Khắc tinh của rắn độc


Ông Lộc bên cây thuốc thất diệp chi mai . Ảnh: Thanh Niên.

Ông là thầy lang chữa rắn cắn, nhiều ca bệnh viện huyện trả về ông vẫn chữa lành. Nhiều người ở các tỉnh lân cận trong cơn thập tử nhất sinh đã vượt hàng trăm cây số tìm đường đến ông.

Ông là Hoàng Hữu Lộc ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ông Lộc là người dân tộc Tày, ngôi nhà ông ở cũng là một ngôi nhà sàn mộc mạc theo phong cách truyền thống của người Tày. Năm nay ông 59 tuổi. Trước kia ông làm ở Công ty dược phẩm tỉnh Nghĩa Lộ (cũ), chuyên phụ trách tổ thu mua dược liệu.

Chốn rừng thiêng nước độc này nếu có rắn thì toàn loại độc, nhiều nhất là rắn hổ mang, hổ chúa, rắn lục, rắn cạp nong, cạp nia... "Nếu nạn nhân bị rắn cạp nia cắn phải chỗ phạm (chẳng hạn như cổ, mặt), nhanh thì chết sau một tiếng còn chậm thì khoảng một ngày. Hổ mang mặc dù nọc không độc bằng cạp nia nhưng lượng nọc lại nhiều hơn, vì thế khả năng sát thương cũng chẳng khác là bao", ông Lộc nói.

Ông còn cho biết thêm, nạn nhân bị rắn cắn chủ yếu là người đi rừng, đi đêm, và cả những người thợ buôn bắt rắn: "Trước ở đây nhiều rắn lắm nhưng giờ nhiều người bắt nên lượng đã giảm. Tuy vậy, rắn vẫn là nỗi kinh hãi lớn nhất đối với những người đi rừng".

Trong rừng có nhiều loại cây có thể sơ cứu, kìm hãm được nọc độc rắn, nhưng ít ai biết. Nếu bị rắn cắn thấy vết răng đều thì là rắn lành, nếu thấy có hai vết sâu hoắm phía trước, vết thương ít chảy máu nhưng rất đau nhức và sưng tấy, chỗ hai vết nanh bầm tím thì là rắn độc. Bị rắn độc cắn, ban đầu bệnh nhân đau buốt dữ dội, sau mệt dần, mất cảm giác, rồi hôn mê mà chết.

Những thảo dược kỳ diệu


Ông Lộc đang sao khô thuốc. Ảnh: Thanh Niên.
Trong những năm công tác ở Công ty dược tỉnh Nghĩa Lộ, ông Lộc thường tham gia các đoàn điều tra sưu tầm cây thuốc của tỉnh và trung ương. Công dụng của từng loại cây ông nắm rất rõ. Bước chân ông tới khắp các miền sâu xa nhất của Tây Bắc.

Ông Lộc nhớ lại, trong suốt quãng thời gian công tác ông học được nhiều bài thuốc của người dân tộc, trong đó có bài chữa rắn cắn. "Tôi học được nhiều ở các ông lang, bà mế dân tộc, cộng thêm kiến thức khoa học nên có một vốn kinh nghiệm khá dày dặn", ông nói.

Khi bệnh nhân bị rắn cắn, chỉ cần lấy cây thuốc còn tươi đem nhai hoặc giã lấy nước uống, còn bã đắp vào vết thương, thế là khỏi. Có thể với người khác đó là bí mật, chỉ bí truyền trong phạm vi hẹp, nhưng với ông Lộc thì chẳng những không hề giấu mà thậm chí còn phổ biến cho bà con.

Ông nói: "Những bài thuốc này tôi học được trong thiên hạ thì chẳng cớ gì tôi không truyền lại cho bà con. Có điều học là một chuyện còn đem cái học được ra ứng dụng thì phải có thêm kinh nghiệm". Chỉ cần người bệnh còn uống được thuốc là có thể chữa khỏi. Tùy theo thời gian từ khi rắn cắn đến lúc đắp thuốc ngắn hay dài mà quá trình bình phục khác nhau. Người vừa bị rắn cắn thì chỉ cần vài tiếng là khỏi.

Theo ông, những cây thuốc thông thường dễ kiếm như rau dăm, lá mướp đắng, lá sắn dây... đều có tác dụng tốt. Người bệnh chỉ cần nhai lấy nước và đắp bã vào vết thương thì lập tức chất độc sẽ bị hạn chế rất nhiều, không còn nhiều khả năng nguy hiểm đến mạng sống. Thế nhưng đối với những ca mà tính mệnh bệnh nhân như chỉ mành treo chuông thì cần đến những loại thuốc đặc hiệu. Ông Lộc giới thiệu hai loại kỳ dược: cây bát giác liên và cây bảy lá một hoa (hay còn có cái tên hoa mỹ là thất diệp chi mai).

Vườn nhà ông có cả hai loại thảo dược trên. Cả hai đều được di thực từ trên núi xuống. Trước đây ông Lộc di thực được cả một vườn cây bát giác liên, nhưng sau đợt lũ quét khu vườn trở nên tiêu điều hơn rất nhiều, nhiều loại hoa cỏ thảo dược ông kỳ công sưu tầm cũng theo dòng lũ trôi hết. Tuy nhiên, trong vườn vẫn còn khoảng 30 loại thuốc mới được ông khôi phục.

Cứu sống mạng người, chi phí nhiều nhất chỉ 1 triệu đồng

Khi bị rắn cắn, nạn nhân có thể lấy những thứ lá sau nhai nuốt nước và đắp bã vào vết thương: rau dăm, lá mướp đắng, lá sắn dây, rau dền gai, cây bòn bọt, cây rau bợ, lá dong, sau đó phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Lúc về hưu (tháng 11/1993), ông Lộc bắt đầu chữa tập trung tại nhà. Tới nay, số ca bệnh qua tay ông đã lên tới con số trên 200, tất cả đều khỏi. "Thực ra thì duy nhất một trường hợp nạn nhân vừa đưa đến cửa nhà tôi thì tắt thở, sau đó tôi phải mời công an xã và bộ phận y tế ở trạm xá tới nhà để lập biên bản", ông giãi bày.

Trong số những ca bệnh từng chữa, chỉ có một vài ca khiến ông nhớ tới bây giờ. Đầu tiên phải kể tới anh Hoàng Văn Độ ở thị trấn Ba Khe. Cách đây 5-6 năm, anh Độ vốn là thợ chuyên bắt rắn, nhưng lại bị rắn cạp nia cắn. Bệnh viện trả về, gia đình đưa anh tới nhà ông trong trạng thái toàn thân tím tái, sắp tắt thở.

"Lúc ấy có tới hàng chục thanh niên chầu chực ở nhà tôi, họ chờ để lỡ bệnh nhân không qua khỏi thì đưa về luôn. Tôi còn nhớ rất rõ có người còn rục rịch đi tìm gỗ đóng áo quan", ông Lộc kể. Thế nhưng may mắn là anh này còn nuốt được nước. Sau 1 đêm chạy chữa, anh Độ đã tỉnh lại. Đêm đó, tử thần bỏ qua anh.

Một ca nữa cũng làm ông nhớ lâu, đơn giản vì bệnh nhân này ở nhà ông tròn một tháng. Anh Nguyễn Văn Bảy ở nông trường Thái Lão, Yên Bái bị rắn hổ mang cắn gây hoại tử, thịt dần thối hết. Ông Lộc đắp lá thuốc nam vào vết thương, sau một tháng thì thịt ở khu vực bị hoại tử lại mọc lên.

Một người nữa cũng để lại ấn tượng trong ông là anh Lò Văn Sơn ở Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn. Sau 2 ngày bị rắn cắn, thân thể anh phù nề tới mức chỉ mặc được chiếc quần xà lỏn. Ông Lộc cho biết: "Lúc anh này đến thì cơ thể đã không còn cảm giác. Chân phù to đi đường rách rướm máu mà chẳng hề có cảm giác đau. Bệnh nhân này ăn ngủ tại nhà tôi mất 15 ngày. Hầu hết các con bệnh đều không có kiến thức gì về phòng chống rắn cắn, nhưng rất chủ quan".

Về kinh phí chữa bệnh, ông cười hồn hậu: "Tôi chỉ lấy tiền công đi tìm thuốc, bình thường khoảng một hai trăm nghìn. Bệnh nhân mà tôi lấy nhiều tiền nhất chỉ có anh Bảy. Cả tiền thuốc và tiền ăn uống sinh hoạt cho người nhà trong vòng một tháng, tôi lấy tròn một triệu".

(Theo Thanh Niên