DI LẠC CHƠN KINH: 5 CUNG.
.
Đạo có Thế Đạo và Thiên Đạo
Kẻ đã trọn về mặt Thể Pháp tức nhiên hiểu biết Bí Pháp, vì Bí Pháp không chi lạ hơn là phương pháp bí yếu để nâng cao giá trị cho Thế Đạo. Nói rõ hơn là phương làm cho đời trở nên tận thiện, tận mỹ.
Nói theo nhơn sanh triết lý thì Bí Pháp là kế hoạch nâng cao đời sống trong nhơn nghĩa.
Trong Thiên Đạo cũng có Thể Pháp và Bí Pháp như Thế Đạo. Về Thể Pháp Thiên Đạo tức nhiên là những nơi học hỏi để ung đúc tinh thần trên khuôn viên chánh pháp.
Trong Thể Pháp Thiên Đạo chia ra 3 thời kỳ:
1.-Thứ nhứt là thời kỳ khai thác.
2.-Thứ nhì là thời kỳ luyện tập.
3.-Thứ ba là thời kỳ thi hành.
Trong thời kỳ sau nầy mới thường gặp những cơ khảo đảo đặng thử thách tinh thần.
Khi đã trọn phần Thể Pháp rồi, liền bước qua mặt Bí Pháp là phương tu tâm sửa tánh hầu lập thành Chơn Khí thanh khiết mà hiệp với Chơn Thần đặng tiếp Chơn Linh để giải phương cứu khổ thêm bề siêu lý diệu chơn. Ấy là phương tầm hiểu Chơn Truyền Chánh Pháp khi đã vẹn sạch Tinh, Khí, Thần thì là đắc Pháp đó vậy.
Lộ trình từ Thế Đạo đến Thiên Đạo tức là con đường Cửu Thiên Khai Hóa.
-Phần Thế Đạo: Kể từ Tam Cửu đến Lục Cửu thuộc Thể Pháp; còn Thất Cửu là Bí Pháp Thế Đạo cũng là Thể Pháp Thiên Đạo.
-Phần Thiên Đạo: Thất Cửu, Bát Cửu là Thể Pháp Thiên Đạo
Cửu Cửu, Tiểu Tường là Bí Pháp Thiên Đạo (đường về đến Hư Vô chi khí).
Riêng Đại Tường là Chơn Pháp của nền Đại Đạo thuộc Tây Phương Cực Lạc.
Nền Chánh Giáo khi chuyển Thế Đạo sang Thiên Đạo để cho con cái Đức CHÍ TÔN dục tấn trên con đường Thiêng Liêng Hằng Sống, trước hết phải lên cầu Bát Quái Đài, mới nhập vào Hạo Nhiên Pháp Thiên.
Dù quyền năng Đức CHÍ TÔN đã định vậy nhưng ta cũng phải cần tìm hiểu chơn lý ra sao mà nhập vào Hạo Nhiên?.
Nếu dựa theo sấm Trạng Trình:
“Cửu Cửu Càn Khôn dĩ định”.
Thì Thất Cửu là thời gian từ 1963-1972 giai đoạn xuất hiện Hạo Nhiên Pháp Thiên.
Thực tế hơn, là dựa theo chủ quyền Đạo Đức HIẾN PHÁP Chưởng Quản Nhị Hửu Hình Đài đã có nhìn nhận vị Phật CHUẨN ĐỀ và vị Phật cũng được Đức HỘ PHÁP ban cho bút hiệu Phi Phàm.
Hai Ngài đã ban cho vị Phật đầy đủ Bửu Pháp. Đặc biệt, ngoài các Bửu Pháp còn cho biết Bí Pháp lấy ếm Long Tuyền Kiếm, tức là Bửu Ấn để minh chứng Thiên Mạng, cầm Thiên Đạo xây quyền Tạo Hóa.
-HẠO NHIÊN PHÁP THIÊN:
Tương liên, hiệp một cùng Đức CHÍ TÔN nắm quyền trị thế, chính quyền năng Đức CHÍ TÔN định.
Với những yếu tố chánh yếu đúng như Pháp Chánh mà nơi đây trở thành cửa Bát Quái Đài. Nên Hạo nhiên Pháp Thiên gọi là Cung Phật trong đó còn có Cung Chưởng Pháp để chi?.
Đã nói rằng Thất Cửu là mạch giao chuyển từ Bí Pháp Thế Đạo sang Thể Pháp Thiên Đạo, có như vậy mới phù hạp với Pháp Chánh Truyền trang 70:
Thầy dạy: “Chưởng Pháp cũng là GIÁO TÔNG mà còn trọng hệ hơn, là vì Người thay mặt cho HỘ PHÁP nơi Cửu Trùng Đài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa vị GIÁO TÔNG, thì lẽ nào cho ngồi địa vị HỘ PHÁP con
”.
Trang 85:
“Cửu Trùng Đài là Đời, mà Hiệp Thiên Đài là Đạo, cho nên buộc Đời phải nương Đạo mà lập ra thiệt tướng, mới mong độ rổi cho nhơn sanh chuyển cơ Tạo Hóa.
Cái hệ trọng là nếu không có Hiệp Thiên Đài thì không có Đạo. Trời Đất qua chớ Đạo không qua, Nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Đài không tuyệt
”.
Cũng Pháp Chánh Truyền:
“Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo, hễ Đạo còn thì Hiệp Thiên Đài vẫn còn
”.
Ý nghĩa Hiệp Thiên Đài có phải là Đài tương liên, hiệp một cùng Đức CHÍ TÔN đó chăng?.
Nếu Thế Đạo, Hiệp Thiên Đài do HỘ PHÁP Chưởng Quản thì Thiên Đạo, Hạo Nhiên Pháp Thiên do Chưởng Pháp Chưởng Quản.
Dù Thể Pháp hoặc Bí Pháp cũng do chính HỘ PHÁP. Lẽ đó mà Đức HỘ PHÁP đã ban cho Phật CHUẨN ĐỀ bút hiệu, để thừa nhận Thánh Thể của Đức CHÍ TÔN, kế chí bảo thủ Pháp Chánh Truyền.
“Còn một mặt Tín Đồ, thì Hội Thánh vẫn giữ bản quyền Hội Thánh”.
Vào cung nầy:
“Kiến CHUẨN ĐỀ thạch xá giải thi”.
Mặt thế nầy chưa biết ai cao, ai thấp phải vào Hạo Nhiên Pháp Thiên rồi mới biết, biết thi Nhơn Đạo và Thiên Đạo như thế nào.
Nơi đây là nơi Đức CHÍ TÔN chuyển pháp phân ra Lưỡng Nghi, tức hai lằng Hạo Nhiên Khí chớ chẳng chi lạ.
Bởi Tam Ngươn hầu mãn, Đức CHÍ TÔN muốn đem cả con cái của Ngài cùng về một lượt để mở Thượng Ngươn Tứ Chuyển, nên Ngài phải:
“Hạo Pháp Du Hành An Võ Trụ,
Nhiên Thiên vận chuyển Tịnh Càn Khôn”.
Nếu quyết định mà chỉ là để cắt nghĩa mà thôi thì vô giá trị, còn không đủ quyền năng lại dám thực hiện thì sở hành sẽ vô hiệu lực.
Đức CHÍ TÔN vận hành pháp giới cho cả Càn Khôn Võ Trụ an tịnh tức là không gian đở thời gian mà biến thể điều hòa, thời gian điều độ, nương nhờ không gian mà giữ mực công bình.
Điều nầy kết liểu hay chăng? Ta cũng nên nghiệm xét. Theo như ta đã hiểu rằng: Chưởng Pháp cũng là HỘ PHÁP, thì ta thử nhìn lại khuôn mặt Hiệp Thiên Đài của Tòa Thánh.
Hai bên là Bạch Ngọc Chung Đài và Lôi Âm Cổ Đài. Rồi đối chiếu để Thất Cửu sẽ hiểu thấu:
-Kim Chung mở lối kịp kỳ Kỵ Sen.
Và
-Lôi Âm trống thúc lên Đàng Thượng Thiên.
Nếu nói Thiêng Liêng Hằng Sống, thì từ Ngọc Hư Cung, Đức HỘ PHÁP vâng Thánh Lịnh của Đức CHÍ TÔN qua mở Cực Lạc Thế Giới.
Thật ra, Chơn Pháp của Đức CHÍ TÔN không phải dễ dàng hiểu được, nên Ngài đã dạy trong Thiêng Liêng Hằng Sống như vầy:
“Mình phải ráng học, cần mẫn học, ấy là một điều chẳng phải dễ, nhưng phải làm cho đặng thay thế ngôn ngữ cho Đức CHÍ TÔN. Đem Chơn Truyền của Ngài để vào tinh thần của Nhơn Loại. Nếu mình làm không đặng, cũng như mình làm cho Đức CHÍ TÔN câm sao!
Mình phải làm đặng, thay thế ngôn ngữ cho Ngài. Nếu mình làm không đặng thì thay thế cho Ngài không đặng.”
Vì vậy mà Hạo Nhiên Pháp Thiên phải mở một Viện Đại Học cho đúng Thánh Ý của Đức HỘ PHÁP và Thánh Lịnh của Đức HIẾN PHÁP:
“Đạo Tâm Đại Học mở khoa Trường,
Giáo Hóa Sinh Viên có kỷ cương.
Mở rộng thâu người vào học Pháp,
Khép khuôn cho kẻ đến thí trường.
…………………………………….”
Bởi có học mới phân biệt được chánh, tà, nên, hư, giả, thiệt. Câu tục ngữ: “Không Thầy đố mầy làm nên”. Phải đúng như vậy.
Nên trong bài Thài của Đức CHUẨN ĐỀ Bồ Tát lúc qui Thiên có chỉ rõ:
“Nhờ ơn Thầy trở lại Nguyên Căn,
Tiến dẫn anh em nghĩa hửu bằng.
Bạch Ngọc tiếp người vào khỏi đọa
Lôi Âm rước kẻ được siêu thăng.
…………………………………”
Dù có căn duyên phước đức, dù thọ giáo lâu năm mà nếu theo Đạo, Đức CHÍ TÔN dìu dắt tới đâu thì hay tới đó thành ra không phải tin tưởng, tại vì Chúa Jesus chỉ nói: Cha ta trên Trời, Đức HỘ PHÁP cũng nói: Đức CHÍ TÔN trên Trời. Cớ đó mà khi Đức HIẾN PHÁP còn sanh tiền có dạy:
“Chức Sắc lớn mà thiếu nhận xét cũng không đạt, còn mấy em tuy nhỏ, mà mấy em biết nhận xét cũng đạt”.
Thật vậy, tu hành mà nhận xét thiếu chính chắn thì sự dục tấn của tinh thần càng ngày càng thêm những điểm mờ hồ thành thử: “Con đường đã mở để dìu dắt cả toàn nhơn loại trong Càn Khôn Vũ Trụ, không thấy được”.
Hãy nhận xét đã, nhận xét một cách thật chín chắn rồi trụ cả khối tin thần đồng tâm mạnh bước trên con đường thứ ba Đại Đạo.
PHI TƯỞNG DIỆU THIÊN:
Cung Phi Tưởng do Đức TỪ HÀN QUAN ÂM Chưởng Quản.
Đức QUAN ÂM Bồ Tát, nguyên căn là thời gian.
Khi Thái Cực phân Lưỡng Nghi biến hóa thì có thời gian xuất hiện.
Không gian nâng đở để thời gian chuyển vận.
Vì căn nguyên đó mà khi mở nền Đại Đạo, Đức CHÍ TÔN đã giao cho HIẾN PHÁP, Chơn Linh là QUAN ÂM, nắm mật pháp Hiệp Thiên Đài mà xây cơ chuyển thế. Thế là công bình tức thời gian chuyển vận.
Về mặt Thể Pháp, Đức HIẾN PHÁP đã từng thay thế điều hành Đạo sự tại Tòa Thánh do sự ủy quyền của Đức HỘ PHÁP, và đã Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài cho đến ngày nay, nếu không muốn nói Ngươn Linh Thời gian là mãi mãi.
Đối lại, QUAN ÂM Bồ Tát vâng mạng lịnh của Đức DI LẠC VƯƠNG PHẬT chèo thuyền Bát Nhã qua lại sông Ngân Hà rước người từ khổ hải về Bát Quái Đài, trên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.
Còn có hằng hà sa số Chư Phật trông nom về cơ Phổ Độ mà QUAN ÂM Bồ Tát là Đấng cầm đầu. Nên dù cho còn trong giai đoạn Thể Pháp mà Đức HIẾN PHÁP đã có nói cùng Phật CHUẨN ĐỀ:
“Bí Pháp lấy ếm Long Tuyền Kiếm là cái Ấn đó. Qua chỉ nói cho một mình em biết mà thôi, chớ Thập Nhị Thời Quân, Qua cũng không cho biết nữa”. Và Đức Ngài còn nói:
“Chừng nào rước Liên Đài Của Đức HỘ PHÁP, chính Qua đi rước mới là thiệt đa nghe”.
Mỗi khi nhắc đến câu nầy, Phật CHUẨN ĐỀ tõ lời buồn bã:
“Nghe Ông nói vậy, tôi tưởng Ông còn ở lâu với mình, nên không có hỏi. Bây giờ Ông đã qui rồi, biết hỏi ai? Nghĩ lại sao hồi đó tôi ngu quá, không chịu hỏi Ông cho biết!”
Còn việc tôi thỉnh giáo Đức Phật CHUẨN ĐỀ về cái Ấn Long Tuyền Kiếm, khi đó đã bị Đức Phật nạt liền:
-Mầy cũng không biết nữa à?
-Thưa Ông Đức HIẾN PHÁP chỉ nói cho một mình Ông biết mà thôi, còn Thập Nhị Thời Quân cũng không cho biết thì con làm sao biết được.
Ông cười và nói đơn giản:
-Ờ, thì Đông du chỉnh về.
Ngày nay đây, CHUẨN ĐỀ Bồ Tát đã được an ngự trên ngôi thờ, làm cho tôi thu buồn và cảm nghĩ:
Có phải Ông hối hận về việc rước Liên Đài mà bù trừ lại để cho tôi hối hận về cái Ấn Long Tuyền Kiếm hay chăng!?
Chỉ có điều đáng an ủi cho tôi, là khi biết được và bày giải cho toàn thể con cái của Đức CHÍ TÔN cùng biết được điều nầy:
Kể từ Đức HIẾN PHÁP đã trao mật pháp cho Hạo Nhiên Pháp Thiên rồi, trải qua thời gian Thiên Cơ chuyển biến, “Đấng làm chủ Cung ấy ra lịnh cho vị cầm đầu chỉ hướng giáo hóa dìu dẫn anh, chị, em nam nữ cho rõ thông Chơn Lý đặng giải thoát đoạt Đạo, được đưa lên Cung Phi Tưởng Diệu Thiên kiến diện Đức TỪ HÀN”.
Nhờ quyền năng Thiêng Liêng ám trợ để thực hiện phần hửu vi:
“Chơn Giáo Cao Đài Cứu khổ vạn Linh Qui Đại Đạo.
Pháp Khai Ngươn Thượng Nguyên Nhân Tỉnh Ngộ Hiệp Đồng Tâm”.
Thật ra, người tu ai cũng cho mình làm đúng Chơn Pháp và hể để đức tin về một Tôn Giáo nào cũng gọi Đạo Tâm được.
Ở đây, muốn đặt tôn chỉ Tam Giáo Qui Nguyên, Ngủ Chi phục nhất, nghĩa là tinh thần Đạo đều qui tụ trong khối tinh thần Đại Đạo bởi CHÍ TÔN là cha chung. Người đến thời kỳ nầy ở cùng con cái của Người đời đời không cùng đến Thất Ức niên. Nên phải tìm Chơn Pháp nơi Người và có Đạo Tâm cũng bởi nơi Người.
Thể Pháp của Đức CHÍ TÔN phải lập Thánh Thể trước để làm cơ quan phổ độ vạn linh lấy căn bản là Hội Thánh.
Còn Bí Pháp thì Đức CHÍ TÔN chọn Nguyên Căn từ trong vạn linh mà dẫn độ vạn linh đến cảnh thiên hạ đại đồng. Do sở hành tam thiện mà xuất hiện Hội Thánh của triều Đức DI LẠC VƯƠNG PHẬT.
Căn bản Bí Pháp là vạn linh. Nên Bí Pháp ra thiệt tướng tức là vạn linh hiệp Chí Linh đó vậy.
Ngẫm nghĩ Thánh Ngôn: “Nếu các con không đến trường Thầy lập mà thi thố để đoạt thủ địa vị mình thì không đi nơi nào khác mà đắc Đạo bao giờ”. Đức HIẾN PHÁP cũng đã có nhắc nhở: “Mấy em đã phăng được cái gốc rồi thì đừng trèo ra nhánh nữa, lở nó tuột nó té mấy em, Qua làm sao đở kịp”.
Hạ Ngươn hầu mãn, thời gian không dừng, ngày giờ nầy, có Đạo Tâm không thể đứng ở ngã ba đường nữa rồi, vì dục tấn trên đường hằng sống còn dài, thời gian quá ngắn, nếu dục tấn với dạng “chuyến xe tốc hành” thì chưa, mà phải bằng “phi thuyền” thì may ra.
TẠO HÓA HUYỀN THIÊN:
PHẬT MẪU là Đấng Tạo Đoan cả Càn Khôn hửu vi, nắm trọn Chơn Pháp tạo thành sắc tướng cho muôn loài trong vũ trụ, ban cho ta Chơn Thần để bảo sanh thể xác, gầy dựng nên cơ Đời, lập trường thi công quả hầu đoạt phẩm vị Thiêng Liêng. Chưởng quyền khai tông định Đạo, dưỡng sanh bảo đảm hồn hài cho vạn vật, tức là Mẹ sanh của tất cả.
Từ Ngôi DIÊU TRÌ KIM MẪU xuất tích một khối Linh Quang gọi là Thần. Do nơi khối ấy chuyển di ra cho các Chơn Linh đặng phối hiệp với các Thể Chất mà làm nên đệ nhị xác thân, ấy là Chơn Thần.
Nơi DIÊU TRÌ CUNG là nơi tạo hình hài cho cả vạn linh. Nhờ đó Thần được tịnh, quang được minh, thì do nơi Kim Bàn phát hiện mỗi ảnh tượng mà chiếu sáng cho Chơn Thần, tức là khai hoát Thiên Môn cho Giác Tánh.
PHẬT MẪU đã vâng mạng lịnh nơi Đức CHÍ TÔN, ban sơ đến ngự tại Hiệp Thiên Đài, Bà là Mẹ chữ KHÍ nên về mặt Thể Pháp, chính là HỘ PHÁP đó vậy.
Mỗi cái chết có cái tử khí. Tử Khí của HỘ PHÁP về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống, Ngài đã ngự Cung Diêu Trì, cầm Bí Pháp giúp cho con cái của Ngài sớm qui hiệp Tông Đường đặng kiến diện Đức CHÍ TÔN.
Cung Tạo Hóa là Huyền Ảnh Khí.
Trong hai lằn Hạo Nhiên Khí tương hiệp biến hóa, tương xung kết tụ do chính tay PHẬT MẪU. Khi âm dương đã tương hiệp, tương xung rồi từ đó mới biến ra Khí Ngủ Hành hay Ngủ Khí. Nguyên Tử Khí biến xuất cũng từ Cung nầy, nên dù cho Đức DI LẠC Chưởng Quản Càn Khôn Vũ Trụ, ngự trên khối Nguyên Tử Khí, cũng là con mà thôi. Chỉ vâng mạng lịnh của PHẬT MẪU mà nắm quyền trị thế. Còn Mẹ vẫn là quyền Mẹ. Đúng như ta đã biết thì Pháp Chánh Truyền ấn định HỘ PHÁP hửu hình mà quyền năng Thiêng Liêng.
Dù đã về cõi vô hình thì mãi mãi vẫn cầm quyền:
“Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh”, nên câu: “Tam Châu Bát Bộ HỘ PHÁP Thiên Tôn” cũng đã nói quyền năng Tạo Hóa của Ngài.
Do đó khi luận Thể Pháp và Bí Pháp chẳng chi ngắn gọn và chơn thật hơn là: chỉ trong tay Ngài.
Bằng chứng hiển nhiên Ngài đã tạo cơ hửu hình làm nền tảng cho vạn linh nhập trường công quả lần bước từ Thế Đạo đi lên đã vi chủ tinh thần Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài.
Ngài mở Phạm Môn Trí Huệ tức là cửa Hạo Nhiên Pháp Thiên cho vạn linh hành tam thiện, hành Phương Luyện Kỷ, dục tấn trên con đường thứ ba Đại Đạo, thì lẽ đương nhiên phải nắm quyền Chưởng Pháp độ sanh toàn thiên hạ để tạo ngôi vị cho Đức DI LẠC. Vì vậy mà HỘ PHÁP trở về vô vi cầm Bí Pháp chuyển PHẬT ra TĂNG, làm cho chơn pháp tương liên, hiệp một cùng Đức CHÍ TÔN tượng đủ Tam Hồn của CHÍ TÔN tại thế.
Tạo Hóa Huyền Thiên do PHẬT MẪU ChưỞng Quản và ngự tại Cung Diêu Trì. Vậy Diêu Trì Cung là nơi nào?
Nơi Ao DIÊU TRÌ có một Đài phát hiện Âm Quang, đài ấy thâu lằn sanh quang của Ngôi Thái Cực rồi đem Dương Quang hiệp với Âm Quang mà tạo nên Chơn Thần cho Vạn Linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.
PHẬT MẪU là Đấng nắm cơ sanh hóa thay quyền CHÍ TÔN đứng ra thâu cả Thập Thiên Cang đem hiệp với Thập Nhị Địa Chi mà tạo nên vạn vật.
Nơi Cung DIÊU TRÌ là nơi tạo nên Chơn Thần và Thể Xác. DIÊU TRÌ CUNG là Cung Điện bằng Ngọc Diêu ở bên Ao Thất Bửu chớ chẳng chi lạ: Ngọc tượng trưng cho sự quí giá còn Diêu là chất hơi kết tụ mà thành. Dưới quyền của PHẬT MẪU có cửu vị Tiên Nương trông nom về cơ giáo hóa cho vạn linh. Nơi CUNG DIÊU TRÌ còn có một cõi Âm Quang riêng biệt gọi là Phong Đô đặng giáo hóa các Chơn Thần đã bị lạc nẽo trên đường trần.
Vắn tắc hơn, DIÊU TRÌ CUNG là cơ sanh hóa vạn linh và vạn vật.
Trục giao điểm của bốn phương trên dưới vẫn là sự đối chiếu của chơn không mà phát hóa năng lực chơn dương để diêu động chơn âm vận chuyển không ngừng, cho nên thời gian đi từ không gian để rồi lại về với không gian mà tạo thành cơ sanh hóa của vũ trụ gọi là cơ Tạo Hóa, hay là PHÁP.
Nên dù cho Đức DI LẠC cũng vậy, phải tùng PHẬT MẪU, vì chính Đấng ấy, đã năng tạo, năng hóa, phải tôn thờ Đấng ấy một cách cho xứng đáng công phu của người, mà “Nhứt triêu nhứt tịch kỉnh bài mộ khang”. Thoảng như ta lãnh đạm thờ ơ thì đối với tinh thần Nho Tông chuyển thế, khi Chơn Pháp xuất hiện, liệu ta giải thích, biện bạch lẽ nào?
HƯ VÔ CAO THIÊN:
Từ hổn độn chưa khai cho đến khi Càn Khôn hiện thể, Khí Hư Vô phân lọc lưỡng nghi tỏa ra tứ tượng, định hình bát quái, tạo khí ngủ hành mà nên Nhựt, Nguyệt, Tinh Cầu, cùng các tầng Thiên đặng giữ lấy mức điều hòa âm thinh sắc tướng trong cõi bao la trùng điệp của khí vỉnh sanh, rồi từ đó nét công bình phải nên giữ lẽ.
Bóng thiều quang, làn sanh khí, ngày đêm luân chuyển, chẳng một mảy lông không bẩm thọ âm dương đào tạo. Công thưởng, tội trừng, chuyển chuyển, luân luân vận hồi tấn hóa để tạo nên bầu bác ái công minh.
Cả cơ thể tạo đoan đi trong khuôn viên bác ái, lấy điều hòa giữ lẽ thương yêu gìn công chánh đưa đường tấn hóa.
Sơ khai, Thái Cực phân Lưỡng Nghi làm thành định luật cao và rộng. Tại Ngôi Thái Cực, Khí Hổn Độn biến hình lên và xuống, nhẹ lên nặng xuống, tạo thành bề cao hay bề đứng. Rồi cũng tại điểm đó, sự biến hình được lan ra chung quanh tạo thành bề rộng hay bề nằm.
Ấy là Dương và Âm. Do đó, Dương và Âm có sự tương hiệp ngẩu nhiên mà thành tứ tượng hay nói là bốn phương trên dưới, tức là không gian.
Như vậy, dẫn chứng rằng trong âm có phần dương, trong dương có phần âm mà biến chuyển tương hiệp, tương xung. Sự giao động không ngừng của âm dương gọi là trước qua sau tới hay là thời gian vũ trụ nên hình qua kết cấu cô động do sự vận chuyển của thời gian, gọi thanh và trược. Trược thành hình thể, Thanh hóa vô vi.
Vậy thì chủ của không gian và thời gian vốn là Ngôi Thái Cực và chốn giao điểm của không gian và thời gian ấy là Ngôi Tạo Hóa.
Nơi không trung bao la Thiên Tượng, tại thế gian đầy dẩy địa hình, có có, không không, đi đi, lại lại, mất còn, còn mất, thảy thảy uy linh.
Vậy thì Vũ Trụ Càn Khôn đứng trong điều hòa giữ lẽ hằng sanh tấn hóa mãi mãi không ngừng ấy là Đạo, hướng về nẽo vũ trụ quan mà tạo nên chơn lý. Cả cơ thể hửu vi biến chuyển không ngừng tạo thành cơ tấn hóa, ấy là Thế, định trong lẽ Nhơn Sanh Quan mà đi cùng chơn lý.
Đạo là điều hòa, tức không gian nâng đở.Thế là công bình, tức thời gian chuyển vận, thời gian và không gian là bốn phương trên dưới.
Ấy là huyền vi của Đấng CHÍ TÔN đã để. Ngôi Thái Cực giữ lấy vị trí Chơn Dương hay Chơn Không cũng vậy mà điều hành cuộc vận chuyển của âm dương đặng điều hòa không gian và thời gian. Cho nên Ngôi Thái Cực vốn tuyệt đối là Ngôi CHÍ TÔN.
Quyền năng vô đối đó cho thấy rằng: trong trạng thái bất di, bất dịch của không gian vẫn có sự lưu hành của thời gian mà viên định pháp luân, nên gọi là Đạo và Đấng Quản trị gọi là THƯỢNG ĐẾ, Đấng CAO ĐÀI.
Ngôi Thái cực Đấng CHÍ TÔN bình quyền tuyệt đối, tất cả đều nằm trong sự tương đối, dầu tấn, dầu thối, dầu biến, dầu hóa.
Giá trị của con người là phân biệt được thiện, ác, giả, thiệt để trau dồi Đạo Đức, Chơn Pháp đào tạo con người bằng pháp tướng hửu vi, đem khuôn viên Đạo Đức cho con người lần bước vịn theo mà tiến đến vô vi diệu pháp.
Nói rõ hơn, Giác hồn là tay thợ rành nghề kiến tạo Nhơn hồn có một kiến trúc tân kỳ, tân mỹ mà hạ tầng cơ sở được xây đúc vững chắc bền bỉ đặng thượng tầng kiến trúc mới cao đẹp nguy nga.
Ngược lại, thượng tầng đã không thể đồ sộ mà còn là không thể tạo được kiến trúc sở.
Từ trong hoàn cảnh tự nhiên thực tại mà vượt đến siêu nhiên hầu đạt phẩm vị hằng sống. Để tấn hóa, Nhơn hồn nương theo Chơn Pháp mà tiến và nhờ Chơn Pháp mà đoạt đặng lãnh vực hoàn nguyên của cơ Tạo hóa.
Vậy cho nên sự đắc vị của Nhơn Hồn để trở nên Thần, Thánh, Tiên, Phật Hồn là do nơi Nhơn Hồn tự tạo nên nghiệp mà định căn công quả hửu vi của con người đã giúp cho Nhơn Hồn kiến tạo được cơ lọc lượt bản thể gọi rằng đức độ, nhờ đó mà Giác Hồn tiếp chế được sanh hồn và giảm lần sự trả vay nhơn quả.
Đức độ càng nhiều thì phẩm vị Thiêng Liêng càng cao và giá trị ở thế gian càng lớn.
Mức tuyệt đối mà Nhơn Hồn trở về với cái Hằng Sống của THƯỢNG ĐẾ đã ban cho tức là đắc vị chốn CAO ĐÀI.
Vậy cho nên lúc còn ở thế, Nhơn Hồn gặp hai định tướng: Chơn tướng và giả tướng.
Nhơn hồn đi theo sự cứu rổi hay độ rổi ở trong lòng của con người không bóng sắc và không chủ quan, lấy vị tha, bác ái và công bình làm mực thước đức độ. Con người hòa đồng với con người thì mới có khái niệm khách quan hầu tự điều chỉnh tư tưởng và hành động để hướng về ánh sáng trọn lành của Đấng CHÍ TÔN rọi chiếu.
Do đó, trong cơ tấn hóa, Nhơn Hồn phải hướng định nẽo thăng lối đọa, tức nhiên Chơn Pháp vốn là khuôn linh cho Nhơn Hồn nương bước trên đường gặp ghềnh chia ngã đặng trở về với Đấng CHÍ TÔN mà Pháp Chánh vốn dĩ giữ cho vững bước lập vị.
Khi mới hoằng dương chánh pháp, Đức CHÍ TÔN phải tạo Thể Pháp cho các đẳng Nhơn Hồn nương theo lần bước trên trường thi công quả, nên phải tạo thành hình tướng hửu vi giúp cho cơ phổ độ, tức là không gian nâng đở thời gian và thời gian nhờ không gian mà giữ mực công bình.
Không gian chuyển từ không ra sắc, thời gian nhờ không gian mới an vững mà biến từ sắc trở lại không.
Không gian vô hình đứng trên, đi tại ngoài chuyển vào trong, cho nên mọi hình vật hửu tướng phải chịu dưới luật thay đổi mà theo thời gian giải thể hay tan rả.
Còn tinh thần dục tấn đã đến lúc hoàn nguyên Hư Vô chi khí tức HƯ VÔ CAO THIÊN, vì đó mà Bí Pháp phải ra thiệt tướng và chính Đức CHÍ TÔN cầm quyền Chưởng Pháp soi rọi dương quang để phục nguyên Thánh Thể và để cho liên kết các tế bào hưởng ánh dương quang tỏa rộng làm cho các Đạo hồn biến thể Quốc Hồn mà hiện tượng Cực Lạc Quốc. Nên thời gian hửu tướng đứng trên, hiện từ ngoài đến trong. Không gian vô hình ở dưới đi tại trong chuyển ra ngoài. Bởi lẽ mà Đức CHÍ TÔN chưa muốn cho thấy Ngài, chỉ cho thấy rõ sự chơn thật mà thôi, nên Ngài dùng vô vi pháp đến với HƯ VÔ CAO THIÊN là một vị Thượng Hoàng hay là Đức NHIÊN ĐĂNG Cổ Phật để có giáo hóa chơn truyền dẫn độ Chơn Linh.
Ngày giờ nầy cơ Tạo Đoan đến hồi qui nguyên phục nhứt trở lại thanh khí hư vô, tức là vạn thù qui nhứt bổn, đúng như Chơn Pháp.
Nên đối với Bí Pháp Chơn Truyền thì Đức HỘ PHÁP đã dạy:
“Người làm cho thiên hạ mê tín dị đoan được là Bần Đạo, mà Bần Đạo không làm, Bần Đạo coi việc làm ấy hèn tiện và vô Đạo Đức, nên chỉ lấy lời lẽ chơn thật đặng giáo hóa cho con cái Đức CHÍ TÔN mà thôi.
Còn Bí Pháp Chơn Truyền, đợi đến khi nào dùng được Bần Đạo mới dùng”.
Như vậy muốn đến Hư Vô Cao Thiên, có lẽ Đức Ngài phải sử dụng quyền năng vô đối của Ngài đó rồi, và cũng nhờ NGỌC HƯ CUNG bát luật, nếu không thì làm sao dục tấn tới đây cho được. Nhờ NGỌC HƯ CUNG bát luật nên từ Tây Phương Cực Lạc Đức Phật CHUẨN ĐỀ đã giáng lâm mà “Tái sanh sửa đổi Chơn Truyền” cho đúng với Bí Pháp. Chẳng những thế, Bồ Tát đã qui hồi Tây Phương nhờ Phật TIẾP DẪN cùng đến rước các Nhơn Hồn tu thành Chơn Pháp, phát xạ hào quang minh khí. Tuy hạnh phúc nầy phải được hưởng, nhưng hạnh phúc nào cũng có sự đánh đổi. Vì từ trận tứ tượng, lưỡng nghi, đến Thái Cực phải rõ nét, không còn một điểm mờ hồ và nếu Bửu Pháp chưa tinh luyện thì làm sao:
“Phá trận Vạn Tiên Thế Giới bình”.
Mà không dám phá hoặc phá không đặng cũng bội ước cùng Đức Tôn Sư. Đức HỘ PHÁP đã dạy: “Nếu làm không đặng tức là làm cho Đức CHÍ TÔN câm sao?”
Nếu không thì TIẾP DẪN phải chờ đợi cơ duyên nào để kiến diện “DÀ LAM dẫn nẽo Tây Qui” để có cuộc đàm luận về đạo lý rất hửu tình, rất may duyên.
Phải chăng “Pháp Hóa Tướng Tông” đã đến hồi “Phổ Tế Tổng Pháp Tông”
Nếu không có bàn tay Thiêng Liêng của Đức HỘ PHÁP thì mặt thế nầy chưa có một khối óc nào, dù là khối óc thông minh đến đâu đi nữa, cũng chưa ai dám đương đầu.
Một khi cõi sắc tướng Hậu Thiên trở nên Tiên Thiên Khí thì dứt tam chuyển. Qua Thượng Ngươn Tứ Chuyển hiệp Chư Phật tạo định thiên thi tận độ chúng sanh là thời gian của Thánh Đức vận hành từ trong Cực Lạc Quốc.
HỔN NGƯƠN THƯỢNG THIÊN:
Cả cơ Tạo Hóa hửu vi là Tăng. Kỳ nầy. Đức DI LẠC Chưởng Quản Càn Khôn Vũ Trụ, nắm quyền trị thế thì Ngài cũng phải là Tăng.
Mỗi Nhơn Hồn đều có Tam Bửu thì Đức DI LẠC cũng thế. Ngài vi chủ Tam Thế CHÍ TÔN:
-CHRISTNA Phật, tại Hạo Nhiên Pháp Thiên, cửa Bát Quái Đài nơi tương liên hiệp một cùng Đức CHÍ TÔN (thuộc TĂNG).
-CIVA Phật, tại Tạo Hóa Huyền Thiên lúc ban sơ đến ngự Hiệp Thiên Đài tức là HỘ PHÁP (thuộc PHÁP).
-BRAHMA Phật, tại Hư Vô Cao Thiên, các Tông Đường Thiêng Liêng qui hiệp nơi nầy, do CHÍ TÔN cầm quyền Chưởng Pháp đến thu hồi pháp giới cho Dương Quang hiệp với Âm Quang mà an định cương vị tại Ngôi Thái Cực (thuộc PHẬT).
Kể từ Chưởng Quản Bát Quái Đài vô vi, Đức CHÍ TÔN đã dùng huyền diệu cơ bút giáo hóa (tức Phật).
HỘ PHÁP Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, bảo thủ Chơn Truyền Chánh Pháp, cầm luật Thiên Điều mà nâng đở Nhơn Sanh có phương đạt Đạo (tức PHÁP).
Ngài đã tạo Cửu Trùng Đài làm nơi qui hiệp con cái của Đức CHÍ TÔN vào khuôn Đại Đạo để chung lo bảo tồn văn hiến, cùng thực thi Tam lập và hành đúng Chánh Pháp mà lần bước trên đường Cửu Thiên Khai Hóa, nên Cửu Trùng Đài là cơ quan hành pháp (tức TĂNG).
Riêng Hiệp Thiên Đài là phương tiện của Đức CHÍ TÔN đến truyền Chánh Pháp, nên dù cho “Nhơn loại tuyệt chớ Hiệp Thiên Đài không tuyệt”. Minh chứng rằng nhơn loại không tuyệt thì Hiệp Thiên Đài vẫn hằng hửu.
Chỉ vì Đức CHÍ TÔN sử dụng Chánh Pháp nên từ trường thi công quả chuyển sang trường thi công đức đặng tạo giá trị cho con cái của Ngài, Ngài phải chuyển di phương tiện đó thôi để cho con cái của Ngài từ tam lập tiến đến tam thiện, thi thố mà tự định vị lấy mình.
Thánh Ngôn đã có hé màn: “Kỳ nầy Thầy đánh bài tráo lật ngửa mà thắng mới là lạ cho chớ”.
Còn Thuyết Đạo của Đức HỘ PHÁP lại cảnh giác: “Như kẻ đánh bông vụ kia, nếu đánh trúng thì ăn tiền nếu để chén ngửa ra thì thiên hạ đánh trúng hết còn gì”.
Tiền đề đã có sẵn, nhưng kết luận thì phải trả lời cho được Đức DI LẠC thật sự là ai?
Chắc chắn điều nầy chưa có một trí thức nào tại mặt thế gian trả lời thỏa đáng.
Tuy Bí Pháp Chơn Truyền do quyền năng vô đối của Đức CHÍ TÔN, nhưng mỗi khi nói đến Đức CHÍ TÔN tức nhiên đã hàm súc cả khối thương yêu và công chánh. Cho nên không có một cá nhân nào được đặc ân Chơn Truyền Bí Pháp cả. Do đó mà mỵ thuật, mỵ pháp lan tràn, nên Đức HIẾN PHÁP ưu tư để lời:
“Đường nầy tuy đông nhưng đến ngày thành Đạo không có mấy người”.
Vì ngay cả Đức DI LẠC dù đã tái sanh đi nửa cũng không bao giờ vổ ngực xưng tên. Tại sao vậy? Nếu ai có nghe thì chắc chắn Ngài phải trả lời như vầy: “Tao chưa điên. Tao chưa đi nhà thương Biên Hòa”.
Cũng may là Ngài không phải đến cảnh phàm, bởi Đức HỘ PHÁP không để cho Ngài đến.
Ta cũng hiểu trước hết phải có Đức CHÍ TÔN, sau mới có HỘ PHÁP, có HỘ PHÁP rồi mới có DI LẠC.
Vì HỘ PHÁP là PHẬT MẪU, còn DI LẠC là GIÁO TÔNG. CHÍ TÔN là PHẬT, PHẬT MẪU là PHÁP, DI LẠC là TĂNG.
Nhưng Chơn Pháp của Đức CHÍ TÔN đã định cho Đức DI LẠC vi chủ cả PHẬT, PHÁP, TĂNG mở Thượng Ngươn Tứ chuyển.
Nên ta cũng phải tìm hiểu nhận xét coi Chơn Lý do đâu?
-Về Thể Pháp thì Đức HỘ PHÁP cũng như về Bí Pháp thì Đức Chưởng Pháp cùng dạy:
Hạo Nhiên Pháp Thiên (thuộc PHẬT).
Hổn Ngươn Thượng Thiên (thuộc TĂNG).
Chỉ khác (Cung PHÁP) là thay đổi giữa Phi Tưởng Diệu Thiên và Hư Vô Cao Thiên mà thôi.
Ngày nay ta đối diện cùng Chơn Pháp thì phải giải thích cách nào?
Ta phải mạnh dạn mà nói rằng:
-Hạo Nhiên Pháp Thiên thuộc về TĂNG, vì ta đã nắm rõ được minh chứng kia mà.
-Tạo Hóa Huyền Thiên thuộc về PHÁP vì PHẬT MẪU là Đấng Tạo Đoan cầm Pháp biến xuất.
-Hư Vô Cao Thiên thuộc về PHẬT, vì khí Hư Vô nảy sanh CHÍ TÔN (Ngôi Thái Cực).
Đức CHÍ TÔN đã định cho:
-Hạo Nhiên Pháp Thiên nắm quyền trị thế cả Càn Khôn Vũ Trụ, có Cung Chưởng Pháp thi pháp và xây quyền Tạo Hóa.
-Tạo Hóa Huyền Thiên nắm quyền Tạo Đoan cả cơ thể hửu vi trong Càn Khôn Vũ Trụ có Cung DIÊU TRÌ cầm pháp biến xuất.
-Hư vô cao Thiên nắm Chánh trị Càn Khôn Vũ Trụ, có Cung NGỌC HƯ cầm pháp Thiên Điều.
Nếu ngày giờ nào cả ba cung PHẬT, PHÁP, TĂNG đã nói trên đây được hiệp nhứt, thì ta sẽ thấy rõ ràng chính là Cung Định, Cung Pháp mà thôi.
Còn Phi Tưởng Diệu Thiên do QUAN ÂM tức là thời gian chuyển vận, để Pháp Điều Tam Kỳ Phổ Độ từ biến xuất đến qui pháp, mà hiện tượng nên Cung Định, Cung Pháp đó là Hổn Ngươn Thượng Thiên do chính Đấng vi chủ Càn Khôn Vũ Trụ, tức là vi chủ cả không gian và thời gian đó vậy.
Có thành Chơn Pháp thì hình trạng Bạch Ngọc Kinh tại thế là Tòa Thánh Tây Ninh có đủ quyền năng cả ba Đài tương liên hiệp một và do Hổn Ngươn Khí biến hình mà tạo nên cảnh Hằng Sống Thiêng Liêng.
Hể thành Chơn Pháp thì Đức DI LẠC đến để cầm quyền GIÁO TÔNG, chủ Tọa Long Hoa Đại Hội.
Vì địa vị vinh sang như vậy mà lắm kẻ thèm thuồng lăm le, nhưng họ có vào Lôi Âm Tự kiến diện Đức DI ĐÀ hay chưa thì không thấy được bằng chứng và họ dám ngồi trên khối Nguyên Tử hay không lại là một việc khác.
Còn điều đáng nói là Đức DI LẠC đến, không phải đến để ngồi, mà đến để phụng sự nhơn loại. Ngài đến với mảnh thân nô dịch, tù đày, đeo đai một khối thảm khổ, nhưng lại ban ra cả khối từ bi bác ái cho Nhơn Loại và:
“Rưới chan hạnh phúc bởi lòng tin”.
Chỉ có Ông Trời mới như thế. Chỉ có Ông Trời lâm phàm mới làm việc phi phàm.
Điều nầy hễ nói ra phải là hiện tượng chơn lý, chớ không thể ám chỉ tưởng tượng hay mặc khải Thiêng Liêng.
Cho nên trước Ngươn Thánh Đức Thiên Điều đã định, tinh thần dục tấn đến lúc hoàn nguyên thì không gian vô hình ở dưới đi từ trong chuyển ra ngoài, cho dù Nhơn sanh muốn biết cũng chẳng biết đặng, nên Đức DI LẠC vẫn ẩn tích mai danh trong màn bí mật.
Còn thời gian hửu tướng đứng trên hiện từ ngoài đến trong, nhờ đó mà Đức HIẾN PHÁP QUAN ÂM có đủ quyền năng chống chèo Bát Nhã, giúp cho an định cương vị nơi Cực Lạc Thế Giới.Thì Chơn Pháp chỉ có giải bày Thể Pháp Ngũ Hương là tượng Ngũ Khí của Bí Pháp. Do hai lằn Hạo Nhiên Khí âm dương tương hiệp, tương xung biến thành Ngũ Khí, Đức CHÍ TÔN soi rọi Dương Quang tạo nên án Tam Tài: Thiên, Địa, Nhơn. Từ chơn lý đó, Đức CHUẨN ĐỀ đã dạy: “Trong 5 Cung, Cung nào có Bồ Tát thì tại thế”.
Vậy PHẬT, PHÁP, TĂNG là Hạo Nhiên, Phi Tưởng và Hỗn Ngươn.
Còn Tạo Hóa Huyền Thiên và Hư Vô Cao Thiên là âm năng cùng dương năng của CHÍ TÔN hiệp một tại Ngôi Thái Cực. Từ đó Bí Pháp Kim Bàn chiết xuất Chơn Linh một dương, một âm phối hiệp nhơn thân tượng nên hằng hà sa số Chư Phật trong cảnh Cực Lạc Thế Giới./.
Bookmarks