Tốt lẫn làng Vả Tia đều rớt lại bên kia của cuộc sống văn minh, biến thành cái túi cho những luật tục lạc hậu trú ngụ, đè bẹp con người.

    Cách đây hơn 1 năm, cũng tại đây, vì “nghi cầm đồ thuốc độc” mà 5 thanh niên ở làng Đồn Lau đã đánh, dìm nước ông Phạm Văn Dai đến chết. Vài chục năm trở lại đây, riêng tại xã Ba Lế đã xảy ra 83 vụ “nghi cầm đồ thuốc độc”, dẫn đến 11 người chết, gần 20 người phải bỏ nhà, bỏ làng ra đi...

    Từ hơn 1 tháng nay, làng Vả Tia lúc nào cũng vắng lặng. Những ánh mắt nghi ngại lấp ló trong những nếp nhà. 4 người bị nghi có “đồ độc” là các anh Phạm Văn Lít, Phạm Văn Dũng, Phạm Văn Toát và chị Phạm Thị Nghí vẫn trốn biệt trong rừng.

    Bồng đứa con gần 3 tuổi, chị Phạm Thị Vế mếu máo kể cho chúng tôi biết nguyên nhân của vụ việc. Tất cả bắt đầu từ việc trong một số cuộc nhậu với thanh niên địa phương, anh Lít nói mình chẳng sợ ai, có thể làm người này đau, người kia chết.

    Cùng thời gian này, trong làng có một số người đau, cúng chữa kiểu nào cũng không hết, trong đó có anh Phạm Văn Ghe. Nghi anh Lít có “đồ độc”, em ruột của anh Ghe là Phạm Văn Xua rủ 8 thanh niên khác tìm anh Lít để tra hỏi. Mấy lần chặn đường để hỏi nhưng anh Lít chỉ im lặng, không trả lời đã đẩy sự nghi ngờ của nhóm thanh niên lên đỉnh điểm. Anh Lít trốn vào rừng luôn từ đó đến nay không một tin tức gì.

    Cùng cảnh với anh Lít là các anh Dũng, Toát và chị Nghí. 3 người này mắc oan chỉ vì khi Xua hỏi anh Lít “mày có đồ độc không?”, anh Lít đã không trả lời mà bỏ đi sang nhà anh Dũng, rồi đến nhà anh Toát, chị Nghí. Thế là họ trở thành “đồng bọn của Lít”.

    Anh Phạm Văn Nấu, Chủ tịch UBND xã Ba Lế cho biết: "Khi xã phát hiện có dấu hiệu nghi cầm đồ thuốc độc đã tổ chức cuộc họp dân vào đêm 23/7, ngay tại nhà anh Toát. Ủy ban xã đã triệu tập 4 người bị nghi “có đồ độc” để làm rõ.

    Nghi ngờ có chuyện, anh Lít không đến và bỏ trốn vào rừng từ chiều. Khi cuộc họp bắt đầu, có sự tham gia của chính quyền địa phương và một số bà con trong làng, một nhóm 9 thanh niên do Phạm Văn Xua cầm đầu mang theo gậy gộc hùng hổ kéo đến. Chúng hét lên “giết hết bọn thuốc độc” rồi vung gậy vụt tứ tung.

    Chủ tịch mặt trận xã - Phạm Văn Hành đang ghi biên bản bị trúng một gậy vào giữa trán ngã ngửa. Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã - Phạm Văn Diêu chưa kịp chạy đã dính một gậy, gãy mất mấy cái răng. Công an viên Phạm Văn Thang nhanh chân chạy về trụ sở ủy ban xã nên thoát nạn.

    Trong đêm tối mịt mùng giữa núi rừng chỉ còn những tiếng hét “đánh, giết” và tiếng khóc lóc, van xin. Anh Dũng bị Phạm Văn Ghêm túm ném ra sân và hô đồng bọn giết. Liên tiếp những cây gậy quật tới tấp vào đầu.

    Anh Dũng chỉ kịp đưa 2 tay lên che đầu và cố nhoài người ra phía cổng. Lúc đó anh Toát cũng bầm dập bên vũng máu chịu trận những cú đá, cú đạp của bọn côn đồ. Hai người cố dìu nhau vùng chạy vào rừng. Có mấy kẻ đuổi theo, song bóng đêm và cây rừng đã che chở , cứu họ thoát chết...

    Đến nay, xử lý vụ việc này vẫn đang là “cái khó” của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.



    Những kẻ bịp bợm ở xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà


    "Đồ độc" của bọn thầy cúng.

    Người Hre ở huyện Sơn Hà gọi “đồ độc” là giơ-rông, đó là hỗn hợp gồm xương gà, xương lợn, mảnh chén, mảnh sành, lông đuôi heo cùng nhiều thứ linh tinh khác đã qua “bùa chú” và trở nên linh thiêng, kỳ bí, độc hại.

    Cũng giống như làng Tốt, làng Vả Tia ở huyện Ba Tơ, người dân làng Rí ở huyện Sơn Hà cũng đang sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi. Mãi đến ngày 12/8 vừa qua, khi Công an huyện Sơn Hà tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng có hành vi “lừa đảo, trục lợi” thì người dân mới thở phào nhẹ nhõm và hiểu rõ hơn chân tướng của “bóng ma thuốc độc” mà bấy lâu nay họ vẫn lo sợ.

    Cả 5 đối tượng đều là những người trong buôn làng nên những trò lừa đảo của chúng đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện.

    Vụ việc bắt đầu từ tháng 10/2004, Đinh Mắt (43 tuổi, ở xóm Ruộng Chanh, làng Rí) bị đau thần kinh tọa thì được Đinh Trí (ở cùng thôn) giới thiệu đến bà Đinh Thị Miết (còn gọi là Giá Hè) để chữa bệnh bằng cách xoa bóp, lể và cho uống thuốc nam.

    Mỗi tuần chữa bệnh, Giá Hè lấy của Đinh Mắt 100 nghìn đồng, sau đó không lấy theo tuần nữa mà hứa chỉ lấy một lần khi Mắt bớt bệnh. Không lấy tiền của Mắt nhưng Giá Hè lại âm thầm móc nối với 2 đối tượng khác ở cùng xóm là Đinh Vì và Đinh Chiếc tổ chức một phi vụ lừa đảo tinh vi, mang màu sắc huyền bí dựa vào hủ tục “đồ độc”. Giá Hè bảo Vì, Chiếc âm thầm chôn các túi “đồ” vào ruộng và mồ mả người thân Mắt, sau đó đến nhà Mắt và phán “mày bị đau là do có người chôn đồ ở ruộng”.

    Do còn lạc hậu nên Mắt đã mắc lừa Giá Hè và nhờ Giá Hè tìm “đồ”. Mỗi túi “đồ” được lấy lên, Mắt phải trả 100 nghìn đồng. Lấy đến túi “đồ” thứ 6, thấy việc làm thất đức của mình, Đinh Vì đã tự thú với Đinh Mắt và rủ Mắt nhập hội.

    Không những không tố cáo hành vi sai trái của nhóm Giá Hè, mà ngược lại, thấy món lợi trước mắt, Mắt gật đầu đồng ý và rủ thêm Đinh Thêm vào hội. Chúng bỏ công theo dõi, tìm hiểu nhà ai trong xóm có người hay trâu bò bị bệnh thì giở trò “đồ độc”.

    Do có tài ăn nói, Đinh Mắt được giao vai thầy bói. Vì vậy khi có người bệnh đến xem bói, Mắt chỉ việc phán là trong nhà, chuồng gia súc hoặc ruộng của gia đình người bệnh bị bỏ “đồ”, muốn bớt phải nhờ bà Giá Hè đào lấy, sau đó phải rước "thầy" Chiếc, "thầy" Thăm về nhà cúng thì mới linh nghiệm và bớt bệnh. Mỗi túi “đồ” lấy lên, Giá Hè lấy của người bệnh từ 100 đến 200 nghìn đồng. Cá biệt, khi lấy “đồ” ở nhà Cha Cường, Cha Cu (ở xã Sơn Hải), Cha Say (ở xã Sơn Cao), Giá Hè lấy mỗi túi lên đến 500 nghìn đồng.


    Những đối tượng lừa đảo.


    Với kiểu lừa đảo đó, nhiều gia đình đồng bào Hre đã phải bán cả trâu bò, nương rẫy mới đủ tiền để mời thầy cúng về “giải đồ”. Từ tháng 2/2005 đến nay, bọn Giá Hè đã tổ chức chôn 38 túi “đồ” vào bếp, chuồng trâu bò và ruộng của 30 hộ gia đình ở các xã Sơn Giang, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Hải...

    Khi vụ việc bị Lực lượng Công an phát hiện, làm rõ, người dân đã thấy rõ chân tướng của vụ việc “nghi cầm đồ thuốc độc”. Nhưng đó là ở xã Sơn Giang, còn gần 90 xã ở các huyện miền núi tây Quảng Ngãi, trong từng ngóc ngách bản làng, “bóng ma nghi cầm đồ thuốc độc” vẫn bao trùm đời sống bà con. Hủ tục lạc hậu này sẽ không mất đi nếu công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •