Trang 1 trong 3 123 Cuối cùngCuối cùng
kết quả từ 1 tới 20 trên 51

Ðề tài: GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI !

  1. #1

    Mặc định GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI !

    CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B

    GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
    +++

    A. DẪN NHẬP

    Khi nói tới điều răn mến Chúa yêu người thì ai cũng cho là một đề tài quá quen và cũ kỹ rồi, nhưng nếu biết cầu nguyện, suy gẫm, tìm hiểu và nghiên cứu thì đây là một đề tài phong phú, nó sẽ gợi mở ra một chân trời rộng rãi và còn nhiều điều mới lạ. Hầu hết chúng ta mới học thuộc lòng điều răn ấy chứ chưa hiểu hết nội dung, nên chưa thực hành đầy đủ điều răn ấy.

    Cốt yếu của đạo Công giáo của chúng ta là Đức ái “Mến Chúa yêu người” vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Ngoài ra không còn điều răn nào khác quan trọng hơn hai điều răn đó” (Mc 12,31).

    Thánh Phaolô nói :”Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”(1Cr 13,13). Thánh Tông Đồ còn khẳng định thêm :”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người… được ơn nói tiên tri… đem hết gia tài ra bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi”(1Cr 13,1-3). Thế mới biết tầm quan trọng của Đức Ái.

    Điểm đặc biệt trong đạo chúng ta là Đức Giêsu đã nâng giới răn yêu người lên ngang tầm với giới răn mến Chúa và gắn liền hai giới răn đó chặt chẽ với nhau đến nỗi mến Chúa mà không yêu người thì chưa giữ trọn luật Chúa, và ngược lại cũng vậy. Hôm nay chúng ta suy niệm về luật mến Chúa yêu người nhưng chúng ta chú trọng hơn đến luật yêu người để thúc giục chúng ta thi hành luật Chúa cho đầy đủ.

    B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA


    + Bài đọc 1 : Đnl 6,2-6

    Ôâng Maisen nhắc nhở cho dân Do thái phải thi hành luật cao trọng nhất là :”Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức”. Lòng yêu mến Chúa trong Đệ nhị luật truyền dạy bao hàm trong sự trung thành thờ phượng Thiên Chúa và tuân giữ các giáo huấn của Ngài.

    Dân Do thái tuân giữ giới răn này qua bao thế hệ. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Cựu ước còn thiếu sót vì chỉ chú trọng tới việc yêu mến Giavê, Thiên Chúa duy nhất, mà chưa nói đến việc yêu thương tha nhân.

    Sự thiếu sót này sẽ được Đức Giêsu bổ túc trong bài Tin mừng hôm nay.

    + Bài đọc 2 : Dt 7,23-28

    Thư gửi tín hữu Do thái ca ngợi chức Tư Tế của Đức Giêsu. Chứùc Tư tế của Đức Giêsu Kitô ưu việt trên chức tư tế của dòng họ Lêvi. Nếu so sánh hai chức tư tế ấy chúng ta sẽ thấy :

    - Chức tư tế của Do thái chỉ có một đời người, khi chết thì hết; còn chức Thượng Tế của Đức Giêsu thì vĩnh viễn.

    - Các tư tế Do thái là những người phàm, vướng mắc nhiều tội lỗi; còn Đức Giêsu là vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn.

    - Các tư tế Do thái phải dâng lễ nhiều lần; còn Đức Giêsu chỉ dâng lễ đền tội một lần là đủ.

    + Bài Tin mừng : Mc 12,28b-34

    Một luật sĩ đến hỏi thử Đức Giêsu xem giới răn nào trọng nhất. Câu hỏi xem ra bình thường nhưng là câu hỏi hóc búa. Lý do vì trong 613 khoản luật không nói đến điều răn nào trọng nhất, tùy theo ý chủ quan của mỗi luật sĩ, thích điều răn nào thì cho là điều răn ấy trọng nhất.

    Nhưng Đức Giêsu đã nối kết hai khoản luật ở Đệ nhị luật và ở sách Lêvi trả lời rõ ràng cho luật sĩ đó là hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và thương yêu tha nhân như chính mình.


    C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

    Hai giới răn trọng nhất

    I. GIỚI RĂN MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI.

    + Giới răn trong Cựu ước.

    Ôâng Maisen là nhà lập quốc và lập pháp đã truyền lại cho dân Do thái mười điều răn của Thiên Chúa. Qua bao thế hệ người ta vẫn trung thành giữ các điều răn ấy.

    Hằng ngày người Do thái sốt sắng cầu nguyện với kinh Shema tựa như kinh Lạy Cha của chúng ta. Trong đó có câu :”Hãy nghe, hỡi Israel, Giavê Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa độc nhất. Ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi. Các lời ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lặp lại cho con cái ngươi”.

    Đó là một kinh tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, hết thảy mọi người đều phải tận lực yêu mến Ngài. Tuy mọi người tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất nhưng chưa đồng ý với nhau trong một rừng luật như vậy, giới răn nào là quan trọng nhất. Đức Giêsu sẽ trả lời cho họ trong Tân ước.

    Nhân dịp này chúng ta cũng nên tìm hiểu xem thế nào là sách Đệ nhị luật hay Thứ luật. Ôâng Maisen đã ra luật cho dân nhưng còn tổng quát và ngắn gọn, sau này luật được diễn dịch rồi tổng hợp thành bộ luật Thorab. Sách Đệ nhị luật không thành hình trong một ngày và do một tác giả nào. Nó cũng không phải là tác phẩm trong thời Maisen. Nó lấy lại luật Maisen, suy đi nghĩ lại và cùng với lịch sử của dân Chúa. Có thể hàng tư tế đã là nguồn gốc của sách này. Thế nên nó được gọi là Đệ nhị luật hay Thứ luật, tức là luật đến sau luật trước, luật bổ khuyết và diễn giải luật pháp Sinai.

    2. Giới răn trong Tân ước.

    Trong thời Đức Giêsu, các luật sĩ là những chuyên gia nghiên cứu Thánh Kinh và luật pháp. Chắc chắn họ phải thông hiểu rành rẽ về Kinh Thánh vì đó là lãnh vực chuyên môn của họ. Thế mà có một luật sĩ nêu ra cho Đức Giêsu một câu hỏi kể cũng hơi lạ !


    Nhưng thực ra, vào thời ấy, các luật sĩ đều sôi nổi tranh luận xem giới răn này hay giới răn nọ quan trọng hơn. Họ đã liệt kê ra một rừng giới răn, cả một cánh rừng mù mịt đối với người Do thái. Như vậy, luật Do thái có 613 khoản luật, chia ra 248 việc phải làm và 365 việc không được làm. Xét về sự quan trọng, người ta lại chia các điều luật đó ra nhiều hạng : khinh giới và trọng giới, đại giới và tiểu giới. Nhưng các người biệt phái lại không đồng ý với nhau về giới răn nào trọng nhất. Vì thế, người luật sĩ mới đến dò xem Chúa cho biết điều răn nào là trọng nhất.

    Đức Giêsu đã trả lời cho ông bằng cách đọc lại những lời đầu tiên của kinh cầu nguyện Do thái. Đó là kinh Shema “Hỡi Isrel, hãy lắng nghe” trích trong Đệ nhị luật 6,4-5 :”Hỡi Israel, hãy nghe đây : Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi”.

    Nhưng Đức Giêsu không ngừng ở đây, Ngài liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai là phải yêu mến anh em :”Còn đây là giới răn thứ hai : ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi”(Lv 19,18-34).

    Trong văn chương Do thái thời ấy, người ta thường thấy thủ pháp nối kết như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu quả là bậc thầy tuyệt diệu : Ngài nối kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu anh em, và hợp thành một giới răn duy nhất. Để nêu lên tính duy nhất căn bản đó, Marcô đã không ngần ngại dùng lẫn lộn số ít với số nhiều :”Không có giới răn nào quan trọng hơn những giới răn đó”(J. Hervieux)

    * Hãy yêu tha nhân. Tha nhân là ai ? Trong Cựu ước chỉ có nghĩa là người gần gũi với người Do thái về huyết thống và chủng tộc. Nhưng “tha nhân” mà Đức Giêsu dùng ở đây có ý hiểu về hết mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, người nghĩa thiết hay kẻ thù.

    * Như chính mình ngươi. Không có nghĩa là ngươi phải làm cho kẻ khác những gì ngươi làm cho ngươi, nhưng đúng hơn là phải đối xử với kẻ khác cùng một “tình yêu” như ngươi đã xử với ngươi. Đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, thứ tình yêu đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách chủng tộc, mầu da, vượt lên trên óc phân biệt quốc gia hay tôn giáo, quên đi mọi hiềm khích hay những thành kiến cá nhân hoặc cổ truyền.

    II. NÓI VỀ HAI GIỚI RĂN ĐÓ

    1. Liên hệ giữa hai giới răn.

    Điều mới lạ mà Đức Giêsu làm là ghép chung hai giới răn này lại với nhau. Từ trước cho đến thời Đức Giêsu chưa có ai nhập chung hai giới răn ấy thành một. Yêu Chúa và yêu tha nhân, hai tình yêu ấy như hai anh em sinh đôi dính liền nhau. Khi tìm được người này, chúng ta sẽ gặp được người kia. Và khi không tìm được người này chúng ta cũng chẳng gặp được người kia.

    Nhưng cần phải phân biệt rõ hai giới răn này. Người ta thường có khuynh hướng hợp nhất hai giới răn này làm một, như thể “yêu Thiên Chúa là đủ” hay “yêu thương anh em” cũng đủ. Giới răn thứ hai không thể thay thế cho giới răn thứ nhất được. Hai giới răn này chỉ là hợp nhất và song hành thôi, chứ giới răn thứ hai không đồng nhất với giới răn thứ nhất được.

    Nếu so sánh tình yêu đối với Chúa và anh em thì có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm cho chúng ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình “hối lộ”, cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xóa mọi chuyện.

    Cũng không phải yêu anh em dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ đợi ở nơi chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không yêu mến Thiên Chúa. Rút cục, hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai (Phạm văn Phượng).

    2. Tình yêu và hành động.

    Nếu thánh Giacôbê nói :”Đức tin không có hành động là đức tin chết”, thì chúng ta cũng có thể nói :”Tình yêu không được thể hiện bằng hành động là thứ tình yêu giả dối, chỉ có trên đầu môi chót lưỡi như người ta nói :

    Thương thương nhớ nhớ thương thương,

    Nước kia muốn chảy mà mương không đào


    a) Mến yêu Chúa.

    Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách để yêu mến Ngài nhưng những cách biểu lộ ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một cách, nhưng theo Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại điều kiện tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là thực thi Lời Chúa, sống theo giới răn của Chúa. Chúng ta hãy nghe những lời Chúa dạy :


    “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các điều răn của Thầy… Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy, mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy… Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,15-21.23).


    b) Yêu tha nhân.

    Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống theo khuôn vàng thước ngọc này :”Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”(Mt 7,12). Hay nói ngắn gọn hơn :”Ngươi hãy yêu thân cận ngươi như chính mình”(Mc 12,30). Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu xa, khổ cực, tai họa; vậy yêu người thì cũng phải làm như vậy cho người.

    Có lần một người mới gia nhập Do thái giáo yêu cầu thầy Hillel dạy ông ta toàn thể thông điệp của luật pháp trong thời gian ông ta có thể đứng trên một chân. Câu trả lời của thầy Hillel là “Điều gì ngươi ghét thì đừng làm cho người khác. Đó là trọn vẹn luật pháp, phần còn lại là nhằm giải thích, hãy đi và học lấy”.

    Ngay bên Đông phương, trước Đức Giêsu, Đức Khổng Tử đã để lại một câu nói để đời:”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Sau này ngài cũng nói một câu khác tương tự nhưng với khía cạnh tích cực :”Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”. Tư tưởng của ngài cũng giống như ở trên.

    c) Tình yêu tha nhân bắt đầu từ đâu ?

    Tình yêu tha nhân phải bắt đầu từ gần đến xa. Nhưng bi đát thay, việc yêu thương tha nhân của chúng ta thường lại gặp thất bại từ đầu ngay trong chính gia đình chúng ta. Không yêu các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào yêu thương những người khác được. Và ngược lại cũng thế. Khi yêu thương các thành viên trong gia đình mình, chắc chắn chúng ta sẽ yêu thương được những người khác nữa.

    Chúng ta hãy đặt một câu hỏi cho mình : Chúng ta đã dành tình thương cho những người trong gia đình mình thế nào ? Nếu chúng ta trả lời là “chưa mặn mà lắm” thì có lẽ tình yêu ta dành cho láng giềng cũng chẳng thể khá hơn. Và nếu chúng ta chẳng yêu tha nhân, chẳng yêu láng giềng mặn nồng thì chúng ta cũng không thể yêu mến Chúa nồng nạn được. Ngược lại, nếu chúng ta yêu quí mọi người trong gia đình mình, chúng ta mới có thể yêu quí người hàng xóm, và một khi yêu được người hàng xóm, thì chúng ta cũng dễ dàng yêu mến Thiên Chúa.

    Trong ý nghĩa đó, Thomas Merton đã nói :”Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu của chúng ta dành cho Đức Kitô chỉ là tưởng tượng”.

    3. Thành quả của hai giới răn đó.

    Nhờ hai tình yêu đó mà con người có thể tìm lại được chính mình. Các tác giả tu đức nói rằng lệnh truyền của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta yêu tha nhân và lệnh truyền của Ngài đòi buộc chúng ta yêu mến Chúa. Hai lệnh truyền đó tương quan mật thiết với nhau đến nỗi nếu chúng ta không thương yêu anh em mình thì chẳng bao lâu chúng ta cũng chẳng còn yêu mến Thiên Chúa nữa. Có một câu châm ngôn rất phổ biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau :

    Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu,

    Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu.

    Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài,

    Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi,

    Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.


    Chúng ta có thể quả quyết : Bí quyết để gặp được Thiên Chúa và gặp được chính mình là tìm gặp và yêu thương người lân cận của mình.

    III. THỰC HÀNH GIỚI RĂN CHÚA.

    Chúng ta không còn thắc mắc gì nữa. Lệnh truyền của Chúa thật rõ ràng. Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nhưng đồng thời cũng phải thương yêu anh em như chính mình. Yêu anh em như mình là chuyện khó vì anh em là những con người cụ thể với biết bao những khuyết điểm, dễ va chạm, nhiều khi tha nhân bị coi như kẻ thù của ta.

    Nhìn rõ thực tế đó nên thánh Gioan Tông đồ đã viết :”Nếu anh em cụ thể mà không yêu được thì làm sao có thể yêu mến Chúa được”(1Ga 4,20)..

    Theo lời thánh Giêrônimô khi Thánh Tông Đồ về già, ngài nguyên giảng về bác ái :”Các con thân mến, các con hãy yêu thương nhau”. Giáo hữu thưa với thánh nhân :”Sao cha giảng điều ấy hoài” ? Thánh Tông Đồ đã trả lời :”Vì đó là điều luật Chúa dạy, và nếu thi hành được duy một điều đó là đủ rồi”.

    Đức Giêsu đã phán :”Các con muốn được người ta làm cho các con thế nào thì các con hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31). Ngài còn phán thêm :”Hãy cho đi thì các con sẽ được người ta cho lại. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào thì cũng sẽ đong trả bằng đấu ấy”.

    Napoléon tuyên bố không thèm thân với ai, thì ông đã chết đơn độc trong đảo Sainte Hélène

    Hitler, con hùm xám Đức quốc xã, chủ trương dùng bạo lực thì đã chết trong khói lửa đúng theo lời Thánh Kinh “cái ác giết ác nhân”(Tv 33,22).

    Trở lại với bài Tin mừng hôm nay, nghe Đức Giêsu trả lời, vị luật sĩ rất tâm đắc với ý kiến rất khôn ngoan của Ngài và diễn tả tâm tình thiện cảm và xác tín của ông đối với tuyên phán của Đức Giêsu về giới răn trọng nhất :”Mến Chúa và yêu người thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và lễ vật hy sinh”. Việc mến Chúa yêu người có giá trị làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn những lễ hiến dâng có tính cách hy lễ và vật chất.

    Lời phát biểu của vị luật sĩ phát xuất từ sách 1 Samuel 15,22 (bản văn này kêu gọi sự vâng lời). Lời ấy được lấy lại trong Ôâsê 6,6 (Ta thích lòng nhân từ chứ không thích lễ tế). Người ta có thể nhận biết trong lời đó sự quở trách mà Thiên Chúa, qua các tiên tri, đã ngỏ với dân Ngài : dân chỉ thực hiện những nghi thức nhưng kèm theo bóc lột và những bất công.

    Truyện : Bỏ tội thiếu tình thương


    Thứ tội mà chúng ta phạm nhiều nhất là tội không yêu thương. Tuy nhiên chúng ta lại không coi đó là tội, vì chúng ta vẫn nghĩ cái gì làm hại đến người khác mới là tội.

    Một người kia bán một chiếc xe “dỏm” cho một người khách lạ. Một hôm anh vừa đi nhà thờ xưng tội ra thì gặp một người bạn. Người bạn nói :”Chắc là anh có kể cho Cha giải tội nghe chuyện anh bán chiếc xe dỏm” ? Anh đáp lại :”Tôi chỉ xưng các tội thôi. Còn chuyện buôn bán thì có ăn thua gì tới ông cha đó” ?


    Một nguy hiểm lớn cho tín hữu thường đi nhà thờ là không thấy sự liên hệ giữa điều họ làm ở nhà thờ ngày Chúa nhật với điều họ làm trong tương quan với người khác vào những ngày trong tuần. Nhiều người xét mình theo đủ mọi điều răn nhưng không hề xét tới những tội thiếu sót; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ngay thẳng trong việc làm ăn, thiếu tôn trọng những người sống chung với mình… Đối với những người đó, đạo và đời hoàn toàn tách biệt nhau (Theo Flor McCarthy).


    Mở đầu sách giáo lý Tân Định có một câu hỏi rất hay : Hỏi :”Ta sống ở đời này để làm gì” ? Thưa: “Ta sống ở đời này để nhận biết thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”.

    Như vậy, cuộc đời con người là phải mến Chúa và yêu người thì mới mong được hưởng hạnh phúc đời đời. Chính vì thế nữ tu Rosalie mới nói :”Nước Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương”.



    Lm Giuse Đinh lập Liễm

    Giáo xứ Kim phát

    Đà lạt

    http://www.simonhoadalat.com/Suyniem...uongNien31.htm

    http://menchuayeunguoi.com/
    Last edited by MuaDong; 20-04-2011 at 11:10 AM.
    Cỏ dại ven đường

  2. #2

    Mặc định

    Hỏi :”Ta sống ở đời này để làm gì” ? Thưa: “Ta sống ở đời này để nhận biết thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”.

    Như vậy, cuộc đời con người là phải mến Chúa và yêu người thì mới mong được hưởng hạnh phúc đời đời. Chính vì thế nữ tu Rosalie mới nói :”Nước Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương”.

  3. #3

    Mặc định

    đường đến thiên đàng xem ra còn xa quá,chẳng biết đi khi nào mới tới đây

  4. #4
    Lục Đẳng Avatar của kiếp mù lòa
    Gia nhập
    Oct 2010
    Nơi cư ngụ
    hoa quả sơn
    Bài gởi
    21,931

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi satyaa Xem Bài Gởi
    đường đến thiên đàng xem ra còn xa quá,chẳng biết đi khi nào mới tới đây
    thương người thân cận,xem người bất hạnh như thiên chúa thì đường vào thiên đàng thẳng tắp !
    haiz...........................

  5. #5

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi MuaDong Xem Bài Gởi

    Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài,

    Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi,

    Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.
    Tâm đắc nhất câu này.

  6. #6

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi kiếp mù lòa Xem Bài Gởi
    thương người thân cận,xem người bất hạnh như thiên chúa thì đường vào thiên đàng thẳng tắp !
    thêm câu này nữa nè LOVE LOVE...

  7. #7

    Mặc định MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

    MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI


    rose4rose4rose4

    Tình yêu là đề tài được nói nhiều trong thơ ca, phim truyện, âm nhạc,...Người ta nói mãi không chán. Khai thác đề tài này mãi không hết. Giới trẻ thích đề tài này lắm. Tình yêu của một đôi bạn trẻ được tăng tiến từng bước nhờ lời nói, ánh mắt, câu chuyện gặp gỡ, quà tặng,...cho đến sự hy sinh hiến thân, quên mình phục vụ lẫn nhau.

    Tin mừng Chúa Giêsu nói đến một loại tình yêu : yêu Chúa, yêu người. Nếu Chúa chỉ nói về tình yêu này để chúng ta nghe chơi, thưởng thức như phim truyện thì dễ, đằng này Chúa dạy chúng ta phải sống tình yêu ấy một cách quyết liệt cho nên khó lắm.

    Tôn giáo nào cũng có luật, luật dạy sống đạo. Đạo Do thái có cả một rừng luật. Đạo thời cựu ước có tới 613 khoản luật(248 điều răn dạy và 365 luật cấm kỵ). Cho nên, nhiều người Do thái và ngay cả những người thông luật cũng thường tranh luận xem điều luật nào nặng nhẹ, trọng hèn và họ không phân biệt giữa điều răn tôn giáo, luân lý và nghi lễ. Chúa Giêsu rút ngắn lại chỉ còn hai điều là mến Chúa, yêu người. Nói gọn hơn nữa là tình yêu hay yêu mến. Và được Chúa Giêsu chốt lại thành giới răn quan trọng nhất. Kinh 10 điều răn §c ChĩaTrời tóm lại "trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy". Thật ra, từ thời cựu ước xa xôi, Thiên Chúa đã dạy họ bổn phận ấy, nhưng người ta không nối kết hai giới răn ấy lại với nhau. Chỉ lo mến Chúa, thờ Chúa mà quên tha nhân nên mới có hình thức đối xử bất công, trả thù, báo oán, trừng phạt lẫn nhau. Đến lúc, Thiên Chúa không chấp nhận nổi điều ấy nên đã sai Con Một mình xuống thế dạy người ta nối kết hai giới răn ấy với nhau thật khớp và nhịp nhàng, ăn ý. Quả thật, Chúa Giêsu là người 'nối mạng internet' thật tuyệt diệu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người. Vì bản chất 'Thiên Chúa là tình yêu'. Thánh Gioan còn nói 'Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa' (Ga 4,7).

    Vậy khi Thiên Chúa đòi buộc ta 'hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng' Ngài muốn xác định cho chúng ta là thụ tạo phải đáp trả lại Thiên Chúa như vậy mới xứng đáng, mới đúng mức. Mà càng thờ phượng, càng yêu mến Thiên Chúa chúng ta càng được tăng thêm sức sống, tình yêu, niềm vui, bình an, hạnh phúc và sự thánh thiện. Như trong Kinh nguyện Thánh Thể giáo hội dạy ta 'việc chúng con ca tụng không thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại ơn cứu rỗi cho chúng con'. Một nhà tu đức nói : 'lòng kính mến Thiên Chúa là dịp để Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào dự hiện diện của Người và tẩy rửa để chúng ta trở nên những tôi tớ của Ngài'. Vì vậy, ai không thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa là thiệt thòi, mất mát lớn lao là người kiêu ngạo, tự loại trừ mình trong trật tự an bài của Thiên Chúa.

    Thánh Augustinô nói : 'hãy yêu mến Thiên Chúa và thực hành điều bạn thích'. Bởi vì tình yêu Thiên Chúa hướng dẫn, chi phối tất cả mọi hoạt động của con người một cách chính xác nhất. Chúng ta phải để cho tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy trước, nếu không sẽ dễ rơi vào sự lẫn lộn với các loại tình yêu kiểu trần tục mà ĐGH Bênêđictô 16 trong thông điệp đầu tay 'Thiên Chúa là tình yêu' có nói : từ ngữ 'tình yêu' hôm nay đang bị lạm dụng nhiều nhất, rất nhiều khi hiểu là tình dục nữa.

    Xét cho cùng, tội con người phạm nhiều nhất, phạm đi phạm lại là tội không yêu thương : không mến Chúa, yêu người. Hai giới răn này như hai mặt của một đồng tiền, không thể thiếu mặt bên kia, nếu không sẽ là tiền giả. Vậy sống đạo một vế cũng là giả dối. Thánh Gioan tông đồ đã nói rõ : "ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em mình mà họ thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không thấy" (1 Ga 4, 20). Hai giới răn này bổ túc, soi dẫn cho nhau.

    Chỉ khi nào yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa đúng như Ngài dạy, chúng ta mới nhận ra nhau là anh em, biết nhận ra phẩm giá đích thực của nhau để biết trân trọng, quý mến dù con người đó là một thai nhi yếu ớt, một cụ già lọm khọm, một người mất trí, tàn tật. Sở dĩ, ngày nay người ta coi thường mạng sống của nhau là vì người ta không chịu nhận biết, tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa. Sống như thế là mất quân bình.

    Chúng ta luôn phải xem lại khoảng cách giữa môi miệng và trái tim khi nói với Chúa trong kinh kính mến 'con kính mến Chúa trên hết mọi sự, lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy'. Có khi thường là công thức máy móc, vô hồn. Thiên Chúa đã từng khiển trách : "dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng lại xa Ta” (Mt 15, 8). Con người chúng ta với nhau cũng không chấp nhận kiểu yêu nhau bằng đầu môi chót lưỡi. Đối với Thiên Chúa đây là một điều ghê tởm, bôi bác, xỉ nhục Ngài, vì 'Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế". Và 'Thiên đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương'(Rosalie).

    'Tình yêu chắc chắn kéo theo đau khổ. Điều này dẫn chúng ta đến chủ điểm sau cùng là : chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì đã dấn thân vào tình yêu. Chúng ta nên vui mừng khi phải đau khổ với cùng một người về cùng một việc hết ngày này qua ngày nọ. Chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì bị mất đi một cơ hội để hãnh diện, hoặc mất đi một vinh dự hay một dịp để thăng quan tiến chức. Khi chúng ta chịu đau khổ vì tình yêu, chúng ta có thể hoan hỉ vì biết rằng Chúa đang sử dụng chúng ta' (Theo Mark Link, SJ).

    Đức Giêsu liên kết giới răn mến Chúa yêu người thành một để dạy chúng ta hôm nay sống đạo cũng vậy. Yêu mến, thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ thì cũng biết yêu thương anh chị em khi ra ngoài nhà thờ. 'Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau'. Nói với Chúa những lời kinh tốt đẹp, tha thiết thì cũng phải biết nói với nhau những lời lịch sự, chân thành, trân trọng. Vì mỗi người chúng ta là công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài đến độ mà Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với những người thấp bé, nghèo khổ, bệnh tật.

    Những người nào tử tế, tốt với mình thì tự nhiên có sự thiện cảm, thích gần gũi hơn nên dễ yêu thương lắm. Còn ngược lại thì khó thương. Nhưng Chúa Giêsu đến dạy chúng ta tình yêu không biên giới, không phân biệt hạng người, yêu cả kẻ thù và làm ơn cho họ. Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta xây dựng một thế giới, xã hội chan chứa tình người dựa trên lòng kính mến Chúa. Thế giới ấy phải loại bỏ đi sự bất công, hận thù, khủng bố, chém giết loại trừ nhau. Thực tế, có nhiều giáo dân chỉ sống đạo tốt ở nhà thờ về gia đình ở xã hội thì hoàn toàn ngược lại. Chỉ yêu thương nhau trong làng xóm, dòng họ cũng tốt rồi nhưng chưa phải là sống đạo như Chúa dạy, vì 'tất cả những gì anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta". Thật sự, nói và khuyên bảo nhau yêu thương thì dễ lắm nhưng sống mới khó. Ca dao Việt Nam có câu : "yêu nhau kéo áo đắp chung, ghét nhau nắng lửa mưa dầm mặc nhau. Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra'. Yêu nên tốt, ghét nên xấu là vậy.

    Đối xử với nhau bằng tình yêu thương là quyền căn bản và nghĩa vụ của con người. Thánh Phaolô nói : "yêu mến là chu toàn mọi lề luật"(Rm 13,10). Chúa Giêsu giải thích thêm 'chẳng có điều răn nào khác lớn hơn, hay hơn các điều răn đó'. Sau này trước khi chịu chết, Chúa cũng nói : Thầy để lại cho anh em điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em'(Ga 15,12).

    Chúng ta không giữ đạo, sống đạo, đi lễ vì giữ luật khỏi tội mà vì lòng yêu mến Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng đáng mến đáng yêu vô cùng. Chúng ta yêu thương nhau không dừng lại ở tình cảm tự nhiên nhưng nhận ra nơi nhau là hình ảnh Thiên Chúa, có Chúa hiện diện. Ngày tận thế, chúng ta bị xét xử nặng nề nhất về phương diện tình yêu (x. Mt 25, 31- 46).
    Chúng ta hôm nay vẫn còn lệ thuộc vào nhiều luật lệ khác nhau : luật đạo, luật đời. Luật đời lại được chia thành nhiều loại khác nhau nữa. Nhưng dù phải giữ luật nào đi nữa, người kitô hữu hãy cố gắng đưa tinh thần mến Chúa yêu người vào thì sẽ cảm thấy dễ thực thành, dễ vượt qua, dễ chấp nhận. Sống luật yêu mến là bài học sống động, hấp dẫn nhất để lôi cuốn người khác đến với Chúa, đến với đạo chúng ta là đạo yêu thương.

    Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

    http://thanhlinh.net/node/21614
    Cỏ dại ven đường

  8. #8

    Mặc định

    Mình hỏi cái này đừng có giận nhe : chúa : nói mến chúa , yêu người . Ai tát má này đưa má kia cho tát . Nếu nó được nước làm tới tát hoài thì sao chịu nổi ! Chúa nói không được giết người . Vậy nếu vài kẻ xấu muốn giết ta thì sao ? Không lẽ chạy hoài. Hay trong chiến tranh , ví dụ ta ở đất nước bị xâm lược không lẽ trốn , ta thương nó nhưng nó cứ muốn giết ta , vậy phải giết nó thôi ! Sao chúa không đặt ngoại lệ Như trường hợp trên . Còn tổng lãnh thiên thần dẫn quân chiến đấu chống satan , Như vậy là đánh nhau rồi , đâu có nhịn được . Mình không hiểu nên các bạn giúp mình đi

  9. #9

    Mặc định

    Bạn MuaDong giúp mình giải thích nha

  10. #10

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi zhugeliang140 Xem Bài Gởi
    Mình hỏi cái này đừng có giận nhe : chúa : nói mến chúa , yêu người . Ai tát má này đưa má kia cho tát . Nếu nó được nước làm tới tát hoài thì sao chịu nổi ! Chúa nói không được giết người . Vậy nếu vài kẻ xấu muốn giết ta thì sao ? Không lẽ chạy hoài. Hay trong chiến tranh , ví dụ ta ở đất nước bị xâm lược không lẽ trốn , ta thương nó nhưng nó cứ muốn giết ta , vậy phải giết nó thôi ! Sao chúa không đặt ngoại lệ Như trường hợp trên . Còn tổng lãnh thiên thần dẫn quân chiến đấu chống satan , Như vậy là đánh nhau rồi , đâu có nhịn được . Mình không hiểu nên các bạn giúp mình đi
    Thân chào bạn zhugeliang !

    Nếu bạn là người công giáo thì cha xứ đã giảng cho bạn từ khi bạn còn là thiếu nhi đến lúc trưởng thành tất cả những điều trên, vào các ngày lễ chủ nhật khi bạn đi lễ nhà thờ (có lễ riêng dành cho thiếu nhi). Và sinh hoạt thường xuyên 3 tháng hè các khoá thiếu nhi...V.v...

    Mùa Đông xin phép trả lời bạn trên phương diện một số ít kiến thức mà MĐ có may mắn được dạy.

    _ Việc cho người ta tát má phải má trái đó cũng như đạo Phật là buông xả, không chấp những việc không hay người ta làm cho mình, kể cả mạng sống của mình cũng như đạo Phật nói đó là 1 hình thức vui vẻ trả nghiệp vậy.

    Không phải tự nhiên chúng ta có được sự thanh thản, tâm bình lặng ...phải trãi qua quá trình tu sửa chân thật. Đó chính là phần thực hành, phần này quan trọng nhất và tôn giáo nào cũng dạy như vậy. Nếu chỉ có học lý thuyết mà không thực hành thì chúng ta sẽ không hiểu được.

    ".....Còn tổng lãnh thiên thần dẫn quân chiến đấu chống satan , Như vậy là đánh nhau rồi , đâu có nhịn được ...."

    Tâm vắng lặng thì không có nhịn bạn àh, vì tự nhiên cũng sẽ không phản ứng... chỉ thấy thương người ta thôi.

    Những câu chuyện hình ảnh trên không mang tính bao lực, cốt yếu chỉ để chúng ta dành ra chút ít thời gian suy nghĩ thêm trước khi muốn làm một điều gì đó.

    Vài hàng mong bạn vui vẻ trong tinh thần xây dựng chung.
    Mến chào.
    Cỏ dại ven đường

  11. #11

    Mặc định

    Sao bạn biết mình đạo CG , sao biết mình vào đạo từ lúc nhỏ hay vậy ?

  12. #12

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi zhugeliang140 Xem Bài Gởi
    Sao bạn biết mình đạo CG , sao biết mình vào đạo từ lúc nhỏ hay vậy ?
    MD không biết bạn ra sao, MĐ chỉ giả sử thôi.
    Cỏ dại ven đường

  13. #13

    Mặc định

    Có kẻ đang lẩm bẩm MỘT LŨ NHỒI SỌ ĐỂ CÓ NHIỀU TÍN ĐỒ.
    Tại ko thể copy, post bài dài dòng. Chứ mình chẳng muốn viết chửi ai. Nhưng người tài lại ngủ để ăn cướp vào nhà

  14. #14

    Mặc định

    Giả sử hả ? Nhưng mình không tin " trả nghiệp " . Mình có trả thì chỉ có chúa mới phán xét , nếu trả trên trần gian rồi xuống luyện ngục làm gì . Cụ thể thế này , có 2 nước A và B , A xâm lược B nếu bạn là dân của B thì bạn làm gì ? Chiến đấu hay không ? Giả sử A gây chiến trước , làm trái đạo đức .

  15. #15

    Mặc định

    Bạn sesônglai có ý gì ?

  16. #16

    Mặc định

    hy vọng không có chuyện chia rẽ,như Chúa đã từng nói "Sa Tan mà chia rẽ nhau thì nước nó sao mà tồn tại"?

  17. #17

    Mặc định

    Chia rẽ gì ở đây !

  18. #18

    Mặc định

    Dân Israen đang ăn nên làm ra trên đất Ai Cập, bỗng chốc THÀNH NÔ LỆ AI CẬP. Có phải HỌ ĐÃ CHIẾN ĐẤU ĐÁNH TRẢ K? Có liều cũng thua. NHƯNG HỌ ĐÃ THOÁT NHỜ THIÊN CHÚA CỨU HỌ.
    Và rồi khi Israen bị LA MÃ ĐÔ HỘ, HỌ MONG CÓ CUỘC KHỞI NGHĨA, NHƯNG CHÚA JESU KO DẠY NHƯ VẬY. Khi Chúa bị bắt, PHERO VUNG KIẾM. Chúa dạy AI DÙNG GƯƠM SẼ CHẾT VÌ GƯƠM.
    Tóm lại, là KITO HỮU PHẢI NHƯ CHÚA JESU. Chịu đựng tất cả ,tin tưởng tất cả, tha thứ tất cả. Chúng ta tin THIÊN CHÚA THẤU SUỐT MỌI SỰ, NGÀI SẼ RA TAY, như CHÚA ĐÃ RA TAY VỚI PHAO LÔ ĐẤY
    Tôi cũng muốn chửi như bác supperqeen. (tánh nóng lắm) Nhưng ko, phải nói cho LỊCH SỰ,

  19. #19

    Mặc định

    Vậy quan điểm bạn sesônglai là chịu đựng , không chiến đấu . Còn các bạn khác thì sao ?

  20. #20

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi zhugeliang140 Xem Bài Gởi
    Giả sử hả ? Nhưng mình không tin " trả nghiệp " . Mình có trả thì chỉ có chúa mới phán xét , nếu trả trên trần gian rồi xuống luyện ngục làm gì . Cụ thể thế này , có 2 nước A và B , A xâm lược B nếu bạn là dân của B thì bạn làm gì ? Chiến đấu hay không ? Giả sử A gây chiến trước , làm trái đạo đức .
    xin dùng một chút hiểu biết để giải thích với bạn nhé.
    Khi ta phạm tội ăn cắp. Mình phải trả lại cho người ta vật mình đã lấy đó là đức công bằng bên cạnh đó mình còn phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho người ta nữa (chẳng hạn bị đi tù) v.v.

    Bạn có chắc là trên trần gian mình đã trả hết những gì mình đã gây ra chưa?

    TÔI THÚ NHẬN CÙNG THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG VÀ CÙNG ANH CHỊ EM TÔI ĐÃ PHẠM TỘI NHIỀU TRONG TƯ TƯỞNG, LỜI NÓI, VIỆC LÀM VÀ NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT.

    Nếu chúng ta là dân của B tất nhiên sẽ đứng lên chiến đấu vì lẽ công bằng.hug007

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trợ Niệm Và Chuẩn Bị Khi Lâm Chung
    By vietnamese in forum Đạo Phật
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 17-06-2012, 09:44 AM
  2. Đức Dalai Lama 14 Hạnh phúc, Nghiệp và Tâm thức
    By Copykinhsach in forum Đạo Phật
    Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 05-06-2012, 03:32 PM
  3. Đối thoại với thương đế
    By Itdepx in forum Đạo Thiên Chúa
    Trả lời: 22
    Bài mới gởi: 27-01-2012, 05:37 PM
  4. Đạo gì?
    By phúc minh in forum Đạo Phật
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 20-04-2011, 10:42 AM
  5. KHOA HỌC TÂM LINH NHÂN ĐIỆN M.E.L
    By tuanvu_quynh1949 in forum Luân xa, Nhân điện, Cảm Xạ, Yoga, Thôi miên học.
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 09-04-2011, 03:26 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •