Trì Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư (CN-747-834) quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, họ Vương, theo Đại Hoè Sơn, Đại Huệ Thiền Sư xuất gia, đến Tung Nhạc thọ giới cụ túc. Ban sơ theo Pháp Tướng Tông, học giáo lý và giới luật, Sư đi các nơi nghe giảng kinh pháp, như Kinh Lăng Già, kinh Hoa Nghiêm v.v... rồi đi sâu vào Trung Quán Luận, Bách Môn Luận, Sư thấu suốt diệu nghĩa của tất cả kinh luận. Sau cùng đến Thiền hội của Mã Tổ Đạo Nhất Thiền Sư tham vấn, bỗng nhiên được khai ngộ, đắc du hý tam muội. Sư làm hành đơn (chức vụ làm trong phòng ăn) nơi thiền hội của Mã Tổ. Một ngày kia, Sư đang dọn cháo cho chư Tăng. Mã Tổ hỏi: “Trong thùng (đựng cháo) là cái gì?” Sư đáp: "Ông già này, bịt miệng đi, nói lời thế này!" Mã Tổ liền thôi. Từ đó, các đồng tham chẳng ai dám cật vấn Sư.
Năm mười một niên hiệu Trinh Nguyên nhà Đường (CN 795), Sư làm trụ trì ở Trì Dương, ba mươi mấy năm chẳng xuống núi Nam Tuyền. Các tòng lâm tôn ngài là một vị thiền sư nổi bật.
Dưới núi Nam Tuyền có một am chủ; có người nói với am chủ rằng: “Gần đây có Hòa Thượng Nam Tuyền ra đời, tại sao không đi để yết kiến?”. Vị am chủ nói: “Chẳng những Nam Tuyền ra đời, dẫu cho ngàn Phật ra đời, tôi cũng không đi”. Sư nghe rồi, sai đệ tử là Triệu Châu đi khám xét. Triệu Châu đi từ Đông qua Tây, từ Tây qua Đông, am chủ cũng chẳng màng. Châu nói: “Thảo tặc đại bại”, rồi buông rèm xuống đi về, kể lại với Sư, Sư nói: “Xưa nay ta nghi ông này”. Ngày hôm sau, Sư cùng sa di đem một bình trà với ba cái chén đến am, liệng xuống đất, rồi nói: “Hôm qua đó, hôm qua đó”. Am chủ hỏi: “Hôm qua đó là gì?” Sư đánh vào lưng vị sa di một cái và nói: “Chớ gạt ta! Chớ gạt ta!” và liền quay đầu trở về. Sư thượng đường (thăng tòa) rằng: “Phật Nhiên Đăng đã nói rồi, nếu do tâm thức suy nghĩ sanh ra các Pháp, đều hư giả chẳng thật. Tại sao? Vì tâm còn chẳng có, làm sao sanh ra các pháp? Giống như lấy hình ảnh để phân biệt hư không, như lấy âm thanh để trong rương, cũng như thổi mạng lưới muốn cho đầy” nên Lão Túc (Mã Tổ) nói: “Chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải Vật, để dạy các anh em thực hành. Căn cứ lời Phật, Thập Địa Bồ Tát trụ Thủ Lăng Nghiêm tam muội, đắc pháp tạng bí mật của chư Phật, đắc tất cả thiền định giải thoát, thần thông diệu dụng, đến tất cả thế giới phổ hiện sắc thân, thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, chuyển đại pháp luân, nhập niết bàn, đem vô lượng nhập vào một lỗ chân lông, giảng một câu kinh trải qua vô lượng kiếp, nghĩa cũng chưa hết, giáo hóa vô lượng chúng sanh, đắc vô sanh pháp nhẫn, còn bị gọi là sở tri ngu, cực vi tế sở tri ngu, toàn trái với đạo, thực khó! thực khó! Trân trọng (cáo biệt). (Nếu chấp theo những lời kể trên làm sở tri, thì bị gọi là sở tri ngu).
Sư thượng đường rằng: “Các ông, lão Tăng từ 18 tuổi đã biết cách làm kế sống, nay hễ có kẻ nào cũng biết cách làm kế sống thì ra đây cùng nhau thương lượng. Phải là người trụ núi mới được”. (Người trụ núi nghĩa là người sau khi ngộ).
Lương cửu (cách một lát sau), Sư nhìn khắp đại chúng, hiệp chưởng (chắp tay) nói: “Trân trọng, vô sự hãy mỗi mỗi tự tu hành đi”.
Đại chúng đứng yên chẳng giải tán. Sư nói: “Thánh quả rất đáng sợ, người siêu việt số lượng còn chẳng nại hà (giống như không có cách nào đối phó), ta lại chẳng phải nó, nó lại chẳng phải ta - nó làm sao nại hà ta - những nhà kinh luận nói pháp thân là cùng tột, gọi là lý tận tam muội, nghĩa tận tam muội. Như lão Tăng, khi xưa bị người dạy cách phản bổn hoàn nguyên, hiểu theo như thế là việc tai họa. Các anh em, gần đây thiền sư quá nhiều, muốn tìm một người ngu độn chẳng thể được. Chẳng phải hoàn toàn không có, nhưng mà rất ít, nếu có thì ra đây cùng ta thương lượng. Như thời không kiếp, có người tu hành hay không? Có hay không? Sao chẳng ai đáp? Các ông bình thường lưỡi như dao bén (biện luận rất hay), nay ta hỏi đều không mở miệng, tại sao không ra đây nói? Các anh em, chẳng kể việc lúc Phật ra đời. Mọi người hiện nay cứ gánh Phật trên vai mà đi, nghe lão Tăng nói: “Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo”, bèn tụ nhau suy đoán. Lão tăng chẳng có chỗ để các ông suy đoán, nếu các ông rút hư không làm cây gậy, đánh được lão Tăng, thì mặc kệ các ông suy đoán.
Lúc ấy có tăng hỏi: “Từ xưa chư Tổ cho đến Giang Tây Mã Tổ đều nói: “Tức tâm là Phật, bình thường tâm là đạo." Nay Hòa Thượng nói tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo, khiến học nhơn rất sanh nghi hoặc, xin Hòa Thượng từ bi chỉ dạy”.
Sư lớn tiếng đáp rằng: “Ông nếu là Phật, thì còn gì để nghi Phật như thế. Lão Tăng chẳng phải Phật, cũng chẳng gặp Tổ Sư, ông nói như thế hãy tự tìm Tổ Sư đi”.
Tăng nói: “Hòa thượng dạy thế này, bảo học nhơn làm sao hộ trì được".
Sư nói: “Ông mau dùng tay nâng hư không đi”.
Tăng nói: “Hư không chẳng tướng động làm sao nâng?”
Sư nói: “Ông nói chẳng tướng động đã là động rồi, hư không làm sao biết nói chẳng tướng động, đây đều là kiến giải, tình chấp của ông thôi”.
Tăng nói: “Hư không chẳng tướng động còn là tình chấp, vậy hồi nãy bảo con nâng vật gì?”
Sư nói: “Ông đã biết chẳng nên nói nâng, còn tính ở đâu hộ trì nó?”.
Tăng hỏi: “Tức Tâm là Phật, tâm ấy làm Phật được chăng?”.
Sư đáp: “Tức Tâm là Phật, tâm ấy là Phật thuộc về tình chấp, đều do suy lường mà thành. Phật là trí nhơn, tâm là chủ chiêu tập nghiệp. Lúc đối vật mới có diệu dụng, Đại đức chớ nhận tâm nhận Phật. Nếu nhận được là cảnh, bị gọi là sở tri ngu. Nên Giang Tây Mã Tổ nói, chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật để dạy người đời sau thực hành. Hiện nay kẻ học đạo đắp y đi khắp nơi, nghi việc không đáng kể như thế này còn được chăng?".
Tăng nói: “Đã chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, nay Hòa Thượng còn nói tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo, thật chưa rõ là thế nào?”.
Sư nói: “Ông chẳng nhận tâm là Phật, Trí là Đạo, lão Tăng thì chẳng đắc tâm, vậy còn dính mắc chỗ náo?”.
Tăng nói: “Thảy đều không được, đâu khác gì thái hư”.
Sư nói: “Đã chẳng phải vật, so thái hư cái gì? Lại bảo khác hay chẳng khác”.
Tăng nói: “Chẳng lẽ cũng không có “chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải Vật” luôn chăng?”.
Sư nói: “Ông nếu nhận cái này thì lại thành Tâm thành Phật rồi!”.
Tăng nói: “Xin Hòa thượng giải thích”.
Sư nói: “Lão tăng tự chẳng biết”.
Tăng nói: “Tại sao chẳng biết?”.
Sư nói: “Bảo ta nói gì?”
Tăng nói: “Chẳng lẽ không cho học nhân hội đạo?”.
Sư nói: “Hội đạo nào? Làm sao mà hội?”.
Tăng nói: “Con không biết!”.
Sư nói: “Không biết thì tốt. Nếu chấp lấy lời lão Tăng thì gọi là người y thông (y là dựa theo). Nếu gặp Di Lặc ra đời, thì sẽ bị ngài nắm tóc”.
Tăng nói: “Làm sao dậy kẻ hậu học đời sau?”.
Sư nói: “Ông hãy tự khán, chớ lo người đời sau!”.
Tăng nói: “Hồi nãy không cho con hội đạo, nay lại bảo con tự khán, thực con chưa rõ”.
Sư nói: “Âm thầm hội, diệu hội. Cho ông hội thế này”.
Tăng nói: “Thế nào là diệu hội?”.
Sư nói: “Còn muốn học lời lão Tăng! Dẫu nói được, cũng là lời của lão Tăng, ông còn muốn làm sao?”.
Tăng nói: “Con nếu tự hội được thì chẳng phiền Hòa Thượng. Nay con xin Hòa Thượng dạy bảo”.
Sư nói: “Chẳng lẽ chỉ Đông chỉ Tây để gạt người. Lúc ông còn mới bập bẹ sao không đến hỏi lão Tăng, nay lại làm tài khôn nói ta chẳng hội, mong muốn cái gì? Ông ló đầu ra nói ta xuất gia làm thiền sư, vậy lúc chưa xuất gia đã từng làm cái gì? Hãy thử nói xem, ta sẽ cùng ngươi thương lượng”.
Tăng nói: “Lúc bấy giờ con không biết”.
Sư nói: “Đã không biết thì nay nhận được này nọ là phải chăng?”.
Tăng nói: “Nhận được đã chẳng phải, chẳng nhận phải chăng?”.
Sư nói: “Nhận với chẳng nhận là lời nói gì?”.
Tăng nói: “Đến chỗ này con càng chẳng hội được”.
Sư nói: “Ông nếu chẳng hội ta còn chẳng hội hơn”.
Tăng nói: “Con là học nhân nên chẳng hội, còn Hòa Thượng là Thiện Tri Thức thì phải hội”.
Sư nói: “Ông này! Đã nói với ông chẳng hội thì còn ai mà luận Thiện Tri Thức. Chớ làm tài khôn! Xem khi Mã Tổ còn tại thế, có một học sĩ hỏi “Như nước không gân xương, nâng ghe muôn ngàn tấn. Lý này là thế nào?”. Mã Tổ nói: “Ở đây chẳng nước cũng chẳng ghe, luận gì gân xương”. Học sĩ liền thôi. Như thế phải ít phí sức không? Cho nên ta thường nói: “Phật chẳng hội đạo, ta tự tu hành, vậy cần biết làm gì?”.
Tăng nói: “Thế thì làm sao tu hành?”.
Sư nói: “Không thể suy lường được. Nói với ngươi tu như vậy, hành như vậy, thực khó!”.
Tăng nói: “Vậy còn cho học nhân tu hành hay không?”.
Sư nói: “Lão Tăng chẳng thể chướng ngại ngươi”.
Tăng nói: “Con làm sao tu hành?”.
Sư nói: “Muốn hành thì hành, cứ tìm hỏi người khác”.
Tăng nói: “Nếu chẳng nhờ Thiện Tri Thức chỉ thị, làm sao hội được. Như Hòa Thượng thường nói tu hành cần phải hiểu mới được. Nếu không hiểu thì e lọt vào nhân quả, chẳng có phần tự do. Chưa rõ tu hành thế nào mới khỏi lọt vào nhân quả”.
Sư nói: “Chẳng cần thương lượng. Nếu nói đi tu hành, chỗ nào không đi được”.
Tăng nói: “Làm sao đi được?”.
Sư nói: “Chẳng lẽ tùy người mà tìm được?”.
Tăng nói: “Hòa Thượng chưa nói, bảo con làm sao tìm?”.
Sư nói: “Dẫu cho nói, đi chỗ nào tìm? Như ông từ sáng tới chiều đi Đông đi Tây, thương lượng với ai? Được hay không được. Người khác làm sao mà biết”.
Tăng nói: “Lúc đi Đông đi Tây đều không suy nghĩ, phải chăng?”.
Sư nói: “Lúc ấy ai nói phải với chẳng phải?”.
Tăng nói: “Hòa Thượng thường nói “Ta ở tất cả nơi mà vô sở hành, tất cả nơi câu thúc ta chẳng được, gọi là biến hành tam muội, phổ hiện sắc thân”, tức là lý này chăng?”.
Sư nói: “Nếu kẻ tu hành chỗ nào chẳng đi được, chẳng nói câu với bất câu, cũng chẳng nói tam muội”.
Tăng nói: “Vậy khác gì có pháp để đắc Bồ Đề đạo?”.
Sư nói: “Chẳng kể khác hay chẳng khác”.
Tăng nói: “Cái thuyết tu hành của Hòa Thượng siêu việt và khác với đại thừa, chưa rõ thế nào?”.
Sư nói: “Chẳng quản khác hay chẳng khác. Ta chưa từng học. Nếu muốn xem giáo thì có tọa chủ, kinh luận. Các nhà giáo môn thật rất đáng sợ. Ông hãy đi nghe tốt hơn”.
Tăng nói: “Rốt cuộc khiến học nhân làm sao mà hội”.
Sư nói: “Theo sự hỏi của ông vốn chỉ ở bên nhân duyên, thấy ông còn chẳng nại hà. Duyên là nhận được vật trên sáu cửa. Ông hãy hội bên Phật rồi đến thương lượng với ta. Chớ truy tìm thế này, chẳng phải thế này, chớ lấy lời cổ nhân hành hạnh Bồ Tát. Duy có một người hành thiền, ma Ba Tuần lãnh các quyến thuộc thường theo dõi sau lưng Bồ Tát, tìm chỗ tâm hành khởi lên liền chộp ngã. Nhưng trải qua vô lượng kiếp tìm chỗ một niệm khởi cũng chẳng thể được, mới cùng quyến thuộc lễ tạ, tán thán cúng dường, ấy còn là cấp bậc tiến tu, người trung hạ căn lại chẳng nại hà, huống là chỗ tuyệt công dụng, như Văn Thù, Phổ Hiền thì khỏi cần nói. Thế nào là đạo hành của ông? Là có hay không? Tìm người hành một ngày cũng chẳng thể được. Hiện nay cứ từ đầu năm đến cuối năm đi khắp nơi chỉ là tìm cứu cánh làm cái gì? chỉ là đầu môi chót lưỡi sinh ra kiến giải.
Tăng nói: “Lúc bấy giờ chẳng tên Phật, chẳng tên chúng sanh, khiến con làm sao suy nghĩ thực hành”.
Sư nói: “Ông nói chẳng tên Phật chẳng tên chúng sanh đã là suy nghĩ rồi, cũng là nhớ lời người khác”.
Tăng nói: “Nếu như thế tất cả đều thuộc về việc lúc Phật ra đời, chẳng thể không nói”.
Sư nói: “Ông làm sao nói?”.
Tăng nói: “Giả sử nói, nói cũng không tới”.
Sư nói: “Nếu nói là nói không tới, là lời tới. Ông uổng công truy tìm, ai làm cảnh cho ông tìm”.
Tăng nói: “Đã không vì làm cảnh, ai là người bên kia?”.
Sư nói: “Nếu ông không dẫn chứng giáo lý thì nơi nào để luận Phật. Đã chẳng luận Phật, lão Tăng luận với ai mà nói bên đây bên kia”.
Tăng nói: “Quả dù chẳng trụ đạo, nhưng đạo hay làm nhân, là nghĩa thế nào?”.
Sư nói: “Ấy là lời cổ nhân. Hiện nay không thể không trì giới. Ta chẳng phải nó, nó chẳng phải ta. Cứ làm theo như con trâu con chồn! Hễ nổi lên một niệm thấy khác thì khó mà tu hành”.
Tăng nói: “Một niệm thấy khác thì khó mà tu hành là thế nào?”.
Sư nói: “Mới một niệm thấy khác liền có hai gốc tốt xấu. Chẳng phải tình kiến đuổi theo nhân quả họ, lại còn có phần tự do gì?”.
Tăng nói: “Thường nghe Hòa Thượng dạy Báo thân Hóa thân đã chẳng phải Phật thật, vậy Pháp thân là Phật thật chăng?”.
Sư nói: “Đã là Ứng thân rồi!”.
Tăng nói: “Nếu như thế này thì Pháp thân cũng chẳng phải Phật thật”.
Sư nói: “Pháp thân là thật hay chẳng thật, lão Tăng không lưỡi, không nói được, ông bảo ta nói là được thì được”.
Tăng nói: “Ngoài lìa tam thân, pháp nào là Phật thật?”.
Sư nói: “Ông này! Cùng ông già tám chín chục tuổi chửi lộn, nói với ông rồi đó, còn hỏi gì lìa, chẳng lìa, bộ muốn đem đinh đóng hư không hay sao?”.
Tăng nói: “Theo kinh Hoa Nghiêm là Pháp thân Phật thuyết, là thế nào?”.
Sư nói: “Ông vừa nói lời gì?”.
Tăng nhắc lại.
Sư nhìn qua nhìn lại rồi than: “Nếu là Pháp thân thuyết, ông hướng vào chỗ nào để nghe?”.
Tăng nói: “Con chẳng hội”.
Sư nói: “Thực khó, thực khó. Ông xem Tọa chủ Lượng là người Tứ Xuyên biết giảng ba mươi hai bộ kinh luận, lúc đang giảng ở tỉnh Giang Tây, có dịp đến tham vấn Mã Tổ trong Khai Nguyên Tự. Mã Tổ hỏi: “Nghe nói Tọa chủ hay giảng kinh, phải chăng?” Tọa chủ nói: “Không dám”. Mã Tổ nói: “Đem cái gì để giảng?” Tọa chủ nói: “Đem tâm để giảng”. Mã Tổ nói: “Tâm như người múa rối, ý như người hòa nhạc, làm sao giảng được?” Tọa chủ nói: “Vậy có lẽ hư không giảng được chăng?” Mã Tổ nói: “Đúng là hư không giảng được”. Tọa chủ quay lưng đi liền. Mã Tổ lớn tiếng gọi: “Tọa chủ!” Tọa chủ! quay đầu lại. Mã Tổ lớn tiếng: “Là cái gì?”, Tọa chủ liền khai ngộ. Ông xem thử, mau không?”.
Tăng nói: “Căn cứ lời Hòa Thượng tức là Pháp thân thuyết pháp”.
Sư nói: “Nếu hội như thế đã là Ứng thân rồi”.
Tăng nói: “Đã là Ứng thân há chẳng có người thuyết pháp?”.
Sư nói: “Ta không biết”.
Tăng nói: “Con không hội”.
Sư nói: “Không hội thì tốt, khỏi cùng nó phân giải nữa”.
Tăng hỏi: “Trong kinh nói chỗ Pháp thân Đại Sĩ hội ngộ tức thấy Pháp thân Phật. Địa vị Bồ Tát tức thấy Báo thân Phật. Nhị thừa chỉ thấy Hóa thân Phật là lý này chăng?”.
Sư nói: “Mắt ta chưa từng xem kinh giáo, lỗ tai cũng chưa từng nghe. Ông tự xem lấy. Nếu ghi nhớ như thế thì sau này mới chẳng nại hà. Giống như người chơi hạt châu, nói ánh sáng hạt châu chiếu cùng khắp, có đĩa vàng thì phản chiếu được, bỗng bị lấy mất đĩa vàng thì chỗ nào chơi châu, chỗ nào tìm ánh sáng khắp với chẳng khắp”.
Tăng lễ bái.
Sư cười rằng: “Thực khó, thực khó. Cổ nhân mắng ông là hạng thợ săn ngư phủ, cũng là người đem phẩn vào. Trân trọng”.
Triệu Châu hỏi: “Đạo chẳng phải ngoài vật. Ngoài vật chẳng phải đạo. Thế nào là đạo ngoài vật?”.
Sư liền đánh.
Triệu Châu nắm lấy gậy rằng: “Về sau chớ đánh lầm người”.
Sư nói: “Rồng rắn dễ phân biệt. Nạp tử (Tu sĩ) khó lừa gạt”.
Bình: Tuyết Đậu Hiển thiền sư nói: “Triệu Châu như rồng không sừng, như rắn có chân. Lúc ấy không kể “Tận pháp vô dân”, cần phải cho ăn gậy rồi đuổi ra”.
*
* *
Lúc đang thưởng trăng, Tăng hỏi: “Bao giờ được giống như cái này?”.
Sư nói: “Vương lão sư hai mươi năm trước cũng như thế này”.
Tăng nói: “Vậy hiện nay thì làm sao?”.
Sư bèn về phương trượng.
Bookmarks