Nơi tận cùng cuộc sống
01
Có gì oai hùng bằng cánh đại bàng biển tung bay trên từng con sóng dữ… càng oai hùng hơn nữa khi đôi cánh ấy lại tung bay trên ngực của một con người…
Người đó là Thường Như.
Thường Như Nhất Kiếm.
Từ cái quán nhỏ này nhìn ra xa xa là cả một cánh đồng xanh bất tận, xa hơn nữa là một dãy núi chập chùng, phía bên kia của dãy núi lại là biển cả mênh mông…
Chủ quán là một lão già nhỏ thó, xương xẩu, lão hỏi : khách quan chắc là đến từ bên kia dãy núi?
Thường Như khẽ gật đầu.
Những người từ bên kia dãy núi khi đến đây đều mang mùi hương của biển.
Cái quán nhỏ này bình thường rất vắng vẻ, hôm nay có được thêm mươi người khách. Lại có một đoàn ba bốn người đến nữa…
Con ngựa của Thường Như nổi bật trên nền xanh của cỏ vì nó có màu trắng toát, bờm cũng màu trắng mà đuôi cũng màu trắng. Đúng là một con bạch mã vô cùng tuyệt đẹp. Con ngựa này phải có giá thiên kim, vì thế tất có nhiều người để ý, nhất là những người trong chốn giang hồ. Hơn nữa đây là một nơi heo hút trên thảo nguyên, một nơi dễ ra tay của phường trộm cướp.
Quả nhiên một kẻ trong số đó tiến lại bàn của nàng.
Gã cao mà gầy, mỏ dơi tai chuột, chòm râu dê sụ, mặc cái áo da báo, cái quần vải gai của dân thảo nguyên, gác chân lên trên ghế.
Cung cách này trước phụ nữ quả là rất bất lịch sự.
Gã nhơn nhơn nói : con ngựa của cô em đẹp đấy…
Thường Như mặc y phục màu trắng, lưng nàng đeo một thanh kiếm cũng màu trắng, trên tóc nàng cài một bông hoa cũng màu trắng nốt.
Gã nói tiếp : ta là Yên Hà Tam Kiếm, nghĩa là từ trước đến giờ chưa ai có thể chịu nổi ta quá ba kiếm… ta nghĩ cô em cũng vậy thôi…
Gã nghiêng người nhìn sâu vào ngực Thường Như, thấy hai gò bồng đảo trắng ngần vươn cao trong cái cổ áo xẻ rộng, bên trái dường như có một cái hình gì đó màu xanh xanh… giống như cánh của một con chim.
Thường Như ưỡn ngực lên, nàng nói : ngươi có muốn xem thật rõ không ?
Yên Hà Tam Kiếm như nhớ ra điều gì đó, gã bất giác lùi lại, miệng nói : không cần… không cần thiết… ta thấy như vậy là đủ rồi…
Thường Như đã đứng lên, lạnh lùng : nhưng ta lại muốn cho ngươi xem…
Kẻ nào nhìn thấy tất kẻ đó phải chết, Yên Hà Tam Kiếm dường như cũng biết thế, gã càng lùi vội ra xa. Những thực khách giang hồ trong quán cũng đều đứng cả dậy, có vài người muốn bỏ đi ngay.
Kiếm của Yên Hà đã rút ra, thanh kiếm có màu xanh biếc - thanh Tử Hà Kiếm. Yên Hà cũng là một kiếm thủ có hạng, nhưng lòng tham lam và dâm đãng đã biến gã trở thành một kiếm thủ tầm thường. Gã đâm chém liên tục đến mười mấy nhát, quyết ra tay trước để chiếm tiên cơ, khi ngã xuống người ta thấy ngực gã phun máu ra giọt giọt.
Gã chỉ bị trúng một kiếm ngay ngực nên chưa chết, còn nằm ngắc ngoải…
Thường Như đã tra kiếm vào vỏ, nàng ngồi xuống bàn, cái quán nhỏ trở nên im lặng, nghe có tiếng gió thổi rì rào trên thảo nguyên…
Quán chìm vào yên lặng thật lâu, mãi sau mới nghe có tiếng vỗ tay chan chát từ bên ngoài, một cỗ xe từ xa tiến lại, một lão già từ từ bước xuống.
Chính lão đã vỗ tay, lão nói : đường kiếm tuyệt vời, đúng là Nhất kiếm…
Lão mặc chiếc áo gấm thêu hoàng kim lộng lẫy, trên vai lão lại có một con quạ đen chễm chệ.
Con quạ kêu to : quạ… quạ…
Đám giang hồ võ lâm muốn đi ra cũng không thể đi được nữa vì cỗ xe đã chắn ngang trước cửa. Trên xe lại bước xuống một người nữa, lần này là một bà già. Bà ta cũng mặc áo gấm lộng lẫy, trên vai không phải con quạ đen mà là một con cú trắng.
Con cú đảo cặp mắt nhìn xung quanh, kêu to : cú… cú…
Giang hồ gọi họ là “Nhất Cú Nhị Quạ”.
Hôm nay họ cùng đến đây thì chắc sẽ có sóng gió kinh thiên ở cái quán nhỏ này.
02
Lão già áo gấm đã vào đến giữa quán, còn bà già thì đứng ngay cửa… khá nhiều thực khách muốn bỏ đi nhưng không thể đi được. Không gian trở nên im ắng, mọi người sợ hãi đến mức tay chân đổ mồ hôi ướt đẫm, thậm chí có kẻ còn đái cả ra quần.
Thường Như ngồi bất động…
Lão già chỉ một hán tử gày gò mặc quần vải gai, áo da báo, gằn giọng : nãy giờ ngươi có nhìn thấy gì không ?
Hán tử lắp bắp : nãy giờ tôi không nhìn thấy gì cả.
Lão già nói tiếp : vậy có nghe thấy gì không ?
- tôi cũng không nghe thấy gì hết…
lão gục gặc cái đầu : vậy ngươi có nói gì ?
- tôi hoàn toàn không nói gì…
Lão già : vậy ngươi đã “đắc tam không”, có thể đi được rồi.
Hán tử nghe nói thế thì vội vàng nép mình len qua cửa vọt đi ngay.
“Đắc tam không” nghĩa là không nghe, không thấy, không nói gì hết, đó là nguyên tắc sinh tồn ở nơi được ví là tận cùng cuộc sống.
Đám người bên trong lật đật đứng dậy, cùng nói : bọn chúng tôi cũng không nghe, không thấy, không nói gì hết…
Lão già khoát tay : vậy các ngươi cũng có thể đi được.
Trong chốc lát cái quán nhỏ trở nên vắng lặng, kể cả tay chủ quán cũng biến mất tiêu, xem ra lão đã “bỏ của chạy lấy người”.
Thường Như vẫn ngồi bất động, gương mặt nàng lạnh như băng giá.
Giây lâu sau lão già mới lên tiếng : chỗ của ngươi là ở phía bên kia núi… ngươi không nên trở về đây làm gì.
Thường Như lạnh lùng nói : ta yêu biển, cuộc đời ta tung hoành trên biển cả, ta đâu muốn về đây để làm gì?
Bà già lúc này mới lên tiếng : vậy sao ngươi lại ở đây?
Con cú trắng của bà ta dang đôi cánh rộng như để thị uy, nó lại kêu to : cú.. cú…
Thường Như trở nên trầm ngâm, nàng không thể nói rằng nàng trở về đây là vì nhung nhớ một người…
Cuối cùng nàng cũng hỏi : người ta có khỏe không ? lâu lắm rồi…
Nàng muốn nói rằng lâu lắm rồi ta không gặp, nhưng không hiểu vì sao tự nhiên ngưng lại.
Phía bên ngoài gió bỗng thổi trên cánh đồng lồng lộng, những ngọn cỏ như cùng vang tiếng hát :
Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây.
Là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say.
Đây những bờ suối vắng im phơi mình bên lùm cây.
Đây những dòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng,
Và những đôi nhân tình đang thả hồn dưới mây trời.
Hồi lâu sau lão già mới nói : người ta vẫn khỏe, vẫn vui vẻ… mới chỉ có mấy năm thôi mà.. có gì là lâu lắm đâu?
Thường Như muốn quát vào mặt lão : lão có biết là đối với những người yêu nhau thì mỗi giây xa cách dài hơn thế kỷ.
Nhưng nàng lại làm thinh.
Nàng nghĩ rằng có nói ra thì hai kẻ này cũng không thể hiểu được.
Lão già gằn giọng : nếu ngươi muốn gặp lại người ấy thì chỉ có một cách, đó là bước qua xác của hai chúng ta.
Lão không tự tin là có thể thắng được Thường Như, nhưng Nhất Cú Nhị Quạ mà liên công thì cũng khó có đối thủ.
Thường Như đã ra đến bên ngoài, nàng muốn chiến đấu trên cánh đồng xanh bát ngát này. Nàng nói : sống trong tự do thì chết cũng phải trong tự do.
Nhất Cú sử một thanh đao nhuôm nhuôm gọi là Hổ Phách Đao nặng hai mươi bảy cân, còn Nhị Quạ lại dùng một thanh đao trắng toát cán dài gọi là Miêu Đao nặng tới bốn mươi hai cân… Bọn họ đều đã trên bảy mươi, kinh nghiệm chiến trường dày đặc. Còn Thường Như mới chỉ hai mươi bốn, nàng còn quá trẻ, quá đẹp để chết… nàng biết rằng khó mà thoát khỏi cái chết trong hôm nay, nhưng thà vậy còn hơn là phải sống trong đau khổ, sống trong nhung nhớ của một tình yêu tuyệt vọng…
Bookmarks