kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Giá trị cốt tử của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

  1. #1

    Mặc định Giá trị cốt tử của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương


    Giá trị cốt tử của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

    Giá trị lớn lao của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải chỉ được nhìn dưới góc độ khoa học lịch sử, mà còn cần đắm chìm trong thế giới tâm linh của người Việt, với những yếu tố huyền ảo đậm chất dân gian. Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện ấy.


    GS Lê Văn Lan.

    PV: Thưa Giáo sư, ở góc độ khoa học lịch sử, cho đến bây giờ chúng ta hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như thế nào?

    GS Lê Văn Lan: Ở góc nhìn lịch sử chúng ta có một cái mốc, nó có ý nghĩa chốt lại 2 tiến trình thờ cúng Hùng Vương. Đó là vào năm Khải Định thứ 2, tức là năm dương lịch 1917, vua Khải Định đã ra sắc dụ chuẩn y lời tâu của Tuần phủ Phú Thọ. Sắc dụ có nội dung: Chuẩn theo lời tâu của Tuần phủ Phú Thọ, việc thờ cúng Hùng Vương trước đây thường tiến hành vào mùa thu, từ nay sẽ mở hội vào ngày 10/3 âm lịch.

    Như vậy có thể thấy Lễ hội Đền Hùng trước đó là vào mùa thu, đó là lễ hội thuần túy phương Nam, vì khí hậu thời tiết và công việc làm ăn nông nghiệp vào thời Hùng Vương thì lúc mùa thu ấy đang là lúc nông nhàn, cũng là lúc trông đợi mùa màng bội thu. Đó là lý do không chỉ có lễ hội mùa thu mà vào thời Hùng Vương cả lịch pháp cũng không bắt đầu năm mới vào mùng 1 tháng Giêng mà vào mùa thu.Sắc dụ của Vua Khải Định cho ta một thông tin thú vị. Năm 1917, Tuần phủ Phú Thọ tâu cho mở hội vào ngày 10/3 âm lịch, Vua Khải Định chuẩn y và điều đó có nghĩa là vào đời ông vua “nghe đồn Khải Định nịnh Tây” thì lại đã ra được một quyết định đánh dấu cả một kỷ nguyên thứ 2 của việc thờ cúng Tổ tiên được đi vào ổn định. Đó là lễ hội mùa xuân 10/3 âm lịch. Việc Thờ cúng tổ tiên ở Đền Hùng vào ngày 10/3 chỉ có từ năm 1917.

    Về khảo cổ học, những phát hiện ở đây cho thấy điều gì, thưa ông?

    - Bây giờ chúng ta đang có một ngọn núi Hùng với nhiều huyền thoại mang ý nghĩa triết học cực kỳ hay. Chứ lúc đầu nó không phải là tên là núi Nghĩa Lĩnh, cũng không có tên là Hy Cương (tên ngôi làng chân núi), mà lúc đầu có tên là núi Đầu Trâu, rất dân dã, rồi có tên là núi Cả, làng dưới chân núi là làng Cả, là chủ nhân của ngọn núi này, là chủ nhân của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.Ở làng Cả vào thế kỷ 15 có đền thờ Kính Thiên Lĩnh điện - nghĩa là bây giờ chúng ta chỉ tìm thấy dấu vết từ thế kỷ 15, có ngôi đền chính thức thờ cúng Hùng Vương trên đỉnh núi.

    Khi chúng ta đào khảo cổ trên núi này thì vết tích xưa nhất về mặt kiến trúc là có toà miếu nguyên sơ ở trên đỉnh núi, gồm 4 cột đá, vết tích thờ Hùng Vương lúc đầu chỉ thô sơ thế. Buổi đầu có 1 toà miếu thô sơ gồm 4 cột đá, thời Lý Trần có thêm 1 cái chùa, đến thời Lê sơ mới bắt đầu có 1 hệ thống 3 ngôi đền và muộn nhất là mộ tổ được xây dựng vào thế kỷ 19.Như vậy có thể thấy việc thờ cúng Hùng Vương để lại dấu tích mà chúng ta còn tìm thấy được vừa có niên đại muộn, vừa mang ý nghĩa tượng trưng.

    Tuy nhiên, thưa ông, cho dù vậy, giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang một ý nghĩa khác, lớn hơn những con số sử học và dấu vết khảo cổ học?

    - Đó chính là bởi vì Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt được vào cái chủ đề cực kỳ quan trọng đối với nước Việt, với người dân Việt, với cõi tâm linh của người dân Việt. Chỉ có Việt Nam mới có hình thức tín ngưỡng thờ tổ tiên chung của cả dân tộc. Ta có tổ tiên của dòng họ, của cả một làng, nhưng không ở đâu có tổ tiên chung của cả một nước. Biểu tượng núi Hùng thỏa mãn cái văn hóa đặc sắc trong cõi tâm linh của người Việt cho nên nó cộng hưởng cùng nhau mà tạo ra được Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.Đến thời đại của chúng ta, có một cái mốc cũng rất quan trọng ở Đền Hùng.

    Thưa Giáo sư, đó là…?

    - Vào tháng 9/1954, chuẩn bị Giải phóng Thủ đô, Cụ Hồ đã chọn thời điểm đó để tuyên ngôn một câu nói “khủng khiếp”, sử học phải bò ra mà phục Cụ ở chỗ lần đầu tiên Cụ tổng kết được quy luật của lịch sử, trước năm 1954 chưa ai nói điều đó. Ấy là dựng nước đi đôi với giữ nước, chỉ trong một câu thôi: “Các vua Hùng có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Câu ấy đáng khâm phục, còn đáng phục cả ở chỗ chọn thời điểm và địa điểm để ra tuyên ngôn ấy.

    Một tuyên ngôn cực kỳ quan trọng, chính xác. Trước đó chưa ai nói được còn sau này chúng ta có viết gì cũng chỉ để minh họa cho câu nói ấy thôi: Dựng nước và giữ nước đi đôi với nhau.

    Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng.

    Thưa Giáo sư, như vậy cho đến bây giờ chúng ta nhìn lại đối với quốc gia, dân tộc và trong tâm thức mỗi người dân thì giá trị lớn nhất mà hệ thống Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng mang lại là gì?

    - Nó có ý nghĩa cốt tử, quan trọng. Tháng Giêng năm 1789, Vua Quang Trung làm nên Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Thì đến tháng 2, Nguyễn Huệ đã có một sắc chỉ gửi về làng Hy Cương dưới chân núi Hùng, nội dung đại ý là: Phải cẩn trọng thờ cúng tổ tiên để cho “mạch nước được vững bền”. Sắc chỉ ấy hiện giờ làng Hy Cương vẫn kính cẩn gìn giữ.

    Như vậy ta có thể thấy thế giới tâm thức folklore không cần bám vào những số liệu chính xác của khoa học lịch sử, mà chỉ cần ước nguyện, ý muốn, tấm lòng. Và thế là lịch sử đấy. Cái lịch sử Việt Nam nó có cái lạ như thế đấy. Bây giờ đừng đem tư duy lý tính, tư duy khoa học của thời nay mà áp vào đó, mà phải đắm mình vào cái thế giới tâm linh cổ truyền dân tộc ở cái thời trung cổ ấy.

    Đấy mới là vấn đề để bây giờ ta nhận hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.Các vị nhân sĩ của cuối phong trào Cần Vương như Nguyễn Quang Bích (Ngô Quang Bích con nuôi họ Nguyễn) và đặc biệt con trai của Ngô Quang Bích là Ngô Quang Đoan, vận dụng khai thác chủ đề Tín ngưỡng Hùng Vương, với những câu thơ tôi không nhớ nguyên văn nhưng đại ý là nguyện xin tổ tiên phù hộ để cho đất nước này khỏi bị tan nát. Như vậy các bậc trí giả của phong trào yêu nước hậu Cần Vương đã nhận ra được và tìm thấy được ở Tín ngưỡng Hùng Vương một phương thức, một cơ sở để thực hiện chủ nghĩa yêu nước.

    Cho nên mới có một loạt thơ văn câu đối, khai thác chủ đề này. Tản Đà, với cái câu như “Nước nước non non/ Tổ tổ tông tông…” là trong khúc này. Đó là một lát cắt thời gian mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được khai thác và rất hữu hiệu cổ vũ cho phong trào yêu nước rất mạnh mẽ.

    Đợt thứ 2 chính là từ Cụ Hồ, với cái câu chúng ta nói của Cụ Hồ chúng ta đã bàn tới ở trên. Cùng với 2 lần Cụ về đền Hùng, một lần năm 1954 và năm 1962 về lần nữa. Mà ở lần về thứ 2 đã để lại một giai thoại cực hay. Lúc ấy Cụ Hồ phăng phăng đi từ chân núi lên tận Đền Thượng. Các cận vệ can ngăn vì sợ Cụ mệt, Cụ có trả lời 1 câu, biên bản ghi lại vẫn còn ở Bảo tàng Đền Hùng: Việc đi lên núi này cũng như việc làm cách mạng không được bỏ dở nửa chừng, đã đi là phải tới đích.

    Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương quan trọng ở chỗ cổ vũ cho phong trào cách mạng, thống nhất đất nước, củng cố tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Tất cả những cái đó vô cùng quan trọng.

    Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
    Cẩm Thúy (thực hiện)

    Last edited by Bin571; 14-04-2019 at 01:14 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Sợi chỉ đỏ trong lòng người Việt

    Theo GS-TS. Nguyễn Chí Bền, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ người Việt.


    .
    Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang những giá trị nổi bật và khác biệt như thế nào, thưa ông?

    Giá trị lớn nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sáng tạo văn hóa mang tầm kiệt tác của nhân loại.Người Việt có truyền thống thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, gia tộc; nâng lên ở cấp làng là thờ thành hoàng làng và ở cấp quốc gia là thờ cúng Hùng Vương.Khi tham gia vào quá trình chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều tôi quan tâm nhất là sự khác biệt của tín ngưỡng này.

    Tiêu chí được UNESCO đánh giá cao ở tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị tín ngưỡng với sự sáng tạo của người Việt gắn với 18 vị Vua Hùng, gắn với khởi thủy của quốc gia, dân tộc là Nhà nước Văn Lang.Điều này khác hoàn toàn với tôn giáo, vì tôn giáo chỉ có một nhân vật trung tâm. Ở Trung Quốc, tại vùng Quảng Tây, dân tộc Choang cũng thờ một vị gần giống như Hùng Vương, cũng giỗ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, có bánh chưng, bánh giầy, nhưng chỉ là một nhân vật văn hóa, không gắn với quốc gia, dân tộc.

    Điều đáng nói nhất là tín ngưỡng ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một phần bản sắc không thể thiếu của người Việt, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, hiếm có dân tộc nào có tín ngưỡng thờ cúng chung một ông Tổ như nước Việt Nam ta. Từ thế kỷ XV, lịch sử đã có ghi chép về thờ cúng Hùng Vương. Nhà Nguyễn coi Vua Hùng là Thánh Vương. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tục truyền.Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ người Việt, là sợi chỉ đỏ trong lòng người Việt. Không chỉ có 3 ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thờ Hùng Vương, vùng trung tâm tín ngưỡng ở Phú Thọ có hơn 100 làng thờ Hùng Vương, trên phạm vi cả nước, có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương.

    Thưa ông, giá trị cội nguồn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được thể hiện như thế nào trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta?

    Thế kỷ XX là thời kỳ khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đất nước bị phương Tây xâm lược, khác với giai đoạn trước là kẻ thù từ phương Bắc. Người Việt đã đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và vận mệnh dân tộc.Trong gian khó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc. Đó là lý do vì sao, ngay sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, kế tục truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của cha ông, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Phó chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chủ trì làm lễ dâng hương tại Đền Hùng.

    Tại buổi lễ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã trang trọng dâng lên bàn thờ các Vua Hùng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm - hai vật báu nói lên ý chí của nhân dân ta trước họa xâm lăng, khi bọn thực dân, đế quốc đang đe dọa trở lại; thể hiện ý nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược để giữ yên bờ cõi.

    Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 9/9/1954, tại Đền Giếng trong quần thể Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

    Ngay sau khi ký xong Hiệp định Geneve, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hoành tráng đến mức, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) có đăng bài nói về việc người dân Việt Nam hồ hởi, hăm hở đến lễ hội thể hiện tinh thần dân tộc.Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, dù ai ở xa, dù đang bận rộn, dù đi đâu, về đâu cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.

    Việt Nam đang bước ra thế giới với tâm thế của một đất nước hòa bình, phát triển và có trách nhiệm. Theo ông, những giá trị cội nguồn đóng vai trò thế nào trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tri thức người Việt khắp năm châu cùng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng?

    Mặc dù là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng trong tâm thức người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành “vật thể”, hiện hữu. Đó là sợi dây cố kết người Việt với nhau.Thế kỷ XXI chứng kiến sự biến đổi của lịch sử và cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, trong đó, văn hóa có một “sức mạnh mềm” rất to lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với thế giới phẳng hiện nay, việc giữ gìn văn hóa có ý nghĩa quan trọng.

    Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bản sắc Việt Nam và hơn thế, còn là di sản văn hóa phi vật thể mang tầm nhân loại. Đó là niềm tự hào của người Việt, đi cùng trách nhiệm gìn giữ giá trị di sản và quảng bá truyền thống, bản sắc văn hóa.Ví dụ, chúng ta có thể giới thiệu tới du khách, bạn bè quốc tế tín ngưỡng này bằng việc thu hút họ tham gia vào các trải nghiệm làm bánh chưng, bánh giầy, các hoạt động lễ hội của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

    Những người Việt ở nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè thế giới.Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến cơ hội đầu tư vào các giá trị văn hóa. Với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vấn đề đặt ra là phải vừa giữ gìn, vừa phát huy và khai thác được giá trị kinh tế, đặc biệt về phát triển du lịch.

    Với sự bùng nổ của công nghệ hiện nay, chúng ta có thể tạo ra một cuốn sách 3D về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để có thể giới thiệu nét văn hóa độc đáo của người Việt ra thế giới, hay đơn giản là ứng dụng công nghệ để truyền cảm hứng dân tộc, giúp mọi người dân Việt Nam có thể chứng kiến nghi lễ linh thiêng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…

    Trần Hà
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Giỗ Tổ Hùng Vương: Khơi gợi sức mạnh dân tộc từ giá trị cội nguồn

    Với những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ, ngày Giỗ tổ Hùng Vương không những là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn của sức mạnh, mà còn là chiếc cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và tương lai phát triển, hội nhập.

    14/04/2019 07:32

    Người dân hành hương về miền đất Tổ để tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên.

    Giữ gìn hồn cốt của dân tộc

    Văn hóa Việt là một phần lịch sử dân tộc. Là người nghiên cứu lịch sử văn học - một bộ phận của văn hóa, nhà văn, GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) luôn muốn tìm hiểu văn hóa Việt qua lịch sử nhiều ngàn năm, mà trong suốt chiều dài lịch sử đó, dân tộc Việt Nam lúc nào cũng đứng trước thử thách; để góp phần gìn giữ, khẳng định bản sắc văn hóa Việt, khởi đầu là đạo lý tìm về nguồn cội.

    Theo GS. Phong Lê, trong bốn ngàn năm năm lịch sử, những thổ dân, cư dân bản địa đầu tiên xuất hiện và sinh sống trên dải đất hình chữ S đã có bản sắc riêng không lẫn vào những nước Đông Nam Á khác, càng không thể lẫn với người Trung Hoa, bởi họ có một nền văn hóa riêng, thường được biết đến qua những truyền thuyết trong lịch sử.

    Chẳng hạn, họ có những đường nét chạm trổ trên cơ thể như thuồng luồng, tục lệ ăn trầu... và có tiếng nói riêng.“Mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng, được giữ gìn ngàn năm không thay đổi. Tiếng Việt không giống tiếng Trung Hoa mà cũng chẳng giống bất kỳ tiếng nước nào khác. Tiếng ấy có 6 thanh (ngang, huyền, sắc, hỏi, nặng, ngã), véo von như hát. Cũng chính nhờ có tiếng nói đó, mới có thể lưu lại hồn cốt của dân tộc”, nhà văn Phong Lê nói.Tục thờ cúng tổ tiên được được lưu truyền và gìn giữ ở Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc… Trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên và cả nước đều thờ Vua Hùng.

    Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ, người Việt Nam, dù đang ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, ai cũng mong được hành hương về miền đất Tổ để thành kính dâng nén hương thơm, tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên. Đây cũng chính là truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, là ý thức nguồn cội, nét riêng của dân tộc Việt Nam.

    Tìm sức mạnh từ nguồn cội

    Dân tộc Việt Nam có một nền văn minh bản địa bốn ngàn năm, có tiếng nói riêng, có truyền thuyết và nhiều huyền sử, nhưng trong đó, có một ngàn năm Bắc thuộc.“Một ngàn năm thừa đủ để xóa sạch mọi ký ức, mọi kỷ niệm của con người trong cõi đời này. Thế nhưng, ký ức dân tộc không lúc nào mờ nhạt hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc”, vị nhà văn lớn tuổi trầm ngâm.Thử thách và khắc nghiệt là vậy, nhưng trong khoảng thời gian bốn ngàn năm ấy, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ để mất đi tiếng nói.

    Điều này đồng nghĩa, những huyền thoại, truyền thuyết của lịch sử được truyền tụng từ đời này sang đời khác, kể từ các đời vua Hùng và người Việt không lúc nào thôi quyết tâm khẳng định niềm khát khao khôi phục lại cương vực, địa cư và quyền tự chủ của đất nước.Bốn ngàn năm sức mạnh Việt Nam còn là những dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ.

    Một trong những nét đẹp đó là tinh thần cố kết cộng đồng.Truyền thuyết kể lại rằng, Lạc Long Quân và Âu Cơ là Thủy Tổ của người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Đồng bào con cháu vua Hùng đều có chung nguồn gốc. Hai chữ “đồng bào” gắn liền với câu chuyện Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng, nở trăm con; tình cảm đồng bào cũng vì thế mà thành một giá trị thiêng liêng.Thời đại Hồ Chí Minh, sau Cách mạng tháng Tám (năm 1945) thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, là 9 năm kháng chiến trường kỳ với chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) chấn động địa cầu; và đại thắng mùa xuân năm 1975 vang dậy núi sông như một khúc khải hoàn ca.

    Những trận quyết chiến trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đã cho thấy, lòng yêu nước đã tạo nên sức mạnh dân tộc, thành một phản ứng tự vệ mang tính bản năng của người Việt. Xương chất thành núi, máu chảy thành sông, nên phải không phải vô cớ mà hai chữ “đồng bào” lại cố kết chặt chẽ như thế.“Trong suốt hàng ngàn năm chiến tranh, nhiều quốc gia lớn mạnh hơn chúng ta nhiều lần cả về sức mạnh quân sự, tiềm lực kinh tế, nhưng đều thua cuộc khi đối mặt với nhân dân Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó”, nhà văn Phong Lê khẳng định.

    Sự giao thoa của các nền văn minh tiên tiến

    Không phủ nhận, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và có mối quan hệ bền chặt với khu vực Đông Nam Á và cả Đông Bắc Á, vì vậy, văn hóa Việt Nam được kết hợp bởi những tinh hoa của cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á.Nhà văn Phong Lê luôn có một niềm tin khi cho rằng, những điều thuộc về phẩm chất ưu tú thì luôn được chắt lọc và giữ lại, chỉ loại bỏ những điều không thích hợp và thích nghi được.

    Trong thời kỳ hội nhập cũng vậy, Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước trên thế giới, có thể trao đổi văn hóa dân tộc, giao lưu hiểu biết lẫn nhau, nhưng không thể đánh mất bản sắc riêng.Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần được tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và trở thành yếu tố nguồn cội, nền tảng quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn, giúp nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tính tự lực, tự cường, lòng tự tôn dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, đấu tranh bảo vệ tổ quốc... Vì thế, Bác căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.Có lẽ, trên thế giới, không ở đâu mà cả nước cùng chung một ngày giỗ tổ tiên như ở Việt Nam. Đó chính là đạo hiếu thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc. Vì vậy, dù ở trong hay ngoài nước, mỗi người dân Việt Nam đều thực hiện nghi thức Giỗ tổ Hùng Vương.

    Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 được tổ chức tại 5 nước

    Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng các hội đoàn, đại sứ quán tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 tại Lào (vào ngày 5 - 6/4), Thái Lan (7/4), Nhật Bản và Ba Lan (14/4) và Canada (30/4).

    Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức lần đầu tiên năm 2018 tại 4 nước: Nga, Cộng hòa Séc, Hungary và Đức. Đây là dự án văn hóa - xã hội phi lợi nhuận nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; kết nối, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới...

    Nguyễn Trang
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Lần đầu tiên tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại thủ đô Vientiane

    Lần đầu tiên được tổ chức ở Lào, song lễ Giỗ tổ Hùng Vương đã diễn ra thành công, lan tỏa được giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Việt Nam.




    Nghi lễ cúng hô thần nhập tượng do các nhà sư chủ trì tại buổi lễ. (Ảnh: TTXVN).

    Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 6/4, tại trụ sở Tổng hội Người Việt Nam tại Lào ở thủ đô Vientiane, Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng hội Người Việt Nam tại Lào, Thành hội Người Việt Nam ở thủ đô Vientiane và Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư tại Lào long trọng tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương lần đầu tiên ở Lào theo nghi lễ truyền thống.Đây là lần đầu tiên lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Lào.

    Vì vậy, trước khi tiến hành các nghi lễ truyền thống Giỗ tổ Hùng Vương, Đại sứ Nguyễn Phú Bình đã đại diện Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu trao tượng Vua Hùng cho Tổng hội Người Việt Nam tại Lào để các nhà sư tiến hành làm Lễ hô thần nhập tượng theo đúng nghi lễ truyền thống.

    Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Điều phối hợp tác Phật giáo Việt Nam tại Lào, trụ trì chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane, chủ trì nghi lễ này.Trong không khí trang nghiêm, thành kính xen lẫn niềm vinh dự và tự hào khi được trực tiếp tham dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương, tất cả các đại biểu đều kính cẩn chắp tay, thành tâm vái lạy trước tượng Vua Hùng, nguyện mãi ngàn đời luôn ghi nhớ công ơn vị Vua đã có công dựng nước.

    Tiếp đó là phần lễ khấn và đọc văn tế của đại diện lãnh đạo Tổng hội Người Việt Nam tại Lào, Thành hội Người Việt Nam ở thủ đô Vientiane và phần dâng lễ của các đoàn đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại các địa phương trên cả nước Lào và cộng đồng người Việt Nam ở thủ đô Vientiane.Mặc dù, lần đầu tiên được tổ chức ở Lào, song lễ Giỗ tổ Hùng Vương đã diễn ra thành công, được tiến hành theo nghi lễ truyền thống Việt Nam, lan tỏa được giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Việt Nam.Với cộng đồng người Việt Nam tại Lào, được tham dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương, được tự tay sắp lễ vật và được tự tay thắp nén hương thơm, thành tâm khấn lạy trước tượng Vua Hùng là một điều gì đó hết sức linh thiêng và thực sự xúc động.

    Giỗ tổ Hùng Vương là tín ngưỡng thờ cúng giúp kết nối cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội.Giỗ tổ Hùng Vương tại Lào không chỉ giúp cho người dân Lào ngày càng hiểu biết nhiều hơn về văn hóa tín ngưỡng thờ cúng của người Việt Nam, mà còn giúp tạo sự gắn kết giữa cộng đồng người Việt Nam tại Lào với người dân Lào, qua đó giúp vun đắp cho mối quan hệ khăng khít và đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng tốt đẹp hơn.
    Theo Vietnamplus

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •