2.2. THIÊN CƠ
Thiên văn chi phối địa lý, địa lý chi phối nhơn tình. Cho nên Thiên thời quan trọng hơn địa lợi và nhơn hòa. Con người có thân phận là một trong tam tài có thể hoặc theo Đạo mà ứng được với Thiên cơ, hoặc dụng pháp mà chế hóa được Địa tính hoặc dụng Tình mà lập Nhơn. Trong ba lối ấy, việc phụng thừa Thiên cơ phải là quan trọng nhất.
Thiên cơ là guồng máy chuyển vận Càn Khôn Thế Giới và Càn Khôn Vạn Vật.
Càn Khôn Thế Giới vận chuyển theo các tương tác với qui luật Tạo Hoá có tính chu kỳ. Càn Khôn Vạn Vật được điều hành qua lẽ tôn trọng sự tự do tuyệt đối của mỗi chơn linh.
Và vì Thượng Đế đã ban quyền tự do ấy cho các đẳng Thần Thánh Tiên Phật nên cũng công nhận quyết định chung của Thiên Đình khi các Ngài cùng nhau hình thành một hiến pháp chung cho vũ trụ gọi là Thiên Điều. Trong khung cảnh của sự vận chuyển Càn Khôn Vạn Vật qua Thiên Điều, có sự hình thành cung Hiệp Thiên Hành Hóa. Cung này quyết định chương trình cho các bậc Thiên Sứ đến thế gian. Đó là mặt có can thiệp của Thiên Cơ với mỗi người tình nguyện. Nhưng cũng cho các đẳng nhơn sanh trọn quyền lựa chọn. Đó là mặt không can thiệp vào cuộc tiến hóa riêng của mỗi người.
Nếu không biết đến hai mặt chuyển vật[1] và khai tâm[2] ấy của Thiên Cơ thì không theo kịp đà tiến hóa. Nếu chỉ thiên về những vấn đề thuộc vật chất ắt có sự tranh giành, nếu quá trọng tâm lý ắt giữ mãi các giới hạn của nhơn tâm bị điều kiện hóa. Chỉ do tôn trọng Thiên lý mà các pháp mới không bị bế nghẽn trong công thức lỗi thời, cái sống mới được bảo toàn.
2.3. BIẾN BÁT QUÁI THÀNH TỨ TƯỢNG
Thoạt xem thì thấy như Bát Quái Đồ nói chuyện lưỡng phân từ phần vật chất nhỏ nhất là Thái Cực: một thành hai, thành bốn, thành tám, thành vô cùng…và ngược lại. Nhưng thật ra Bát Quái Đồ cũng nói chuyện tam phân rất rõ:
Khảm, Ly là nước lửa thuộc quyền Cung Ngọc Hư trị thế. Càn Khôn là Thiên Địa thuộc quyền Cực Lạc thế Giới giáo hóa. Khảm Ly là con đường động trước mặt, Càn Khôn là con đường tịnh sau lưng[3].
Bên trái hình 9 này là Tiên Thiên Bát Quái còn bên phải là hình ảnh của bộ Tiểu Phục Giáo Tông: trên mão thêu chữ Càn, sau lưng thêu chữ Khôn, trước ngực và bụng là Ly, tay trái vai trái là Chấn Tốn, tay phải vai phải là Cấn Đoài. Đem hào dương lẻ lên cao thế chỗ cho hào âm lẻ của các cặp quẻ Khảm Ly, Chấn Tốn, Cấn Đoài thì lập được ba bộ Càn Khôn. Đó là ba hướng của ba thứ giáo pháp Nho Lão Thích liên kết tính có không tịnh động của Càn Khôn. Đó cũng là ba bực đẳng pháp đào tạo thể chất, tâm lý và tinh thần. Một bộ Càn Khôn của Cha Mẹ đã giúp hình thành nên ba bộ Càn Khôn của con cái.
Có bốn tượng tương quan để hoàn phục lại Càn Khôn. Bốn vận động này chính là Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo và Thiên Đạo hay là bốn đoạn đường Cao Đài, Tiên Ông, Đại Bồ Tát, Ma Ha Tát.
Vận động Khảm Ly khai nhơn tâm do chu kỳ mặt Nguyệt chi phối. Đạo Nho nói rõ việc trời Càn đất Khôn hình thành Thủy Hỏa trong quyển Thượng của kinh Dịch. Quyển hạ của kinh Dịch nói về tính Hàm Hằng của vợ chồng sử dụng Thủy Hỏa ấy mà nên công Ký Tế Vị Tế thế nào. Đoạn 4.3.6. có phần giải thích thêm về việc này.
Vận động Chấn Tốn dụng chơn khí do ứng hành với mặt Nhựt mà có. Nội môn của Đạo Tiên dạy việc sử dụng các lực này. Có người bảo Tiên gia lánh thế vì thấy khởi hướng Chấn Tốn không dính tới con đường Khảm Ly. Thực ra không phải vậy. Để có Chấn Tốn, trước đã có Khảm Ly; vào đường Chấn Tốn trước khi giải đường Khảm Ly cũng như nút nào buộc sau, nút đó phải được tháo gở trước.
Vận động Cấn Đoài hỗn hòa vào Vô Cực thuộc Thiên Cơ chuyển hóa các tinh tú ngân hà hay thiên thể đến thời điểm có thể thực hành bí pháp tâm truyền của công năng Đại Bồ Tát hộ thế qui nguyên. Nó là sự chuyển hóa đem dương lực sanh hóa của thiếu nam vào tinh thần nhu hòa của thiếu nữ . Thay vì tạo Địa lục thành chi nơi cõi vật chất thân thể thế gian, nay Dương lực ấy vùa giúp biến sự nhu hòa mềm mại trong tinh thần thành ra cương kiện quyết đoán mà nên Đạo.
Các đạo danh Ngọc Lịch Nguyệt, Thượng Trung Nhựt, Thái Minh Tinh có liên quan đến Nhựt Nguyệt Tinh vừa nói. Tu bản thân con người là làm sao cho Hạ Đơn Điền (flexus solaire) như mặt nhựt đỏ hồng, tim như mặt trăng xanh, giữa hai mày như ánh minh đăng, trên cao và bên ngoài đầu như ngôi sao sáng.
Công năng Đại Bồ Tát phổ Đạo được là do có gần gủi thân cận mà cứu khổ chúng sanh. Cho nên nói:
Phật pháp, Thế pháp, Tạo Hóa Công Pháp dã.
(Phật pháp chính là Thế Pháp, là Tạo Hóa công Pháp vậy).
Chính Phật Mẫu là Đấng dẫn dắt Đạo Phật (Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ).
Tiên Đạo là Đạo Pháp bao la trong không gian nhưng Phật Đạo mới là Đạo Pháp trường lưu trong thời gian. Nhưng nhập thế không có nghĩa là làm việc Phước Thiện, xây đền chùa, nhà thương, trường học, làm chánh trị. Việc đó ai cũng làm được cần gì Phật Đạo. Chuyển năng lực Cấn Đoài thành năng lực Càn Khôn mới là chuyện đáng kể.
Cấn là Dương mới sanh ra trên Khôn nên thường được gọi là Thiếu Nam, Đoài là Âm mới sanh ra trên Càn nên gọi là Thiếu Nữ. Thanh niên thiếu nữ muốn cuộc biến sanh nơi Thiên Đường, không ham trần thế tại quả địa cầu 68 này thì đã có lời hứa muốn về Thầy cho về. Đó là công việc của Thầy dùng công năng Đại Bồ Tát và Ma Ha Tát mà lập vị cao hơn nữa cho các bậc nguyên nhơn đã phải lập công với quả địa cầu này quá lâu rồi.
Đó là Thiên Đạo, không buộc nhiều sự luyện mà chuyên chú sự hành. Hành cái Thiên Tâm đã có sẵn trong mình quan trọng hơn là tìm pháp để xây ngôi Thái Cực. Vì không có cái Pháp ấy. Chỉ khi có cái Thiên Tâm trước rồi mới tự nhiên nhận ra ngôi Thái Cực thôi. Do ứng hiệp với Thiên Tâm mà ngôi Thái Cực xuất hiện. Ngôi Thái Cực ấy là Phật Tánh, tuy thường hằng nhưng thấy như thoạt có thoạt không, do đã đánh mất cái Nhiên của Địa.
Cho nên Thiên Đạo độ nhiên để phục nguyên nhơn hườn tồn Phật Tánh.
Ta vừa nói Phật Tánh ấy là Ngôi Thái Cực rất khó thấy biết. Phật Thích Ca từ trước cũng đã ngụ ý rằng do mất cái nhiên chơn mà mình không biết được cái chính mình đang có[4]:
Bookmarks