Chuyện đời trắc trở của nữ bác sỹ phường chuyên “nhặt” trẻ bị bỏ rơi
Bác sỹ Hồ Thị Sáu.
Trước khi đặt chân đến biển Đà Nẵng, tôi từng được nghe kể về một nữ bác sĩ có trái tim Bồ Tát. Nữ bác sĩ này tận tình chăm sóc những cháu bé trong cơn nguy kịch, có cháu bị nhiễm HIV. Và, điều đáng khâm phục, trân trọng hơn là chị tự nguyện nuôi dưỡng nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trong khi bản thân mình cũng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Quan niệm của chị giản đơn mà ý nghĩa: "Cứu sống một sinh linh, tức là chăm thêm một cây đời cho nhân gian..." . Đó là bác sĩ Hồ Thị Sáu, Trạm trưởng Trạm y tế phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Cứu sinh linh nhỏ như cái kẹo!
Miền Trung tháng 7 nắng rát cháy, tôi đến đúng vào ngày bác sĩ Sáu khám sức khoẻ cho chị em trong phường. Bác sĩ Sáu nay đã ở tuổi ngũ tuần, nhưng tôi vẫn muốn dùng từ chị như cái tên gần gũi mà bà con nơi đây dành cho chị: Chị Sáu. Chị e ngại khi biết tôi muốn tìm hiểu về cái "tiếng lành đồn xa" về mình. Nhưng rồi, khi nhắc đến những đứa trẻ bị bỏ rơi, chị không giấu nổi sự xúc động xen lẫn vui mừng và trở về với những kỷ niệm khó quên trong đời mình...
Trời vừa chợp sáng sau đêm Phật đản năm 1992, một thanh niên đi tập thể dục buổi sáng thấy một túi lưới bên vệ đường, trong đó có bé gái còn đỏ hỏn, nhỏ xíu, toàn thân vẫn nhơm nhớp máu. Thanh niên nọ liền đưa thai nhi đến khoa sản của Bệnh viện huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nơi bác sĩ Hồ Thị Sáu công tác lúc đó. Nhìn đứa trẻ nhỏ như cái kẹo (chỉ hơn 1kg), tím thâm, kiến bu khắp người, bác sĩ Sáu vội khám sơ bộ và thấy nó còn thoi thóp thở. Nhiều người sợ hãi lủi ra, nói đứa bé không thể sống được và bảo chị bỏ đi. Nhưng bác sĩ Sáu bỏ ngoài tai những lời hối thúc vứt đi cho nhẹ nợ, chị làm tất cả những gì có thể để cứu sống đứa trẻ tội nghiệp.
Chị đưa đứa trẻ về phòng, ủ ấm cho nó bằng chính tấm chăn của mình, miệng liên tục hô hấp. Khi đứa bé tạm ổn, bật lên được tiếng khóc đầu tiên, bác sĩ Sáu mừng khôn tả, nhưng chiều hôm đó có cuộc họp gấp, chị đành nhờ mấy người trong khoa chăm sóc. 2 tiếng sau quay về, bác sĩ Sáu không thấy đứa trẻ đâu, hỏi ai cũng chỉ chung câu trả lời không biết. Chạy vào phòng chăm trẻ, chị thấy cháu tím tái nằm riêng một góc và đàn kiến lại bu vào tấn công. Không ít người nói: "Thôi, bỏ đấy đi, trông nó bé như con chuột, sợ lắm". Chị khó chịu trước sự vô tâm đó, nhưng vội gạt qua để tiếp tục hô hấp, mang lại sự sống cho cháu bé cho dù được giờ nào hay giờ đó. Tình cảm của vị nữ bác sĩ như có phép thần kỳ khiến cháu bé hồi phục nhanh chóng. Nhưng khi cứu được bé rồi, điều làm chị trăn trở là bé sẽ ra sao khi không có người nuôi nấng?
Sau nửa tháng chăm sóc cháu bé ở bệnh viện, bác sĩ Sáu mạnh dạn bàn với chồng đưa bé về nhà nuôi dưỡng và ngay lập tức sự trăn trở của chị được giải thoát vì anh đã đồng tình với chị. Khi chị đưa đứa trẻ về nhà, nhìn nó bé tí tẹo, yếu ớt, thâm tím, làng trên xóm dưới ai cũng bĩu môi cho rằng chị là đồ dở hơi, bởi họ biết hoàn cảnh của vợ chồng chị cũng vô cùng éo le, kinh tế khó khăn, lại đang chăm sóc đứa con trai bệnh nhiều năm. Không bận tâm đến những lời đàm tiếu, hai vợ chồng chị chung tay chăm sóc đứa bé và vui mừng khi thấy cháu lớn lên từng ngày. Vợ chồng chị đặt cho cháu cái tên thật ý nghĩa: Tăng Hồ ái Nhân. Sau này tìm hiểu, chị được biết, mẹ ruột của bé Nhân phá thai theo phương pháp kovac (phá thai lớn) khi bé được 7 tháng tuổi, rồi đem bỏ đi. Khi tôi đề cập đến sự vất vả trong việc chăm sóc để bé Nhân dần khôn lớn, bác sĩ Sáu cười hiền: "Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó. Đối với ái Nhân thì không kể hết được. Điều quan trọng là vợ chồng mình chăm sóc cháu bằng chính cái tâm".
Năm 1998, có người "nhặt" được một bé gái bị bỏ rơi, không biết đưa đi đâu, lại đem cho bác Sáu trong tình trạng yếu ớt. Hai vợ chồng chị lại giang rộng vòng tay nhân ái. Với kinh nghiệm của bác sĩ sản khoa, chị điều trị cho cháu nhanh qua cơn nguy kịch và một lần nữa chị lại thuyết phục chồng đưa cháu về nhà chăm sóc. Thấy hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng chị, nhiều hội từ thiện đến xin cháu bé, nhưng vợ chồng chị không đành lòng giao cháu. Có người tìm đến xin cháu, trả cho vợ chồng chị 10 triệu đồng công nuôi dưỡng, chị thấy thế càng không dám. Chị nghĩ: "Nếu người mà dùng tiền để có được con thì tình thương sẽ ra sao? ". Vợ chồng chị quyết định nuôi cháu bỏ, đặt tên là Tăng Hồ ái Nghĩa. ái Nghĩa lớn lên khoẻ mạnh, xinh ngoan. Hai chị em Nhân - Nghĩa ríu rít, thương yêu nhau như ruột thịt. Đó là những món quà quý mà đời dành cho vợ chồng bác sĩ Sáu.
Ngoài hai bé Nhân, Nghĩa, nhiều lần chị Sáu nhận trẻ bị bỏ rơi trong những hoàn cảnh éo le tương tự. Nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, chị hết mực chăm sóc các cháu trong thời gian đầu, khi có người không có con đến xin về nuôi, chị chỉ giao các cháu sau khi đã tìm hiểu và có niềm tin về gia cảnh cũng như bản thân những người đó.
Vật lộn cùng số phận trớ trêu
Thuở nhỏ, lúc 10 tuổi, Hồ Thị Sáu đã tham gia một số hoạt động của thiếu nhi: đào hầm chông, gác gián điệp, gom truyền đơn của địch để đốt. 12 - 13 tuổi chị đã trở thành cô bé liên lạc nhanh như con sóc. 14 tuổi, Sáu được cử ra Bắc học lớp... 1. Sau đó Sáu học 6 năm tại Đại học Y Huế (1978 - 1984). Là người luôn năng nổ trong mọi hoạt động, tận tuỵ với nghề, yêu thương chồng con, đặt biệt là có tấm lòng nhân nghĩa... nhưng có lẽ cuộc đời không công bằng với chị. Vợ chồng chị có con trai duy nhất là Tăng Đức Nam (SN 1985), nhưng không may em bị chứng động kinh. Suốt thời gian dài hai vợ chồng chạy chữa mọi cách, bé Nam mới tạm ổn. Chồng chị (là kỹ thuật viên) làm ở Bệnh viện Duy Xuyên (Quảng Nam) sau chuyển ra Bệnh viện Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) hiền như... đất, sống đức độ nhưng không thoát khỏi căn bệnh ung thư. Chị nhiều năm chăm chồng, nhưng không cứu được anh. Anh mất vào năm 2001. Rồi tai hoạ lại ập đến khi chị phát hiện mình bị ung thư vú. Tuy thế, chị vẫn nỗ lực làm việc nuôi 3 đứa con với niềm tin tươi sáng. Không hiểu vì sự cố gắng vượt qua sự nghiệt ngã của số phận hay được trời thương, chị đã chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác. Và chị vui, hạnh phúc trước tài sản vô giá là 3 đứa con luôn vâng lời và yêu thương chị.
Trong ngành y, Hồ Thị Sáu là một trong những lớp bác sĩ tiên phong. ở mọi chiến dịch KHHGĐ, tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV / AIDS chị là người luôn xông xáo, tận tâm. Chị không hề nản chí, dẫu cuộc đời rất nghiệt ngã với mình. Chị tâm niệm: "Công việc và con cái là động lực để tôi vượt qua tất cả”. Hỏi về kỷ niệm lớn trong đời, chị nói không thể kể hết vì nhiều quá. Có kỷ niệm làm chị day dứt. ở phường An Hải Bắc có gia đình có tới 3 người bị nhiễm HIV. Chị được giao nhiệm vụ chăm sóc, động viên họ. Chị đã có những ngày tháng gần gũi với họ như người thân. Họ không phó mặc mà yêu, tiếc nuối, cố gắng giành giật cuộc sống từ khi có chị. Sự ra đi của họ khiến chị như bị mất điều gì trong tâm hồn.
Chia tay bác sĩ Hồ Thị Sáu, tôi muốn đi mà bước chân như ríu lại khi gần đó bỗng vẳng lên giọng ca ngọt ngào bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...".
Chí Vũ
Niềm vui bình dị
Đang hào hứng kể chuyện về bé Nhân, giọng chị Sáu chợt chùng xuống, nét buồn hiện rõ. Trầm ngâm một lát, chị kể tiếp, hai năm sau, người mẹ ruột bất nhân của bé ái Nhân biết vợ chồng chị cứu sống và nuôi nấng cháu đã đến xin gặp để được nhìn mặt con. Vợ chồng chị vẫn cho gặp và cho cô ta biết rằng vợ chồng chị tiếp tục nuôi cháu, khi lớn lên đã nhận thức được, nếu cháu muốn về với mẹ thì chiều ý cháu. Nhưng từ đó, người mẹ biệt tăm. "Con chuột" bị bỏ rơi bên vệ đường năm xưa giờ trở thành thiếu nữ ái Nhân xinh xắn, học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Đó là niềm vui và một phần máu thịt của chị.
Bookmarks