Ấn Độ: Cộng đồng Phật Giáo lo lắng vì tin cây bồ đề bị rụng lá May 21, 2007

Việc cây bồ đề ngàn năm tuổi sống dưới chân điện thờ Mahabodhi tại Ấn Độ liên tục rụng lá non một cách bí ẩn đang dấy lên trong Phật tử bốn phương hàng trăm mối nghi ngại mơ hồ suốt mấy tuần qua.

Ngay sau khi phát hiện ra hiện tượng lạ lùng này, một số nhà khoa học đã được mời tới để kiểm tra tình trạng sức khỏe của cây thiêng. Thông thường vào trung tuần tháng giêng hay tháng 2, lá bồ đề già cỗi mới rơi rụng. Tới nay đã sang hè, vậy mà đám lá xanh tươi tốt không hiểu vì sao lìa cành với số lượng lớn mỗi ngày. Hiện các khoa học gia đã mang mẫu đất và lá rụng về trung tâm để thực hiện phân tích, theo lời Tiến sĩ AK Singh thuộc Viện nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ cho hay.

Năm 2002, tiến sĩ Singh cũng là một trong số ít người chẩn đoán ra căn bệnh sâu đục thân cây, khiến cây thiêng trở nên héo hon trong suốt thời gian dài. Về nguyên nhân căn bệnh lần này ông chưa dám khẳng định, tuy nhiên theo phỏng đoán của các chuyên gia, việc thắp nến dưới gốc cây thường xuyên đã phủ lên lớp màng trong lá một lớp màng carbon, cản trở quá trình quang hợp.

Lời khuyên họ đưa ra là tạo một khoảng cách riêng biệt và an toàn giúp cho cây đủ không khí để thở. Tập tục đặt kẹo dưới gốc cây vô tình thu hút lũ sâu bọ kéo đến đục phá, cũng bắt đầu bị nghiêm cấm. Là thế hệ thứ sáu của cụ tổ Bồ đề trong truyền thuyết cách đây 2500 năm, Đức Phật theo truyền tụng đã hóa thân dưới bóng cây này, cây bồ đề 110 năm tuổi hiện là một trong những biểu tượng linh thiêng nhất của cộng đồng Phật giáo khắp thế giới. Chính vì thế sự sống còn của nó ra sao luôn là vấn đề được quan tâm. Vào năm ngoái, tin đồn một nhóm trộm cắp địa phương đã chặt đứt nhánh cây thiêng để bán cho các tín đồ hành hương đến từ Nhật Bản đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ đông đảo Phật tử các nước Sri Lanka, Burma và Nhật Bản.

Họ đã gửi phái đoàn ngoại giao thân chinh tới Ấn Độ để kiểm tra vết chặt trên cây, bất chấp các Thánh tăng ở điện thờ Mahabodhi khẳng định rằng không hề có vụ trộm cắp nào xảy ra, rằng vết cắt trên cây đã có từ lâu lắm.

(Theo SBTN) - www.calitoday.com