TÌM HIỂU VỀ “HỒN” VÀ “XÁC”

Giả thuyết về sự tồn tại “linh hồn” của con người đã có từ thời xa xưa và hiện nay dường như đang trong quá trình được kiểm chứng bởi khoa học thực nghiệm. Qua một số tài liệu nước ngoài có thể nói rằng, những người cổ xưa cũng đã ghi chép rất tỉ mỉ các quan niệm về “hồn” và “xác”.

Thực vậy, trước hết phải nói đến nhà triết học Platon, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất, sống tại Aten từ năm 428 đến năm 343 trước Công nguyên. Platon cho rằng, thân thể vật lý của con người chỉ là cái vỏ bọc tạm thời của linh hồn. Các tác phẩm của ông chứa đầy những điều mô tả cái chết. Platon định nghĩa cái chết như là sự phân lập phần nội tâm của vật sống (tức là linh hồn) khỏi phần vật lý của nó (tức là thể xác). Ông cũng cho rằng, thời gian chỉ là một yếu tố của thế giới vật lý, còn các hiện tượng khác là vĩnh cửu.

Trên nhiều trang sách Platon bàn luận các vấn đề sau đây: linh hồn sau khi tách khỏi thể xác có thể gặp gỡ và trò chuyện với các linh hồn khác như thế nào, linh hồn chuyển từ cuộc sống vật lý sang giai đoạn tồn tại tiếp theo ra sao, cách “bảo trợ” của các linh hồn cũ đối với linh hồn mới. Platon còn cho rằng, thể xác là nhà tù của linh hồn và cái chết chính là cuộc giải phóng linh hồn khỏi nhà tù đó. Ông nhận xét: linh hồn sau khi tách khỏi thể xác có thể suy nghĩ và phân biệt các sự vật rõ ràng hơn trước đó; có một “tòa án” sẽ xét xử linh hồn sau khi chết, chỉ rõ và bắt linh hồn xem lại các sự việc tốt cũng như xấu mà nó đã làm trong cả cuộc đời. Platon đã đưa ra một số huyền thoại mà qua đó ông muốn mô tả cuộc sống của thế giới cõi Âm.

Các quan niệm về “hồn” và “xác” cũng được thể hiện rõ trong cuốn sách Tây Tạng dành cho người chết (gọi tắt là Sách Tây Tạng). Đó là một tài liệu nổi tiếng, được tạo thành nhờ công sức nghiên cứu của nhiều nhà hiền triết trong nhiều thế kỷ, được in vào thế kỷ VIII.

Các nhà thông thái Tây Tạng xem xét sự hấp hối trước khi chết như là một nghệ thuật. Nếu con người được chuẩn bị để chết dễ chịu thì sự hấp hối sẽ nhận được trạng thái thỏa đáng. Vì vậy, người ta đã đọc Sách Tây Tạng cho những người hấp hối ở các giây phút cuối cùng của cuộc đời. Những người làm nên Sách Tây Tạng mong muốn đạt được 2 mục đích sau đây:

- Giúp đỡ những người sắp chết trải qua hiện tượng không bình thường vào thời điểm hấp hối;

- Giúp đỡ những người thân suy nghĩ đúng về cái chết và không cản trở người sắp bước sang thế giới cõi Âm.

Trong Sách Tây Tạng có nhiều điều mô tả các thời kỳ mà linh hồn trải qua sau khi chết. Đầu tiên là khoảnh khắc sau khi linh hồn vừa rời khỏi thể xác. Nó rơi vào một trạng thái lãng quên và ở trong sự trống rỗng phi vật lý, cho dù ý thức vẫn còn. Linh hồn người hấp hối có thể nghe thấy các âm thanh náo động và kinh hãi, cảm thấy mình bị bao bọc bởi một bầu không khí xám xịt và vẩn đục. Nó rất kinh ngạc vì đang ở ngoài thân thể vật lý của mình và nhìn thấy những người thân, bạn bè đang khóc nức nở, chuẩn bị chôn cất thể xác mình. Nhưng khi linh hồn thử đáp lại thì chẳng ai nghe và nhìn thấy nó cả.

Linh hồn rất lo lắng khi nhận biết được là thể xác mình đã chết. Khi đó nó tự hỏi là cần đi đâu và làm gì. Nó nhận thấy rằng, ở mình cũng như trước đây đang có một thân thể từ các thực thể phi vật lý. Nó có thể bay lên cao, đi xuyên tường mà không gặp bất kỳ lực cản nhỏ bé nào. Chuyển động của linh hồn hoàn toàn tự do. Nó muốn tới đâu thì lập tức sẽ ở đó. Nó có thể gặp các sinh thể khác ở cùng trạng thái. Sách Tây Tạng đã mô tả một thế giới trong sạch, sáng sủa, nơi mà chỉ có tình yêu thương và sự đồng cảm.

Trong Sách Tây Tạng cũng nói đến một cái gì đó tựa hồ cái gương, có thể phản chiếu cuộc đời con người đã qua. Một sinh vật - toà án sẽ xét xử người chết căn cứ vào các hành động mà người đó đã thực hiện.

Gần đây hơn, có thể nói đến Emanuel Svedenborg, sinh ở Stốc-khôm (Thụy Điển), sống từ năm 1688 đến năm 1772. Ông nổi tiếng vì đã có nhiều sách nói về khoa học tự nhiên. Hiện nay các tác phẩm của ông về giải phẫu, sinh lý và tâm lý vẫn còn được coi trọng. Trong thời gian cuối đời Svedenborg trải qua cơn khủng hoảng tinh thần và bắt đầu kể về sự tiếp xúc của ông với các hiện tượng tâm linh.

Các tác phẩm cuối cùng của Svedenborg đã đưa ra sự mô tả sinh động “cuộc sống” sau khi chết. Những điều ông viết trùng hợp kỳ lạ với những gì do những người trải qua chết lâm sàng kể lại. Ông cho rằng, con người không chết mà đơn giản chỉ được giải phóng khỏi thân thể vật lý, cái vỏ bọc cần thiết khi ở thế giới trần gian. Cái chết chỉ là sự chuyển tiếp từ trạng thái này qua trạng thái khác. Svedenborg khẳng định rằng, chính ông đã trải qua các thời kỳ đầu của cái chết và bản thân đã ở ngoài thể xác.

Svedenborg đã viết rằng: “Các linh hồn trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ vạn năng. Mỗi người sau khi chết lập tức có được khả năng trao đổi đó. Lời của linh hồn trao đổi với con người có âm thanh cũng rõ ràng như lời người bình thường, nhưng chỉ người được trao đổi nghe thấy, còn những người khác thì không thể nghe cho dù họ ở cùng một nơi”.

Theo Svedenborg, người hấp hối có thể gặp linh hồn của những người khác mà người đó thân quen trong cả cuộc đời. Các linh hồn có mặt để giúp đỡ người sắp chuyển sang thế giới bên kia. Ông cũng nói đến “một sinh vật ánh sáng”, có khả năng soi rõ toàn bộ con người. Ông gọi đó là ánh sáng chân lý, ánh sáng của sự hiểu biết trọn vẹn.

Nhiều sách, báo nước ngoài xuất hiện gần đây đã đề cập đến quan niệm về “hồn” và “xác” có phần cụ thể hơn. Các tác giả cũng cho rằng, con người vật lý (thể xác) là một cái vỏ bọc mà trong đó con người thực sự (linh hồn) hành động. Linh hồn bao gồm nhiều lớp với những chức năng xác định. Sau khi con người đã chết linh hồn rời bỏ thể xác, tiếp tục sống trong một thế giới khác không nhìn thấy, tồn tại song song với thế giới chúng ta. Ở đó có cuộc sống tư duy và các định luật riêng. Linh hồn cũng có trí nhớ và trí lực, có các cảm giác nhưng với chất lượng cao hơn. Khi sang thế giới khác, linh hồn vẫn có “duyên nợ” với những gì “gặt hái” được trong cuộc sống trên Trái Đất của mình đã qua...

Quan niệm về “hồn” và “xác” tuy đã xuất hiện từ thời cổ xưa, nhưng hiện nay vẫn được bàn luận sôi nổi. Có rất nhiều hiện tượng về sự sống và cái chết làm cho con người tin vào khả năng tồn tại linh hồn và các thế giới khác không nhìn thấy. Tuy vậy, việc chứng minh sự tồn tại của chúng có thể vượt quá khả năng của con người đương đại, nếu không có những luận điểm mới căn bản. Không thể chấp nhận được sự chứng minh hoặc bác bỏ giả thuyết về “hồn” và “xác”, một luận điểm triết học có tầm quan trọng lớn lao, nếu chỉ dựa vào các hiện tượng được nghe kể lại hoặc lấy ra từ các sách và báo.

Cách nay hơn chục năm, một số nhà ngoại cảm Nga đã đưa ra dự đoán rằng trong tương lai không xa, bản thân con người sẽ trải qua một bước ngoặt tiến hóa kỳ diệu về chất, cho phép dễ dàng nhận thức được các hiện tượng xung quanh chúng ta mà hiện thời vẫn được coi là hoàn toàn bí ẩn.