Phật Thích Ca và chư vị Bồ Tát đều công nhận pháp môn niệm Phật là một phương pháp dễ tu, dễ chứng hơn tất cả các pháp môn tu hành khác.

Dễ nhất là vì chỉ cần trì niệm sáu chữ “ NAM MÔ A – DI – ĐÀ - PHẬT ” là đủ.

Thân tâm của Đức Thế Tôn khi nói pháp nầy là muốn cứu rỗi chúng sanh trong đời mạt pháp, phúc tuệ đã mỏng manh, nghiệp chướng lại sâu dày, vì quá mê nhiễm lạc thú của trần thế. Mặc dù dễ tu, dễ học, nhưng cứu cánh cũng là giải thoát khỏi nẻo sanh tử luân hồi. Song thử hỏi, có bao nhiêu người thực hành chơn chánh pháp tu quý báu ấy.

Có người hỏi, tụng kinh lễ bái, tụng niệm, ngồi thiền đủ thứ, mà còn ít thấy ai thành Phật được thay, nay niệm có sáu chữ, mà nói thành Phật rất dễ là sao?

Tôi xin thưa: Tụng niệm, lễ bái, gõ mõ, tụng kinh là hình thức bề ngoài, làm sao thành Phật cho được. Bất quá trong lúc ở trước cảnh trang nghiêm nơi bàn Phật, thì ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của ta được thanh tịnh lúc đó mà thôi, chớ khi buông dùi mỏ, chuông ra rồi, thì đâu vẫn hườn đó. Vậy gõ mõ, tụng kinh là để buộc trói cái tâm lại, đừng cho nó buông lung phóng túng trong lúc đó mà thôi, chớ không phải cứu cánh để thành Phật.

Cũng có nhiều người chuyên ròng niệm Phật, mà cả đời vẫn không thấy Phật là sao?

Xin thưa:

Pháp môn niệm Phật hay pháp môn nào khác, nếu chỉ tu trong bốn thời (Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu) thì tôi dám quả quyết rằng không thành chi hết.

Bất luận pháp môn nào, muốn tu cho thành, ngoài công phu tứ thời ra, phải áp dụng luôn cả trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) trừ khi làm việc bằng trí óc mà thôi.

Những bậc tu rốt ráo, dù tiếp khách, làm việc, ngủ nghê, đạo tâm của họ cũng không rời sự tu hành.

Tu như vậy mới có cơ thành Phật.

Vậy niệm Phật không có tứ thời, niệm Phật phải đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng niệm hoài trong tâm không sơ hở. Trừ khi làm việc bằng trí óc, hoặc ngủ nghê, mỗi ngày ngưng niệm một lát trong lúc đó thôi. Nhưng sau này khi niệm Phật quen rồi, lúc ngủ tiềm thức của ta vẫn niệm như thường.

Chúng ta niệm Phật như thế, có cái lợi rất lớn, là lúc nào cũng ngăn liền tức khắc lòng tà của ta vừa chớm dậy, chớ không để cho nó bộc lộ ra ngoài cử chỉ và hành vi của ta.

Thí dụ: Khi ta đi ngang qua một cây ớt, một cây cà, cậy mận v.v… Ta thấy trái chín bóng lưỡng coi ngon quá, nên ta muốn hái về ăn. Nhưng khi ta vừa thò tay để hái, thì bổng nghe văng vẳng tiếng niệm Phật ở trong tâm ta đưa ra, ta vội rụt tay lại liền. Trong lúc ấy tâm ta nói với ta: “Phật không làm như vậy đa. Muốn ăn hãy trồng mà ăn, hoặc mua mà ăn, cùng chẳng đã hãy xin, chứ không được hái lén như vậy đâu”.

Khi ta thấy người đi đường làm rớt cái bóp, ta muốn nhặt lấy để xài, liền nghe văng vẳng tiếng niệm Phật trong tâm ta vọng ra, thì ta liền nghĩ: “Phật không lấy của cải ai cả, phải gọi người trở lại lượm đi”. Tức thì ta lên tiếng gọi người làm rớt cái bóp để cho họ hay.

Khi có người đạp nhầm chân ta đau quá, ta vụt nổi sân, định la lên cho hả cơn giận. Nhưng văng vẳng nghe tiếng niệm Phật trong lòng ta vang ra, tâm ta liền nói: “Phật phải từ-bi, hỷ-xả, chứ không biết giận ai”. Ta liền mỉm cười vui vẻ, vì ta biết đó là do sự rủi ro, chớ không ai muốn như thế.

Khi ta muốn giết một con vật để ăn thịt, bỗng tai ta nghe tiếng niệm Phật, khiến ta nhớ: “Phật từ bi thương xót tất cả chúng sanh, từ loài người cho đến loài vật. Loài vật cũng biết đau đớn rên la, tham sống sợ chết như ta”. Khiến cho lòng muốn ăn của ta tiêu tan, nên ta không thể giết nó được.

Khi ta thấy một người đẹp đi ngang qua, dâm ý của ta nổi lên, liền bị tiếng niệm Phật như nhắc nhở ta: Phật không mê sắc đâu, Phật phải trang nghiêm minh chánh. Tiếng nói lương tri (nhà Phật gọi kiến tánh) khiến cho lòng dục của ta phải tiêu tan ngay.

Khi ta muốn nói láo, hay nói lời đâm thọc, rủa sả, cộc cằn, hoặc nói điều chi có hại cho ai, thì tiếng niệm Phật ngăn ta lại liền, không cho ta thốt điều chi bất chánh.

Niệm Phật, trước một người đau, một kẻ đói, ta không thể làm ngơ mà bỏ đi luôn được. Thế nào ta cũng phải tìm cách giúp đỡ cho họ một ít tiền nong, hoặc gạo thuốc v.v…

Vậy tiếng niệm Phật rất nhiệm màu, nếu hành đúng phương pháp, nó sẽ làm cho người dữ hoá hiền, kẻ xấu thành tốt, kẻ nóng thành nguội. Tiếng niệm Phật gợi nơi Phật tử lòng từ-bi hỷ-xả, khiến cho kẻ đói được no, kẻ rách được lành, kẻ đau được mạnh, kẻ thù hoá bạn v.v…

Tiếng niệm Phật như cây gươm linh: Gươm ấy chực sẵn, lúc nào cũng rình tà niệm vừa tượng trứng, là chém liền chớ không để nó có thì giờ sinh nở.

Bởi vậy, người niệm Phật không tranh hơn thua, cao thấp, không chấp ngã nhơn, thân hoà đồng trụ, khẩu hoà vô tranh, chia cơm xẻ áo, thuận thảo thương yêu, lúc nào cũng hoà mình với bá tánh, chớ không sống ích kỷ riêng tư cho mình.

Tiếng niệm Phật ngăn chận vô số hành vi và tư tưởng xấu thuộc thân, khẩu, ý không cho phát sanh.

Pháp môn niệm Phật có kết quả phi thường, nên chư Phật, chư Bồ Tát đều công nhận là pháp môn cao nhất trong tất cả pháp môn. Nhưng cần phải niệm niệm không dứt, phải niệm tối ngày không nghỉ, trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi chớ không như các pháp môn khác, phải đợi tới chiều mới tham thiền quán tưởng, xét nét lại công chuyện của mình đã làm từ sáng tới tối, coi được bao nhiêu điều thiện, để ngày mai tiếp tục làm thêm, còn điều ác phải chừa bỏ.

Bởi vậy, có nhiều khi chiều ngồi lại, để tham thiền quán tưởng lại những điều phải quấy trong ngày đó, thì con gà bị ta cắt cổ ban sáng, bây giờ nó cũng không sống lại được. Có khi mình đã được mời vào ngồi trong khám, để quán tưởng lại sự lỗi lầm của mình đã làm lúc trưa thì đã muộn rồi.

Trái lại, đối với pháp môn niệm Phật, hễ tà niệm trong tâm vừa chớm nở là bị ta trừ liền, không cho nó kịp xúi bảo ta đem ra hành động. Nhưng ta phải niệm Phật cho liên tục, đừng cho đứt khoảng. Vì nếu đứt khoảng sẽ bị giặc thất tình, lục dục nó xâm chiếm ngay, cũng như ta làm hàng rào phải cậm cây cho liên tiếp, chớ chỗ cậm chỗ không, thì gà vịt sẽ do lỗ trống đó vô bươi phá tiêu hết rẩy bái.

Vậy tôi xin lập lại một lần nữa, là đối với pháp môn niệm Phật, ta phải niệm luôn trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, chớ không được chỉ dùng về tứ thời để niệm Phật, vì làm như vậy tu không thấy kết quả đâu.

Ban đầu ta thấy niệm rất khó khăn, quên tới quên lui, khi niệm khi không, nhưng rán trì chí riết rồi nó sẽ quen. Trong lúc ăn, lúc uống, rửa chén, quét nhà, tắm rửa, chặt cây, cuốc đất, hoặc bất cứ làm công chuyện chi, cho đến lúc đi tiểu, đi đại gì cũng cứ niệm luôn.

Niệm Phật là tâm niệm chớ chẳng phải miệng niệm. Thế nên đừng niệm ra tiếng và ta cứ niệm mãi, niệm hoài để tống khứ cho hết các thứ Ma-Vương yêu quỉ. Chừng nào Ma-Vương thất tình, lục dục không còn, chừng đó sẽ thấy Phật tới liền. Bởi vì Phật và Ma-Vương không thể ở chung được đâu: hễ ta đuổi Ma-Vương đi hết thì Phật đến. Trong kinh có câu:

Tam nghiệp tịnh thì Phật xuất thế,
Tam nghiệp bất tịnh, Phật nhập diệt. (1)

Chú thích: (1) Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được trong sạch thì Phật đến. Ba nghiệp không trong sạch thì Phật đi.

Tiếng niệm Phật sẽ nhắc nhở cho ta luôn: thấy việc ác đừng làm, thấy việc thiện chớ bỏ qua, tâm ta lúc nào cũng thanh tịnh sáng suốt, ngoại cảnh sẽ không chi phối ta được, thất tình lục dục sẽ không còn xâm chiếm để sai khiến ta. Niệm Phật như vậy là ngoài thiền trong định.

Ngoài không nhiễm cảnh là thiền,
Trong không rối loạn là định.

Vậy đối với pháp môn niệm Phật, đi, đứng, nằm, ngồi gì ta cũng đều thiền định cả, chớ không chấp tướng ngồi mới thiền định được. Lại nữa, ta chung đụng với thiên hạ mà ta thiền được, định được, đó mới là cái thiền định chắc chắn, lo gì trí huệ không sanh, lo gì không thành Phật.


Theo THƯ VIỆN HOA SEN

Nguồn : http://niemadidaphat.co.cc