kết quả từ 1 tới 15 trên 15

Ðề tài: Phật Thầy Tây An và Ngọc Hân Công Chúa

  1. #1

    Mặc định Phật Thầy Tây An và Ngọc Hân Công Chúa

    Giới thiệu

    Một đạo hữu Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Trần Hữu Thành, pháp danh Phước Đồng, xuất thân gia đình từ nơi phát xuất của đạo, đã tâm huyết sưu tầm, biên soạn một tài liệu qúy giá về Bửu Sơn Kỳ Hương mang tựa đề Theo Dấu Người Xưa, gồm 13 chương, trong đó đã lần theo lịch sử và những địa danh, những câu chuyện huyền thoại về bổn đạo.

    Tài liệu này đã được lưu truyền trong các đạo hữu, nay ông Trần Hữu Thành phát tâm trao bản gốc cho NNC Nguyễn Tuấn Thanh, với nhã ý phổ biến trên trang TGVH, giúp cho đạo hữu gần xa có thêm tư liệu tìm hiểu về Bửu Sơn Kỳ Hương.

    Chúng tôi chân thành cảm ơn tác giả Trần Hữu Thành, cảm ơn ông Nguyễn Tuấn Thanh đã gởi tặng tư liệu.

    Bản quyền thuộc về tác giả Trần Hữu Thành, thông qua đại diện ông Nguyễn Tuấn Thanh.
    Mọi trích dẫn xin vui lòng ghi nguồn TheGioiVoHinh.com

  2. #2

    Mặc định

    HUYỀN THOẠI BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
    VÀ CUỐN SÁCH KIM CỔ KỲ QUAN


    Phật Thầy Tây An, người sáng lập ra Bửu Sơn Kỳ Hương từ năm Kỷ Dậu 1849, là một tu sĩ yêu nước và là người có công lớn trong việc khai hoang vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang. Các vị đệ tử của Ngài sau đó đã mở ra các hệ phái:
    - Tinh Minh Hiếu Nghĩa của Đức Cố Quản Trần Văn Thành.
    - Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Đức Bổn Sư Ngô Tự Lợi.
    - Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Phú Sổ.

    Tất cả đều lấy giáo lý tu nhân học Phật của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương làm tông bổn. Căn cứ mộ bia Phật Thầy Tây An tại núi Sam Châu Đốc, tuyệt đại đa số tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và các nhà sử học đều chấp nhận tiểu sử của đức Phật Thầy Tây An rằng:

    Phật Thầy tên thật là Đoàn Minh Huyên, sinh năm Đinh Mão 1807, và viên tịch ngày 12/08/1856. Xuất thân từ một gia đình nông dân ở làng Tòng Sơn, Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay).

    Mặc dù Phật Thầy Tây An truyền dạy giáo lý lấy Tứ Ân làm trọng:
    1. Ân tổ tiên cha mẹ
    2. Ân đất nước
    3. Ân Tam bảo
    4. Ân đồng bào nhân loại

    Vậy mà thử hỏi:
    - Cha mẹ Ngài là ai? Anh em mấy người?
    - Dòng tộc, miêu duệ của Ngài ở đâu, không con, chỉ còn cháu.
    - Mồ mả cha mẹ Ngài hiện nay ở nơi nào?

    Tất cả đều không có câu trả lời hoặc có mà không thống nhất rõ ràng !

    Tuy nhiên có một số nhà nghiên cứu, cũng như cố học giả Hồ Hữu Tường, khi còn sinh tiền đã đưa ra giả thuyết Phật Thầy Tây An chính là con trai út của vua Quang Trung và Ngọc Hân Công Chúa. Ngài đã thoát khỏi nạn “Tru Di Cửu Tộc” của Gia Long, lánh nạn vào đất phương Nam, thay tên đổi họ và đã có công sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

    Giả thuyết này căn cứ vào lời truyền khẩu của các vị tiền bối, chứ chưa có kinh sách nào viết lại để chứng minh, do đó suốt một thời gian rất dài hàng thế kỷ, câu chuyện này đã trở thành một Huyền Thoại, là động lực cũng như thách thức đối với các nhà sử học Việt Nam.

    Sau hơn 20 năm nghiên cứu quyển sách Kim Cổ Kỳ Quan được viết bằng chữ Nôm của ông Nguyễn Văn Thới (1866 - 1926), một đệ tử kiệt xuất của hệ phái Tinh Minh Hiếu Nghĩa, người viết dường như đã khám phá ra sự bí mật của huyền thoại về thân thế Phật Thầy Tây An, được tiết lộ cực kỳ khéo léo trong quyển sách Kim Cổ Kỳ Quan.

    Người viết kính mời độc giả cùng chúng tôi đi tìm qua từng chứng cứ còn ghi…

  3. #3

    Mặc định

    GIỚI THIỆU SÁCH KIM CỔ KỲ QUAN

    Tác giả cuốn sách Kim Cổ Kỳ Quan là ông Nguyễn Văn Thới (1866 - 1926), thường được người gọi một cách kính trọng là Ông Ba. Ông Ba sinh tại làng Mỹ Trà, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và mất tại ngã ba Lộ Lở ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông ra đời sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch 10 năm. Ông trưởng thành trong thời kỳ Pháp bắt đầu đặt chân xâm chiếm nước ta và là một nhân sĩ có tinh thần chống Pháp triệt để, thể hiện giáo lý Tứ Ân, trong đó có ân đất nước.

    Ông Ba đã thọ giáo với cậu Hai Nhu, con cả của Đức Quản Cơ Trần Văn Thành (đệ tử thứ nhất của Phật Thầy Tây An), người sáng lập hệ phái Tinh Minh Hiếu Nghĩa.

    Ông Ba đã thọ giáo với cậu Hai Nhu học đạo Tinh Minh Hiếu Nghĩa được 7 năm, trong một cuộc bố ráp của Pháp vào chùa Bửu Hương Tự, hơn 60 người bị bắt. Sau đó đều bị đày đi Côn Đảo (1913). Cậu Hai Nhu trốn thoát về ẩn vùng U Minh thượng Rạch Giá. Riêng ông Ba, ông đã cắt cổ tự vẫn.

    Pháp đưa ông về bệnh viện Châu Đốc chữa trị, khi tỉnh dậy ông đã xé bỏ băng vết thương, ném bỏ thuốc thang của Tây cấp để tỏ rõ tinh thần bất khuất. Ông lẩn trốn về ngã ba Lộ Lở, xã Kiến An và ẩn thân nơi đó đến ngày mất (08/04/ 1926).

    Ông Ba có lẽ đã viết ra bộ sách Kim Cổ Kỳ Quan trong thời gian ẩn dật này (1900 - 1926). Có lẽ ông đã có hai ngụ ý khi soạn tập sách này:

    1) Muốn góp phần với các nhà khoa học lịch sử tìm di tích của vua Quang Trung và Ngọc Hân Công Chúa; với rất nhiều nghi vấn chưa giải đáp, nhất là mộ phần của hai người.

    2) Muốn giải thích rõ ràng cho các đạo hữu Bửu Sơn Kỳ Hương về thân thế của Phật Thầy mà bao nhiêu thế hệ qua đã hiểu lầm, mặc dù tất cả đều tôn kính ngài như một vị Phật.

    NHỮNG CHỨNG CỨ TRONG SÁCH KIM CỔ KỲ QUAN

    Bắt đầu trong sách Kim Cổ Kỳ Quan với 2 câu:
    Tôi nay lời nói sang đàng
    Đầu xóm một chữ, cuối làng một câu

    Đó là lời mở đầu của tác giả ông Ba Thới, muốn ám chỉ nghệ thuật ẩn giấu bí mật tài tình trong tập sách này, mà gần 20 năm nghiên cứu người viết mới khám phá ra.

    Ví dụ trang 26 sách Kim Cổ Kỳ Quan viết:
    Gánh thơm bán rẻ người không dụng
    Việc mắt âu lo tặng kinh tâm
    Đắng cay để dạ thâm ché siển (thiền)
    Cá cạn ao hồ biển rộng thinh
    Trung tâm tích đức tinh minh chí
    Hạ bút đề thơ tặng ý Nam…

    Khi viết xong không tô màu đậm chữ làm sao hiểu nghĩa của nó, làm sao hiểu ông Ba muốn nói gì?

    Câu trên có thể giải nghĩa:
    - Ta kết hợp Thơm với Hồ, tức Hồ Thơm, là vua Quang Trung.
    - Chữ Mắt tức Mục, là Nguyễn Quang Mục, là tên Phật Thầy Tây An.
    - Tinh Minh ám chỉ hệ phái Tinh Minh Hiếu Nghĩa.
    - Chữ Trung, ám chỉ Quang Trung.

    Nội dung đoạn thơ ngầm ám chỉ chế độ Quang Trung (Hồ Thơm) đã suy tàn, Nguyễn Quang Mục (Phật Tầy Tây An) như cá ở ao cạn, phải tìm biển rộng ở miền Nam mà mở đạo Tinh Minh (ông Ba Thới thọ giáo).

    Để xác nhận Hồ Thơm với gốc cội của Phật Thầy Tây An, tác giả sách Kim Cổ Kỳ Quan đã viết :
    Ai ai cũng muốn làm thầy
    Ngặt tôi làm tớ ăn mày không cơm
    Phải dùng gánh nước gánh thơm
    Không ai hỏi tới để đơm cúng trời,
    Của nhà chẳng sợ lỗ lời
    Để đem cúng Phật, cúng Trời độ thân

    Ông Ba Thới xác nhận rõ ràng thơm (Hồ Thơm) là của nhà Phật Thầy, cũng là Bửu Sơn Kỳ Hương (thơm), nhưng không ai biết đó là dòng dõi cao quý của Ngài. Ngài chỉ biết lo gánh Nước, gánh Thơm, cúng Phật, cúng Trời.

    PHẬT THẦY TÂY AN LÀ CON CỦA NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

    Công Chúa Lê Ngọc Hân (1771-1799) là hoàng hậu của vua Quang Trung, bà sinh năm Tân Mão (1771), con gái của vua Lê Hiển Tông và bà Phù Ninh Từ Cung Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân là Như Ý Trang Thuần Trinh Nhất Võ Hoàng Hậu, giữ ngôi Bắc Cung Hoàng Hậu.

    Khi vua Gia Long lên ngôi, đã trả thù tru di cửu tộc đối với nhà Tây Sơn: hành hình vua Cảnh Thịnh, bà Bùi Thị Xuân, quan Thiếu phó Trần Quang Diệu ở Huế vào tháng 8 năm 1802. Nhưng không nhắc đến Bắc Cung Hoàng Hậu và hai người con của bà là Nguyễn Quang Mục và Nguyễn Thị Ngọc Bảo. Và mãi đến ngày nay lịch sử hình như không nhắc đến chi tiết này. Sử sách chỉ ghi rằng, bà mất tại làng Phù Ninh, và đến ngày 28 tháng 6 năm Quý Mão 1843, vua Thiệu Trị cho đào mộ Ngọc Hân Công Chúa đổ xuống sông.

    Trong Đại Nam Liệt Truyện Sơ Tập, có chép việc quật phá mộ phần của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, nghiền bỏ hài cốt, giam sọ vào ngục thất, triệt ấp Tây Sơn, đổi tên là An Tây. Phải chăng chính từ An Tây mà có tên Tây An sau này?

    Chúng ta biết rằng Phật Thầy Tây An mồ côi cha, sống với mẹ ở làng Tòng Sơn, Cái Tàu thượng, tổng An Thạnh thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), đó là sự thật và Ngài ra mở đạo lần đầu tiên ở vùng này. Nếu ta đã chứng minh ngài là con của vua Quang Trung, vậy mẹ Ngài là ai trong hai vị hoàng hậu họ Phạm và họ Lê, hay của một vị thứ phi nào khác?

    Rõ ràng, mẹ của Phật Thầy đã thay tên đổi họ cho con để giữ lại dòng dõi của chồng, dạy dỗ con nên người. Đọc sách Kim Cổ Kỳ Quan chúng ta sẽ thấy rõ được sự gian nan, đau khổ của bà và khám phá được sự thật là ai?

    Trong sách Kim Cổ Kỳ Quan có mấy câu :
    Mấy lời mẹ lại dạy con
    Trái nào nở mắt mật son vào lòng
    (Trái thơm, hay trái dứa có nhiều mắt)

    Hoặc :
    Mấy lời mẹ dạy đừng quên
    Dù mà sống thác hư nên tại lòng

    Những phần sau sẽ tiếp tục đi tìm mẹ Đức Phật Thầy là ai?

  4. #4

    Mặc định

    VUA QUANG TRUNG VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

    TIỂU SỬ CỦA VUA QUANG TRUNG

    Vua Quang Trung tên thật là Hồ Thơm, sinh năm Quý Dậu 1753 tại Tây Sơn, phủ Quy Ninh, xứ Bình Định. Dòng dõi ông vốn họ Hồ ở phủ Hưng Nguyên, xứ Nghệ An, Ông là con của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Gia đình đi khai hoang ở ấp Tây Sơn, xứ Bình Định. Vua Quang Trung có tất cả 7 anh em, gồm 4 gái 3 trai. Ông là con út, anh kế là Hồ Lữ, và anh cả là Hồ Nhạc. Thuở trẻ ba anh em theo học nghề văn, nghiệp võ với ông giáo Hiến.

    Những năm 1770 trở đi, ông cùng hai anh bắt đầu phất cờ khởi nghĩa từ ấp Tây Sơn, Bình Định, dưới sự cố vấn của thầy giáo Hiến. Theo lời khuyên của thầy, các anh em đổi họ Hồ ra họ Nguyễn thành Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.

    Nguyễn Huệ đánh thắng đội quân chúa Nguyễn ở Bình Thuận và thừa thắng kéo quân vào Gia Định. Nguyễn Nhạc xưng ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Thái Đức, phong cho Nguyễn Lữ làm “Tiết Chế Đông Định Vương”, phong Nguyễn Huệ làm “Tiết Chế Bắc Bình Vương”.

    Năm 1783, Nguyễn Huệ vào Nam đánh chúa Nguyễn Ánh, phải bỏ Gia Định chạy ra Phú Quốc. Nguyễn Huệ lại đem quân vây đánh Phú Quốc, Nguyễn Ánh phải chạy ra Côn Đảo, có lúc phải trốn đến trú ẩn núi Cấm, An Giang, rồi chạy sang Xiêm cầu viện. Nhưng Nguyễn Huệ đem quân đánh một trận lớn tại Rạch Gầm gần Mỹ Tho, tiêu diệt hàng chục ngàn quân Xiêm.

    Năm 1786, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc tiêu diệt chúa Trịnh với danh nghĩa Phò Lê Diệt Trịnh. Vua Lê Hiển Tông bấy giờ đã phong Nguyễn Huệ chức Nguyên Súy Uy Quốc Công và gả Ngọc Hân Công Chúa.

    Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh, đưa 30 vạn quân Thanh vào xâm chiếm nước ta, do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Nguyễn Huệ tế trời đất tại núi Bàn (Ba Tầng) ở Phú Xuân và lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi kéo 10 vạn quân ra Bắc. Với chiến thuật thần tốc, vua Quang Trung đã tiêu diệt toàn bộ 30 vạn quân Thanh và kéo quân vào Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Vua Càn Long nhà Thanh chánh thức phong cho vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.

    Năm 1792, vua Quang Trung ngọa bệnh bất ngờ, chỉ một thời gian ngắn rồi băng hà, nhằm ngày 16/09/1792 bỏ dở giấc mộng lớn của mình. Ông mất tại điện Dương Xuân và được bí mật quàn ở đó. Điện Dương Xuân biến thành lăng Đan Dương và ông được truy phong miếu hiệu Thái Võ Hoàng Đế.
    Vua Quang Trung là một thiên tài về quân sự, thông minh lỗi lạc, mưu lược, biết người biết ta, là vị tướng cầm quân bách chiến bách thắng, dũng mãnh, quyết đoán. Suốt 21 năm chinh Nam, dẹp Bắc, ông chưa từng bị một vết thương trên người. Vua Quang Trung đã để lại một ấn tượng kinh hoàng và khâm phục đối với địch thủ của ông. Các sử gia triều Nguyễn cũng đã viết: “Nguyễn Huệ là em của Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo kiệt, thiện chiến ai cũng phải sợ”. Cho đến một cung nhân nhà Lê cũng nhận định: “Nguyễn Huệ là một anh hùng hảo thủ, hung tợn và giỏi cầm quân. Cách ông ta cầm quân vào Nam ra Bắc thật là xuất quỷ, nhập thần không ai có thể dò biết được. Ông ta bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết một con lợn. Không một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của ông ta, ai cũng mất hồn vía, sợ hơn sấm sét” (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).

    GIA TỘC VUA QUANG TRUNG

    Vua Quang Trung có hai ngôi hoàng hậu:
    - Bà Phạm Thị.
    - Bà Ngọc Hân Công Chúa.
    Ngoài ra ông còn có một số hoàng phi khác.
    Vua Quang Trung có tất cả 17 người con, gồm 11 trai, 6 gái:

    1. Phạm Hoàng hậu: có 3 trai, 2 gái.
    Nguyễn Quang Toản (sau nối ngôi tức Cảnh Thịnh)
    Nguyễn Quang Thiệu
    Nguyễn Quang Bảng

    2. Ngọc Hân Công Chúa: có 1 trai, 1 gái.
    Nguyễn Thị Ngọc Bảo
    Nguyễn Quang Đức

    3. Ngoài ra còn một số người con với các thứ phi:
    Nguyễn Quang Thùy
    Nguyễn Quang Cương
    Nguyễn Quang Tự
    Nguyễn Quang Diệu
    Nguyễn Quang Duy

    Ngày 16/09/1792 vua Quang Trung bất ngờ ngã bệnh và mất. Quang Toản lên ngôi niên hiệu Cảnh Thịnh, vì còn nhỏ nên mọi việc triều chính đều do Thái Sư Quốc Cựu Bùi Đắc Tuyên cầm nắm. Do Thái Sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền thống đoạt, khiến cho triều đình Tây Sơn chia rẽ, quan tướng giết nhau đi đến suy sụp. Vụ tranh chấp trong nội bộ nhà Tây Sơn cũng là nguyên nhân làm cho triều đại suy vong. Nguyễn Ánh nhân cơ hội này khởi binh tấn công, chiếm kinh thành, phục thù mối hận, thế là máu nhuộm hoàng thành.

    MÁU THẮM NHUỘM KINH KỲ

    Năm 1801 chiếm xong thành Phú Xuân, tất cả những người con của Quang Trung đều bị hành quyết dã man, riêng chỉ có Tiết Chế Khang Quốc Công Nguyễn Quang Thùy đã tự ải (thắt cổ) chết trước khi bị bắt, không để kẻ thù hành hình nhục nhã.

    Tất cả họ hàng thân tộc của Quang Trung và các quan thần như bà Bùi Thị Xuân, quan Thiếu phó Trần Quang Diệu và tất cả những ai có liên quan đến Quang Trung đều bị sát hại một cách vô cùng dã man, bằng những hình thức hết sức khủng khiếp như cho voi dày, ngựa xé, tùng xẻo để chết không được toàn thây.

    Lăng mộ tổ tiên của anh em nhà Tây Sơn trở thành tuyệt mộ. Hài cốt vua Quang Trung ở lăng Đan Dương, của Nguyễn Nhạc, của Phạm Hoàng Hậu… đều bị quật lên, nghiền nát và trộn với thuốc súng mà bắn. Xương sọ thì bỏ vào 3 cái vò mà giam vào ngục thất và cho quân sĩ đái vào. Ba cái vò đó mãi đến năm 1885 mới bị đánh cắp nhân vụ khởi nghĩa bất thành của vua Hàm Nghi ở Huế.

    Sách Kim Cổ Kỳ Quan ghi lại cảnh đau buồn này:
    Máu hoàng cung nhuộm hồng thây cửu tộc
    Xương hoàng triều trắng xóa cả bể Đông
    Oan oan tương báo chất chồng
    Nay ta, mai chúng biết đời nào xong
    Khói lửa ngất trời ngùn ngụt cháy
    Thù sâu vạn kiếp máu loang hồng
    Cứ ngỡ trời Nam muôn thuở hận
    Hồi chuông tỉnh mộng thất hương nồng
    (thất: Thất Sơn - hương: Bửu Sơn Kỳ Hương)

    Các cung điện, dinh phủ cũng bị san bằng, đến bây giờ người ta không biết phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, phủ Tập Tường, Phủ Cam nằm ở đâu? Gần đây qua công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân và sự phát hiện của ông Nguyễn Hữu Oánh, chúng ta mới biết được lăng Đan Dương của vua Quang Trung nằm ở gò Bình An, cố đô Huế. Điện Trường Lạc ở cánh đồng Bầu Vá.

    Riêng Công chúa Ngọc Hân, theo tư liệu Ngọc Hân Công Chúa Dật Sự (chưa rõ tác giả) đăng trên tạp chí Nam Phong số 103 có chép rằng :
    “Dòng dõi Tây Sơn không còn sót một ai, Ngọc Hân Công Chúa là con của vua Lê được khỏi nạn. Năm ấy đã 32 tuổi mà nhan sắc vẫn còn đẹp chưa hề suy giảm. Vua Gia Long để yên bà ở Dịch Đình ở cạnh cung điện, cho người hầu hạ. Bầy tôi có người can gián vua, cho rằng “Công Chúa là của thừa của Tây Sơn”, vua bảo “ Đất đai nhân dân ngày nay, không một thứ gì là không phải của thừa Tây Sơn sao, có gì phải ngại?“.

    Ca dao có câu rằng:
    Gái đâu có gái lạ lùng
    Con vua mà lấy hai chồng làm vua

    Sau vua Gia Long cho công chúa về quê mẹ, thuộc tỉnh Bắc Ninh, cho đến ngày bà mất. Theo quyển Đỉnh Tập Quốc Sử di biên, bà Ngọc Hân mất năm 1804 tại quê mẹ. Tuy nhiên căn cứ vào 5 bài tế của Phan Huy Ích, tế Bắc Cung Hoàng Hậu (Ngọc Hân Công Chúa), một số nhà sử học lại xác định bà mất năm Kỷ Mùi 1799.

    Chúng ta nên nhớ rằng sử sách của nhà Tây Sơn đều bị hủy diệt, nên những ghi chép lịch sử được biết ngày nay đều theo chính sử của nhà Nguyễn… Nếu ông Nguyễn Văn Thới không để lại quyển Kim Cổ Kỳ Quan thì dẫu có đến mấy ngàn năm nữa cũng sẽ chẳng ai biết có một bí mật sau đây. Trang 284 Kim Cổ Kỳ Quan có đoạn:
    Thương trung quân thương lén thương thầm
    Vàng rơi khoa kiếm ngọc trầm khó mua.
    Khuyên bà già bớt tranh đua
    Ngọc vàng dấu cất, bán mua lâm thời.
    Trần Tử Minh đèn sách tiếng đời
    Trá hôn Ngọc Thị đỡ thời quốc gia
    Xưa người ta, nay cũng người ta
    Có đâu họa thể dối ma khuấy đời
    Tượng tranh Nga có Phật trời
    Tượng tranh Trần Thị thương đời thảo ngay.
    Chẳng suy xưa, sao chẳng xét nay
    Nhứt nhơn cư hiểm vạn Tây nan tìm

    Các nghiên cứu giải như sau:
    - Trần Tử Minh, thay chữ Tử thành chữ Thị ta có tên là Trần Thị Minh hoặc Trần Thị Ngọc Minh.
    - Vàng rơi khó kiếm ngọc trầm khó mua: là ám chỉ bà Ngọc Hân giấu mặt.
    - Nga tức Kiều Nguyệt Nga trong chuyện Lục Vân Tiên, ôm tượng Vân Tiên gieo mình xuống sông tự tử, giữ trọn trinh tiết để cho nàng hầu thay thế nàng đi cống vua Phiên.

    Nội dung của đoạn thơ trên đã ẩn ý rằng: Ngọc Hân Công Chúa vì thủ tiết với chồng (Quang Trung) đã nhờ một người cung nữ vừa là em nuôi, rất giống mình, tên là Trần Thị Minh hay Trần Thị Ngọc Minh thay bà để trá hôn, chiều lòng vua Gia Long.

    Do vậy mà có thơ đề Khóc Ngọc Hân như sau:
    Gia Long ! Ơi hỡi ! Gia Long
    Tham chi “tí đó” để hòng phá trinh
    Chữ trinh ! Ơi hỡi ! Chữ trinh
    Thờ chồng vạn dặm nhục hình nào than !
    Ngọc Hân ! Ơi hỡi ! Ngọc Hân
    Một thân làm vợ, hai thân mẹ hiền
    Cánh chim ! Ơi hỡi ! Cánh chim
    Nhất nhơn cư hiểm vạn Tây khó tìm

    Vừa trốn khỏi sự trả thù của vua Gia Long vừa tìm cách cứu hai con, hiện đang bị giam giữ, hoàn cảnh của Ngọc Hân không cho phép bà tự tử như Kiều Nguyệt Nga để bảo toàn trinh tiết được vì hai con bà. Lúc đó bà đã ẩn mặt, hủy hoại nhan sắc để trở thành người bình thường. Sau đó bà đã được đưa trốn về quê mẹ là làng Phù Ninh, giả chết, lập mộ giả ở đó, rồi bí mật cùng hai con trốn vào Nam. Sự kiện ra Bắc vào Nam đó đã thể hiện qua câu trang 95 sách Kim Cổ Kỳ Quan:
    Cao bay xa chạy đầu vào trôn ra

    Câu chuyện về thân thế Phật Thầy Tây An và Ngọc Hân Công Chúa rất nhiều huyền thoại, và chúng ta không quên nhắc đến sự sắp đặt mọi chuyện là do công của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), kể cả việc lập mộ giả trước khi vua Quang Trung mất… Đến ngày nay quả thật ông xứng đáng là “thánh nhân” thứ hai sau Trạng Trình. Chúng ta thấy công trình sắp đặt quy mô, của lòng Người và ý Trời, cần phải tiếp tục nghiên cứu chưa thể nói hết được…
    Last edited by Love_Tamlinh; 15-12-2010 at 02:41 PM.

  5. #5

    Mặc định

    CÂU CHUYỆN LY MIÊU HOÁN CHÚA

    Sách sử đã ghi rằng: năm Nhâm Tý 1792, vua Quang Trung mất, Ngọc Hân Công Chúa về chùa Kim Tiên ở gò Dương Xuân để tu, sớm hôm phụng viếng lăng mộ chồng ở điện Đan Dương, chính nơi đây bà đã viết bài Ai Tư Vãn khá nổi tiếng. Bà mất năm Kỷ Mùi 1799.

    Nhưng nay các nhà nghiên cứu giải mã sách Kim Cổ Kỳ Quan lại thấy rằng sự thật không phải như thế, chúng ta sẽ ngạc nhiên với sự thật câu chuyện Ly Miêu Hoán Chúa.

    Thơ rằng :
    Đào chồng (1) đoạt vợ (2) thiêu con trẻ (3)
    Tuyệt giống Quang Trung dạ mới nghe
    Quỷ kế dâm tàn con thú dữ
    Tôi trung đốt ngục tế con mình

    (1) Đào chồng: năm 1801 vua Gia Long cho đào mộ vua Quang Trung, lấy xương nghiền bột, trộn với thuốc súng bắn ra biển, ba anh em đều như vậy, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Còn sọ 3 anh em giam vào ngục và cho quân sĩ tiểu vào.
    (2) Đoạt vợ: vua Gia Long muốn giữ lại Ngọc Hân Công Chúa ở cung Dịch Đình, mặc dù bị tôi thần ngăn cản. Cuối cùng Ngọc Hân phải theo kế của La Sơn Phu Tử, nhờ em nuôi của mình là Trần Thị Ngọc Minh (rất giống Ngọc Hân) bí mật tráo hôn.
    (3) Thiêu con trẻ: vua Gia Long hạ lệnh cho Ngô Văn Sở đốt ngục, giết con của vua Quang Trung với Ngọc Hân Công Chúa cùng với các trung thần nhà Tây Sơn. Gần đây các nhà sử học tìm được những lá thơ của một giáo sĩ kể lại cuộc thăm các tù nhân Tây Sơn, trong đó có các con của vua Quang Trung và Ngọc Hân Công Chúa. Một trai khoảng 12 tuổi và 1 gái khoảng 10 tuổi.

    Trong Kim Cổ Kỳ Quan đã trả lời chúng ta :
    Do thiên đại phú an cư
    Do cần tiểu phú gia cơ bài
    Thủy minh thổ phú trợ trần
    Quân văn võ kim toàn

    Ngô Văn Sở được vua Quang Trung phong chức Đại Tư Mã, sau đó còn được phong Thủy Sư Đô Đốc. Ông là người đã từng kết nghĩa với Nguyễn Huệ lúc hàn vi ! Năm 1792, ông được tiến chức Đại Đổng Lý, tước Quận Công, nhưng sau đó do tranh giành quyền lực nên Thái sư Bùi Đắc Tuyên triệu ông về Phú Xuân tìm cách giết và cho lệnh dìm ông dưới sông.

    Trong Đại Nam Chính Biên liệt truyện, sử triều Nguyễn còn ghi Ngô Văn Sở đã trốn thoát khỏi cuộc tương tàn tranh quyền hành của triều Cảnh Thịnh suýt bị dìm xuống sông chết và vào đầu quân cho vua Gia Long, lập nhiều công to, âu cũng là số trời. Nhờ vậy mà vua Gia Long mới tin dùng giao cho việc đốt ngục, nhờ đó nên giây phút cuối cùng mới có duyên cứu được các con Ngọc Hân. Ngô Văn Sở đã hy sinh con của mình để thế mạng hai con của Quang Trung và Ngọc Hân công chúa, cho trọn tình huynh đệ cũng là trọn đạo Quân Thần.

    Từ câu chuyện trên, “Kim Cổ Kỳ Quan” đã hé cho chúng ta thấy thêm “Nghĩa Quân Thần, Nghĩa Vua Tôi” là Đạo lớn nhất trong thời phong kiến. Có những trung thần có thể hy sinh mạng sống của bản thân hoặc của vợ con mình, đã dùng kế “ly miêu hoán chúa” thay con mình vào đó để cứu con của vua.
    Phóng hỏa thiêu sống con mình
    Quân thần đại nghĩa mặc tình ra sao

    NGỌC HÂN VÀ CÁC CON VỀ ĐÂU

    Năm 1801, nhà Tây Sơn bị vua Gia Long tru di cửu tộc, tuy nhiên cho mãi đến ngày nay rất nhiều nhà sử học, các nhà báo, các lời truyền khẩu ở Phù Ninh, vẫn không biết Bắc Cung Hoàng Hậu (Ngọc Hân) và hai con ra sao.

    Cho đến năm 1996, mới tìm thấy lời giải trong cuốn sách Kim Cổ Kỳ Quan:
    Đờn kêu lập đạo mười lăm
    Đờn kêu lời thánh minh tâm dặn dò
    Đờn kêu tự đinh tưởng đưa đò
    Đờn qua Tây quốc vọng hò Nam bang
    Đờn kêu từ giữ cội một mình
    Đờn kêu trách bấy lộng tình cho ai
    Đờn kêu thương ách nước không vua
    Đờn kêu cay đắng chát chua cho đời
    Tiền thủy liễu, hậu cây bần

    + Đạo mười lăm được hiểu là đạo Phật vì thường lấy ngày rằm là ngày cúng Phật, ý ở đây nói nên mở một mối đạo Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.
    + Đinh Tưởng: tướng họ Đinh, rất có thể là Đinh Tích Nhưỡng, một trung thần của vua Lê Hiển Tông, cha của Ngọc Hân Công Chúa, từng chống Tây Sơn, sau về với Tây Sơn. Vậy người bảo vệ cho mẹ con bà Ngọc Hân trốn thoát có thể là viên quan họ Đinh này.
    + trách bấy lộng tình cho ai: ám chỉ vua Gia Long muốn giữ bà Ngọc Hân.
    + ách nước không vua: ý chỉ vua Quang Trung băng hà.
    + Tiền thủy liễu, hậu cây bần: ý nói hoàng hậu cải dạng thường dân bần khổ.
    Nhưng làm sao bà đã thoát khỏi vòng lưới bao vây của kẻ thù? Thật sự, bà đã giả chết ở quê mẹ, rồi bí mật thay hình đổi dạng đưa con vào miền Nam. Sự giả chết đó được biểu hiện qua câu thơ sau:
    Thác còn, sống mất đường đi sỏi sành

    Giả thác mới có thể tồn tại, sống như mọi người trước sau cũng sẽ bị triều đình Gia Long tìm cách sát hại.

    Sách Kim Cổ Kỳ Quan viết :
    Phật ra xem thế tiền giang
    Sông mê bể khổ chẳng an lòng nào
    Ngược xuôi khôn quỷ hỗn hào
    Cao bay xa chạy đầu vào trôn ra

    + vào: tức là vào phía Nam.
    + ra: tức là ra phía Bắc.

    Nhắc lại, khi mẹ con Ngọc Hân được cứu thoát về quê mẹ ở làng Phù Ninh, giả chết lập mộ giả rồi cùng các con trốn vào miền Nam, theo kế của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

    NGỌC HÂN LÊN NÚI ẨN TU

    Chúng ta lần theo Kim Cổ Kỳ Quan để theo dõi bước chân của bà, tác giả viết trang 114 sách Kim Cổ Kỳ Quan:
    Nam kỳ từ giã Bắc kỳ
    Trai ngay thờ chúa, gái trinh thờ chồng
    Thế suy cầu Phật hội đồng
    Trung can nghĩa khí, giữ lòng tự nhiên

    Đoạn này chứng tỏ mẹ Phật Thầy quyết thờ chồng trọn đạo. Vì thời cuộc gia tộc suy vi, nên giã từ miền Bắc để vào Nam lánh nạn. Nỗi niềm thương nhớ chồng và quê hương, cùng sự gian nan của bà được biểu lộ qua đoạn thơ sau trang 107:
    Linh đinh sóng gió dập dồn
    Thương non nhớ biển đứng ngồi không an
    Phật mang tám nạn dương gian
    Người ba tai nạn chẳng than trong lòng

    Chữ non, nghĩa là núi, ý chỉ Tây Sơn.

    Hoặc trang 111:
    Linh đình thuyền bá giữa vời
    Buồm đà gặp gió xuôi thời phải xuôi
    Nước mắt còn dựa mắt đui
    Buồm đà gặp gió thả xuôi một bề
    Thân tôi như thể thằng hề
    Gió day mấy hướng, mấy bề cũng theo
    Nực cười tấm đá cheo leo
    Con khỉ người nói, con heo khó bàn
    Dốc lòng chí tử quy tây
    Trời chiều ác lặn, vận may đỏ đèn
    Liều thân chi chữ khó hèn
    Vượt nguồn nước đục, lóng phèn cho trong

    + mắt: mục, ám chỉ tên Nguyễn Quang Mục của Phật Thầy.
    + quy tây: về miền Tây.

    Hai đoạn trên chứng tỏ mẹ của Phật Thầy đã gian nan, vất vả, thay hình đổi dạng nghèo khổ để đi thuyền vào miền Nam cùng với con lánh nạn, trải qua bao phen sóng dập gió dồi. Điều đó càng chứng minh đoạn kinh sau :
    Ơn cao nghĩa rộng tròn niềm
    Có lòng Trời Phật lại tìm chúng sanh
    Bất tường ẩn tích mai danh
    Dù ai đặng chữ công danh thời nhờ
    Nam mô thiếu trí dại khờ
    Gió Nam, sóng Bắc dật dờ hồn ma.

    Hiển nhiên do hoàn cảnh bất tường nên bà phải đưa con thơ dại từ miền Bắc vào Nam để ẩn tích mai danh, lẩn tránh trong bóng tối như một hồn ma bóng quế, sợ kẻ thù phát hiện. Vào được miền Nam rồi, bà lại đưa con thơ lên vùng núi non, hoang vắng để tu học, lánh xa người đời, vì lúc nào cũng có lưới giăng của kẻ thù. Tác giả Kim Cổ Kỳ Quan viết :
    Non cao thú dữ muôn ngàn
    Nghiêng vai gánh đạo, tầm đàng Tây phương
    Sợ đàng lưới nhện vấn vương
    Dốc lòng giữ đạo tầm phương non bồng
    Sơn khê đá dựng chập chồng
    Còn lo một nỗi khéo lòng khó đi
    Chim kêu vượn hú tử quy
    Thác còn sống mất, đường đi sỏi sành

    Sự kiện mẹ con Phật Thầy đã lên vùng Thất Sơn ẩn tu thể hiện trang 111 Kim Cổ Kỳ Quan:
    Ngó lên cấm điện Thất Sơn
    Ngùi ngùi nhớ Phật, từng cơn hiểm nghèo
    Gian nan xuống dốc lên đèo
    Người khôn mắc chốn hiểm nghèo hết khôn
    Quyết lòng ra ngoại Càn Khôn
    Người hiền bao nỡ Phật chôn trí tài

    Qua hai đoạn trên, cho thấy mẹ Phật Thầy Tây An đã vất vả, gánh ông đạo con về vùng Thất Sơn, điện ông Cấm (Thiên Cẩm Sơn), để lánh nạn và tu trên đó. Từ đầu đến đây tác giả quyển Kim Cổ Kỳ Quan đã cho phép chúng ta vén bức màn bí mật trang 157 Kim Cổ Kỳ Quan:
    Nghiêng vai gánh Đạo dương trường
    Quạnh hiu uốn khúc nẻo đường gay go
    Éo le nhiều chỗ khó lo
    Thủ trung thất hiếu biết lo sao toàn
    Hiếu trung gánh nặng hai đàng
    Lỡ bề báo hiếu lỡ tràng lập thân
    Cơ hàn thất hiếu lỗi ân
    Nguyện cùng tiên tổ lập thân minh tường
    Tử tôn kế hậu gia thường
    Nhơn từ đức hạnh lập tường quốc gia
    Hữu Phật diệt tất hữu ma
    Hữu tà hữu chánh thiết tha tài tình
    Phật tâm, tâm Phật cho minh
    Lòng ma dạ quỷ đọa hình Diêm La
    Tưởng ơn trời Phật mẹ cha
    Làm con hiếu đạo quốc gia yêu dùng
    Thương người trung nghĩa khôn cùng
    Thuyền quyên sánh với anh hùng kém chi
    Đào Lư công chúa phương phi
    Hồng Mao công chúa kém đi sắc tài
    Nhật Bổn công chúa hớn hào
    Xiêm Vương công chúa sắc tài phương phi
    Bắc Kinh công chúa hậu ly
    Đuổi về trấn quốc, tiền khi bất hòa
    Ngũ long giao chiến nước nhà
    Nhất nương bất hiệp, giao hòa tứ nương
    Vạn niên khắc cốt ghi xương
    Vạn niên tích đức vi lương tùng quyền
    Khán tường trở hậu lập tiền
    Trở tiền lập hậu, nhơn tiền an khương
    Nước nhà như ngựa buông cương
    Xem trong lê thứ càng thương nước nhà

    Trong đoạn thơ có rất nhiều lần nhắc đến các từ chốn cung vàng điện ngọc như: công chúa, thuyền quyên, tùng quyền, trung nghĩa, nhà Lê: ám chỉ công chúa nhà Lê.
    + trung hoặc anh hùng: ám chỉ vua Quang Trung.
    + gánh đạo: ám chỉ mẹ Phật Thầy đưa con lên núi.

    Nội dung của đoạn thơ trên ngầm ám chỉ Công Chúa Lê Ngọc Hân vì chữ hiếu, nghe lời cha mẹ, kết duyên cùng với Nguyễn Huệ, thành một đôi “anh hùng sánh với thuyền quyên”, trai tài, gái sắc. Với câu “Bắc Kinh công chúa hậu ly” ý nói công chúa ở miền Bắc rời bỏ cung điện.

    Như vậy đến đây có lẽ tạm đủ để chúng ta có thể thấy rằng cuốn sách Kim Cổ Kỳ Quan của tác giả Nguyễn Văn Thới, tức ông Ba Thới, một đạo sĩ trung thành của Bửu Sơn Kỳ Hương, đã tài tình ẩn dấu nhiều câu chuyện lịch sử quan trọng về phàm thân của Đức Phật Thầy Tây An, chính là con của vua Quang Trung và hoàng hậu Ngọc Hân.

    Công chúa Ngọc Hân là một người trung trinh tiết liệt, trọn đạo thờ chồng. Dòng lịch sử thăng trầm đã không cho Bà được trọn đời bên cạnh vua Quang Trung, nhiều thế hệ qua chúng ta rất đồng cảm với Bà qua bài thơ Ai Tư Vãn (tế vua Quang Trung). Nhưng ngày nay chúng ta được biết thêm về Bà, đã có công đức vô lượng với Đạo, là người mẹ giáng sinh của Đức Phật Thầy Tây An, người đã khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

    Chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm mộ phần của hoàng hậu Ngọc Hân ở phần sau.

  6. #6

    Mặc định

    PHẦN MỘ CỦA NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

    Trong phần trước, tác giả Trần Hữu Thành đã đưa ra các lời giải mã về việc Ngọc Hân Công Chúa vào trú ẩn ở vùng cù lao sông Cửu Long và mất nơi đây. Bà đã dắt con vào mai danh ẩn tích, làm ruộng rẫy ở vùng cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu. Bà đã từng lên điện Ông Cấm núi Thiên Cẩm Sơn lánh nạn và tu hành rất lâu. Ta hãy nghe tâm sự của bà qua đoạn thơ sau trong Kim Cổ Kỳ Quan:
    Dụng chi bạc lớn với chì
    Vàng trao dạ ngọc, tu trì mới yên
    Cửa thiền khó mở hai bên
    Việc nào lập ý mới bền mới chân
    Việc nào lập ý mới nhuần
    Lòng không cần mẫn chẳng thuần phải hư

    + Thuần và Ý là hai từ trong tước hiệu Như Ý Trang Thuần Trinh Nhất Võ Hoàng Hậu của Ngọc Hân Công Chúa.

    Nói ra trong dạ sụt sùi
    Thân này chi khỏi trái mùi trên cây
    May mà trôi nổi đến đây
    Việc xưa chi khác việc nay chút nào
    Quán trung ít kẻ ra vào
    Tai nghe phường phố như tàu hưng binh.
    (trang 172 Kim Cổ Kỳ Quan)

    + tàu hưng: chợ Cái Tàu, xã An Hưng
    + Quán trung: vua Quang Trung.

    Bà Ngọc Hân đã âm thầm đau khổ nuôi con nên người, về sau người con của bà là Phật Thầy Tây An đã trở thành một vị Phật Bửu Sơn Kỳ Hương, có ảnh hưởng rộng khắp miền Nam. Cuối cuộc đời bà đã yên nghỉ tại rạch Cái Nai, qua bắc An Hòa, đi về chợ Cái Tàu Thượng thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, bà đã di chúc nơi này là đất chôn bà.

    E là quan cựu dân tân
    Dân tân quan cựu, không phân chánh tà
    Vô phần sanh sự bất hòa
    Lao ngao chen cửa an tòa lại tây
    Dại chi chẳng biết dại ngay
    Vô tòa quan chúng hành thây vui mừng
    Đặng kiện về nói tưng bừng
    Đêm nằm chiêm nghiệm nhớ chừng mưu gian
    Trong lòng trăn trở chẳng an
    Âm mưu nhiều việc tính toan hoành hành.

    + hòa, an: bến phà An Hòa, ở Long Xuyên, tỉnh An Giang.
    + thây: ám chỉ hài cốt của bà Ngọc Hân.



    Vào một ngày đẹp trời cuối năm 2005, một nhóm nghiên cứu gồm ông Trần Hữu Thành, GS Hồ Yêm, nhà nghiên cứu Kim Sơn lên đường đi tìm lại dấu vết người xưa.

    Hiện nay toàn khu lăng mộ Bà, được cư dân địa phương gọi là chùa, là một quần thể hoàn chỉnh với hàng rào và hai cổng bên ngoài. Một cổng ghi chữ Việt “Mộ Bà” và cổng kia ghi chữ Hán “Mộ Bà Cổ Tự”. Vào trong sân lát gạch tàu là Mộ Bà không đắp nấm với tấm bia sơn đỏ không đề tên, có lẽ xưa là để nghi trang tránh tai mắt nhà Nguyễn rồi sau đó trở thành tập tục cho đến ngày nay.

    Theo lời kể, ngày xưa mộ Bà ở Cái Nai không đắp nấm, tương tự như mộ Phật Thầy Tây An ở núi Sam, bốn góc chỉ trồng bốn cây bông trang trắng để làm dấu. Về sau, khi hoàn cảnh thuận lợi, mộ mới được làm bia và xây rào ngăn. Hằng năm, đến ngày giỗ 29/10 âm lịch đều có một nhóm khoảng bốn, năm người âm thầm đến viếng rồi lặng lẽ ra đi. Những người này là ai không rõ, và rất có thể là những quần thần xưa cùa con cháu nhà Tây Sơn. Chi tiết mộ Bà và mô Phật Thầy Tây An đều không đắp nấm mộ, khỏa bằng giống nhau, nếu không phải mẹ con làm sao chỉ có hai mộ khỏa bằng ở miền Tây này? Cách san bằng mộ rất đặc biệt này cũng cho chúng ta suy đoán là cách cẩn thận để nghi trang, hòng tránh sự trả thù của nhà Nguyễn.



    TẤM BÀI VỊ HOÀNG LÊ

    Vào trong chánh điện là bàn thờ có ghi chữ Phật Mẫu, Phật Thầy nhưng trong các khung kính vẫn không có hình ảnh mà chỉ là tấm vải điều. Không để hình ảnh là cùng lý do nghi trang như trên, nhưng tại sao lại là tấm vải điều ? Phải chăng đây là ngụ ý nhà Tây Sơn xuất thân từ “áo vải, cờ đào” của Ngọc Hân?



    Nhưng điều thú vị muốn nhắc đến ở đây lại nằm ở phần sau chánh điện, nơi thông thường các chùa vẫn thờ tổ và chư tiên linh. Chính giữa phần thờ tổ ở đây là bàn thờ cũng có bài vị nền đỏ nhưng có ghi dòng chữ cho biết để thờ các vị trụ trì đã quá vãng. Nhưng ở bàn thờ kế bên, chúng tôi đã tìm được tấm bài vị "Hoàng Lê đường". Tấm bài vị bằng giấy hồng điều đã cũ lộng trong chiếc khung đơn sơ và cũng cũ không kém, có nội dung chữ lớn ở giữa:
    Hoàng Lê Đường
    Cung thỉnh
    Hoàng Phủ chi
    Lê Phủ vị


    (Dịch nghĩa: Nhà thờ họ Hoàng Lê. Cung kính thỉnh linh vị Hoàng Phủ, Lê Phủ)

    Ở hai bên phải, trái là hai hàng chữ nhỏ :
    Hoàng đường phước huệ do tiên trạch
    Lê phủ chi phái khải hậu nhân


    (Dịch nghĩa:
    Phước huệ họ Hoàng do nơi ân đức cũ.
    Chi phái phủ Lê mở lối cho người sau)

    Theo lời kể của cô Sáu, một người phụ nữ có nét đẹp đôn hậu hiện coi sóc chùa, tấm bài vị này có nguồn gốc từ lâu lắm, tại địa phương có ông bà phủ tên Bỉnh hay Vĩnh gì đó, rất giàu có nhưng lại không con, nên đã đem đất ruộng hiến cho chùa để chùa có lương thảo chi dùng. Sau khi ông bà mất, một thân nhân là ông Ba Chỉ, viết bài vị đem qua xin để nhờ tại chùa cho có nơi hương khói.

    Theo thông lệ, người muốn được thờ tự ở chùa thường ghi rõ danh tính, tuổi tác, quê quán... thậm chí cả công đức với chùa, nếu có. Nhưng ở đây chỉ có mấy chữ lớn Hoàng Lê đường cùng Hoàng phủ chi, Lê phủ vị, đặt giả thiết rằng ông bà phủ nói trên có họ Hoàng và Lê, nhưng tại sao bài vị của một gia đình chức sắc danh giá như vậy lại chẳng ghi chút tên tuổi gì, trái hẳn với tập tục của thời phong kiến cũ?

    Trong khi đó, hai chữ "Hoàng Lê" lại cho ta gợi nhớ đến tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" nói về thời vua Lê chúa Trịnh xưa. Phải chăng đây cũng là một ẩn ý nữa xuất phát từ di ngôn của Ngọc Hân Công Chúa ?

    NGÔI MỘ THÁP CÔ ĐƠN


    Hiện nay bên hông trai đường của chùa có một ngôi mộ tháp cũ, lẻ loi trong khu vườn chuối nhỏ. Trên một mặt tháp là những dòng chữ chỗ mờ chỗ tỏ lại viết theo ẩn ý gì đó khó hiểu, nửa giống kiểu chữ điện tín, nửa không. Phía trên, thấy rõ mấy chữ “1997 NGS THI CAML” còn phía dưới không đọc rõ được. Còn bên trong trai đường, cũng có một nấm mộ vô danh nghe nói là người theo Bà.

    Theo lời cụ Đặng Chín là cụ từ tiền nhiệm, năm nay đã 82 tuổi, già yếu răng không còn nên nói phều phào không nghe rõ phải nhờ cô con gái “thông ngôn”, thì đây là mộ tháp của bà từ coi sóc chùa từ những đời trước, có tên là Nguyễn Thị Cầm, tục gọi là bà Tám.



    Đây cũng lại là một chi tiết lý thú vì tương truyền sau khi Phật Mẫu mất không lâu, có một cô gái trẻ đến xin làm từ, cứ ở vậy tu học và chăm sóc mộ suốt đời. Đến khi cô già yếu thì lại có cô gái khác đến xin thay và cứ thế mà truyền đến mấy đời sau, toàn là nữ. Mãi đến cụ Đặng Chín mới là nam nhưng đến nay đã già yếu, trao truyền nhiệm vụ lại cho con gái tức cô Sáu nói trên. Như vậy, phải chăng chúng ta lại có thêm một giả thiết nữa: cô gái đầu tiên đến xin giữ mộ chính là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo (con của Ngọc Hân) và những người kế tục chính là con cháu của các trung thần nghĩa sĩ Tây Sơn, vâng theo di ngôn của ông cha mà tiếp tục gìn giữ mộ phần thánh chúa ?

    Phần sau chúng ta sẽ đi tìm tư liệu lịch sử viết về Ngọc Hân Công Chúa.

  7. #7

    Mặc định

    LỊCH SỬ VIẾT VỀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

    CÔNG CHÚA HỒNG NHAN BẠC PHẬN

    Công chúa Lê Ngọc Hân sinh ngày 22/05/1770 ( nhằm 24 tháng 4 năm Canh Dần), là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông (1717 – 1786) tên húy là Lê Duy Diêu, mẹ là bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền (1753-1823), người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh. Công chúa Ngọc Hân được triều đình yêu mến gọi là Chúa Tiên, vì tài sắc vẹn toàn.

    Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, phù vua Lê, được vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân đang ở độ tuổi 16. Ngọc Hân vào Phú Xuân sống hạnh phúc bên chồng.

    Cuối năm 1788 quân Thanh sang xâm lược, chiếm thành Thăng Long, Nguyễn Huệ chuẩn bị tiến quân ra Bắc, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Bắc cung Hoàng hậu. Sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu, đã trở về Phú Xuân.



    Ngọc Hân hạ sinh con gái đầu lòng là công chúa Ngọc Bảo ngày 04/06/1790 (vào giờ Hợi ngày 20 tháng 4 năm Canh Tuất), sau đó là hoàng tử Nguyễn Quang Đức ngày 27/02/1791 (vào giờ Mão ngày 14 tháng Giêng năm Tân Hợi). Hạnh phúc còn đang nồng ấm thì năm 1792 vua Quang Trung băng hà đột ngột, Ngọc Hân chịu cảnh góa bụa ở tuổi 22. Hai bài văn Tế vua Quang Trung và Ai tư vãn do Ngọc Hân viết đã nói lên nỗi đau đứt ruột xé lòng của Bà, muốn chết theo chồng, nhưng thấy cảnh các con mới 1 - 2 tuổi trước linh sàng vua Quang Trung mà Bà tạm sống để nuôi con, chỉ sống thể xác thôi:

    Gót lân chỉ mấy hàng lẫm chẫm
    Đầu mũ mao, mình tấm áo gai
    U ơ ra trước hường đài
    Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này

    Vậy nên nấn ná đôi khi
    Hình tuy còn ở phách thì đã theo…

    Bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con.

    HUYỀN THOẠI VỀ CÔNG CHÚA NGỌC HÂN

    Xuất thân từ một công chúa nhà Lê, Ngọc Hân Công chúa được vua Lê gả cho Nguyễn Huệ năm 1786 và sau đó được tấn phong Bắc cung Hoàng hậu của triều đại vua Quang Trung vào năm 1788. Nhưng Ngọc Hân Công chúa đã gặp sự trái ngang của lịch sử thời bấy giờ.

    Sau khi vua cha Lê Hiển Tông mất năm 1786, truyền ngôi cho Lê Chiêu Thống cũng là anh em cùng cha khác mẹ của Ngọc Hân. Nhà Lê đang suy tàn, chúa Trịnh nắm quyền đàng ngoài từ Thuận Hóa ra Bắc, chúa Nguyễn cai quản ở đàng trong từ Thuận Hóa vào Nam, các bên thường xuyên phân tranh với nhau.

    Năm 1788 vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế để đánh dẹp chúa Trịnh, chúa Nguyễn, thống nhất nước nhà, thì chính vua Lê Chiêu Thống đã cầu viện nhà Thanh sang để đánh Quang Trung khôi phục nhà Lê. Dòng tộc nhà Lê đã có lúc đòi ly khai Ngọc Hân công chúa ra khỏi dòng họ.


    Các hoàng tử và phái bộ nhà Tây Sơn đi sứ sang nhà Thanh. Ảnh Wikipedia

    Ngọc Hân đã tiến cử em gái khác mẹ của mình là công chúa Lê Ngọc Bình cho Nguyễn Quang Toản, là vua Cảnh Thịnh nối nghiệp vua Quang Trung. Nhưng khi nhà Tây Sơn suy tàn, vua Gia Long khôi phục ngai vàng về cho nhà Nguyễn, thì Ngọc Hân và các con của vua Quang Trung lại trở thành phe phản nghịch của nhà Nguyễn và bị phục thù trong suốt 150 nhà Nguyễn tại vị.

    Thiên hương quốc sắc lại đa tài
    Sánh với anh hùng dễ mấy ai
    Công chúa nhà Lê thời mạt vận
    Nữ hoàng triều Nguyễn thuở hùng oai
    Truân chuyên nào biết đời hoa thắm
    Phiêu bạt đâu ngờ kiếp lá bay
    Danh tiếng một thời trang tiết liệt
    Sử xanh truyền tụng mấy ai hay!
    (Vương Sinh)

    Chính vì lý do thay đổi ngôi vị nhiều lần như vậy, nên tài liệu lịch sử ghi chép về Công chúa Ngọc Hân và nhà Tây Sơn đã bị tiêu hủy, hoặc bị nhà Nguyễn sửa chữa thành sai lạc, còn dân gian vì sợ bị trả thù mà không dám kể sự thật. Từ đó đã phát sinh ra nhiều huyền thoại về cuộc đời công chúa Ngọc Hân, nửa thực nửa hư, mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu chưa biết chính xác câu trả lời.

    GIẢ THUYẾT VỀ CUỐI ĐỜI NGỌC HÂN CÔNG CHÚA

    Như chúng ta đã biết, có khá nhiều truyền thuyết cũng như nghi vấn nói về lúc chung cuộc của Ngọc Hân Công Chúa. Mặc dù có nhiều tư liệu đưa ra kết luận rõ ràng, tuy nhiên nếu sắp xếp lại thì vẫn còn có những chỗ uẩn khúc. Những tư liệu sau đây dựa trên một diễn đàn lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu đã bàn luận sâu sắc về vấn đề này.

    A- Giả thuyết thứ nhất: Ngọc Hân công chúa và hai con phải chạy trốn sau khi Phú Xuân thất thủ.

    Thuyết này đưa ra bởi Ngô Tất Tố trong cuốn Thi Văn Bình Chú và Phan Trần Chúc trong cuốn Triều Tây Sơn nói về việc công chúa Ngọc Hân và hai con chạy vào Quảng Nam.

    Hoàng Cơ Thụy trong cuốn Việt Sử Khảo Luận viết năm 1802 khi Nguyễn Ánh ra đánh Phú Xuân, thì bà Ngọc Hân và hai con (khoảng 15 và 13 tuổi) trốn xuống Quảng Nam, sau bị bắt; bà Ngọc Hân bị ép uống thuốc độc chết, hai con bị thắt cổ.

    Tác giả Hồ Ngọc Châm trong bài Công Chúa Đông Đô, Hoàng Hậu Phú Xuân, Nàng là ai? trong Giai Phẩm Tây Sơn Mậu Dần 1998 viết rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, công chúa Lê Ngọc Hân đem hai con chạy trốn vào Quảng nam, sống trà trộn trong dân chúng được một thời gian, cuối cùng bị phát hiện, bị bắt đưa về Phú Xuân và bị xử án tam ban triều điển (tự chết). Nhiều truyền thuyết khác thì nói rằng công chúa Lê Ngọc Hân đem các con chạy trốn vào quê chồng ở Bình Định, rồi cũng bị bắt và cũng bị xử cực hình như đã nói ở trên.

    Trong những thập niên 60, 70 có những câu chuyện về công chúa Lê Ngọc Hân đã mang các con chạy trốn vào tận Ðồng Nai Gia định, nhờ đó mà tránh được tai mắt nhà Nguyễn.

    Tác giả Nguyễn An Phong trong bài Hãy trả lại trong sáng cho Ngọc hân Công Chúa có đưa ra tư liệu: Trong bức thơ đề ngày 16 tháng 7 năm 1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp, tháp tùng cùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú Xuân đã ghi lại như sau: "Nhà vua Nguyễn Ánh bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị Quang Trung. Tôi đến đó họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả năm công chúa: một cô 16 tuổi theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà Công chúa Ngọc Hân, em này cũng coi được, còn ba cô nữa cũng từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Ngọc Hân thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương". Như vậy ta thấy rằng khi Barizy đến tận nhà giam để kiểm nhận và xem mặt tất cả các hoàng tử, công chúa quan lại và gia đình của các quan lại cao cấp của Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh bắt tại Phú Xuân có rất nhiều phụ nữ nhưng tuyệt nhiên ta không thấy ghi có mặt Hoàng hậu Ngọc Hân.

    Trong quyển Lịch sử chiến tranh Việt Nam của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: Ba giờ chiều ngày 3 tháng 5 năm 1801, ghe thuyền quân Nguyễn vào bến Phú Xuân, Quang Toản vội vã mang vàng bạc, bỏ cả sắc ấn nhà Thanh lại để chạy cốt thoát lấy thân cùng với em là Thái tể Quang Thiệu, Thái sư Quang Khanh cùng đại Tư mã Tứ, Đô đốc Trù. Ở lại hàng có Nội hầu Lê Văn Lợi, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ cùng các Phụng nghi, Thị lang bên văn, Đô đốc, Đô tư bên võ. Barizy đi thăm người bị bắt thấy có mặt mẹ Trần Quang Diệu, em vợ ông, vợ Vũ Văn Dũng với các con Ngọc Hân mà ông không tiếc lời khen ngợi vẻ mặt ưa nhìn cùng thái độ cứng cỏi của họ (đây là Quang Cương, Quang Tự, Quang Diệu).

    Từ những tài liệu này, ta có thể xác định là hai con của Ngọc Hân đã không thoát, bị bắt năm 1801, và bị giết năm 1802 khi còn quá trẻ. Ngọc Hân công chúa ở đâu lúc này? Bà đã chết hay còn sống?

    Bộ sách chính sử Đại Nam Thực Lục của nhà Nguyễn viết về sự kiện năm 1842 phá hủy đền thờ Ngọc Hân ở Phù Ninh như sau: Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Lê Ngọc Hân, sau gả cho Nguyễn Huệ, sinh được 1 trai và 1 gái, Ngọc Hân chết, con trai, con gái cũng chết non cả.

    Từ những dẫn chứng trên, truyền thuyết về việc Ngọc Hân Công Chúa dẫn hai con đi trốn sau khi Phú Xuân thất thủ năm 1801 là không có cơ sở rõ ràng.

    B- Giả thuyết thứ hai: Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, công chúa Ngọc Hân do nhan sắc kiều-diễm, bà đã thành một bà phi của vua Gia Long.

    Tác giả Phạm Việt Thường trong bài Số kiếp ly kỳ của Ngọc Hân công chúa (Les caprices du génie du mariage ou l’extraordinaire destinée de la Pricesses Ngọc Hân), đăng trong Đô thành hiếu cổ (“Bulletin des Amis du Vieux Huế”) 1941, nói là vua Gia Long gặp Ngọc Hân Công Chúa tại kinh thành Phú Xuân năm 1801, và nhà vua đã lấy bà làm phi, dù có lời can ngăn của Lê Văn Duyệt.

    Tác giả Hồ Ngọc Châm trong bài Công chúa Đông Đô, hoàng hậu Phú Xuân, nàng là ai? viết như sau: Trên dưới hai trăm năm nay, trong dân gian thường truyền tụng câu ca dao, ngụ ý Ngọc Hân công chúa:
    Số đâu có số lạ lùng
    Con vua mà lấy hai đời chồng vua

    Trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế 1997, dịch từ bản chữ Hán, cũng ghi rằng: vua Gia Long có 4 người con với bà Lê Đức Phi:
    + công chúa Ngọc Ngôn (1803-1855)
    + công chúa Ngọc Khuê (1807-1827)
    + thái tử Quân (1809-1829)
    + thái tử Cự (1810- 1849)

    Như đã trình bày ở trên, giả thuyết này nói bà Đức Phi họ Lê chính là Ngọc Hân Công Chúa. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu nói đây là một bà công chúa khác, tên là Lê Ngọc Bình, em củng cha khác mẹ của Lê Ngọc Hân, là hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh. Bà đã không kịp chạy theo vua Cảnh Thịnh khi Phú Xuân (Huế) thất thủ năm 1801, vua Gia Long đã lấy bà làm phi.

    C- Giả thuyết thứ ba: Ngọc Hân công chúa qua đời năm 1799, dưới triều Cảnh Thịnh, khi triều Tây Sơn chưa sụp đổ.

    Một câu hỏi được đặt ra là Ngọc Hân Công Chúa ở đâu khi vua Gia Long đánh Phú Xuân năm 1801? Trong trích dẫn ở phần trước đã nói về việc các quan văn võ nhà Tây Sơn ra hàng, việc viên sĩ quan người Pháp là Barizy đi thăm các thân quyến nhà Tây Sơn, ông ta đã không đề cập gì đến Ngọc Hân Công Chúa, dù nói rất rõ về con của bà. Vậy năm 1801, bà đã không có mặt tại thành Phú Xuân. Rồi năm 1802, bà cũng không có tên trong những người bị bắt khi Thăng Long thất thủ.

    Tác giả Hoàng Thúc Trâm cho rằng Ngọc Hân Công Chúa đã qua đời năm 1799, dưới triều vua Cảnh Thịnh khi nhà Tây Sơn chưa sụp đổ.

    Nhà sử học Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Tân Biên cũng căn cứ vào 5 bài điếu văn của Phan Huy Ích trong Dụ Am Văn Tập và nhiều sử sách khác, cho rằng Ngọc Hân mất vào năm Kỷ Mùi 1799. Ngày 11 năm Kỷ Mùi 1799 triều đình nhà Tây Sơn làm lễ truy tôn bà là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Võ Hoàng Hậu. Năm bài điếu văn do danh nho Phan Huy Ích đã thảo cho vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản), cho các công chúa con vua Quang Trung, cho bà Nguyễn Thị Huyền thân mẫu bà Ngọc Hân, cho họ hàng tôn thất nhà Lê và cho bà con bên ngoại trong lễ tế bà Ngọc Hân.

    Quách Giao trong sách Nhà Tây Sơn ghi: được tin Qui Nhơn thất thủ, Cảnh Thịnh định thân chinh, nhưng gặp tang Ngọc Hân, nên tạm hoãn, truyền Nguyễn Văn Giáp vào giữ sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi và Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng ra giữ Quảng Nam năm Kỷ Mùi 1799.

    PGS Chu Quang Trứ trong bài Danh nhân Lê Ngọc Hân viết như sau: bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (tức ngày 04/12/1799) thì mất, lúc ấy mới 29 tuổi.

    Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Hoàng đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am Văn Tập.

    Năm bài điếu văn trong Dụ Am Văn Tập của Phan Huy Ích là một sử liệu rõ ràng, chứng minh Ngọc Hân Công Chúa qua đời năm 1799, dưới triều vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, tức là Bà mất 2 năm trước khi xảy ra binh biến Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân. Nhiều nhà nghiên cứu ngày nay dường như chấp nhận với sự kiện này.

    CÔNG CHÚA NGỌC HÂN VÀ NHỮNG GÌ CÒN LẠI

    PGS Chu Quang Trứ trong bài kỷ niệm 200 năm mất của Ngọc Hân công chúa đã viết: Theo tộc phả họ Nguyễn Đình ở Ninh Hiệp quê ngoại của Ngọc Hân công chúa, nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đầu thế kỷ thứ 18 cụ Nguyễn Đình Giai ở Phù Ninh (làng Nành) được triều đình nhà Lê phong là Vũ huân tướng công, Đô đốc phủ. Cụ có 18 người con, con gái trưởng là bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Ngọc Hân công chúa.

    Phần Biệt lục của tộc phả Nguyễn Đình còn ghi thêm: Bà Nguyễn Thị Huyền thương con gái và các cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, năm 1804 thuê người vào Phú Xuân lấy hài cốt ba mẹ con Ngọc Hân, ngày 03/05/1804 (nhằm 24 tháng 3 năm Giáp Tý) xuống thuyền vượt biển, ngày 28/06/1804 về đến bến Ái Mộ (Gia lâm, Hà Nội), ngày 11/07/1804 đưa về bản dinh Thiết lâm của bà Nguyễn Thị Huyền, ngày 16/07/1804 đưa về làng, giờ Ngọ an táng hài cốt bà Ngọc hân, phụ chôn hoàng tử ở bên trái và công chúa ở bên phải. Nơi đó nay là Bãi Cây Đại hay Bãi Đầu Voi ở đầu làng Nành.
    Sử Đại Nam Thực Lục ghi năm 1842: Khoảng năm đầu Gia Long, đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích.

    Bà Nguyễn Thị Huyền không có con trai, đã ký hậu 50 mẫu ruộng tốt với làng và chuyển dinh Thiết Lâm làm đền thờ. Năm 1823 bà Huyền mất, thọ 70 tuổi, dinh Thiết Lâm thờ bà và mẹ con Ngọc Hân. Theo tộc phả họ Nguyễn Đình và truyền thuyết địa phương, thì vào khoảng thời gian đời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị, có người trong làng tố giác việc thờ cúng này, vua Thiệu Trị đã cho phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm, quật mộ ba mẹ con Ngọc Hân, đổ hài cốt xuống sông, chánh tổng bị lột da nhồi trấu, tri phủ bị cách chức.

    Sử Đại Nam Thực Lục xác nhận: "Việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy". Nơi đổ hài cốt của Bà, sau dân chúng lập Đền Ghềnh thờ Bà.


    Đền Ghềnh nay thuộc phường Bồ Ðề, quận Long Biên

    Từ năm 1842 dinh Thiết Lâm bị phá, nền dinh bỏ hoang thành đất công của làng, nhưng dân vẫn gọi là "Vườn Dinh" và dựng lên đây "Miếu Cô Hồn" kín đáo thờ Ngọc Hân. Mãi gần trăm năm sau, đến năm 1937 họ Nguyễn Đình đổi đất với làng lấy lại một phần nền dinh Thiết Lâm và lập lại đền thờ bà Nguyễn Thị Huyền cùng với Ngọc Hân. Đồng thời, tại Bãi Cây Đại, sửa lại mộ bà Nguyễn Thị Huyền, dân làng đắp nấm mộ tượng trưng của mẹ con Ngọc Hân, tương truyền là chính tại chỗ mà năm 1842 bị Thiệu Trị quật phá.


    Mộ Ngọc Hân Công Chúa hiện ở xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội

    Như vậy, tại Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp - Gia Lâm, Hà Nội) trong khi Gia Long vừa lật đổ triều Tây Sơn, hành quyết man rợ vua tôi Cảnh Thịnh, ra sức truy lùng hành tích Tây Sơn, thì nhân dân đã đón nhận hài cốt mẹ con Ngọc Hân về, xây lăng mộ, dựng đền thờ.

    Từ năm 1842 không được thờ chính thức thì nhân dân bí mật thờ mẹ con Ngọc Hân dưới dạng "Miếu Cô Hồn". Và từ năm 1937 Ngọc Hân cùng với mẹ và hai con lại được thờ trong một nhà thờ của họ Nguyễn Đình. Trước sau vẫn ở trên một khu đất cũ là nền dinh Thiết Lâm của bà Nguyễn Thị Huyền.

  8. #8
    con tứ phủ
    Guest

    Mặc định

    Bà Nguyễn Thị Huyền không có con trai, đã ký hậu 50 mẫu ruộng tốt với làng và chuyển dinh Thiết Lâm làm đền thờ. Năm 1823 bà Huyền mất, thọ 70 tuổi, dinh Thiết Lâm thờ bà và mẹ con Ngọc Hân. Theo tộc phả họ Nguyễn Đình và truyền thuyết địa phương, thì vào khoảng thời gian đời Minh Mạng sang đời Thiệu Trị, có người trong làng tố giác việc thờ cúng này, vua Thiệu Trị đã cho phá hủy đền thờ ở dinh Thiết Lâm, quật mộ ba mẹ con Ngọc Hân, đổ hài cốt xuống sông, chánh tổng bị lột da nhồi trấu, tri phủ bị cách chức.

    Sử Đại Nam Thực Lục xác nhận: "Việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy". Nơi đổ hài cốt của Bà, sau dân chúng lập Đền Ghềnh thờ Bà.




    Nằm trong con ngõ nhỏ, ngay cạnh sông Hồng, Đền Ghềnh (quận Long Biên) nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Gần 200 năm nay, bất chấp sắc lệnh của triều Nguyễn, Công chúa Ngọc Hân đã được nhân dân bí mật thờ phụng dưới danh nghĩa thờ “Mẫu Thoải”.

    Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long gọi là “Chúa tiên” bởi dung nhan xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đủ tài xuất chúng.
    ở tuổi 29, nàng lặng lẽ đi theo Quang Trung vào cõi vĩnh hằng. Nhà Nguyễn lên ngôi đã tìm cách tận diệt những người có liên quan đến triều đại Tây Sơn. Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, xót phận con gái Ngọc Hân sau khi mất, vẫn phải gửi thân xác ở Phú Xuân - Huế nên đã tìm cách “bí mật” đưa được hài cốt Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn về an táng tại quê nhà (làng Nành, Gia Lâm).

    Không ngờ đến đời vua Minh Mạng có người đã đem việc “ngụy hậu” Tây Sơn vẫn đang được “mồ yên mả đẹp” ở quê mẹ, thoát việc “trả thù 9 đời” do vua Gia Long khởi xướng và thực thi. Triều đình Huế ra lệnh lập tức đào mồ quật mả Ngọc Hân lên, san đất thành bình địa cho cỏ gai mọc đầy, còn xương cốt thì đem vứt xuống sông.

    Hài cốt mẹ con Ngọc Hân bị đổ xuống sông Hồng thuộc địa phận làng Ái Mộ. Thương xót Bắc cung Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi; ít lâu sau, ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi.

    Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản đã công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên. Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội. Dốc lòng với việc tín nghĩa, bà lại đi quyên góp xây lại đền.

    Cụ thủ nhang Đặng Đình Khuê là cháu năm đời của cụ Đặng Thị Bản. Theo lời cụ Khuê, gọi là đền Ghềnh vì trước cửa đền có một ghềnh nước lớn. Theo năm tháng, dòng chảy biến động, con ghềnh mất đi và chỉ còn lại dấu tích nơi tên đền. Cụ cũng cho biết: để tránh nhà Nguyễn phát hiện, trả thù, tượng Ngọc Hân công chúa được thờ kín bên trong sau sáu lớp thờ thần thánh khác...

    Trong cung còn lưu đôi câu đối ca ngợi Lê Ngọc Hân: Sơn nhạc chung linh, Lê thị chí kim lưu tự điển/Phong vân trường lộ, Nhĩ Hà dĩ bắc ngật sùng từ (Dịch nghĩa: Núi Nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê truyền ghi sử sách/Sóng gió lặng yên, đền dựng to cao đẹp bến sông Hồng).

    Trải bao phen binh lửa, can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay.

    Hội đền Ghềnh năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. Sáng mồng 6/8, vào chính hội. Hội làng tươi vui trong đám rước kiệu bát cống của trai tân và kiệu võng của các cô gái đồng trinh.

    Không thể thiếu trong các nghi thức của hội đền Ghềnh là việc đi thuyền lớn ra giữa sông Hồng, hương khói cho mẹ con nàng Ngọc Hân và rước nước thánh về đền. Bao năm tháng đã qua kể từ ngày tro xương của mẹ con nàng Ngọc Hân rải xuống khúc sông này nhưng những người dự hội vẫn không nén được xúc động khi rải tro giấy vàng xuống sông cho người xưa.


    cũng chính vì 1 trong lí do này nên có thể xem công chúa ngọc hân là 1 hình tượng cho mẫu thoải

  9. #9
    con tứ phủ
    Guest

    Mặc định

    thật là số trời mà !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
    vua quang trung - hoàng hậu ngọc hân .
    2 con người trời sinh trời diệt .

  10. #10

    Mặc định

    Cám ơn bác Love_tamlinh đã post bài chia sẻ tài liệu hiếm này. Nếu ko có gì, rất mong bác gửi cho tôi trọn bộ để tham khảo với, qua email: quanqt1@gmail.com. Thanks in advance.

    Mấy đoạn trên bác post tôi thấy khá trùng hợp nhưng thấy thiếu một số chỗ so với quyển: Thân thế Phật Thầy Tây An và Ngọc Hân công chúa qua Kim cổ kỳ quan của tác giả - cư sĩ Sripolieu - có lẽ chăng đây chính là tác giả Trần Hữu Thành???

  11. #11

    Mặc định

    Chân thành cảm ơn tác giả đã cho tôi một số tư l;iệu quý giá!

  12. #12

  13. #13

    Mặc định

    Các bác có cuốn sach " kim cổ kì quan " ko của Ông Ba thới ko chia sẻ cho e đi.

  14. #14

    Mặc định

    Cám ơn Bác Love_tamlinh đã post bài chia sẻ tài liệu hiếm này. Rất mong bác gửi cho tôi trọn bộ "Theo Dấu Người Xưa" để tham khảo với, qua email: quannh2@gmail.com. Xin cám ơn rất nhiều

  15. #15
    Đai Đen
    Gia nhập
    Feb 2014
    Nơi cư ngụ
    Thanh Xuân, Hà Nội
    Bài gởi
    692

    Mặc định

    rất mong bác Love tamlinh gửi cho em xin cuốn "theo dấu người xưa" để em tìm hiểu thêm về thế giới tâm linh.
    em vừa xem lại nơi sinh của Phật Thầy Tây An cùng quê với Cụ Đỗ Thuần Hậu là tỉnh Sa Đéc ( Đồng Tháp ngày nay) . Hai cụ được dân gọi là ông Ba và ông Tư là thế. Đồng tháp hóa ra là đất sinh ra các vị Đạo, Tiên ở nước ta.
    không biết ông Nhất, ông Nhị của VN mình là ai nhi ?
    Sám hối, tạ ơn trước khi ngủ và sau khi thức dậy !
    Lạy Phật giúp tăng trưởng Phước !
    Thương yêu cả với kẻ thù !
    Thực dưỡng Ohsawa !

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Tong hop cac bai viet ve Nhan Dien va Luan Xa
    By ht74 in forum Luân xa, Nhân điện, Cảm Xạ, Yoga, Thôi miên học.
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 04-12-2010, 01:05 AM
  2. Ý nghĩa và Quan niệm về Ma trong Phật giáo
    By Bin571 in forum Chuyện Ma, Quỉ
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 14-11-2010, 05:37 PM
  3. Ðường đi của Phật
    By Copykinhsach in forum Mật Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 20-10-2010, 12:34 PM
  4. Khai Thị - PHÁP MÔN QUÁN ÂM
    By GoldenAge in forum Chuyện các Thầy, Bà…
    Trả lời: 148
    Bài mới gởi: 29-08-2010, 02:51 AM
  5. giơi thiêu
    By daithuynguu in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 14-08-2010, 08:06 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •