TẦM ĐẠO và ĐẠO SƯ

Trong công cuộc tầm đạo, làm sao tôi có thể biết rằng đây là đạo, là thực tại, là chân lý tuyệt đối ? Làm sao tôi có thể biết được ? Tôi có thể nói rằng :" Đây là thực tại", được chăng? Cho nên, tại sao tôi phải đi kiếm tìm ? Vậy thì, cái gì khiến cho tôi đi tìm ? Cái gì khiến cho người ta đi tìm đạo là câu hỏi còn chủ yếu hơn là chính sự kiếm tìm và tuyên bố :"Đây là thực tại, là chân lý, là đạo". Nếu tôi nói: "Đây là chân lý, đây là đạo", thì tôi đã phải biết về nó từ trước rồi. Nếu tôi đã biết nó từ trước rồi, thì nó lại chẳng phải là chân lý tuyệt đối, là đạo, mà chỉ là một mớ lý thuyết đã chết cứng, từ trong quá khứ xuất hiện để mà nói rằng đó là chân lý, là đạo, là thực tại. Cái vật đã chết cứng đó không thể nói với tôi về chân lý, về đạo, về thực tại.

Như vậy, tại sao tôi tầm đạo? Bởi vì, từ trong nội tâm sâu thẳm, tôi không an vui, từ trong nội tâm sâu thẳm, tôi thấy băn khoăn, bối rối, có một nỗi buồn mênh mông từ đáy lòng và tôi muốn tìm lối để thoát ra.

Ngài tới như một vị đạo sư, một người giác ngộ, hay là như một giáo sư, và nói: " Coi này, đây là con đường để giải thoát." Lý do căn bản của sự tầm đạo của tôi là để giải thoát khỏi những nỗi thống khổ kể trên này và tôi thừa nhận rằng tôi có thể đạt được điều đó, và sự giác ngộ ở ngay đó, hoặc ngay trong nội tâm tôi. Vậy thì, tôi có thể thoát được những nỗi niềm buồn khổ kể trên chăng?

Tôi sẽ không thể thoát được nếu như tôi chỉ tìm cách tránh né nó, đè nén nó xuống, hoặc bỏ chạy. Nó vẫn còn đó! Dù tôi có đi tới đâu, nó vẫn còn đó. Cho nên, điều tôi phải làm là hãy tìm hiểu coi tại sao những nỗi buồn kể trên có thể hiện hữu, tại sao tôi lại cảm thấy đau khổ. Chuyện đó có phải là sự tìm kiếm không? Không! Khi tôi muốn tìm lý do tại sao tôi đau khổ, đó không phải là sự tầm đạo, cũng không được gọi là "một sự tìm kiếm" nữa, mà nó chỉ như khi tôi đến gặp vị y sĩ và nói rằng tôi bị đau bụng, ông ta bảo rằng tôi đã ăn uống bậy bạ. Như vậy, tôi phải chấm dứt sự ăn đồ bậy bạ.

Nếu nguyên nhân của những bất hạnh đến với tôi là do từ tôi, không phải từ môi trường sống của tôi, thì chính tôi phải tự tìm lấy lối thoát.

Ngài có thể, trên cương vị đạo sư, chỉ cho tôi rằng đó là cái cửa để đi ra. Nhưng ngay sau khi ngài chỉ rồi thì công việc của ngài đã xong. Từ đó, chính tôi phải hành động, chính tôi phải tự tìm ra rằng tôi sẽ phải làm gì, tôi sẽ sống ra sao, sẽ suy nghĩ như thế nào, sẽ cảm nhận cuộc đời như thế nào để có thể không còn thấy đau khổ nữa.

(Trích The Awakening of Intelligence)