kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Chuyện Tình Trương Chi

  1. #1
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn
    Gia nhập
    Mar 2008
    Bài gởi
    21

    Mặc định Chuyện Tình Trương Chi

    CHUYỆN TÌNH TRƯƠNG CHI
    TÁC PHẨM VĂN HỌC VƯỢT THỜI GIAN CỦA NGƯỜI LẠC VIỆT




    Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ.
    Trầm trầm không gian mới rung đường tơ.
    Vương vấn heo may hoa yến mong chờ.
    Ôi tiếng cầm ca, thu đến bao giờ....



    Nếu bạn là người yêu thích âm nhạc, chắc chắn bạn sẽ biết nhạc phẩm tiền chiến nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao: đó là nhạc phẩm Trương Chi. Mở đầu cho bản nhạc là một giai điệu huyền ảo, đài các với lời hát giàu chất thơ; không thể không chép ra đây để bạn đọc thưởng thức những tứ thơ đầu tiên đầy mộng của nhạc phẩm này:

    Một chiều xưa, trăng nước chưa thành thơ
    Trầm trầm không gian, mới rung đường tơ
    Vương vấn heo may, hoa yến mong chờ
    Ôi ! Tiếng cầm ca, thu đến bao giờ… (*)

    Thơ và nhạc là những rung cảm vi diệu của tâm hồn. Nếu bạn được nghe những giai điệu mở đầu của nhạc phẩm “Trương Chi” với lời ca diễn cảm trong một trạng thái hoàn toàn thư giãn, bạn sẽ thấy sự huyền ảo của thơ nhạc như hòa quyện vào nhau, nâng hồn người ra khỏi mọi sự vướng bận của trần gian. Nhạc phẩm nổi tiếng này của Văn Cao đã lấy cảm hứng từ “Chuyện tình Trương Chi” - một tác phẩm văn học vượt thời gian của người Lạc Việt thời Hùng Vương.

    Thời đại Hùng Vương có thời gian tồn tại lâu nhất trong lịch sử các quốc gia của nhân loại kể từ khi có loài người, bằng một nửa thời gian lịch sử hình thành các dân tộc trên thế giới. Những giá trị của nền văn minh lâu đời đó dù tan nát theo những diễn biến lịch sử. Nhưng những mảnh vụn còn lại, mặc dù chưa được phục chế hoàn hảo cũng đủ làm cho trí tuệ hiện đại của nhân loại phải kinh ngạc. Trong lịch sử văn minh nhân loại, có lẽ ít thấy một quốc gia nào sử dụng khái niệm văn hiến để nói về đất nước 5000 năm, kể từ thời Hùng Vương thứ I (2879 trước CN - theo chính sử). Bởi vì, bắt đầu từ thời Hùng Vương, nền văn hóa của đất nước này đã hướng con người tới sự hòa nhập trong tình yêu của con người đầy nhân bản. Những truyền thuyết, huyền thoại của nền văn học nghệ thuật thời Hùng dù còn lại rất ít, đều chứng tỏ điều đó. Đó là: Mỵ Châu - Trọng Thủy, Thạch Sanh, chuyện tình Trương Chi và rải rác trong những truyền thuyết lịch sử khác.

    Bắt đầu từ chuyện tình Trương Chi, nguồn cảm hứng cho nhạc phẩm Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao.
    Vì là một tác phẩm văn học, nên chuyện tình Trương Chi khác với truyền thuyết lịch sử là không có sự hiện diện của vua Hùng. Nhưng người Việt gốc Văn Lang vẫn nhận ra dấu ấn của tổ tiên qua người con gái diễm hằng với thiên thu: đó là Mỵ Nương con quan tể tướng. May thay! Nếu không phải là Mỵ Nương, mà là một thiên thần thì câu chuyện đã nhạt nhòa với thời gian, còn đâu chất lãng mạn của tình yêu con người trong áng văn chương trác tuyệt, vượt thời gian đến tận bây giờ và mãi mãi về sau...
    Câu chuyện kể rằng:

    Ngày xưa, có một chàng trai đánh cá nghèo, mồ côi cha mẹ tên là Trương Chi. Anh rất xấu xí, nhưng thổi sáo rất hay. Đêm đêm anh thường đem sáo ra thổi. Bến sông anh đậu thuyền ngay gần dinh quan tể tướng, nên tiếng sáo của anh vang vọng đến dinh của ngài. Quan tể tướng có một người con gái tên là Mỵ Nương đã đến tuổi lấy chồng rất xinh đẹp. Mỗi khi Trương Chi thổi sáo, nàng lại ra cửa sổ phòng mình hướng về phía sông để được nghe tiếng sáo của chàng và nàng đã say mê tiếng sáo ấy.
    Rồi có một thời gian, Trương Chi ốm bệnh, Mỵ Nương không
    còn được nghe tiếng sáo của chàng. Nàng buồn bã tưởng nhớ tiếng sáo đến tương tư, rồi phát bệnh. Quan tể tướng hỏi nguyên nhân, biết chuyện, ông cho mời Trương Chi đến để thổi sáo cho nàng nghe.
    Được nghe lại tiếng sáo, Mỵ Nương khỏi bệnh. Nhưng vừa nhìn thấy Trương Chi, nàng đã quay mặt đi vì chàng quá xấu. Còn Trương Chi lại đem lòng yêu Mỵ Nương, sau khi được gặp nàng.
    Biết không thể gần nhau, Trương Chi buồn bã bệnh chết.
    Trải bao năm tháng chôn vùi dưới đất, thân xác đã tiêu tan. Nhưng trái tim Trương Chi kết thành một khối ngọc đỏ thắm như thách thức với thiên thu, thủy chung chờ đợi. Về sau có người tình cờ tìm được khối ngọc này, tiện thành một bộ đồ trà và đem dâng quan tể tướng.
    Trong một tiệc yến có Mỵ Nương cùng dự, quan tể tướng sai lấy bình trà quí ra dùng. Nhưng khi rót nước vào, Mỵ Nương chợt thấy trong chén trà của mình hình bóng con thuyền của Trương Chi và tiếng sáo ngày xưa vọng về. Công chúa khóc, nước mắt nhỏ vào trong chén và chén trà tan đi trong tay nàng.
    Giọt lệ của Mỵ Nương không phải chỉ nhỏ vào chén trà khiến mối tình u uẩn của Trương Chi tan đi trong tình yêu của thiên thần. Cùng với trái tim ngọc đá của Trương Chi, giọt lệ từ cảm xúc trong tâm hồn Mỵ Nương đã rơi vào tận cõi thiên thu, đưa tình yêu đôi lứa đến đỉnh cao nhất của sự hòa nhập tâm hồn.
    Mỵ Nương - nàng công chúa diễm hằng - bước vào không gian của tuổi buồn trinh nữ. Tâm hồn trong trắng của nàng chưa một lần rung lên với nhạc khúc tình yêu. Nhưng nàng lại tìm được sự đồng cảm trong tiếng sáo chơi vơi, đong đầy chất u buồn nhân thế của Trương Chi... đã đến trong nàng không biết tự bao giờ...
    Qua hơn 2000 năm thăng trầm của lịch sử, bao lời thơ nét nhạc đã rung động vì cảm xúc với câu chuyện tình Trương Chi. Nhưng, có lẽ không ai miêu tả tâm hồn trinh trắng như cả một trời thơ với những rung cảm đầu đời của nàng công chúa diễm hằng, hay hơn nhạc khúc của Văn Cao.

    Một chiều xưa, trăng nước chưa thành thơ
    Trầm trầm không gian, mới rung đường tơ
    Vương vấn heo may, hoa yến mong chờ
    Ôi ! Tiếng cầm ca, thu đến bao giờ...(*)

    Tiếng sáo Trương Chi trầm buồn theo sóng nước, chơi vơi như cuộc đời bất hạnh của chàng. Chàng mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại có một ngoại hình xấu xí bọc một kiếp nghèo. Nhưng thiên nhiên lại ban cho chàng cây sáo với tài năng tuyệt kỹ. Tiếng sáo của chàng an ủi cho chính lòng chàng. Trương Chi biết đâu trong lầu son gác tía bên sông lại có một tuyệt thế giai nhân, đang say đắm thả hồn theo tiếng sáo của chàng.
    Ngay từ những đoạn mở đầu của câu chuyện tình, chất lãng mạn đã ngập tràn trong âm thanh vi diệu của tiếng sáo Trương Chi. Tiếng sáo ấy chơi vơi, xao xuyến rồi lắng chìm trong tâm hồn trinh nữ của Mỵ Nương. Giá trị nghệ thuật là dung môi để hai tâm hồn đồng cảm tìm đến nhau, rồi tan trong đó. Thời gian trôi đi, đã bao lần Mỵ Nương đến bên “song thu hé đợi đàn”(*) của chàng đánh cá nghèo? Tiếng sáo từ đâu vọng tới làm say đắm tâm hồn trinh nữ, Mỵ Nương có biết hay chăng? Đó là anh chàng si tình, hàng đêm đến bên lầu buông tiếng sáo tỏ tình với nàng, hay vọng lại từ chiếc thuyền lẻ loi bên sông của chàng Trương Chi nghèo khó? Nàng quay mặt đi khi gặp Trương Chi, phải chăng khi gặp người nghệ sĩ tài hoa mới vỡ lẽ chỉ là một chàng đánh cá nghèo rớt mồng tơi, nên đã phũ phàng? Nét buồn trong nhạc phẩm Trương Chi của Văn Cao “Trách ai khinh nghèo quên nhau”, phải chăng đó là nỗi lòng của riêng ông với tình yêu thông tục của thế nhân đã đến rồi đi trong cuộc đời, hơn là một nhận xét thực về sự từ hôn của Mỵ Nương?
    Mỵ Nương - con gái quan tể tướng - mà phải sợ lấy một người nghèo ư? May thay! Công chúa Tiên Dung, người con gái ở tột đỉnh giàu sang lấy một anh chàng nghèo rớt mùng tơi, “cái khố không có mà mang” đã thanh minh cho nàng. Từ chân trời góc biển bên kia lục địa Á - Âu sau đó 2000 năm, đại văn hào Victor Hugo cũng không nỡ gán ghép khiên cưỡng mà cho cô gái Bôhêmiêng xinh đẹp lấy chàng Cadimodo gù, đã viết nên tác phẩm lãng mạn nổi tiếng thế giới và là niềm tự hào của nền văn học Pháp; đó là tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà ở Paris”. Từ chối hợp hôn với một người đàn ông xấu xí tật nguyền, đó là quyền thiêng liêng của người phụ nữ; quyền của thiên chức làm mẹ mà thượng đế ban cho mỗi người nữ ở trần gian; để đảm bảo sự di truyền của giống nòi. Dù cho Mỵ Nương tìm thấy ở Trương Chi một sự hòa nhập tâm hồn, nhưng chàng quá xấu... không ai có thể trách nàng!
    Tình yêu nam nữ không có sự hòa nhập xác thân nơi trần thế thì không có chất lứa đôi. Nhưng tác gia thời Hùng cũng như đại văn hào Victor Hugo đã tài tình tạo ra một hình tượng xấu xí của chàng trai, để khéo léo từ chối một sự hòa nhập thân xác đầy nhân tính; tình yêu đôi lứa trong tác phẩm chỉ còn lại phần tâm hồn. Đó là điều kiện để những thiên tài đưa chất lãng mạn đến sự rung cảm tế vi nhất trong tình yêu của con người. Với cõi tâm linh, ước mơ và sáng tạo là không giới hạn.
    Trong “Nhà thờ Đức Bà ở Paris”, trái tim cô gái Bohêmieng chưa hề rung cảm trước mối tình của Cadimodo – đã đến với nàng bằng tình yêu tự nhiên đẹp nhất ở con người. Kết thúc câu chuyện, Cadimodo ôm xác người yêu cùng chết trong hầm mộ.
    Nhưng trong câu chuyện tình Trương Chi, sự lãng mạn đã thăng hoa đến mức tận cùng của tình yêu đôi lứa. Tiếng sáo của Trương Chi đâu phải chỉ có mình Mỵ Nương nghe được. Nhưng ai rung cảm được tiếng nhạc lòng của Trương Chi bằng Mỵ Nương? Phải chi Trương Chi là Bá Nha, Mỵ Nương là Tử Kỳ thì chỉ đập cây đàn là xong. Nhưng Trương Chi không thể đập cây sáo rồi ra đi như Bá Nha. Vì ở Bá Nha chỉ là sự đồng điệu về nghệ thuật, không có người thưởng thức thì đàn ai nghe. Còn Trương Chi, ngoài sự đồng điệu về nghệ thuật; thanh âm tiếng sáo chính là thanh âm của tâm hồn chàng; khi ngoại hình xấu xí trong con mắt thế nhân, không phải là con người đích thực trong chàng. Rung động với tiếng sáo của Trương Chi, chính là sự hòa nhập với tâm hồn Trương Chi. Nhưng oái oăm thay, người hiểu được lòng chàng và hòa nhập với tâm hồn chàng qua tiếng sáo lại là một giai nhân. Cho dù quyền quý cao sang, cha nàng với quyền uy tể tướng, có thừa khả năng để đưa chàng đánh cá nghèo thành một người có đầy thế lực. Nhưng quyền uy tể tướng, làm sao vượt được quyền năng của tạo hóa đã ghi dấu ấn trên thân hình xấu xí của chàng?
    Nàng từ chối hòa nhập xác thân với nụ hôn trần thế. Đó là quyền của đời con gái, đây chính là một trong những tình tiết giàu chất nhân tính của chuyện tình Trương chi, có nét tương ứng trong “Nhà thờ Đức Bà ở Paris” của Victor Huygo. Nhưng trong “Nhà thờ Đức Bà ở Paris” thì cô gái xinh đẹp người Bôhêmiêng đã chết, để hai người cùng chết bên nhau với tình yêu say đắm của Cadimodo. Còn ở chuyện tình Trương Chi thì chàng nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh đã chết. Chàng chết, vì đã mất đi một nửa linh hồn khi chợt thấy ở trong sự rung cảm của Mỵ Nương với cõi lòng chàng. Chàng chết, vì không thể đem lại hạnh phúc cho nàng với một ngoại hình xấu xí. Câu chuyện tình đến đây cũng đủ chất lãng mạn và cao thượng, hơn hẳn so với nhiều câu chuyện tình nổi tiếng cổ kim.
    Nhưng nếu chỉ có thế thì vẫn chưa thể xứng đáng với tầm vóc của một thời đại có nền văn hiến lâu nhất, so với các quốc gia trong lịch sử văn minh nhân loại.
    Ở chuyện tình Trương Chi, chất lãng mạn đã được thăng hoa đến tận cùng, để ngàn đời sau – cho đến ngày tận thế – nhân loại sẽ không còn tạo dựng được một hình tượng hay hơn thế nữa. Cũng như tượng thần vệ nữ ở Milo, những điêu khắc gia đầy tài năng của nhân loại hiện nay, chưa ai lắp nổi cánh tay cho nàng. Đôi cánh tay trần thế, không thuộc về vẻ đẹp của thiên thần.
    Chất lãng mạn trác tuyệt đưa chuyện tình Trương Chi vào cõi bất tử chính là ở đoạn cuối của câu chuyện.
    THIÊN SỨ

  2. #2

    Mặc định

    Mời Pác Thiên Sứ ca ngợi tình iu của Sơn Tinh dành cho Mỵ Nương. Ông ta quyền lực như thế nhưng chỉ có 1 vợ thôi. Quả là thời Vua Hùng thật là Văn Minh

  3. #3

    Mặc định

    Trương Chi
    Tác giả:Nguyễn Huy Thiệp

    "Ngày xưa có anh Trương Chi
    người thì thậm xấu hát thì thậm hay
    (Truyện cổ)

    Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa
    kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn
    da diết choán ngợp lòng chàng. Chàng gác chèo và mặc kệ dòng sông cuốn con thuyền
    đi.
    Chàng hát:
    Nỗi buồn của ta ơi
    Như cục đá đè nặng tim ta
    Nào ai thấu
    Phía xa kia là quê nhà
    Tuổi trẻ mờ sương
    Những ký ức mờ sương
    Những ước mơ đâu cả rồi?
    Những mơ ước của ta
    Ta đã mơ rất say đắm
    Mơ hoa lá, những bài ca,
    Những tiếng đàn,
    Những nụ cười, những đồng lúa chín,
    Những lâu đài rực rỡ,
    Ta đã mơ thấy nàng
    Trong suốt và đỏ chói
    Những mơ ước đâu cả rồi?
    Những mơ ước của ta
    Có ai về đó không?
    Về quê nhà ta
    Chào giúp một câu
    Cho bớt nỗi đau
    Chào giúp một câu
    Cho bớt nỗi sầu
    Những mơ ước đâu cả rồi?
    Những ước mơ say đắm khôn nguôi
    Nỗi buồn của ta ơi
    Như cục đá đè trĩu tim ta
    Ai thấu chăng tình ta?”
    Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt Trương Chi rùng mình vì sự vắng lặng
    xung quanh. Không ai đáp lại chàng. Sự vắng lặng kinh hoàng. Chỉ có tiếng giun dế,
    tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa. Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Chàng
    khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng
    chàng. Chàng nhổ mẩu ngón tay xuống Bông. Trời tối, không thấy máu. Chàng thò
    ngón tay xuống dòng nước xiết. Dòng nước mơn man khiến chàng dễ chịu. Chàng duỗi
    thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói:
    - Cứt!
    Nói xong chàng nhắm mắt lại. Bốn nghìn năm trước chàng đã mất ngủ thế này. Bốn
    nghìn năm trước chàng đã đau đớn thế này, chàng đã căm giận thế này.
    Việc gặp Mỵ Nương xốc lại toàn bộ suy nghĩ của chàng. Trước kia, Trương Chi chỉ hình
    dung mơ hồ có những cuộc sống khác, lối sống khác. Chàng chỉ ngờ ngợ rằng cuộc đời
    chàng tẻ nhạt, nhàm chán. Rằng thân phận chàng chẳng ra gì. Rằng con thuyền này,
    những vật dụng này chẳng ra gì. Rằng thân xác chàng xấu xí, chẳng ra gì. Cả ngay
    tiếng hát của chàng cũng thế, vô nghĩa, chẳng ra gì. Tuy nhiên, việc tự khép kín, thói
    lười nhác an phận, thêm một chút kinh bạc nữa và những cố gắng không mỏi để kiếm
    miếng ăn khiến chàng giữ được bên ngoài vẻ thường. Không ai ngờ vực chàng. Không ai
    sợ hãi chàng. Chàng sống giữa bầy. Chàng cười nói. Chàng chịu đựng. Chàng mua bán.
    Chàng chấp nhận. Mọi ước lệ của thói đời lướt qua chàng không dấu vết. Chàng cũng
    lưởt qua nó, những ước lệ của thói đời ấy không dấu vết. Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi,
    chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi
    được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc.
    - Cứt!
    Trương Chi gầm lên khe khẽ. Những bức bối cồn cào lòng chàng.
    Chàng hát:
    Đêm nay là đêm nao
    Này người tình ơi
    Rồi nàng cũng thành một bà lão
    lụ khụ, đáng kính và có đơn thôi!
    Bây giờ nàng cứ cười đi
    Ta đâu mêch lòng
    Nàng còn trẻ tuổi.
    Nàng hiểu làm sao
    Những khao khát nực cười của ta
    Ta vốc một nắm gió
    Ném vào khoảng không kia
    Nheo một bên mắt
    Tay đút túi
    Ta không khiến nàng bận tâm
    Gió đi đâu
    Dạt đến chân trời nào
    Nàng biết quái gì?
    Gió đi đâu?
    Đến bao giờ thành bão?
    Trên con thuyền này
    Ta bắt quyết
    Luyện phép một mình
    Ai thấu lòng ta?
    Nàng cứ cười đi
    Và chớ có tin
    Nàng có tin ai đâu
    Thói của nàng là thế
    Nàng được giáo dục như thế từ bé tí
    Nàng chỉ tin ở bạo lực
    Ta biết thừa
    Ai thấu lòng ta
    Những khát khao của ta
    Những cuồng vọng của ta
    Những tín ngưỡng của ta
    Với con thuyền này
    Ta chèo qua số phận
    Ta chèo qua thời gian
    Ta chèo một mình...”
    Trương Chi không hát nữa. Chàng lại nói:
    - Cứt!
    Nói xong chàng nhỏm dậy. Chàng thấy đói.
    Chàng phải kiếm ăn đã. Chàng lái thuyền vào bờ. ở hai ven bờ, suốt từ thượng nguồn
    đến tận hạ nguồn, chàng đã đặt mỗi bên một nghìn cái đó. Nhấc đó lên là có cái ăn.
    Đây là cá, là cua, là ếch nhái. Trương chi bắt cá ném vào lòng thuyền. Chàng dùng hai
    hòn đá nhen lửa nướng cá. Chàng ăn cá nhưng được vài miếng chàng lại nhổ đi.
    Chàng lại nói:
    - Cứt!
    Hình ảnh Mỵ Nương hiện ra. Trương Chi thở dài. Nàng ngả người trên nệm. Nàng lấy
    những ngón tay thon thả gỡ tóc. Nàng bảo chàng:
    - Hát đi!
    Viên quan trưởng bảo chàng:
    - Hát ca ngợi công danh đi!
    Trương Chi tức nghẹn họng. Chàng biết, hát về điều ấy thật là trò cứt. Mỵ Nương mỉm
    cười khuyến khích chàng. Chàng đã mềm lòng trước nụ cười ấy. Chàng khò khè trong
    cổ. Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ thế này. Bài hát chỉ oàn “"ấy a"” với lại“huầy dô”. Bài hát đông người.
    Mỵ Nương bảo:
    - Hay lắm!
    Bọn hoạn quan đứng quanh cười ré lên:
    - Hát như cứt!
    Mỵ Nương tỏ vẻ thương xót:
    - Hát về tình yêu đi!
    Viên quan trưởng ngăn lại:
    - Đừng! Nên hát về sự nhẫn nhục!
    Mỵ Nương làm một cử chỉ khuyến khích. Trong cuộc đời bạc bẽo của chàng, Trương Chi
    chưa được ai khuyến khích bao giờ.
    Chàng hát, mắt hướng về viên quan trưởng:
    “Sự nhẫn nhục bắt đầu từ đâu?
    Ngày xưa, ta tưởng nó bắt đầu từ bản tính ta
    Từ đầu ngón chân, ngón tay ta,
    Hóa ra không phải
    Sự nhẫn nhục bắt đầu từ mày!”
    Viên quan trưởng ngăn lại:
    - Đừng hát!
    Trương Chi luống cuống. Chàng thấy khổ quá. Giữa sông nước có ai chỉ bảo chàng đâu?
    Sự nhẫn nhục, thói hãnh tiến, lòng tham, tính thiện...Tất cả như nhau hết, vụn vặt và
    vô nghĩa lý. Chàng chỉ có một mình. Ngày cũng một mình. Đêm cũng một mình. Mưa
    nắng như nhau hết.
    Bọn hoạn quan cười ré lên:
    - Hát như cứt!
    Mỵ Nương cười, Trương Chi rất thích giọng nàng cười. Tiếng cười rung trong ngực
    chàng.
    Viên quan trưởng bảo:
    - Hát ca ngợi tiền bạc đi!
    Bọn hoạn quan reo lên.
    Mỵ Nương làm một cử chỉ mơn trớn. Chẳng có ai nhận ra cử chỉ ấy. Chỉ có riêng chàng
    biết. Trương Chi luống cuống, lại một bài hát toàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Có chỗ
    chàng lại bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác và tiếng dê kêu nữa. Bài hát đông
    người...
    Bọn hoạn quan cười ré lên:
    - Hát như cứt!
    Mị Nương cười rũ rượi. Chàng biết, sau tiếng cười độ lượng kia nàng sẽ mím môi lại.
    Nàng có tật thế.
    Trương Chi rùng mình. Chàng thấy lo sợ cho chàng. Chàng biết rõ mình. Chàng có thể
    chịu được đói khổ, nhọc nhằn, thói nhẫn tâm, sự đểu cáng. Thậm chí cả sự hạ nhục của
    bọn người nông nổi và thiển cận nữa, không sao. Chàng chỉ sợ khi chính bản thân chàng
    lâm vào tinh thế phải tự hạ nhục bản tính mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát,
    không còn Trương Chi. Trương Chi ngó quanh. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô,
    những tên hề lùn bọn bói toán tướng số lang băm xúm xít ép chặt lấy chàng
    Trương Chi sợ hãi. Chàng mong nhìn thấy một người đánh cá, chỉ đánh cá mương thôi
    cũng được, chẳng cần đến loại người đánh cá kình. Chàng sẽ vững tâm.
    Mỵ Nương giúp chàng. Nàng bảo:
    - Hát về tình yêu đi!
    Trương Chi nhắm mắt lại. Chàng thấy bồng bềnh như đứng trên thuyền. Đến lúc này,
    chàng biết chàng phải cất giọng tự hát cho mình, bởi không chàng sẽ mất hết, mất cả
    cuộc đời. Chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới
    hòng cứu vớt được. Không phải Mỵ Nương, không chỉ là Mỵ Nương. Dù cho Mỵ Nương có
    là một con phượng hoàng kiêu hãnh hoặc một con nhện xấu xí cũng vậy. Với chàng lúc
    này tất cả đều như nhau. Tình yêu của chàng hướng về tuyệt đối Nàng là cái bẫy của số
    phận chàng.
    Chàng hát:.
    “Tình yêu, bài ca mà Trương Chi hát
    Cất lên từ trái tim bị thương tổn
    Ngọn cờ nàng phất trên ta là tình yêu
    Và tiếng trống trận là nhịp tim ta
    Kẻ thù của ta
    Chúng sẽ bôi nhọ tên ta
    Còn ta
    Ta sẽ vung ra trước chúng
    Lưỡi mác của tình yêu
    Xuyên qua tim ta
    Và qua tim nàng
    Này người tình ơi
    Thực ra, nàng còn rỗng tuếch và tẻ nhạt
    Tâm hồn nàng có những con rắn hoài nghi
    trơn tuột nằm phục
    Nàng gian lận trong bài bạc
    Nàng đánh giá điều thiện như cách nàng
    đánh giá đồ trang sức và tài sản
    Nàng ngờ vực ngọn gió
    Và gieo gặt nhờ kích thích thói xấu
    Mồi thính của nàng
    Là quyền lợi và danh dự hão huyền
    Ta đâu cần một bữa cơm
    Đâu cần một manh áo
    Cơm ta thiếu gì?
    áo ta cần chi?
    Ta ở trên đất đai của tổ tiên ta
    Và quăng lưới trên dòng sông của tổ tiên ta
    Những khao khát của ta
    Hướng về tuyệt đối...
    Ta là Trương Chi
    Ta ca ngợi tình yêu
    Nở từ hạt thiện
    Và bông hoa của tự nhiên
    Là sự chân thực lạnh buốt...”
    Tiếng hát Trương Chi cao vút. Xung quanh im bặt. Nhừng giọt nước mắt long lanh trên
    mắt Mỵ Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát thế này. bọn hoạn quan, những gã
    đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm...đứng dạt cả ra. Trương
    Chi vẫn hát, đôi chân của chàng như bốc khỏi đất, chàng đang bay lên.
    Chàng hát:
    “Hãy ca hát tình yêu
    Hỡi những trái tim lãnh cảm
    Những trái tim sắt đá
    Bạo lực chỉ gây oán thù
    Nòi giống phải trả giá
    Ta là Trương Chi
    Ta hát cho tình yêu
    Vẻ đẹp tự nhiên
    Sự chân thực lạnh buốt...”
    Chàng hát:
    “Ta là Trương Chi
    Ta hát cho tình yêu
    Đây là thanh danh ta
    Và thanh danh nàng...”
    Chàng hát:
    “Ta là Trương Chi
    Ta hát cho tình yêu
    Tình yêu không xúc phạm được
    Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế...”
    Chàng hát:
    “Ta là Trương Chi
    Ta hát cho tình yêu
    Tình yêu cần hy sinh
    Bởi nó không khoan nhượng...”
    Chàng hát:
    “Sự ngu ngốc hay khôn ngoan với tình yêu đều như nhau
    Sự ràng buộc hay không ràng buộc cũng thế...”
    Chàng hát:
    Tình yêu không mất đi và không sinh ra
    Tình yêu tuyệt đối...”
    Chàng hát:
    “Ta là Trương Chi
    Bài ca ta cât lên từ trái tim bị thương tôn
    Này người tình ơi
    Xin đừng vì sự thương tổn trái tim ta mà
    tổn thương trái tim nàng
    Chúng ta đi qua cuộc đời bạc bẽo này, giả dối này
    Nàng cứ sống đi rồi sẽ hiểu
    Những chân trời nào nàng sẽ qua...
    Và những gì làm trái tim ta đau
    Ghi dấu trên thanh danh ta...
    Và trên cả thanh danh nàng...
    Có một thứ tình yêu bất tử...”
    Trương Chi im bặt. Chàng cũng không biết chàng dã bay tới bến sông từ khi nào nữa.
    Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một
    màu, trời mây trắng xóa một màu.
    Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông.
    Chàng lại nói:
    - Cứt!
    Chàng từ trên thuyền bước xuống xoáy nước giữa sông. ở trên trời, trên mặt đất, trên
    biển cả và các dòng sông đều có những hốc đen bí mật. Những xoáy nước trên sông là
    những hốc đen như thế.
    *
    Trong truyện cổ, người ta kể rằng khi hát xong câu hát cuối cùng:
    “Kiếp này đã dở dang nhau
    Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành “.
    Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người
    ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh
    Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.
    Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả
    thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết
    sức mình. Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây
    phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.
    Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc.
    Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý.
    Lẽ đời là thế.

  4. #4

    Mặc định

    Trương Chi xấu quá, Mỵ Nương vừa nhìn thấy liền quay mặt đi. Yêu mà thế sao? Ai cũng ca ngợi Thiên tình trác tuyệt ấy làm gì? Cứ bảo yêu về tâm hồn, yêu tâm hồn thì dù có xấu tới ma chê quỷ hờn cũng có nghĩa gì đâu, yêu tài năng, tính cách người ta cơ mà. Có chăng chỉ là say mê nhất thời mà thôi. Nếu thời ấy mà thành lập Fan club như bây giờ chắc Mỵ Nương xứng làm "Hội trưởng" và chắc sẽ gọi Trương Chi là "bố" giống như Fan của Đàm Vĩnh Hưng gọi anh chàng này là "bố" vậy đó.
    Cho nên nước mắt của Mỵ Nương chỉ là những giọt nước mắt "ân hận" và "thương xót" thần tượng của mình mà thôi.
    Trương Chi và Mỵ Nương - đó không phải là Câu chuyện tình ....lãng mạn và cao thượng, hơn hẳn so với nhiều câu chuyện tình nổi tiếng cổ kim.
    Đó chỉ là mối tình đơn phương của Trương Chi mà thôi.
    Trương Chi hỡi Trương Chi, chết đi chỉ vì một người đàn bà không yêu mình - liệu có đáng không?
    Nở với nhân gian một nụ cười.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •