Những vụ “yểm bùa” hại nhau thương tâm và ngốc nghếch

Thứ hai, 11 Tháng 1 2010 16:26

Trò “yểm bùa” hại người khác thực chất là một chuyện mê tín, vô nghĩa. Thế nhưng có một số kẻ lợi dụng điều này để “trả” những mối thù của mình. Điều kỳ lạ và ngốc nghếch là đầu óc họ lại có thể tin và tạo ra những “vụ án” lạ lùng và đặc biệt ngốc nghếch.

Vụ án yểm bùa mộ cha để trả thù con

Ngày 16/6/2009, cơ quan CSĐT- công an huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án hi hữu: Thuê người yểm bùa lên mộ cha đẻ của đối thủ. Tiếp đó, ngày 1/8 đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Trúc, 37 tuổi, ở xóm Gia, xã Minh Tân, cùng huyện Thủy Nguyên và Nguyễn Đức Nguyên, 37 tuổi, ở xã Thiên Sơn, huyện Sơn Đông , tỉnh Bắc Giang về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được qui định tại Điều 246 bộ luật hình sự.


Điều hết sức lạ lùng là vụ việc bắt nguồn chỉ từ một vụ va chạm giao thông rất nhỏ tại đường liên thôn ở xã Minh Tân giữa chị Nguyễn Thị Trúc và anh Nguyễn Hoàng Cường- người cùng xã. Sau vụ va chạm, chị Nguyễn Thị Trúc bị thương vào mắt và cho biết đã điều trị hết khoảng 20 triệu đồng. Sau đó, chị một mực yêu cầu anh Cường phải bồi thường. Điều đáng tiếc là sự việc trên đã không đưa ra cơ quan pháp luật giải quyết dứt điểm và hai bên cứ âm thầm tự ý “ giải quyết nội bộ”. Tuy nhiên, do không có năng lực hòa giải và không thống nhất được mức bồi thường triệt để nên mâu thuẫn ngày một trầm trọng giữa hai gia đình.

Đến ngày 25/9/2008, công an huyện Thủy Nguyên nhận được đơn của anh Nguyễn Hoàng Dũng (là anh trai của Nguyễn Hoàng Cường) trình báo: Do mâu thuẫn nói trên, Nguyễn Thị Trúc đã trả thù bằng cách thuê Nguyễn Đức Nguyên làm nghề thầy cúng ở tỉnh Bắc Giang về lén lút yểm bùa nhằm gây hại cho gia đình anh Cường. “thầy” Nguyên đã yểm 1 lá bùa trong đó có cài 7 chiếc kim vào bát hương ban thờ gia đình anh Dũng. Đồng thời, gã thầy cúng này còn tự tay đóng 1 cọc tre, 2 cọc sắt và 1 lưỡi dao nhọn xuống đỉnh mộ bố đẻ anh Dũng là ông Nguyễn Hoàng Thưởng (mộ mới sang cát còn đắp đất, chưa xây kiên cố).

Tại cơ quan công an, Nguyễn Đức Nguyên khai nhận, đầu tháng 5/2008, ông ta đã được chị Nguyễn Thị Trúc trả 3.600.000 đ thuê thực hiện các hành vi xâm phạm mồ mả ông Nguyễn Hoàng Thưởng. Đối tượng Trúc và Nguyên cho rằng nếu yểm bùa sẽ “làm tâm linh ông Thưởng nóng lên và ông sẽ bằng cách nào đó quở trách con cháu trong gia đình”. Vụ án là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ hám tiền như Nguyễn Đức Nguyên và có tâm địa xấu như Nguyễn Thị Trúc, muốn thỏa mãn ý đồ trả thù cá nhân dẫn đến vi phạm pháp luật.

Vụ án đánh chết hàng xóm do nghi ngờ bị yểm bùa
Vào tháng 4/2007, Lý Diếu Sin (bản Hoàng Liên Sơn II, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu) có cô con gái thứ ba bị ốm nặng nên đã mời thầy cúng là ông Phùng Vần Sài đến nhà xem bói. Trong que bói này, thầy bói Sài đã phán rằng con gái của Sin bị ốm là do bị hàng xóm làm ma chài hãm hại, yểm bùa để hành hạ...Sin đã ngày đêm suy nghĩ xem hàng xóm xung quanh ai là người có thù oán với nhà mình. Sin nghĩ rằng vì trước đây mẹ của chị Mẩy- một người hàng xóm cũng từng là thầy cúng nên Sin nghĩ rằng những lời phán đoán của thầy cúng là đúng...

Sau khi có đầy đủ tài liệu khẳng định hành vi phạm tội của Sin, bên cạnh việc rà soát theo mối quan hệ của anh ta, lực lượng của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14), công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an huyện Phong Thổ đã động viên, thuyết phục gia đình Sin đưa anh ta đến cơ quan Công an đầu thú.

21h ngày 28/9, Lý Diếu Sin đã đến cơ quan công an đầu thú, giao nộp 2 khẩu súng kíp, trong đó có khẩu súng, anh ta dùng làm phương tiện gây án và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội: Sau khi nghe lời thầy bói, bản thân Sin cũng tự xem bói cho mình và Sin càng tin rằng thầy bói nói đúng. Sau khi con gái anh ta chết, Sin luôn bị ám ảnh bởi những lời nói đó, cộng với nỗi thương nhớ con đã khiến anh ta không làm chủ được hành vi của mình.

Sáng 19/9, khi hai vợ chồng Sin trên đường đi làm nương, Sin phát hiện chị Mẩy cũng địu con, vác cuốc đi làm. Lúc này, máu nóng trong người và ý đồ trả thù bốc lên, Sin nói dối vợ là mệt, về trông nhà nhưng thực chất là về nhà lấy súng kíp, rắp tâm hãm hại chị Mẩy...Sau khi về lấy được súng, Sin đã nấp vào bụi rậm rồi dùng súng kíp bắn vào người chị Mẩy. Sau khi gây án, không biết chị Tẩn Lở Mẩy. Có chết hay không nhưng Sin sợ hãi nên bỏ trốn...

Vụ án mạng này một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho những người dân còn u mê, tin theo tập tục lạc hậu.

“Sên bùa” chữa bệnh
Nguyễn Thị Chơn, sinh năm 1961, vốn là nông dân ngụ tại số nhà 220 đường 833 phố Phú Nhơn, phường 5, thị xã Tân An. Khoảng năm 1990, bà Chơn bị lên cơn ngáp dữ dội kéo dài trong nhiều ngày, sau đó giọng nói chuyển từ nữ sang nam.

Giữa năm 2003, bà Chơn tự xưng là “Cậu Mười”- một “tiên đồng” ở trên trời xuống mượn xác bà Chơn để cứu nhân độ thế, có phép thuật trị bệnh siêu phàm, nhất là những chứng bệnh mà giới y học phải bó tay. Việc trị bệnh của Bà Chơn rất khác người. Ngoài việc lên đồng, nhập xác, “cậu Mười” còn bày ra việc “sên bùa” vào nữ trang của con bệnh và bán thuốc rượu với giá 150.000-200.000 đồng/thang.

Phương pháp “sên bùa” là người bệnh phải đưa cho thày sợi dây chuyền từ 2 chỉ vàng chở lên để làm phép và được hứa hẹn là 1 tuần sau sẽ trả. Tuy nhiên, không bệnh nhân nào lấy lại được những gì đã gửi vào tay bà. Có người xót của đến đòi thì bị dọa là thày sẽ yểm bùa cho vỡ bụng, người ở xa không tiện tới lui nên đành chịu mất. Danh sách những người đưa vàng để cậu Mười “sên bùa” không đếm xuể, người ít nhất cũng mất hơn 1 triệu đồng, người mất nhiều lên tới 20 triệu đồng.

Công an thị xã Tân An đã khởi tố bà Chơn về tội hành nghề mê tín dị đoan và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.

Vụ án yểm bùa tìm vàng
Ngày 25/1/2005, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tiếp 4 công dân: Vi Quốc Tuyên, Vi Đức Tuyền, Vi Cảnh Tiên, Vi Hồng Tiến (trú xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đến trình báo là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Vào khoảng tháng 8/2004, họ tình cờ gặp Trần Thị Xuân, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Theo Xuân, trong vườn nhà ông Vi Đình Hạnh (bố của 4 người nói trên) có chôn giấu nhiều vàng bạc, châu báu...để tăng thêm niềm tin, bà ta còn đưa cho xem những quyển sách chữ Nho và nói đó là tài liệu chỉ dẫn nơi chôn giấu vàng của một thày Tàu để lại từ thời còn chiến tranh loạn lạc, dặn sau này hòa bình hãy đến khai quật. Tin lời Xuân, ông Vi Đình Hạnh và người 6 người con mời Xuân ở lại để đào vườn, yểm bùa tìm vàng.

Đêm xuống, Xuân sai một số tay chân cùng tham gia đào đào 3 hố sâu trong vườn nhà ông Hạnh. Mọi thành viên trong gia đình không được phép lại gần. Đào được một lát, Xuân giơ lên cho mọi người một cục kim loại màu vàng rồi nhanh tay cất vào túi. Tranh tối tranh sáng, mọi người trong gia đình ông Hạnh chỉ kịp nhìn thấy ánh vàng lóe lên chứ chẳng biết cục vàng tròn hay méo ra sao.

Suốt đêm đào bới, thỉnh thoảng Xuân lại đưa cho mọi người xem một số nhẫn vàng, dây chuyền vàng, dê vàng, cóc vàng...Số vàng đào được bà ta gói kỹ, vẽ chữ nhằng nhịt bên ngoài và tuyên bố nếu ai giở ra sẽ bị chết đột tử. Nếu gia đình ông Hạnh muốn được số vàng đó thì phải đua cho số tiền lớn để Xuân đi đền chùa ở Nghệ An, Nam Định, cầu cúng cho họ. Từ tháng 8/2004 đến đầu tháng 1/2005, ông Hạnh và 6 người con dồn tiền đưa cho Xuân. Mỗi lần đi cầu cúng về, bà ta lại đưa cho họ một vài bọc giấy được gói kín và tuyên bố đó là tiền của gia đình nhưng đã yểm bùa không ai được phép mở.



Số tiền dồn cho Xuân đã hơn 500 triệu đồng, gia cảnh ông Hạnh và các con lâm vào tình trạng bần hàn. Nhìn những bọc vàng, tiền được yểm bùa ngồn ngộn trên ban thờ mà lòng sốt ruột, các con ông Hạnh đánh liều mở một vài bọc tiền lấy tiêu nhưng phát hiện toàn đô la âm phủ, vàng giả.

Tại nhà ông Hạnh, các trinh sát đã thu gần 7kg kim loại màu vàng dưới dạng nhẫn, dây chuyền, trâu, dê, đôla giả...được bọc gói kỹ lưỡng. Đặc biệt kiểm tra nồi đồng mà Xuân nói chứa vàng được gia đình ông Hạnh giấu kỹ trong tủ thì phát hiện trong nồi toàn đất.

Anh Tuyên, con ông Hạnh, cho biết Xuân hẹn chiều 25/1 gia đình đem 50 triệu đồng ra Hà Nội đưa cho bà ta. Theo chân các thành viên trong gia đình, các trinh sát bí mật tiếp cận bắt Xuân.

Sáng 26/1, lệnh khám xét khẩn cấp nơi cư trú của Xuân đã được thực thi. Tại nhà trọ của Xuân ở phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, trinh sát thu 1 bộ quân phục với cấp hàm trung tá; khoảng 10 kg nhẫn, dây chuyền màu vàng và một số vật chứng có liên quan đến vụ án.

Xuân khai nhận còn lừa đảo gia đình bà Lê Thị Sàng, trú Sóc Sơn, Hà Nội. Tại nhà bà Sàng, các trinh sát mở các bọc tiền vàng trên ban thờ và thông báo tất cả là đồ giả. Bà Sàng đã ngất sỉu bởi không tin đó là sự thực. Khi tỉnh lại bà khai báo đã bị lừa trên 200 triệu đồng.

Thủ đoạn của Xuân là lang thang những khu vực thưa thớt dân cư thấy gia đình nào có điều kiện kinh tế khá giả liền lân la đến nói đất của họ có chôn vàng. Để tạo lòng tin, bà ta dùng những quyển sách chữ Nho và giải thích đó là do thày Tàu để lại trong đó có sơ đồ chỉ dẫn. Ai cả tin sẽ mời Xuân về cúng bái yểm bùa tìm chỗ chôn giấu vàng. Bà thường lợi dụng đêm tối để đào đất tìm vàng. Trong lúc đào không cho người thân trong gia đình đến gần, thỉnh thoảng Xuân và đồng bọn lại đưa cho người nhà xem kiếm, cóc, nhẫn màu vàng được giấu sẵn trong người...Ngoài ra, Xuân giả dạng làm trung tá quân đội để tăng thêm uy tín với gia đình bị hại.

Lá bùa yêu ngốc nghếch của sinh viên
Phước hiện đang là sinh viên trường CĐ TNMT. Bạn bè cấp 3 của cậu giờ mỗi lần gặp lại đều mang chuyện yểm bùa ra trêu. Chẳng là Phước luôn luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Nhưng tự dưng cuối năm lớp 12, cậu học sút hẳn. Người thì cứ đờ ra như người mất hồn, lúc nào cũng như đi trên mây. Gia đình, bạn bè và thầy cô thấy vậy rất lo lắng. Năm cuối cấp rồi mà không học hành thì chết, thi tốt nghiệp rồi thi đại học làm sao được.

Gặng hỏi mãi, cậu mới nói thật chuyện tình cảm của mình. Thì ra, Phước đã thầm thương trộm nhớ một cô bạn học lớp Văn có tên Minh Châu. Đó là một bạn gái được coi là hoa khôi của trường với đoi mắt sáng long lanh. Không chỉ xinh, Châu còn học rất giỏi, mấy lần đạt thủ khoa trong các kì thi học sinh giỏi Văn của thành phố. Không riêng gì Phước, mà rất nhiều nam sinh trong trường đều mất ăn mất ngủ vì người bạn gái ấy. Nhưng Châu đã có bạn trai, anh chàng kia rất đẹp trai và giàu có.

So với chàng trai kia, Phước tự nhận minh là yếu thế hoàn toàn. Hàng đêm, cậu gần như phát điên khi mở vở ra học bài nhưng lại nhìn thấy hình ảnh người con gái đó chiếm chọn cả trang sách. Mọi lỗ lực của cậu đều trở nên vô ích khi cô gái không hề chú ý đến một chàng trai vốn không có gì nổi trội về mặt học tập, ngoại hình, tính cách như Phước. Nhưng Phước không không bỏ cuộc. Cậu ấy ngày đêm tìm cách lấy lòng và chiếm trái tim người đẹp. Gọi điện thì Châu không nghe, viết thư cô ấy cũng không trả lời. Nhiều lần Phước sang tận lớp mời Châu đi uống nước rồi tặng hoa, tặng quà, Châu đều khéo léo từ chối.

Bẵng đi một thời gian, bỗng Phước reo lên “tao đã có cách rồi. Chắc chắn, Châu sẽ bỏ người yêu để đến với tao!” thế là sau hôm ấy, Phước cứ lẽo đẽo theo Châu như một cái bóng, khi tan học, trên đường đi học rồi trước cửa nhà Châu, Phước luôn lặng lẽ theo sau quan sát...kể cả lúc Châu vào hàng cắt tóc cùng người yêu, Phước cũng lặng lẽ đứng bên ngoài chờ đợi. Khi châu và người yêu ra về, Phước cũng vào hàng đê nghị được cắt tóc. Thừa lúc cửa hàng vắng khách, anh chủ đi lấy tấm khăn khô, phước lén lút chạy lại góc nhà vơ vội nắm tóc rối mà Châu vừa cắt. Khi quay lại bắt gặp ánh mắt nhìn tò mò của anh chủ, Phước ngượng chín cả mặt đành phải chống chế: cho em xin nhúm tóc này về cho đứa em gái làm tóc cho búp bê. Thời điểm ấy, mọi người ai cũng tưởng rằng Phước “có vấn đề” bởi những hành động kì cục của cậu ấy.

Về nhà, Phước chọn ra 9 sợi tóc khỏe và bóng bẩy nhất của Châu, đợi đúng lúc 12h đêm ngày trăng rằm, kẹp vào trong một chiếc bùa có những hình vẽ âm dương kì quái rồi đọc thần chú, vừa đọc vừa mang lửa ra đốt lên. Khi cả tóc và bùa đều cháy hết thì lấy tro hòa vào nước mưa. Sau ấy, để thêm 9 ngày 9 đêm nữa thì uống vào bụng nhưng cả ngày hôm ấy không được phép ăn bất cứ thứ gì, nếu không sẽ phản tác dụng. Nếu nhịn được qua 12h đêm thì Phước sẽ được Châu yêu thương tha thiết, không gì ngăn cản được!

Sau khi uống thứ nước đặc biệt ấy thì Phước hả hê lắm, vui ra mặt. Phước đi học nhưng cứ nhấp nhổm chờ đợi Châu sẽ sang tìm thổ lộ tình cảm với mình. Nhưng mãi đến giờ đi học chiều, Phước vẫn không thấy Châu có động tĩnh gì. Lúc trưa gặp Châu ở nhà xe, cô ấy vẫn còn tránh mặt Phước. Đến cuối buổi học chiều hôm ấy, Phước bị tụt huyết áp, ngất , phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Cấp cứu xong, mọi người mua đồ ăn cho Phước nhưng cậu vẫn khăng khăng không chịu ăn, phải đợi qua 12h đêm nay để bùa có tác dụng.

Mấy hôm sau rồi đến cả tháng vẫn chẳng thấy Châu có phản ứng tích cực gì với Phước. Sau vụ bùa yêu thất bại ấy, mãi sau này gia đình mới biết cậu đã lấy tiền quỹ lớp gần 5 triệu để đi mua bùa của một ông già vùng rừng núi Tân Sơn-Phú Thọ. Năm ấy, Phước xếp loại tốt nghiệp trung bình, cậu thi đại học nhưng không đỗ. May mà còn đỗ được trường cao đẳng, chứ nếu không thì “ân hận” lắm-Phước nói.

Lá bùa 5 triệu đồng hại tình nhân của vợ
Ông Nhiều (Long Biên-Hà Nội) năm nay đã ngoài 60 mà vợ mới chưa đầy 40. Bà lại có cửa hàng bán quần áo ngoài chợ nên rất diện. Hôm nào bà cũng quần là áo lượt, trang điểm kĩ càng, tóc nhuộm vàng uốn xoăn rất đẹp rồi mới đi chợ. Đến 7h tối bà về, bỏ ông lủi thủi ở nhà một mình. Ông Nhiều sinh nghi vợ có bồ nhưng vì sợ vợ nên không dám thể hiện trước mặt. Ông quyết tâm đi rình vợ.

Sau mấy ngày “phục kích” ở cổng chợ, ông được tận mắt chứng kiến vợ mình trưa nào cũng vào một quán ăn với...anh chàng hàng xóm, sau đó họ đi uống cà phê...Ông nhiều tức nổ đom đóm mắt mà không dám “dạy vợ” ra mặt. Sau mấy ngày mất ăn mất ngủ bàn mưu tính kế, ông lẳng lặng khăn gói lên vùng Mai Châu-Hòa Bình tìm vào mấy bản người Mường nhờ các thầy bùa chú giúp sức.

Gặp thầy rồi, ông Nhiều hứa sẽ chi cho thầy 5 triệu đồng mong thầy tìm cách làm cho tình nhân của vợ ông bị bệnh để vợ ông về với ông. Ông thầy sau khi huênh hoang khoe mình có thể làm được các loại bùa yêu, bùa ghét, bùa đòi nợ, bùa cho người hư hỏng trở thành ngoan ngoãn...liền đưa tờ giấy xé nham nhở và cái bút bảo viết tên “thằng cắm sừng” và tên người vợ vào.

Sau đó thầy lôi ra cái đĩa đựng mấy thanh tre vót nhẵn, thầy giải thích về đường âm dương, rồi bắt đặt vào đĩa cục tiền 5 triệu đồng. Tiếp đến, thầy thắp hương khấn vái rồi cầm tờ giấy ghi tên ra sau bếp. Một lúc sau thầy quay lại.

Lúc này tờ giấy viết tên đã được “yểm bùa” và được nhét trong tờ giấy bạc 10 nghìn đồng, thầy dặn về nhà phải cho cái bùa xuống dưới gối vợ nằm. Sau đó, thầy quay sang bên cái đĩa đặt sẵn một cái thủ lợn đã bị thui đen rồi châm một cái kim đã mốc gỉ vào đúng mồm thủ lợn, đọc thần chú 9 lần; “hỡi đấng tối cao! Hãy giúp con loại bỏ hắn.

Hắn là một sai lầm của tạo hóa. Một người xấu xa như hắn không thể sống thảnh thơi trên cõi đời. Tạ ơn Người”. Ngoài ra, thầy còn dặn ông Nhiều phải dán 3 lá bùa có hình âm-dương ở cửa phòng thờ, phòng ngủ và phòng vệ sinh và sáng nào cũng phải thắp hương khấn vái. Nếu làm đúng thế, 3 hôm sau tình nhân của vợ sẽ bị bệnh ốm mà chết và người vợ sẽ tự động quay về với ông. Nếu không đúng cứ quay lại đây, thầy sẽ làm bùa khác!!! Toàn bộ công đoạn làm nèm của thầy diễn ra chưa đầy 10 phút nhẹ nhàng, đơn giản nhưng khiến ông Nhiều tin sái cổ. Để tăng độ tin tưởng với ông Nhiều, thầy cho ông hay thầy đã làm “nghề” này được hơn 30 năm. Thầy phải mất 7 năm mới thành nghề, mà mỗi năm ông chỉ được học có...1 tiếng từ lúc giao thừa đến 1 giờ sáng và đây là nghề gia truyền của thầy.



Về phần ông Nhiều, ông hăm hở cho bùa xuống dưới gối vợ nằm, lẳng lặng theo dõi nhà ông hàng xóm và sự thay đổi của vợ. Sáng ngày thứ hai, bà vợ kêu mệt, không đi chợ được. Ông Nhiều vui ra mặt, nghĩ là bùa bắt đầu có tác dụng. Nhưng đến hôm sau, rồi cả tuần sau, ông Nhiều vẫn không thấy người hàng xóm bị ốm và vợ có thay đổi gì, ông đâm lo. Ông lại khăn gói lên Mai Châu lần nữa tìm gặp thầy.

Nhưng khi lên đến nơi, người nhà của thầy cho hay thầy đã vào trong núi, không biết đến khi nào mới ra. Ông Nhiều ở lại bản đợi thầy được dăm hôm thì sốt ruột quay trở về. Bà vợ hàng ngày vẫn đi từ sáng, vận quần áo đẹp và đi ăn trưa với anh hàng xóm, đến tối mới về. Còn ông Nhiều thì mất 5 triệu đồng cho mấy lá bùa âm dương chẳng đâu vào đâu nhưng không dám chia sẻ với ai. Ông sợ mọi người mắng ngần này tuổi đầu, đầu hai thứ tóc rồi mà vẫn còn tin vào mấy trò trẻ con.

Xã hội ngày càng trở nên hiện đại, khoa học cũng đã phát triển hơn xưa rất nhiều. Loài người cũng đã chứng minh được rằng bùa chú chỉ là những trò mê tín dị đoan và không có thật. Nhưng có nhiều người do hiểu biết hạn chế hoặc quá tin vào những điều không có thực đã dùng bùa chú để làm những việc không hay.

Kết quả là những người ấy đã gánh lấy hậu quả cho mình. Đó quả thực là những hậu quả không đáng có, sự việc chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được bằng những cách cư xử có văn hóa. Nhưng câu chuyện yểm bùa lên mộ cha đẻ của đối thủ hòng trả thù vì một lý do hết sức vớ vẩn là câu chuyện nực cười nhưng cũng đầy chua xót. Và câu chuyện giết người vì nghi ngờ bị yểm bùa quả thực đã gây nhiều hoang mang cho bà con vùng cao. Chắc chắn, pháp luật sẽ không tha thứ cho những hành động vô văn hóa và đi ngước lại với truyền thống tôn trọng tổ tiên và đạo lí làm người của dân tộc ta.

Theo Đỗ Chí Hòa / Báo pháp luật & cuộc sống