Hàn Tín người đất Hoài Âm nước Sở đời Tây Hán, thuở hàn vi thường câu cá ở sông Hoài. Có khi cả ngày tìm không được một bữa cơm. Phiếu Mẫu thương tình thường cho cơm ăn. Tín tạ ơn nói:
- Tôi ngày sau được đắc đạo sẽ xin báo đáp.

Một hôm, Hàn Tín đem cá ra chợ bán, gặp đứa tiểu nhân tên Ác Thiểu đón đường làm nhục, bảo:
- Chà, bán cá mà còn đeo gươm cho oai, nhưng có dám đâm ta không?
Tín ngẩn ngơ. Tên Ác Thiểu lại tiếp:
- Nếu không dám thì hãy chui dưới trôn ta đây mà qua...
Tín không do dự, cúi mình chui dưới trôn của nó mà đi. Người ở chợ đều cười ồ lên, cho Tín quá hèn nhát. Có người tên Hứa Phụ vốn xem tướng giỏi, nói với Tín:
- Tướng ngươi sang lắm, hưởng đến tước vương hầu, oai danh thiên hạ.
Hàn Tín phì cười:
- Một ngày chẳng có một bữa cơm no, còn trông giàu sang sao được.

Khi Hạng Lương khởi binh đánh Tần Thủy Hoàng, Hàn Tín đến đầu mong lập công danh, nhưng Lương khinh Tín, chỉ cho làm chức Chấp Kích Lang để dùng hầu hạ nơi trướng mà thôi. Sau Hạng Lương chết, cháu là Hạng Võ lên thay cầm quân, vẫn khinh thường Tín, cho Tín là tên "lòn trôn", hèn nhát nên không dùng vào việc lớn.

Trương Lương là quân sư của Hán Lưu Bang, biết Hàn Tín là người có tài kinh bang tế thế nên tìm đến, yêu cầu Tín bỏ Sở sang giúp Hán. Tín bằng lòng.

Hàn Tín được Hán Lưu Bang đăng đàn bái tướng phong chức Nguyên Nhung, cầm quân đánh Sở. Đánh được nhiều trận thắng lợi to, cuối cùng hạ được Sở Hạng Võ, gồm thâu thiên hạ, thống nhất đất nước, giúp Lưu Bang lập nên cơ nghiệp Hán triều, Tín được phong làm Sở Vương.

Về quê cũ cai trị, Hàn Tín cho người tìm Phiếu Mẫu và Ác Thiểu đến. Cả hai phủ phục, gầm đầu không dám nhìn lên. Hàn Tín sai người lấy ngàn vàng thưởng cho Phiếu Mẫu gọi là đền đáp ơn ngày xưa. Phiếu Mẫu lạy tạ ra về. Đoạn Tín lại phong cho Ác Thiểu làm chức Trung húy.

Ác Thiểu cực kỳ ngạc nhiên, thờ thẩn một lúc mới nói:
- Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, chẳng biết đại nhân mà xúc phạm oai nghiêm, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu được ban chức tước.
Hàn Tín ôn tồn bảo:
- Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động đối xử của nhà ngươi ngày xưa xem qua tuy có vẻ quá đáng nhưng cũng là một bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi đừng tị hiềm, mà hãy nhận lấy chức ta ban.
Ác Thiểu cảm mến lạy tạ ra về. Hàn Tín lại nói với kẻ tả hữu:
- Tráng sĩ đó trước kia làm nhục ta. Lúc ta còn hàn vi, không thế lực gì, nếu ta chống cự, giết hắn đi thì chưa chắc ta được như ngày hôm nay. Nhờ ta biết nhẫn nhục nên mới yên thân mà giúp được nước lập nên công danh. Hắn giúp ta đấy, nên ta mới phong thưởng chứ không phải là việc vô cớ.

Cổ thi có câu:
"Mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân".
Mang ơn người, đền đáp ơn âu cũng là lẽ thường. Bị người làm nhục mà cũng đền đáp, cho là công ơn "mạ nhân như giáo nhân", thật là thái độ của một sĩ quân tử.
__________________