LTS: Nhânkỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912 - 10/5/2022), xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả những hồi ức sống động của Giáo sư Đặng Hanh Đệ về người Thầy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong suốt sự nghiệp y học của ông.

Ngọc Minh: Khi nhấc máy gọi cho giáo sư để đặt vấn đề phỏng vấn về giáo sư (GS) Tôn Thất Tùng xong, tôi mong cuộc hẹn này đến thật nhanh. Tôi đã chờ rất lâu để có cơ hội hiểu thêm về một con người đại tài như GS Tôn Thất Tùng.
GS Đặng Hanh Đệ: Tôi cũng cảm thấy rất vui khi lại có cơ hội được nói chuyện và nhớ về người Thầy của mình. Trong suốt quãng thời gian làm nghề và truyền nghề, Thầy Tùng có rất nhiều học sinh và cũng có rất nhiều người trở thành đồng nghiệp làm việc cùng Thầy. Tôi là một trong những người may mắn như vậy.
Tôi làm việc với Thầy Tùng trong suốt 22 năm từ khi tôi ra trường năm 1960 đến năm 1982 lúc Thầy mất. Ngẫm lại, trong tất cả các học trò làm việc với Thầy tại Bệnh viện Việt Đức, ít ai có thời gian gắn bó với Thầy lâu như vậy. Chắc cũng vì vậy mà tôi học được ở Thầy Tùng rất nhiều, từ công việc, cái tâm làm nghề cho tới cách ứng xử bên ngoài xã hội.
Trong thời gian tôi làm việc tại Việt Đức, tất cả những ca mổ khó tôi đều may mắn được phụ Thầy mổ. Tôi theo tim mạch nhưng những ca mổ không phải chuyên môn, Thầy Tùng vẫn kéo tôi lên mổ. Cũng vì vậy mà tôi có cơ hội được học hỏi thêm rất nhiều.
Với tôi Thầy Tùng là người có tâm có tầm, cực kỳ nghiêm khắc, rành mạch trong công việc. Ví như, Thầy giao một việc gì mà không làm được thì lần sau Thầy sẽ không còn tin tưởng giao phó cho nữa. Hay như khi mổ, Thầy thấy thao tác không đúng, Thầy lấy dụng cụ mổ đánh vào mu bàn tay cho nhớ. Ai bị đánh thì đau lắm!
Ngọc Minh: Tôi nghe nói vì Thầy Tùng rất nghiêm khắc, đặc biệt là trong phòng mổ, cho nên thời đó nhiều bác sĩ "né" không dám phụ mổ?
GS Đặng Hanh Đệ: Thầy Tùng là người rất chỉnh chu trong công việc nên cũng đặt yêu cầu cao cho cả kíp mổ. Đối với Thầy, bệnh nhân luôn ở vị trí số 1, người bác sĩ phẫu thuật khi mổ cho bệnh nhân phải chính xác nhất trong mọi thao tác.
Trong khi mổ Thầy Tùng rất nghiêm khắc học trò làm không đúng là thầy mắng. Nhưng mọi người cũng biết ý của Thầy chửi mắng là để học trò thấm. Vì chắc chắn để rút ra được bài học đó thì phải tốn xương máu của bệnh nhân lắm đấy. Điều Thầy muốn là để học trò sau này khi cầm dao mổ sẽ không mắc phải sai lầm Thầy từng mắc trước đó.
Cũng vì vậy Thầy có mắng thậm tệ thì học trò không ai thấy tủi thân, chạnh lòng giận Thầy.
Đặc biệt, khi Thầy đã nổi giận thì Thầy sẽ mắng như té nước vào mặt chẳng nể bất cứ ai, cho dù đó là vợ mình. Tôi nhớ có lần cô Hồ (vợ GS Tôn Thất Tùng) là dụng cụ viên chuyên đưa kim, chỉ, kéo cũng bị Thầy mắng ngay trong phòng mổ. Lần đó, cô Hồ đưa chỉ để Thầy khâu cho bệnh nhân. Bình thường chỉ khâu phải thẳng, hôm đó chỉ hơi xoăn một chút Thầy mắng luôn: "Chỉ khâu xoăn như cái lông… thế này mà khâu cho bệnh nhân được à…". Nên phụ mổ cho Thầy ai cũng sợ là vậy.
Thời gian tôi còn chưa tốt nghiệp, khi vào trong phòng mổ xem, nghe Thầy Tùng mắng mọi người tôi cũng sợ lắm. Nhớ lại buổi đầu tiên phụ Thầy mổ, tôi vừa sợ vừa run. Tôi nghĩ mình trẻ mới ra trường không khéo Thầy đuổi ra mất. Trong cả cuộc mổ hôm đó, tôi chỉ nói đúng 2 từ "dạ", "vâng" và không nói thêm bất cứ từ nào khác.
Ngọc Minh: Tôi rất tò mò không biết khi phụ mổ cho một người nghiêm khắc như Thầy, giáo sư có bị áp lực?
GS Đặng Hanh Đệ: Đương nhiên là có rồi! Nhưng đó là những lần đầu tiên, sau đó, tôi cũng quen công việc. Thầy Tùng là một người rất nghiêm khắc với bản thân và tất cả mọi người. Khi dạy học trò, Thầy chú ý tới từng chi tiết nhỏ như: buộc chỉ, cắt chỉ…
Thời gian đầu làm cùng với Thầy, tôi cũng bị Thầy nhắc nhở nhiều. Nhiều lúc Thầy phát bực cũng mắng tôi.
Tôi nhớ có lần đã bị Thầy Tùng doạ đuổi khỏi bệnh viện vì lên phòng mổ muộn hơn Thầy. Ngày đó, Thầy Tùng mổ thứ 2,4,6 và đi buồng vào thứ 3, 5. Giáo sư Cơ (hiệu trưởng trường Đại học Y lúc đó) mổ vào thứ 3,5 và đi buồng vào thứ 2,6. Tôi phải phụ mổ và có mặt lúc đi buồng cho cả 2 giáo sư.
Cũng vì lý do đó nếu đi buồng cùng giáo sư Cơ xong muộn thì tôi lên phòng mổ cũng muộn. Nhiều lần tôi lên muộn vì vướng chuyện trình bày ở buồng nên bị Thầy Tùng dọa đuổi khỏi bệnh viện.
Nhưng tôi chỉ bị Thầy mắng trong 1-2 năm đầu phụ Thầy mổ, còn về sau thì Thầy không còn mắng tôi nữa. Sau này, ngay cả khi công việc có trục trặc làm cho tôi cuống Thầy cũng không mắng. Nếu là người khác Thầy sẽ mắng như té nước vào mặt.
Sau này khi Thầy mất, những ngày cuối năm hay ngày Thầy thuốc, ngày giỗ Thầy, tôi đến nhà Thầy, cô Hồ vẫn nhắc: "Mỗi anh này là Thầy không mắng".
Ngọc Minh: Nghiêm túc trong công việc nhưng sau khi cởi áo blu (áo choàng mổ), giáo sư Tùng có cứng nhắc, khó gần?
GS Đặng Hanh Đệ: Trong những cuộc mổ căng thẳng không bao giờ nghe tiếng ai nói ngoài tiếng Thầy Tùng. Nhưng khi ca mổ kết thúc thành công Thầy nói chuyện vui để giải tỏa căng thẳng cho mọi người.
Thầy Tùng là người có tiếp xúc rộng với mọi tầng lớp xã hội nên có rất nhiều câu chuyện hay để nói. Câu chuyện nào Thầy kể ra đều rất khiến mọi người hứng thú.
Trong công việc Thầy nghiêm khắc là vậy nhưng ra khỏi phòng mổ, Thầy như một người khác, rất tình cảm, chu đáo quan tâm tới mọi người.
Tôi còn nhớ, một hôm sau buổi trực, sáng ra như mọi khi tôi vẫn ở lại làm việc. Tôi đang đi trong bệnh viện thì Thầy đi chiều ngược lại. Cách khoảng 3m, Thầy nói: "Sao râu dài thế, không có dao cạo à? Vào phòng tao đưa cho lưỡi dao mà cạo râu đi". Đúng là hồi đó lưỡi dao cạo hiếm, phải dùng dè xẻn vì không đâu bán, dao cạo để ở nhà, không dám mang đi trực sợ để quên mất nhưng Thầy Tùng vẫn sẵn sàng chia sẻ cho chúng tôi.
Ngọc Minh: Tôi nghe đồn Thầy Tùng có lần vào phòng mổ vội quá đã mặc nhầm quần của vợ?
GS Đặng Hanh Đệ: Đúng vậy, hôm đó chúng tôi mổ tim mở cho một bệnh nhân nặng. Mổ xong nhưng không chuyển bệnh nhân về phòng hậu phẫu được vì huyết áp không ổn định, đành phải để bệnh nhân trên bàn mổ mà hồi sức. Toàn bộ kíp mổ không ai dám về nên mọi người ăn uống đại khái ở lại trông bệnh nhân. Mệt quá mọi người trải khăn ra phòng mổ nằm, ngồi cho đỡ mệt.
Mãi tới nửa đêm tình hình bệnh nhân không khá hơn. Tự nhiên nửa đêm Thầy Tùng mở cửa vào phòng mổ, tôi đoán Thầy không thấy cô (Cô Hồ có ở trong kíp mổ -PV) về nên biết bệnh nhân nặng .
Khi vào phòng Thầy thấy mọi người nằm, ngồi la liệt trên sàn, Thầy đi thẳng tới chỗ bệnh nhân nghe tim và xem bảng theo dõi mạch. Anh Lang (bác sĩ gây mê, chạy máy) bỗng buột miệng nói : "Ơ, Thầy mặc quần cô!". Thầy đáp: "Tao vội".
Ngọc Minh: Tôi rất muốn được biết thêm về cách giáo sư Tôn Thất Tùng dạy học trò của mình ra sao?
GS. Đặng Hanh Đệ: Thầy Tùng dạy chúng tôi nhiều điều lắm. Nhưng có 2 điều mà tôi luôn ghi nhớ.
Điều thứ nhất, Thầy luôn nói một câu: "Đừng làm gì có hại cho người bệnh".
Câu nói đó rất ngắn ngọn và ai trong ngành y cũng thấy câu nói này đúng quá!
Không người Thầy thuốc nào lại đi "hại" bệnh nhân cả. Nhưng trong công việc, đặc biệt là ngành y, nhiều khi chúng ta không để ý sẽ làm "hại" bệnh nhân mà không hề hay biết.
Ngày trước các phương tiện chẩn đoán rất thô sơ. Cho nên để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường hơi lạm dụng việc xâm lấn (dùng kim chọc vào khối u, hay các hoạt động xâm lấn khác). Lạm dụng như vậy sẽ có lúc gây nguy hiểm cho bệnh nhân như nguy cơ chảy máu, thậm chí tử vong. Thầy Tùng luôn dạy khi làm bất cứ việc gì cũng phải đặt bệnh nhân lên trên hết. Thầy nói: "Bác sĩ không được thỏa mãn chẩn đoán của mình mà bất chấp làm rồi gây hại cho bệnh nhân".
Điều thứ 2, khi làm nghề Thầy căn dặn: "Bác sĩ không được để mình bị động". Ý của Thầy là phải chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra bất ngờ trong cuộc mổ. Ví như, người bệnh được chẩn đoán bệnh A, nhưng lúc mổ là bệnh B (do khả năng chẩn đoán lúc đó có hạn). Lúc đó, bác sĩ không được cuống. Trước khi mổ bệnh nhân, bác sĩ phải đặt ra ít nhất từ 2-3 khả năng và chuẩn bị sẵn phương án xử lý cho từng khả năng đó. Thầy dạy: "Ngày hôm trước khi mổ, hãy luôn nghĩ về bệnh nhân của mình để cài đặt chương trình sẵn trong đầu. Khi vào phòng mổ phải chủ động xử lý được tất cả các tình huống, tuyệt đối không cuống. Bác sĩ cuống thì bệnh nhân nguy".
Đó là trước ca mổ, sau khi mổ xong rồi Thầy còn nhắc: "Nếu ca mổ này làm đúng rồi thì các ca mổ sau phải làm tốt hơn ca trước" (qota avata). Tức là buổi sáng mổ bệnh nhân thì chiều và tối phải ôn lại những gì mình đã mổ: chỗ nào tốt, chỗ nào chưa làm được để rút kinh nghiệm cho ca mổ sau. Thầy hướng học trò tới suy nghĩ: "Lần mổ sau làm phải tốt hơn trước".
Đối với các bác sĩ trẻ mới vào nghề, chúng tôi đã học được rất nhiều từ Thầy. Vì bác sĩ trẻ thường dễ chủ quan lắm, cho là việc mổ dễ. Khi mổ ra không đúng như chẩn đoán thì mất bình tĩnh. Những lời dạy của Thầy giúp chúng tôi trưởng thành dần.
Ngọc Minh: Đó là về chuyên môn, còn trong cuộc sống, giáo sư Tôn Thất Tùng có điều gì khiến ông khâm phục hay không?
GS. Đặng Hanh Đề: Có chứ, tôi vẫn nhớ vào khoảng năm 1972, Mỹ có ý định ném bom vào Hà Nội. Chúng tôi rất lo lắng cho Thầy nên các bác sĩ trẻ tại bệnh viện có bàn với nhau sẽ cùng nói với Thầy đi sơ tán để bảo vệ vốn quý của dân tộc. Bác sĩ Dương Đức Bính (Bí thư chi bộ Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Đại học Y Hà Nội – Bố của TS.BS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai – PV) sẽ chịu trách nhiệm nói nguyện vọng với Thầy.
Bàn đã xong, hôm đó, một nhóm khoảng 5-6 bác sĩ trẻ gõ cửa phòng Thầy. Khi thấy một nhóm bác sĩ trẻ vào phòng Thầy nói chuyện rất vui vẻ.
Sau một hồi lâu quá mà chưa nói được nguyện vọng của cả nhóm, chúng tôi ra dấu cho anh Bính thưa chuyện với Thầy. Khi anh Bính vừa nói dứt câu: "Thầy đi sơ tán", Thầy Tùng mặt biến sắc từ vui vẻ chuyển sang đỏ bừng bừng, hai mắt nhìn chằm chằm, nói dứt khoát: "Tôi biết lúc này, tôi phải làm gì? Các anh ra đi…". Rồi Thầy ngồi phịch xuống ghế, tái đi thở hết sức nặng nhọc.
Chúng tôi không ai nói với nhau câu gì lần lượt rời khỏi phòng Thầy. Ra đến ngoài sân bệnh viện mọi người nói với nhau: "Hôm nay, Thầy đã dạy cho chúng ta một bài học đích đáng, trong lúc nước sôi lửa bỏng không thể bỏ đi để bảo toàn mạng sống cho riêng mình".
Tháng 12, Mỹ ném bom vào Hà Nội. Trong 12 ngày đêm, cả Thầy Tùng và cô Hồ luôn ở bên cạnh chúng tôi. Trong thời gian này Thầy không mổ, không khám bệnh, nhưng Thầy thường xuống hầm mổ để xem chúng tôi làm việc ra sao.
Thầy Tùng lúc đó như là một bó đuốc trong đêm tối soi đường cho chúng tôi làm việc, tất cả chúng tôi rất yên tâm.
Ngọc Minh: Khi nhắc về Thầy Tùng mọi người thường nói: Nếu muốn tìm Thầy Tùng ở trong bệnh viện chỉ có ở 2 nơi đó là trên phòng mổ và phòng đại thể mổ xác?
GS. Đặng Hanh Đệ: Đúng vậy, Thầy Tùng chỉ mổ vào 3 buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần trong những năm 1960, những ngày còn lại Thầy thường xuống phòng đại thể mổ xác. Nơi làm các tiêu bản giải phẫu bệnh và lưu trữ những bệnh phẩm quý hiếm. Bác sĩ Bằng (chủ nhiệm khoa) đã chuẩn bị sẵn các gan được ngâm formol để phẫu tích. Thầy thích dùng nạo (curette) để nạo bỏ nhu mô gan từ cuống, các thành phần khác (mạch máu, đường mật) dai hơn nên còn trơ lại sau khi nạo.
Với cách làm này sẽ cho hình ảnh trong không gian ba chiều quan hệ, vị trí của mạch máu (chủ yếu là tĩnh mạch cửa) và đường mật, vừa nạo vừa học thuộc. Có lần tôi phụ Thầy hơi formol bốc lên cay xè, mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng nhiều lúc cay mắt quá, bật ho. Có lúc không được chịu tôi được phải bỏ ra ngoài hít thở một lúc. Nhưng Thầy không đeo khẩu trang vẫn có thể nạo cả tiếng đồng hồ.
Cả trăm cái gan được phẫu tích như vậy nên Thầy thuộc lòng sự phân chia của mạch máu trong gan, quan hệ của các mạch máu so với bề mặt gan. Chính cơ sở giải phẫu này làm tiền đề cho công trình nổi tiếng thế giới của Thầy: Cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng". Nếu như không có cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm thì thế giới còn biết đến sớm hơn vì công trình giải phẫu trong gan đã được hoàn thiện từ năm 1939.
Năm Thầy sang Thuỵ Điển để mổ biểu diễn về cắt gan, chỉ mất 15 phút là xong, còn phương pháp Lortat -Jacob phải mất nhiều giờ. Mọi người hết sức ấn tượng và cũng từ đó rất nhiều nước đã sang Bệnh viện Việt Đức để học như: Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Ý, Cu Ba.
Trong số những người nước ngoài sang học có một bác sĩ người Ý, khi nghe tin Thầy mất đã đánh điện chia buồn với lời lẽ hết sức chân tình và xúc động. Anh đã gọi Thầy bằng Cha.
Ngọc Minh: 22 năm làm việc cùng GS Tôn Thất Tùng, ông có thấy GS bị rơi vào tình thế phải chứng kiến bệnh nhân chết?
GS. Đặng Hanh Đệ: Đã chọn nghề cầm giao mổ thì khó có thể tránh được tình huống đó. Một người giỏi như Thầy Tùng cũng gặp phải chứ.
Đó là kỷ niệm buồn mà suốt cuộc đời này tôi vẫn luôn ám ảnh với ánh mắt thất vọng của Thầy khi bệnh nhân chết. Cậu thanh niên đó 18 tuổi đi khám nghĩa vụ quân sự đã phát hiện mắc bệnh tim.
Bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Bạch Mai được kết luận bị tim bẩm sinh và được bác sĩ ở đó khuyên tới Việt Đức mổ. Bệnh nhân được chuyển vào khoa tim mạch với chẩn đoán tim bẩm sinh – ống động mạch. Với bệnh lý này phải mổ chậm nhất là khi 5-6 tuổi (tuổi trước khi đi học). Nhưng bệnh nhân này đã 18 tuổi, mổ là quá muộn mổ bệnh nhân sẽ có rất nhiều rủi ro lắm! Nhưng nếu không mổ bệnh nhân sẽ suy tim mà chết.
Rủi ro lớn nhất khi mổ cho bệnh nhân là khi phẫu tích thắt ống có thể bị vỡ. Do áp lực động mạch phổi tăng lên cao khi phẫu tích.
Đúng như dự đoán từ trước, khi bóc tách động mạch thì xảy ra vỡ. Vị trí vỡ một bên là động mạch tim và một bên là động mạch phổi. Thế là máu từ 2 phía phun ra khoảng chưa tới 1 phút, ngực bệnh nhân ngập máu, máy hút không kịp. Tiếng máu chảy mạnh tới mức réo trong lồng ngực, cho tới bây giờ tôi cũng không thể quên vì nó rùng rợn quá.
Rồi, bác sĩ gây mê thông báo đồng tử bệnh nhân giãn (bệnh nhân tử vong). Bệnh nhân chết ngay trước mắt Thầy Tùng, Thầy cởi găng tay và áo đi ra, tôi ở lại khâu lại ngực.
Phòng mổ im lặng tới lạ thường, không ai nói với ai câu nào. Lúc đó, tôi chỉ nghe thấy tiếng lạch cạch của tiếng của chiếc chổi lau nhà. Khâu xong cho bệnh nhân tôi cũng rời phòng mổ bước xuống cầu thang. Tôi thấy Thầy ngồi ở bậc cuối cùng đang cuối đầu xuống.
Thấy có bước chân Thầy ngước lên và nói ngắn ngọn: "Thôi từ nay tôi không mổ (mổ tim) nữa đâu, anh làm đi".
Khi tôi nhìn vào mắt Thầy, tôi thương Thầy lắm! Một cảm giác khó có thể nói thành lời. Đây là một cú shock lớn đối với Thầy, một người dù đã trải qua biết bao tình huống éo le, nguy nan, nay cũng gục ngã.
Cú shock này xảy ra kinh khủng quá khiến Thầy không chịu được. Và từ ngày hôm đó Thầy không còn mổ tim nữa. Tất cả công việc mổ tim sau này tôi làm và Thầy Tùng luôn là người góp ý để làm sao phẫu thuật cho bệnh nhân tốt nhất.
Cuộc đời người phẫu thuật viên có những lúc đau khổ lắm! Người ta nhìn bên ngoài bác sĩ cầm dao mổ "oai". Có ai biết được để đi tới vinh quang thì đã phải trải qua những thử thách ghê gớm.
Ngọc Minh: Tôi được biết khi GS Tôn Thất Bách (con trai GS Tùng) tốt nghiệp, GS Tùng đã định hướng theo ngành mổ tim. Cách dạy GS Bách của Thầy Tùng có sự ưu ái không?
GS. Đặng Hanh Đệ: Khi Bách tốt nghiệp năm 1969 thì trước đó mấy tháng, tôi đi Tiệp Khắc về. Thầy gọi tôi vào phòng nói: "Bách năm nay ra trường đấy, tôi để nó ở khoa của anh, anh giúp nó".
Lúc đó, tôi chỉ nói vâng. Một lúc sau, Thầy nói tiếp: "Người dạy ngựa thì lúc đầu bắt con ngựa đi nước kiệu (chậm từng bước một), đến khi nó cuồng chân mới thả dây cương để ngựa phi nước đại".
Nói câu đó xong Thầy căn dặn tôi: "3 năm đầu anh không cho nó (GS Bách) mổ gì hết mà chỉ được phụ. Hết 3 năm anh hãy cho nó mổ. Và khi mổ bệnh nhân về gì thì tôi chỉ định, anh là người phụ mổ".
Cách Thầy dạy Bách rất "đặc biệt" và tôi cũng thực hiện đúng như ý thấy nói. Những năm đầu tôi đi đâu Bách theo đi đấy từ Hà Nội tới các tỉnh. Sau 3 năm Bách mới mổ và tôi phụ cho Bách. Sau một thời gian, tay nghề của Bách lên cao, được mọi người đều biết đến.
Cảm ơn ông về cuộc chia sẻ đầy ý nghĩa này, chúc giáo sư sức khỏe và thành công!


Bài: Ngọc Minh

Ảnh: Nguyễn Quân

Thiết kế: Hồ Phú Vinh