Đầu xuân nghe "dị nhân" Lâm Sơn Động nói về kỳ tích luyện khí công thò tay khoắng vạc dầu sôi



Luyện khí công có thể chịu lạnh và nóng rất tốt. Luyện khí công đạt có thể ngồi thiền trong băng tuyết phủ kín lên người, hoặc chịu nóng rất giỏi, thò tay vào chảo mỡ, vạc dầu đang sôi khua khoắng, nhặt đồ ăn mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.


Theo võ sư, viện sĩ (VS.VS) Lương Ngọc Huỳnh, Chưởng môn Lâm Sơn Động, khí công là bộ môn tập luyện trong hệ thống võ thuật. Mục đích của luyện khí công là dùng phương pháp hít thở làm cho cơ thể thích ứng với mọi điều kiện tự nhiên, kể cả là điều kiện khắc nghiệt nhất.Cho nên, nó sinh ra các phương pháp tập giúp người luyện khí công có thể chịu lạnh và nóng rất tốt.

Luyện khí công đạt có thể ngồi thiền trong băng tuyết phủ kín lên người, hoặc chịu nóng rất giỏi, thò tay vào chảo mỡ đang sôi khua khoắng, nhặt đồ ăn mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Hiểu một cách đơn giản, khí công là lấy công sức để luyện khí. Những khái niệm trong võ thuật cần phải được hiểu một cách rành mạch, rõ ràng.

Có người đã từng nhầm lẫn giữa khí công và công phu, nhưng công phu là bỏ công sức để tập luyện trong một thời gian rất lâu, kỳ công, còn tập khí công đơn giản hơn rất nhiều. Khi tập khí công lâu năm, một người mới có thể đạt được công phu nào đấy.


Võ sư, viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh được mệnh danh là "dị nhân".



Ví von một cách hình tượng, khí công là bước khởi đầu để tập luyện, khi tập đạt đẳng cấp, có một tiết mục không ai làm được giống mình, có sức ảnh hưởng ghê gớm thì gọi là công phu. Giống như việc một người luyện công phu thành công dùng tay đấm thủng tường không sao, còn người bình thường đấm vào tường có thể gãy tay.

Nếu tìm kiếm thông tin trên các website, mạng xã hội, chúng ta dễ dàng có được rất nhiều kiến thức về luyện khí công, từ những khái niệm đến hướng dẫn luyện khí công như thế nào, làm sao để luyện khí công thành công và đạt được một công phu nào đó…Định hướng về khí công là cần thiết, nhưng quá trình tập khí công như thế nào, hít thở bao nhiêu giây, nín thở bao nhiêu giây, tư thế ngồi ra sao thì cần các võ sư, các chuyên gia đã có quá trình tập luyện lâu năm, đạt những thành tích nhất định, được xã hội công nhận hướng dẫn, chỉ dạy.GS.VS. võ sư Lương Ngọc Huỳnh, Chưởng môn Lâm Sơn Động cho biết, không thiếu những người hiểu biết chưa sâu sắc về khí công, chỉ cần đi học yoga vài ba tháng về mở lớp dạy khí công. “Có khi bản thân thầy, cô giáo cũng “tẩu hỏa nhập ma” chứ chưa nói đến học trò.

Thực tế, nhiều người dạy yoga tìm đến tôi với tinh thần hoảng loạn, phải chữa trị. Bởi thế, không phải chỉ nói “tôi có khí công giỏi lắm” rồi mở lớp dạy là được”, võ sư Huỳnh nói.Chia sẻ của võ sư Huỳnh, việc tập luyện khí công không thể vội vàng, mặc dù không giới hạn người có thể tập luyện. “Trước khi tập khí công, cần tập hít thở. Việc tập thở từ 3-6 tháng cho nhịp thở thành thói quen gọi là phản xạ có điều kiện, lúc bấy giờ mới thở để đả thông cái gọi là tam tiêu. Trong tam tiêu có: Thượng tiêu (phần trên gồm tim, phổi); trung tiêu (bụng giữa gồm dạ dày, lá lách, tụy, gan, mật và đường ruột); hạ tiêu (bụng dưới gồm đan điền, bàng quang và thận).

Trước khi tập khí công phải chia ra 3 trạng thái, không phải tập một lúc cả 3 trạng thái này mà phải tập từng trạng thái một. Việc đầu tiên là thở thượng tiêu, mất thời gian từ 1-2 tháng cho quen rồi mới tập đến trung tiêu. Khi tập trạng thái trung tiêu cũng phải tập từ 1-2 tháng, quen rồi sẽ tập đến hạ tiêu. Tập hạ tiêu cũng trong vài ba tháng cho quen, lúc bấy giờ mới tập đả thông tam tiêu, nghĩa là tập cả thượng, trung, hạ tiêu”, võ sư Huỳnh say sưa nói.“Sau khi tập xong tam tiêu sẽ đến quá trình tập để đả thông các kinh mạch và huyệt đạo.

Các huyệt đạo (luân xa) đóng mở tự nhiên theo nhịp sinh học của con người. Các luân xa này mở hay không là do chính sự tập luyện của mỗi người thúc đẩy, không phải có ai khác mở được luân xa cho mình. Cho nên, với những người nói rằng “đi tập khí công để nhờ thầy mở luân xa” thì 100% là không có giá trị. Với cá nhân tôi, cho rằng, tất cả những trò đấy gọi là lừa đảo, chiêu khách”, võ sư Huỳnh khẳng định.Những kiến thức này chỉ là gợi mở ban đầu để mọi người có thể hình dung được về khí công. Còn để tập luyện khí công là cả một quá trình rèn luyện kiên trì và cố gắng của từng người.