Quá khứ gia tộc từng giàu có nhất nhì đất Hà Thành
Thứ Năm, 01/12/2011 --- cập nhật 09:19 GMT+7




Gia đình này từng đã có thời kỳ thuộc hàng đệ nhất giàu có của đất Hà Thành. Những khối tài sản khổng lồ, những căn biệt thự siêu hoành tráng ngang nhiên dựng lên ở đất kinh kỳ khi cả nước đang ở thời kỳ nô lệ.


Những người con, người cháu trong dòng tộc này đã từng được sống trong nhung lụa, giàu sang, ăn sung mặc sướng. Nhưng rồi, sự xoay chuyển của thời cuộc, sự biến thiên của lịch sử đã làm thay đổi tất cả. Tiền của tan biến, biệt thự lụi tàn. Những thế hệ đời thứ 3 của gia tộc này đang sống trong giản đơn như bao người bình thường khác.

Không còn là cuộc sống “nằm trên đống tiền” như những ngày hoàng kim, những con người của dòng tộc này đang phải căng mình lăn lộn với những công việc mưu sinh. Một câu chuyện dài, trải qua vài thế hệ của một dòng tộc họ Vũ ở khu “36 phố phường” dường như đã trở thành một dấu ấn đậm nét về một khúc quanh của lịch sử Hà Nội xưa. Những ngày tháng huy hoàng trong quá khứ, cuộc sống chật vật của những thế hệ hậu thế của dòng tộc sẽ khiến không ít con người phải ngao ngán và tiếc thương.

Con đường trở thành gia tộc phú quý

Trong căn nhà nằm khép mình phía sau những cửa hàng buôn bán ồn ào trên có phố Hồng Phúc, ông Vũ Văn Quỳnh, thế hệ thứ 3 của gia tộc này đang sống khá bình dị và đơn giản. Nhìn một ông lão tuổi cận kề thất thập, quần áo tuềnh toàng, hàng ngày dắt chiếc xe đạp cũ kỹ đưa đón cháu đến trường, chẳng ai nghĩ rằng đây là một đại thiếu gia thuở xưa. Nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng xa xưa, nhớ về giai đoạn hoàng kim của gia đình mình, ông Quỳnh có thể gói gọn trong cụm từ “hoài niệm đẹp đẽ”.


Ngôi nhà của ông Quỳnh ở phố Hồng Phúc, giờ đã trở thành những hiệu buôn bán



Trước kia, cậu bé Quỳnh được coi như một báu vật, mọi bước đi, cử chỉ của Quỳnh đều được mọi người “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Rồi cho đến khi Vũ Văn Quỳnh trở thành một chàng đại công tử, tiền bạc, những món đồ giá trị luôn kèm theo người, mỗi khi đi đâu là bao nhiêu ánh mắt thiếu nữ đổ dồn theo, tất cả đã trở thành những ký ức đẹp đẽ về một thời huy hoàng trong cuộc đời của người đàn ông này.
Ông Quỳnh kể rằng, những năm trước kia, gia tộc ông từng thuộc hàng giàu có nhất nhì ở khu phố cổ Hà Nội với nghề buôn bán gạo. Gia đình của ông nằm trên con phố cạnh với khu buôn bán sầm uất nhất kinh kì, cửa hàng của gia đình ông luôn thuộc diện ăn nên làm ra có tiếng ở khu trung tâm thương mại của toàn quốc này.

Theo như những gì còn sót lại trong trí nhớ của ông Quỳnh thì, gia tộc họ Vũ bắt đầu giàu sang là từ đời ông nội của ông. Khi đó, đất nước vẫn còn nằm trong thời kỳ phong kiến đô hộ, nhưng những hoạt động buôn bán của các tiểu thương cũng bắt đầu nở rộ nếu như ai có suy nghĩ nhạy bén. Tuy nhiên, để dòng họ Vũ mở mày, mở mặt và trở thành một gia tộc phú quý, giàu sang, công đầu lại thuộc về một người phụ nữ.

Ông nội của ông Quỳnh đã mất khi còn rất trẻ, lúc đó bà nội của ông mới chỉ có 22 tuổi. Chồng mất khi đang ở độ tuổi son sắc, nhiều người cứ nghĩ, bà sẽ đi bước nữa để tìm kiếm cuộc sống mới cho mình. Nhưng gạt đi mọi suy nghĩ cá nhân, chẳng hề đoái hoài đến những mưu cầu của bản thân, bà nội của ông Quỳnh ở vậy, chấp nhận cuộc sống của một bà góa phụ khi còn ở độ tuổi xuân sắc, bươn chải với cuộc sống để nuôi dạy ba đứa con trưởng thành.

Một mình lăn lộn với công việc hàng xáo (buôn bán gạo) ở khu phố phường đất Tràng An, bà nội của ông Quỳnh đã gây dựng được một cơ ngơi rất đồ sộ. Công việc kinh doanh càng phát đạt thì tiền của trong nhà càng nhiều lên. Cho đến khi những người con của bà trưởng thành thì cũng là lúc gia đình họ Vũ trở thành một trong những gia tộc giàu sang có tiếng ở đất kinh kì.

Lúc đó, ở khu phố cổ, quanh đất 36 phố phường, không ai là không biết đến danh tiếng một người phụ nữ ở vậy nuôi con lại gây dựng được một cơ ngơi tráng lệ. Ông Quỳnh cho biết, trước những việc làm phi thường của bà nội ông, vua Khải Định đã phong tặng bà danh hiệu “tiết hạnh khả phong”. Danh hiệu này là một minh chứng cho sự tài giỏi, đức hạnh của người phụ nữ một tay tần tảo nuôi con lại gây dựng lên cơ đồ.

Cho đến năm 1930, để thuận tiện hơn cho công việc buôn bán, bà nội ông Quỳnh đã quyết định chuyển toàn bộ gia đình về phố Hồng Phúc để ở. Thời đó, con phố này chủ yếu là các thương nhân, buôn bán đủ các loại mặt hàng. Do con phố này nằm ngay sát nách với chợ Đồng Xuân nên thời đó, những thương gia giàu có thường tìm đến đây mua nhà vừa để ở và vừa để thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán.

Thời điểm bắt đầu đi buôn gạo, bà nội ông Quỳnh chỉ là một người buôn bán nhỏ, làm công việc trao tay qua ngày. Nhưng rồi, công việc ngày càng trở nên phát triển, tiền lãi ngày một nhiều hơn và quy mô cũng lớn hơn. Từ gánh hàng nhỏ lẻ, dần dần, bà nội ông Quỳnh đã có được một cửa hàng rất lớn ở khu phố cổ. Việc buôn bán giúp cho bà ổn định được kinh tế gia đình, nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn. Có nhiều tiền, bà mua đất, xây nhà. Trong số những căn nhà của dòng tộc họ Vũ thì ba căn nhà ở Cự Đà (Hà Tây cũ nay là Hà Nội), nhà ở đường Yên Phụ và căn nhà hiện tại ở phố Hồng Phúc là khang trang và rộng rãi nhất.

Thời đó, mỗi khi xây lên là nhà của họ Vũ lại to nhất phố, nhất làng. Căn nhà nào cũng 3 tầng, rộng vài trăm mét vuông, sàn gỗ, tường hoa, đồ vật trong nhà đều thuộc diện quý giá, chỉ cần nhìn từ phía ngoài vào cũng thấy được sự giàu sang phú quý. Người cha của ông Quỳnh vốn là con trai duy nhất trong gia đình nên được quan tâm, chăm sóc rất kỹ lưỡng. Con cái của bà từ nhỏ đã được đi học ở trường Pháp, chưa đủ, bà còn thuê thầy giáo về tận nhà dạy học. Mọi sinh hoạt, học tập của con cái bà đều dành sự quan tâm đặc biệt nhất. Cho đến khi những người con lớn khôn và đi xây dựng gia đình, công việc buôn bán của bà vẫn luôn ở mức phát triển rất mạnh. Khi có con dâu, mọi việc buôn bán, bà đều chuyển giao cho người con dâu lo liệu vì lúc đó, bà nội của ông Quỳnh cũng già yếu không còn đủ sức bươn chải như trước.

Khi mẹ ông Quỳnh tiếp quản công việc buôn bán thì tài sản của gia tộc họ Vũ lại càng tăng lên một cách chóng mặt. Lúc đó, bản thân ông Quỳnh còn nhỏ nên cũng không thể biết được tài sản của gia đình mình nhiều như thế nào, trong trí nhớ của mình, ông chỉ còn nhớ rằng, khi mà cả nước đang thiếu gạo, đói ăn thì trong nhà ông, lúc nào thóc lúa cũng chất cao lên đến tận nóc nhà. Càng về sau này, công việc buôn bán của gia tộc họ Vũ càng phát triển.

Không chỉ là buôn gạo như trước, mẹ của ông Quỳnh còn kinh doanh thêm cả ngô, vải dệt. Tiền của nhiều, bố của ông Quỳnh mang tiền xuống Quảng Ninh mua máy móc, thuê người mở một mỏ khai thác than. Thời điểm đó, ở đất Tràng An, số người đủ tiền mở mỏ khai khác than có không quá 5 người. Khi công việc làm ăn đã thuận lợi thì của nả cứ thế ồ ạt kéo đến gia tộc họ Vũ. Thời hoàng kim nhất, mấy anh em ông Quỳnh khi bước chân đường thì có cả tá ánh mắt dõi theo. Ai nấy đều tấm tắc những câu khen ngợi về công tử, tiểu thư của gia tộc họ Vũ.

Bố mẹ của ông Quỳnh cũng hết sức quan tâm chăm sóc các con. Cả gia đình ông có 7 anh chị em, vì gia đình có điều kiện nên đều được ăn học đến nơi, đến chốn. Ông Quỳnh kể rằng, vào thời điểm, giá trị một chiếc xe đạp tính theo vàng bằng cả một chiếc ô tô thời bây giờ, mỗi anh chị em ông đều có một chiếc để đi học. Tất cả đều được theo học ở những ngôi trường danh tiếng bậc nhất đất Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng kể rằng, bố ông là một người rất nghiêm khắc trong việc dạy bảo các con. Không phải có nhiều tiền trong tay mà ông phung phí, chiều chuộng cho các con ăn chơi. Tuy được đi xe đẹp, mặc quần áo đẹp nhưng mấy anh chị em ông Quỳnh rất ít khi được cho tiền tiêu riêng vì bố ông bảo: “Cho tiền nhiều rất dễ làm hư các con”. Chính vì điều này mà mấy chị em ông Quỳnh đều chăm chỉ học tập, không ai là đua đòi theo những thói hư tật xấu của những đám thanh niên thời đó.

Theo Phunutoday.vn