kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể

  1. #1

    Mặc định ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể

    ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P1): Cuộc di tản không mong muốn



    Baghdad 2003. Người Iraq đốt các giếng dầu quanh thành phố trong một nỗ lực tuyệt vọng hòng "làm mù" các máy bay chiến đấu của Mỹ và đánh lừa các tên lửa dẫn đường. Ảnh: NatGeo


    Một cuộc di tản khẩn trương đã được tiến hành theo đường bộ. Cán bộ nhân viên đại sứ quán VN tại Iraq đến thủ đô Jordan tối 19/3/2003, thì sáng ngày 20, cuộc chiến nổ ra.




    LTS: 14 năm trôi qua, hậu quả cuộc chiến tranh của Mỹ chống Iraq (nổ ra từ ngày 20/3/2003) vẫn còn hết sức nặng nề. Người dân Iraq vẫn chưa được sống trong hoà bình. Khủng bố hoành hành khắp mọi nơi gây không biết bao nhiêu đau thương, tang tóc cho những người dân vô tội.


    Cuộc chiến này không những đã tàn phá đất nước Iraq, gây tình hình hỗn loạn đối với toàn bộ khu vực Trung Đông mà còn làm gián đoạn hoạt động của các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có các nhà ngoại giao Việt Nam. Các nhà ngoại giao không phải lúc nào cũng được đưa đón, dự các buổi chiêu đãi sang trọng, mà họ còn phải đối mặt với cả khó khăn và nguy hiểm.


    Nhân dịp này, ông Nguyễn Quang Khai, Nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq đã kể lại những hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam trong những ngày trước và sau khi chiến tranh xảy ra.

    Vài ngày trước cuộc chiến


    Đầu năm 2003, các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ và Anh tập trung tìm mọi cớ để tấn công Iraq. Cái cớ duy nhất họ đưa ra là Iraq lúc đó tàng trữ vũ khí huỷ diệt hàng loạt và vận động Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết cho phép dùng vũ lực để buộc Iraq phải từ bỏ loại vũ khí này. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an đã không thông qua dự thảo nghị quyết của Mỹ và Anh đưa ra.



    Bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq, năm 2003. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp



    Iraq lúc đó đã suy yếu kiệt quệ sau 12 năm bị cấm vận toàn diện cũng tìm mọi cách để tránh một cuộc chiến tranh không cân sức với Mỹ và phương Tây. Họ nhiều lần tuyên bố không còn vũ khí huỷ diệt nữa và kết quả thanh sát của Uỷ ban đặc biệt của Liên hợp quốc UNMOVIC đã thừa nhận điều này.


    Tuy nhiên, Mỹ và Anh vẫn quyết đánh Iraq. Họ điều quân, đưa máy bay, xe tăng đến tập trung tại Kuwait giáp biên giới với Iraq. Các hạm đội của Mỹ được khẩn cấp đưa đến vùng biển gần Iraq. Không khí chiến tranh bao trùm lên toàn bộ khu vực.



    Tôi lái xe đi quanh thành phố thấy nhiều ụ súng, chướng ngại vật được xây dựng trên các đường phố của thủ đô Baghdad, nhiều khẩu sùng phòng không được đặt trên nóc các toà nhà cao tầng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu cuộc tấn công tổng lực cả trên bộ lẫn trên không chống Iraq vào 20/3/2003.


    Trong tình hình như vậy, ngày 15/3/2003 tôi đã mời một số đại sứ thân thiết gồm các nước ASEAN, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước khác đến ăn tối mục đích là để trao đổi đánh giá tình hình, bàn các biện pháp đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên.


    Tất cả các vị đại sứ đều cho rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi và bằng mọi cách phải đưa toàn bộ cán bộ nhân viên ra khỏi Iraq trước 20/3/2003. Một số đại sứ đã nhận được chỉ thị từ trong nước về việc sơ tán sang Jordan, Syria hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.


    Duy chỉ có một đại sứ quả quyết rằng Mỹ sẽ không đánh Iraq.


    Ông rút trong túi ra một bức điện mới nhận được từ trong nước nói rằng cơ quan tình báo nước ông khẳng định chiến tranh sẽ không xảy ra và đây chỉ là sự di chuyển quân của Mỹ từ châu Âu sang khu vực Trung Đông sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Khối liên minh Hiệp ước Warsaw đã giải tán, Nga không còn là mối đe dọa đối với an ninh của các nước đồng minh NATO ở châu Âu nữa.


    Vị đại sứ này còn nói rằng ông vừa nhận được chỉ thị từ trong nước yêu cầu Đại sứ quán tiếp tục hoạt động bình thường, không cần sơ tán đi đâu cả. Ông còn khoe vừa mới đưa vợ con sang Baghdad nên không có chuyện Mỹ đánh đâu.


    Tôi điện khẩn cấp về chính phủ báo cáo tình hình và xin ý kiến cho phép tạm thời sơ tán toàn bộ cán bộ nhân viên và gia đình. Ngay trong ngày tôi nhận được chỉ đạo từ trong nước bằng mọi cách phải đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của cán bộ nhân viên và công việc của Đại sứ quán.


    Người cuối cùng rời Đại sứ quán


    Trong buổi giao ban cuối cùng của Đại sứ quán ngày 15/3/2003, chúng tôi quyết định lấy Jordan là điểm đến của mình. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm, ưu tiên phụ nữ và trẻ em đi trước, tiếp sau đó là các cán bộ nhân viên.


    Tôi là người cuối cùng rời Đại sứ quán cùng với lái xe riêng sáng 19/3/2003. Trước khi đi, tôi đảo qua một vòng kiểm tra các phòng làm việc và phòng ở của mọi người đã khoá chặt và niêm phong chưa và không quên lên nóc toà nhà trụ sở của Đại sứ quán thay một lá cờ mới.



    Tấm bảng ghi lịch làm việc còn bỏ dở ở Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp


    9 giờ sáng 19/3/2003, tôi cầm chiếc chìa khoá lặng lẽ khoá cánh cổng của Đại sứ quán nằm trên đường Dawoodi Al-Mansour. Cô thư ký người Iraq Ihda'a Taleb tiễn tôi ra xe, tôi nhìn thấy hai mắt cô nhoà lệ. Tôi dặn cô hàng ngày không cần đến làm việc nữa và cẩn thận khi ra đường để tránh bom rơi đạn lạc, thi thoảng đến tưới nước cho cây cối và hoa trong vườn, thế thôi. Chúng tôi hẹn giữ liên lạc với nhau để nắm tình hình.


    Lúc ấy, lòng tôi tự nhiên cảm thấy nặng trĩu. Đại sứ quán như ngôi nhà của mình, gắn bó bao nhiêu năm trời, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, giờ đây phải ra đi. Bao nhiêu công việc dang dở phải bỏ lại.


    Phóng viên Cẩm Ly của báo Tuổi Trẻ tháng 5/2003 sang Iraq làm phóng sự về cuộc chiến sau khi Mỹ chiếm được Baghdad đã vào Đại sứ quán và chụp được bức ảnh chiếc bảng ghi lịch làm việc hàng ngày của tôi còn bỏ dở.


    Do Iraq bị cấm vận, các hãng hàng không không được phép hoạt động, tất cả chúng tôi phải đi bằng đường bộ hơn 1.000 km. Trên đường đi, tôi nói người lái xe đưa tôi đi quanh một vài con phố chính như để nói lời tạm biệt.


    Rời thành phố Baghdad, những đường phố quen thuộc cứ lùi dần về phía sau, những người dân Iraq hiền lành vẫn cặm cụi làm việc kiếm sống trong điều kiện hết sức khó khăn. Những chiếc xe ô tô cũ nát vẫn lăn bánh trên đường phố.


    Dấu vết chiến tranh ở Baghdad. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp.



    Chúng tôi đến thủ đô Amman của Jordan vào tối 19/3/2003 thì rạng sáng 20/3/2003, Mỹ và Liên quân bắt đầu mở cuộc tấn công lớn bằng một loạt tên lửa Tomahawk bắn vào thủ đô Baghdad, bộ binh tràn qua biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq.


    Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành được một công việc lớn, đưa toàn bộ cán bộ nhân viên và tài liệu của Đại sứ quán đến nơi an toàn tuyệt đối. Để tiết kiệm, chúng tôi trú ngụ tại một khách sạn bình dân ở thủ đô Amman và tự nấu ăn. Các chị phụ nữ được giao nhiệm vụ đi chợ và nấu ăn như một gia đình.



    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P2): Trở lại Baghdad trong nguy hiểm

    Đại sứ Nguyễn Quang Khai | 21/03/2017 07:35





    Từ một thành phố đẹp như tranh vẽ, Baghdad sau những ngày chiến tranh ác liệt đã trở thanh vùng đất nguy hiểm và đổ nát. Ảnh: Andrew Cutraro


    Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Iraq lúc đó dán lên xe mình dòng chữ "chúng tôi là người Việt Nam".

    ... Một cuộc di tản khẩn trương đã được tiến hành theo đường bộ. Cán bộ nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Iraq đến thủ đô Amman của Jordan vào tối 19/3/2003 thì rạng sáng ngày 20, Mỹ và Liên quân bắt đầu mở cuộc tấn công lớn bằng một loạt tên lửa Tomahawk bắn vào thủ đô Baghdad, bộ binh tràn qua biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq...
    ---
    (tiếp theo và hết)


    Chuyến trở về Baghdad đầy rủi ro
    Sau 6 tháng lánh nạn, trung tuần tháng 9/2003 chúng tôi được giao nhiệm vụ trở lại Baghdad để nối lại hoạt động của Đại sứ quán.



    Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và có phần nguy hiểm vì tình hình đã hoàn toàn thay đổi, Iraq không còn thanh bình như trước chiến tranh. Quân Mỹ và đồng minh đã chiếm toàn bộ Iraq. Chính quyền cũ không còn nữa. Các lực lượng khủng bố trỗi dậy hoạt động khắp nơi.


    Chính quyền lâm thời CPA của Mỹ cai quản Iraq tuyên bố tất cả các nhà ngoại giao ở Iraq không được hưởng quyền miễn trừ theo công ước Vienna nữa. Chúng tôi không biết sẽ sống và làm việc như thế nào trong tình hình như vậy.



    Trước khi rời Hà Nội, theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao, tôi đã gặp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt thông báo việc tôi trở lại Iraq và đề nghị chính quyền Mỹ cai quản Iraq lúc đó bảo đảm an toàn cho tôi và các cán bộ nhân viên của tôi.


    Ông Raymond Burghardt hứa báo cáo về nước, nhưng tôi thầm nghĩ, quân Mỹ còn không thể bảo đảm an toàn cho bản thân họ được thì làm sao họ có thể bào đảm an toàn cho người khác. Biết là sẽ có nhiều rủi ro, chúng tôi vẫn phải lên đường.


    Chúng tôi từ Jordan qua cửa khẩu biên giới Trebil. Quân Mỹ đã làm nhiệm vụ thay những người lính biên phòng của Iraq trước đây. Xe tăng, xe bọc thép của Mỹ được bố trí dày đặc. Lính Mỹ được trang bị vũ khí đến tận răng đi tuần tra xung quanh khu vực cửa khẩu. Làm thủ tục nhập cảnh xong, xe chúng tôi đi theo con đường quốc lộ về thủ đô Baghdad.




    Đại sứ Nguyễn Quang Khai (giữa) cùng cán bộ nhân viên ngoại giao trở lại Đại sứ quán ở Baghdad. (Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp)



    Chúng tôi đến Baghdad vào lúc xế chiều, khi cái nóng ngột ngạt của sa mạc đã dịu. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là Baghdad từ một thành phố đẹp như tranh vẽ với những công trình kiến trúc huyền thoại như trong chuyện "Ngàn lẻ một đêm" nay trở nên tiêu điều một màu xám xịt, hỗn độn, ngổn ngang, đổ nát.



    Những ngôi nhà đẹp nhất của thủ đô đều đã bị bom đạn Mỹ phá hủy hoặc bị đốt cháy trụi. Hàng đoàn xe tăng, xe quân sự của Mỹ chạy ầm ầm trên các đường phố và luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.


    Ngôi nhà của Đại sứ quán Việt Nam nằm trên đường phố Dawoodi Al-Mansour phủ đầy cát bụi sau những trận mưa bom và bão cát vẫn đóng cửa im ỉm.

    Tôi mở cổng bước vào, ngôi nhà trống tênh, không người đón tiếp. Nhiều cửa kính bị vỡ do chấn động của bom đạn. Cây cối xanh tươi bây giờ thành khô héo. Khu vườn của sứ quán trước đây đầy hoa không khác gì một công viên nhỏ, nay trở nên tiêu điều, xơ xác vì bị bỏ hoang không người chăm bón.


    Cảnh tượng này gợi lại cho chúng tôi những nỗi đau của chiến tranh. Tuy nhiên, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy sứ quán không bị cướp phá, mọi tài sản hầu như còn nguyên vẹn, vì trước khi rời Baghdad chúng tôi đã nhờ những người bạn Iraq trông nom và bảo vệ chu đáo.


    Hôm sau nghe tin được biết nhiều Đại sứ quán các nước bị kẻ xấu xông vào cướp đồ đạc, trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc bị đốt phá, cướp hết tài sản.










    Nguy hiểm luôn rình rập các nhân viên ngoại giao



    Công việc đầu tiên của chúng tôi là kéo lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lên để khẳng định sự có mặt và chủ quyền của mình. Và ngay ngày hôm sau, tất cả mọi người từ Đại sứ đến nhân viên đều xắn quần áo tham gia vào "chiến dịch" quét dọn, tổng vệ sinh toàn bộ khu vực trong ngoài sứ quán. Những nhân viên bảo vệ người Iraq thấy vậy cũng nhập cuộc vui vẻ.

    Sau vài ngày ổn định sinh hoạt, chúng tôi bắt đầu ra vườn làm đẹp. Chúng tôi đi mua các loại cây ăn quả, hoa và cỏ về trồng. Sau chừng một tuần, mọi thứ đã sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp. Vườn cỏ được trồng lại mượt như sân golf, xung quanh đầy hoa nở sặc sỡ. Bạn bè ai đến cũng tấm tắc khen.


    Cuộc chiến tranh của Mỹ chống Iraq đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và sinh hoạt không những của những người Iraq mà còn của cả các nhà ngoại giao nước ngoài sống và làm việc tại đất nước này. Họ cũng phải đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm như những người dân bản địa, đôi khi nguy hiểm hơn bởi vì họ còn là những mục tiêu của các nhóm khủng bố.


    Khói và lửa bốc lên từ khu dinh thự của tổng thống ở thủ đô Baghdad, Iraq sau một trận không kích quy mô lớn ngày 21/3/2003 (Ảnh: Getty Images)



    Theo Công ước Vienna năm 1964, các lực lượng chiếm đóng có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng sau khi chiếm được Iraq, Mỹ đã tuyên bố không những không thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao, mà còn tước bỏ mọi quyền ưu đãi miễn trừ của họ. Các lực lượng Mỹ chỉ bảo vệ cho đại sứ quán các nước tham gia liên quân.


    Nhiều nước đã phải cử các đội lính đặc nhiệm được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất sang bảo vệ. Nhiều sứ quán xây các bức tường bảo vệ bằng những tấm bê tông chống đạn dày cộp không khác gì lô cốt. Nhiều đại sứ dùng xe chống đạn và lúc nào cũng có các nhân viên bảo vệ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu đi cùng.


    Chúng tôi không có điều kiện như họ, nhưng cũng phải làm tất cả những gì có thể để đề phòng những khả năng xấu nhất xảy ra. Ban đêm nằm ngủ, tôi không dám nằm cạnh cửa sổ, phải kê giường vào góc nhà để đề phòng đạn bên ngoài bắn vào.


    Nga, Trung Quốc là những nước ủng hộ mạnh mẽ Iraq, tin rằng người Iraq sẽ không hại mình nên đã dán lên xe dòng chữ "chúng tôi là người Nga", "chúng tôi là người Trung Quốc". Chúng tôi cũng bắt chước dán lên xe của mình "chúng tôi là người Việt Nam". Một số nước phương Tây thấy vậy cũng dán lên xe mình dòng chữ "chúng tôi là người Nga".
    Sống lại những năm tháng như chiến tranh ở Việt Nam


    Chúng tôi bàn với nhau xây dựng một hàng rào bảo vệ bên ngoài. Một loạt các thùng phuy đã được tận dụng nhồi bê tông và cát bên trong xếp thành hàng đặt trước cổng sứ quán làm chướng ngại vật để ngăn chặn phần nào các cuộc đánh bom bằng xe hơi.


    Bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam tại Baghdad (Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp)



    Tuy nhiên, đó chỉ là các biện pháp đề phòng mà thôi. Không có gì có thể bảo vệ vững chắc được bằng mối quan hệ tốt với người dân bản xứ. Chúng tôi đã làm công tác "dân vận" và xây dựng được mối quan hệ thân thiết với những gia đình cùng khối phố. Sứ quán Việt Nam có rất nhiều bạn bè và chính họ là những người bảo vệ tin cậy nhất.


    Tình hình Iraq lúc đó làm cho chúng tôi sống lại những năm tháng chiến tranh gian khổ ở Việt Nam. Tiếng xe tăng gầm rú, tiếng máy bay Apache quần đảo suốt ngày đêm nghe rát tai, những tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả thành phố.


    Ban đêm cả thành phố chìm trong bóng tối. Điện một ngày chỉ có khoảng 1 tiếng đồng hồ. Đại sứ quán có một chiếc máy phát điện, mỗi ngày chúng tôi chỉ dám cho vận hành vài tiếng, chủ yếu là để phục vụ cho công việc.



    Không ngờ mùa đông năm ấy lại rét như vậy. Nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống tới dưới 0 độ C. Do không có điện, xăng dầu và hơi đốt cũng hết sức khan hiếm, anh em phải đi kiếm các thanh gỗ về làm củi đốt lên rồi quây quần bên bếp lửa cho đỡ lạnh.


    Ngày 20/3/2003 được ghi vào lịch sử một cuộc chiến tranh vô cớ. Vào ngày đó, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tấn công Iraq với cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm nghị quyết 687 của Hội đồng Bảo an. Sự cáo buộc này đã dựa trên những tài liệu giả do Cơ quan tình báo Mỹ CIA và chính phủ Anh cung cấp.


    Năm 2008 khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, Tổng thống G. Bush đã thú nhận rằng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm tổng thống của ông.


    Sau đó, Uỷ ban điều tra Chilcot của Anh đã kết luận cuộc xâm lược Iraq của cựu Thủ tướng Tony Blair là một sai lầm và những hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu cho đến tận bây giờ.

    Theo Trí Thức Trẻ




    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 36
    Bài mới gởi: 28-02-2016, 01:38 PM
  2. Chuyện ít biết về dao phát rừng của lính Mỹ trong chiến tranh VN
    By Bin571 in forum Lịch sử VN từ năm 1945 đến nay
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 04-04-2014, 10:14 PM
  3. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 17-01-2013, 01:06 PM
  4. Bí ẩn bình ăc quy ở thành cổ Iraq
    By duc_nam8888 in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 12-09-2011, 12:42 PM
  5. Trả lời: 39
    Bài mới gởi: 29-11-2010, 10:05 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •