Tiền sử nước ta diễn ra mãi tận bên Tàu, lẫn lộn cả với nguồn gốc nước Tàu, nay muốn nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt không thể không nhìn qua cổ sử Tàu, nhưng cũng không thể nào chấp nhận y nguyên các pho cổ sử do người Tàu chép chẳng hạn bổ Sử Ký Tư Mã Thiên, hay bộ Tiền Hán Thư của Ban Cô, mà phải xét lại toàn bộ dưới ánh sáng khoa khảo cổ, cũng như các khoa tân nhân văn: dân tộc học, xã hội học, cổ thuật học. để từ đó kiến tạo lại một cổ sử Tàu theo lối sinh thành (génétique) khác hẳn lối tĩnh chỉ từ trước tới nay ở tại lấy cái khung đời Tần Hán chiếu ngược lên thời khai sinh, trái lại cần phải điều chỉnh toàn triệt, có vậy mới thấy rõ hơn nguồn gốc văn hóa nước nhà. Nhưng đó là một việc dài hơi không ai đủ khả năng làm một mình, mà cần sự cộng tác của nhiều nhà chuyên môn mới có thể đi vào chi tiết và chính xác được. Bài sau đây chỉ có ý đưa ra cái nhìn tổng quát về một số điểm để gợi ý.

1. Tên nước Tàu.

Trước hết là tên Tàu. Tôi chưa gặp được bài nào nghiên cứu về nguồn gốc danh hiệu này, vì người Tàu hình như không bao giờ rớ tới tên Tàu, với họ phải là Trung Hoa, Trung Quốc, hoặc là người Hán, Ðường. kia.

Tìm trong cổ sử chỉ thấy có hai chữ coi được nhu gốc tích, một là chữ Ðào Ðường có nghĩa là nung đồ gốm và là tên đất phong của vua Nghiêu mà theo kinh Thư thì Nghiêu là thuỷ tổ. Như vậy chữ Tàu do Ðào Ðường chăng? Người Tàu đọc đào là Tào, rồi ta biến ra Tàu? Vì có một chữ tào chỉ nơi nuôi súc vật như ngựa mà ta đọc là tàu ngựa: "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Bách Việt cũng có tên Bách Bộc, là đất ở nam kinh Châu, có thể vì sự lân cận đó mà người Việt gọi lân bang là người Tàu hay nước Tàu. Y như sau này vì lân cận với nước Ngô mà ta gọi Tàu là Ngô, chứ Tàu không bao giờ gọi mình là Ngô cả.

Gánh vàng đi đổ sông Ngô.

Trong ca dao đôi lần nhắc đến chữ Tào:

"Sa cơ mới phải luỵ Tào

Những so tài sức thì tao kém gì."

Câu trên có thể thoát ra do khẩu khí những vị như Hưng Ðạo hay Quang Trung đánh cho Tàu chạy có cờ, mà rồi vẫn phải sai sứ đi cống. Bề ngoài cống nhưng trong bụng thì nói "những so tài sức thì tao kém gì". Chữ Tào làm liên tưởng tới chữ Tào Khê trong ca dao:

Ðêm đêm tưởng dạng ngân hà:

Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn.

Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn;

Tào Khê nước chảy lòng còn trơ trơ.

Câu này đọc lên nghe lòng hiu hắt như đang ở mạn Bắc lòng đầy những mối tiếc thương một cái gì, một mảnh quê hương đã mất, những mong lấy lại được liền, mà nay đã ba năm tức lâu rồi mà vẫn chưa. Tuy vậy không sao quên được. Tào này có lẽ ở mạn Tây Nam Sơn Ðông (C.A. 81) và là tên xa xưa. Còn một Tào Khê nữa ở huyện khúc Giang tỉnh Quảng Ðông có chùa Bảo Lâm nơi tổ Huệ Năng hoằng pháp, có thể là tên di cư của Tào Khê gốc cũ chăng?

Ðó là đại để vài tên liên hệ với chữ Tàu, người Hy Lạp viết về Tàu thì ghi là Tauga nhưng có người bảo không do Tàu mà do Tabghaj- cách phiên âm Ả Rập của chữ Thát Bạt (Need I. 169). Khi nghiên cứu về cổ sử tôi ưa dùng tên Tàu vì ngoài vụ tên đó có hơi hướng với du mục do hai chữ tàu là tàu ngựa và đào là lò nung gốm, nó còn liên hệ với sự bé nhỏ của nước Tàu mới nhú mọc. Sự bé nhỏ này cần để trước mặt, nếu không sẽ bị cái hình ảnh khổng lồ đời Tần Hán làm hoảng sợ rồi cái gì rõ là của nhà cũng không dám nhận. Nước vua Nghiêu chỉ mới quãng một làng một tổng của ta, cùng lắm là một huyện. Vì sau này mãi đến đầu đời Thương mà nước cũng mới bằng một phủ rộng độ một hai trăm dặm (Civ I. 85). Sau này mới chinh phục mở rộng ra dần.

Nhân tiện xin nói luôn tới chữ Chine, China mà Âu Mỹ dùng để chỉ Tàu. Chữ này còn gần với chữ Tàu hơn vì nó nói lên nước Tần. Tần cũng mới là một bá trong ngũ bá. Thứ đến cũng nói lên óc du mục đế quốc. Nói vậy không có ý bỏ hai chữ Trung Quốc hay Trung Hoa, vẫn phải giữ lại cho bộ ngoại giao cùng lắm thì khi viết về sử Tàu từ Tần Hán trở đi. Còn nói về cổ sử thì tên Tàu vẫn nên dùng vì nó có phần đúng nhất với thực trạng: nó nói lên sự bé nhỏ và lân cận với nước Việt cổ đại vươn mình mãi tận Bắc Kinh.

Hùng Việt sử ca http://www.anviettoancau.net