Minh Di thời hiện đại
Lao Động Cuối tuần số 27 Ngày 05/07/2009 Cập nhật: 12:57 AM, 05/07/2009
(LĐCT) - Quẻ Dịch số 36 có tên là Địa Hỏa Minh Di. Tượng quẻ là Lửa trong lòng Đất, ánh sáng không thoát ra được, nên ánh sáng bị tổn thương. Nên nghĩa quẻ là Minh Di, minh là sáng, di là đau, sáng đấy mà đau đấy.

Nguyễn Hiến Lê giảng: Đây là quẻ nói về người quân tử ở thời u ám gặp nhiều gian nan, chỉ có cách giữ trinh (chính) của mình thì mới có lợi. Nghệ thuật quẻ Minh Di là che ánh sáng đi, hoặc giấu cái sáng, đừng để người ta sợ. Như Cơ Tử, một hoàng thân của Vua Trụ. Trụ vô đạo. Cơ Tử can không được. Đành phải giả điên, làm người giúp việc, để khỏi bị giết, mong có cơ hội làm lại đất nước.

Võ vương, một ông vua tốt, diệt Trụ rồi, trọng tư cách Cơ Tử, mời ra giúp nước, ông không chịu. Sau Võ vương cho ra ở Triều Tiên, lúc ấy vẫn còn là một hòn đảo giữa biển, lập một nước riêng. Như vậy là Cơ Tử giấu sự sáng suốt của mình để giữ vững chí. Hiện nay Hàn quốc còn coi Cơ Tử như quốc tổ.

Phan Bội Châu nhấn mạnh: Câu che cái sáng của mình với câu làm không sợ cái sáng của mình chỉ thay đổi mấy chữ mà có hai thủ đoạn rất hay. Che cái sáng của mình là thủ đoạn của thánh hiền khi gặp hoạn nạn. Làm không sợ cái sáng của mình là thủ đoạn của thánh hiền khi được quyền thống ngự thiên hạ. Đó là hai cách ứng dụng kỳ diệu của Dịch.

Nước ta thời nay có Giáo sư Nguyễn Văn Trương, theo tôi, chính là một người Minh Di ấy. Ông là người có tài, nhiều kiến thức về sinh thái học, nhưng suốt hai phần ba cuộc đời, vì lý do gì đó, không được trọng dụng. Cho đến năm bảy mươi tuổi, vẫn chưa có thành quả cho xứng với tài của ông. Ông yêu đất nước, yêu thiên nhiên, hàng ngày nhìn thấy thiên nhiên bị tàn phá, con người bị thiên nhiên trả thù (lụt, lũ nước, lũ đá), đau lắm mà chưa làm gì được.

Đọc Dịch, ông tâm sự với tôi: Là vì mình không biết che cái sáng của mình và làm cho người ta không sợ cái sáng của mình. Ông quyết định hành động theo cách của người quân tử thời Minh Di. Ông đứng ra thành lập một viện nghiên cứu khoa học dân lập mang tên Viện Kinh tế sinh thái. Lần đầu tiên ở nước ta có một viện khoa học không phải do Nhà nước lập ra, không nhận chi phí hành chính, không ăn lương do Nhà nước trả. Toàn bộ chi phí của Viện (trụ sở, phương tiện đi lại, lương nhân viên...) do các tổ chức Sinh thái học quốc tế tài trợ căn cứ vào các đề tài cải thiện môi trường mà họ quan tâm.

Các nhà khoa học tham gia Viện với tư cách tự nguyện. Đó là những người tài giỏi có danh tiếng như các giáo sư Nguyễn Năng An, Trần Thanh Bình, Tôn Thất Chiểu, Dương Hồng Dật, Vũ Khiêu, Nguyễn Pháp, Võ Quý v.v... Đứng đầu viện là Nguyễn Văn Trương, một ông già gần 80 tuổi, mảnh khảnh và quắc thước, một nhân vật đầy uy tín trong làng sinh thái học trong nước và quốc tế. Hàng ngày, viện trưởng đến cơ quan bằng xe taxi hoặc xe ôm. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến thăm ông ở nhà riêng 42 - Trần Xuân Soạn - Hà Nội, ủng hộ và khuyến khích chủ trương này.

Công việc của viện là nghiên cứu xây dựng những làng sinh Thái tiêu biểu cho từng vùng trong nước (vùng cát, vùng núi thấp, núi cao, vùng đồng bằng chiêm trũng...) biến những nơi bị huỷ hoại về môi trường, trở thành nơi có sự sống giàu có, đa dạng, bền vững mang dấu ấn của sinh thái học. Những làng sinh thái này sẽ là mẫu mực để nhân dân trong vùng xây dựng theo. Viện đã xây dựng được hàng chục làng sinh thái như thế ở các vùng miền khác nhau và đã thắp hương kính cáo với tổ tiên và các nhà khoa học tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Hình bên là mô hình cải tạo một diện tích đất thuộc xã Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, một vùng úng ngập "chiêm khê mùa thối". Các nhà sinh thái học đã giúp dân đào và đắp, biến một diện tích đất thành ba tầng: tầng dưới cùng là ao chứa nước, nuôi cá, tầng giữa là ruộng trồng lúa, hoa màu, tùy theo mùa, tầng trên cùng là vườn cây hoa quả. Vậy là hết cảnh sống ngâm da, chết ngâm xương, thật tài tình. Thế mà hàng ngàn năm nay dân ta chưa biết tới.

Ánh sáng sinh thái học từ Nguyễn Văn Trương và các nhà khoa học lặng lẽ toả ra. Cũng trong những năm này ông còn được tiến cử làm Tổng biên tập Bộ Từ điển Bách khoa đầu tiên của Việt Nam. Lại được phong tặng Anh hùng thời đổi mới. Giáo sư, nhà văn Vũ Khiêu đã tặng ông đôi câu đối rất hay sau đây: Trồng cây cùng với trồng người, đôi khóm anh hoa mừng tổ quốc / Làm thầy chẳng tày làm sách, trăm bồ chữ nghĩa hiến nhân dân.

Nguyễn Văn Trương từ trần năm Đinh Hợi (2007). Ngày 16.5 nhuận sắp tới là ngày giỗ thứ hai của ông. Tôi viết bài này để thắp một nén hương cúng ông.
Nhà văn Xuân Cang