Kinh Di Lạc Độ Thế.
(Do quen dùng có thể đọc: Di Lạc hay Di Lặc)
Nam mô Vô cực Giao Trì Vương Mẫu vô nguyên Cổ Phật tiêu kiếp cứu thế Đại từ tôn.
Nam mô Nhị thập tứ vị Kim tiên Cổ Phật liệt Thiên tôn.
Nam mô Tam thanh cảnh vô lượng độ nhân Nguyên Thuỷ Linh Bảo giáng sinh liệt Thiên tôn.
Nam mô Thập phương vô lượng thường trụ tam bảo chư Phật, Bồ tát
Nam mô Vô vi Thiên cung huyền khung cao Thượng đế Thái Hoàng Đại thiên tôn.
Nam mô Lăng tiêu Ngọc điện huyền linh Thượng đế Ngọc hoàng phả độ Đại thiên tôn.
Nam mô Cửu tiêu tứ ngự Thượng thánh cao chân liệt Thiên tôn.
Nam mô Nho, Thích, Đạo tam giáo giác thế Đại Thiên tôn.
Nam mô Đương lai hạ sinh độ nhân cứu kiếp Thế Tôn Như Lai Di Lạc Tôn Phật.
Nam mô Tam thập lục thiên tận hư không biến pháp giới chư thiên, thiên chúa.
Nam mô Thất thập nhị địa, Tam thiên thế giới Vạn địa chi Mẫu Thổ Hoàng địa kỳ.
Nam mô Tam tào Tam giới, Tứ phủ vạn linh Long thiên thánh chúng liệt Thiên tôn.
Nam mô Đạo kinh bảo Ngọc quang hội chung nhất thiết phả độ thiện nhân thánh chúng.
Nam mô Đương lai hạ sinh độ thế cứu kiếp Ngọc Phật chư tôn Bồ tát.
Nam mô Nam thiên đạo tràng giáo chúa cứu khổ cứu nạn Quán thế âm Bồ tát.
Nam mô Nam bang lịch đại Nho, Thích, Đạo chư vị Phật Thánh, Tổ sư tiên hiền.
Nam mô Nam bang lịch triều thánh chúa Minh vương hà hải nhạc độc nhất thiết thần tiên chính khí.
Nam mô đương niên đang cảnh tư mệnh Táo quân lục phủ ngũ tự trụ trạch thổ thần liệt vị mãn thiên chân tể.
Bài tựa Kinh Đức Phật Di Lạc hạ sinh xuống đời
Kể từ người ta khi mới đầu sinh xuống đời đến giờ. Chả ai là chẳng có đủ một Phật tính. Thời ai là cũng có một bản kinh không chữ ở trong lòng. Những bực biết tu đạo chân chính đời xưa, vị nào cũng nhớ chân kinh cốt tỉ vô tự ấy cả. Cho nên các Ngài lúc nào cũng trông thấy Đức Di Lạc Cổ Phật kia. Thử xem, ngày trước Đức Phật Linh Cảm Quán Thế Âm nước ta, trên đỉnh đầu Ngài bao giờ cũng thường đội tượng Đức phật Di Lạc, miệng Ngài lúc nào cũng thường niệm Đạo Bồ đề ba la mật, nghĩa là vượt sang hẳn bờ giác bên kia. Ngài ngồi thường trông thấy bóng Đức Phật Di Lạc nhởn nhơ trên không. Khi nhàn Ngài thường tưởng thấy Phật ở trên đỉnh mũ Tì Lư, nên hết thẩy phép Bồ đề vô thượng chính đẳng chính giác của chư Phật xưa nay cũng tự kinh này mà ra cả.
Thế mà cớ sao những người đời sau này, không khi nào được trông thấy Phật ấy? là vì: miệng, ý mình các chúng sinh, không bỏ dứt được thói tập tục, vẫn còn kết mãi các nghiệp tội phiền não đời mình, bởi cái nghiệp chướng ấy che lấp đi. Cho nên không khi nào được thấy từ nhan Đức cổ Phật được.
Vả lại, con người từ bao kiếp đến giờ, cứ buông tính vô minh mờ tối mãi. Tạo nên những người ác nghiệp, mình ba miệng bốn lòng, ba tội lây nhiễm, sáu duyên trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Quẩn quanh ba tội nghiệp: nghiệp ý, nghiệp miệng, nghiệp thân là ba nghiệp chướng, biết bao là tội lỗi âm dương, tháng ngày chất chứa, hoá gây nên kiếp nhỏ, kiếp nhớn đổi bớt loài người đi, rất là thảm kịch.
Vì thế, Đức Di Lạc Cổ Phật, sẵn lòng từ bi thương xót, phải sai Đức Ngọc Phật thay Ngài giáng sinh xuống trần, để cứu hồi mạt kiếp, độ cho loài người, cốt là dạy cho chúng sinh dốc một lòng trông một đạo, tưởng nghĩ đến Phật vẫn thường trọn bổn phận của mình, trung hiếu với Vua Cha thời đều độ cho thành Phật cả. Phỏng nữa, có gặp phải hồi mạt kiếp nạn đao binh. Thời đã nhờ có Đức Ngọc Phật hộ trì cho thoát khỏi. Chờ tới khi Đức Cổ Phật Di Lạc giáng sinh xuống đời. Bấy giờ Giời mưa vàng bạc thóc gạo và hết thẩy các đồ quý báu xuống đầy cõi nhân gian. Thời ai ai cũng tu hành, người người đều niệm Phật, khiến cho người đời sống lâu vô chừng, cùng với ba cõi trên giời, cùng một nhời thụ ký là lời Phật truyền chính giác, thế thời ta há chẳng được cùng Đức Ngọc Phật đều lên từng giời Vô cực, để thân chầu trực bên Đức cổ Phật Di Lạc vậy dư.
Kinh Quý Trọng của Đức Di Lạc
Đức Phật, Ngài dậy bản kinh này, hiện ra tại thôn Trại, nhà họ Vương thuộc huyện Nhạc Dương, phủ Bình Dương, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Bỗng một hôm có tiếng nổ vang như là sấm sét, trái núi đá tự vỡ tung ra, thấy một quyển kinh Đức Phật Di Lạc này. Người ở đấy sao viết ra thành nhiều bản cúng dàng, truyền rộng cho nhân dân thiên hạ, chứ không dám dấu diếm ở nhà. Nếu có ai không truyền, thời tội chẳng vừa Giời giáng tai nạn cũng như người bị kiếp.
Chính quyển chân kinh của Đức Phật Di Lạc này, thực ra ở vừng đá, dưới gốc dâu, hiển hiện ra cõi Diêm phù để cứu cho chúng sinh. Nữa khi gặp hồi mạt kiếp, đã có vị Tiên ở từng giời Đại La xuống đời.
Nếu có người thiện nam, tín nữ nào phát tâm thành kính, sao chép rộng truyền, thời người ấy được cái lợi lớn. Ai sao tả được một bản, thời khỏi tai kiếp một thân. Nếu người nào không tin, tất phải thổ huyết, phát sũng mà chết. Còn có bậc thượng sĩ nào trí tuệ đã lòng thành sao viết lại giảng tụng kinh này, có thể khỏi mười nạn mạt kiếp và thoát khổ dịch lệ yêú đau.
Vậy nên, dám khuyên người đời chăm niệm Phật, thời tốt lắm, tốt lắm. Còn ai bất tin, ấy rồi tai nạn tới mình. Hãy xem cữ tháng năm, tháng một sau này: có khi cơm không có người ăn, đường không có người đi, nơi thời sinh ra giặc cướp, nơi thời đầy núi hổ lang, khi thời mưa to gió dữ, người phải âu sầu.
Những người thiện tín phải nên thiết đàn, thắp hương lễ bái, tụng đọc kinh này, mới khỏi tai kiếp. Có khi tháng ba bị tai nước lửa tàn hại khó qua. Nếu ai không có hồi lòng hướng thiện, thời khó tránh khỏi.
Đức Phật Di Lạc dạy người thiện tín nào chăm đọc kinh này lại khuyên cả nhà tín thụ, thời khỏi kiếp tai. Mồng một tháng tám năm nay: có mười vua Diêm vương ra đời, tra xét các nhà thiện ác, hễ nhà nào có kinh, thời không những khỏi tai nạn, lại được cái lợi phúc lành.
Chân kinh của Đức Di Lạc Tôn Phật này, hễ ai chăm trụ trì, đọc tụng cúng dàng, thời Ngài bảo hộ cho nhà được an lành. Nhưng phải biết báo ơn Ngài: rộng khuyên cho chúng sinh thiên hạ
Tưởng khi xưa Ngài Chưởng Giáo số kiếp đầy đủ đem Ấn Phật giao cho Đức Cổ Phật Nhiên Đăng lui từ ngôi Hoàn Hành nguyện lên cõi Đâu Suất quản chín kiếp lại ba đời Cổ Phật mới ra. Đem kinh báu dấu kỹ ở Sơn Tây, đất Tấn, phủ Bình Dương, huyện Nhạc Dương, trại nhà họ Vương, dưới cây dâu, trong khối đá.
Kinh này dấu để ầm sấm nức vang một tiếng trật Kinh này ra. Trên chép rõ thực Liên Hoa Đạo muôn dân ấy khắp gầm Giời cả dân chúng phải nên tu hành, truyền đàn ông và đàn bà đều nên tu thiện. Khắp mọi nơi nổi trộm cướp, mặt đất máu me, đâu hùm cọp khắp núi rừng, mưa tuôn gió bão. Tháng năm sáu dâng nước lớn khắp, sinh hoàng trùng ăn hết tiệt cả lúa mạ cây cối tuốt cả.
Tới mồng một cữ tháng tám mười Vua Diêm Vương lên. Ai có kinh thực khỏi được một nhà tai nạn. Soi xét xem nhà lành dữ có kinh hay không kinh. Giáng tai cữ tội lỗi rất lớn. Mỗi nhà chép một bản cúng dàng chân kinh giúp gia quyến được an lành thoát khỏi tai họa rõ lề luật khắp thiên hạ giai gái đều nghe tin kinh này. Đi đường xá thực không bị kiếp. Khuyên dân sự cấp mau phải sao chép kinh này đặt trai cúng đọc chân kinh, mọi tai khỏi hết.
Kẻ ngu si không tín thụ phải phải phòng ác tật nhức đầu óc, đau bụng dạ khéo kẻo chết toi, rồi sai các ôn thần hành tai hành dịch. Truyền kinh Ngài nhương ôn dịch. Cổ Phật hộ trì các hương thôn, nên cảnh giới ai ai phải biết. Những thiện tín trì kinh truyền nhờ Phật độ cho dẫu mười sầu cũng chẳng sợ chắc rồi lợi lạc.
Dám khuyên đại chúng nghe cho kỹ
Ăn chay niệm Phật khỏi tai nạn
Giai gái chẳng tin lời Phật dạy
Ấy rồi nguy hiểm thấy vua Diêm
Một sầu nước lửa đao binh chết
Hai sầu hết tuyệt lửa nhân gian
Ba sầu đau ốm, ôn hoàng chết
Bốn sầu giai gái chẳng đoàn viên
Năm sầu thiên hạ nhân dân loạn
Sáu sầu có đường không ai đi
Bẩy sầu đầy núi beo hùm chạy
Tám sầu ngày đêm chẳng yên lành
Chín sầu cõi đất còn ai tuốt
Mười sầu chẳng gặp đời thái bình
Nhà nào chẳng tin thời ôn dịch
Những người tin kinh được phúc nhiều
Đường xá chẳng còn ai đi lại
Chỉ nhà tích thiện được an toàn
Ai nghĩ tháng ba này rồi biết
Nhiều nhà tai nạn khóc kêu trời
Muốn qua tai nạn sao kinh đọc
Trẻ già giai gái chẳng phiền lo
Những kẻ sao kinh thêm phúc thọ
Thoát qua kiếp nạn cả một nhà .
Kinh Di Lạc Độ Thế
Bài tán dâng hương
Hương lòng, vạc báu thắp lên
Ngát ngao thơm thấu đại thiên ba nghìn
Đàn đàn trầm nhũ dâng lên
Khói hương nghi ngút hoa sen Phật đài
Mười phương Phật, chín phương Giời
Ruổi phăng loan hạc, giáng nơi đàn tràng
Bầu giời cảnh Phật thanh lương
Phật tiên chứng thụ, cúng dàng nhân gian
Nam mô hương cúng dàng bồ tát mahatát. (đọc ba lần)
Kệ khai kinh
Sau muôn năm tới hội Long Hoa
Kinh hiện trong vừng đá nảy ra
Vi diệu rất sâu kinh Phật dậy
Thụ trì rạng tỏ tấm lòng ta
Nam mô khai bảo tạng bồ tát mahatát (đọc 3 lần)
Phẩm thứ nhất
Chép lời Phật Thế Tôn truyền cho đệ tử là Ngọc Phật
Trong khi Đức Di Lạc Tôn Phật cùng với Phật Thích Ca trải ba đời kết nghĩa anh em, cùng tu đạo cao vô thượng chính giác, mười hiệu Phật đều đủ, muôn đức mình tu trọn, cả ba kiếp đều tu lên Đại Đạo. Nhưng đời nào: Đức Di Lạc cũng là anh, Đức Thích Ca chỉ là em, quả chính giác Bồ Đề anh em đều trọn cả, nhưng công quả Phật Di Lạc có thể đẫy đà hơn. Nên cùng nhau thương nghị, xem ai xuống đời trước để độ cả chúng sinh, mới cùng minh thệ rằng: Ta đều vào đại định, nghĩa là đều ngồi nhắm mắt thiền định mấy đêm ngày, dựng gậy báu ra trước Phật đài, để bói thụy hoa. Hễ gậy ai nảy hoa sen ra trước, thời người ấy xuống đời trước, gậy ai sinh hoa sau, thời phải xuống đời sau. Hai vị thề xong, đều ra cắm gậy tích trượng ở trước sân, rồi đều vào ngồi định, để chờ điềm nở hoa. Khi Đức Thích Ca đương ngồi phòng thiền định. Một hôm, hé mắt ra nom chừng các gậy, thời thấy cái gậy của ngài chỉ rực rỡ lắm vẻ hào quang, chớ không nảy hoa, mà gậy long trượng của Đức Di Lạc trên nở hoa sen đỏ tươi tốt đẹp, chính giữa miệng rồng đỏ rực như mặt trời mới mọc, hào quang soi sáng quắc thiên hạ, cả ba cõi trên dưới đều hay. Khi bấy giờ, Đức Thích Ca đoán hẳn rằng: nay Đức Di Lạc còn đương nhắm mắt đại định. Ngài liền ra khe khẽ bẻ lấy bông hoa ở trên long trượng, đem cắm vào đầu gậy của mình, rồi lại vào phòng nhập định, có ý để thử Đức Di Lạc có biết chăng.
Cách ba hôm nữa, hai Đức Phật cùng mở chính nhãn ra phòng định xem hoa, thời trên đầu gậy tích trượng có nở hoa sen, nhưng màu đỏ phai nhạt. Khi ấy Đức Phật Di Lạc mỉm miệng cười thầm mà rằng: “Ừ, tuy Ta ngồi nhập định, nhưng Ta có thiên nhãn, đã coi thấy em Ta hái Long hoa gậy ta, đem cắm sang gậy mình rồi, bởi vậy vẻ hoa không được tươi thắm mà ánh sắc kém màu. Nhưng thôi, sự chót nghiệp kinh rồi, thời nay Ta giao phó thế giới cho em xuống quản trị. Nhưng chỉ tiếc thay cho thế gian sau này, không được tốt đẹp vẹn toàn. Khoảng ba nghìn năm, thiên hạ muôn dân: sang, hèn, giàu, khó, kẻ vui, người khổ chẳng đều nhau, lúa thóc cầy cấy ít khi phong nẫm. Đất nước thường sinh tranh cạnh, đánh cướp lẫn của nhau, bốn phương chẳng an ninh, trộm cướp nổi quấy rối, trăm loài tà thần rắc rối, ma quỷ quấy rầy, nhân dân cõi trần, lầm than khốn khổ. Sau ba nghìn năm nữa, bấy giờ Ta sẽ xuống đời, dạy bảo phép chính. Lúc ấy vô lượng hào quang trong ngoài sáng rực, hiện ra những tường thụy rất lạ, xưa nay chưa từng có bao giờ ”.
Khi ấy Ngài liền hội họp các thánh chúng, các vị Thiên chúa, Đế Thích, các Tiên Thánh ba mươi sáu tầng giời, hết thảy các Lôi Thần, cùng Kim Cương, Hộ Pháp tức thời đều tới hội.
Đâu đấy an tọa xong. Bấy giờ Đức Phật Di Lạc mới phán truyền cho đại chúng rằng: Ta nay lên chính ngự trên tầng trời ba mươi ba, tới sau ba nghìn năm nữa, Ta mới xuống đời, sẽ truyền chính pháp Long Hoa, để độ cho tuốt cả giời người các cõi.
Khi ấy cả tòa thánh chúng cố kêu van lạy mãi không thôi, chỉ mong Thế Tôn mở từ bi đại xá, mau chóng giáng sinh cõi thế, mà cứu khổ cho chúng sinh. Chứ nếu chờ tới sau ba nghìn năm nữa, thời triệu dân chịu khốn nạn biết chừng nào.
Tới khi năm trăm năm một lần kiếp nhỏ, một nghìn năm một lần kiếp lớn để rút bớt quân dữ đi. Đến khoảng cuối hội, năm trăm năm mạt kiếp đổi đời, giữa khoảng sau khi hạ nguyên, người đời khó thoát qua được. Chỉ mong Đức Phật Như Lai mau sớm hạ sinh, độ chúng sinh tránh qua khổ nạn, thời quý hóa bao chừng.
Nhưng khi ấy, Đức Tôn Phật Di Lạc lặng im không đáp. Bỗng trong hội có một vị đầu hàng Tôn giả, chính là đồ đệ trội nhất của Đức Thế Tôn, thần thông công đức có một không hai, mười tôn hiệu sắp thành, các đức hạnh viên mãn, mình có hào quang vô lượng, sáng vặc mỗi bên, ở trong đạo tiền đứng ra, chắp tay lạy Phật, bạch rằng: “Lạy Thế Tôn, sau khi hai nghìn năm trăm năm, chính đang ngồi mạt thế, người đời nanh ác, trái cả luân thường, không mấy kẻ tin theo đạo chính. Cho nên Giời mới sai lũ Ma vương xuống đời nhiễu loạn, để trừ bớt phường gian ác đi, nào tật ách ốm đau, nào kiếm đao chém giết, nào hỏa tai, thủy nạn, nào ôn dịch hung hoang, mười kiếp chu tai hết thảy đều giáng.
Nếu Tôn Phật không thương đại chúng, chẳng sớm đầu phàm, thời bây giờ đệ tử con xin thay Như Lai, giáng sinh xuống trước để đỡ Phật, mà cứu độ chúng sinh. Cho đời thoát năm trăm năm mạt kiếp. Người nào có duyên xin giữ lại cả, để đợi khi Tôn Phật giáng sinh, mở hội thái bình thế giới, triệu dân vui thỏa, vua tôi vui mừng, cha con thân nhau, lòng người hướng thiện. Bấy giờ hãy xin thỉnh Đức Thế Tôn giáng sinh cõi đời, đầu thai vào nhà Đế Vương, thân làm Thái Tử, tu thành chính quả Bồ đề, rộng truyền chính pháp Long Hoa, để độ cho cả giời người hết thảy bao kẻ có tình cũng đều thành tựu”.
Khi ấy Đức Thế Tôn hỏi lại: “Người đệ tử ấy tên gì, mà lại phát được lời thiện thế, sẵn có lòng thương chúng sinh muốn thay Phật xuống đời, mở dạy lũ sinh linh, cứu nạn cho thiên hạ ư ? Nào ra đó để đại chúng xem”.
Thời hóa ra, Đức tôn giả Bồ tát đầu nhất. Bấy giờ Ngài thụ ký ngay đạo Chính Giác cho, liền phán rằng: “Người ở đời này, chính tên Ngọc Phật, hiện nay quả tu của Ngươi, mười hiệu đã sắp tròn, mọi đức thật là to lớn, chả khen ngợi sao cho xiết, nay lại sẵn lòng thay Phật cứu đời, thế thời Ta cũng cho cùng danh, cùng hiệu với Ta, để cùng độ chúng sinh, cho trọn được thề nguyện tốt ấy. Rồi bấy giờ Ta cũng hoá khí cho Ngươi cùng đi làm các việc công duyên, để viên thành nguyện lớn, rồi công đức của Ngươi, có thể thấu tới ba cõi giời, Vạn Pháp Chủ và Ngọc Tướng Từ Tôn muôn vạn ức kiếp hóa thân, Đức Thượng Đế Cửu Hoàng, chắc cũng ứng cho Ngươi trụ thế ’’. Trong khi Tôn Phật Di Lạc cùng thụ ký các lời cho Đức Ngọc Phật, hết thẩy các thánh chúng dự nghe, đều mừng rỡ vô cùng, một lúc cùng ra lễ bái Thế Tôn và bạch rằng : “Chúng con được nghe những lời Ngài đã thụ ký cho Đức Ngọc Phật mới rồi, thời lũ ức vạn Bồ tát, đệ tử chúng con, xin cầu Ngài thương cứu cho, chúng con xin hết lòng tu trì chờ đợi ’’. Lúc ấy Đức Thế Tôn mới phán bảo cho các Bồ tát, các bậc Long Thiên, Thiện Thần cùng hết thẩy Thánh chúng rằng: “ Ngày sau khi Ngọc Phật xuống đời, giữa hồi thượng nguyên cuối triều đương nguyên vào khoảng năm dần, mão đó, lũ đại chúng các ngươi, có muốn điền viên thành chính giác, thời phải chờ khi Ta hạ sinh, sẽ lần lượt truyền thụ ký Đại hội Long Hoa cho cả. Rồi hết, khiến các chúng lần lượt đầu sinh, từng thứ thành Phật để tuyên pháp chính Ta, làm đạo chính Ta, khắp đều chứng viên minh chính quả”. Lúc ấy đại chúng đều nghe Phật phán truyền đều quỳ lạy, ca ngợi công đức Như Lai mà trông cậy mừng rỡ vô cùng.
Phẩm thứ hai
Thỉnh Phật Thế Tôn giáng sinh xuống đời
Khi ấy Đức Phật Di Lạc truyền thụ chính giác cho đại chúng rồi, đang sắp cáo từ đại chúng để giá ngự thượng thăng. Lúc ấy, năm trăm vì Thiên Tử đều tấu thiên nhạc lại rước. Thế Tôn bèn lấy túi nải thu thái bình thế giới bỏ vào trong, lại truyền Đức Ngọc Phật ngồi vào túi ấy, rồi dặn dò rằng: “Nay Ta với đệ tử cùng lên tam hội, sẽ bao giờ túi này mở, thời bấy giờ ngươi sẽ ra đời”. Lúc ấy bỗng thấy năm vẻ tường vân nổi bốn bên Sen hồng nâng gót ngọc, các Thiên Vương thủ hộ, nào tám bộ Kim cương, nào năm phương Lôi tướng, cả vạn vạn Thiên Thần, các Thiện nam Thiện nữ, chư Thần Tiên, Bồ Tát đều có đệ tử năm trăm tới chầu theo tả hữu.
Ngưỡng trông một lúc, bấy giờ đều tiễn đưa Phật lên cung Đâu Suất. Lúc ấy Đức Ngọc Hoàng phóng ra vô lượng hào quang. Đức Thiên Tổ Nguyên Thủy chí tôn cũng phóng ra vô lượng quang minh hòa chung một thể. Bấy giờ: hết thảy Thượng Đế các tầng giời, Thiên Tử các tầng giời, Thánh Tiên các tầng giời, các Thiên Hậu, Vương Phi, các con giai giời, các con gái giời. Những bậc Thượng Thánh Thiên Thần đều giá ngự xe rồng khánh hội.
Trong khi lên đường ngự giá, xúm vòng quanh lễ bái Thế Tôn. Đường mây nhạc tấu vịnh ca, tiễn đưa tới trong cung Bách Bảo, dưới tòa Liên Hồng cùng theo chầu lễ. Thế Tôn dùng vô lượng thần quang phóng ra phấp phới, hoa giời rắc xuống, hương kỳ thơm bát ngát, hoa lạ sáng rỡ ràng.
Bấy giờ Thế Tôn cùng vô lượng các từng giời đại chúng, Ngài diễn thuyết phép Đại thừa diệu Đạo chính giác cho phả thiên đại chúng đều nghe, hết thảy các thánh chúng chầu trước mặt Thế Tôn được mở nhãn chính pháp, nên quả chính giác, quy đạo chính chân để mà hưởng thụ vô cùng.
Bấy giờ đại chúng kêu xin, Thế Tôn cùng Từ thị Như Lai đều ngự trong tĩnh viện, đại chúng trong các từng giời, tự đấy đi đều thành chính đạo, lạy niệm thánh hiệu, nguyện xin tu hành Đại thừa Diệu Đạo chính giác bậc vô thượng viên minh.
Lúc ấy Đức Thế Tôn vào ngự trên tòa Vạn Hoa, trong Điện Ngọc, để túi ở bên tả, cắm gậy ở bên hữu, Ngài vào tọa định ngôi chính giác tối thượng Đại thừa. Đại chúng các từng giời bái từ lui giá.
Chợt một hôm chuông vàng tự nhiên kêu lên, khánh ngọc bỗng dưng nức tiếng. Đức Thế Tôn mới mở bừng pháp nhãn. Chợt nghe ba mươi sáu tầng giời, nhạc nhã tiêu thiều ầm vang khắp cả. Độ ít lâu, chợt thấy ba người sứ nhà giời, lại tới trước Phật quỳ lạy, tâu rằng: “ Muôn lạy Thế Tôn, hẹn ba nghìn năm, nay sắp xong rồi, Giời sai chúng con tới thỉnh Phật hạ sinh để cứu độ cho lũ ngu mê dưới đời, thoát qua tai mạt kiếp này. Ngọc Hoàng dâng chiếu, xin Tôn Phật phụng hành”.
Bấy giờ các sứ giời lạy tạ, lui về cả.
Phẩm thứ ba
Đức Thế Tôn dặn dò Đức Ngọc Phật
Khi ấy Đức Phật Di Lạc mở nút túi nải, phóng kiền khôn thế giới ra và cho Ngọc Phật được xuất định, liền lạy Đức Thế Tôn.
Phật phán rằng: “Khi trước, ngươi có phát nguyện thay Ta sinh xuống đời, nay đã tới kỳ rồi. Đội ơn Đức Ngọc Hoàng ban chiếu, thời cho ngươi hạ sinh”.
Bấy giờ Ngọc Phật vừa mừng, vừa lo tâu: “Bạch Thế Tôn cho con được hạ sinh, biết thế nào xử trí, nay đang kiếp cuối, chúng sinh lắm kẻ ngoan ngu, nhiều phường gian ác, thời biết trị thế nào, dạy thế nào, biến hoá làm sao, cứu làm sao, dám xin Thế Tôn chỉ bảo cho đệ tử được nghe tường tận”.
Thế Tôn liền phán: “Mới vâng Chiếu Giời triệu thỉnh, mở thấy tỏ tường. Nay tới hồi, đổi đời thay kiếp, nên Giời đã sai mười vạn Ma vương xuống đời, đầu sinh các nước, nổi cuộc chiến tranh để truất bỏ tuốt thảy những loài gian đảng đi.
Thế là chính thiên nhãn Đức Hiệu Thiên Ngọc Hoàng thần quang soi thấu. Hết thảy cõi đời, những ban sư mô, các hàng quan lại, cả nhân dân chứa nhiều tội lỗi, phần nhiều phường bất trung, bất hiếu, vô pháp, vô công. Nay chính hồi bỏ dữ để lành, đổi thay cuộc thế. Khi ngươi xuống đời, những kẻ nào chăm làm phúc thiện, đổi sửa lỗi nhầm, thời nên độ trì, sẽ để lại đó. Còn ai cố ác, chẳng chịu đổi chữa và những phường chẳng chút thiện duyên, cứu sao được nữa. Thời bị đao binh, thủy, hỏa, hay dịch lệ ốm đau, tám nạn ba tai, trừ cho tuyệt nọc”.
Ngọc Phật lại bạch rằng: “Lạy Thế Tôn những hạng người nào là phường cực ác đáng giết, xin Thế Tôn phân giải rõ ràng cho, để con vâng mệnh”. Thế Tôn phán bảo: “Nay Ta trao cho ngươi bản Ngọc chiếu này, mở đó mà coi, phóng rộng vạn đạo hào quang soi khắp mười phương thế giới, nhất nhất việc gì, cứ tuân trong Ngọc chiếu, Giời định cả. Còn những phường bạc ác, Giời đã sai các Ma vương, Linh quan biên tên chép tuổi, ai đáng diệt trừ, chép đủ cả rồi. Ngươi sinh xuống đời cứ theo Thành Công Án”.
Khi ấy Đức Thế Tôn cùng với Ngọc Phật, thày trò cùng mở pháp nhãn coi, chiểu lệnh chính pháp thi hành, tuốt thẩy điều Ma vương chép cả.
Đầu tiên thấy chép những bọn tăng ni trụ trì chùa cảnh, ở đền chùa cảnh gạch ngói, nào sơn trạm cột xà, nào vàng son ghế ỷ. Không để tằm mà mặc toàn đồ lụa, chẳng cấy ruộng mà ăn dặt cao lương, lộc ăn của thập phương, làm ruộng nương không thuế, thanh nhàn hưởng phúc, sung sướng đủ đời. Trên bỏ họ tổ tiên, dưới quên ơn cha mẹ, duyên phúc thiện không làm một chút, việc nhà chùa sai tựa việc quan. Cũng nhiều khi, chim chuột kẻ thân tình, cũng lắm kẻ gió giăng cùng bạn hữu. Chơi với con, thường gian cả mẹ. Tư túi vợ, mưu hại đến chồng, bêu rếch cả tộc thuộc họ hàng. Hay giết vật, dùng dâng tế lễ. Nào chè rượu lu bù, huỳnh hãm. Nào bạc bài đủ ngón ăn chơi. Thường giở trò buôn bán gian tham, lại lắm kẻ cung keo, kiện cáo. Hay cậy thế là thầy, là cụ. Để quét tiền, thiện tín đàn na. Cốt ăn chơi chẳng tưởng tu hành, tham tài lợi, thiết gì đạo đức.
Tới hội này tuốt trừ quá nửa. Ngươi xuống đời phải xét cho tinh. Hễ ai hay niệm Phật hồi tâm. Hiếu thuận với song thân, trọn đạo hoặc trai giới tu hành tích thiện, biết hối lòng đổi dữ làm lành, phải hộ trì những kẻ hiền lành. Chớ để vướng tai tinh trừ diệt.
Lại xem thấy: các hàng quan lại, chẳng công liêm, thanh giới chút nào. Chỉ tham lời, nghĩ khéo khoét xu. Bày trăm cách, dụng tình tham nhũng. Ai không tiền trực cho là khúc, lắm xu khất khúc lại là ngay. Không tưởng gì trung chính thẳng ngay. Không hơi chút công bình minh chính. Chăm vơ vét, ăn chơi thoả thích. Còn tưởng gì ái quốc trung quân. Cốt béo mình, tàn hại lương dân. Hạng người ấy trào này tuốt sạch.
Ngươi xuống đời, xét soi minh bạch. Nếu ai chăm hối tội, đổi lòng. Năng làm lành, chăm chứa âm công. Thời tha tội, cho thêm phúc lộc. Chăm niệm Phật, tụng kinh, làm phúc, thời Ngươi nên chăm sóc hộ trì, chớ để cho bị phải tai nguy, hòng sau được thái bình an lạc.
Rồi xem thấy những phường hào trưởng: ỷ cường hào, ngoan đảng hiếp người lành. Cậy giàu sang hung ác, quyền hành. Này mánh khóe lận gian, hà hiếp. Thùng, đấu, hộc, đầy vơi hơn kém. Buộc ép người giá kém, bán cao, Trong lời rồi, lại tính lời bao, ức át kẻ khó nghèo hèn hạ. Để người chịu cường quyền khổ quá. Lòng không hơi hỉ xả, từ bi. Chỉ phong lưu sung sướng ăn chơi. Chẳng tin mộ, tu trì đạo pháp. Dạ tham muốn, không thể chán giàu lấn nghèo, mưu chiếm ruộng vườn người. Gái người ta dỗ thí chơi bời. Ai tu tỉnh chê cười báng bổ. Báng Thần Thánh, khinh thường Tiên tổ, nghĩ trăm mưu, xiên xỏ dối lừa. Thiện không tu, tội ác không chừa. Những quân ấy, nay trừ rút hết. Nếu ai biết hồi tâm hướng thiện, giữ hiếu trung, trọn vẹn tôi con. Thời ngươi nên ủng hộ cho tròn, chăm tích đức để tu tròn quả phúc.
Lại hết thảy kẻ khó nghèo hèn hạ, không chịu yên bổn phận cố cùng. Anh chẳng thuận, em chẳng cung. Thờ cha mẹ chẳng lòng hiếu thuận. Hay giả dối, đảo điên gian lận. Vay của người lường quỵt vỗ nhau. Chỉ nghĩ quanh: toan thói làm liều. Chửi mưa gió, oán giời giận đất. Không biết nghĩ: kiếp xưa gian lận. Chẳng biết đường: hối cải hành trì. Nên kiếp này: nghèo khó, điên nguy. Cưỡng cầu: có tài gì mà được. Lòng tham muốn, đêm ngày vọng tưởng. Phép Phật Tiên ngất ngưởng không tin. Kinh Phật Giời báo ứng chẳng tin, phường bạc ác đều nên trừ hết. Nếu ai biết hồi tâm hướng thiện, niệm Phật mà cải quá tự tâm. Đổi lỗi, chăm hướng thiện, tu thân. Thời ngươi phải độ trì cho thoát nạn. Nếu gặp lúc đao binh súng đạn, hay gặp cơn bệnh nạn yếu đau. Nên bảo toàn, thoát nạn qua cầu, để sống sót hưởng hồi sau an lạc.
Lại thấy những thế gian văn sĩ, trọng khoa danh, đạo nghĩa làm thinh. Cậy tài tình, nhằm dụng thông minh. Theo nhân dục, sạch sành sanh thiên lý. Tham danh lợi, bỏ cương thường luân lý. Chỉ toan đường lợi kỷ phì gia. Lỗi không chừa, tội nghiệp chứa hằng hà. Bỏ đạo chính, theo tà thần yêu quái. Phật chẳng tin, Thánh Thần không sợ hãi. Mạn gió mưa, không kính bái tam quan. Hỏng năm luân, trái cả luân thường. Thiện niệm tắt, thiên lương cũng tuyệt.
Lại thấy kẻ nông dân làm ác nghiệt, tội lỗi đầy, thiên khiển giáng tai ương. Nên mất mùa , nắng nực phải thường thường. Không hối cải tạo thiện lương tu thiện. Phúc chẳng tích lại tích nhiều ác nghiệp. Chỉ tin nhăng, tế lễ đảng tà thần. Chấp ngu mê, nhầm lỡ, chẳng tu thân. Hoá phải gặp những tai truân cả kiếp.
Lại thấy bọn thợ thuyền công nghiệp, đủ trăm phương quỷ quyệt gian ngoan. Chỉ dụng tình đơn bạc đảo điên, để lừa hại những người lương thiện.
Lại thấy hạng bán buôn xảo quyệt, chỉ hay làm giả dối đơn sai. Nào chân phương, thành thực còn ai. Cân đẩu, thước ngắn dài, nặng nhẹ. Cách điêu đứng, lập trăm mưu nghìn kế. Chỉ gian ngoan, mánh khóe để lừa người. Nhằm lận, gian, hơn, kém, đầy vơi. Tìm mọi cách hại người cho ích kỷ. Giỏi mưu mẹo, bợm tài, suy nghĩ kỹ. Để khôn ngoan dối kẻ hiền lành. Chứa biết bao, tội lỗi vào mình, lòng tham muốn quá ma danh quỷ lợi.
Lại thấy những phố phường thành thị: các nhà hàng cơm cháo, rượu chè. Bầy tam khoanh, tứ đốm gớm ghê. Cách buôn bán xoay đủ nghề bợm bãi. Thức dối giả, đánh lừa người đần dại. Đồ khéo ngon, trọng đãi kẻ điêu ngoa. Giở trăm trò, trắc trở tham gian. Rất đáng ghét thói tàn tệ ấy.
Lại thấy bọn nha môn nhũng lại. Dụng phép công bới trải kiếm ăn. Đủ trăm chiều, gia giảm án văn. Làm tàn khốc, lương dân nhiều cách khổ.
Lại thấy lũ nhà trò, tiệm thổ. Gái lẳng lơ, từng lũ, từng đàn. Đem sắc thanh, tiếng hát, cung đàn. Trang điểm mãi, hồng nhan cho chải chuốt. Mồi phấn sáp, rủ phường dại dột. Đắm mê say, hại tổn tiền ngân. Thích trăng hoa, ong bướm hại tinh thần. Trác táng mãi, ấy táng thân mà khuynh nghiệp. Bằng trăm cách, mê người cả kiếp. Làm lắm người, tính mệnh đi đời. Phường gái hư đĩ bợm lưới người. Thói tà tệ suốt đời không chán.
Lại coi thấy người đời độc ác, lòng bất nhân giết hại lợn, cầy, trâu. Và những phường quỷ kế gian mưu. Bài bạc lận rất nhiều người bị hại.
Lại thấy những quân quyền cơ đội. Cậy quyền to, thế dõi nạt nộ người. Khoét tiền tài, áp chế mọi nơi. Dụng trăm khóe, ức hiếp người lương thiện.
Lại thấy những toán quân chinh chiến. Lúc đi đường cậy mạnh làm càn. Cướp của người, dùng cách tham tàn. Giết lương thiện, phá tan đồ vật.
Lại thấy lắm những phường mê mẩn. Bỏ mẹ cha, dẫy tất vợ chồng. Chẳng nghĩ gì báo nghĩa, đền công. Cạo râu tóc, trốn vợ chồng cha mẹ. Theo các sãi, ba tuân không suốt nhẽ. Đi xuất gia, theo thể lệ nhà chùa. Cũng ngỡ rằng, học đạo chân tu. Ai ngờ đã vô công mà lắm tội.
Lại những kẻ, mưu sâu kế giỏi. Bầy trăm phương, lừa dối kẻ hiền lành. Chính phường này bạch chiếm là danh. Dặt những tụi ác nanh gian hiểm độc.
Rồi lại thấy người đời hay giả phúc. Chẳng an theo bổn phận, nhớ những việc tạ thần, việc Phật làm sằng: Nào bổ liễm, lại nang phả, khuyến đổ tu việc Thánh Thần công quả. Chao của người, nghĩ khóe ăn gian. Nào cúng dàng lễ bái bày đàn. Vẽ tô điểm trang hoàng thần Phật tượng. Trung hiếu với luân thường chẳng tưởng. Chả hơi làm phúc đức thiện duyên. Chỉ hay chăm cầu cúng các chùa đền. Vọng cầu đảo công duyên phúc lộc. Mượn Phật Thánh làm mồi ăn chán. Móc thí người đời cầu phúc để chiêu tài. Đường phúc duyên có phải thế đâu. Ai muốn phúc cốt tu trai tích thiện.
Lại thấy lắm hạng người gặp biến. Phiêu lưu đi phương khác để sinh nhai. Hoặc làm công, làm việc xa khơi. Lìa quê quán, chẳng đoái hoài cha mẹ. Lòng chỉ cốt tham danh hưởng lợi. Lấy vợ hầu quyến luyến vợ con. Còn tưởng gì phần mộ Tổ tiên. Thôi bỏ cả hương thôn tình nghĩa.
Nhiều những hạng vong ơn, phụ nghĩa và những đồ bạc tệ bất lương. Các hạng người trên đã chép tường, thời giáng kiếp, tai ương cho chết tiệt. Ngọc Phật sinh xuống đời phải xét. Nếu người nào hối lỗi, biết ăn năn. Hồi tâm mà niệm Phật tu chân. Đổi lỗi trước, tâm thân tu tỉnh. Tuốt thảy cả quay về đạo chính. Người phải nên liệu định phù trì. Cứu độ người, hướng thiện quy y. Toàn tính mệnh, cho thoát nguy mười kiếp nạn.
Phẩm thứ tư
Dặn những cách tảo trừ tà thần
Khi bấy giờ Đức Phật Di Lạc dặn dò Đức Ngọc Phật rằng: “Xem trong Án Thành Công. Lại thấy cõi đời: điện, miếu chốn hương thôn, phần nhiều đều là những loài thủy tinh, kim tinh, mộc tinh, thạch tinh với rắn, sâu, cáo, hổ, chó, ngựa, trâu, dê lâu ngày thành quỷ quái, cùng các đồ khí dụng bằng đất đá, các loài kim, mộc lâu đời cũng hóa yêu. Nó hay hưởng lễ vật tế cúng, rồi nó chỉ tìm cách quấy nhiễu cho tai hại người ta. Lại thấy hiện thời, tất cả những loài quỷ mị, dã tinh chỉ cốt hại người. Lại thấy các đình to, miếu nhớn, toàn những đảng quỷ tí, yêu ma nó chiếm. Hại người lắm cách, làm cho lợn cúm, gà toi vì hay phóng quang chích máu. Lại hay thường gian dâm những vợ con, thê thiếp người ta, sẽ đẻ được gái giai lại rình bắt chết. Hại những mệnh người, thường bắt chết các trâu, ngựa, súc sinh, làm lắm nỗi sinh linh tàn hại. Trăm nghìn yêu quái tại hại quấy rầy. Ngươi phụng lệnh phải cùng tám bộ Kim Cương, năm phương Lôi Hỏa và ba mươi sáu vị Thần Sấm Sét, hai đức Linh quan vương mã, hai ngôi Thượng tướng tam nguyên, ba vị Nguyên suý họ Đặng, Tân,Trương. Quyết trừ cho sạch những loài yêu quái ấy đi, không nên để nữa.
Lại thấy những giống quỷ quái thiêng liêng, chiếm ở các miếu, đền lớn nhỏ. Làm cho cách trở gió mưa, làm tai đại hạn, để cho tổn hại lúa má, khổ hại muôn dân. Lại còn các loài tinh quái dưới nước như: rồng, rắn, rùa, giải, kình nghê, ba ba, thuồng luồng, ếch, cua, lươn, cá, với các yêu hầu nhệch, trai, ốc, hến, sò, thường hóa phép hút nước làm mây mưa to, mưa lũ. Khiến cho sông ngòi đầy rẫy, hồng thuỷ vỡ đê, lụt ngập lúa má, hoa mầu. Có khi tới đôi ba năm mưa nắng.
Vậy nên Giời đã sai các Thần Sấm giúp hộ. Ngươi xuống đời cứ sai Sấm Sét, tiêu diệt tuốt thẩy các loài yêu quái ấy đi, để cho mưa hòa, gió thuận, trị nước an dân.
Lại thấy thần linh miếu nhớn, các chốn đình, chùa, hưởng thụ các lễ vật không đáng tế. Cố ý độ trì những bọn ác gian, để dung cho quân độc dữ, làm liều hại người tử tế. Nay nên trừ hết, chớ để cúng thờ.
Lại thấy những bọn sư mô giả danh tu hành, thụ giáo Phật Thích Ca, kể ba nghìn năm sai nhầm giới luật, khiến cho bọn thiền sư lậm nhau làm bậy. Lại còn những hàng thụ giáo năm giới đều sai.
Nay nên bắt phải đổi chừa, chớ để dỡ càn như cũ. Lại thấy các ngục cõi âm, những quân quỷ sứ, các chốn tràng hình. Nào cưa, nào cối, hầm lửa, cột đồng, gông cùm, khảo đả, nào bàn chông trị tội, cháo lú cho ăn. Khiến quỷ ăn vào, thời quên hết kiếp xưa lành dữ. Đến nỗi qua đời, biến cầm biến thú, làm vật làm muông. Không còn biết là thân kẻ dữ, lại không nhớ ác nghiệp làm chứa tầy non. Đến nỗi thác đi, lại sa địa ngục thụ bao cay đắng. Đời này kiếp khác, lộn đi trở lại, biết bao giờ khỏi làm hại người đời. Nay hết thảy trừ phăng, chỉ dạy chúng sinh, nhất tâm niệm Phật, thường giữ phận mình. Trung hiếu Vua Cha, Đạo đức cương thường, tu phúc thiện, đều thành Phật cả, không phải dùng địa ngục minh tỳ. Ai tuân theo lệnh ấy hành trì. Tự khắc thoát u minh phiêu bạt. Bao những chốn trầm luân địa phủ hóa ra làm thanh tịnh tiên đô.
Lại thấy những người nhân gian từ khi ra đời làm người cõi tục: Hiếu trung bỏ cả, nhân nghĩa toàn không. Chỉ đắm duyên trần, chẳng y bổn phận, chứa bao tội lỗi, không biết giữ gìn, hao tổn tinh thần, sinh ra bệnh nạn. Tới khi khổ ách, theo lối tà, dò bói lăng nhăng. Khi có bệnh đi bái tứ phương, đồng truyền bảo phải sao hình khắc. Ta nay phụng Ngọc Hoàng sắc chỉ, khiến các Sao giáo hóa chúng sinh. Niệm Phật sửa lòng, ăn ở trọn luân thường trung hiếu. Chăm tu hành tích thiện, các hung tinh nào dám giáng tai ương.
Lại thấy từ sau lúc Ta thăng. Người nhân thế bị nhiều thần sát. Một trăm hai mươi bộ chiếm từng phương. Đâu chiếm năm, chiếm tháng, ngày, giờ. Thần danh ấy hại người lành quá tệ. Tới khi người thay Ta giáng thế. Chỉ dạy người niệm Phật năm câu. Các thần nhăng liền xéo đi ngay. Những hạng đó thuộc về loài chúng quỷ. Quen thói cũ, nếu còn làm bậy, sai Thiên Lôi đánh mất tích đi. Cả hai mươi tư hướng đều lành. Năm, tháng, ngày, giờ toàn không cấm kỵ.
Lại thấy người đời tin dụng địa lý, hay chọn nơi sơn thủy thanh kỳ. Hễ đồng chân huyệt chính là hay, mà sa phản thuỷ phân thời sát. Từ rầy đi, hễ làm nhà hay để mộ. Lòng chay thành niệm Phật năm câu. Thời tự nhiên nước gió hòa đều. Nhà với mộ được bình an lợi lạc.
Lại thấy cõi trần gian. Giai gái khi gả chồng dựng vợ cưới xin. Thường bị nhiều thần sát, tinh ma hay ám ảnh, hại vợ chồng con cái. Từ rầy đi, thành hôn cưới hỏi. Dậy người đều niệm Phật năm lần. Thời vợ chồng không bị khắc hình, lấy nhau được trăm năm giai lão.
Lại thấy những người tang tế. Khi ma chay, thần sát quấy rầy rà. Người chết thời thường bị sát trùng thần, ranh quỷ, nhiều khi áp xác. Rày ai chết, cứ thắp hương niệm Phật. Thời vong linh siêu thoát sinh thiên. Khỏi hung thần, cát lợi bình an, quỷ thần sái tan liền tức khắc. Nếu hung thần chẳng tuân mệnh lệnh. Sai Thiên lôi diệt tích mất tăm.
Lại thấy sổ Thiên tào biên chép. Tra dữ lành năm tháng tuần hành. Phải xét tâu vất vả cả thần linh. Nay dạy chúng, thắp hương hoa niệm Phật. Theo phận mình, trọn đường luân lý. Tội lỗi trừ, tu tỉnh hành trì. Ai có công đức, làm điều lành, khỏi phiền các Thiên tinh khả xét.
Thiên quan hết thảy đều tu chính đạo. Thời sau này hưởng thụ thanh nhàn, lại thăng tiên phẩm cao. Hưởng thiên phúc, không lao Thần Thánh nữa. Tuốt thảy cả mười phương chư Phật. Từ rầy đi công đức được viên thành. Đều sái lạc, khỏi giáng trần vất vả. Rồi tất cả đều lên chính giác, lên các tầng giời thụ phúc vô lường. Còn trần gian, hết thảy các Long thần, liệt Thánh Tiên Chân như, Chúa Tể. Đều kiến tính minh tâm thành chính quả. Hộ trì Ta giáo hoá chúng sinh, ức muôn đời, hưởng phúc hòa bình. Chứng Phật quả, viên thành chính giác. Rồi sau được Trường sinh Cực lạc. Nhưng phải siêng, chớ nhác, chớ lười. Thấy trần gian, chín tổ nhiều vong bị đọa đầy nơi địa ngục. Nay người phải hộ trì cho chúng nó vì Tổ tiên, chăm lễ Phật, dâng hương. Thời tiên linh siêu thoát Thiên Đường. Lại thương cả các cô hồn đầy đọa. Chăm niệm Phật, tụng kinh, tiến bạt. Thời độ toàn sái lạc siêu sinh. Ngươi xuống đời, nên xét cho minh, y lời dặn phụng hành ngần ấy việc.
Phẩm thứ năm
Đức Ngọc Phật bạch hỏi Thế Tôn
Khi ấy, Đức Ngọc Phật lạy Phật, kêu rằng : “Bạch Thế Tôn, đã đội ơn dặn dò các sự. Đệ tử con, nhất nhất vâng theo. Nhưng chửa biết năm tháng, ngày nào. Thời con được hạ sinh thay Phật”. Thế Tôn phán : “Ngươi vâng Ngọc chỉ, nên giáng sinh ngay”.
Ngọc Phật bạch : “Giời có khiến vị Long thần nào, cùng đệ tử giáng sinh trần thế”. Thế Tôn phán : “Nay, ngươi giáng sinh thế giới, Giời đã sai hai mươi bốn vị Thiên thần, hộ trì ngươi các việc khó khăn, ngươi xuống đấy, gặp nhiều ma nạn đó. Nhưng ngươi cứ vững lòng an quản thủ. Chẳng hề chi, cố nhẫn ấy rồi xong”.
Ngọc Phật tâu : “Bạch Thế Tôn, thảy nhân dân thế nào cứu được”. Như Lai phán : “Rộng ra nước phép thu hết lòng phải cứu chúng sinh . Ấy rồi tất cả các Long thần, tự nhiên phải đến nơi cảm ứng”. Ngọc Phật bạch : “Còn Vua các nước, cứu sao, về phép chính, vui theo”. Thế Tôn phán : “Các Sao, cũng giáng sinh lần lượt cả. Để hộ trì ngươi, giáo hóa chúng sinh. Trước tới ngay chốn đao binh. Cứu người thiện, đoạt gươm giáo, súng đạn. Rồi lại tới những nơi bệnh nạn, cứu người lành qua nạn dịch ôn. Ta truyền Ma chúng, Thần ôn phụng thiên mệnh xuống đời trừ kẻ dữ. Nêú ai đã hồi tâm tu thiện. Niệm tên Ta hay niệm tên Ngươi. Thời buông tha, chớ giáng kiếp tai. Không được trái lời Phật dạy. Nếu không theo, Thiên Lôi trừ diệt. Đều không nên bội nghịch trái lời. Các Ma vương tất thảy đã vâng rồi. Cùng bái phụng lẫn tuân lời sắc mệnh”. Thế Tôn phán : “Ngươi nay thỉnh mệnh, khi xuống đời, chớ có trái sai, thảy Long thần, Thánh chúng hộ trì ngươi. Theo xuống để tùy ngươi sai khiến, ngươi đi nhớ những lời thụ ký, chịu khó khăn, đem thiện hóa chúng sinh. Chờ sau Ta thân hạ giáng sinh. Ngươi với họ đều thành chính quả. Sau con cháu hưởng dài lâu phú quý, quyến thuộc đều nên được lương nhân. Sau thái bình thiên hạ trường xuân. Bốn mùa thảy nhân dân lạc nghiệp. Khi thánh chính chung ngự trị. Ta hạ sinh chúa vị cùng lên. Chính giáo đem cùng độ chúng sinh, phả độ cả hoàng linh giống Phật”.
Ngọc Phật bạch : “Con sinh thay Phật, chửa được tường cải chính, thế nào đây”. Thế Tôn truyền : “Ngươi giáng sinh trước Ta, cho thành Phật để ngươi thuyết pháp. Hết thảy vật hại người, không ích diệt trừ hết, hữu ích để mà thôi. Giống hại người như: chó sói, lợn lòi, hổ báo với rắn sâu, cầy cáo, ruồi muỗi, nhặng, thạch sùng, rết rắn. Những loài độc vật trừ phăng hết. Để người đời an thỏa, vui mừng. Căn ấy bởi thâu hoa nên nỗi thế”.
“Mấy nghìn năm Đức Thích Ca quản trị. Kẻ giàu sang, hèn hạ, đói nghèo. Phận thấp cao, vinh nhục chẳng đều. Sinh gian dối, hóa nhiều thân bạo tặc, trên dương đã lập nhiều giới luật, lại chốn âm ty hình pháp bày ra. Nào sách kinh khuyên dạy, mấy nghìn pho, cũng đều hóa răn trừ ác nghiệt. Chẳng qua tại thâu hoa căn đó. Hết phải chờ, khi Ta xuống giáng sinh, mở túi tiên đan thế giới hòa bình, thảy của báu ban ra đầy cõi thế. Sai tám bộ Kim Cương, mở người giời bảo khố, kho bát tiên: tuốt cả ngọc chân châu, rắc cho đời: bảo vật biết bao nhiêu, thấy nhân thế cùng nhau vui vẻ.
Bảo nhau bởi tại vì đời trước. Bởi lòng tham muôn vật, chỉ làm càn. Họa tai ương, ách nạn luôn luôn. Thương tính mệnh phải trầm luân khổ sở.
Từ nay đã ơn nhờ Phật Tổ. Châu báu cho đầy rẫy mọi nơi. Đem hương hoa, cúng dàng Phật Giời. Tự nhiên thảy ai ai giàu có cả. Chốn nào cũng hòa bình, vui thú lạ. Cõi thế gian, thụ khổ đã qua rồi.
Khi thế Tôn Di Lạc xuống đời. Khiến tất cả cõi giời người thành Cực lạc. Mười đêm ngày, mưa tuôn vàng bạc. Thóc lúa đầy khắp cả mọi nơi. Đâu đâu cũng tha hồ chi dụng.
Lại khiến hết thảy cõi đời, hết thảy các giống cây sinh ra: nếu vô ích cũng trừ cho hết. Nơi cao, chốn thấp đặt những cây có quả ngon lành: to như đấu, nhỏ như thưng để cho người ăn, hương vị ngọt ngon, sống lâu tốt đẹp. Không yếu không đau, ăn no một hôm, mấy ngày không đói.
Lại khiến những cây bông lụa mọc. Tàu lá dài to, tấm như tơ lụa. Để cho người đời lấy may quần áo. Không ai rét bức, chẳng ai đói nghèo. Người người ngay thẳng, kẻ kẻ hiền hành. Chẳng đĩ, chẳng bợm, không bậy, không đùa. Ai cũng tu hành. Người đều niệm Phật. Khiến cho người đời sống đủ ba vạn chín nghìn năm, thân hình to lớn, đẻ biết đi ngay.
Tới thời bấy giờ, muốn áo được ngay, dài ngắn như ý mình cầu. Ở đâu hóa đến, kích thước mặc vừa. Của ăn đủ thức ngon lành, như lòng mình ước, tự nhiên hóa ra. Dưới đất cũng như trên giời, cũng thụ ký: chẳng sinh, chẳng diệt. Càng rộng càng nhiều, đất khắp thơm tho, đời không uế trọc.
Những nhân dân phương thế giới khác, đều niệm tên Phật. Mong sinh nước Phật. Sau khi Phật đã giáng sinh, giáo hoá tất thảy. Người đời đều độ tuốt cả”.
Bấy giờ Phật Như Lai tâu lên Thiên Tổ chí tôn, thời Ngọc Phật được lên tầng giời Vô Cực hưởng phúc lớn vô chừng. Tự đấy về sau tất thảy mọi việc hay lạ vô chừng. Không thể nghĩ được, không thể kể xiết được.
Này, Ngọc Phật ơi! lời rất thực thà, không phải huyền hão, tin theo mà con làm.
Phẩm thứ sáu
Nói về công đức Ngọc Phật
Khi ấy Đức Thế Tôn dặn dò Ngọc Phật ghi nhớ các điều rồi. Đức Thiên Tổ và Đức Ngọc Hoàng rất hoan hỉ lắm. Tuốt thảy các tầng giời, các đức Thượng đế, với Thượng thánh, Đạo chân. Tất cả mười phương chư Phật. Các vị Bồ Tát, các bậc Thánh Tiên, đều vui mừng lắm, xúm quanh ngợi khen, thắp hương rắc hoa, cúng dàng Thế Tôn cho truyền kinh này xuống cõi phàm trần. Khiến cho tuốt thảy chúng sinh được nghe kinh này, đều muốn quy pháp chính ngay. Mong được thấy Thế Tôn. Được gặp kinh này, cả mười phương các thánh chúng đều nguyện được gặp Thế Tôn tạo nên cõi đời Cực lạc như thế.
Đang đọc thế này, tất cả các người được nghe kinh này, đều tiêu vạn tội, được sinh xuống đời. Sửa lòng tu thiện. Rồi sẽ thấy cái cảnh vui vẻ của Thế Tôn bày ra cả cõi giời người đều hưởng sung sướng. Tất cả cô hồn, được nghe kinh này, đều được lại sinh ra thân người tốt. Thực được gặp thấy cảnh vui của Phật lập thành. Tất thảy người đời ai nghe kinh này, sao chép một bản thụ trì giảng đọc. Cũng lên người lành, đến thành Phật đạo. Nếu ai lâu ngày không chán kinh, thời được khỏi tam tai, tám nạn, sau thấy cảnh vui. Tất thảy người đời, hễ ai in được trăm bản kinh này cho người, chắc thành Phật quả. Nếu lại trọn bổn phận mình, chăm tu ngay thẳng. Thời sau chính giác cũng thành. Tất cả người đời, ai theo lời kinh, giai gái cầu gì cũng được. Những các Ma vương nghe tụng kinh này, tiêu diệt tăm tích, chẳng dám quấy rầy. Những thần đất được nghe kinh này, thần hóa lên không, được cái lợi lớn. Tất thảy những người trăm hình bệnh khổ. Nên tụng kinh này, được yên vui ngay. Còn ai cúng dàng một bản, thời linh hồn được siêu thăng. Kể ra công đức kinh này, không thể nói sao cho xiết. Không nghĩ sao cho cùng cả. Các đại chúng ở các từng giời lễ bái Thế Tôn xong, rồi về cả.
Hiện bấy giờ phương Đông có: Phật Đại Minh Phật, Phật Đại Quang Phật, Phật Nhật Nguyệt, Phật Quang Vương ; Phương Nam có Đức Phật Lý Thịnh, Phật Thần Thông Quang Vương, Phật Cứu Khổ, Phật Chí Thánh Tôn. Phương Tây có Phật Di Đà, Phật Vô Lượng Thọ, Phật Đại Từ Thánh. Phương Bắc có Phật Tự Nhiên Thọ, Phật Trường Sinh Tôn. Bẩy Phật duyên sinh, Sáu Phật duyên thọ, Phật Đại An Quang. Phương trung có Phật Thanh Tịnh, Phật Vạn Thọ Chí Minh, Phật Bạch Ngọc Tôn Quang, Phật Hoàng Kim Tướng. Phương dưới cõi đời có Ba Phật Tam Nguyên, Phật Thất Thiên Nhị Bá, Phật Cao Chân Vô Lượng, với ba mươi sáu Phật, năm vua Phật Hoa Quang. Hai vua Phật Thánh Đức và Phật Chính Pháp Diệu, Phật Đại Thần Thông. Phương trên hết thẩy Phật, các từng giời vô số… Đức Bồ Tát Quán Âm, Đức Bồ Tát Phổ Hiền, Đức Văn Thù Sư Lợi, Đức Vô Trược Thiên Thân, cùng tất thảy các đại đệ tử, các thánh chúng mọi từng giời… đều vây bọc, xúm lại cúng dàng Đức Phật Thế Tôn, mà bạch rằng : “Mới rồi chúng con được nghe, những thế giới diệu lạc như thế, chưa biết đến khi nào được gặp, cùng hưởng cảnh vui thích ấy, khi chưa được nghe, vẫn thường mong mỏi. Khi đã được nghe, khao khát chừng nào. Chỉ mong Thế Tôn sớm sớm giáng sinh chóng thành lạc cảnh, được thời tốt lành ấy. Độ hết các loài chúng sinh đều được gặp thấy những cảnh cực lạc của Đức Thế Tôn. Thời lũ chúng con đều xin hết lòng dạy dỗ chúng sinh, vâng theo giáo Phật, để đợi khi Thế Tôn xuống đời”.
Bấy giờ Đức Phật Di Lặc phán bảo đại chúng rằng : “Thời đến sau khi tiêu kiếp, hơi đã an vui, Đức Tĩnh Vương quản vị, hễ ai tới trước thành cũ, ấy là chủ trị. Tới sau, ấy là thượng tướng, vương thần. Dấu ẩn giang tây, phục tinh vào tướng trong thiên hạ thái bình. Tằm già dâu thôi. Họ Hồ về cựu nguyên, Họ Lý cùng họ Bồ đánh nhau, đánh Bồ cướp lấy Tần, sau mới hỗn nhất họ Lã, Họ Tần vào nữa, bước ra hỗn chiến bốn phương. Các họ Lưu, Trương, Đỗ, Lý cùng tranh giành nhau đều chẳng ai được rồi cùng hỏng cả. Rồi sau Ta sẽ ra đời, vào khoảng năm ngựa trắng, dê trắng. Ta sẽ giáng sinh ở chốn hai làng đi lại.
Đến năm ngựa đen, Dê đen sinh ra giặc cỏ. Năm khỉ xanh, gà xanh. Thiên hạ loạn lạc. Tới năm chó đỏ, lợn đỏ, giặc cỏ dậy lên. Nơi giang nam và giang bắc bị hại rất là khổ sở. Đến năm chuột vàng, trâu vàng lại cũng tranh cạnh, giặc lại nổi lên. Đến năm Hổ trắng xuống đời, năm Thỏ trắng giáng thế, quân lớn dấy động. Hiện ở Đông Thành, trước lấy giang tả, sau lấy giang hữu. Năm rồng đen, rắn đen dần thấy rõ ràng, muôn dân chết hại quá nửa loài người. Năm ngựa xanh lên giời, thánh nhân ra đời. Chủ cũ nghìn tuổi, ba thanh về ngôi. Thu nhặt thiên hạ hết về phép chính, cửa nhà khó đóng. Năm dê xanh hoá khỉ, gà đỏ nghe bay, yến nam khổ lắm. Thiên hạ động lửa sáu phương chẳng an, năm giống lúa mất mùa. Tới năm Chó vàng, giống ma trừ hết. Năm lợn vàng hơi yên. Chuột trắng ra đời, thiên hạ hơi đã thái bình. Trẻ già mất cả, chín gái một chồng. Đến năm hổ đen xuống đời, liệu phương chủ trị. Năm Rồng xanh mới hiện giáng thế. Đến mãi năm ngựa đỏ trong thiên hạ mới thực thái bình.
Bấy giờ Ta vì vua quan các nước và hết thảy nhân dân, rộng mở dạy đạo nhiệm màu, để độ cho hết thảy thiện nam tín nữ đều thành Phật cả. Ai ai đều được sống lâu trường thọ, giàu sang vui thỏa, nhà nhà đều được sung sướng. Chẳng cấy cũng thừa thức ăn, các cây cối đều sinh quả ngon. Đời ấy rất là vui thú. Bấy giờ sau thời kỳ đổi thay thiện ác. Ta chủ trị đời, mở hai mươi vạn năm thái bình, cõi trần đều thành Cực lạc. Hết thảy nhân dân đều được hưởng thụ phúc giời. Khen ngợi chẳng xiết”.
Bấy giờ các thiên thần, Bồ tát nói rằng : “Phật dạy kinh này công đức vô lượng, hết thảy chúng sinh tin lễ kinh này”. Một lần ra vào, làm lụng nhà cửa, để mồ để mả, động thổ hưng công, trăm phần không phải kiêng kị gì nữa. Hết thảy tà ma đều tuyệt tích cả. Cô hồn kẻ mất đều được lên giời. Ra quân đánh trận tự nhiên thắng trận. Quốc vương tin dụng, thiên hạ thái bình, quan to tin lễ, tước lộc thêm tăng.
Đại chúng lễ bái, tin chịu vâng làm, các thiên thần Bồ Tát truyền dạy cõi đời. Độ cả những kẻ có duyên đều vâng lời Phật dạy, làm lễ vui vẻ.
Năm 1896 bản khắc thứ nhất được in ra, nay tại Triều nguyên động, núi La Phù còn giữ nguyên bản. Năm Canh Dần 1950 Tôn giáo Quý Nam Phật đường ở Hải Phòng cho trùng san, ông Vũ Xuân Tăng dịch ra Việt văn nhan đề là Di Lạc Độ Thế Chân Kinh do nhà in Thạnh Mậu xuất bản cuối năm Canh Dần.
Bookmarks