Fast food vỉa hè


Martin Rama

Kinh tế gia - Ngân hàng Thế giới



Ngay phía sau ngôi biệt thự Pháp thanh lịch tôi ở tại Hà Nội từ 2003 đến 2010, chỉ cách vài khối nhà, có một thiên đường ẩm thực.

​Nó đầy những nơi ăn uống tuyệt vời, từ nhà hàng sang trọng đến các quán cà phê vỉa hè.

Tôi rất thích hương vị đại dương của mực xào, sự tươi ngon của bánh cuốn, cái đậm đà của thịt bò trong nước sốt tiêu đen. Nhất là món bún chả, thường được chúng tôi mua về từ một nhà hàng nhỏ trên phố Lê Văn Hưu để ăn vào Chủ nhật.
"Bạn không phải đi tìm thức ăn ngon ở Việt Nam. Thức ăn ngon tìm bạn. Nó ở mọi nơi”, đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain từng viết. Tôi đã hoàn toàn không ngạc nhiên khi thấy nhà hàng bán món bún chả “của mình” là nơi ông đưa Tổng thống Mỹ Obama tới.

Trong thực tế, chất lượng của bữa ăn nhận được từ việc ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ trên vỉa hè rất Việt Nam có thể dễ dàng làm sơn hào hải vị của nhiều nhà hàng sang trọng phương Tây “tái mét”. Đó là lý do tại sao tôi đã cảm thấy rất bối rối khi đọc một bài báo mới đây trên New York Times rằng Việt Nam là một trong những nước bị thức ăn nhanh thâm nhập nhanh nhất toàn cầu.

Trong số 54 thị trường được khảo sát thì Việt Nam chỉ “chịu thua” Argentina về tốc độ tăng trưởng của thức ăn nhanh giai đoạn 2010-2015. Tôi đã không thể dằn lòng với suy nghĩ liệu những món ngon và tốt cho sức khỏe tôi đã được thưởng thức có thể bị thay thế bởi thức ăn nhanh nhạt nhẽo và béo ngấy.

Cơn sốt với thức ăn nhanh của người Việt dường như đã trở nên mạnh mẽ hơn kể từ mùa thu 2017. Các bạn trẻ xếp hàng cả giờ để vồ lấy bánh hamburger, khoai tây chiên và soda khi cửa hàng McDonald khai trương ở Hà Nội tháng 12 năm đó. Nhiều đứa trẻ Việt đã nghiện nặng món gà rán kiểu Kentucky.

Trong khi ẩm thực Việt Nam được xem là một trong những nền ẩm thực lành mạnh nhất, thức ăn nhanh là nguồn gốc của béo phì trên toàn cầu, thì chứng béo phì đang bùng phát ở Việt Nam. Giờ đây, Việt Nam là đất nước của các bà mẹ mảnh mai xinh đẹp với những đứa trẻ thừa cân đáng buồn.

Có một lý do khác để lo lắng về sự “xâm lăng” của thức ăn nhanh vào Việt Nam.

Người ta thường nói không nền văn minh vĩ đại nào lại không có một nền ẩm thực tuyệt vời. Bên cạnh những cái tên hầu hết mọi người đều nghĩ đến như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, ẩm thực Việt Nam nằm trong top đầu mạng lưới thực phẩm thế giới.

Ẩm thực Việt Nam bao gồm sự kết hợp tinh tế giữa mùi, vị và màu sắc. Năm vị được kết hợp cân bằng: cay, chua, đắng, mặn và ngọt. Sự kết hợp này được đẩy lên cao hơn dưới triều Nguyễn, khi 50 đầu bếp xuất sắc được tuyển chọn để phục vụ nhà vua.

​Tiếp đó là những ảnh hưởng của Pháp, từ các thành phần mới như khoai tây và măng tây, tới những món ăn mới như bánh mì pate hay bánh xèo. Phở được cho là ảnh hưởng bởi món súp hành tây truyền thống Pháp có tên “pot au feu.”
Trong mắt tôi, món ăn Việt tốt hơn nhiều so với các láng giềng: quá cay ở phía Tây, quá phức tạp ở phía Bắc, quá “nặng” ở phía Đông.

Than ôi, viễn cảnh về việc các món ăn Việt Nam bị thay thế bởi thức ăn nhanh công nghiệp dường như là khá thực vào lúc này. Hàng trăm cửa hàng gà rán phủ sóng ở hai thành phố lớn, dễ dàng bắt gặp ở nhiều ngóc ngách.

Tuy nhiên, mối lo ngại của tôi có thể đã bị phóng đại. Một số chuỗi thức ăn nhanh phương Tây đang gặp khó khăn. Vài chuỗi của Mỹ đang phải đánh vật để có được một chỗ đứng ở Việt Nam. Một số người tạm thành công trên thị trường đồ ăn nhanh là Hàn Quốc, Nhật Bản, song bằng các món ăn có gạo là nguyên liệu chính.

Trong khi đó, người Việt trẻ vẫn yêu thích món ăn địa phương. Một công ty nghiên cứu thị trường cho biết thế hệ 9X chi tiêu khoảng 13.000 tỷ đồng mỗi tháng cho việc ăn ở bên ngoài. Họ ăn xôi, ngô nướng, bánh chuối rán... tất nhiên, cả phở nữa. Họ uống sinh tố, trà sữa và cà phê. Họ đã biến Việt Nam thành thủ phủ của thức ăn nhanh thực sự.

Lùi lại thêm chút nữa, ngay cả giữa các nước phương Tây, xu hướng thực phẩm cũng rất khác nhau. Thức ăn nhanh kiểu Mỹ dường như đã bao phủ khắp hành tinh, nhưng song song đó, phong trào "thức ăn chậm" đã nổi lên mạnh mẽ. Được thành lập ở Ý những năm 80, phong trào này khuyến khích việc dùng nguyên liệu tươi, tán dương việc dành thời gian để nấu nướng và chia sẻ đồ ăn với gia đình, bạn bè.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều này. Khi người Pháp lần đầu tiên áp đặt sự ảnh hưởng của phương Tây ở đây, nền văn hoá Việt đã đủ mạnh để chỉ hấp thụ những thứ tốt nhất. Từ phong trào thơ mới đến chữ Quốc ngữ, từ tranh Tân ấn tượng đến áo dài. Những ảnh hưởng tinh túy nhất của Pháp và truyền thống địa phương đã được trộn lẫn để rồi tạo ra những sản phẩm văn hoá rất Việt Nam ta đang thấy.

Thực phẩm cũng là văn hoá. Và tôi thật khó để tin rằng thức ăn nhanh kiểu Mỹ có nhiều tương lai ở Việt Nam. Chỉ không biết có bao nhiêu người Việt cùng chia sẻ niềm tin đó.
Martin Rama