kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Ký sự về thổ dân Amazon:

  1. #1

    Mặc định Ký sự về thổ dân Amazon:

    Ký sự về thổ dân Amazon:

    Kỳ 1: Bạn của người Anh - điêng
    10:40' 30/10/2007 (GMT+7)

    Từ năm triệu cư dân ban đầu, đến giờ dân da đỏ chỉ còn khoảng hơn 440.000 người thuộc 220 dân tộc, phân bố thưa thớt và biệt lập. Đa số dân Indian còn đang sống trong thời nguyên thủy và bảo tồn những tập tục "chẳng giống ai"...

    Khi Columbus tìm ra Tân thế giới, ông đã gọi những cư dân ở đó là người Indian (người Ấn Độ), bởi ông cứ đinh ninh rằng mình đã tới miền Đông Ấn. Ngày nay, ở vùng Amazon, người ta vẫn gọi thổ dân là người Indian, tiếng Việt gọi là người Anh-điêng. Đa số dân Indian còn rất nguyên thủy và bảo tồn trong lòng Amazon những tập tục "chẳng giống ai" của họ.

    Những kẻ "xâm lược" với trang bị kĩ thuật vượt trội đã cướp đi đất đai và phá huỷ nền văn hóa của cộng đồng cư dân Nam Mỹ nguyên thủy. Người da đỏ hầu như không thể chống đỡ nổi với các chiến hạm tối tân và những thứ vũ khí kì lạ chưa từng thấy trong đời. Họ rút vào ẩn nấp trong vùng rừng Amazon mênh mông để tránh sự tàn sát của kẻ thù.

    Trong năm mươi năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế Brazil, khu vực sinh sống của người da đỏ càng ngày càng bị thu hẹp. Những nơi trước kia vẫn còn nhiều bộ lạc hoang dã định cư, giờ đã mọc lên những thành phố hiện đại hay những khu dân cư đông đúc.

    Nhiều người da đỏ cũng đã từ bỏ cuộc sống nguyên thủy để đi theo tiếng gọi của văn minh, nhiều bộ lạc giải tán hoàn toàn hoặc bị tuyệt chủng.

    Nội bất xuất, ngoại bất nhập

    Mới đây, Tổ chức quốc gia về người Indian của Brazil – Funai (Fundação Nacional do Índio) đã đưa ra một biện pháp mới nhằm bảo vệ các bộ lạc vùng Amazon. Họ không cho phép bất cứ một cuộc tiếp xúc nào giữa người bên ngoài và các dân tộc biệt lập ở vùng rừng này.

    Những người lạ, bao gồm cả khách du lịch, về nguyên tắc bị cấm không được bước vào lãnh thổ của người Anh-điêng. Chuyện thổ dân phục kích bắt sống hay tiêu diệt những kẻ lạ mặt xâm nhập lãnh địa của họ không phải chỉ tồn tại trong lịch sử hay những bộ phim trên màn ảnh.

    Ngày nay, nặng thì họ vẫn sẽ "tiếp đón" bằng tên tẩm độc, nhẹ thì họ dùng điện thoại vệ tinh báo cho Funai hoặc quân đội. Một nhà thám hiểm châu Âu khá nổi tiếng vừa rồi cũng đã phải "trang bị thêm kinh nghiệm": ông tự nhận mình là bạn của người Anh-điêng và sau đó lại bị... ngồi bóc lịch ít lâu ở Brazil.


    Vùng Amazon, phân bố dân cư Anh-điêng và các mỏ khoáng sản.


    Ai muốn vào đây cần phải xin giấy phép của Funai. Nhưng kể cả có giấy tờ trong tay rồi, nhiều khi người da đỏ vẫn khước từ việc cho vào khu vực sinh sống của họ. Dân Indian ngày nay vẫn chọn bạn bè theo những cách thức cổ xưa. Nếu như quá tò mò, nhất thiết phải tìm đến chỗ họ thì phải chấp nhận là có thể sẽ không được chào đón, cho dù là có thiện chí đi chăng nữa.

    Bạn của người Anh-điêng

    Ở đây, những nhà nhân chủng học sống trong thế tiến thoái lưỡng nan. Họ muốn tiếp xúc với cuộc sống hoang dã của người da đỏ để từ đó có thể khám phá ra quá trình phát triển của loài người. Nhưng ngay lần gặp gỡ đầu tiên cũng có thể phá hỏng hết mọi kết quả. "Tốt nhất là ta để cho họ yên“, Sydney Possuelo, cán bộ của Funai và là bạn của người Indian, nói.

    Tất nhiên nhà nhân chủng nào cũng muốn những hành động đầy chất anh hùng phải đem đến cho họ những khám phá vẻ vang chứ không phải biến họ thành kẻ mang tội.

    Cách đây một năm Possuelo cũng nghĩ y như vậy khi ông phát hiện ra một bộ lạc chưa từng được biết tới của dân tộc Corubo. Thế nhưng, khi bị nhóm người da đỏ đuổi theo ra đến ngoài rừng thì "tim tôi đã chui tọt lên tận cổ“, ông kể. Cái nhìn đầu tiên! Ai biết được họ đánh giá thế nào về chúng ta?

    Renato Athias là một ngoại lệ. Anh là con của một người đàn ông Ma-rốc gốc Do Thái và một phụ nữ Bồ Đào Nha. Ban đầu anh đến với người da đỏ không phải vì tình yêu. Anh không biết gì về họ, cũng như không biết họ có trên đời. Những năm 70, Renato phải sống chui lủi vì một sinh viên có tư tưởng cấp tiến như anh đã nằm trong sổ đen của chế độ độc tài. Tình cờ, anh nghe được tin người Salesian ở trong rừng đang tìm giáo viên dạy tiếng Bồ. Đó là một chỗ ẩn nấp lý tưởng.

    Anh ở lại và sống một thời gian dài ngoài dự tính cùng một dòng họ người Hupdé thuộc giống dân Anh-điêng lùn Maku, những người vẫn sống theo trật tự bầy đàn ở trong rừng, săn bắn du mục, trồng trọt không đáng kể và nhất là không có sắn! Cạnh đó là làng của người Tucano. Những người Tucano thì ngược lại, sống ven sông, có sắn.

    Họ thuê người Maku làm mọi việc, ví dụ như khi cần dựng lều để tổ chức lễ hội. Đặc biệt là không người Tucano nào có ý định lấy một phụ nữ Maku làm vợ. Họ sống hoàn toàn bản năng và ghét người ngoại tộc. "Với họ thì người Maku không phải là con người" - Renato nói. Nhưng thuở đó, anh đã quyết định ở lại với người Maku, sống với họ và cùng chịu cảnh bị săn đuổi như họ.

    Sau đó Athias học lên giáo sư, cưới vợ và có bốn đứa con. Nhưng anh luôn trở lại thăm bộ lạc của mình. Ở São Gabriel anh đã thành lập tổ chức y tế “Saude Sem Límites” – “Sức khỏe không biên giới”, dưới sự bảo trợ của EU. Kể từ khi những người Anh-điêng chuyển đến sống ở gần khu vực nhà thờ và các hội truyền giáo, bệnh lao và các bệnh kí sinh trùng khác lây lan rộng rãi. Ngày xưa, cứ 20 năm họ lại di cư theo từng nhóm nhỏ đến một bờ sông mới. Ngày nay, họ sống định cư trong các ngôi làng lớn, mà những dòng sông chảy qua các ngôi làng thì ngày càng nhiễm độc nặng hơn.


    Renato Athias

    Renato không phải là một nhà bảo vệ thiên nhiên giáo điều. Anh cùng với một nhóm người Dessano đứng ra xây một “Maloca” - nhà rông của người da đỏ, tổ chức cho họ làm và bán đồ thủ công ở đó, mặc dù mỗi món chỉ thu được vài xu. Nhà chức trách vẫn thường đóng cửa những xưởng kiểu này, bởi trong quá trình sản xuất có sử dụng lông chim quý hiếm. Renato thoáng ngoảnh mặt đi. “Cho đến nay chúng tôi chưa làm gì tổn hại đến môi trường”, anh cười nhăn, “nếu có, thì là chẳng may bị lẫn vào”.

    Anh đứng về phe những người da đỏ, nhưng ngay trong đất người da đỏ cũng thường xảy ra những sự kiện nguy hiểm không ngờ. Gần đây, Renato bị rơi vào một cuộc xung đột của hai bộ lạc. Làng này chết mất một người đàn ông, làng kia hai đứa trẻ, và Renato thì vừa ghé qua thăm họ, nên anh bị vạ lây.

    Cha anh là một bác sĩ nổi tiếng ở Rio de Janeiro, bản thân anh là một nhà khoa học đáng kính – nhưng anh vẫn tin vào những ma thuật huyền thoại của vùng Amazon như thể lý trí của anh bị chia làm hai.

    Anh đã từng được cứu chữa. Anh kể, “Một lần, đột nhiên vùng thận của tôi đau nhói, sau đó thì bất tỉnh nhân sự”. Một ông thầy lang đã lấy ba viên đá ra khỏi bụng anh, bằng phương pháp đặt tay ma thuật không hề làm tổn thương đến da. “Lão Pagé, đã cứu tôi" - Renato nói đầy cảm phục.

    Ở nơi âm u cuối trời này anh đã trưởng thành. Anh mang đến cho người da đỏ những thành quả tích cực của xã hội hiện đại, là thuốc men, là cách sống vệ sinh, nhưng chính anh, ngược lại, chấp thuận sự giúp đỡ của ma thuật và cặm cụi đi thu thập những mảnh vụn của một thế giới đã vỡ.

    X.T (Lược dịch, theo SPIEGEL)
    Last edited by Bin571; 31-10-2007 at 02:44 PM.

  2. #2

    Mặc định

    "Người kể chuyện"
    12:05' 31/10/2007 (GMT+7)
    Chiều hôm đó, Renato ghé thăm Feliciano Lana, một người Anh-điêng Tucano. Anh mang theo giấy và màu cho bạn mình. Feliciano đang vẽ minh hoạ cho một quyển sách về những huyền thoại anh được nghe người già nhất làng kể, khi anh còn là một đứa trẻ.



    Lời vọng từ quá khứ

    Lều của anh nằm trên một khu đất cao ngay bên cạnh một ngọn đồi. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra vô tận, đuổi theo con sông cho đến khi nó biến mất trong đám màu xanh mờ sương của khu rừng già. Từ chốn xa xăm ấy, năm năm trước, anh đã xuôi dòng về vùng Sao Gabriel này. “Vì sao?” “Vì bọn trẻ. Tôi muốn chúng đi học".


    Feliciano Lana - Người kể chuyện.

    Căn lều hầu như không có gì ngoài một chỗ gọi là giường, ba giỏ hoa quả và vài cái võng mắc sẵn. Một chồng bản thảo nằm trên nền đất vụn – kí ức của một dân tộc đã lãng quên quá khứ. Feliciano bảo, anh là người theo Kitô giáo, nhưng truyện anh viết khác với chuyện các mục sư kể, bởi ở đây dân tộc được lựa chọn là người Tucano.

    Tranh minh hoạ trong sách của Feliciano được vẽ rành rọt như dành cho thiếu nhi. Những trang sách soi sáng căn lều âm u và cuốn theo nó, dòng kể chuyện của anh tựa như những lời vọng về từ một quá khứ xa xăm: Đầu tiên là một người phụ nữ, bà ta tạo ra một vị thần từ đám khói của một điếu xì gà, ông thần này lại tạo ra con người.

    Ban đầu tất cả nằm trong bụng một con rắn thần Anaconda, nó bơi ra từ hồ sữa trong rừng Amazon rồi xuôi theo dòng sông. Một chuyến đi dài, và con rắn thường phải dừng lại bên bờ sông để cho bớt người ra. Cứ mỗi lần vượt qua một trở ngại là bầy người lại tiến hóa lên thêm một bậc. Ngay từ những đoạn đầu, người da trắng đã rời đi về phía đông. Sau đó là người Maku và người Arawak. Những thành viên cuối cùng rời khỏi con rắn là người Tucano - trung tâm của sự hình thành con người và là dân tộc lãnh đạo.

    Một vài câu chuyện của Feliciano gợi đến thuyết vũ trụ của đạo thiên chúa, ví dụ như những con người đầu tiên đã ăn một cái hạt rơi từ trên trời xuống. Sau đó, khi trời đổ xuống một cơn mưa trừng phạt, những người này đã chui vào những hốc cây để trốn. Một số chuyện khác thể hiện những quan niệm mê muội về giới tính:

    “Những người đàn bà đầu tiên không hề có cơ quan sinh dục”, Feliciano kể. Trên tờ giấy anh đang vẽ có hình một người phụ nữ đang dang rộng chân, phía dưới là một dòng máu, đó là lúc cơ quan của chị ta mới được tách ra. Sau này dòng máu sẽ biến thành một làn sương mù màu đỏ và làm dậy lên những hơi cồn đầu tiên của loại đồ uống linh thiêng Capí.

    Không có huyền thoại nào đề cao người phụ nữ: đây là Inamu, chúa hài đồng, toàn thân Người phát ra tiếng nhạc. Inamu xuống trần gian, mang cho con người một cây sáo thần. Cây sáo này đến bây giờ vẫn là vật sở hữu của đàn ông. Trong dịp lễ nếu như nó được đem ra thổi thì không người đàn bà nào được phép nhìn vào, hình phạt sẽ là cái chết.

    Trong khi kể, Feliciano luôn quay ra ngó Renato, ý chừng muốn anh kể chuyện cùng. Và người kể chuyện nhiều khi tự đưa ra các giả thiết, bổ sung hay trích dẫn từ thế giới huyền bí của người Anh-điêng, rồi sau đó lại tự mình tán đồng hay bác bỏ . Chốc chốc, anh lại hỏi “Đúng thế chứ, phải không?” Renato gật đầu. “Đúng vậy!”.

    Những lúc như thế Renato lại nhớ đến anh chàng người Do Thái Saul trong “Người kể chuyện”, tiểu thuyết về Amazon của Vargas Llosas. Saul quyết chí sống mãi trong rừng già, nơi anh, như một người đi rừng huyền bí, di chuyển từ bộ lạc này sang bộ khác. Anh “hiểu thấu tâm can”, biết hết các bí mật thầm kín của họ, anh nói chuyện với người da đỏ về chính huyền thoại và lịch sử của người da đỏ.

    Còn anh, anh hiểu được gì từ người Maku? “Nhiều lắm, hiểu về chính mình thì đúng hơn”, Renato nói. Những năm ở cùng người Anh-điêng là thời gian tôi đi nhận dạng bản thân, ban đầu phải nếm trải cảm giác của người ngoại tộc duy nhất, rồi được chấp nhận thành thành viên của một dân tộc, nhưng lại là một dân tộc bị căm ghét, săn đuổi, tiêu diệt.” Ý anh là? “Ví dụ như, tôi là người Do Thái, có những chuyện khi đến đây tôi mới thực sự hiểu.”

    Cunahá – Cái chết trong rừng sâu



    Thổ dân Suruaha




    Những phong tục kì lạ ư? Nhiều lắm. Mỗi bộ lạc ở đây đều có những bí mật riêng của họ. Và còn rất nhiều bộ lạc chúng ta chưa hề được tiếp xúc. – Anh có biết chuyện tự tử của người Suruaha không? Có chứ, cách đây ít lâu có một ông bác sĩ người Đức và một nhà tâm lý học người Brazil cũng tìm đến đây vì việc này. Nhưng tôi phải đính chính là thổ ngữ Suruaha không hề có từ “tự tử”.

    Khu vực sinh sống của bộ lạc người Anh-điêng này nằm khá sâu trong vùng rừng Amazon. Đó là một dân tộc nhỏ, bao gồm các ông góa vợ, các bà góa chồng và những đứa trẻ mồ côi. Gần như, mỗi thành viên trong bộ lạc đều đã mất đi ít nhất là một người thân vì tục Suizid. Họ không gọi đó là tự tử, cũng không coi đó là điều trái tự nhiên. Đó là một phần tất yếu trong văn hóa của họ.

    Sau mười ngày chèo thuyền và đi rừng đoàn nghiên cứu đó mới đến được khu vực của người Suruaha. Da Silva đã sống với người Anh-điêng tám năm, và được họ coi như bạn, ông Garve là bác sĩ nha khoa lưu động, đến khu rừng già này để chữa răng cho thổ dân. Họ thường xuyên nhai mía, nên răng lợi hỏng hết cả. Trong quá trình làm việc, ông hết sức ngạc nhiên khi nhận ra dân tộc này hầu như không có cảm giác đau. Nguyên nhân nằm ở chỗ, mọi người ở đây, không phân biệt tuổi tác, địa vị, đều thích hít một loại bột có tên là Komadi.


    Một người Suruaha đang hít Komadi

    Thuốc phiện là một phần “đời sống ẩm thực” của người Suruaha. Komadi, một hỗn hợp từ tro của vỏ cây và bột thuốc lá, chỉ là loại dùng hàng ngày. Thứ thuốc độc này đưa con người ta vào thế giới của ma quỷ. Nó lấy đi sự tự chủ của họ. Không chỉ chi phối đời sống, nó quyết định cả cái chết. Hầu như không có ai ở làng này “ra đi” một cách tự nhiên. Mười năm vừa qua, nửa bộ lạc đã tự kết liễu đời mình.

    Thứ ma túy đặc biệt dùng cho những “dịp” như vậy có tên là Curaha, loại ma túy nguy hiểm nhất. Nếu ai đó muốn tự tử, những người khác vẫn sẽ ra sức cứu chữa. Thi thoảng thì việc này cũng đem lại kết quả, chất độc cũng làm người được cứu tỉnh ngộ, không chán sống nữa. Nhưng thường khi mọi người đến thì đã muộn. Lý do tự tử thì có nhiều, nhưng đa phần rất “vớ vẩn”, ví dụ như mất một con gà, mất một cái rìu v.v. Khi một người thân qua đời, các thành viên còn lại của gia đình cũng không tỏ vẻ đau buồn, thương tiếc.

    Những đứa trẻ mồ côi vì Suizid sẽ được họ hàng nuôi nấng. Bản thân chúng cũng học tập bố mẹ hút thuốc phiện. Cái chết với các em không có gì xa lạ. Bọn trẻ biết, một ngày nào đó Curaha cũng sẽ đưa chúng đến thế giới bên kia. Ở đó, bố mẹ các em đang đợi.

    Sau cùng, vấn đề đeo đẳng chúng tôi vẫn là chuyện hòa nhập hay không hòa nhập của người Anh-điêng. Có nên để họ sống mãi nơi rừng thiêng này như những “động vật quý hiếm”, để mặc họ đối phó với cuộc đấu tranh sinh tồn, tự sinh tự diệt? Hay tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với văn minh, ràng buộc họ với những mối lo mà lẽ ra họ không phải gánh chịu, để rồi, một vài thế kỉ sau, người da đỏ chính thức trở thành huyền thoại?

    Amazon là tên gọi hệ thống sông và khu rừng mưa lớn nhất thế giới. Sông Amazon bắt nguồn từ dãy Andes ở Peru, chảy qua lãnh thổ của nhiều quốc gia như Brazil, Ecuador, Columbia, Bolivia rồi cuối cùng đổ ra Đại Tây Dương ở Belem, Brazil. Theo kết quả đo đạc mới nhất năm 2007 thì sông Amazon có tổng chiều dài 6800km, hiện là con sông dài nhất thế giới.

    Có tổng cộng mười ngàn con sông lớn nhỏ thuộc hệ thống sông Amazon, trong số đó có 17 dòng dài hơn 1600 km. Sông chảy trên lãnh thổ Brazil thường có chiều rộng hàng cây số. Lưu lượng nước của toàn bộ hệ thống chiếm một phần năm tổng lượng nước ngọt toàn thế giới.

    Diện tích toàn bộ khu vực Amazon tùy theo cách phân chia dao động từ 6-8 triệu km2, chiếm khoảng 35-45% lục địa Nam Mỹ. Đây là nơi trú ngụ của hàng trăm bộ lạc người Anh-điêng cùng hàng triệu loài động thực vật. Các nhà khoa học chưa thể đưa ra một con số chính xác về số lượng các loài nơi đây, bởi mới chỉ một phần khu rừng được nghiên cứu, khám phá. Trong số 1,4 triệu loài động thực vật được ghi chép, có khoảng 750.000 loài côn trùng, 200.000 loài thực vật, 40.000 loài động vật có xương sống, 360.000 loài vi sinh vật.

    Khí hậu đặc trưng cho vùng Amazon là khí hậu nhiệt và cận nhiệt đới. Nhiệt độ trong năm dao động rất ít. Gần như ngày nào trong rừng cũng có những cơn mưa rào với lượng nước lớn, mang theo rất nhiều chất dinh dưỡng.



    X.T (Lược dịch, theo SPIEGEL)

  3. #3

    Mặc định

    Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good!Good! Good!Good!Good!.Mệt quá!

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •