Tiết lộ “Dấu chân người tuyết trên dãy Himalaya” - 25/9/2007 10h:16

“Trong chuyến thám hiểu Everest năm 1951, tôi và 2 người bạn Sen Tensing và Shipton tình cờ bắt gặp những dấu chân khổng lồ này trên dãy Himalaya, phần giáp ranh biên giới Nepal và Tây Tạng ở độ cao 5.000 mét. Căn cứ vào độ lớn và chiều sâu, có thể khẳng định đây không phải dấu vết của bất cứ sinh vật nào mà loài người từng biết tới...

Không mang theo bất cứ công cụ đo đạc nào trong tay, chúng tôi chỉ có thể ước chừng độ sâu khoảng 5-10 phân, chiều dài tương đương ủng sục tuyết, nghĩa là khoảng 30-35 cm còn bề rộng thì gần gấp đôi (8-10 cm). Đáng chú ý là vết chân để lại những miếng cắt rất “ngọt” trên lớp băng trong như pha lê, trong đó ngón chân cái hằn in rõ nhất, ba (hoặc bốn) ngón còn lại thì mờ nhạt hơn.

Để làm bằng, ông bạn Shipton của tôi quyết định chụp lại 4 tấm ảnh: hai tấm chụp xa, dấu chân hơi mờ nhưng bù lại có kèm toàn bộ người tôi, dấu chân và balô của tôi để làm ước lượng so sánh. Hai chiếc còn lại thì rõ hơn, một chiếc cận cảnh với cái mỏ phá băng, chiếc kia với dấu ủng sục tuyết…”


Dấu chân Người tuyết chụp cận cảnh. (Ảnh: metro.co.uk).

Đó là những lời tựa đằng sau tấm ảnh do nhà thám hiểu Tom Bourdillon gửi cho một người bạn có tên Michael John Davies vào đầu những năm 1950. Bức hình mang tính tư liệu quý giá được lưu truyền trong dòng họ nhà Davies kể từ đó cho đến hôm 26/9/2007 thì chính thức được đem ra đấu giá.

Christie's - đơn vị tổ chức đấu giá danh tiếng của nước Anh sẽ đứng ra chủ trì sự kiện này. Theo ước tính, tấm hình sẽ đem về cho chủ nhân của nó khoảng 1.800 - 2.500 bảng Anh.

Sau khi lộ diện, bức ảnh “Dấu chân người tuyết” của Shipton ngay lập tức lại hâm nóng lên những đồn thổi hư thực xung quanh sự tồn tại của Yeti, hay còn gọi là Người tuyết - sinh vật khổng lồ bí ẩn bắt đầu được lưu truyền từ đầu thế kỷ 19, chính xác là từ sau cuộc chạm trán của nhà thám hiểm N.A. Tombazi trên đỉnh núi Sikkim Himalaya vào năm 1925.

Một pha đụng độ không kém phần giật gân khác được ghi nhận vào năm 1952 trên một khe núi hẹp giữa hai con sông băng Ngojumba và Khumbu. Trong cuốn tự sự “Thám hiểm núi cao” xuất bản năm 1955, tác giả Edmund Hillary kể: “Khi chúng tôi đang trườn xuống một triền đá dốc đứng, đột ngột Pemba (tên người thổ dân dẫn đường) túm được cái gì đó và tỏ ra vô cùng hưng phấn.

Trước sự tò mò của tôi, anh ta chìa ra một nắm tóc đen - chưa thấy tóc hay lông của sinh vật nào dầy và thô ráp như thế, trông như thể rễ tre - và không ngừng kêu lớn “Yeti, Sahib! Yeti!”. Thật kỳ lạ là dấu vết của Yeti lại xuất hiện ở nơi có độ cao hơn 5.500 mét - bởi sinh vật huyền bí này vốn được cho là không có khả năng leo trèo”.

Hải Minh


Theo Christies