kết quả từ 1 tới 12 trên 12

Ðề tài: Phong hóa Việt Nam

  1. #1
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định Phong hóa Việt Nam

    Trích Thuyết Đạo Quyển Hai của Đức Hộ Pháp.
    http://caodaism.org/60/6002/tdhp2.htm

    Tại Ðền Thánh, đêm mồng 1 tháng 4 năm Mậu Tý (1948)


    Bữa nay Bần Ðạo giảng một vấn đề trọng yếu nhưng chẳng giảng một bữa mà đủ, nên cần phải tiếp tục nhiều lần Bần Ðạo mới giảng dứt. Sau một buổi lễ cúng rồi, thì giờ lên giảng đài rất ít, Bần Ðạo phải thúc nhặt lại là vì mỗi lần hành lễ rồi cả thảy đều mệt. Bần Ðạo sẽ liệu phương sắp đặt lại là giảng trước giờ hành lễ. Theo trong bài thi của Ðức Chí Tôn gởi cho Hoàng Ðế Bảo Ðại có hai câu yếu trọng cho nền Thánh giáo Chí Tôn hơn hết là hai câu nầy:

    "Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo
    Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong"


    Hai câu nầy chúng ta hiểu rằng, Ðức Chí Tôn muốn nói với Ngài Bảo Ðại nền Quốc Ðạo của Người, ngày nay đã thành Ðại Ðạo, trong chữ Ðại Ðạo bao trùm cả đức tin loài người, câu thứ nhì "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong" chữ phong không phải là gió, nó có nghĩa lý lắm! Phong đây là phong tục, Chí Tôn muốn nói phong tục nước nhà của Người sẽ làm nền phong hóa của loài người, hai câu ấy chúng ta nên đoán xét, suy gẫm coi Ðức Chí Tôn vì thương mà quá lời không? Thảng như Tôn giáo nào kích bác họ sẽ nói Chí Tôn tự tôn, tự trọng, hay là họ có đức tin hơn nữa họ có thể họ bàn luận rằng:

    Chí Tôn vì quá thương mà nói. Vậy chúng ta thử coi nền Quốc Ðạo của chúng ta sẽ trở nên nền Tôn giáo của toàn cầu chăng? Và phong hóa chúng ta có thể thay thế cho cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy chăng? Chúng ta nên quan sát, suy gẫm rồi tưởng tượng coi có thể đặng vậy không? Có thể được và Bần Ðạo tin quả quyết rằng nó phải như vậy đó. Tội nghiệp thay! Một sắc dân đã từng bị nước Trung Hoa khắc phục, tuy chịu trong hoàng đồ, chúng ta có một lịch sử trong 4.000 năm tranh đấu, vẫn tự do, độc lập không chịu tùng mạng lịnh của Trung Hoa. Nước chúng ta như cái vải áo, còn Trung Hoa như cái áo, chúng ta không có lý lẽ gì từ chối tinh thần một sắc dân anh dũng ấy, nó phải nương cái năng lực nơi chỗ nào? Ấy là nương tinh thần Ðạo giáo nước nhà của nó, chúng ta phải chịu ảnh hưởng trọng hệ hơn hết của hai nền Tôn giáo Trung Hoa thọ giáo Ấn Ðộ dạy chúng ta tu cho được chí thiện, chí nhơn, Phật giáo bên Ấn Ðộ dạy chúng ta tự tu đặng đạt đại từ đại bi. Hai cái khối tinh thần hiệp nhau lại làm một nền Tôn giáo, để được bảo trọng tinh thần quốc túy của mình.

    Chí Tôn đã nói cùng người Pháp: Từ thử một sắc dân ấy chỉ biết nô lệ chưa biết vi chủ, vì vậy mà Ta đến bồi thường sự bất công ấy, Ðạo giáo đã dạy chúng ta chí thiện chí nhơn, đại từ đại bi, tinh thần đó vậy, hỏi vậy ngày nay chúng ta phải tùng hay chăng? Tôi dám chắc giọt Cam Lồ ấy, tinh thần loài người đã khao khát, để bảo tồn sanh mạng, bằng chẳng vậy thì nhơn loại phải tự diệt mà chớ.

    Tại sao tự diệt? Chúng ta thấy trường hổn độn một nền văn minh gồm có tinh thần duy vật mạnh mẽ mà chớ, cái chánh sách của loài người chạy theo duy vật đương nhiên thì mặt địa cầu này chưa hòa bình vì họ chỉ biết tranh sống với duy vật, chớ chưa sống với tinh thần chí thành, cái quyền năng của Ðạo giáo Gia Tô mạnh mẽ dường nào mà ngày nay phải thoái bộ trước năng lực của toàn cầu, còn Ðạo giáo mà đến thay thế đặng cái năng lực ấy, rồi đây cũng chưa chắc quyết thắng tấn tuồng tương lai, mà vật chất sẽ dẫn đến con đường tử lộ không phương cứu chữa, duy có Ðức Chí Tôn đến cứu loài người mà thôi.

    May thay! Trong nòi giống tổ phụ chúng ta để lại một tủ thuốc, tủ thuốc ấy ngày nay lấy ra làm món thuốc cứu cả tinh thần nhơn loại trong hoàn cầu này và trong tủ thuốc thiêng liêng đó để làm vị cứu sanh, tức nhiên là cái phương cứu khổ chẳng khi nào sai chạy. Nhưng vì chẳng đủ năng lực để cứu thế, đem hoàn thuốc hằng sống ấy bảo tồn sanh mạng loài người.


    http://caodaism.org/60/6002/tdhp2.htm
    Last edited by mynhan; 11-06-2011 at 02:40 PM.

  2. #2
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Giảng tiếp câu Thánh ngôn:
    QUỐC ĐẠO KIM TRIÊU THÀNH ĐẠI ĐẠO,
    NAM PHONG THỬ NHỰT BIẾN NHƠN PHONG.


    Tại Ðền Thánh, đêm mồng 5 tháng 4 năm Mậu Tý (1948)


    Bần Ðạo ngày nay giảng tiếp câu Thánh ngôn "Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo" của Ðức Chí Tôn, giảng hôm kỳ lễ vừa rồi. Bần Ðạo để đại khái đề mục cho toàn cả tiềm tàng thử coi nền Tôn giáo của chúng ta sẽ biến tướng ra thành Ðại Ðạo là chỗ nào? Nó đã đem cái gì cho nhơn loại về mặt tinh thần đạo đức mà biến ra đại đồng. Chúng ta đã ngó thấy nguyên do Ðạo giáo bao giờ loài người phải chung họp lại với nhau, nào xã hội, nào là gia đình, dầu trong buổi ăn lông ở lổ loài người chẳng hề qua mặt luật thiêng liêng đó đặng. Buổi ấy, tất cả có bí pháp, hội họp gia đình; Ðức Chí Tôn duy có một mình, Ngài phân ra mới có Phật Mẫu, Ngài phân ra đệ nhị quyền hiệp lại đệ nhứt quyền, đủ quyền năng tạo ra Càn Khôn Vũ Trụ để lập gia đình cho loài người đó vậy. Nhờ Chí Tôn phân tánh là bí pháp lập thành xã hội đó, chúng ta đã hằng tưởng hiểu cả, loài cầm thú phải có hiệp lại mà biến sanh được, giải rõ là trống mái, đực cái hay nam nữ vậy, nó tương liên trước mặt chúng ta, hoặc một cách âm thầm bí mật, vậy loài người bao giờ cũng có xã hội nhơn quần, gia đình, vì mặt luật buộc như vậy, lời chúng ta thường nói: "Chưa ai ở đất nẻ mà chun lên".(*)

    Mỗi cá nhân đều có nguyên do căn bản. Hại thay! Xã hội bình quyền tức nhiên mặt địa cầu ngày nay bị một quyền năng vật chất ấy nương với quyền năng tinh thần mà loài người đạt đến địa vị cao trọng và đạt cơ mầu nhiệm của tạo đoan, đời có triết lý, khoa học làm cho đảo lộn tinh thần, họ làm rồi họ tự kiêu là làm chủ cả cơ quan bí mật của loài người, tự khoe mình là Trời; tự kiêu, tự đắc, tự tôn, tự đại, chúng ta đã thấy họ từ chối mọi lẽ thiên nhiên. Ngày giờ nhân loại xu hướng theo phương pháp vật hình, quyền năng khoa học, lý thuyết quái gở dị đoan ấy, làm cho tinh thần loài người ngu xuẩn, cho rằng không Trời, không Ðất, tức nhiên không Ðạo, không người, không xã hội, không gia đình; sống như con vật chung hiệp với nhau đồng sống vậy thôi. Sống không quyền lực tinh thần vi chủ, không thể nào nhơn loại tự bảo tồn cho dân chúng đặng mà tránh khỏi nạn tiêu diệt, họ coi mạng sống của loài người là một vật dụng, để hưởng hạnh phúc sung sướng, lường gạt, buộc tinh thần loài người làm nô lệ cho vật hình, chúng ta thấy tấn tuồng nguy ngập, xô đẩy loài người đi đến diệt vong.(*)

    Tổ phụ chúng ta sống từ thượng cổ đến nay 3.000 năm, một vị chí Thánh để lưu lại cho đời mực thước niêm luật xã hội, nhơn quần, Ngài định phải có gia đình, có tông tổ, có xã hội, Ngài lập pháp trọn trong điều ấy, từ thường dân chí Vương Ðế, không ai ra khỏi mặt luật.

    Tổ phụ chúng ta chịu Ðạo giáo để lại sự thờ phượng tông tổ gia đình chúng ta, tức nhiên thờ kẻ quá vãng, ta coi người chết như sống, chúng ta tôn sùng mạng sống của con cái Người, vì loài người là Thiên hạ mà Thiên hạ là Trời.

    Chúng ta biết nhìn nhận Trời trên mặt địa cầu, chúng ta biết thờ phượng Trời, tức nhiên thờ loài người đó vậy. Ðạo giáo chúng ta để lại 2.000 năm, vậy điều trọng hệ là thờ Trời và thờ Người, buổi hổn độn nầy, nhơn loại vì khoa học mà đi đến một đường tử lộ. Chúng ta cần đến Ðạo giáo phô trương trên mặt địa cầu nầy cho nhơn loại họ biết tự tỉnh để trụ cả tánh loài người lại, hưởng hoàn thuốc cứu sanh mạng họ.

    Bần Ðạo giảng lần trước, tiếp kỳ nầy kết luận là huờn thuốc thờ Trời và thờ Người, thảng vạn loại phản phúc mà còn chối nữa thì chịu tận diệt mà thôi.

  3. #3
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Giảng tiếp câu Thánh ngôn:
    QUỐC ĐẠO KIM TRIÊU THÀNH ĐẠI ĐẠO,
    NAM PHONG THỬ NHỰT BIẾN NHƠN PHONG.


    Tại Ðền Thánh, ngày 14 tháng 4 năm Mậu Tý (1948)


    Hôm nay Bần Ðạo giảng tiếp Thánh ngôn của Thầy câu: "Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo, Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong". Chúng ta quan sát coi nền Quốc Ðạo của chúng ta có phương thế gì để làm một nền Tôn giáo cho hoàn cầu?

    Ðương nhiên bây giờ, cái tinh thần của loài người chỉ xu hướng theo trí thức đương nhiên của họ. Họ có thể được cái hành vi bí mật thiêng liêng mà lập nên cơ giới phi thường ở mặt địa cầu nầy. Nhưng cái cơ giới ấy do nơi hóa công sản xuất ra tâm não của kẻ trí thức thông minh đặng bảo vệ sanh mạng của loài người và lập hạnh phúc cho loài người.

    Trái ngược lại, những hạng trí thức thông minh ở trong thời đại nầy, đều nảy sanh do một tâm lý khoa học mà thành hình, rồi tâm lý khoa học ấy trở lại tàn sát sanh mạng của loài người, đó là đến những cảnh bạo ngược. Hơn nữa, trước mắt chúng ta đã ngó thấy hai trận giặc trên hoàn cầu đã giết hại nhau, nên hiện giờ trên mặt địa cầu đã tự giết chết bao nhiêu mà kể.

    Cái trí thức tinh thần ấy có làm gì cho đồng bào và thời đại nầy đặng hạnh phúc chăng? Trái lại, nó đem cho đời một tấn tuồng thống khổ trước mắt cả thảy. Bần Ðạo chỉ nhắc lại cho con cái của Ðức Chí Tôn thấy rõ, nhơn loại hiện nay đã xu hướng theo hạng trí thức tinh thần khoa học thì có kể đâu là thương chủng tộc, nên ngày nay đã gây ra biết bao tấn tuồng thê lương thảm đạm, nhơn loại hết yêu ái nhau, mà trái lại người với người họ đối nhau còn quá hơn thú dữ, người với người mà họ chưa biết tôn trọng mạng sống với nhau, họ lại đoạt mạng sống của nhau đặng tìm hạnh phúc.

    Mặt địa cầu nầy, sanh ra các đảng phái nào thì chỉ biết tương tàn tương sát với nhau mà thôi, họ không kể gì là sanh mạng của con người ra thế nào cả. Họ không biết tôn trọng mạng sanh của loài người, họ chỉ biết lấy xương cốt của loài người mà lập đài danh dự của họ thôi. Cái mục đích bạo tàn của họ, chúng ta đã thấy hiển nhiên trước mắt, cái thảm khổ của đời mà chưa hề có ai thấu rõ tâm lý khổ não của đời, đem lòng thương hại đến nhơn sanh.

    Từ Phật giáo ra đời đến bây giờ, tinh thần của loài người mới biết thương hại cho nhau, một nơi nào có một tâm hồn ưu ái thì các Tôn giáo đương nhiên trước kia là một huờn thuốc để cứu chữa cái bịnh thảm khổ của loài người nơi mặt địa cầu nầy, nhưng nay huờn thuốc cứu chữa ấy để tại mặt thế nầy, nó không thể trị đặng một bịnh tinh thần, khoa học đương nhiên của họ đã sản xuất trên mặt địa cầu nầy. Thử hỏi chúng ta có đem gì hạnh phúc cho họ không? Chúng ta chỉ biết đem hai chữ nhơn nghĩa mà lập nền hạnh phúc cho họ thôi.

    Tuy vậy, nòi giống của chúng ta là một sắc dân chiến đấu, một sắc dân oanh liệt, từ xưa tổ phụ ta biết hiền lành, biết kỉnh trọng, biết thương yêu, kỉnh trọng mạng sống của loài người lắm, cái tánh thông thái, cái tánh thông minh của tổ phụ của chúng ta sản xuất trong một nguồn cội từ lành, không điều gì đem đến trước mắt tổ phụ của chúng ta, mà tổ phụ chúng ta tìm tòi không đặng.

    Nước Việt Nam ở trong khoản đất phì nhiêu nên tổ phụ chúng ta biết trọng sanh mạng con cái của Trời, biết nhận nhơn loại là anh em, là cốt nhục, đồng chung mà ra, biết nhìn câu: "Tứ hải giai huynh đệ"; tổ phụ ta biết thương yêu nhơn loại, bất kỳ là một sắc dân nào, một nòi giống nào có trí thức cao minh làm cho loài người đặng hạnh phúc thì tổ phụ ta kỉnh trọng tôn thờ vậy. Một nền Tôn giáo nào đến nước Việt Nam ta truyền bá thì tổ phụ ta kỉnh trọng tôn sùng ngay. Nên mối Ðạo nào vào nước Việt Nam ta đều được kết quả mỹ mãn. Lòng mộ Ðạo của tổ phụ ta trước kia lấy lương thiện làm căn bản, lấy nhơn nghĩa làm môi giới, cái sự tôn nghiêm của tổ phụ ta từ thử hiển nhiên chúng ta đã ngó thấy.

    Trong nước hiện giờ thì có các Ðạo giáo thanh liêm chánh trực đang làm cha mẹ cho dân, cái tinh thần tạo hạnh phúc cho dân, một trang anh dũng biết bảo trọng nền quốc túy, nâng đỡ nước nhà, biết tôn sùng nhơn nghĩa, chúng ta đã ngó thấy các Ðạo giáo của chúng ta đem cái nhơn nghĩa làm huờn thuốc liệng vào tâm lý của loài người là có thể trị đặng cái tinh thần bạo ngược của họ.

    Nhơn loại vì quá ỷ tài sức nương theo cái tinh thần khoa học mà làm mất cái tinh thần căn bản nhơn luân. Nên nay ta đem cái đạo nhơn nghĩa mà thức tỉnh loài người, đặng cho họ nhìn với nhau vì danh nhơn nghĩa hầu thương yêu nhau, dắt nhau đi đến chủ nghĩa đại đồng.

    Cái nền nhơn nghĩa của chúng ta, nó có thể làm môi giới cho các chủng tộc trên thế giới, đạo nhơn nghĩa của chúng ta là một căn bản của quốc thể của nước Việt Nam và có thể thành Quốc Ðạo được.

  4. #4
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Giảng tiếp câu Thánh ngôn:
    QUỐC ĐẠO KIM TRIÊU THÀNH ĐẠI ĐẠO,
    NAM PHONG THỬ NHỰT BIẾN NHƠN PHONG.



    Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 5 tháng 5 Mậu Tý (dl. 11-06-1948)



    Hôm nay Bần Ðạo giảng tiếp câu Thánh ngôn của Ðức Chí Tôn "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong". Bữa trước Bần Ðạo đã giải rõ đại công của nền nhơn luân phong hóa của ta. Nay ta sưu tầm căn nguyên của Nam phong coi do đâu mà sản xuất. Bần Ðạo đã giảng là cốt yếu muốn thực hành phong hóa nhà Nam, phải do nơi Nho tông mà làm căn bản.

    Thời kỳ nầy Chí Tôn đến, lấy Nho tông để chuyển thế và thi thố cho cả toàn cầu vạn quốc một triết lý tối tân, đặng chỉnh đốn sửa đương những tệ tục tồi phong của nhơn loại mà đem vào Thánh chất của con người. Ðức Chí Tôn đã tìm định đến đặng sửa đương. Vậy ta nên tìm hiểu Nho tông là thể nào? Ðã cho ta vật gì? Có đủ phương tiện mà chuyển thế đặng chăng? Trước hết ta phải biết trong tay ta có khí cụ gì rồi mới có đủ can đảm xông pha ra chiến trường quyết thắng, tìm xem coi nhơn loại đang thiếu thốn điều gì và xem coi nhơn loại đang tìm kiếm vật gì, mà vật ấy chúng ta có hay không?

    Nói đến Nho tông, thì chẳng còn gì phải biện thuyết nữa, vì đã có chẳng biết bao nhiêu là Hiền môn, Thánh tích để lại từ thử. Kể từ ngày Ðức Khổng Phu Tử giáng thế đã hai ngàn năm trăm (2.500) năm, nếu ta suy xét cao xa hơn nữa thì ta thấy Ðạo Nho phát sanh từ vua Phục Hi là tối cổ hơn hết. Ta không thể tìm đâu xa hơn nữa, duy biết rằng Ðức Khổng Phu Tử học Nho của ông Châu Công, đặng chỉnh đốn lại Ðạo Nho, khi Ngài đến tại thế nầy vậy.

    Ðạo Nho đã làm được những gì? Ta thấy Ðạo Nho của chúng ta có Hội Thánh mà Hội Thánh ấy bí ẩn khéo léo lạ lùng duy có một người có thể kiến thiết quốc phong của một nước mà thôi, chớ không đủ năng lực chuyển cả tâm lý toàn cầu được. Vì sự khuyết điểm ấy, Ðức Chí Tôn mới đến lập Hội Thánh, đền thờ của Ngài kêu là Cao Ðài, danh từ đó chỉ rõ đền thờ cao trọng của Ngài tại thế nầy, tiếng Pháp gọi là Haute Église (nghĩa là đức tin cao trọng).

    Hỏi Hội Thánh của Ðạo Khổng lập quốc thế nào? Ta thấy Hội Thánh của Ðạo Khổng trong gia đình làm gia pháp biến sanh ra phong hóa gia nghiêm đó vậy. Người chưởng quản gia đình tức là giáo sư, Hội Thánh của Ðạo Khổng tức là ông cha, nên thiên hạ thường kêu là chủ gia.

    Trong hương đảng có Hội Thánh của hương đảng, theo cổ tục thì ông Hương Chủ là chủ của Hội Thánh hương đảng, còn chức Hương Cả và Ðại Hương Cả là người ta mới bày ra sau đây mà thôi. Trong hương lân ngày xưa, chức Hương Chủ là lớn hơn hết vậy. Khởi đầu trong gia đình, rồi mới tới hương lân, rồi mới ra đến quốc gia, người chủ của quốc gia ấy là nhà Vua. Ông cha ta trong gia đình, ông Hương Chủ trong hương thôn, ông Vua trong nước, cả ba người ấy giữ ba giềng mối đạo, phụng thờ ba Tôn giáo. Tổng số ba Tôn giáo ấy lại là Nho tông.

    Ông cha trong nhà thì thờ Tiên Tằng Tổ Khảo của Tông Môn, ông là giáo sư, là thầy cả trong gia đình. Ông Hương Chủ thì thờ Chư Thần tức là cả Công Thần vì nước mà hy sanh tánh mạng, được nhà Vua ân tứ làm chủ hương lân, nên trong làng ta chỉ thấy có đình thờ Thần thiên thu phụng tự mà thôi, nên ông Hương Chủ là thầy Cả của làng. Nhà Vua thì thờ Ðức Chí Tôn tức là Ngọc Hoàng Thượng Ðế, ta thấy sự tế tự Ðấng Chí Tôn ấy lưu truyền từ đời thượng cổ, nên hằng niên mới có tế Nam Giao, đó là tế Ðức Chí Tôn vậy.

    Từ đời lập quốc đến giờ, trong phong hóa nhà Nam không thấy lúc nào sơ thất sự phụng tự, nếu đoán chắc là nhờ âm chất của tổ tiên ta biết phụng thờ Ðức Chí Tôn, cái thâm tình ấy còn lưu truyền lại mà ngày hôm nay Ngài mới đến đặng đền bồi ân nghĩa ấy lại có lẽ. Thế thì Ngài đến vì Tổ tiên ta đã gieo mối thâm tình nồng hậu, chớ chẳng phải vì sự tình cờ mà Ngài đến nước Việt Nam nầy đâu. Trong phong hóa của ta gồm có: Phong hóa của nhà, phong hóa của làng, phong hóa của nước, tức là phong hóa chung của xã hội nhơn quần Việt Nam ta đó. Bây giờ chúng ta khảo cứu coi Nho tông đối với xã hội là gì? Tức nhiên ta thấy là luật pháp, tuy rằng 86 năm nay bị ảnh hưởng của văn minh Âu Châu, chúng ta lãng quên nền phong hóa tốt đẹp của ta mặc dầu, nhưng tự cổ chí kim chưa nước nào có đặng.

    Chí Tôn đã đến, Ðạo Nho có Thất thập nhị Hiền, và Tam thiên đồ đệ, Chí Tôn lập Hội Thánh có Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, và Tam thiên đồ đệ, rõ ràng là Hội Thánh của Ðạo Nho đó. Hiện giờ ta nhận thấy Ngài áp dụng nền chánh trị của nhà Châu đặng lập chánh trị của Ðạo, làm cho cả cơ quan yếu thiết của Ðạo Cao Ðài ra thiệt tướng, đặng đủ năng lực chuyển thế, ta không có gì mà nghi ngờ nữa cả.

    Gia nghiêm của ta lập thành do phong hóa của tổ phụ để lại có những gì? Căn bản gia nghiêm hay gia pháp do nhơn luân chi Ðạo, nên lấy nhơn luân làm chuẩn đích, mà nói về nhơn luân thì mỗi người đều biết. Khởi đoan là hôn phối, việc vợ chồng đối với nhau để trọn quyền của ông chủ gia định liệu là người chồng, sau quyền chủ gia ấy lại có quyền nội trợ để cho người vợ, hai quyền ấy vô đối. Ta thấy lối 100 năm trước đây, quyền của cha bảo con chết cũng phải chết, không phải bất hiếu như ngày hôm nay của những kẻ học đòi theo lượn sóng tự do văn minh vật chất, rồi còn trở lại muốn làm chủ cha mẹ. Không, Nho pháp không cho có quyền lực ấy bao giờ. Nho pháp không chịu cho cái giọt máu, cái giọt khí huyết, do vật ấy tạo hình, lại muốn làm chủ vật ấy tạo đoan ra nó, như vậy là sái luật thiên nhiên của Chí Tôn dĩ định. Hỏi vậy cái quyền nắm đạo nhơn luân trong tay của ông cha ta quan sát theo con mắt của đời văn minh nầy thì nói là quyền áp bức có phải? Hại thay! Nếu quyền ấy không chỉnh đốn lại phong hóa của con người đem vào khuôn khổ thuần phong mỹ tục thì cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy sẽ chạy theo hưởng ứng với sự tự do mà đi đến địa vị con vật, là mất hết tính chất làm người đó. Tự do kết hôn, tự do định phận, không cần cha mẹ là những người đã trọn kiếp sanh lịch duyệt thế tình, mà sự lịch duyệt ấy còn vốn thiếu; nên ta hằng thấy cảnh tượng của sự tự do định phận ấy, đã làm bại hoại thân hình, tâm lý con người tại thế thể nào rồi, điều ấy không chối cãi được.(*1)

    Bần Ðạo buổi ấu xuân bị ảnh hưởng của tự do, thấy sự kềm thúc của gia nghiêm lấy làm khó chịu. Khi ấy Bần Ðạo đang học Pháp Văn. Lúc về thăm ông thầy Nho, khi đến đó ông mới tường thuật tình cảnh bối rối gia đình của một vị quan viên bà con xa với Bần Ðạo. Vì vợ làm khổ tâm cho chồng là vị quan viên ấy, đến nỗi gia đình phải tan nát. Ông tường thuật câu chuyện nầy vừa xong thì lại than rằng: "Hại thay! Vì buổi trước không phải cha mẹ định hôn, mà tự do kết hôn nên ngày hôm nay mới ra dường ấy". Thừa dịp ấy Bần Ðạo mới vấn nạn ông, Bần Ðạo hỏi rằng: "Gia pháp của ta nghiêm khắc quá lẽ, đến sự chăn con như chúa ngục chăn tù, nếu không có quyền tự do thì con sẽ tối tăm ngu dốt?". Ông lại trả lời rằng: "Không, không phải gia pháp áp bức làm cho con mất tự do đâu, mà trái lại người có quyền lắm chớ, đến nỗi gia pháp định cho mẹ phải tùng con kia mà "tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử". Quyền của con còn có thể thế cho quyền cha được rồi, thì có áp bức chỗ nào đâu? Chỉ có kềm thúc tâm tình của con cho nó đừng thương ai trước khi thương vị hôn phối của nó, để cho nó đủ đầy tình ái mà thương người vợ tương lai của nó vậy thôi. Muốn định hôn cho con thì trước hết cha mẹ đã lựa chọn tâm lý của vị hôn thê coi có hòa hiệp với tâm tình của con mình không, chứ chẳng phải xem xét tánh đức mà thôi, mà cha mẹ là người lịch lãm thế tình, nên thâm hiểu cả tâm tình của đôi lứa, dầu cho đôi lứa chưa biết nhau trước mà cũng có thể chung khổ cùng nhau, đồng tâm đồng chí thương yêu nhau đặng."

    Ðạo nhơn luân khởi thủy từ hôn nhơn, mà Nho phong đã định cho cha mẹ vi chủ, nếu để cho đứa con vi chủ thì chỉ có hư mà thôi, mà gia đình hư tức nhiên sẽ có ảnh hưởng tới xã hội vậy.

    Ðây là Bần Ðạo duy mới nói có gia nghiêm mà thôi, vậy bây giờ chúng ta luận về tâm lý. Sự hám vọng tự do quá lẽ, mà đưa tâm lý con người đến mức khả ố, nguy hiểm không thể tả được. Ta thấy nó gieo trên mặt địa cầu nầy một triết lý vô lối là triết lý: Vô phụ, vô quân, không quê hương, không gia đình, bởi vậy ta mới thấy thế tình con sanh ra ngỗ nghịch, không tuân phụ huấn. Thảng như ngoại nhơn có hỏi đến tại sao đã lớn, đã khôn, mà không biết nghe lời phụ huấn cư xử với đời vô để vô nhơn không còn tình thương nhơn phẩm, thì chư Ðạo Hữu biết kẻ bất hiếu kia sẽ trả lời ra sao không? Nó trả lời rằng: Tôi không xin họ sanh tôi, tôi không muốn họ sanh tôi, chẳng qua là họ vì lỡ mà sanh tôi nên họ phải nuôi tôi đó thôi. Ôi! Ân đức thâm sanh thật không còn có nghĩa gì hết.

    Những tục lệ ấy nếu Ðạo Cao Ðài không xuất hiện đặng chỉnh đốn lại, sợ e cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy sẽ thành ra ác thú.

  5. #5
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Tại Ðền Thánh, 12 tháng 5 năm Mậu Tý (dl. 18-06-1948)



    Hôm nay, Bần Ðạo tiếp tục khảo cứu phong hóa của dân tộc Việt Nam đối với phong hóa các dân tộc khác, cốt yếu xem coi chúng ta có phương gì chỉnh đốn đạo nhơn luân của họ đặng? Mấy kỳ trước Bần Ðạo đã giảng rằng: Ðạo nhơn luân khởi đoan do chồng vợ, có chồng vợ mới có cha con, có cha con mới có dân tộc lập thành quốc gia xã hội.

    Ðương nhiên chúng ta thấy đạo nhơn luân của các sắc dân trên mặt địa cầu buổi nầy đã nghiêng đổ và lung lạc tất cả, nhứt là bên Âu Châu, đạo nhơn luân của họ tồi tệ là thường, Bần Ðạo thấy rất nên bại hoại, từ thử đến giờ chưa nghe ai nói cha lấy con, anh lấy em, mà bên Âu Châu thường có xảy ra điều ấy. Hại thay! Trải qua tám chục năm nay những tánh tình yêu nghiệt ấy lại truyền sang đến nòi giống chúng ta, ngày nay vẫn còn thấy tấn tuồng đó nữa, yêu nghiệt đã biến tướng biểu sao thiên hạ không loạn được. Ðạo nhơn luân đã vậy, tinh thần của con người không còn biết phẩm vị, nhơn cách gì hết, nên hột giống ác nghiệt biến sanh ra mãi thôi. Thành thử nhơn loại ngày nay quá bạo ngược, tương tàn tương sát lẫn nhau, người đối với người còn dữ tợn hơn thú đối với thú nữa, vô nhơn vô đạo, cha không xứng phận cha, con chẳng biết đạo con, anh chẳng ra anh, em chẳng ra em, chồng không nên chồng, vợ không đáng vợ, nền luân lý của nhơn loại trên mặt địa cầu nầy không còn có khuôn khổ gì hết. May thay! Ðạo nhơn luân của tổ phụ chúng ta lưu lại, dầu bị ảnh hưởng của văn minh ngoại bang làm cho ô uế đôi chút, nhưng nhờ Ðức Chí Tôn đến phổ truyền nền Chơn giáo của Ngài nơi đất Việt Nam nầy, có thể còn sửa đương đặng và lại sẽ làm khuôn mẫu cho toàn cả các sắc dân nơi địa cầu nầy bắt chước theo nữa.

    Ðạo làm chồng, chúng ta có gương xưa tích cũ, nhờ nơi Nho tông rất oai quyền, nghiêm khắc, mặt luật của nó kềm chế tâm lý của con người. Ðạo nhơn luân của nhà Nho ta có cái vẻ đẹp thiên nhiên, ai tiêm nhiễm đến cũng sanh mê mẩn, cảm kích, vậy mới tạo tâm lý theo Nho tông làm hình trạng tinh thần Nho Ðạo, khuôn tuồng đó duy ở Việt Nam mới có, còn các Tôn giáo khác hình tướng lại biến ra làm khuôn mẫu riêng trên sân khấu đời, nên Ðạo Nho tông thâm nhập vào cốt thể của cả thảy con người đặng. Bao nhiêu gương để chỉnh đốn đạo nhơn luân, cốt yếu làm con người biết đạo vợ chồng là trọng, đặng sửa đương cho nhau lập mình lên bực chí Thánh. Như thời xưa vợ ông Châu Công, Ngài là Tể Tướng đầu triều mà bà vợ vẫn lo canh cửi làm ăn nuôi mẹ chồng, một vị mạng phụ phu nhơn mà cư xử được như vậy thật đáng quý. Kịp đến khi ông hồi hưu, buổi già cả vợ chồng đối với nhau như chủ khách. Nước ta lại có bà vợ của ông Phan Thanh Giản. Ông xuất sĩ rồi bận việc triều chánh luôn, hết khi ở Bắc rồi lại vào Trung, không mấy khi vào Nam. Bà mạng phụ ở nhà với cha mẹ chồng lo thủ hiếu thay thế cho chồng, xét ra thì gương ấy cả Âu Châu cũng chưa hề có vậy. Ngày giờ nào, gương mẫu tiết liệt ấy trải ra cho toàn phụ nữ trên mặt địa cầu nầy đồ theo, thì ngày ấy danh thể của phái nữ mới được trọng nể, nhứt là phụ nữ Cao Ðài cần phải làm cho đặng, hầu sửa đương nền phong hóa của Việt Nam trước đã.

    Còn về sự tồi tệ thì chúng ta hằng thấy tích xưa điển cũ, như có câu: "Ðố phụ loạn gia". Lạ lùng thay và khéo léo thay! Chẳng phải do ở bọn hàn mặc hoặc thượng lưu trí thức, lại ở nơi một người đàn bà hạng thường, đủ khôn ngoan đạo đức có đủ hạnh kiểm có thể sửa chồng nên phận được.

    Xưa kia có người lính cầm lọng cho Yến Tử là quan Tể Tướng. Ông nầy thì nhỏ người, còn chú lính cầm lọng thì to lớn kịch cợm. Ông Yến Tử tuy là Tể Tướng đầu triều, nhưng con người có tánh cách nho nhã, nề nếp nhà quan, không kiêu hãnh, gương mặt khiêm hòa, còn chú lính cầm lọng lại vênh mày vênh mặt, bộ tướng tá nghinh ngang, tưởng rằng không phải Yến Tử mà chính anh ta là Tể Tướng đầu triều mà chớ! Lúc Tể Tướng đi ngang qua, người vợ chú lính núp kẹt cửa thấy vậy, nên khi về nhà mới đòi làm tờ để. Anh ta hỏi tại sao? Người vợ nói rằng: "Thiếp núp sau cửa, thiếp thấy chàng đi ngang, Quan Tể Tướng, Ngài thì nhỏ người mà gương mặt nho nhã, tỏ vẻ hạ mình còn chàng thân hình to lớn mà chàng hiên ngang coi trái mắt quá lẽ, vì thế, thiếp lấy làm hổ ngươi không thể ở với chàng nữa". Nhờ vậy, chú lính ấy biết cảm hóa, sau sửa mình lập thân trong hàng ngũ quân binh lên đến bực Tướng. Ấy vậy, đạo nhơn luân nếu biết giữ chặt, thì vợ có thể làm nên cho chồng, dạy chồng nên đạo được. Phụ nữ Cao Ðài cũng thế đã hai mươi ba năm nay tiêm nhiễm đạo đức tinh thần, tạo đầu óc tâm não, vậy tìm phương dạy chồng thế nào!

    Có nhiều hạng người được vinh vang thì lên mặt phách xấc, không nhớ đến căn bổn hèn hạ của mình khi trước, phải biết rằng chúng ta đứng đợt với thiên hạ được là nhờ Chí Tôn tô mày vẽ mặt cho đó, hạng nầy rất nhiều, phụ nữ nên để ý sửa dạy cho họ bớt tâm tự kiêu đôi chút.

    Ðối với cha con, Nho tông để lại nhiều vẻ đẹp của tổ phụ chúng ta lưu truyền đặng làm chuẩn thằng mà sửa đương xã hội và lập quốc. Cha hiền mới sanh con thảo, con thảo là hột giống để làm một nền móng tương lai, tương lai quý hóa không thể tả, bởi Tiên Nho chúng ta đã nói: "Vua Nghiêu tìm ông Thuấn đặng truyền ngôi, chẳng vì lẽ gì hơn là nghe danh ông Thuấn chí hiếu, mà một khi ta được chí hiếu rồi thì không gì sánh bằng. Có hiếu rồi mới có nghĩa, có trung, có cang, có trí, nghĩa là hễ có hiếu rồi thì có thể có đủ hết tính đức khác".

    Ngày xưa người ta tầm hiếu, đến tại nơi thôn lân, huyện, phủ, tỉnh lỵ, để hỏi thăm những gương hiếu thuận. Người ta tìm hiếu tức là tìm hiền, do cái hiếu ấy suy độ ra cái hiền của bậc danh thần triều chánh, mà muốn có hiếu thì cha phải có từ vậy. Bần Ðạo thấy quốc dân Việt Nam bị ảnh hưởng của ngoại quốc, con không cần cha, cha không biết đến con, tồi phong tệ tục ấy đã thấy rõ ràng trước mắt. Bởi vậy, trong xã hội có ba người quan trọng: Cha, Chủ, Chúa. Cha là ông chủ của một gia đình, Chủ là ông chủ của một hương đảng, Chúa là ông chủ của một nước, cả ba vị ấy làm đầu từ gia đình lên xã hội. Nếu quyền cha nắm không kham là do người cha bất lực. Truy căn nguyên là do tại tự do kết hôn, chồng không phải chồng, vợ không phải vợ, cập xách với nhau rồi tự lập gia đình, đạo nhơn luân không có chỗ nào ràng buộc, chẳng qua là chơi hoa giỡn nguyệt, không căn bản gì hết, biểu sao khi sanh con ra mà chúng lại không trở nên kẻ vô bổn. Nhứt hạng Việt Nam lai của ta là tối hại.

    Bần Ðạo đã nói để cha mẹ định hôn, như thế có lợi hơn vì như ta vẫn thấy, cả kiếp sanh lúc còn nhỏ, cha mẹ còn đủ, đến ông nội, ông cố cũng còn nữa, trộng một chút là ta vẫn cũng còn thấy đông đảo, đó là khi chưa biết khôn, khi đã khởi biết khôn ngoan thì ông nội đã đi đâu rồi, rồi cha mẹ đã già, mà mình cũng già nữa, trong lúc ông bà cha mẹ mất, mình cảm thấy cái quyền trong tâm lý của mình cũng mất.

    Cha mẹ là bực cao kỳ trí thức, đáng kính, đáng tôn, khi cưới vợ cho con dầu cho chúng ta chưa có tình thương nồng nàn đi nữa, nhưng thời gian qua chừng nào, nhứt là khi cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng đã khuất, thì vợ nhận thấy ở chồng là hình ảnh người cha của mình, còn chồng nhận thấy ở vợ là hình ảnh mẹ của mình, nên được khuây khỏa tấm lòng và khắn khít không lìa nhau là vì lẽ ấy. Nói gì trên bộc trong dâu, một đời nếu không có xảy ra điều gì thì thôi, còn nếu có xảy ra điều chi sanh phiền sanh giận, thì chừng ấy không phương thuốc gì trị được cả, tâm lý phải chia lìa thì tình kia phải xa cách, mới dễ bỏ nhau thay chồng đổi vợ, con cái sanh ra thấy tấn tuồng ấy tập tánh học theo, biểu sao tương lai không hư hèn và tánh đức không lạc lầm phàm tâm lìa đạo đức. Làm cha mẹ nếu chúng ta biết Tiên Nho đã đối với con người như thế nào, và toàn cả xã hội Việt Nam, cả nòi giống cưng con như thế nào, đến nỗi trong một Tông đường có đứa con nào ngỗ nghịch cha mẹ định từ bỏ thì chỉ nói ngoài cửa miệng, chớ chưa thấy ai từ con được bao giờ.

    Nhớ lại, khi Bần Ðạo đi ngoài Qui Nhơn, gặp một ông già tên là ông Sáu Chèo, vì ông bán chèo nên mọi người kêu như vậy, vô nhà nhìn thấy bàn thờ ông bà không có treo tranh biển gì hết, chỉ để một câu đối, mà chỉ có một vế thôi: "Nhược niệm Cửu Huyền chi bổn, khả năng tu tỉnh ngộ thân", nghĩa là: "Nhớ đến Cửu Huyền thì phải rán gìn giữ thân mình". Bần Ðạo thấy thờ có một câu mà không có sơn thủy gì hết, lấy làm lạ thì ông nói: "Một câu đó đủ nghĩa để dạy con cái biết tuân theo, thành tâm tu chỉnh thì Cửu Huyền sẽ vinh diệu, biết giữ thân mình không bịnh nhược thì sanh con sáng láng mạnh khỏe khôn ngoan". Ðời bây giờ thiên hạ mê đường hoa nguyệt phong tình, sanh con lớn lên thành ho lao, ho tổn, hay tật nguyền, có nhiều sắc dân sanh con thấy tàn tật ghê khiếp lắm, vì cớ mà mấy năm trước đây Hitler thi hành chánh sách của Ðức Quốc Xã xử tử hay là thiến những kẻ tàn tật, bịnh hoạn, lấy lý rằng kẻ ấy chẳng giúp ích gì cho nước, chẳng những thêm một miếng ăn cho xã hội lại còn di hại cho nòi giống nữa, nên giết bỏ đi chỉ chừa lại những dân đinh cường tráng, nhưng vì Ðức Quốc Xã đã làm quá lẽ thành ra tàn ác nghịch đạo làm người.

    Tổ phụ chúng ta không thi thố chánh sách ấy, chỉ dùng tinh thần đặng giữ con cho nó tránh khỏi sự bạc nhược đã nói, mà nòi giống Việt Nam nầy không bị tiêu diệt là nhờ khéo giữ đạo nhơn luân từ trước đó vậy.

  6. #6
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Tại Ðền Thánh, đêm 19 tháng 5 năm Mậu Tý (dl. 25-06-1948)


    Bần Ðạo giảng tiếp về khảo cứu phong hóa nước ta đối với các dân tộc vạn quốc.

    Bần Ðạo đã giảng rằng trong quốc gia xã hội chúng ta có ba quyền: Cha, Chủ, Chúa. Ba quyền ấy cầm cả chánh trị của nước nhà, có khác nhau chăng duy có nhỏ và lớn, chớ chánh kiến vốn đồng với nhau. Ba quyền ấy làm nền tảng cho phong hóa chúng ta vậy.

    Hôm nay, Bần Ðạo tiếp giảng về quyền làm cha và triều chánh của ông cha, tức là gia đình liên quan thế nào đối với triều chánh của làng và triều chánh của nước.

    Chúng ta thấy trong ba quyền ấy, duy có quyền chúa là trên hết, sau biến tướng đến quyền cha, quyền thầy. Ấy là đạo Tam Cang: Phụ tử, Sư đệ, Quân thần. Bần Ðạo sẽ giảng rành mạch về quyền chúa ấy sau. Bây giờ Bần Ðạo giải rõ quyền cha mà thôi.

    Vả chăng chúng ta để ý cho tận tường xem coi xã hội chúng ta thấy có điều đặc sắc riêng biệt không giống với các xã hội khác, là từ khi Ðức Khổng Phu Tử hiệp ba quyền ấy làm Hội Thánh của Ngài. Ông cha tức là thầy của gia đình, ông chủ tức là ông thầy cả của làng, ông vua chúa tức là ông thầy cả của nước. Vì cớ nên hình trạng của ba quyền ấy Bần Ðạo nói rõ là lớn nhỏ khác nhau, mà chánh kiến vẫn là một. Trong gia đình nếu ta không gọi là ông Cha thì gọi là ông Chúa của gia đình, cầm đầu cái triều chánh của ông, bà vợ trong gia đình, người ta còn gọi là Nội Tướng tức là Thủ Tướng của gia đình, cả con cái là Lục Bộ Ðài Quan, tôi tớ hoặc những công nhân giúp việc trong gia đình tức nhiên là toàn dân vậy.

    Ấy vậy, gia đình theo phong hóa Việt Nam ta rất trọng hệ, ông Cha của gia đình cũng như ông Chúa của nước vậy, nên xét ra đến cực điểm phong hóa của ta thì thấy tốt đẹp lạ lùng, chỉ vì ta không quan tâm đến thôi, nếu để ý ta sẽ vui hứng hạnh phúc đặc biệt, bởi không có dân tộc nào giống như chúng ta, kỳ dư nước Tàu cũng chịu một ảnh hưởng văn minh như chúng ta mà cũng không đồng một vẻ hay là giảm bớt thì có. Trọng hệ là gia đình, mà gia đình có được trọng hệ thì ông Chúa của gia đình mới trọng. Vì cớ đạo làm Cha, phong hóa chúng ta kính trọng một cách vô đối. Ðối với xã hội, tổ phụ chúng ta biết con cái lớn lên phải lập gia thất, nên mới lưu truyền món hương hỏa ấy. Lấy gia pháp làm chủ đích, gia pháp ấy biến ra gia nghiêm, mà gia nghiêm chặt chịa kềm thúc con cái chẳng có ý chi khác hơn là dụng oai quyền đó mà tạo một vị Chúa tương lai cho gia đình, nên tổ phụ chúng ta trông nom điều trọng hệ ấy mà hủy bỏ cả hành tàng phụ thuộc ở ngoài là cả sự sanh hoạt của gia đình, chỉ lo bảo thủ lấy tinh thần làm Cha tương lai cho đúng giá trị của nó.

    Lạ chi đối với nòi giống của chúng ta thường nghe mọi người nói: "Phụ có từ, tử mới hiếu" mà Bần Ðạo đã nói rằng cả tánh đức của con người đứng đầu trên hết là hiếu, Bần Ðạo cũng đã giảng, đời Thượng cổ người ta đi tầm hiền chỉ do nơi hiếu, nên Vua Nghiêu chọn ông Thuấn kế vị cho Ngài là vì ông Thuấn là bậc chí hiếu, tánh đức hiếu ấy là cái năng lực căn bản của các tánh đức khác, nó là tánh đức của đạo đức tinh thần và nó đi gần tánh chất của loài người. Con người đã có hiếu thì các tánh đức tốt đẹp khác đều là phụ thuộc, bởi vì khởi đoan của tâm hiếu, không phải biến sanh một ngày, một bữa gì mà kể từ giọt sữa mẹ mà hiện ra làm căn bản môi giới cho các tánh đức khác nảy nở, mà ta đã thấy và định quyết rằng người đã làm được con hiếu thì thế nào cũng sẽ là cha từ. Mà hạng phụ từ rất tối cần, tối trọng cho xã hội vậy.

    Ấy vậy, trong gia đình phải có phụ từ, mà tại sao cha phải từ? Phương ngôn nói: "Cha hiền sanh con thảo", lại có câu: "Hiếu thuận huờn sanh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch huờn sanh ngỗ nghịch nhi", sách xưa truyện cũ ta thấy còn lưu lại nhiều thành tích rất quí hóa. Ðứa bé thơ kia học ai trước hết? Học cha mẹ nó. Trí óc non nớt của nó chưa có hình trạng gì, bởi lúc sơ sanh không có điều gì ô trược dính vào chung quanh nó, hỏi nó trông vào ai, dòm ai. Dòm cha bắt chước cha, dòm mẹ bắt chước mẹ, dòm anh em bắt chước anh em. Trong gia đình nếu có gương cha lành, thì sự ấy huyền bí thay! Nó sẽ bắt chước như vậy, dầu buổi sơ sanh, đứa con chưa biết nghe, hiểu thấu đáo cho thấu lý, nhiều khi cha mẹ dạy nó không tuân, Bần Ðạo vẫn quả quyết rằng cái phụ giáo và mẫu giáo đó không mất, dầu đứa con có lơ lảng không nghe đi nữa, chớ rồi nó cũng hằng để vào tâm cái huyền diệu vô đoán ấy, chúng ta không thể tưởng tượng được, khi cha mẹ khuất rồi, đứa con sẽ tiềm tàng cái giáo hóa buổi sơ sanh ấy làm căn gốc trong bản tâm của nó.

    Làm người cha hiền không biết làm mất tự do của con, trái lại còn trọng nữa, trong xã hội chúng ta như vậy đó. Ðừng thấy hình trạng giáo hóa bề ngoài lấy nghiêm trị làm căn bản mà gọi rằng đối với nòi giống chúng ta cha mẹ áp chế con làm mất tự do của nó. Không phải như vậy đâu! Có lẽ vì nhìn thấy Tông đường hư hoại, nên cha mới nghiêm trị con, đặng bảo thủ tương lai của Tông đường, chớ chẳng phải cố làm cho mất quyền tự do của con.

    Bần Ðạo giảng tích này cho cả thảy nghe mà suy gẫm, thì thấy nòi giống chúng ta vốn trọng sự tự do của con cái mà trọng một cách khéo léo.

    Ðời Tiền Lê có ông Thừa Tướng đầu triều không có con. Hai ông bà thường đến chùa này miễu kia cầu tự. "Nhơn hữu thiện niệm, thiên tất tùng chi", nên bà vợ hạ sanh được một đứa con trai. Quan Thừa Tướng đã niên cao kỷ trưởng mà có một đứa con trai thì nỗi mừng vui đó không thể luận được. Người Nam mình hay ví trứng mỏng cũng không ví bằng cậu công tử đó nữa. Từ khi nhỏ đến lớn, trong gia đình đối với cậu thì ai cũng là tôi đòi nô lệ hết. Hai ông bà cưng đáo để, lớn lên rồi hễ thấy cưng lại thêm nhỏng nhẻo, rồi du côn, rồi hoang đàng chi địa vô giáo dục. Tấn tuồng xảy ra như vậy mà quan Thừa Tướng và phu nhân cũng không dám động tới, vì quá cưng thì còn ai dám động tới cậu nữa đâu, cậu muốn lên trời hay xuống đất gì cũng được.

    Ðến tuổi đi học, cho vào trường thì không ai chịu nổi, con các quan bị cậu đánh luôn, ngày nào cũng có mắng vốn. Thấy tình trạng như vậy, biết con mình bị cưng quá không ai động tới được. Ðến khi trưởng thành 17, 18 tuổi, ôi thôi thanh lâu, tửu quán, trà đình, cờ bạc, không món nào mà cậu không có, ngoài ra còn du côn, du đảng, ai thấy gia đình ấy mà không nói rằng do căn trước tạo nhiều quả nên nay phải thống khổ tinh thần như vậy. Nhưng ông bà cũng vẫn cưng không động gì tới cậu công tử cả, ông chỉ buồn than nói với ông bạn là quan Hình Bộ Thượng Thơ rằng:"Tôi có một đứa con mà con cầu, con khẩn nên nay mới ra cớ đổi", thì ông bạn nói: "Thưa quan Thừa Tướng, nếu Ngài giao quyền trọn vẹn cho tôi đem lịnh lang về ở với tôi đặng tôi giáo hóa thử coi". Quan Thừa Tướng đã hết phương rồi, nên giao cho ông bạn dạy dỗ cũng không được gì hết, cậu công tử vẫn còn buông lung điếm đàng hơn nữa, nên ông định dùng oai quyền mà trị, mới cho quan Thừa Tướng hay: "Tôi phải dụng quyền đối với lịnh lang mà đối với Ngài nữa, việc làm của tôi thế là nhẹ thể Ngài, nếu Ngài vui lòng như vậy, tôi mới sửa lịnh lang đặng". Quan Thừa Tướng chịu: "Bạn làm sao giúp tôi được thì làm, vì tôi cùng đường hết kế rồi". Quan Hình Bộ Thượng Thơ thả cho cậu công tử ra ngoài đánh lộn, giựt của, làm đủ thứ, rồi bắt bỏ tù, lên án như các tội nhơn khác vậy. Vô khám cậu bị đánh khảo tra tấn chịu không thấu, thông tin về nhà cho Thừa Tướng hay. Ngài làm như tuồng cha đau lòng vì con, ra chịu tội trước triều đình, rồi Ngài và quan Hình Bộ Thượng Thơ đến người nầy người nọ xin tha thứ, đi tới đâu dắt công tử theo tới đó, cậu thấy khổ trạng như vậy nên lương tâm tự hối, biết tội mình làm để lụy đến cha dường ấy.

    Về nhà ông rước thầy cho đi học thêm nữa, vì cậu đã biết ăn năn, sợ cha mẹ và chịu ở nhà không dám phóng túng chơi bời nữa. Nhưng, trong gia đình cũng không chiều được cậu chỉ kiêng có cha mẹ thôi, ngoài ra không kể ai cả, nổi giận là cậu đánh đập liền. Ông mới tính một phương thế, lấy cớ là con nhà trâm anh, bắt cậu để móng tay, từ đó cậu ít đi ra ngoài chơi bời, mà cũng hết đánh thiên hạ nữa, là vì cũng bị lật móng tay hai ba lần gì đó, nên hoảng mà thuần nết lại. Ðến khi triều đình mở khoa mục, cậu nhờ trí thông minh sáng suốt lạ thường lại học giỏi nên được chấm đậu Trạng Nguyên. Nhà vua và cả mọi người biết tánh đức của cậu trước như vậy mà nay được như vầy thì ai cũng mừng, trong gia đình còn mừng hơn nữa. Thiết lễ Tân quan, khi vị Tân quan vào bái lễ Từ đường, rồi trở ra hội yến với các quan, quan Thừa Tướng mới kêu con lại nói: "Ngày nay con đã vinh hiển rồi sẽ ra làm quan thì móng tay con không để làm chi nữa, con đưa đây cho cha", ông cắt tử tế, đem vào bàn thờ Từ đường, lấy giấy đỏ gói lại, bao ở ngoài một lớp hàng đỏ nữa, đề bốn chữ "Trấn tâm chi bửu" nghĩa là của báu để trấn tâm, ông đưa lại cho con và dạy rằng: "Từ đây trở đi hoặc sau nầy con có kế chí cha làm đến đầu triều, vật trấn tâm chi bửu này cũng không nên rời con". Thì y như vậy, từ đó về sau, cậu con trai thăng quan tiến chức, kế được chí cha làm đến đầu triều, mà cái gói trấn tâm chi bửu tức là móng tay đó vẫn còn luôn.

    Bần Ðạo dám cả gan nói rằng: Nhờ cái phụ giáo như vậy, mà triều chánh Việt Nam ta mới bền bĩ, và chắc chắn rằng người đó là kẻ đem viên đá đầu tiên xây nền độc lập từ trước đến giờ, nhờ cái tinh thần đó mà chúng ta đạt được tinh thần độc lập ngày nay.

    Phụ giáo rất cao kỳ quý hóa. Nếu xét tường tận như vậy thì ta chưa đáng phận làm chúa gia đình. Trước khi tạo gia đình, cần suy gẫm coi ta có xứng đáng làm chúa làm nội tướng chăng rồi sẽ tạo, cả khuôn khổ tốt đẹp nòi giống chúng ta đã xao lãng, nào giục tấn, nào cấp tiến, nào văn minh, nào duy tân đáo để thôi. Tấn tuồng duy tân vật chất đưa đến tồi phong bại tục, hiện giờ là hoàn thuốc quá độc hại vậy.

    Phong hóa tốt đẹp bị bôi dơ, hỏi vậy chúng ta ngày nay đây, ai dẫn đạo tinh thần mà đã biết như vậy thì nên bỏ hay là phải cố thủ? Phải bảo thủ cái thể chất toàn hảo ấy là điều Chí Tôn mong muốn hơn hết. Ngài không nỡ nói ra, mà Ngài trông cho chúng ta biết phục hồi cái phong hóa của Tổ phụ lưu lại, đặng tạo một văn hóa tương lai cho toàn thể mặt địa cầu nầy vậy.

    Nếu Ngài nói ra thì nòi giống Việt Nam sẽ nói là Ngài thủ cựu hay là muốn phá hoại sự tự do của loài người và đời văn minh vật chất này không thể không chỉ trích Chí Tôn với lời lẽ ấy, nên Ngài không nói đó vậy.

  7. #7
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Tại Ðền Thánh, đêm 23 tháng 5 năm Mậu Tý (1948)


    Hôm nay Bần Ðạo tiếp tục khảo cứu nền phong hóa của chủng tộc Việt Nam đối với các chủng tộc khác.

    Bần Ðạo đã giảng rõ về đạo làm cha trong xã hội của chúng ta đã tạo thành một nền phong hóa đặc sắc của nòi giống như thế nào rồi. Vậy, Bần Ðạo lần lượt giảng tiếp về cái quyền của cha. Bần Ðạo giảng về đạo và quyền của cha trước rồi sẽ giảng về đạo và quyền của chủ, sau chót mới đến đạo và quyền của nhà vua tức là chúa.

    Ai cũng biết điều trọng yếu trong xã hội Việt Nam ta là Tổ phụ là nguồn cội của các Tôn giáo, nên từ Thượng cổ Tổ phụ ta đã lưu lại cho nòi giống ta cái cảnh tượng là biết tôn trọng Cửu Huyền Thất Tổ, dầu quá vãng hay hiện tiền cũng vậy, sự sùng thượng ấy còn tồn tại trong tâm hồn mãi thôi, chẳng hề khi nào quên ông bà của chúng ta được. Nên Tôn giáo chơn thật ấy nó buộc vạn quốc nhìn nhận là một Tôn giáo đặc sắc của một sắc dân chơn thật hơn hết. Thế thì đạo nhơn luân của chúng ta là do truyền nối hương hỏa của Cửu Huyền Thất Tổ đó vậy. Ta chẳng còn luận chi sâu xa hơn nữa, chỉ nói cái nợ máu thịt mà nòi giống Việt Nam nầy xem mắc hơn các nòi giống khác trên mặt địa cầu nầy. Vì bởi Tiên Nho chúng ta đã lưu lại một lý thuyết chánh đáng chuyên nghiệp để cảm (cầm?)(*1) tâm lý của nòi giống chúng ta là "Bất hiếu hữu tam vô hậu nhi kế đại". Trọng hệ hơn hết của nền quốc giáo Việt Nam ta, là vô hậu kế đại, tức nhiên thêm vào cái nợ máu thịt mà ông bà ta để lại, nếu không đương nỗi thì phải chịu thất hiếu với cả Tông tộc, Cửu Huyền Thất Tổ. Thất hiếu trọn vẹn, mà đã thất hiếu rồi thì buổi tương lai về cõi Hư Linh không ngó mặt ông bà ta đặng. Vì cớ, nên việc hôn nhân nơi nước ta có vẻ nghiêm khắc, truyền lại làm căn bản Tôn giáo trong nước, dùng khuôn khổ trọng nghiêm ấy đặng định luật, thì ta chẳng còn ngạc nhiên, hỏi bởi cớ sao luật nhơn luân lại gắt gao như vậy?

    Xưa kia hễ định luật hôn phối với nhau thành chồng vợ rồi thì chủ hướng duy có một điều là nối truyền hương hỏa. Tiếng tục thường nói rằng: "Dài dòng cả họ", nên Tông tộc nào dài dòng cả họ thì hạnh phúc đáo để, trước phong hóa mà được dài dòng cả họ thì được tôn trọng vô đối, tức nhiên buộc đạo nhơn luân phải gắt gao; khi cưới vợ ba năm mà không sanh con trai nối hậu thì đàng trai đặng phép để bỏ và lập thứ. Tại sao? Nếu người đàn ông cả gan vì thương vợ mà không chịu để bỏ thì mang tội bất hiếu với Cửu Huyền Thất Tổ, với cha mẹ kia kìa.

    Thấy đạo nhơn luân của chúng ta trọng yếu dường ấy, mà hễ trọng yếu tức nhiên quyền cha vẫn là cái oai quyền cao trọng, quyền cha trong phong hóa chúng ta, nếu con bất hiếu có thể lên án tử hình được, lên án với luật pháp hữu định, bởi vậy nên Tổ phụ ta nói: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu", ấy là luật nhơn luân của ta như vậy đó.

    Ðối với các quốc gia, các nòi giống khác, nếu có công kích thì họ nói đó là làm mất quyền tự do, mất nhơn phẩm của con. Bần Ðạo dám chắc rằng họ thèm thuồng lắm mà họ làm không được vì tình trạng phong hóa của ta, các nước Âu Châu không thế đối đặng. Bần Ðạo giảng về cái quyền cha mà chính mắt Bần Ðạo trông thấy hiển nhiên là khi Bần Ðạo mới ra trường đi làm việc, đổi xuống Cái Nhum, có ông Kế Hiền ở làng Chánh An, tên là Kế Hiền Kỷ làm một vị Trưởng tộc trong Tông đường, niên kỷ độ lối 55 tuổi.(*)

    Khi ấy trong nhà thờ Tông đường làm lễ cúng ông Cao Tằng gì đó, mà lệ trong dòng họ, người nào đến giờ tế tự mà vắng mặt thì năm đó mất phần hương hỏa. Sự nghiêm trị rất nhẹ nhàng nhưng mực thước, nên kẻ nào trong năm đó bị phạt ắt cất đầu không nổi, rồi chỉ có khóc lóc lén lút vậy thôi nên cả thảy đều phải đến. Bần Ðạo tọc mạch theo coi nghe tiếng đồn mà đến, chớ trong Tông đường của Bần Ðạo gia phong thì lại khác. Bởi biết ông Kế Hiền Kỷ còn theo Nho lắm, trong lúc ấy Bần Ðạo ngạc nhiên thấy trong con cháu, dầu nhỏ, dầu lớn, dầu trọng, dầu khinh, mỗi đứa đều đem tới một món, đi thôi rần rộ, độ 7 giờ cúng thì lối 5 giờ đi rước ông Trưởng tộc, các con cháu xúm khiêng ông, ba bốn chục người giành mà khiêng, còn bao nhiêu đi theo sau kiệu, tới nhà thờ làm lễ nghinh tiếp, ôi thôi! Bần Ðạo tưởng nhà Vua cũng không bằng. Vô tới giữa điện thờ, con cháu đem bộ áo của ông cố hay ông sơ gì đó mặc vô cho ông, bịt khăn và trao cho cây gậy. Bần Ðạo tưởng tượng đó là ông Vua, ông Chúa của gia đình rõ ràng như vậy.

    Còn nếu biết ông trị nghiêm trong Tông đường thế nào thì lại càng cảm mến hơn nữa, vì bởi từ thử chưa hề có một con cháu nhà nào đem nhau tới làng mà kiện thưa một việc chi cả, gia luật thật đáo để đẹp đẽ và nghiêm khắc, như thế mà đã năm sáu đời truyền kế. Tộc phái không kể Nội Ngoại gì cũng kế nghiệp được. Trong Tộc phái ấy có một bộ Tông chi không sót một tên nào mà vẫn còn giữ vĩnh cửu luôn. Ngày giờ nầy các nước ngoại quốc kia nói nhà Nam ta bảo thủ cổ tục ấy, hỏi có ai làm đặng vậy chưa? Nếu có được thì một phần ít thôi, mà cũng không có nữa. Tại sao? Tại tiêm nhiểm văn hóa Âu Châu rồi đem của quý liệng đi hốt của bỏ đem vào, tinh thần đã thành ra bạc nhược, thô bỉ, chạy theo thuyết duy vật của văn minh vật chất, quên hẳn khuôn khổ Tổ nghiệp ta để lại rất đẹp đẽ vô cùng, thâu thập những vật không đáng giá, làm xáo trộn nền phong hóa tận thiện tận mỹ. Hỏi thử ngày giờ gần đây ta thấy cái hại trong nước là tại làm sao chăng? Cả đạo nhơn luân điên đảo, biểu sao không trộm cướp loạn lạc, giặc giã tứ tung cho được!

    Nền đạo nhơn luân có đủ năng lực bảo trọng tương lai quốc vận lại đem bỏ đi, lấy cái hoàn thuốc độc của thiên hạ đưa cho, đã thiệt thòi mà cũng còn rán trướng cổ lên mà nuốt, nuốt cho chết.

    Quyền hạn của chúng ta, ngày nào chưa bảo thủ cho toàn dân tộc được thì đừng mong gì vĩnh cửu. Trái lại cần phải tô điểm Nam phong do tinh thần Tổ phụ ta để lại làm căn bản mới đủ sức mạnh, đủ cường liệt đứng đợt với toàn cầu vạn quốc. Bằng chẳng vậy thì đừng mong sớm hưởng, còn xa vời lắm.

  8. #8
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 1 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 07-07-1948)


    Chúng ta hôm nay tiếp tục khảo cứu nền phong hóa của nước nhà ta đối với các dân tộc toàn thiên hạ.

    Bần Ðạo đã giảng về chủ quyền thứ ba của xã hội chúng ta, gọi là quyền giáo sư thứ ba theo Ðạo Nho mà vị chủ quyền về đạo nhơn luân hay là chủ quyền về gia đình ấy tức là ông cha. Bần Ðạo đã giảng về đạo và quyền của người rồi, bây giờ tiếp giảng về ông chủ quyền thứ nhì của xã hội.(*)

    Ông chủ quyền thứ nhì mà cũng là giáo sư văn minh Nho Giáo là ông Chủ của Hương đảng. Bần Ðạo đã nói chức Ðại Hương Cả hay Kế Hiền là mới bày đặt sau này, chớ Nho Giáo chỉ định tới Hương Chủ là hết. Ta thấy rằng vị đó cầm quyền hương thôn, mà thật ra người cũng là chủ quyền của xã hội. Ta để tâm nghiên cứu coi cái phong hóa của đệ nhị chủ quyền nắm đó ra thế nào? Bần Ðạo xin nói trước rằng nó tốt đẹp không gì bì đặng, hại thay! Ngày giờ này vì quốc dân xu hướng theo văn minh tân thời mà muốn phế bỏ hủy hoại và cũng do bởi cớ mà Ðức Thanh Sơn để câu thi tự hào rằng:

    "Văn hiến bốn ngàn năm có sẵn,
    Chi cần dị chủng đến dâng công?"


    Nền văn hóa đạt được trải qua bốn ngàn (4.000) năm, không cần ai dâng công tạo văn hiến khác.

    Ðạo của vị chủ Hương đảng là coi sóc sự sanh hoạt của dân chúng trong thôn hương, chẳng những nắm chủ quyền sự sanh hoạt mà còn nắm chủ quyền sự chết sống, cầm vận mạng cả thôn hương trong tay nữa. Ðạo của người là Ðạo thường, lo phụng thờ tôn miếu của triều đình. Các đình làng đương nhiên là Công thần miếu, thờ những vị Công thần bất kỳ nơi nào trong thôn quê đã xuất hiện những vị trung quân ái quốc, vị quốc vong xu, tô điểm giang san, binh vực lợi quyền của xã hội; có công vĩ đại với triều đình, đến khi qui liễu được nhà Vua ân tứ phong cho Thần vị. Ðiều hay hơn hết là vị Công thần đạt vị đó, lại được trong bổn thôn sanh quán của người thờ người. Sự khéo léo ta thấy hiển nhiên, vì cớ vị Hương Chủ trong thôn hương cần nhứt tạo hiền tài; nào là lập trường học, bố thí kẻ côi cúc không phương học vấn, nào là nâng đỡ các gia đình hữu học. Khi đạt đặng khoa mục, khỏi làm xâu, bởi gọi hàng khóa sĩ. Bần Ðạo xin nói rằng chưa nước nào đã làm như nước Nam ta, khi xuất sĩ vị Tân khoa về quê gọi là bái tổ vinh qui, lạy tạ mồ mã Tông đường; ngày đó chẳng cần tả, sự vinh hiển vô đối của họ, nên phương pháp ấy giục tâm toàn quốc cố học, học đặng hành.(*)

    Hại thay! Trong thôn hương nhiều nhặt nhiệm nên cũng có sự hay mà cũng có sự dở, là kẻ nào bất tài thiếu học, hay có tánh chất hèn kém, không đủ tinh thần tế thế an bang; làm cục bướu của xã hội, nếu kẻ ấy không lập thân danh đặng thì duy có trốn mà đi chớ không dám ở trong làng mình nữa. Vì cớ cả quốc dân nong nả học hành, chẳng phải học để lập thân danh mà thôi chỉ thấy khuôn khổ nghiêm nghị, dìu dắt chủ hướng người quân tử dù tánh đức tiểu nhơn mà ở trong làng cũng phải sửa nết lại.

    Vị Hương Chủ có phận sự bảo vệ sinh mạng nên theo đàng cựu thì trích đất quốc gia làm công điền; hồi cựu trào số đất công điền trong các đất đai của làng rất thặng, vì thuở ấy dân chưa có gia nghiệp tư bản. Những đất hoang vu, ông Hương Chủ khai mở thành công điền, toàn thể dân đinh buộc họ duy có làm xâu mà thôi, mà chẳng phải làm xâu như bây giờ, người nào có làm xâu thì số lúa tư sản của mình được hưởng trọn vẹn, người nào không làm sẽ bị trích mấy phần mười số lúa tư bản (sản?)(*1) của mình đó. Số sản xuất những công điền ấy chia làm ba phần: Hai phần ba (2/3) để vào công nho làng, một phần ba (1/3) nạp cho triều chánh của nhà Vua, nên không có lấy thuế bằng tiền bạc. Nhà Vua buổi nọ muốn thưởng công các quan duy có đong lương mà thôi, vị nào cao cấp mấy hộc, trung cấp mấy hộc, hạ cấp mấy hộc; ngoài ra lương ấy nhà Vua có phương pháp kêu là ban thưởng đặc biệt về công nghiệp vĩ đại, ân tứ cho ngựa bốn cặp, sáu cặp hay mười cặp, hay xe đôi chục, năm chục mà thôi, sự khéo léo của quốc gia là giục tâm cho dân cày cấy, ngoài ra sự chăn nuôi súc vật, rồi vì sau nầy việc canh điền nặng nề thì lại bày ra việc thưởng trâu bò thay thế cho đầu ngựa. Ngày xưa làm quan không ăn tiền chỉ lãnh lương nên tiếng tục gọi là "ăn lương" là vậy.

    Một phần ba số lương triều chánh thâu vào thì nhà Vua dùng phát lương cho các quan, năm nào đặng mùa dư dã thì làm kho dự trữ, nơi các Hương đảng cũng đều phải vậy. Thảng như rủi năm nào thất bác, dân đói khó, thì lập tức mở kho ấy phát cho dân gọi là chẩn bần, mà đầu tiên đứng ra tế chẩn là ông Hương Chủ, khởi phát ở kho lúa của làng trước, khi nào thiếu mới lấy thêm ở kho quốc gia.(*)

    Sự nong nả chẳng phải tìm phương cho dân cày cấy ruộng nương mà thôi, phải khuyến khích chăn nuôi súc vật, khuếch trương các tiểu công nghệ trong làng, thúc giục dân nuôi tầm dệt vải làm tơ lụa, các nghề thợ mộc, thợ rèn và các kỹ nghệ nào hay khéo mà dân sở tại làm đặng, quyền ấy là quyền của ông Chủ Hương đảng, còn Ban Hội Tề, Hương Sư, Hương Hào, v.v... đều là phụ thuộc vào triều chánh của ông Hương Chủ mà thôi.

    Cái Ðạo của vị Hương Chủ là thờ Công thần, mà là thờ mạng sống của toàn dân trong hương nữa, nên cổ tục ấy lưu truyền đến ngày hôm nay, sống cũng phải lo cho dân, mà chết cũng phải lo cho dân. Vì cớ đồ âm công phải có sẵn. Hồi cựu trào bất kỳ hạng nào, dầu là một vị quan hồi hưu về ở trong làng cũng vậy, hễ khi có một đám tử, người dân của làng đã được định làm nhưng quan, thì bắt khiêng đám cũng phải đi, không ai khỏi đặng.

    Lại nữa, chẳng phải lo việc chết thôi, còn phải lập nhà thương, nhà nuôi trẻ em, trường học, cả cái khuôn khổ văn minh hương đảng lưu lại ngày nay là do nơi chủ quyền của Hương Chủ mà ra vậy.

    Hồi lúc Bần Ðạo còn nhỏ, nhớ nhứt là khi xay lương và giả lương, hễ lúa đem về kho rồi thì dân làng nhứt là phụ nữ, xúm lại giả cho trắng đặng nạp về triều kêu là nạp lương, tục ấy mới bỏ trong thời gần đây. Mà xay lương thôi thì đô hội, mệt nhọc mà vui vẻ lạ lùng. Không thể nói hết đặng, câu hò, câu hát còn lưu lại trong dân gian ngày hôm nay là do nguyên cội xay lương đó. Xay giả xong, 1/3 nộp cho triều đình, 2/3 để cho hương đảng.

    Còn một điều nữa là ở trong làng hễ có người nghèo khổ cơ hàn, thì Hương Chủ dạy toàn dân làng phải bảo vệ, hễ cưới vợ không được thì xúm nhau chung tiền lại giúp, cất nhà không nổi thì xúm nhau tạo nhà cho, khi có bịnh hoạn thì xúm nhau đến thăm viếng và giúp đỡ, tình liên lạc mật thiết như cốt nhục, mà khuôn tuồng đó ngày nay đã mất rồi, vì chưng tư lợi tư kỷ nhiều quá mà làm cho tiêu diệt hết lòng tương ái tương thân trong hương đảng.

    Ta thử nghĩ lại, một ông chủ cầm quyền xã hội dường đó, chánh sách còn bằng mấy Cộng sản, mà là Cộng sản tinh thần, nên Quốc gia chúng ta có Cộng sản thúc nhặt tâm lý làm khuôn phong hóa chung sống cùng nhau, không cướp bóc, không tranh quyền đoạt vị. Ở trong làng, quyền làm chủ hương thôn ấy chỉ có truyền biểu mà thôi, dầu trong triều về đó ở mà dân không tín nhiệm thì cũng không có quyền gì buộc dân đem mình lên đặng. Phần nhiều triều chánh sau nầy mới có tham quan ô lại, chớ thời xưa một người làm quan rất sợ điều đó lắm, là vì hễ đã mang danh tham quan rồi thì về làng không ở với ai được, cả làng mạt sát chịu không nổi, cho nên cả cái bí pháp hằng tâm gìn giữ rất nhặt nhiệm, kẻo buổi về già không chịu nổi sự trích điểm của thôn lân, được vinh quang chừng nào thì lại càng giữ gìn tánh đức. Trong làng mà vị nào vì dân, lo cho dân, đủ tánh đức nuôi dạy dân, thương dân như con đỏ thì dân sanh cử lên, chớ không phải bầu cử hốt mớ, rồi đưa kẻ bất tài thất đức lên được, vì trong triều chánh của ông Hương Chủ, ở dưới có Ban Hội Tề, đi từ mức đào luyện từ cấp, rồi mới lên đến Hương Chủ thì đã sáng suốt mực thước lắm rồi.

    Ngoài ra nữa, còn một điều là trong hương đảng coi chủ quyền ấy như ông Tòa, đến bây giờ còn chức tước mà quyền không phải vậy. Ông chủ của làng làm Tòa xử, hòa giải dân tình, nên không có tụng cáo ra triều đình bao giờ, hay là trừ các án tiết trọng hệ, như cường đồ, sát mạng, mới thấu đến luật hình triều chánh. Trong làng có điều gì chinh tâm với nhau thì ông chủ của làng xử trước, nếu bất đồng đem nội vụ ra nhà việc, hễ lỗi nhỏ thì nạp tiền câu tra, tội lớn thì căng nọc đánh giữa dân làng, không đến nỗi chết mà hễ bị đánh rồi thì về nhà còn có nước trốn đi nơi khác, hoặc đóng cửa đi đâu đi lén lút khổ não lắm vì bị gièm pha nhạo báng xấu hổ chịu không nổi. Còn nói về phụ nữ nhứt là gia đình nào con hát bè, hát bộ, thì có dọn mà đi luôn. Ðến nghiêm luật gái chửa hoang, đẻ lạnh thì cha ông, con cháu, đều bị đòi ra giữa làng hết thảy. Thứ vợ hổn với chồng, chồng hiếp vợ, con bất hiếu, em vô lễ với anh cũng vậy, đặng giữ nghiêm phong hóa xã hội do khởi đoan từ hương đảng ra quốc gia xã hội.

    Triều đình cốt yếu làm đầu đặng nắm giềng mối, chớ thật ra cầm quyền xã hội là trong hương đảng, mà quyền trong hương đảng là của Ðệ Nhị chủ quyền, tức là quyền ông Hương Chủ đó vậy.

  9. #9
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC TRONG HƯƠNG THÔN VIỆT NAM.


    Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 5 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 11-07-1948)


    Kỳ trước, Bần Ðạo đã giảng về đạo của vị chủ quyền xã hội chúng ta là ông chủ, nay tiếp thuyết về phương pháp tổ chức xã hội ta trong hương thôn là thế nào và ai cầm quyền ấy.(*)

    Ta đã thấy Nho Ðạo ta lấy gia đình làm căn bản, bước từ tiểu gia đình là gia tộc lên đại gia đình là quốc gia, lại thấy sự khéo léo trong gia đình là phương pháp thực hành. Các phần tử trong gia tộc hiệp lại thành Tông đường, một gia tộc nào đủ nhơn nghĩa đạo đức thì Tông đường đó, để mắt nong nả cho có đủ phương pháp thi thố cả sở năng của mình, bởi chỉ trông cậy nơi mình làm cho gia đình đứng đợt được với thiên hạ một cách vinh diệu, mà hễ Tông đường được vinh diệu, tức nhiên người đại diện cho Tông đường ấy khi ra thay mặt cho Tông đường, đã đào luyện trí thức tinh thần, sở năng, sở kiến, đặng thay thế Tông đường cho xứng đáng trước luật quan phép nước. Trong hoàn cảnh kiến thiết xã hội là vậy. Làm đầu Tông đường được, tức nhiên trong hương đảng đã để dành địa vị cho danh thể cao trọng ấy rồi, thanh niên thì vào hàng thành đinh, niên kỷ cao trưởng thì vào hàng kỳ lão, lãnh kiến thiết hương đảng, không bỏ một ai. Tuy vậy, Ban Hội Tề có đông đảo mặc dầu, nhưng Bần Ðạo đã nói rằng Hội Tề bất quá là triều chính của Ðệ Nhị chủ quyền là ông Hương Chủ trong hương đảng vậy thôi.

    Ấy vậy, trong hương thôn có mặt nào đứng đợt làm đầu hương thôn, mặt ấy không lẽ triều chính không biết đặng, nên danh nghĩa trong hương đảng liên quan mật thiết với triều đình, mà hễ có liên quan tức nhiên là địa vị triều đình sẽ dành để cho người cầm quyền hương đảng đó vậy.

    Tổ chức xã hội chúng ta đi từ tiểu gia đình lên đại gia đình là quốc gia, vì cớ nên Tiên Nho chúng ta, dầu cho Ðệ Tam quyền là ông Cha trong gia đình, mà có tội đem ra giữa triều chánh buộc tội là trị đạo bất nghiêm, còn Ðệ Nhị chủ quyền lại là trị dân không nghiêm cũng gọi là trị đạo bất nghiêm. Hình phạt nặng nề sẽ định án cho hai chủ quyền Ðệ Nhị và Ðệ Tam đó không phương chối cãi.

    Cái đạo, nói tiếng đạo, mà người cầm quyền trị đạo phải thật hành được đạo, đã không dễ, thì cầm quyền trị đạo lại càng không dễ nữa. Phải làm thế nào thi thố cho dân sự trong bổn thôn thấy tâm Thánh của mình là thay thế Ðức Khổng Phu Tử làm cha mẹ dân, mà chẳng vậy thôi, còn cầm quyền làm thầy trong bổn thôn nữa mà chớ.

    Tổ chức xã hội quốc gia chúng ta không mắc mỏ mà thật sự thì khó đáo để. Thuở mà nòi giống nầy còn kêu cha là bố và mẹ là cái, kẻ nào đạt được vị Bố Cái hương đảng, tức là cha mẹ của hương đảng, ấy là lời ban thưởng, tặng khen lớn lao lắm vậy, tức nhiên Ðệ Nhị chủ quyền là quyền của vị Bố Cái hương đảng là vinh diệu hơn hết.

    Ấy vậy, Ðệ Nhị chủ quyền làm cha, làm thầy hương thôn, ta suy xét tưởng tượng xem phận sự ấy trọng yếu như thế nào? Coi dân như con đỏ, làng như cha mẹ dân thay thế cho triều đình, mà muốn nên phận cha mẹ dân thì vị chủ quyền đó không tư tâm, tư kỷ, hễ tư tâm tư kỷ tức bốc lột dân, trộm cướp của dân, hiếp bức dân. Ta thấy phương pháp đương nhiên, hiện giờ còn giữ khuôn khổ ấy, chỉ hại một điều là hương đảng đương nhiên xu hướng tân thời đã hết làm cha mẹ dân, dở thói tham quan ô lại, làm cục bướu làm mụt ghẻ tâm lý của dân. Vì cớ nên giá trị của Ðệ Nhị chủ quyền không còn năng lực nữa, mà nếu không còn năng lực tức là hết cầm quyền chuyển tâm lý được, biểu thế nào ngăn cản được dân xu hướng theo văn minh mới, mà nhứt là nòi giống Việt Nam nầy hay nghinh tân yểm cựu lắm. Nếu không đủ biệt tài cầm cái khối báu do Chí Tôn để lại mà trau giồi làm cho có giá trị cứ do theo điều mới mẻ ấy thì chỉ có làm cha làm chủ bướng vậy thôi, nên cần phải biết sửa đương lại thì xã hội này sẽ đứng đầu hơn hết. Tại mình làm chủ mà không biết của báu, khinh miệt nên thiên hạ mới khinh miệt nó. Ấy vậy đương thời bây giờ thiên hạ không còn làm cha mẹ, bố cái hương đảng nữa, nên cái vinh diệu của Tiên Nho ta lưu lại đã bị bại hoại thành hình tướng dị hợm lắm rồi.

    Vị chủ quyền hương đảng của nhà Nho ta, tuy là tư tưởng tinh thần rất đơn sơ, nhưng nói ít mà làm nhiều, nên vị Hương Chủ hồi cựu trào lãnh làm chủ hương đảng thì triều đình phái một vị quan đến phong quyền cho và thường nói: "Triều chánh cầu xin một điều là vị Hương Chủ làm sao cho xứng đáng phận sự cha mẹ của dân".

    Trước ta đã thấy quyền làm cha mẹ trong gia đình khó khăn thế nào rồi, thì vị Hương Chủ lên làm cha mẹ dân trong một làng, lời xưa thường gọi là bá tánh là vì bởi nhiều Tông đường hiệp lại mới thành một làng. Nên việc làm cha mẹ dân trong một làng không phải dễ, dân đói phải lo, dân rách phải lo, dân khổ phải lo, một tên dân đau khổ thì ông chủ quyền phải ở bên mình như cha ở bên mình con vậy, cha nâng đỡ danh thể làm cho con nên thế nào, thì ông chủ quyền của hương thôn cũng phải làm nên cho dân thế ấy. Nghĩa là tâm lý của ông cha cầm quyền gia đình trị con thế nào, thì ông chủ cầm quyền hương lân trị dân cũng như cha trị con vậy.

    Nếu từ trước đến giờ còn giữ được khuôn khổ tổ chức của tổ phụ để lại, thì Bần Ðạo tưởng chẳng hề thấy sự tồi phong đương nhiên, và cầm chắc sự thống khổ loạn lạc chẳng hề có đặng. Ngày hôm nay, phong hóa quốc gia xã hội ta không còn nguyên hình tướng nữa, đã thay đổi ra thô tục gớm ghiếc quá chừng.

    Ðức Lý Giáo Tông lập Bàn Trị Sự, Ngài lập chức Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự, rồi Ngài lại biểu Bần Ðạo lập chức Thông Sự. Ngài nói Phó Trị Sự là Giáo Tông em, mà nơi làng có Giáo Tông em thì tức nhiên phải có Hộ Pháp em là Thông Sự nữa chớ. Nếu sự tổ chức hương lân chưa phải cần yếu thì Ðức Lý đã không làm như vậy. Ngài đặt chức Chánh Trị Sự tức là ông Chủ, Ðệ Nhị quyền trong thôn lân về phần Ðạo, hỏi vậy mơ vọng của Ðức Lý để Chánh Trị Sự làm gì? Ðức Lý có ý đem qui cũ Ðạo vào Ðệ Nhị chủ quyền, đặng phục hồi lại y như trước. Ngài quyết định hơn nữa là để vị Chức Sắc ấy nắm quyền Hội Thánh tức là vào Thánh Thể của Ðức Chí Tôn, nghĩa là dự định đặng lên Lễ Sanh, rồi lên Giáo Hữu, tức là vào hàng Thánh Thể đó vậy. Muốn chỉnh đốn xã hội lại, nên luôn dịp để một khuôn khổ trị Ðạo cho dân sanh tỉnh giác, biết vật báu ấy mà gìn giữ, tô điểm, làm cho xã hội thôn lân thêm xinh lịch. Ý muốn là vậy, mà thử hỏi Bàn Trị Sự toàn thể quốc gia ta ngày kia có đủ năng lực và đủ tinh thần đạo đức để chỉnh đốn xã hội ta trong hương thôn, lần lần sửa lại theo tổ chức tối cổ của quốc gia xã hội ta trước được không?

    Bần Ðạo dám chắc rằng Ðạo Cao Ðài làm đặng, và nhờ bàn tay của toàn thể quốc dân Việt Nam ta đó. Việc làm bất luận lâu hay mau, miễn đạt được thì thôi, Bần Ðạo sợ e một điều là đầu óc hình thể ta thấy trước mắt, thay vì chỉnh đốn đi ngược trở lại khuôn cũ, rồi lại còn xu hướng theo tổ chức xã hội, làm diệt vong phong hóa; thay vì cứu sống lại cái gia tài, lại làm tiêu cả sự tốt đẹp thọ hưởng đã bốn ngàn (4.000) năm nay còn noi lại. Bần Ðạo mơ ước một điều là toàn con cái của Ðức Chí Tôn trong hương thôn tức là Bàn Trị Sự, biết phận sự trọng yếu của mình để đủ tinh thần làm vừa theo Thánh ý của Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Chí Tôn. Bần Ðạo mong mỏi cả thảy đem cái quý của Tổ phụ chúng ta lưu lại chỉnh đốn cho đẹp cho xinh đủ oai quyền năng lực, đặng ngày kia đem cho toàn các sắc dân khác đồ theo. Ðương buổi này thiên hạ đương thống khổ tâm hồn, nếu họ thấy chánh sách của ta đạt được, họ sẽ lấy và đồ theo mà lấy trong tay Cao Ðài họ không thẹn mặt.

    Cả thảy nam nữ nhớ lời căn dặn, đặng khi thái bình trở lại, lo chỉnh đốn Bàn Trị Sự trong hương thôn, để làm nền móng tổ chức quốc gia ta sống lại đẹp đẽ mỹ mãn và cường liệt, mà quốc gia ta có đẹp đẽ mỹ mãn cường liệt thì nhờ nơi hương đảng tạo ra; nếu mấy người tạo ra thô bỉ thì sự kiến thiết cũng thô bỉ, hễ mấy người tạo ra đẹp đẽ thì sự kiến thiết đẹp đẽ, mạnh mẽ vì bởi khởi đầu đào tạo bằng hột giống mạnh, thì cây lên mạnh, bằng hột giống yếu thì cây sẽ lên yếu.

  10. #10
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    ĐỆ NHỨT CHỦ QUYỀN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM.



    Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 9 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 15-07-1948)


    Ðêm nay Bần Ðạo giảng tiếp về đệ nhứt chủ quyền của xã hội chúng ta. Bần Ðạo đã giảng kỳ rồi về đệ nhị chủ quyền tức là chủ quyền hương đảng, và đã giải rõ ràng cái phương pháp kiến thiết từ thử là lấy gia đình làm căn bản. Tiểu gia đình là trong một nhà liên quan với cả Tông đường gọi là họ, là tánh, trung gia đình tức là tổ chức trong hương đảng của Ðệ Nhị chủ quyền, tới Ðệ Nhứt chủ quyền làm đầu một Ðại gia đình là một nước.

    Ta đã tự hiểu Thánh ý của Ðức Chí Tôn sanh ra nòi giống chúng ta, và đã tạo cả tinh thần của nòi giống chúng ta, không biết chừng dìu dắt tinh thần ấy để lập chánh kiến quốc gia, là lấy gia đình làm căn bổn. Ta thấy rõ ràng Chí Tôn muốn cho cả nhơn loại chung hiệp cùng nhau làm một đại gia đình toàn cầu thế giái sau nầy vậy, nếu (nên?)(*1) Ngài định trước cho một quốc dân của Ngài đến lấy tinh thần đạo đức làm căn bổn cho cả tinh thần đạo đức toàn nhơn loại, lấy cả quyền năng lập quốc cho nước Việt Nam, đặng làm khuôn mẫu chuẩn đích tương lai lập chánh trị toàn cầu thiên hạ mà chớ. Nếu không tự tôn, ta cũng nhận thấy rằng điều tưởng tượng ấy không lầm, bởi dầu muốn hay không, quyền năng vô hình cũng xô đuổi dục tấn các dân tộc vạn quốc phải đi đến sự chung hiệp vào đại gia đình của toàn nhơn loại mà thôi.

    Ấy vậy, Bần Ðạo thuyết Ðệ Nhứt chủ quyền do Tổ phụ chúng ta tổ chức và lưu lại trong văn hiến tức là nhà vua. Ðệ Nhứt quyền là giáo sư, là ông cha của cả nước. Không lạ gì, chúng ta cũng thấy như ông cha trong tiểu gia đình kia vậy. Ðức Khổng Phu Tử nói: "Ðạo trị dân không khác đạo trị gia đình" ấy đạo của Ngài vậy. Chúng ta thấy trước khi lên cầm quyền vì một sơn hà xã tắc, một nhà đương quyền tại vị, hay đã thoái vị cũng vậy, các vì Vương Ðế thường có nói nơi cửa miệng hoặc di chúc lại, bao giờ cũng mơ ước cho có người kế vị xứng đáng làm cha mẹ của nhơn dân bá tánh, văn hiến của ta tuy đơn sơ mà thâm thúy lắm là nói ít mà làm nhiều, và sự khó khăn trọng yếu chẳng thể tưởng tượng được.

    Bần Ðạo nhắc lại một lần nữa là buổi nòi giống An Nam ta đây còn kêu cha là Bố, mẹ là Cái, mà vị Ðế Vương nào lên cầm quyền được dân tặng là Bố Cái, như Bố Cái Ðại Vương, thì sự vinh hiển của triều chánh đó không luận đặng, mà sự vinh hiển của Ðế Vương đó cũng chẳng tả được đối với lòng dân. Nói ít làm nhiều. Văn hiến của ta do văn hiến của Tàu châm chế sửa chữa lại, lấy của người làm của mình. Lấy căn bản chánh gốc của người ta mà làm của cải riêng của mình với tư cách đặc biệt, tưởng không nước nào khéo léo hơn nước Việt Nam ta vậy.

    Ta thấy lời một vị Ðế Vương để lại cho con lên truyền kế cho mình như Hớn Chiêu Liệt để lại Hậu Chúa, có câu căn dặn rằng: Nếu nhà cầm quyền nào mực thước trị dân, biết tùng theo thì thiên hạ thái bình, quốc thới dân an, Hớn Chiêu Liệt sắc Hậu Chúa viết: "Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi" (nghĩa là ông Hớn Chiêu Liệt căn dặn con truyền kế rằng: Ðừng thấy lành nhỏ gọi nhỏ mà không làm, đừng thấy ác nhỏ gọi nhỏ mà làm). Vì Ðế Vương biết rằng trong tay cầm sanh mạng quốc gia, trị cả bá tánh để lại cho con một di ngôn bất hủ. Nếu cả các Ðế Vương trên mặt địa cầu nầy, cầm sanh mạng quốc gia biết lấy câu ấy làm "trấn tâm chi bửu" cho mình, Bần Ðạo tưởng chắc, nếu thi hành cho đúng thì cả quốc dân đó hạnh phúc vô cùng.(*)

    Tổ phụ chúng ta muốn trong nước ta, dân ta, tình của Vua đối với dân thế nào cho mực thước, chơn thật như cha đối với con, nếu Vua đối được với dân như cha đối với con, tức nhiên lấy tình ái làm quyền hành, công chánh làm mực thước, tưởng không quốc gia nào trên mặt địa cầu nầy hưởng được hạnh phúc hơn nữa. Ta thấy tấn tuồng ly loạn do kẻ cầm quyền định vận mạng cho nước, cho dân chỉ biết mình, không biết bá tánh. Thường nghe nói: "Thiên hạ vi gia" hại một điều tuy vậy nhà Vua ở với bá tánh như cha ở với con nên có câu "thiên hạ vi gia" vậy nhà Vua lấy thiên hạ làm nhà, thương dân như con đỏ, trái lại họ lấy thiên hạ làm tôi đòi của cải. Thay vì coi thiên hạ như nhà như con, họ lại coi thiên hạ như nô lệ, tư nghiệp của mình, tức là hiểu lầm khuôn khổ của Tiên Nho ta đã quyết định vậy.

    Tổ chức thật khéo léo làm sao, chính nhà Vua cũng không thoát cái khuôn viên gia đình. Nếu ngôi Vua truyền hiền thì chẳng nói chi, từ khi các vị Ðế Vương truyền tử đến giờ gia đình vẫn ở bên cạnh họ, họ phải bảo trọng gia đình trước nhứt, bởi gia đình của họ là Ðệ Nhứt gia đình trong quốc gia. Ta thấy từ khi các quốc gia nầy chẳng chịu ảnh hưởng của Nho Tông mà lập quốc, đã trở nên suy đồi bởi nguyên căn nào, do trị gia bất nghiêm! Cho nên cổ truyền tai hại hơn hết là cái loạn trong cung tần, trong vòng hoàng tộc mà sản xuất, đã hiển nhiên như vậy không chối cãi được. Các vì Vua trị gia bất nghiêm, biểu không bại hoại sao được, mà Ðệ Nhứt gia đình thất đạo có liên quan mật thiết đến cả toàn bá tánh thất đạo.(*)

    Nhà Vua cốt yếu coi bá tánh như con đỏ, coi nước nhà như đại gia đình, giữ đạo nhơn luân làm trọng hệ, đã có quyền sanh sát, mà nếu quyền ấy không chuẩn thằng, biểu sao dân trong nước không thống khổ. Khi sự thống khổ ấy dân chịu đựng nổi chẳng nói chi, thảng như quá sức không chịu nổi được nữa, sanh loạn lên thì triều chánh và cả nước nhà phải nghiêng đổ.

    Sự kiến thiết quốc gia lấy gia đình làm gốc, ta không thể chối rằng không biết gia đình ấy hay là từ bỏ đạo nhơn luân, duy có theo lối vô thần thì mới chối đạo nhơn luân đặng, nếu không chối đạo nhơn luân, tức không chối đạo gia đình, mà không chối gia đình thì cũng không hề chối tương lai vận mạng của tổ quốc mình được. Ấy vậy căn bản của phong hóa Việt Nam ta do nơi đạo nhơn luân, nơi gia đình, dầu ai thuyết minh phong hóa như thế nào đi nữa nguyên căn tinh túy cũng vẫn do nơi gia đình mà thôi; cho nên gia đình, phân làm ba hạng: Hạ, trung và thượng gia đình; thượng gia đình là Quốc gia, trung gia đình là Hương đảng, hạ gia đình là Tông đường, không có chi là lạ, là khó, nhưng căn nguyên ấy ta không sửa đổi đặng bởi ba bực hạ, trung, thượng của cơ tấn hóa thế nào thì gia đình cũng thế ấy. Cả Càn Khôn có Thượng giái, Trung giái, Hạ giái, mặt luật thiên nhiên của sự tiến hóa trật tự ấy không thể tiêu hủy đặng.

    Tổ chức xã hội của chúng ta khéo léo làm sao đâu, Bần Ðạo dám chắc rằng cao thượng hơn hết. Hại thay! Quốc dân ôm của báu trong tay mà không biết quí trọng, liệng rồi chạy theo ăn mót đồ bỏ của thiên hạ, lấy làm của. Ðức Chí Tôn đến đặng thức tỉnh nhơn sanh, nên mới có câu Ngài nói với nhà Vua: "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong" là thêm ý rằng: Tổ phụ chúng bây để lại cho bây một phong hóa, nó sẽ biến thành phong hóa của toàn nhơn loại vậy.

    Ngài cho biết rằng chúng ta vốn có của báu, mà của báu ấy thiên hạ đang tìm kiếm đặng sống.



    Source: Caodaism.org

  11. #11

    Mặc định

    Đôi khi "âm thầm lặng lẽ" như MyNhan đây lại là 1 điều tốt.

    Mynhan ơi cố lên!!!!

  12. #12
    Moderator
    Gia nhập
    May 2008
    Nơi cư ngụ
    Vong Ưu Cốc
    Bài gởi
    1,823

    Mặc định

    hi...Đồng Đạo Quá khen rồi .

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Nữ trạng nguyên duy nhất khoa cử phong kiến Việt Nam?
    By 470525 in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 05-06-2011, 08:24 PM
  2. [1] Lão giáo và quá trình nội địa hóa ở việt nam
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 17
    Bài mới gởi: 03-05-2011, 03:38 PM
  3. Những thành cổ ở Việt Nam dưới con mắt công nghệ
    By bộ xương in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 24-01-2011, 08:00 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •