Cánh đồng... “trời đánh”
Cây cầu mới xây gần cánh đồng có nhiều người bị sét đánh cũng được đặt tên là “Cầu Trời Đánh”. Sợ những đứa trẻ lớn lên ám ảnh cảnh tượng này nên người dân địa phương đã xóa chữ “Đánh”, chỉ còn chữ “Cầu Trời” với mong ước sẽ không còn ai phải bỏ mạng vì “ông thiên lôi!”

Chúng tôi đi theo bờ kênh dẫn vào cánh đồng có nhiều người bị sét đánh chết ở xã Long Thành, huyện Thủ Thừa - Long An vào giữa trưa nắng chang chang. Tuy nhiên, chúng tôi thoáng lạnh người khi nghe ông Nguyễn Văn Nô, một trong những người từng bị sét đánh suýt chết, cảnh báo: “Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 5 trở đi, những chiều chuyển mưa là “ổng” đánh đùng đùng.

Những ngày nắng càng gắt, lúc chuyển mưa “ổng” đánh càng dữ, không ai còn dám ra đồng”. Gọi là cánh đồng nhưng khu vực thường xảy ra sét đánh chỉ nằm trong bán kính chừng 5 km, chạy ôm theo một con kênh đào dùng để xả phèn và thoát lũ.

Trước khi có con kênh này, đây là vùng đất bị nhiễm phèn nặng ít người đến khai hoang, trồng trọt nên rất hoang vu. Vì thế, chuyện về những người bị “trời đánh” ở đây cũng rất ít được ai biết đến.


Số cao vì “trời đánh” không chết!

“Con kênh này trước kia được đặt tên là T5. Sau năm 1989, do khu vực này có nhiều người bị sét đánh chết nên người dân ở đây mới gọi là kênh Trời Đánh. Hiện trên giấy tờ của chính quyền địa phương ghi con kênh này là số 9, song người dân ở đây ai cũng đã quen miệng gọi là kênh Trời Đánh, không gọi tên khác được dù biết cái tên đó nghe là sợ”. Ông Nô giải thích khi dẫn chúng tôi đi vào khu vực ông đã bị sét đánh vào cuối tháng 12-2008.


Đang đi nhanh bỗng nhiên ông Nô dừng lại, nhảy qua mương nhỏ, đạp ngã rạp mấy cây tràm con, chỉ cho chúng tôi xem một cây tràm lớn bị gãy ngọn, chết khô, nói lớn: “Đây này! Cái cây này mới bị “ổng” đánh tuần trước. Đến cây to cỡ này bị đánh một phát còn chết tiêu, huống chi con người...”.

Rồi ông lại sải bước dẫn chúng tôi đi tiếp, vừa đi vừa kể lại chuyện mình bị sét đánh một cách hùng hồn, có phần... kiêu hãnh: “Hôm đó, khoảng 14 giờ, tao và thằng cháu đang đi trên bờ kênh này thì trời chuyển mưa lắc rắc. Đang loay hoay chưa kịp tìm chỗ nấp mưa thì tao thấy một đốm lửa từ trên cao bất ngờ xẹt xuống trước mắt sáng lòa. Trước khi bất tỉnh, tao nhớ mang máng là có ra dấu cho thằng cháu kêu người nhà lấy xe ra chở đi bệnh viện”...


Cầu Trời Đánh được xóa chữ “Đánh” chỉ còn “Cầu Trời”. Ảnh: Tr.Thanh


Nhìn quanh, ông Nô kể tiếp: “Nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) được một tuần tao mới tỉnh lại. Lúc nhìn xuống ngực thấy da bị nám đen, sờ lên đầu thấy tóc cháy quăn, tao cũng không sợ lắm. Song, đến khi thấy bác sĩ hút máu trong người tao ra đen sì như máu trâu chết thì tao rợn người, không nghĩ là mình sống nổi”.


Đến ngay chỗ đoạn kênh từng bị sét đánh, ông Nô dừng lại, chùng giọng nhưng ánh mắt vẫn còn đầy kinh ngạc: “Tụi bây xem, đoạn kênh này đâu có cao lắm mà lúc đó tao chỉ ở trần, mặc độc một cái quần cụt, vậy mà không hiểu sao cũng bị đánh một phát trí mạng.

May nhờ được đưa lên bệnh viện kịp thời lại gặp được mấy ông bác sĩ giỏi lên tao mới thoát chết. Từ hôm ra viện đến giờ, đi đâu ai cũng nói số tao cao giá vì cả ngàn người bị sét đánh mới có một người thoát chết. Nói thì nói thế chứ từ hôm ra viện đến giờ, tao không còn dám ra đồng này vào buổi chiều nữa. Mỗi khi nghe sấm sét tim vẫn còn đập thình thịch. Chắc là sau lần bị sét đánh tổn thương nên tim tao không còn khỏe mạnh như trước nữa”!


Những cái chết thương tâm


Đang ngồi nghỉ mệt ở một quán nước ven đường, nghe chúng tôi hỏi tìm nhà những gia đình từng có người thân bị sét đánh chết ở khu vực kênh Trời Đánh, ông Trịnh Văn Sáu trầm ngâm một lúc rồi thở dài: “Khu này trước đây vắng vẻ lắm nên cũng chẳng ai biết chính xác tên tuổi của những người bị sét đánh chết trước đây.

Còn người bị sét đánh chết gần đây nhất là cháu ruột tôi, tên Trịnh Thị Kim Kha, chết vào tháng 8-2006”. Hớp một ngụm trà, ông Sáu chỉ tay về phía cây cầu gần kênh Trời Đánh, kể tiếp: “Hôm đó, khoảng chừng 14 giờ, trời đang chuyển mưa, Kha đang nhổ cỏ cách cây cầu kia chừng hơn 100 m thì bị sét đánh ngã cắm đầu xuống ruộng.

Khi mấy người làm gần đó chạy tới cứu thì Kha đã tắt thở. Lúc đưa thi thể Kha lên bờ, tui thấy tóc nó cháy đen, dây chuyền vàng trên ngực cũng bị cháy nám”.


Rồi ông Sáu nói như phân bua: “Nhiều người nói do Kha đeo dây chuyền vàng nên mới bị sét đánh. Nhưng ông Nguyễn Văn Nô có đeo vàng bạc gì đâu mà cũng bị đánh. Trước ông Nô mấy năm, cũng vào mùa mưa, hôm đó tui đang mần ruộng thì thấy một người đàn ông chăn vịt ngồi dựa lưng vào gốc tràm ven kênh cũng bị sét đánh ngã chúi đầu xuống nước nhưng may mắn được cứu sống”.


Ông Nguyễn Văn Nô bên cây tràm vừa bị sét đánh chết

Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông Lê Minh Về, một trong những người sống lâu năm ở khu vực này, đang ngồi uống nước ở bàn kế bên cũng lên tiếng: “Trước kia không biết chuyện “trời đánh” thế nào chứ khoảng 10 năm đổ lại đây, hầu như năm nào khu này cũng có người bị sét đánh.

Do hầu hết người ở đây là dân nơi khác đến, có người bị sét đánh chết là gia đình họ đưa về quê mai táng rồi không quay trở lại mảnh đất này nữa, nên ngay cả những người ở đây lâu năm chẳng ai biết rõ là đã có bao nhiêu người bị sét đánh chết”.


Theo xác minh của UBND xã Long Thành, ngoài chị Trịnh Thị Kim Kha, khoảng từ năm 2006-2007 còn có một người dân bị sét đánh chết tại khu vực kênh Trời Đánh. Đó là ông Lê Văn Dư (quê xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa - Long An). Ông Dư vừa đến xã Long Thành cất chòi ở để làm ruộng thì gặp nạn.

Hôm đó trời mưa, thấy dông sét nhiều, gia đình ông Dư đang làm ruộng gần bên vội chạy vào nhà trú mưa, ông Dư chạy sau cùng, vừa vào đến sân thì bị sét đánh chết. Sau đó gia đình ông Dư đưa ông về quê mai táng, không dám quay trở lại nơi này.


Bác sĩ Đoàn Văn Việt, Trưởng Trạm Y tế xã Long Thành, cũng cho biết vào đầu năm 2009 có một người khác bị sét đánh ở khu vực kênh 12 (gần kênh Trời Đánh) đưa vào trạm y tế của xã cấp cứu sau đó chuyển lên bệnh viện TPHCM, không biết sống chết thế nào.


Thấy mưa là sợ


Khi chúng tôi hỏi về cánh đồng “trời đánh”, ông Võ Quang Thới, Chủ tịch UBND xã Long Thành, băn khoăn: “Đúng là hằng năm ở cánh đồng gần kênh Trời Đánh đều có người bị sét đánh, nhất là vào đầu mùa mưa. Tính đến thời điểm này, chúng tôi xác nhận đã có 3 người chết vì sét đánh. Những người bị nạn chủ yếu là dân đi làm ruộng, đốn tràm, trồng khóm không kịp tìm chỗ trú mưa.

Do đó, trước các mùa mưa, chúng tôi cũng đã thường xuyên thông báo cho bà con không nên ra đồng khi có mưa và mỗi khi có mưa to gió lớn, dông sét cũng không nên ra khỏi nhà. Tuy nhiên, hiện nay toàn xã chỉ có hơn 200 hộ dân và khoảng trên 800 nhân khẩu, bà con ở rải rác khắp nơi nên mỗi khi có dông sét chúng tôi cũng rất lo”. Rồi ông Thới chia sẻ: “Mới chiều hôm rồi, anh em ở UBND xã đang đi trên tuyến đường N2, gần đến khu vực thường xảy ra sét đánh thì trời đổ mưa, sợ quá không ai dám đi tiếp”.


Ông Lê Văn Đực, bán quán nước trên tuyến đường N2, cách kênh Trời Đánh khoảng 2 km, cho biết hiện nay mỗi khi trời mưa, khu vực gần kênh Trời Đánh vẫn còn sấm chớp nhiều nên những người đi xe máy đều không dám đi qua đoạn đường này, phải tấp xe vào nhà dân ven đường chờ mưa tạnh mới dám đi tiếp.

Nhìn trời chuyển mây đen, ông Đực chỉ tay về hướng kênh Trời Đánh, xúc động: “Năm rồi lúc làm xong cây cầu ở đó, người ta dựng bảng đặt tên là Cầu Trời Đánh. Sau đó, có mấy người già ở đây thấy cái tên này ghê quá, sợ mấy đứa con nít lớn lên bị ám ảnh nên kêu xóa bớt chữ “Đánh”, chỉ để là chữ “Cầu Trời”. Làm thế cũng như là cầu mong ông trời để từ rày trở đi không còn ai bị sét đánh chết nữa”.

Đừng để “trời kêu ai nấy dạ”

Ấy vậy mà ngay sát cây Cầu Trời Đánh, chúng tôi vẫn thấy một ngôi nhà ngói khá khang trang nhưng không có hệ thống thu lôi. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì sự hiện diện của ngôi nhà này, ông Võ Văn Thới, chủ nhà, tặc lưỡi: “Trước ở đây còn có chòi của ông Hai Bạch bầu bạn nhưng sau lần bị sét đánh sém trúng cả nhà, ông ta đã chuyển đi nơi khác. Mới tuần rồi, thấy sét đánh chết 10 cây tràm cách trước nhà chừng 100 m tui cũng run lắm nhưng ruộng vườn- miếng cơm manh áo của cả gia đình tui đều ở đây cả, biết đi đâu sống bấy giờ. Thôi thì mình cứ ở mần ăn đại, còn trời kêu ai người ấy dạ chứ biết tính sao!”.


Rời cánh đồng “trời đánh” lúc trời bắt đầu chuyển mưa, mây đen ùn ùn kéo đến kèm theo những tiếng sét đánh đinh tai, chúng tôi thầm mong cháu Nguyễn Thị Quế Trân, con của người mẹ trẻ xấu số Trịnh Thị Kim Kha, lớn lên sẽ không bị ám ảnh cảnh tượng sấm sét kinh hoàng này. Năm nay mới lên 5 nhưng cháu đã biết mẹ chết do bị sét đánh. “Mỗi khi nghe trời nổi dông, Trân cũng có vẻ sợ nên ông bà ngoại phải thường xuyên ở bên cạnh để cháu yêu tâm” - ông Trịnh Văn Sáu lo lắng khi tiễn chúng tôi.

Nên lắp đặt hệ thống thu lôi

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ về thông tin liệu có khả năng ở bên dưới cánh đồng “trời đánh” có mỏ kim loại, TS Nguyễn Xuân Anh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học - Công nghệ VN), cho rằng nhận định này hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, sét đánh thường chỉ liên quan nhiều đến yếu tố về thời tiết - khí hậu chứ không liên quan đến những vấn đề bên dưới mặt đất. “Vì thế, chính quyền địa phương ở những nơi thường xảy ra sét đánh nên liên hệ với các cơ quan chuyên môn để nhờ họ khảo sát, hướng dẫn người dân lắp đặt các hệ thống thu lôi. Nếu sét đánh trúng nhà dân thì sẽ gây tổn thất về nhân mạng, vì thế việc lắp đặt hệ thống chống sét là rất cần thiết, nhất là ở những khu vực đồng trống vì ở những nơi này con người là vật cao nhất, rất dễ bị sét đánh trúng” - TS Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
TRUNG THANH – BẢO LÂM