Kính chào quý thành viên,
Kính chào HUYNH Love-Tamlinh,

Cám ơn Huynh đã nhận lời sưu tầm thêm về cuộc đời hành đạo của các lão tiền bối trong Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tôi có thêm chi tiết về Bà Phan Thị Cảnh, thưa Huynh. Tôi xin viết ra đây như kể lại câu chuyện ngày xưa, bằng tấm lòng kính quý của tôi với Lão Tiền Bối Phan Thị Cảnh, và kính tặng câu chuyện này đến Bổn Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Nếu như quý Bạn muốn dùng câu chuyện này trên mục “Truyện Ma” thì hoan hỷ ghi tựa đề là: “Người Đàn Bà Với Chiếc Khăn Rằn Che Nữa Mặt”

Tôi viết lại theo lời kể của Ông Đ.T.N, hiện cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ. Tại vì ông N. đang chuyên tâm tu tại gia, cho nên tôi không dám nêu danh tánh, e ngại làm phiền đến ông. Xin thứ lỗi!

Vào trước năm 1945, gia đình ba má của ông N. ở Tây Ninh. Má của ông N. là bà L.T.C. mắc bịnh gan, (ông N. nói là bịnh cổ trướng), bụng phình to. Tây y thời đó “lắc đầu” rồi. May mắn thay bà C. được người giới thiệu đưa đến Bà Cảnh, lúc đó đang cùng đệ tử neo thuyền bến sông Tây Ninh. Bà Cảnh đưa bà C. lên “độn”, dưới chân Núi Bà , để điều trị bằng thuốc nam (và những khả năng đặc biệt của Bà). Đệ tử của bà Cảnh thay phiên nhau sắc thuốc cho bà C. uống, theo chỉ dẫn của Sư Phụ. Bà C. xổ dần, xổ dần, bụng từ từ xẹp xuống, bịnh thuyên giảm, rồi dứt hẳn. Năm đó bà C. độ vào tuổi 40. Sau khi được Bà Cảnh cứu bịnh, bà C. khỏe mạnh luôn, không mang tật bịnh nào khác cho đến tuổi 90. Bà C. đã mất tại California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.

Khi bà C. nằm trong “độn”, ông Đ.T.N. từ Sài Gòn lên Tây Ninh thăm má của ông. Đó cũng là nhân duyên, để sau khi viếng thăm Bà Cảnh, ông N. được Bà nhận làm đệ tử. Năm đó ông N. độ khoảng 18 tuổi.
Tuy là “đệ tử ruột” của Bà Cảnh, nhưng ông N. không học và hành nghề thuốc của Sư Phụ vì ông chuẩn bị bước vào “cái Nghề binh Nghiệp”. Ông chỉ thỉnh thoảng viếng thăm, vấn an Sư Phụ, nhận lời giáo hóa của Người, dâng tịnh tài đến Người (Sư Phụ trị bịnh không lấy tiền), nhận vài “món quà phòng thân” của Người ban cho, rồi lại đi … Lạ một nổi, lần nào đi thăm Sư Phụ, ông N. đều không có báo trước, vậy mà, lần nào cũng y lần nấy, khi leo vào đến mạn thuyền, y như rằng có người đệ tử của Sư Phụ nói với ông là: “Hồi sáng này Sư Phụ nói chuẩn bị cơm, có thằng N. xuống chơi”. Thậm chí ông N. có đi cùng với vợ con, với anh em, với cháu, với bạn … dù có bao nhiêu người, Sư Phụ đều biết và nói đệ tử làm cơm “cho đủ” để đãi khách.

Thuyền của Sư Phụ ông N. có đặt bàn thờ đơn giản. Sư Phụ ông tự tay thắp nhang lên bàn thờ mỗi tối. Sư Phụ ông có thể “nói chuyện” với những “người mà con người không nhìn thấy”. Có những chậu bông vạn thọ mà thỉnh thoảng ông N. nhìn thấy Sư Phụ dùng làm phép. Có khi ông lại thấy Sư Phụ vẽ bùa trị bịnh. Phòng thuốc nam của Sư Phụ cũng "an vị" trên thuyền. Xung quanh thuyền lớn là những thuyền bịnh nhân, thả dây tỏa chung quanh, cùng lênh đênh trên sóng nước

Vào năm 1957, Bà Phan Thị Cảnh cùng đệ tử về neo thuyền ở bến sông Long Xuyên, gần chợ cá Long Xuyên. Có một lần, mà lần này là lần “nhớ đời” của ông Đ.T.N.

Một hôm, cắc cớ chi mà… chuyện về ma thì ông được nghe kể cũng nhiều rồi, nhưng ma ra sao thì chưa bao giờ ông nhìn thấy, cho nên ông N. quyết định đi thăm Sư Phụ một chuyến, rồi xin Người hai việc: một là xin ngãi rắn, hai là xin … thấy MA. Sáng hôm sau, ông N. cùng với những người lính cận vệ và tài xế lái xe nhà binh từ Sóc Trăng đi Long Xuyên. Từ bến sông chợ cá, mọi người phải đi thuyền nhỏ mới ra đến thuyền lớn của Sư Phụ ở ngoài khơi. Quá vui vẻ vì được vấn an Sư Phụ, mấy tiếng đồng hồ bên Sư Phụ rồi mà ông vẫn chưa thỏa dạ, vừa ý. Đột nhiên, Sư Phụ ông đứng lên và nói: “Con chuẩn bị đi về đi N.!”. Ông N. thảng thốt! Hồi trước tới giờ, chưa lần nào ông đến thăm Sư Phụ mà Người nhắc nhở ông việc ra về! Vả lại, đường xa xôi, từ Sóc Trăng đến Long Xuyên phải đi qua mấy tỉnh chứ đâu có ít… Thảng thốt rồi … “quạu”, ông N. “Dạ” một tiếng rồi im ỉm … rút quân, “không thèm” hỏi xin Sư Phụ ngãi rắn, “còn nói gì” đến chuyện xin gặp ma. Ai ngờ, ông N. vừa tính leo xuống thuyền nhỏ, thì Sư Phụ nói: “Sư Phụ cho con cái này”, Sư Phụ vừa nói, vừa đưa tay vào một cái hủ, lấy ra một củ ngãi: “Đây là ngãi rắn. Nếu bị rắn cắn thì con nhai ngãi nuốt nước, bã xác thì đắp vô vết thương”. Ông N. trố mắt, nghĩ thầm: “Sư Phụ cho ngãi thì được chứ làm sao mà Sư Phụ cho thấy ma”, cho nên ông đưa hai tay cầm lấy ngãi, lạy cám ơn Sư Phụ, rồi xuống thuyền nhỏ vô bờ. Tâm trí ông cứ vẫn vơ: “Sao Sư Phụ biết mình muốn xin ngãi rắn”…

Khoảng 10 giờ 30 phút đêm hôm đó, xe chạy gần vào (vào) địa phận tỉnh Sóc Trăng. Bên phải đường xe chạy là ruộng. Tối trời, cho nên tài xế cũng chỉ cho xe chạy với tốc độ vừa phải. Bỗng nhiên, ánh đèn xe chiếu vào dáng một người đàn bà đang đi bộ. Bà ấy mặc quần đen, áo bà ba, trên đầu quấn khăn rằn. Người đàn bà không đi nép vào bờ, mà đi bang bang trên đường. Ánh đèn và động cơ xe ngay phía sau lưng cũng không khiến bà quay lại. Cho xe chạy chậm chậm người tài xế nhấn kèn... Thoắt một cái, người đàn bà quay mình, nhảy đến trước đầu xe. Tài xế đạp thắng. Xe suýt trượt xuống ruộng. Hốt hoảng, nhưng ông N. cũng còn kịp nhìn thấy gương mặt ấy quấn khăn rằn, che đi một nữa phần mặt bên phải. Người đàn bà với con mắt trái, chiếu tia nhìn lạnh lẽo, chòng chọc vào xe, rồi quay lưng, lừng lừng đi tiếp. Định thần, ông N. chợt nhớ đến ước muốn thấy ma của ông trong ngày. Ông bảo tài xế ngừng lại. Vâng lịnh ông, những người cận vệ tìm đến văn phòng nơi làng xã đó, và rồi những người có trách nhiệm đã đón khách đến nơi ngủ đêm an toàn. Sáng hôm sau, ông N. cho người tra cứu hồ sơ những nơi đã xảy ra tai nạn giao thông, và danh sách những nạn nhân tử thương, nhất là tại đoạn đường ông đã nhìn thấy người đàn bà với khăn rằn che nữa mặt kia. Kết quả, cách hôm ấy chưa trọn tháng, trên đoạn đường đó đã xảy ra tai nạn chết người. Một chiếc xe đò bị lật, khá nhiều hành khách trọng thương, trong số đó có một người tử thương. Nạn nhân là một người đàn bà bán guốc. Vì bà ngồi bên phải của dãy ghế hành khách, cho nên khi xe bị lật, bà ngã đập đầu, bể một con mắt, rồi lìa đời. Người ta đặt bà nằm xuống bên bờ ruộng, dùng chính chiếc khăn rằn của bà, nhẹ nhàng quấn lên đầu, che đi cho bà vùng con mắt bên phải. Từ hôm đó, cứ khoảng 10 giờ đêm trở đi, ai đi trên đường sẽ nhìn thấy một người đàn bà mặc quần đen, áo bà ba, với chiếc khăn rằn che nữa mặt …

Cuộc đời rày đây, mai đó, qua nhiều tỉnh huyện, ông N. thưa dần việc viếng thăm Sư Phụ. Ông được tin Sư Phụ đã tịch tại quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, nhưng không ai biết chính xác là vào năm nào.

Ông Đ.T.N. tự hào nói: “Vào thời đó, ở Tây Ninh và Long Xuyên, Bà Cô nổi tiếng lắm. Bây giờ nếu như tìm về đến Thốt Nốt, tìm những ông bà lão thành, hy vọng còn có người nhớ đến Bà Phan Thị Cảnh. Lập đi, lập lại, ông N. nói: “Tôi tin là Bà Cô phù hộ cho tôi. Tôi thoát chết nhiều trận chỉ trong đường tơ kẻ tóc. Những “món quà” mà Bà Cô cho tôi mang theo trên người đều rất là linh nghiệm. “Bà Cô” là tôi gọi theo các con của tôi, có nghĩa là “Bà Nội”. Có một lần, chỉ vào hình những tiên đồng, ngọc nữ, Bà Cô nói sẽ cho tôi hai đứa con. Tôi hy vọng trong bầy con của tôi, rồi sẽ có đứa thay tôi về đến Thốt Nốt, nơi Bà Cô nằm xuống, như chính tôi đã về tạ lỗi bên Người vậy”

Ngày 17 tháng 12 năm 2011
Trân Trọng
CUUBAOLONG