Ngài Huyền Trang sang Tây Vực

Trong lịch sử phát triển Phật Giáo Trung Quốc, 3 nhà chiêm bái và thỉnh kinh cũng như dịch thuật nổi tiếng là Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh. Viết về Huyền Trang, sử gia K. A. Nilakanta Sastri cho rằng: “Ngài là nhân vật có công phát triển kho tàng kinh điển Trung Quốc, tạo nhiều sự kiện quan trọng, sự huyễn nhiệm của Phật Giáo, đưa lên đến cực đỉnh...” (trích 2500 Year of Buddhism)
Ông sinh năm 602 sau công nguyên, năm thứ 14 đời Tùy Văn Ðế tại huyện Câu Thị tỉnh Hà Nam, trong một gia đình vọng tộc. Tằng tổ là Trần Khâm được phong tước Khai quốc quân công đời Bắc Ngụy; tổ phụ là Trần hương làm Quốc sử bác sĩ đời Bắc Tề, thân phụ là Trần Tuệ làm chức quan huyện ở Giang Lăng đời Tùy, sau thấy Tùy Dạng Ðế là một hôn quân, chán nản, từ quan về nhà dạy học. Ông tên thật là Trần Vỹ, đứng hàng con út. Người anh thứ hai, Trần Tố, làm Hòa thượng chùa Tịnh Ðộ (Lạc Dương).

Huyền Trang, hồi tám tuổi đã thích lễ nghi, tính tình nghiêm cẩn. Ít năm sau, một người anh là Tố quy y, Huyền Trang được nghe anh thỉnh thoảng giảng đạo Phật cho nghe, ham mê cũng muốn theo anh. Năm 13 tuổi, ông lại chùa Tịnh Ðộ ở Lạc Dương xin quy y. mới đầu, nhà chùa còn do dự, chê ông nhỏ tuổi quá, sau thấy ông thành tâm và thông minh lạ thường, nên chấp thuận. Ông học hết các kinh của Tiểu thừa, Ðại thừa rồi đến kinh Niết-bàn, giáo lý rất cao siêu. Hồi đó là cuối đời Tùy, đầu đời Ðường, trong nước loạn lạc. Khi đô thành một ổ đạo tặc, mà miền Hồ Nam thành cái hang mãnh thú, đường phố Lạc Dương đầy thây người. Phải lánh đi nơi khác, Huyền Trang bàn với anh qua Thành Ðô (Tứ Xuyên), ngụ chùa Không Túc trong 2, 3 năm, tiếp tục học hết kinh của các giáo phái.

Năm 20 tuổi, nội loạn đã chấm dứt, ông về Trường An, kinh đô nhà Ðường. Trường An là đất Phật đầu tiên ở Trung Hoa. Từ 5 thế kỷ trước, những vị tu hành ở Ấn Ðộ qua cất chùa tại đó và dịch những kinh tiểu thừa, Ðại thừa từ Phạn ngữ qua Hoa ngữ. Công việc dịch thuật đó có thể chia làm hai thời kỳ: Ở Trường An, Huyền Trang ráng đọc hết những kinh đã dịch, tìm những Hòa thượng có danh tiếng để học đạo. Nhưng ông nhận thấy rằng họ cũng thờ đức Thích Ca Mâu Ni mà giáo thuyết của họ khác nhau xa quá, có khi phản nhau nữa. Có bao nhiêu tôn phái là có bấy nhiêu chủ trương, làm cho ông hoang mang, không nhận được đâu là đạo chính truyền.

Bất mãn, ông xin phép anh đi học đạo ở khắp miền Bắc tại các vùng Xuyên Ðông qua Hồ Bắc, Hà Nam, Sơn Ðông, Hà Bắc. Càng tìm hiểu, ông càng nảy ra nhiều nghi vấn, đã không tin được các vị Hòa thượng mà ngay trong những bản dịch kinh Phật ông cũng thấy nhiều chỗ lờ mờ mâu thuẫn hoặc dịch sai. Vậy muốn hiểu rõ đạo thì chỉ còn một cách là đến nơi phát tích của đạo Phật, tức Ấn Ðộ, để học tiếng Phạn rồi nghiên cứu tại chỗ những kinh điển cổ nhất. Ý Tây du của ông phát sinh từ đó. Trước khi qua Ấn Ðộ, ngài đã cố công đi tìm các vị Hòa thượng, trưởng lão về các bộ kinh còn lại. Nhưng các Hòa thượng đôi khi trả lời không đồng nhất, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Trong các kinh được dịch có nhiều chỗ tối nghĩa, có đoạn dịch sai nên Ngài quyết chí phải tìm đến tận gốc - nơi sản sinh phật giáo để tìm hiểu cho tận ngọn ngành. Ngài tin rằng đó là sự cầu học một cách chắc chắn từ nơi gốc thì mới bảo đảm hơn. Từ tấm gương cầu học tận gốc của Ngài, thiết nghĩ chúng ta cũng nên học tập như Ngài vậy.

Ngày nay, các Phật tử khi đọc các kinh sách của các Thiền sư, thức giả trước tác dịch thuật bằng tiếng Việt, đó là điều quí. Nhưng quí hơn là phải đi vào các văn bản gốc của các kinh đã được in ấn, để từ đó chúng ta đối chiếu các bản dịch hay trước tác ấy đúng tới mức nào. Khi đọc kinh sách Phật giáo, các Phật tử cũng phải có nhận thức vững vàng về giáo lý, điều nào sai chưa đúng lắm thì có thể tìm hiểu nơi các vị đã hiểu biết để tránh sự thắc mắc, hoặc giả là nên cầu học nơi các vị đã có trình độ Phật học vững vàng thì chắc chắn các Phật tử sẽ nhận ra được chỗ đúng sai trong các kinh sách Phật học đã được trước tác in ấn trước đó. Các Phật tử nên trầm tỉnh suy tư về giáo lý của đức Phật, đừng vội phê phán. Dĩ nhiên, phải thận trọng trong khi đọc là tốt nhất, đừng tưởng rằng sách nào viết về Phật cũng đúng và tin theo hết.

Ðó là thái độ cẩn trọng, trọng Pháp, nên ngài Huyền Trang mới có tinh thần đi tìm học từ bản gốc ở Ấn Ðộ là vậy. Ðó cũng là cách giải đáp những nghi vấn, thắc mắc mà bấy lâu này ngài đang phân vân không biết đâu là đúng đâu là sai, và nếu đúng thì đúng tới mức nào, nên Ngài quyết chí đi cầu pháp ở Tây phương là vậy.

Năm Trinh Quán nguyên niên, năm đầu triều vua Ðường Thái Tôn (62 sau Công nguyên) Huyền Trang cùng với vài vị Hòa thượng nữa dâng biểu lên nhà vua xin phép qua Ấn du học. Truyện Tây Du Ký chép rằng Ðường Thái Tôn sai Tam Tạng đi thỉnh kinh, lại cho làm ngự đệ, cho lấy họ nhà Ðường, có lẽ để nịnh triều đình mà quy công cho nhà vua, chứ sự thật thì khác hẳn; vua Thái Tôn không cho phép, vì nước mới được bình trị, vương quyền chưa được vững, mà sự ngoại giao với các dân tộc ở phía Tây, tại Trung bộ Á Châu lại chưa được tốt đẹp.

Ðợi mãi không được phép, các vị Hòa thượng cùng dâng biểu với ông ngã lòng bỏ đi. Ông kiên nhẫn ở lại Trường An, học hết tiếng Ấn Ðộ. Ðêm ngày ông cầu nguyện các vị Bồ-tát cho ông đủ sáng suốt và nghị lực thực hành nổi chương trình tây du của ông, mà ông biết là rất khó khăn, phải qua nhiều nơi hiểm trở, hoang vu, trộm cướp.

Từ đó ông càng quyết tin rằng thế nào cũng thành công và chính lòng quyết tín, mộ đạo đó đã giúp ông thắng mọi gian nan sau này. Ít bữa sau, nhân miền chung quanh Trường An bị nạn mưa đá mất mùa, triều đình xuống chiếu cho phép dân ở kinh đô được đi nơi khác làm ăn, ông theo nhóm người di cư, tiến về phương Tây, mở đầu cuộc du hành vạn lý. Năm đó (629), ông 28 tuổi (tính theo phương đông), đến năm 44 tuổi mới trở về, tính ra xa quê luôn trong 16 năm. Tuổi đó là tuổi hăng hái, tin tưởng, mà bẩm tính ông lại nghiêm cẩn, ôn hòa, nên ông rất được nhiều người mến trọng.