X. ÐẠO BÁT CHÁNH
Ðạo Bát Chánh là tám con đường phải noi theo để diệt trừ sự vô minh.
1. Chánh kiến (bien croire) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà tin tưởng.
2. Chánh tư duy (bien penser) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà xét suy.
3. Chánh ngữ (bien parler) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà nói năng.
4. Chánh nghiệp (bien agir) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà hành động.
5. Chánh mạng (bien vivre) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà sanh phương để nuôi mạng sống.
6. Chánh tinh tấn (bien s'efforcer) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà tấn hóa.
7. Chánh niệm (bien se souvenir) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà hồi tưởng tưởng nhớ).
8. Chánh định (bien méditer) nghĩa là giữ theo lẽ chánh mà thiền định (tưởng gẫm).
- Chánh kiến: Muốn tin tưởng theo lẽ chánh, trước phải biết luật thiên nhiên của Tạo Hóa mà tin theo. Như biết rằng cả nhơn loại đồng thọ của Ðấng Tạo Hóa một điểm chơn hồn, tức là con một Cha. Ðã là con một Cha, tức phải thương nhau như anh em ruột thịt, đó là cái quan niệm chủ nghĩa bác ái vậy. Phải biết rằng muôn loại trong trời đất đều ở dưới luật nhơn quả, dưới cơ báo ứng, cho nên cả thảy đều liên lạc và tương đương nhau. Ví dụ, sự ác của một người làm có thể làm hại cho nhiều người khác, hoặc nhiều sanh loại khác. Trái lại, điều thiện của một người làm có thể làm lợi cho nhiều người khác, hoặc nhiều sanh loại khác. Cho nên mình làm một việc chi quấy, chẳng những mình làm quấy cho một mình mình, mà mình còn lây quấy cho người khác nữa, thế thì chẳng những mình đắc tội với Trời Ðất, mà mình còn đắc tội với chúng sanh nữa. Cho nên con người nếu biết cái lẽ chánh ấy mà tin theo, thì khỏi sợ sa vào nơi tội lỗi mà phải lạc lối sai đường, tức là diệt được sự vô minh đó vậy.
- Chánh tư duy: Phàm muôn việc chi, hễ có thiệt thì có giả, hai cái vẫn tương tợ nhau, song cũng nhờ có cái giả mới nhận ra được cái thiệt, mà muốn phân biệt được hai lẽ chánh tà, ta cần phải thành thật và do theo lẽ chánh mà suy xét từ điều. Nếu do theo lẽ chánh mà suy xét từ điều, thì ta ắt thấy rõ được cái chơn tướng của nó, rồi trí khôn ta mới hết mờ hồ, hết nghi hoặc, hết sanh hoạt trong vòng ảo cảnh, hết đeo đuổi theo lối tà thuyết dị đoan, tức là diệt được sự vô minh đó vậy.
- Chánh ngữ: Mình biết xét suy theo lẽ chánh thì đã đành rồi, song mình cũng phải giữ lời nói của mình theo lẽ chánh mới được, vì một lời nói bất chánh có thể làm cho người ta lầm lạc mà lỗi đạo tu hành. Người xưa có làm một pho tượng hình người bằng vàng, nơi miệng lại có ba sợi dây ràng buộc lại. Ấy là tỏ ý rằng người xưa vẫn cẩn thận lời nói lắm vậy. Vả lại Ðức Chí Tôn có dạy rằng: “ ... Nơi Tòa Phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dặn các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể...”.
Tóm lại, lời nói chánh thì khỏi làm cho người lầm lạc vào nẻo tà vạy tối tăm, tức là diệt được sự vô minh đó vậy.
- Chánh nghiệp: Mình nói chánh cũng chưa gọi đủ, sự hành vi của mình cũng cần phải theo lẽ chánh mới được, thế mới khỏi cái câu "ngôn bất cố hạnh". Trước kia, mình đã tin tưởng theo lẽ chánh, nói năng theo lẽ chánh, bây giờ đây, nhứt thiết phải hành vi theo lẽ chánh, thì chẳng những mình bước chơn vào con đường quang minh chánh đại, mà mình còn dẫn dắt thiên hạ theo mình nữa. Dẫu người tánh vốn chẳng lành mà được mình dắt dẫn, lâu ngày chầy tháng rồi, họ sẽ hóa lành theo mình chẳng sai. Ðức Lão Tử có dạy rằng: “... Người lành làm thầy cho người chẳng lành...”.
Tóm lại, dìu dắt người vào đường quang minh chánh đại, tức là diệt sự vô minh đó vậy.
- Chánh mạng: Dầu là bực tu hành, chẳng phải cả thảy đều phế hết gia đình thế sự, tu vào bực thượng thừa, tối thượng thừa thì chẳng nói chi, đến như bực hạ thừa, thì cũng cần phải có phương thế sanh nhai để mưu cầu mạng sống. Cái phương thế sanh nhai của bực tu hành ấy lại cần phải do theo lẽ chánh mới được. Vì vậy mà phải tránh những việc ích kỷ tổn nhơn, thương luân, bại lý. Ví như bán rượu, bán thuốc phiện, chứa cờ bạc, nuôi gái thanh lâu, ... tuy lợi cho mình mà hại cho kẻ khác, làm hàng thịt, săn bắn, tuy lợi cho mình mà hại mạng con sanh vật. Những điều bất chánh ấy, người tu hành cần phải tránh xa, thì mới gọi là "chánh mạng". Làm được một việc phải, tức là bớt được một việc quấy, làm được hai việc phải, tức là bớt được hai việc quấy, … mà trọn đời cứ làm việc phải hoài, thì tiện thị là khỏi làm việc quấy. Khỏi làm việc quấy, tức là khỏi tội tình nghiệt báo, khỏi gây tội tình nghiệt báo, tức khỏi phải trả quả, khỏi phải trả quả, thì khỏi phải luân hồi (*1) nữa, khỏi phải luân hồi nữa, thì diệt được kiếp luân hồi, tức là diệt sự vô minh đó vậy.
- Chánh tinh tấn: Chánh mạng đặng rồi, phải do theo lẽ chánh mà tấn hóa về trí thức và tinh thần. Phải tìm chơn lý mà học hỏi cho trí thức ngày một mở mang. Phải giữ sao cho tinh thần được an tịnh, cho được đầy đủ, an tịnh thì tinh thần được trong sạch sáng láng mà phát huệ, đầy đủ thì tinh thần mới có năng lực mà huyền diệu được.
Tóm lại trí thức quang minh, tinh thần phát huệ, tức là diệt sự vô minh đó vậy.
- Chánh niệm: Ðắc huệ rồi, cần phải tìm chốn u huyền (nhập tịnh thất) mà tu luyện. Cả ngày cứ tiện dụng cái huệ của mình mà hồi tưởng những việc quá khứ, cho rõ thấu mọi lẽ đã qua rồi của cơ Tạo Hóa, tìm đến cái nguồn cội của các vật, cái trước sau của mọi việc, cho biết tại sao mà vật này đã sanh ra thế này, vật kia đã sanh ra thế khác, tại sao việc này đã xảy ra là vầy, việc kia đã xảy ra là khác (*2). Thấu đáo mọi lẽ đã qua rồi, chẳng những là diệt được sự vô minh, mà mình lại đã gần Ðạo rồi vậy.
- Chánh định: Ðã tìm ra được mọi lẽ quá khứ, hiện tại rồi, đến đây phải cần tưởng gẫm theo lẽ chánh để tìm ra mọi lẽ tương lai, tức là đến thời kỳ chánh định. Chánh định chia ra làm bốn bực:
1 - Ðể ý tứ cho thiệt thanh tịnh mà tưởng gẫm.
2 - Giữ cho tâm hồn đừng xao xuyến.
3 - Tâm thần đã bình tịnh rồi, thì biết rõ chơn tướng mọi sự quá khứ, hiện tại và vị lai và thấu rõ cơ mầu nhiệm của Tạo Hóa, tức là đắc thông vậy.
4- Ðắc thông rồi, lòng không ỷ thiện, không phụ ác, không khổ, không vui, có như không, không như có, rồi tự đặt hồn mình ra khỏi vòng cảnh sắc mà sanh hoạt vào cõi vô vi, tức là đắc đạo vậy. Ðó là chỗ bí yếu của Ðạo diệt khổ mà Phật Thích Ca xưa đã tìm ra, giữ được tám con đường chánh, thì tiện thị là mình chánh, chánh thì tịnh, tịnh thì an, an thì sáng, sáng thì thông, thông thì đắc đạo. Ðắc đạo thì diệt sự vô minh, tức là hết già, hết bịnh, hết phiền não, hết nghiệp báo luân hồi, thì chơn hồn mới được siêu thăng lên cõi Niết Bàn vậy. "Chữ Niết Bàn do tiếng Phạn Nirvâna mà âm ra. Nirvâna nghĩa là tắt hết củi lửa, tức là cõi thiêng liêng, tới đó rồi bao nhiêu sự khổ sầu phiền não thảy đều tắt cả, khỏi phải cái kiếp luân hồi nữa".
___________________________________
(*1) Người tu hành mà giữ được năm con đường chánh trên đây cho tròn vẹn, tuy là còn theo lối hạ thừa, nhưng sau khi thoát xác rồi ắt được chứng quả Thần vị, hoặc Thánh vị mà lánh đọa luân hồi. Bằng có giữ mà chẳng tròn vẹn, thì phải tái kiếp lại nữa, song sẽ ở địa vị giàu sang mà hưởng nhờ hồng phước.
(*2) Chính như Ðức Khổng Tử có nói rằng: "Vật gì cũng có gốc có ngọn, việc gì cũng có thỉ có chung, hễ biết cái sau cái trước, ấy là gần Ðạo vậy".
Bookmarks