· Chân lý là gì? Mọi người tuy hiểu chân lý là sự thật, song hình dung trong nhận thức lại thật là trừu tượng, lờ mờ. Mặc dù vậy, ánh sáng của chân lý vẫn luôn hấp dẫn. Bằng chứng về điều đó là những câu nói cửa miệng ở mọi người như “Tôi luôn luôn đứng về chân lý”, “Tôi luôn luôn bênh vực chân lý”, “Tôi luôn luôn hành động theo chân lý” vân vân và vân vân...

Vậy chân lý là gì, là ai? Có bao nhiêu loại chân lý?

Chân lý là gốc của các quy luật. Có bốn loại chân lý: chân lý Tuyệt đối, chân lý Tuyệt đối tương đối, chân lý Tương đối tuyệt đối và chân lý Tương đối. Chân lý không biến đổi theo thời gian và không gian.

Nhiều người nghĩ rằng, đạo Phật chỉ nằm gọn trong những quyển Kinh, ngôi chùa và ở đảm người mê tín dị đoan. Và họ chống đối một cách mù quáng, đến mức không biết rõ mình đang chống cái gì! Thử hỏi những quyển Kinh được viết từ thời nào? Cách đây hơn 2500 năm. Khi đó trình độ hiểu biết của loài người có giống như bây giờ không? Thật là đáng thương cho những kẻ chấp vào đó! Họ có biết đâu rằng: những lời nói của Phật, những quyển Kinh... là các “pháp” tương đối. Các “pháp” tương đối chịu chi phối bởi quy luật vô thường, quy luật bất định. “Chính Kinh” vừa ban ra đã bị biến đổi ngay! Sự thay đổi của các “pháp” tương đối phụ thuộc vào hệ quy chiếu thời gian ở chúng sinh, nghĩa là phụ thuộc năng lượng ở mỗi người (trong trường hợp này “Đức” là năng lượng). Năng lượng càng nhỏ thì giá trị ổn định của các “pháp” đó càng kéo dài đối với họ. Và đến bây giờ, sau hơn 2500 năm, sự biến dịch của “chính Kinh” đã đến giới hạn suy mạt. Bất kể ai chấp vào các “chính Kinh” đã suy mạt để hành động, dù với mục đích gì, đều không tuân theo các quy luật. Bởi vậy, “Chu kỳ cũ” phải kết thúc để chuyển sang “Chu kỳ mới” với “chính Kinh mới”. “Chính Kinh mới” không chỉ là những “pháp” ngôn ngữ mới, diễn đạt các chân lý không thay đổi theo thời gian ở “chính Kinh cũ”, mà “chính Kinh mới” còn phải đề cập đến những biểu hiện mới của các quy luật và thích hợp với trình độ nhận biết, nhận thức của chúng sinh ở thời kỳ hiện tại. “Chính Kinh mới” là bó đuốc soi đường cho loài người đi đến những sự hoàn thiện mới.

Ở mỗi con người có những căn nghiệp khác nhau, có trình độ nhận thức và giác ngộ khác nhau, nên cần phải có nhiều “chính đạo”, nhiều bó đuốc to, nhỏ dẫn đường cho họ. Song, tất cả các chính đạo, dù là đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay đạo Hồi... cũng là những phần trong một tổng thể hài hoà, đưa con người vượt qua những không gian đen tối đến sự giác ngộ.

Chỉ qua sự dạy bảo, chỉ dẫn của chân lý, con người mới hiểu về chính bản thân mình.

Con người là sự sáng tạo. Nói đến sự sáng tạo là nói đến một sự chưa hoàn tất. Cũng vậy, nói con người là sự sáng tạo tức là nói đến tính chưa hoàn thiện ở con người. Với tính mục đích tạo ra các không gian để con người phải đi qua trong nhiều kiếp và rèn luyện vô lượng các cá tính, các đặc điểm của mình, các quy luật luân hồi và nhân quả có bản chất là quy luật về không gian. Mỗi một hoàn cảnh được tạo ra để rèn một vài đặc điểm chưa hoàn thiện. Và Trần gian là nơi để ném các chúng sinh vào thử thách. Chính vì vậy, con người chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ở trong sự tu luyện. Khi họ vượt qua quy luật, tức là vượt qua các không gian đó, thì họ đạt tới những sự hoàn thiện nhỏ. Hoàn thiện lớn hơn bao gồm nhiều hoàn thiện nhỏ.

Con người là tổng hợp các quy luật. Con người bị vô lượng các quy luật điều khiển, nên mỗi người chính là một hệ bị động. Nhưng con người lại ảo tưởng, tự cho mình là chủ thể, chi phối được vạn vật thiên nhiên và dẫn đến một thói quen là tất cả phải thoả mãn cho mình! Đó là nguyên nhân gốc rễ dẫn chúng sinh đắm say vào ngũ dục, tham-sân-si...

Cái “tôi”, hay còn được gọi là cái “giả ngã” mang tính chủ thể của con người, chỉ là một “pháp” tương đối phụ thuộc vào các quy luật tính mục đích, quy luật so sánh, quy luật bất định, quy luật bất thường... Cái “tôi” là thuộc tính của sự vô minh. Đó cũng là cơ sở của “lý thuyết vô ngã” - nền tảng của con đường đưa con người đi tới sự giải thoát hoàn toàn khỏi các “pháp” tương đối, đưa chúng sinh đi đến hạnh phúc vĩnh viễn...