Những ví dụ điển hình Theo sách Thế giới kỳ bí của Nxb Thanh Hóa dẫn lại kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu Green cho biết một phụ nữ đã tự thuật: “
Lúc đó, tôi bị bệnh trầm trọng, đang nằm trên giường bệnh và không thể nhìn thấy bên ngoài. Một buổi sáng sớm, tôi cảm thấy mình bay bổng lên, nhìn xuống các bệnh nhân khác, đồng thời thấy chính tôi đang tựa vào chiếc gối, mặt trắng bệch. Bác sĩ cùng em gái tôi mang bình dưỡng khí đến trên một góc giường, nơi có cô gái quấn băng trên đầu. Bỗng nhiên, tất cả đều biến thành một khoảng trống không. Khi mở mắt, tôi thấy em gái mình đang đứng trước mặt”. Khi bà kể lại sự việc, em gái bà kinh ngạc vì hoàn toàn đúng như sự thật đã diễn ra. Một số người đã trải qua kinh nghiệm thoát xác nói rằng khi thoát xác, thị giác hoạt động tối ưu, có thể nhìn xuyên qua tường vách, chân di chuyển nhẹ nhàng và không có gì có thể cản ngăn hành động của họ. Có điều khi họ cố ý di chuyển một đồ vật, họ không thực hiện được cũng như không thể làm cho người khác nhận ra mình. Gần đây, nhóm nghiên cứu của đại học Ottawa (Canada) đã tiếp cận để nghiên cứu một người có khả năng chủ động thoát xác bất kỳ lúc nào.
Ảnh minh họa.
Cô gái 24 tuổi này cho biết, cô có thể cảm thấy hồn của mình bay lơ lửng phía trên cơ thể, xoay theo chiều ngang trên không và thỉnh thoảng còn quan sát được phần “xác” còn lại ở phía dưới, trong khi vẫn có thể cảm nhận từng giác quan trên cơ thể. Cô cũng kể rằng cô bắt đầu biết tới hiện tượng thoát xác này khi còn rất nhỏ. Hồi đó, trẻ em được yêu cầu ngủ trưa ở trường nên cô thường dùng cách này để "trốn đi chơi" và vẫn duy trì thói quen đó cho tới khi trưởng thành. Thậm chí, cô còn tưởng rằng, tất cả mọi người đều có khả năng này. Thế nên cô đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra sự thật - mình là một trong số ít những người trải nghiệm hiện tượng kì lạ này. Việc nghiên cứu về khả năng thoát xác đã có lịch sử dày dạn từ 100 năm nay với nhiều nghiên cứu tỉ mỉ. Năm 1929, hai tác giả người Anh và Mỹ là Carynton và Merdeen đã hợp tác hoàn thành công trình “Linh thể rời thần xác”. Công trình đã sưu tầm và đưa ra nhiều dẫn chứng về hiện tượng linh thể thần du. Về phương diện tính phổ biến, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiện tượng thoát xác không phải là hiếm thấy. Các cuộc điều tra tại Mỹ, Anh, Bangladesh, Hà Lan cho biết số người trải qua kinh nghiệm thoát xác chiếm từ 8 đến 34%. Có người đã trải qua nhiều lần kinh nghiệm này, một số người khác còn cho biết họ có khả năng thoát xác một cách chủ động. Còn nữ tâm lý gia Blackmore cho rằng khoảng 15-20% dân chúng từng trải qua trạng thái xuất hồn. Đa phần trong đó chỉ gặp một vài lần trong đời nhưng một số ít xuất hồn khá thường xuyên và một số cực ít luyện tập được đến mức muốn xuất hồn lúc nào cũng được Các nghiên cứu cũng chỉ ra là kinh nghiệm thoát xác không có mối tương quan với tín niệm tôn giáo. Nó cũng không hoàn toàn không phải mơ bởi vì trong kinh nghiệm thoát xác người ta có thể nhớ lại rất rõ ràng.
Lịch sử nghiên cứu và các lối giải thích Đã có nhiều nghiên cứu với những phương pháp khác nhau được tiến hành để tìm hiểu hiện tượng thoát xác. Theo truyền thống thực nghiệm, các nhà nghiên cứu phương Tây sử dụng những máy móc mới nhất để tìm hiểu. Đối với những trường hợp có thể chủ động thực hiện kinh nghiệm thoát xác thì họ dùng thiết bị thăm dò. Kết quả cho thấy chỉ số tim, điện não đồ và hoạt động của nhãn cầu đều từ từ thay đổi. So với lúc ngủ mơ, các chỉ số sinh lý này có điểm khác biệt, chứng tỏ rằng kinh nghiệm thoát ly thân xác không phát sinh trong lúc ngủ và là một trạng thái tâm lý đặc thù không giống như giấc mơ. Khi kiểm tra bằng các thiết bị tia hồng ngoại và tử ngoại, điện trở biến nhiệt thì thấy hầu như chúng không có phản ứng gì. Điều đó chứng tỏ trong thời kỳ xảy ra kinh nghiệm thoát xác không xảy ra các hiện tượng vật lý bình thường. Nói cách khác là các máy móc hiện tại chưa phân biệt được hiện tượng này.. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trạng thái thoát xác thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, trước khi ngủ hay đang thiền. Đặc trưng chung của trạng thái này là thư giãn, giảm hay mất cảm giác bản thể và kích thích cảm giác. Nó xảy ra trong thời gian ngắn, thường bắt đầu với cảm giác đi vào đường hầm tối đen với ánh sáng rực rỡ ở phía cuối, giống trạng thái cận kề cái chết. Để giải thích hiện tượng này đến nay có 3 giả thuyết. Thứ nhất thừa nhận sự tồn tại của “linh hồn”. Thứ hai cho thoát xác là do ảo giác kết hợp với ngoại cảm còn quan điểm cuối cùng là lý thuyết tâm lý. Quan điểm công nhận sự tồn tại của “linh hồn” xuất hiện trong nhiều giáo lý tôn giáo. Tuy nhiên nó bị giới khoa học công kích mạnh mẽ với những câu hỏi: Nếu linh hồn và thể xác là tách rời nhau thì chúng tương tác với nhau như thế nào? Khi chết hồn bay đi đâu? Ở những người chết đi sống lại, hồn thoát rồi nhập xác ra sao? Đối với quan điểm thứ hai, Tyrrell là người đầu tiên giả định xuất hồn là những ảo giác mang thông tin thu được nhờ ngoại cảm. Nói cách khác, do đọc ý nghĩ từ xa trong lúc ảo giác mà người xuất hồn cảm thấy hồn như bay lên quan sát các sự kiện, thậm chí từ xa. Trạng thái này cho thấy giống với trạng thái ngoại cảm. Bởi vậy nó cũng thiếu thuyết phục vì chính ngoại cảm cũng là một hiện tượng chưa được làm rõ. Nhóm giải thích bằng lý thuyết tâm lý đặt thoát xác vào trong những hiện tượng tâm lý. Năm 2011, nhóm nghiên cứu của Ts Olaf Blanke thuộc bệnh viện ĐH Geneva – Thụy Sĩ kết luận thoát xác chỉ là một hiện tượng của trạng thái rối loạn tâm trí. Kết luận này được đưa ra tại Hội nghị của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học (AAAS) đang diễn ra tại Washington. Giáo sư Blanke làm thí nghiệm bằng cách đưa những tình nguyện viên vào một căn phòng ảo do máy tính tạo ra bằng công nghệ 3D. Họ được đeo kính bảo hộ và đứng trước máy ảnh. Ở đó có một mô hình người lặp lại chính xác toàn bộ các hành động và di chuyển của họ, được gọi là avatar. Khi các nhà khoa học vuốt ve vào người tình nguyện viên bằng một cây gậy thì máy tính cũng lặp lại hành động tương tự trên avatar. Các tình nguyện viên đã thật sự bối rối, vì họ tin rằng, cơ thể ảo chính là cơ thể của mình. Tương tự với hai lần thí nghiệm sau, các nhà khoa học cũng thu được kết quả như vậy. Tuy mỗi lần chỉ kéo dài vài giây, nhưng cảm giác này lặp đi lặp lại đến 3 lần trong thí nghiệm. Những tình nguyện viên đã không nhận ra được sự khác biệt, họ cho rằng, cơ thể mình đang ở phía trước dù cơ thể ảo cách xa đến 2m với cơ thể thật. Từ những thí nghiệm này, các nhà khoa học đã cho rằng, trạng thái thoát xác sẽ xảy ra khi bộ óc bị làm cho rối loạn và nhầm lẫn của bộ nhớ.
Bookmarks