Sự thật về “thần dược” của “người giời”
Thứ Hai, 20/07/2009 --- cập nhật 08:50 GMT+7


Vị thuốc mà ông lang phát cho mọi người đều giống nhau, nhưng bệnh nhân tin rằng “người giời” đã “truyền phép” vào thuốc.




Ngày trước, “thần y” Lý Quang Tiên sau khi xát “lá thần” vào sống lưng người bệnh, sờ nắn lưng, bụng, rồi đọc hàng loạt bệnh tật, nhưng giờ bệnh nhân đông quá, nên thời gian khám cũng rút lại rất ngắn.


Sau khi quẹt “lá thần” vào lưng, ấn một cái vào sườn, “người giời” không nói câu nào mà chỉ tay vào bụng, vào ngực, vào chân, vào vai… bệnh nhân. Bệnh nhân tự hiểu, khi “thần y” chỉ vào lưng thì có nghĩa là đau lưng, chỉ vào bụng thì có bệnh trong bụng, chỉ vào đầu thì bệnh liên quan đến thần kinh…




Xưởng chế biến thuốc hay xưởng chế biến gỗ?





Chỉ trỏ chỗ có bệnh xong, “thần y” quẳng cho bệnh nhân một túi “thuốc” mà đám nhân viên vừa chặt chém, đóng gói chuyển ra. Người bệnh không dám hỏi thêm câu nào, tự đặt 10 ngàn đồng lên mặt bàn. Nếu ai hỏi, “thần y” sẽ nổi giận mắng xa xả: “Ta chỉ vào chỗ nào tức là bệnh ở chỗ đó. Hỏi lắm làm gì, cứ đem thuốc về uống là khỏi hết. Mỗi ngày ta khám cho hàng ngàn người, ai cũng hỏi thì ta chết mệt à?”.



Mỗi lần xếp hàng chầu chực có khi vài ngày, song bệnh nhân chỉ được “thần y” ban cho một bịch thuốc. “Thần y” thường dặn bệnh nhân: “Muốn khỏi bệnh phải thành tâm. Bệnh nhẹ thì lấy thuốc vài ba lần là khỏi, còn bệnh nặng thì phải lấy 5 đến 10 lần”. Nghĩ đến cảnh xếp hàng cả ngày, thậm chí mấy ngày mới lấy được một thang thuốc mà phát ngán, song ai cũng hy vọng vào ông “người giời” này nên đều chịu khó và thành tâm.





Những ngày đông bệnh nhân, ôtô xếp hàng như tắc đường ở Quốc lộ. (Ảnh: MP).





Mặc dù giá một thang thuốc chẳng đáng là bao, nhưng chi phí đi lại, ăn ở khá tốn kém, thành ra, để có được một “gói củi” ấy, bệnh nhân phải tốn hàng trăm ngàn đồng, thậm chí tiền triệu.



Nhưng chỉ cần thu 10 ngàn đồng một gói thuốc, mỗi ngày, với trên dưới 1.000 bệnh nhân, ông “người giời” này cũng bỏ túi 10 triệu đồng. Trừ chi phí mua “củi”, thuê người bổ củi, chặt nhỏ, thì vẫn để ra được 5 đến 7 triệu đồng.



Bệnh nhân được “thần y” phát thuốc đều sung sướng khôn tả, chẳng khác nào có được “thần dược”. Họ giấu ngay thuốc đi, không cho ai động vào, thậm chí nhìn thấy thuốc, vì theo “thần y”, người khác động vào sẽ… mất thiêng!





Được "thần y" ban thuốc, bệnh nhân giấu ngay, không cho ai nhìn thấy.




Tôi vào khám bệnh, sau khi chỉ trỏ khắp nơi trên cơ thể, ông lang này đưa cho tôi gói “thần dược” giống hệt của những bệnh nhân khác. Mang ra xem, chỉ thấy có 3 loại cây khác nhau, vừa được băm, vẫn còn rỉ nhựa. Vậy nhưng, các bệnh nhân đều khẳng định rằng, khi sắc lên, mỗi thang thuốc đều có màu sắc khác nhau.



Ai cũng biết vị thuốc mà ông lang này phát cho hàng vạn người đều giống nhau, nhưng họ tin “người giời” đã “truyền phép” vào thuốc.





Ai cũng tin "người giời" đã "truyền phép" vào "đống củi" này.





Tôi mang túi “thần dược” mà “người giời” ban cho, tìm gặp anh Đào Văn Hạnh, Trưởng Trạm y tế xã Yên Kiện. Nhìn bịch thuốc, anh Hạnh khẳng định ngay, “thần dược” mà ông lang Tiên bốc là ba loại cây rừng gồm đáng trắng (thuộc họ ngũ da bì), móc diều và ớt rừng.



Việc mỗi người bệnh khi sắc thuốc, dù cùng có 3 vị như nhau, nhưng lại có màu sắc khác nhau, anh Hạnh cho rằng, đó là điều bình thường, không có gì thần bí cả. Bởi vì, những người băm chặt thuốc phân chia tỷ lệ 3 loại cây rừng không đều cho mỗi gói, lại dùng nhiều loại nước khác nhau, đun kỹ hoặc đun dối… cũng sẽ tạo ra màu sắc khác nhau.





Trưởng Trạm y tế Đào Văn Hạnh: "Những thứ này chỉ có tác dụng làm mát cơ thể chứ không chữa được bệnh hiểm nghèo".





Theo anh Hạnh, cây đáng trắng mà ông lang vườn này dùng làm nguyên liệu chính, là cây thân gỗ, to bằng cái phích, mọc hoang rất nhiều ở khu vực Yên Kiện, dùng để chữa bệnh thấp khớp. Cách đây chục năm, Trạm y tế xã cũng thu mua, nhưng chỉ mua vỏ cây để làm thuốc uống giải nhiệt, còn ruột cây chỉ để làm củi, không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, “người giời” chém tuốt cả phần gỗ làm thuốc.



Loại cây thứ hai là móc diều, loài dây leo, thân to bằng cổ tay, cành nảy tua tủa khắp thân, mọc thành bụi ở khu rừng thưa. Cây móc diều mọc đầy trong rừng và người Cao Lan ở đây thường chặt về nấu nước uống trong mùa hè. Nước sắc từ cây móc diều có vị chát, tác dụng mát gan, bổ thận, nhưng nếu uống nhiều thì sẽ có hại.





Hàng vạn bệnh nhân trên khắp cả nước vẫn tin lang băm là... thần y.





Còn ớt rừng thì mọc bạt ngàn, không thấy đông y nhắc đến tác dụng chữa bệnh. Nhưng nếu sắc nước uống, có thể không gây độc hại gì.



Theo anh Hạnh, người Cao Lan trong xã đều biết 3 loại cây này. Người bệnh uống "thuốc" vào thấy mát mẻ, dễ chịu, lại có niềm tin nên tưởng bệnh tình biến chuyển, chứ thực ra những cây này không có tác dụng chữa bách bệnh như ông "thầy” Tiên vẫn nói.



Mặc dù những “cây thuốc” này từng mọc khắp nơi ở Yên Kiện, nhưng sau vài năm “thần y” Lý Quang Tiên “cứu nhân độ thế”, giờ đã cạn kiệt.











Giờ đây, "thần y" phải mua cây rừng từ nơi khác về chế "thần dược".




Trưởng Công an xã Nguyễn Đình Thao kể rằng, thi thoảng, vào lúc chiều tối, lại thấy một chiếc xe tải chở gỗ "ật ưỡng" từ Quốc lộ 2 bò vào nhà Lý Quang Tiên. Số gỗ đó được Tiên mua về từ vùng khác để làm thuốc, chứ trong vùng đã bị “thần y” Tiên khai thác hết rồi.



Còn tiếp…

Theo VTC