Bài này của hòa thượng Thích Đức Phong
LỜI NÓI ĐẦU

Đức Phật dạy: "Tâm Phật chúng sanh tam vô sai biệt". Căn cứ vào ý nghĩa của câu ấy, chúng ta thấy: sở dĩ chúng sanh và Phật sai khác nhau là vì một bên vì vọng tưởng điên đảo, một bên thì chân tâm thanh tịnh. Nhưng, dù vọng tưởng hay chân tâm, thể tánh của tâm cũng chỉ là một. Vì một, cho nên chúng sanh và Phật tuy tướng dụng khác nhau mà vẫn đồng nhất trong một tâm thể.

Nhưng vì chúng sanh bỏ quên thể chân tâm ấy, nên hiện tại đương ở trong vòng lung động, thường bị luân trụy mãi trong cảnh giới tối tăm, chịu đủ mọi điều đau khổ. Ngược lại, chư Phật đã trở về với chơn tâm, nên hằng an trú trong cảnh giới giải thoát, thọ hưởng mọi sự an lạc hoàn toàn. Đồng một tâm thể mà có người đau khổ, có người thì an lạc. Cho biết rằng tâm như người thợ gốm nắn đúc tất cả hình tượng. Tâm có năng lực vĩ đại như thế, thì công việc đối trị vọng tưởng, cải thiện tự tâm tất nhiên là một công việc quan trọng hơn cả của con người.

Ngang hàng với sự quan trọng ấy, công việc khó khăn thứ hai là tìm cho ra một phương pháp hợp thời hợp cơ có thể đối trị vọng tưởng cải thiện tự tâm. Theo tôi thì chỉ có phương pháp niệm Phật, theo pháp môn Tịnh độ của Phật giáo là phương pháp thần diệu nhất trong công việc đối trị vọng tưởng, cải thiện tự tâm nầy. Phật giáo tuy có rất nhiều phương pháp, tu theo phương pháp nào cũng đối trị được vọng tưởng cả. Nhưng chỉ có pháp môn niệm Phật là hợp thời và hợp cơ hơn cả.

Vả lại, mục đích người học Phật là hướng đến giác ngộ và giải thoát. Thì, đức Phật là tượng trưng, là mục tiêu chính vậy. Cũng vì thế, nên hằng ngày trong lúc tu tập, cũng như khi nhàn rỗi, tôi thường áp dụng phương pháp niệm Phật. Trong khi thật hành, tôi thấy phương pháp niệm Phật quả như lời Phật dạy, rất thích hợp với căn tánh của chúng sanh trong thế giới Sa bà nầy. Vì thế, nên tôi hằng ao ước có dịp sẽ trình bày với hàng giáo hữu những hiệu nghiệm và thật ích của phương pháp niệm Phật. Vì tôi tin tưởng rằng một người niệm Phật, trăm vạn người niệm Phật, tất cả những niệm niệm Phật ấy, sẽ tạo thành một sức mạnh có năng lực hoán cải vọng tâm của chúng sanh, thành chơn tâm của chư Phật. Khi ấy thế giới Cực Lạc với tất cả những sự linh diệu của nó sẽ hiện bày trong thế giới đau khổ nầy, chứ không phải tìm kiếm đâu xa nữa.

Nhưng đó chỉ là cao vọng của tôi. Cũng vì cao vọng ấy, nên tôi thường hy vọng gặp dịp để lưu bố phương pháp niệm Phật.

Trong khi chờ đợi một dịp may mắn ấy, thì trong mùa an cư năm nay tôi đọc lại cuốn "Niệm Phật Tam Muội" do cư sĩ Đường Đại Viên biên soạn. Như người tìm được của báu, tôi vội vàng xem qua mấy lượt, so lại với lời Phật dạy mà tôi đã học hỏi và thật hành lâu nay. Tôi thấy những phương pháp đã trình bày trong đây, rất giản dị, rất phổ thông, và rất xứng hợp với chân lý chánh pháp: ai cũng có thể thực hành được cả. Vì thế tôi liền dịch cuốn sách nầy thành Việt văn, để cống hiến cùng toàn thể Phật tử.

Tôi lại so các bản dịch ở Nam Bắc đã ấn hành có một vài chỗ tôi chưa đồng ý, và càng nhiều càng hay, nên tôi cho in lại. Hơn nữa, muốn cho Phật tử có một nghi thức tụng niệm phổ thông, có thể thực hành được trong hằng ngày, nên trong đây có phụ thêm một nghi thức Tịnh độ phổ thông bằng Việt văn, để dành riêng cho những gia đình mới tin Phật tụng niệm.

Để kỷ niệm mùa an cư năm nay, tôi thành kính hồi hướng công đức nhỏ mọn nầy lên ngôi Tam bảo, và cầu nguyện pháp giới chúng sanh đồng được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Mùa an cư năm Quý Tỵ

Dịch giả

Thích Đức Phong

___________ oOo ___________



NIỆM PHẬT TAM MUỘI

TỰ LUẬN



Mục đích Phật pháp là làm cho tất cả chúng sanh mê lầm trở nên giác ngộ, để có thể từ biển khổ sinh tử bên nầy, vượt qua bờ giải thoát bên kia, ngỏ hầu đoạn trừ cội gốc phiền não chiến loạn, xây dựng một thế giới hòa bình an lạc cho chúng sanh.

Gặp thời mạt pháp nầy việc lành thì ít ai lưu ý, mà việc dữ thì lắm kẻ khuyến khích, vì thế nhân loại mỗi ngày mỗi quay cuồng tiếp nối trong vòng nước lửa khổ đau, nên những người sẵn lòng Đại bi muốn đem Phật pháp để cứu tệ hại ấy, vì lòng lợi tha thúc đẩy, thường dùng phương tiện tùy thuận để lợi ích tất cả mọi hoàn cảnh của chúng sanh. Nhưng, ngờ đâu khi giác ngộ thì có thể chuyển hóa chúng sanh, nhưng nếu một phút mê lầm lại bị chúng sanh chuyển hóa.

Tôi thấy gần đây những người phụ trách hoằng pháp, căn cứ vào câu "Tùy thuận chúng sanh" rồi cử thân động niệm, tất cả đều in hợp như chúng sanh. Thậm chí có người vì muốn tùy thuận chúng sanh mà bỏ hết chí hướng tu hành cao thượng của mình để học đòi theo phong thái của thế tục. Vì thấy những tệ hại như thế tôi hết sức lo sợ, suy đi nghĩ lại, quyết tìm ra phương pháp thần diệu để bổ cứu những tệ hại ấy.

Nếu chỉ chuyên môn nghiên cứu giáo điển thì mặc dầu hiểu biết, nhưng vị tất đã thật hành theo được. Nếu quyết chí tham thiền nhập định lại sợ hạnh lợi tha khó phổ nhiếp, vì thế, tôi bâng khuâng lo ngại, trông lên nhìn xuống, suy nghĩ kỹ càng, duy có pháp môn niệm Phật là thâm diệu hơn cả, được tự lợi lại lợi tha. Bất luận ở chốn thanh tịnh, hay nơi huyên náo; thời gian nào, xứ sở nào cũng đều có thể tu niệm được cả.

Tuy vậy, tôi vẫn còn lo ngại: vì chúng sanh ở cõi uế tạp nầy, ác duyên vọng niệm nhiều, nên tâm thường không bị tán loạn thì cũng bị hôn trầm chi phối, dễ sanh giải đãi thối thất. Vì thế, niệm Phật khó được hiệu quả thiết thật.

Bởi vậy, trong quyển sách nầy tôi phương tiện chia thành 14 tiết, và đại lược có ba phần:

Phần thứ nhất, biện minh phương pháp quán tưởng để làm căn bản cho niệm Phật tam muội.

Phần thứ hai, trình bày cách thức niệm Phật để làm trợ duyên.

Phần thứ ba, phân biệt giản trạch các lối tà chánh để gạn lọc dứt trừ chướng duyên cho tam muội.



Nếu trong khi hành giả nhập thất niệm Phật; mà thi hành đúng theo những phương pháp đã chỉ bày trong ba phần trên đây, thì quyết định sẽ được hiệu nghiệm hiện tiền.

Dầu chưa có thể nhập thất niệm Phật được, nhưng nếu hiểu được cách thức niệm Phật nầy, thì lòng tin và hạnh nguyện của hành giả càng thêm kiên cố, và do đó mà được lợi ích là "tùy tự ý tam muội" vậy.

Vì chí lợi tha quá mạnh, tôi vội vã viết ra quyển sách nầy, chắc không tránh khỏi sự vụng về thiếu sót, vậy thành thật trông mong quý vị đại thiện tri thức bổ chánh lại cho.

Tác giả

Đường Đại Viên

---- oOo ----

Phần Thứ Nhất

PHƯƠNG PHÁP QUÁN TƯỞNG



I - Nhập Thất

Kinh Pháp Hoa nói: "Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi Pháp tòa của Như lai: nhà Như Lai là tâm Đại từ Bi, áo Như Lai là đức Nhu hòa nhẫn nhục, Pháp tòa Như Lai là quán tất cả pháp không vậy".

Nếu hành giả muốn tu niệm Phật tam muội, thì trước hết phải kết thất để nhập thất niệm Phật. Nếu vào nhà chúng sanh thì thấy đầy dẫy sự tranh giành trục lợi, dầu trốn vào rừng sâu để tránh sự huyên náo của thế gian, lại vì lâu ngày quá trầm tịch nên dễ sanh lòng chán nản; phiền não vọng tưởng cũng do đó mà phát sanh. Nếu lấy thân tứ đại làm nhà, thì nhà ấy càng thêm phiền não đau khổ.

Duy chỉ có lấy tâm Đại từ Bi làm nhà, nhà ấy mới không hạn cuộc bởi hình tướng và mới được rộng rãi bao la thanh tịnh. Vì thế, nên người niệm Phật trước hết nên phát tâm Đại từ Bi. Tâm Đại từ Bi là tâm xem mọi loài chúng sanh như con mình, bình đẳng cứu độ tất cả; không để một chúng sanh nào còn chìm đắm trong biển khổ, chưa được giải thoát an vui, huống nữa là giết hại chúng sanh ư?

Hành giả đã vào nhà Đại từ Bi, tức cùng ở với Như Lai trong một nhà và được giao hòa với các đức Phật trong một tâm. Phương pháp nhập thất nầy tức là Định học trong ba môn Vô lậu học.

Đã vào nhà rồi thì cần mặc áo để che thân. Nếu mặc áo tốt đẹp của chúng sanh thì dễ sanh tâm tham luyến. Nếu mặc áo xấu xí thì dễ sanh lòng chán nản, càng thêm phiền não rối loạn thanh tịnh tâm. Vì thế nên người niệm Phật cần phải lấy tâm nhu hòa nhẫn nhục làm áo. Áo ấy, có công năng phá trừ được tất cả phiền não chướng ngại của hành giả trong khi niệm Phật. Như ta gặp giặc cướp thì đem tâm nhu hòa mà cư xử; nếu bị người khinh lờn lấn hiếp thì ta đem đức nhẫn nhục mà đối phó. Người đã mặc áo nhu hòa nhẫn nhục của Như Lai, thì tất cả ma chướng phiền não đều hóa thành trợ duyên tu đạo; và người sẵn có đức tính nhu hòa nhẫn nhục thì dù phải gặp nhiều trở lực gay go, lắm hoàn cảnh thử thách, cũng không bao giờ thối thất đạo tâm. Mặc áo nhu hòa nhẫn nhục của Như Lai là thuộc về Giới học trong ba môn Vô lậu học.

Sau khi đã vào nhà mặc áo rồi, thì cần phải có chỗ ngồi để tịnh tọa. Hằng ngày trong bốn uy nghi đi đứng nằm ngồi, thường xen cách nhau, hễ đi thì không đứng, ngồi thì không nằm v.v... cho đến ngồi kiết già trên pháp tọa cũng không khỏi sự gián đoạn. Nói tóm lại, tác dụng của bốn uy nghi đều vô thường thay đổi. Vì vậy, nên hành giả khi ngồi phải quán sát tất cả pháp không, chẳng những sáu trần cảnh bên ngoài như: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là không, mà sáu căn bên trong như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều không. Không những quán sát các pháp ô nhiễm của thế gian là không, mà ngay như những pháp thanh tịnh tu hành của xuất thế gian như: Từ bi, Trí huệ, Nhu hòa, Nhẫn nhục cũng đều không. Hành giả nếu quán sát được tất cả pháp không, và lấy pháp không ấy làm chỗ ngồi, thì dù có chỗ ngồi mà vẫn không ngồi, nhưng không bao giờ xa lìa chỗ ngồi ấy.

Đó là diệu dụng của quán sát pháp không, trong khi ngồi niệm Phật hành giả cứ luôn luôn quán sát như vậy, thì sẽ được định lực kiên cố, thiền quán sâu xa và nhiệm mầu. Ngồi Pháp tòa của Như Lai tức là Huệ học trong ba môn Vô lậu học.

Hành giả trong khi vào nhà Như Lai nên thề rằng: trọn đời không bỏ tâm Đại từ Bi. Trong khi mặc áo Như Lai thì thề rằng: trọn đời không xa lìa đức nhu hòa nhẫn nhục, trong khi ngồi tòa Như Lai cũng thề rằng: trọn đời hằng quán sát tất cả pháp không. Cứ như vậy hành giả tinh tấn tu tập ba môn Vô lậu học là: Giới, Định, Huệ, thời tự thể của hành giả cùng với mười phương ba đời các đức Phật không sai khác vậy. Hơn nữa; nếu hành giả đem tâm Đại từ Bi, tâm nhu hòa nhẫn nhục và tâm quán sát pháp không ấy mà niệm Phật, hay quán tưởng Phật, thì tâm ấy tức là Phật tâm vậy.



II - Quán Niệm

Trước đây là căn cứ vào các lối quán tưởng để làm cơ sở cho niệm Phật tam muội. Đến đây, ta lại quán sát cái niệm dùng để niệm Phật ấy, là do tâm mà có, hay từ miệng mà sanh. Nếu niệm ấy từ miệng mà sanh, thì tại sao các hình tượng như tượng đồng, tượng gỗ v.v... đều có miệng cả mà không niệm ra tiếng?

Có miệng mà không thể niệm được, như thế thì biết rằng: niệm ấy không phải từ nơi miệng mà sanh. Nếu niệm ấy do tâm mà có, thì tại sao khi ta không mở miệng khua lưỡi, niệm ấy không phát ra tiếng? Nói tóm lại, niệm đã không chỉ do tâm mà có, cũng không từ miệng mà phát sanh, thì biết rằng: cái niệm mà ta niệm Phật đây: bắt đầu từ tâm khởi niệm, rồi chuyển đến miệng và do lưỡi rung động thành tiếng, lúc bấy giờ mới hoàn thành một niệm.

Lại nữa, nên quán sát rằng: niệm ấy là bắt đầu từ tâm phát ra, rồi chuyển đến miệng lưỡi, cái niệm đã từ tâm phát ra ấy, cũng như sóng đối với nước: sóng tuy có thiên hình vạn trạng mà thể của nước chỉ có một. Cũng như thế, cái niệm từ tâm phát ra ấy, tuy có một, mười, trăm, ngàn, vạn niệm, nhưng niệm thể (Tâm) vẫn là một. Huống nữa thời gian là gì, nếu không phải là giả pháp phận vị giả lập của sắc và tâm, thì thời gian của một niệm hiện tiền, đối với thời gian của trăm ngàn vạn năm do một niệm hiện tiền hợp thành, cũng chẳng khác gì nhau vậy. Như thế gọi là "nhất niệm vạn niên".

Lại nữa, trăm ngàn vạn năm do nhiều niệm hợp thành, tuy kể số mục của niệm thì có vô lượng, nhưng chẳng qua như vô lượng sóng mòi sanh diệt trên mặt nước mà thôi. Sóng mòi tuy nhiều vô lượng mà thể của nước chỉ có một. Cũng thế, niệm số tuy nhiều, nhưng niệm sau vẫn không khác với niệm trước. Như thế gọi là "vạn niên nhất niệm".

Hành giả nếu liễu ngộ được lý "nhất niệm vạn niên" thời biết rằng: chính trong lúc ta khởi niệm để niệm Phật là đã diệt trừ được tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội. Nếu liễu ngộ lý "vạn niên nhất niệm" thời biết rằng: từ xưa đến giờ, ta vì mê lầm, khởi vọng niệm, tạo nghiệp dữ, nên bị trôi lăn trong tam đồ lục đạo. Những vọng niệm từ xưa ấy, cùng với chánh niệm niệm Phật ngày nay, cho đến ngày thành Phật nữa, niệm ấy cũng không rời tối sơ nhất niệm.

Bởi vậy, hành giả phải liễu ngộ nhất niệm ấy, quý trọng nhất niệm ấy, duy trì nhất niệm ấy, như gà ấp trứng, chuyền thông hơi nóng, niệm niệm không rời. Hành giả cứ luôn luôn niệm Phật như thế không gián đoạn, thời công phu niệm Phật ấy, cùng tột đời vị lai, niệm niệm tương tục không bao giờ gián đoạn.



III - Thật Tướng

Kinh Hoa Nghiêm nói: "Nếu muốn rõ biết nguyên do của mười phương ba đời các đức Phật, cần phải quán sát pháp giới tánh, tất cả đều do tâm tạo".

Hành giả đã biết các pháp đều do tâm tạo, thì dù gặp cảnh giới không phải Phật cảnh, cũng có thể quán tưởng thành ra cảnh Phật. Vì bất luận cảnh giới nào, cũng đều là giả tướng biến hiện của tự tâm, không ngoài pháp giới tánh mà có vậy.

Nay hành giả căn cứ vào pháp giới tánh ấy mà quán tưởng tất các cảnh đều tùy tâm mà biến hiện. Nhờ phương pháp quán tưởng đó mà lúc thấy cũng như khi không thấy, đều có thể quán tưởng thấy được hình tướng đức Phật A Di Đà và cảnh giới Cực Lạc trang nghiêm, lúc nghe cũng như khi không nghe, đều là nghe tiếng niệm Phật cả; cho đến mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý suy nghĩ, tất cả đều có thể tùy theo ý tưởng của hành giả mà biến hiện ra cảnh Phật và tiếng niệm Phật.

Lúc bấy giờ, ngay nơi cõi Sa bà uế tạp nầy cũng có thể hóa thành cõi nước Cực lạc trang nghiêm, sáu loài chúng sanh hóa thành những bậc Thượng thiện, cho đến hàng cây, ao báu v.v... cũng đều theo sức quán tưởng của hành giả mà hiện bày rõ ràng trước mặt. Như vậy hành giả cứ tập luyện lâu ngày thành thói quen, thì được xa lần cõi Sa bà mà đi gần tới cõi Tịnh độ vậy.

Lúc bấy giờ sáu căn không còn tiếp xúc với sáu trần ô nhiễm ở cõi nầy nữa, mà chỉ hằng an trú vào cảnh giới thiền quán tịch tịnh. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Thâu nhiếp sáu căn thì tịnh niệm tương tục" chính là ý nầy vậy.

Hành giả cứ quán sát như vậy, ban đầu bỏ uế tướng thể nhập về tịnh tướng như thế gọi là hữu tướng quán. Thứ lại, không những xả uế tướng, mà cũng xả luôn cả tịnh tướng, tâm thể nhờ đó mà được yên tịnh nhất như, như thế gọi là vô tướng quán. Cuối cùng vô tướng cũng không còn chấp trước, lúc bấy giờ cảnh giới Tịch Quang Tịnh Độ hiện bày trước mắt như xem chỉ giữa bàn tay, như thế gọi là thật tướng quán, đến đây, cái niệm dùng để niệm Phật ấy mới được hoàn toàn tương ứng với Phật vậy.



IV - Tùy Hỷ Công Đức

Đức Phổ Hiền Bồ Tát phát mười Đại nguyện mà Đại nguyện thứ năm là "Tùy hỷ Công đức".

Tùy hỷ công đức; nghĩa là hành giả nếu thấy người khác làm các việc công đức thì khởi tâm hoan hỷ tán thán. Do sự hoan hỷ tán thán ấy mà tự nhiên mình cũng được dự một phần công đức trong những phần công đức ấy, nên gọi là tùy hỷ công đức. Nay ta niệm Phật, hoặc khuyên người niệm Phật, hay là thấy người niệm Phật mà ta khởi tâm vui mừng tán thán công đức của người ấy, thì quyết định ta sẽ được dự một phần công đức trong những công đức của người đã được.

Trong khi ta nghe tiếng của một người khác, dù tiếng ấy không phải là tiếng niệm Phật, hay tiếng chưởi mắng la rầy ta, cho đến tiếng của các loài động vật, thực vật như chim hót, gió reo, nước chảy, thú kêu v.v..., bao nhiêu thứ tiếng ấy nó thường làm cho ta vui mừng hớn hở, đau khổ buồn thương... như thế, nếu đối với người chưa biết niệm Phật quyết chắc họ sẽ bị nhiều sự phiền não chướng ngại gây nên bởi những niệm buồn vui thương ghét ấy. Nhưng đối với ta, ta đã biết niệm Phật, ta đã biết quán tưởng Phật, thì dầu gặp tiếng hay tiếng dở, tiếng buồn tiếng vui, tiếng của người, tiếng của vật, tất cả ta đều xem như tiếng niệm Phật. Đã là niệm Phật, thì ta không còn phân biệt hay dở, buồn vui, tiếng của người, tiếng của vật v.v... Do thế, nên một khi nghe qua tiếng ấy ta đều xem như tiếng trợ duyên cho ta niệm Phật, và các thứ tiếng ấy đương niệm Phật thế cho ta, ta phát tâm vui mừng tùy hỷ với những tiếng ấy.

Hành giả nếu quán sát được như vậy thì lần lần sẽ được thâm nhập vào đại nguyện: "Tùy hỷ công đức" của đức Phổ Hiền Bồ Tát.



Phần Thứ Hai

PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

I - Cách Thức Niệm Phật

Phương pháp niệm Phật là một phương pháp tùy cơ. Vì thế nên tùy theo căn tánh và sở thích của người, có thể căn cứ vào các phương pháp đã chỉ bày trong kinh luận để chọn lấy một phương pháp thích hợp với mình mà thực hành, và thực hành theo phương pháp nào cũng được lợi ích, chứ không nhất định chỉ cho một phương pháp nào cả. Tuy thế, nhưng những phương pháp niệm Phật thường đứng như: "Ban châu tam muội" và thường tĩnh tọa như "nhất hạnh tam muội" niệm Phật: hai lối niệm Phật nầy đối với người thường đại tinh tấn đại trí tuệ còn cho là khó, huống là những người sơ cơ. Vì thế, hai lối niệm Phật ấy không được tiện lợi phổ thông bằng phương pháp trì danh niệm Phật trong kinh Di Đà đã chỉ.

Lại nữa, Kinh A Di Đà thì chỉ dạy trì danh niệm Phật, Quán Kinh thì chỉ dạy phương pháp quán tưởng niệm Phật; hai bộ kinh ấy mỗi kinh đều chuyên dạy một phương pháp niệm Phật riêng. Tuy hành giả cũng có thể đồng thời tu tập cả hai phương pháp, nhưng trì danh niệm Phật có phần dễ dàng và phổ cập quần sanh hơn phương pháp quán tưởng.

Trong phương pháp trì danh niệm Phật ấy, theo tôi thì có ba phương pháp: "Truy đảnh niệm Phật" của Ngài Hán Nguyệt Đại Sư, "Phản niệm Phật" của Ngài Tỉnh Am Đại Sư và "Sổ thập niệm Phật" của Ngài Ấn Quang Pháp Sư là dễ thật hành tu niệm hơn cả. Muốn sự niệm Phật mau được hiệu nghiệm, thì phải kết thất, nhập thất để niệm Phật, nhưng những người sơ cơ mới phát tâm niệm Phật, nếu nhập thất lâu ngày thì thường hay sinh vọng tưởng phiền não. Vì vậy, nên đầu tiên hành giả chỉ nên tập nhập thất bảy ngày thôi, rồi lần lần nhập thất hai tuần ba tuần cho đến nhập thất một tháng một năm v.v... có tiệm tiến như thế mới có thể tiêu lần được nghiệp chướng và sự nhập thất ấy mới khỏi bị vọng tưởng nhiễu động. Nhưng một điều cần nhất là bất luận thời gian nhập thất ấy lâu hay mau, đều phải tuyệt dứt sự nói phô. Bởi vì nói phô nhiều, thì loạn động chánh niệm, và sự niệm Phật không được thuần nhất vậy.

Ngài Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói bài kệ rằng:

Ít nói chuyện trò qua lại,

Nhiều niệm danh hiệu Phật Đà.

Tiêu diệt vọng niệm điên đảo,

Bấy giờ Pháp thân hiện ra.

Đại ý bài kệ ấy: Người ta ít nói chuyện thì niệm Phật được nhiều, nhờ niệm Phật nhiều mà tiêu trừ được vọng niệm, do tiêu trừ được vọng niệm mà Pháp thân thường trú được hiện bày.

Nếu hành giả không bớt sự nói phô thì không thể niệm Phật được nhiều, không niệm Phật được nhiều thì vọng niệm không thể tiêu diệt và Pháp thân thanh tịnh không do đâu mà xuất hiện vậy.



II - Tinh Tấn Niệm Phật

Ở thế gian, những người thích đánh cờ, vì tranh thắng bại, mà họ quên cả nóng lạnh mưa nắng; những người mê đánh bạc, vì tham tiền của mà họ quên ăn bỏ ngủ, không quản gian lao; những kẻ hiếu sắc dâm loạn, vì lửa dục nung đốt tâm can mà họ không rời một giây phút; người ta cố đeo đuổi kỳ cùng, đến bao giờ thỏa mãn dục vọng mới thôi.

Những tà hạnh như thế, vì vọng tưởng thúc dục, chỉ có kết quả khoái lạc tạm thời mà người ta còn có thể quên ăn bỏ ngủ, khó nhọc tìm cầu, huống gì chúng ta ngày nay phát tâm niệm Phật, là vì mục đích thoát ly sanh tử, cầu sanh Tịnh Độ, hưởng an vui trong nhiều kiếp, mà lại không bằng những kẻ cờ bạc, dâm loạn kia ư? Nếu nghĩ như thế thì sự biếng nhác không phát sanh mà chí niệm Phật càng thêm tinh tấn mãnh liệt.

Lại nữa, nên nghĩ rằng: Kẻ trung thần vì lo cứu quốc, người liệt sĩ tử tiết vì danh, kẻ sĩ phu thường chuyên nghiên bút, kẻ buôn bán hằng mưu danh lợi. Những hạng người nầy vì mưu cầu các pháp thế gian mà còn có thể suốt ngày giờ, cùng năm tháng, đem hết cả tâm lực mong cầu không biết mỏi mệt nhàm chán. Ngày nay chúng ta vì đạo giải thóat thanh tịnh xuất thế gian, há không cố gắng tu tập hay sao?

Hoặc giả, có người vì tu hành lao khổ lâu ngày sanh tâm nhàm chán, muốn đình chỉ công phu tu tập, thời nên nghĩ thế nầy: Chúng sanh ở chốn địa ngục đương chịu bao nhiêu cực hình đau khổ như là: lửa dữ đốt thân, băng lạnh rách thịt, giường sắt trụ đồng, hầm lửa, vạc dầu sôi v.v..., không một giây phút nào là không chịu đau khổ ấy. Cứ như thế sống ở địa ngục một ngày một đêm, dài bằng sống ở dương gian một ngàn sáu trăm vạn năm; đối với bao nhiêu sự đau khổ ấy, ta nên làm thế nào? Nếu ngày nay ta không chịu siêng năng tinh tấn niệm Phật thì cũng khó mà tránh khỏi được những cực hình đau khổ ở địa ngục ấy. Vả lại, tự mình đã chưa giải thoát được thống khổ, thì làm sao cứu khổ cho người được? Nghĩ như thế rồi, sanh lòng sợ hãi, nguyện tinh tấn mạnh mẽ, không kể thân mạng, quyết chí niệm Phật, cầu thấy Phật nghe Pháp để lợi ích cho mình và người.



III - Bất Xả Niệm Phật

Các pháp hữu vi trong vòng thế gian, đều bị sanh diệt vô thường. Vì sanh diệt vô thường, cho nên không vĩnh viễn tồn tại, trái lại hay bị phân cách giai đoạn, vì đã bị luật vô thường chi phối, nên người niệm Phật, ngày nay niệm mà ngày mai không niệm, bây giờ niệm mà lúc sau nghỉ. Nói tóm lại, từ giây phút nầy, đến sát na khác, cho đến cả năm tháng ngày giờ, các pháp hữu vi trong vòng thế gian, đều có gián đoạn. Vì có gián đoạn nên người mới phát tâm niệm Phật, dễ sanh khỏi các vọng niệm điên đảo.

Đức Khổng Tử khi đứng trên một giòng sông, Ngài đã tế nhận được sự tuôn chảy bất tuyệt của giòng nước, nên mới than rằng: "Giòng nước kia cứ chảy luôn như thế, suốt cả ngày đêm không bao giờ dừng nghỉ ư?".

Nay ta có thể căn cứ vào giòng nước chảy ngày đêm không dừng nghỉ kia, hoặc căn cứ vào tiếng nước chảy ấy, để quán tưởng làm cho tâm niệm ta luôn luôn được tương tục bất đoạn. Khi tâm niệm ta đã tương tục bất đoạn rồi, lại nên nghĩ thế nầy, bản tánh của nước vẫn lưu động luôn, không bao giờ dừng nghỉ, nhưng nếu có dừng nghỉ chăng là bởi đất hay đá làm trở ngại ngăn lấp. Cũng như vậy, bản tánh của tâm niệm ta không bao giờ gián đoạn, nhưng nếu bị gián đoạn chăng là vì vọng tưởng xen vào, làm rối loạn tâm niệm của ta. Tuy thế, nhung đất và đá chỉ là trở ngại hành tướng lưu động của giòng nước chảy, mà vẫn không thể làm trở ngại tánh ướt của nước. Cũng như thế, vọng tưởng chỉ làm gián đoạn được hành tướng của tâm niệm, mà quyết không thể làm gián đoạn được bản tính thường trú của tâm niệm.

Nếu hành giả quán tưởng được như thế, thì biết cái niệm năng niệm của ta vẫn luôn luôn tương tục, và đức Phật sở niệm vẫn thường hiện bày. Hiểu vậy thì dù có niệm Phật hay không tự tánh Phật của ta vẫn như như bất động, và dù có nhập thất hay không, thể tánh niệm Phật của ta cũng không bao giờ gián đoạn.



Phần Thứ Ba

GIẢN TRẠCH TÀ CHÁNH

I - Hàng Phục Ma Chướng

Công phu tu hành đến khi gần hoàn bị, hành giả thường hay phát sanh trí huệ, do đó có thể trước tạo được nhiều thi văn, thao thao bất tuyệt. Tuy vậy mà Ngài Hán Sơn vẫn cho đó là thiền bịnh. Vì vậy hành giả không nên phóng túng tự hào, vả lại nên nghĩ như thế nầy: Trí huệ tài năng ấy chẳng qua như viên ngọc báu của ta sẵn có, mà từ lâu ta đã bỏ rơi và bị chìm đắm dưới bùn lầy, như thế thì nay tuy mới tìm lại được, cũng chẳng có gì lấy làm vinh vang tự đắc. Vả chăng dù có muốn làm thi văn, cũng nên dè dặt cẩn thận, mà không nên khoe khoang phô bày.

Lại nữa, khi ta quán tưỏng dù thấy được tướng tốt của Phật hiện ra trước mắt, cũng không nên vui mừng tự đắc. Vì cảnh giới ấy chẳng qua cũng là cảnh duy tâm sở hiện, như hình bóng trong gương mà thôi. Cho nên, hễ gương bị bụi nhơ làm ô nhiễm, thì hình tượng không hiện bày, đến khi đã lau sạch bụi nhơ, thì gương được sáng suốt và lúc bấy giờ bao nhiêu hình tượng sẽ hiện vào trong gương, không cần phải tìm kiếm đâu xa lạ. Bởi vậy nên hành giả trong khi tu tập, nếu thấy cảnh tượng gì xuất hiện, dù cảnh Phật hay tướng Phật cũng vậy, hành giả nên bình tâm mà xét rằng: Tất cả các pháp đều bình đẳng nhất như, không có cao thấp rộng hẹp, vì thế không có gì đáng lạ lùng và kinh dị cả. Cổ đức nói: "bình thường tâm là đạo" chính là nghĩa nầy vậy.

Hành giả có quán sát như thế mới có thể hàng phục được ma chướng phiền não. Nếu không như thế, thì tha hồ thi thơ ngâm vịnh, vinh vang tự đắc, biết ít đã tự cho là đủ; ma chướng ngã mạn, cống cao do đó mà phát sanh: mới thấy được một ít tướng hảo, đã sanh tâm vui mừng, loạn động chấp trước, ma chướng hoan hỷ do đó mà phát sanh; đã là ma chướng thì dù hoan hỷ hay ngã mạn cũng đều làm tan mất chánh niệm của hành giả. Bởi thế cho nên những người chí tâm học đạo cần phải hiểu rõ và tìm cách hàng phục những ma chướng ấy.



II - Đối Trị Vọng Tưởng

Người niệm Phật sở dĩ không được nhất tâm bất loạn là vì vọng tưởng xen lẫn vào.

Vì vọng tưởng khởi nên năm căn tiếp xúc với năm trần, ý căn do đó mà bị nhiễu loạn vọng động. Hoặc thời chỉ một mình ý căn vọng động, làm nhiễu loạn năm căn, khi ấy dầu năm căn không tiếp đối với năm trần, một mình ý căn cũng có thể biến khởi vọng trần mà duyên chiếu.

Vì vậy hành giả muốn được nhất tâm niệm Phật thì trước hết cần phải đoạn trừ vọng tưởng. Muốn đoạn trừ vọng tưởng thì trước hết cần phải nhiếp phục ý căn. Muốn nhiếp phục ý căn thì trước hết phải đoạn trừ tác dụng của năm căn.

Tỷ dụ: Ta muốn xem sắc đẹp, thì trước hết nên nghĩ nhãn căn đã đoạn không còn có tác dụng xem sắc đẹp nữa, ý căn do đó mà đình chỉ, không khởi vọng tưởng muốn xem sắc đẹp. Khi ta muốn nghe tiếng hay thì ta nên nghĩ nhĩ căn đã đoạn, không còn có tác dụng nghe tiếng hay nữa, ý căn cũng do đó mà không khởi vọng tưởng muốn nghe tiếng hay. Cho đến tỷ căn, thiệt căn, thân căn, cũng nên quán tưởng như vậy, thì ý căn không còn sanh khởi vọng tưởng nữa.

Ngoài ra còn có một phương tiện nầy đối trị vọng tưởng rất thần diệu. Phương tiện ấy là: nếu hành giả trong khi ngồi niệm Phật, mà vọng tưởng khởi thì nên nghĩ như thế nầy:

Thân ta đang ngồi niệm Phật trong ao sen bảy báu ở cõi Tịnh độ, và cõi Tịnh độ ấy cách xa cõi Sa bà mười muôn ức cõi Phật.

Tuy sự quán tưởng ấy chưa có ích chi cho sự vãng sanh, nhưng nó là phương pháp rất thần diệu để đối trị trong vọng tưởng. Vì vậy hành giả trong khi ngồi niệm Phật, nên quán tưởng như thế để diệt trừ loạn động vọng tưởng.

III - Đề Khởi Chánh Niệm

Vọng tưởng từ đâu mà có nếu không phải do chánh niệm mà lưu chuyển ra? Vì thế cho nên ngoài chánh niệm không có vọng tưởng. Vọng tưởng đã không thể xa lìa chánh niệm, thì ngay nơi vọng niệm tức là chánh niệm rồi vậy.

Như thế thì trong khi vọng tưởng phát khởi chúng ta không cần phải khiển trừ vọng tưởng, mà chỉ nên dùng chánh trí để hiểu biết đó là vọng tưởng, tức là đề khởi chánh niệm rồi vậy. Khi chánh niệm đã được đề khởi thì vọng tưởng không cần phải dụng tâm đoạn trừ mà cũng tự nhiên tiêu trừ vậy.

Như vậy, hành giả cứ quán sát tự tánh của vọng tưởng là không , thì gọi là không quán .

Khi đã được không quán rồi, thì hành giả không vì thấy được tướng Phật mà khởi tâm vui mừng, ngã mạn cống cao, và cũng không vì không thấy được tướng Phật mà sanh tâm ưu sầu chán nản.

Cứ như thế luôn luôn bình tâm niệm Phật, không khởi vọng tưởng muốn thấy Phật tướng, cũng không khởi vọng tưởng không muốn thấy Phật tướng. Nếu hành giả niệm Phật được như thế, tức là chánh niệm được hiển hiện, và do đó, vọng tưởng cũng dần dần tiêu diệt vậy.



IV - Giải Thích Nghi Vấn

Nếu hành giả muốn thấy Phật tướng, mà không thấy được cũng không nên sanh tâm lo buồn. Vì sao? Vì trong tâm kinh nói: "Sắc tức là không, không tức là sắc". Cho nên hành giả cần được tâm không mà thôi, khi tâm đã được không (không chấp trước) rồi, thì dù có thấy được sắc thân của Như Lai, hay không thấy được cũng không khác gì vậy.

Có người nghĩ rằng: Trong Kinh Kim Cang nói: "Nếu căn cứ sắc tướng để thấy ta, cũng như người căn cứ âm thanh để hiểu ta, người ấy là tà đạo, quyết không bao giờ thấy được Như Lai". Do ý nghĩa đoạn kinh nầy, nên họ nghĩ rằng: Có lẽ ta niệm Phật rồi đến khi nhất tâm bất loạn thấy được tướng hảo của Phật, cũng là tà đạo chăng? Vì cũng là căn cứ sắc thanh mà tìm thấy Như Lai vậy.

Muốn giải thích sự nghi ngờ nầy, thì hành giả nên nghĩ rằng: sắc và thanh tuy tướng dụng có khác, nhưng thể tánh thì đồng nhất. Thể tánh đồng nhất của sắc và thanh ấy là thể tánh chơn không, và thể tánh chơn không ấy chính là Pháp thân của Như Lai vậy.

Vì thế cho nên tuy không thể căn cứ trên sắc thanh mà thấy được Pháp thân Như lai, nhưng cũng không phải vì căn cứ nơi sắc thanh mà không thấy được Pháp thân của Như Lai.

Vì vậy cho nên, nếu hành giả không cầu thấy Phật thì tâm niệm Phật không chí thành tha thiết; nhưng nếu hành giả cầu thấy Phật bằng cách không chánh đáng thì đó chỉ là vọng tưởng giả dối. Đã là vọng tưởng thì không thể nào thấy được Phật tướng.

Bởi thế nên hành giả trong khi niệm Phật, cần phải luôn luôn cầu thấy Phật, mà thật ra không nên đắm trước sự cầu thấy Phật. Nhờ sự không đắm cầu thấy Phật mà không một phút nào không thấy Phật; có như thế mới khỏi lạc vào tà đạo vọng tưởng vậy.



V - Hiểu Biết Và Thực Hành

Người tu niệm Phật tam muội, trước hết cần phải hiểu cách thức niệm Phật rồi sau mới khởi công thực hành. Cho nên những phương pháp đã chỉ bày trước đây đều là nhắm vào mục đích: Trước tiên là làm cho hành giả thông hiểu lý thuyết niệm Phật rồi sau mới khởi công thực hành phương pháp niệm Phật. Bởi vì có hiểu biết trước thì sự thật hành sau mới tránh khỏi sự sai đường lạc lối.

Vả lại, nếu chỉ đọc chữ hiểu nghĩa liền cho là triệt ngộ không chịu thật hành tu tập, thì cũng không khác chi người chỉ nói ăn mà không chịu ăn, như thế thì làm sao có kết quả no bụng? Lại nữa, nếu chỉ hiểu biết mà không chịu thực hành thì cũng như người chỉ đếm vàng bạc của cải của người khác, tuy trọn đời ngồi đếm mãi như thế, nhưng chung quy thì mình không có gì cả. Nếu người tu niệm Phật mà cũng như thế, thì chung quy không được lợi ích gì. Vì vậy cho nên cần phải thực hành theo sự hiểu biết.

Tuy nhiên, trước khi thực hành niệm Phật thì cần phải hiểu biết lý thuyết niệm Phật, nhưng đến sau khi hiểu biết lý thuyết niệm Phật rồi, lúc hạ thủ công phu, để thực hành niệm Phật thì cần phải quét sạch tất cả cái gì đã hiểu biết từ trước, không còn lưu lại một lý chướng trong tâm, dù là sự hiểu biết niệm Phật cũng vậy. Lại phải làm thế nào lúc niệm Phật tâm niệm được rỗng không, không chấp trước một cái gì cả. Vì nếu chấp trước thì không sa vào sự chướng cũng bị lạc vào lý chướng vậy. Cho nên Cổ đức nói: "Hành khởi thì giải vong". Chính là chỉ cho ý nầy.

Được như thế thì công phu niệm Phật của ta mới tương ứng với Phật. Nếu không, nghĩa là trong lòng ta còn chấp trước không xả bớt sự hiểu biết, thì không thể nào thật chứng được tam muội. Người niệm Phật cần phải chú ý đến ý nghĩa của hai chữ "Hành Giải" cho rõ ràng. Vì nếu nhận xét sai thứ lớp của sự hiểu biết và thực hành thì công phu niệm Phật không có hiệu quả vậy.



VI - Thích Hợp Thời Cơ

Vì đối với uế độ nên đức Phật dạy Pháp môn Tịnh độ. Cũng như Thầy thuốc khám bệnh mà cho thuốc; các thứ thuốc như Đại Hoàng, Ba Đậu là để đối trị bịnh táo kiết, Càn Cương, Phụ Tử là để đối trị bịnh hàn lãnh.

Thế giới chúng ta hiện ở đây, vì đầy dẫy năm món uế trược và chúng sanh thường tạo tác mười nghiệp dữ, do thế nên nhân loại chúng sanh trong thế giới nầy thường chịu rất nhiều sự thống khổ bức bách, không một giây phút nào được an vui thanh tịnh. Căn cứ vào căn bệnh thống khổ uế trược ấy, nên đức Phật chỉ bày pháp môn Tịnh độ là một phương pháp cần thiết để cứu giúp chúng sanh thoát khỏi mọi uế trược đau khổ.

Vẫn biết các pháp môn khác cũng có thể cứu thoát chúng sanh, giải thoát sanh tử, nhưng vì ít thích hợp với căn cơ của chúng sanh trong thế giới nầy, nhất là thời đại mạt pháp hiện tại. Bởi thế cho nên phần nhiều các vị Đại thiện trí thức thường thường tạm hoãn các pháp môn khác, và đều xu hướng truyền bá, tu học theo pháp môn Tịnh độ một cách gấp rút cần thiết, coi như đương cứu ngọn lửa đốt cháy trên đầu.

Lại nữa, hành giả cần phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ "Tịnh". Chữ Tịnh cắt nghĩa vắn tắt là trong sạch; đã là trong sạch thì không thể xen lẫn với pháp nhiễm ô. Nếu xen lẫn với pháp nhiễm ô thì dù tịnh pháp hay thiện pháp cũng đều biến thành nhiễm pháp hay ác pháp vậy. Thí dụ: như một vũng nước trong, dù dùng pha lê hay lưu ly để đánh quậy đi nữa, vũng nước ấy cũng biến thành nước đục, nước trong đã biến thành nước đục thì không thể soi tỏ được các hình tượng vậy.

Đời Đường, Ngài Thiện Đạo Hòa Thượng nói: "Có hai hạng người tu tịnh nghiệp; một là chuyên tu, hai là tạp tu. Chuyên tu thì mười người chắc chắn được vãng sanh cả mười; còn tạp tu thì trăm người niệm Phật, chưa chắc được vãng sanh một hai người".

Duy chỉ có bộ Tây Phương Xác Chỉ của Ngài Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, rất chú trọng và giải thích rõ ràng về lối chuyên tu tịnh nghiệp nầy. Vậy người tu niệm Phật tam muội cần phải lấy bộ sách nầy làm kim chỉ nam cho sự tu hành niệm Phật của mình. Như thế chỗ dụng công niệm Phật mới khỏi luống uổng và được kết quả niệm Phật tam muội vậy.



VII - Hiệu Quả của Tam Muội

Có người hỏi: Nếu không cầu thấy Phật thì làm thế nào thành tựu được Tam muội. Nếu hoàn toàn không có sở đắc thì làm sao biết được tam muội?

Đáp: Niệm Phật là nhân của Tam muội, Tam muội là kết quả của niệm Phật. Nhơn nếu chơn chánh, thì kết quả tất nhiên sẽ tốt đẹp. Cho nên nếu cứ đúng như Pháp mà niệm Phật và dày công phu tu tập niệm Phật, thì dù có thấy Phật hay không thấy Phật, cũng không hại gì. Nhưng nếu niệm Phật không đúng pháp, và dụng công không hoàn toàn, thì dù có sở đắc chăng nữa cũng lạc vào tà ma, và nếu không có sở đắc thì thuộc về ngu si.

Bản thể của ta là Phật, nhưng tại sao chưa thành Phật? Bởi vì từ xưa đến nay chúng ta luôn luôn khởi hoặc tạo nghiệp, phát sanh vô số tạp khí mê lầm phiền não như: Tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng v.v... Vì những tạp khí mê lầm phiền não ấy che lấp tâm tánh, nên chúng ta chưa có thể thành Phật.

Ngày nay, nếu hành giả gắng công niệm Phật, đến khi công phu ấy thành tựu rồi, thì dầu có đối với cảnh duyên nào, cũng không phát sanh những tập khí phiền não như tham, sân, si v.v...; cũng như người chặt đứt tay chân rồi thì không thể nối lại được nữa. Niệm Phật cho đến lúc ấy, hành giả mới có thể thấy Phật, thành Phật vậy. Trạng thái tâm hồn lúc bấy giờ ở thiền tông gọi là: "Đại tử đại hoạt". Nghĩa là diệt hết vọng niệm thì chánh niệm hiện tiền. Ngài Giác Minh Diệu Hạnh cũng nói: "Nếu trừ hết vọng niệm, thì Pháp thân xuất hiện", chính là nghĩa nầy. Nếu hành giả niệm Phật đến lúc thành tựu tam muội rồi, thì Phật tánh vô lượng công đức tự nhiên lưu lộ ra, khi ấy không cần gì phải tìm kiếm mong cầu mà vẫn thành tựu, cho đến tất cả thần thông diệu dụng, tất cả cảnh giới sở đắc bất đồng, cũng đều do công phu niệm Phật thành tựu tam muội của hành giả mà có ra. Như thế thì niệm Phật nếu được thành tựu tam muội cũng không có gì đáng mừng và cũng không nên đem chỗ sở đắc của mình khoe bày với người khác. Bởi vì nếu khởi tâm vui mừng thì lạc vào tà ma, còn nếu đem phô bày với người khác thì dù được tam muội rồi cũng sẽ mất vậy. Bởi thế nên hành giả khi niệm Phật đã được thành tựu Tam muội rồi thì cần phải dè dặt cẩn thận không nên khoe khoang tự đắc.

*

Nói tóm lại, những phương pháp tôi vừa giới thiệu trên đây, đều là những phương tiện đầu tiên của hành giả trong khi tu niệm Phật Tam muội. Tất cả những phương tiện ấy đều căn cứ vào các kinh luận, hoặc căn cứ vào những chỗ đã được học hiểu với Thầy bạn mà diễn tả ra, chứ tôi không dám tự hung ức mà bịa đặt. Tôi thiết tha mong rằng: Hàng Phật tử sẽ căn cứ vào những điều tôi đã trình bày trên đây mà khởi công thật hành tu niệm và tôi cũng hy vọng rằng: Các vị Thiện tri thức sẽ đem chỗ thật tu thật chứng của mình mà bổ khuyết lại những chỗ sai lầm không thể tránh khỏi trong đây, tôi xin chí thành cảm tạ.

Trong đây, tôi không dám cậy chỗ sở trường của mình, cũng không dám đem chỗ sở chứng của mình mà khoe khoang với người. Tôi hằng tự nghĩ: Nhiều kiếp đến nay, sở dĩ bị trôi lăn trong sáu loài, là vì nặng nghiệp vô minh, gây lắm hý luận, mắc tội vọng ngữ. Vì thế đến nỗi ngày nay dù có phát tâm niệm Phật đi nữa, công phu niệm Phật ấy cũng khó có hiệu lực, và cũng không thể nào thành tựu được tam muội. Vì nghĩ như thế nên tôi rất sợ hãi.

Vả lại, đời là vô thường, ngày qua tháng lại, thay đổi rất mau chóng, thân người dễ tan mất, Phật pháp rất khó được nghe. Vì thế nên suốt cả ngày đêm, tôi thường bâng khuâng lo nghĩ, muốn tìm phương tiện cứu người và mình ra khỏi cuộc đời vô thường và đau khổ ấy. Cuối cùng tôi bắt chước theo hạnh nguyện của Ngài A Nan, mặc dù tự mình chưa cứu độ cho mình được, nhưng vẫn nghĩ tìm phương pháp cứu độ cho người. Vì thế tôi liền đốt hương lễ Phật, khẩn cầu Tam bảo gia bị, rồi tôi y kinh dẫn luận viết thành quyển "Niệm Phật Tam Muội" nầy, tôi nguyện quyển Niệm Phật Tam Muội nầy sẽ được lợi ích cho tất cả pháp giới chúng sanh, mọi người dù thấy dù nghe đều khởi tín tâm phát đại nguyện, và cố gắng thật hành theo pháp niệm Phật Tam muội nầy. Sau khi niệm Phật đã được thành tựu Tam muội rồi, lại đem lòng Từ bi rộng lớn cứu độ cho tôi, cùng tất cả pháp giới chúng sanh, đều được sanh về cõi Tịnh độ, và đồng dự vào hải hội Liên trì. Nếu được như thế thì những phương pháp thật hành tôi đã trình bày trong cuốn Niệm Phật Tam Muội nầy, công đức cũng trở thành lớn lao vô tận vậy.



NGHI THỨC TỊNH ĐỘ PHỔ THÔNG



ĐỐT HƯƠNG CÚNG PHẬT

Nguyện mây diệu hương nầy,

Cùng khắp cả mười phương

Cúng dường các đức Phật

Tôn pháp và Bồ tát

Không ngằn chúng Thanh Văn

Cùng hết thảy Thánh hiền.

Duyên khởi đài quang minh

Xứng tánh làm Phật sự

Khắp huân các chúng sanh

Đều phát tâm Bồ đề

Xa lìa các vọng nghiệp

Trọn thành đạo Vô thượng.



TÁN PHẬT

Cúi đầu đảnh lễ đức Đại Đạo Sư

Tiếp dẫn chúng sanh ở cõi an lạc

Con nay phát nguyện nguyện vãng sanh

Cúi xin Ngài đem lòng Từ bi tiếp độ cho.



LỄ PHẬT

Nhất tâm đảnh lễ Thập phương Thường Trú Tam Bảo

Nhất tâm đảnh lễ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nhất tâm đảnh lễ Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Nhất tâm đảnh lễ Liên Trì Hải Hội Phật Bồ tát.



BÀI PHÁT NGUYỆN TU TRÌ

Một lòng quy kính,

Đức Phật Thích Ca

Giáo chủ Sa bà

Vì nguyện Đại bi

Xuất gia tìm đạo

Giải bày chơn lý

Cứu độ chúng sanh

Thoát vòng mê muội.

Đệ tử lâu đời lâu kiếp,

Nghiệp chướng nặng nề

Tham giận kiêu căng

Theo đường tà vọng

Ngày nay nhờ Phật

Biết sự lỗi lầm

Thành tâm sám hối.

Phát lòng tin đúng,

Noi Phật Pháp Tăng

Tin Phật bậc Thầy sáng suốt

Phước đức khôn lường.

Tin Pháp lý lẽ chơn thật,

Phá chấp trừ nghi

Đưa đường giác ngộ

Tin Tăng đoàn thể tu hành

Đức hạnh tinh nghiêm

Hộ trì giới luật

Lòng tin Tam bảo

Hoàn cảnh thì gian

Không làm phai lạt

Tin đúng tin vững

Lại phải sống theo

Như lời Phật dạy

Phát nguyện tu trì

Luôn đem chí khí

Phấn đấu với mình

Rèn luyện nét hay

Đoạn trừ phiền não

Ấy là sống mạnh.

Luôn đem tình thương bao la,

Giúp người giúp vật

Tìm chơn hạnh phúc

Trong việc lợi tha

Ấy là sống rộng

Xem trong thực tại

Nhơn quả tương quan

Như hình với bóng

Cần nên thận trọng

Trong mọi hành vi

Gieo rắc nhơn lành

Kết thành quả tốt

Tâm thường ghi nhớ bốn ân

Một ơn Tam bảo

Hai ơn nước nhà

Ba ơn cha mẹ

Bốn ơn chúng sanh

Lo đền nghĩa nặng

Noi gương từ phụ

Tu học phép mầu

Ngày đêm tinh tấn

Để mau ra khỏi mê lầm

Minh tâm kiến tánh

Trí huệ sáng suốt

Đặng gia hộ các bậc tôn trưởng

Cha mẹ anh em

Thân bằng quyến thuộc

Cùng tất cả chúng sanh

Đồng thành Phật đạo.



NIỆM DANH HIỆU PHẬT

Nam Mô Tây Phương Giáo chủ tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật (108 lần)

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát (10 lần)

Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát (10 lần)

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát (10 lần)

Nam Mô Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ Tát (10 lần)



BÀI PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH

Một lòng quy kính,

Phật A Di Đà,

Thế giới Cực Lạc.

Nguyện lấy hào quang,

Trong sạch soi cho,

Lấy thệ từ bi,

Mà nhiếp thọ cho.

Con nay chánh niệm,

Niệm hiệu NHƯ LAI,

Vì đạo Bồ Đề,

Cầu về Tịnh độ.

Phật xưa có thệ:

"Nếu có chúng sinh,

Muốn sanh nước ta,

Hết lòng tín nguyện,

Cho đến mười niệm,

Nếu chẳng đặng sanh,

Chẳng thành Chánh Giác".

Do vì nhân duyên,

Niệm hiệu Phật nầy,

Được vào trong bể,

Đại thệ Như Lai,

Nhờ sức Từ bi,

Các tội tiêu diệt,

Căn lành tăng trưởng.

Khi mạng gần chung,

Biết trước giờ chết,

Thân không bệnh khổ,

Tâm không tham luyến,

Ý không điên đảo,

Như vào thiền định.

Phật và Thánh chúng,

Tay nâng kim đài,

Cùng đến tiếp dẫn,

Trong khoảng một niệm,

Sanh về Cực Lạc.

Sen nở thấy Phật,

Liền nghe Phật thừa,

Chóng mở Phật huệ,

Khắp độ chúng sanh,

Trọn Bồ đề nguyện.



CHÚ VÃNG SANH

Nam mô a di đa bà dạ,

Đá tha già đá dạ,

Đá địa dạ tha,

A di rị đô bà tỳ,

A di rị đá, tất đam bà tỳ,

A di rị đá, tì ca lan đế,

A di rị đá, tì ca lan đá,

Già di nị, già già na,

Chỉ đa ca lệ, sa bà ha. (3 lần)



BÀI QUY Y TAM BẢO

Đệ tử quy y Phật, nguyện đời đời kiếp kiếp, không quy y thiên thần quỷ vật.

Đệ tử quy y Pháp, nguyện đời đời kiếp kiếp, không quy y ngoại đạo tà giáo.

Đệ tử quy y Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp, không quy y tổn hữu ác đảng.



BÀI HỒI HƯỚNG VÃNG SANH

Nguyện sanh Tịnh độ Cảnh phương Tây,

Chín phẩm hoa sen là cha mẹ,

Hoa nở thấy Phật chứng vô sanh,

Bồ tát bất thoái là bè bạn.