Bác Ba Phi là ai mà nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ?
02/08/2019 1321 GMT+7

Bác Ba Phi là nhân vật vô cùng quen thuộc trong các câu chuyện hài hước được người dân các tỉnh miền Tây kể cho nhau nghe hàng ngày. Tuy nhiên, không nhiều người biết bác Ba Phi thực sự là ai.

Bác Ba Phi là một nhân vật trong dân gian được viết thành tiểu thuyết của nhà văn Anh Động. Ông là nhân vật chính trong những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày nhưng được cường điệu quá đáng (như rắn tát cá, chọi đá làm máy bay rơi, leo cây ớt té gãy chân...) và được trình bày một cách tự nhiên khiến người nghe hoàn toàn bất ngờ và bật cười. Ông là nhân vật cận đại nhất trong lịch sử kho tàng truyện trạng (nói dóc) của văn học Việt Nam.

Ngày nay, nói đến chuyện kể bác Ba Phi hầu như người dân ở nhiều vùng miền trên cả nước, đặc biệt là cả miền Tây đều biết đó là những câu chuyện cười sảng khoái có một không hai về thiên nhiên rừng U Minh hoang dã.
Trong đời sống văn hóa của người dân khắp các tỉnh miền Tây, bác Ba Phi là nhân vật vô cùng quen thuộc trong những câu chuyện vui được mọi người kể cho nhau nghe hàng ngày.

Nhiều người cho rằng bác Ba Phi chỉ có trong truyền thuyết. Tuy nhiên, nhân vật nguyên mẫu của bác Ba Phi là nghệ nhân Nguyễn Long Phi (1884-1964). Ông vốn là một nông dân tại tỉnh Cà Mau, vốn có khiếu kể chuyện rất phong phú và đặc sắc, được nhiều người ưa thích.

Ông Long Phi sinh ra và lớn lớn trong một gia đình nghèo khó, tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, cày cuốc ruộng vườn, nhưng đến ban đêm, ông thường tham gia tụ họp đờn ca, và được bà con trong xóm mê tiếng ca và nể trọng tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái, đặc biệt là những câu chuyện kể và cách kể truyện lôi cuốn người nghe của ông.




Di ảnh ông Nguyễn Long Phi.

Vợ ông tên là Ba Lữ, kể từ lúc cưới vợ, mọi người đều gọi ông là Ba Phi và cái tên này cũng được người dân gọi cho đến bây giờ.

Ông Ba Phi có 3 người vợ, có cháu đích tôn tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Và cũng có thành ngữ "Tệ như vợ (thằng) Đậu" được dùng để chỉ những người vụng về.
Trong văn hóa đời sống của người dân miền Tây, những câu chuyện của bác Ba Phi mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, đồng thời nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặc trưng Nam Bộ, lòng yêu thương thiên nhiên và con người.

Những câu chuyện của bác Ba Phi không được tài liệu nào ghi chép lại vì thế tất cả đều được truyền miệng. Do vậy, các câu chuyện dần dần thường bị "biên tập" lại trong quá trình "lưu lạc". Thêm vào đó, cũng có không ít những câu chuyện do người khác sáng tác, nhưng vẫn lấy danh xưng bác Ba Phi.

Ông Ba Phi qua đời tại rừng U Minh Hạ. Hiện nay, khu nhà và mộ phần của ông Ba Phi tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải nằm ở một góc rừng U Minh Hạ và được xây dựng thành tuyến du lịch văn hóa của tỉnh Cà Mau.



Mộ ông Ba Phi nằm giữa mộ người vợ cả và vợ ba. Vợ hai của ông sau khi sinh con được 3 năm thì gửi con cho chồng rồi về quê Mỹ Tho đến khi qua đời.Bà Nguyễn Thị Anh - con dâu bác Ba Phi ngày ngày hương khói cho cha chồng.
TH (SHTT)