Lên đời cổ ngoạn


Đồ cổ lành vỡ, thật - giả, để đạt giá cao nhất, thường theo trình tự: sưu tập (thu gom), tạo câu chuyện (nguồn gốc, độ ly kỳ), xuất hiện trên truyền thông, triển lãm, ra sách, và bán trọn bộ. Các tuyệt chiêu ấy, người sưu tầm đều thuộc bài, nhưng để luyện thành, không mấy kẻ đắc đạo.

Trong vô vàn nghề kinh doanh, riêng lĩnh vực cổ vật, chuyện mua một vốn bán trăm - ngàn lời là thường tình, và cũng riêng nghề này, thứ đem giao dịch, không có giá cụ thể, nên để đạt giá cao, bên cạnh giá trị thấy rõ như độ cổ - quái, hiếm có - khó tìm, cùng ngoại hình (lành tít hay bể vỡ), phần còn lại là từ chiêu phép biến ảo, nghệ thuật đẩy giá, tạo sức hấp dẫn thị trường, tăng độ khát trong giới sưu tầm, đẩy giá trị hiện vật lên theo thời gian.


Đẩy giá cho nghề chơi
Sử dụng chiêu truyền thông, cũng chỉ là kèo nhập môn, muốn hợp thức hóa những hiện vật đang có với thật giả lẫn lộn, xếp đẳng cấp cao hơn bình thường, đồ giả thành đồ thật, đồ bình dân thành đồ cung đình, vua chúa, cách làm dễ ứng dụng nhất là đem trưng bày, in sách.
Có nhiều kiểu ra sách, phổ biến là nhóm các nhà sưu tập chung tay làm, thường loại sách này nội dung đơn điệu, chủ yếu là hình ảnh và khảo tả hiện vật, như một triển lãm trên trang giấy thì đúng hơn. Hình ảnh ở dạng sách này mang tính tham khảo, nhưng đa phần được chọn lọc kỹ vì phục vụ nhóm chơi là chính.

Cũng có trường hợp nhà tài trợ cuốn sách ấy mạnh tay, chi bạo, lấn lướt các thành viên khác, kèm vào đồ giả cổ, đồ kém chất lượng, anh em cũng xuề xòa bỏ qua, cho cả thật - giả lẫn lộn cùng trình làng.

Lá đề chim phượng của Hoàng thành Thăng Long khi đã qua tay thợ phục chế.


Ưu điểm của việc ra sách, nếu chỉ là hình ảnh, thông tin, chủ sở hữu, hoặc chỉ cần vùng miền nơi hiện vật đang lưu giữ, với người đam mê, nghiên cứu, đó là nguồn tư liệu quý giá, với các nhà sưu tập, cuốn sách như một “chỉ điểm” để định vị được các hiện vật giá trị đang nằm ở đâu, trong tay ai, và dễ dàng săn tìm để giao lưu, trao đổi, mua bán, bổ sung vào bộ sưu tập những hiện vật ưng ý.

Mối lợi của người làm sách, vừa tăng thêm uy tín, đồng thời đẩy giá hiện vật lên ngưỡng cao hơn, kích thích thú vui sưu tầm. Người chơi càng am hiểu càng dễ dàng xuống tiền lớn để đem về một vài món, thậm chí là cả bộ sưu tập. Nhiều bộ sưu tập chỉ ở mức vừa phải, vài chục món, cuốn sách là tập hợp hiện vật từ bộ sưu tập, cộng thêm các sưu tầm tư nhân khác, cả hình ảnh từ bảo tàng trong và ngoài nước… tạo nên lượng thông tin, hình ảnh đồ sộ, người xem sách dễ hình dung ngay giá trị hiện vật, cũng là cách đẩy giá cổ vật.

Các sưu tập tư nhân lớn của nước ngoài cũng vào cuộc. Singapore có nhà sưu tập Mr. L. ra mắt sách về gốm Việt, mời cả chuyên gia Việt sang hội thảo linh đình. Mr. L. chuyên săn hiện vật đẹp, độc bản, bán lại cho các bảo tàng thế giới. Ông cũng sở hữu bộ sưu tập gốm Việt thuộc hàng khủng.


Nghề sửa đồ cổ


Đồ cổ đã qua bao thăng trầm, hiếm cái lành nguyên; đồ sứt mẻ, bể vỡ được cho đi “thẩm mỹ” để hoàn lại vẻ đẹp ban đầu, nghề sửa đồ cổ lên ngôi. Đây cũng là nghề đặc biệt, bởi ranh giới ngay - tà mong manh như sợi tóc, dễ bị điều tiếng nên hiếm thợ chịu xuất đầu lộ diện. Nhu cầu phục chế hiện vật, ở các bảo tàng đều cần, nhưng để người tài đầu quân, làm việc lâu dài như chuyên gia danh chính ngôn thuận, xưa nay ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có chăng, những phòng ban chuyên về phục chế sử dụng nguồn lực từ bên ngoài, thực hiện theo dự án, dễ dẫn đến tình trạng cẩu thả, làm cho qua chuyện, hoặc vì chi phí nhận được thấp so với tay nghề thực tế nên những lần phục chế, bảo tồn, đều không được như mong đợi, thậm chí làm hỏng cả hiện vật.

Ấm đầu rồng đuôi vẹt thời Lý đang trong công đoạn phục chế.


Người làm phục chế không được ưu ái hành nghề nhưng vẫn có đất diễn bởi các sưu tầm tư nhân thường sở hữu nhiều hiện vật giá trị, khi sứt mẻ, bể vỡ, họ sẵn sàng trả tiền túi tìm người phục chế có tay nghề cao, được thị trường khẳng định, tôn tạo lại hiện vật theo vẻ đẹp nguyên bản. T.V là thợ giỏi về phục chế gốm Việt, đồ ký kiểu, đồ Tàu, ngụ quận 4 (TP.HCM) nói về nghề: “Người sưu tầm, khi đã mang đồ đến sửa, họ không quan tâm về giá, cái cần là sao cho vết sửa giống đồ thật, bền màu theo thời gian”.

Hoạt động khá kín tiếng, nhưng đơn hàng nườm nượp từ Bắc chí Nam, lại sửa toàn cổ vật hàng khủng, có những món lên đến bạc tỷ, nhưng T.V hiếm khi lộ diện vì lý do: “Mình chỉ là người làm theo yêu cầu, còn khách hàng đủ dạng, người chơi không ngại công khai đồ sửa, nhưng người buôn bán, hoặc dự tính bán sẽ giấu, giữa bể vỡ và lành, giá một trời một vực”.

Cái lý không lộ diện, bởi nhiều lúc thấy đồ mình sửa, được thương lái gài hàng, đẩy giá ngất ngưởng, hoặc trong các trưng bày bảo tàng, thấy chình ình món đồ sửa, nên T.V chọn cách tốt hơn hết là im lặng, ẩn mình, khỏi vướng thị phi.


Sửa đồ cổ là nghề hiếm ở Việt Nam.


Phía Bắc cũng có một thợ phục chế nổi danh khác là Đ.V.V, xuất thân họa sĩ, từng “đánh thuê” các “điểm nóng” như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long. Trong lần trò chuyện cùng V.V tại tư gia, anh buồn buồn kể: “Mình sửa cho các bảo tàng nhiều lắm, đồ Hoàng thành hồi đem lên, mất thịt, bể vỡ, mình dựng lại nhiều, mấy món giờ thành bảo vật quốc gia cả đấy. Nhìn bề ngoài hiện vật nguyên vẹn, đẹp như ban đầu nhưng đâu ai biết qua tay mình sửa”.

Thợ sửa đồ cho bảo tàng, như nghề đánh thuê, anh V. kể thêm: “Họ có dự án, mình chỉ là người thực hiện, kinh phí mỗi lần như thế cũng không so với bên ngoài được, nhưng được va chạm đúng đồ thật, biết được cốt, men, coi như tự học thêm để ra ngoài sửa đồ cho anh em sưu tầm”.

Thống gốm hoa nâu An Sinh, một hiện vật được phục chế nguyên dáng ban đầu.


Nghề sửa đồ cổ phát triển từ những năm 2000, nhiều lứa thợ ra nghề từ hai lò chính ở phía Nam là của Q. và V. nhưng trụ với nghề không nhiều, bởi thợ sửa đồ cổ chỉ dính tí lòng tham, sửa xong đem bán mất, báo hại người chơi khóc ròng. Các dòng gốm Việt, đồ sứ ký kiểu, hiếm cái còn toàn vẹn, thợ sửa đồ làm mãi không hết hàng, và giá cả thật hậu hĩnh bởi không đơn thuần là sửa món đồ, mà căn theo giá thị trường. Một chiếc đĩa Lê - Trịnh, cỡ như Nội Phủ Thị Nam hay Khánh Xuân Thị Tả, sửa một miếng thịt, vá một đường re, kiếm đôi ba nghìn đô la là chuyện thường.

Thợ sửa đồ cổ giỏi nghề, khách hàng tín nhiệm, hoạt động kín kẽ nửa tối nửa sáng, được coi là nghề hái ra tiền, nhưng vì chơi cả với hai phe chánh - tà, nên chấp nhận làm nghề ẩn danh.


Bài và ảnh: Thiên Ý