Trước khi đi, tôi cũng mừng khi nghe phong thanh trước khi diễn ra lễ hội Yên Tử, ban tổ chức đã khẳng định chắc như… đinh đóng cột, năm nay cảnh đua nhau bán thuốc Nam dọc đường hành hương lên đỉnh Bạch Vân Sơn sẽ không tái diễn…

Bán thuốc kiểu… nho nhã.

Những ngày này Yên Tử đông nghịt khách. Thời tiết ở vùng này lạnh hơn hẳn, sương ở đâu bốc dày đọng lại thành những dải mây ken dày đặc trên đỉnh núi. Vườn cải trên núi của các nhà sư tu hành đã ngả sang màu xanh thẫm, chỉ phất phơ còn lại mấy chùm cải vàng nhàn nhạt. Đấy là những chùm cải muộn nhất. Rừng trúc xanh um dưới cơn mưa xuân những mầm măng trúc đang đội đất nhô lên.

Tôi theo lối hành hương như bao người để lên chùa Hoa Yên - cũng chẳng mong tìm được “thần dược” gì cả.

Đến ngay chân núi, hàng chục sạp thuốc bày ra. Tôi dừng lại. Ông chủ hiệu thuốc đon đả chào khách: “Chú tìm thuốc gì? Mở hàng đi chú!”.

“Thuốc yếu sinh lý có không ông?” - tôi hỏi ngay. Thấy tôi gầy “không rõ lý do”, ông thầy lang “dân tộc” này cũng một thôi hồi nào là do huyết suy, phong thập vào gan, từ đó… thầy còn phán xanh rờn “đích đáng là thận hư”. Ông chủ giả lả: “Một thang ngâm rượu nhé. Sâm nhung, mật rắn có đủ..., bổ rẻ”.

Ảnh minh họa

Mỗi ngày, có hàng vạn người hành hương về Yên Tử

Giới thiệu xong, ông này vồn vã mời tôi làm một chén rượu “cường dương” miễn phí hệt như quảng cáo sơn đông mãi võ.

Lấy cớ tham khảo thêm tôi lên thêm một đỗi đường núi. Chẳng biết có phải cớ ế hang hay không mà ông này lập tức kè kè cùng đi bên cạnh tôi để hộ tống. Khi ngang qua các hàng thuốc khác lại hỏi chuyện tướng lên với tôi như nhắc nhở chủ quyền với các lang khác.

Ông này xởi lởi: “Có gì đâu, thuốc gốc nên giá rẻ hơn chợ đồng bằng khoảng 10%. Đây bí kỳ nam 25.000 đồng/kg, kia ngải móng trâu 300.000 đồng/kg... bán thuốc rẻ như tôi ở đây là hiếm lắm!”

Chú cứ làm một bình thì cứ gọi là “ông uống bà khen”. Mấy cô gái đồng hành leo núi nghe vậy bụm miệng khúc khích.

Phải khó khăn lắm tôi mới đánh bài chuồn khỏi ông lang nho nhã này. Hú vía. Ông lập tức đi ngược lại và bắt khách để tiếp tục rao bán cái gọi là "thuốc bí truyền của người dân tộc".

Lơ tơ mơ là thầy tiu luôn

Khi khách du lịch lục tục leo núi, những người bán kỳ hoa, dị thảo cũng bắt đầu xuất trận. Đối tượng chủ yếu của họ là khách Việt, bởi: "Tây có biết gì về thuốc bí truyền đâu mà mua".

Tôi chỉ những khúc cây to màu trắng ngà như những củ khoai còi hỏi, anh chàng bán: "Cây gì? Chữa bệnh gì? Giá bao nhiêu?".
Ảnh minh họa

Bất cứ loại thuốc Nam nào cũng được quảng cáo chữa bách bệnh

Người đàn ông trung niên nhọ nhem như một củ than thao thao: "Ồ, cây gì thì tao không nói được đâu. Bí mật đấy. Tao phải chặt về đốt vỏ đi để người khác không biết được cây thuốc đó. Nó mọc trên đỉnh núi, ăn sương đêm, uống khí trời, phải đi mất một tuần mới tìm thấy".

Hỏi về công dụng thì mới thấy kinh hoàng: "chữa đau lưng, mỏi khớp, tê thấp, các bệnh về xương. Rẻ thôi mà, chỉ 200.000 đồng/bó. Mang về ngâm với rượu".

Hay thuốc đặc biệt nhé! Tay này khoát tay một cái, một chị như từ trong mây tụt xuống. Chị ta kéo tôi vào ven đường, nhìn trước ngó sau rồi lôi dưới đáy mẹt lên một bọc gói kín bằng giấy báo. Bên trong là lủng củng những mẩu gỗ to bằng đốt ngón tay.

Chị thì thầm: "Đây là bài thuốc độc nhất vô nhị, được các ông cụ, bà cụ ở bản lấy tận Am Thung rồi phải chưng cất mãi mới được”. Cứ theo lời quảng cáo của chị ta thì Viagra phải gọi loại này bằng… cụ”. Chỉ có điều, giá loại thuốc không rẻ tí nào: 100.000 đồng/1 viên bằng củ lạc.

Còn chưa có cớ để thoát đi thì chỉ cách đó mấy mét, một màn đánh nhau giữa cò mua thuốc “dân tộc” trị bệnh và người mua thuốc đã huyên náo. Có người chạy tán loạn.

Hóa ra có hai cô gái đi ngang qua mẹt thuốc cũng ghé vào xem. Người đàn ông trỏ vào giỏ thuốc, bảo: “Đây là hoa bách hợp, là thần dược, chỉ ở Yên Tử mới có. Theo lời y thì “Nói chung là đủ các bệnh: Phong thấp, phù nề, đau tim, đau lưng, kém ăn, sỏi thận… với giá “100.000đ/lạng”. Rồi bỗng đâu một nhóm đàn ông, đàn bà năm bảy người tranh nhau mua từ vài lạng đến vài cân với giá cả hàng trăm nghìn một lạng, mồm xuýt xoa “rẻ hơn năm ngoái, mà thuốc tốt lắm”...

Một cô trong đoàn phật tử đã rút tiền định mua nhưng cô bạn đi cùng cứ dứt khoát cấu ngăn cản. Thấy sắp vuột mất đối tượng sau 15 phút “màn diễn mồi” bở hơi tai. Điên tiết, cả cò lẫn thầy đứng ra dùng gậy tiu luôn.

Theo đoàn này, tôi tháo chạy xuống tận chùa mới hoàn hồn. Cô bạn thương quá cứ an ủi nhưng ai dè cô bạn quả quyết hơn “thà đau nhưng mà giữ được tiền vẫn còn hơn”.

Sự thật về những bài thuốc “trong mơ”

Trong bài viết này tôi không hề có ý nghi ngờ công dụng của các loại thuốc Nam cũng như nhiều loại thuốc nam chữa bệnh hiếm có ở Yên Tử. Điều minh chứng là trong thời gian gần đây, người đã phát hiện ra con đường cổ xích tùng lên thẳng am Dược. Đây là nơi có rất các loại thuốc quý như sâm Nam, cỏ gây tê, cây chữa đau lưng, trầu tiên, gừng gió...

Nhưng chứng kiến và nghe lại những công nghệ để sản xuất ra những thứ mà “người dân tộc” đang bày trên mẹt kia cũng thấy hãi hùng.

Ảnh minh họa

Việc bán cũng như chất lượng thuốc Nam ở Yên Tử đang được thả nổi

Anh Nguyễn Quang Hưng, lái xe tuyến đường Hà Nội – Yên Tử, cho biết: "Các loại thuốc thật, giả khó biết lắm. Người ta mua về ngâm rượu ba, bốn tháng mới dùng thì làm sao biết thật, giả. Nhà thuốc nào nhân đạo thì còn cho một số vị thuốc lành tính (nhưng rẻ và rể kiếm) như lá chào mào tía và vài thứ củ, cây cỏ linh, nếu có uống vào cũng chả chết ai nhưng được bán với giá cắt cổ 10.000 đồng/xâu lá, 100.000-120.000 đồng/lạng củ…

Còn vô vàn loại thuốc la liệt từ chân núi lên tới chùa Đồng kia thì chất lượng của chúng thì chỉ có trời (và người bán) mới biết được.

"Thông thường, khách mua thuốc chẳng biết gì về thuốc cả. Họ cứ thấy mặc quần áo dân tộc, nói giọng lơ lớ là tin ngay. Có vị mua cả mấy triệu, không biết rằng mình đã bị lừa một cách… ngọt ngào.

Ngoài ra, có tỷ thứ thuốc là thuốc thật nhưng lại có chất lượng rất kém như thục địa ngâm nước để cân cho thật nặng (trong khi đó loại này theo tiêu chuẩn chuyên môn phải được tẩm nước gừng rồi sau đó sao thật khô, thậm chí yêu cầu cao hơn nữa là phải sao cho đến khi giòn cháy cạnh), long nhãn nhục lẽ ra ngọt mùi đường mía nhưng lại được tẩm đường mía để tăng trọng và cũng là đánh lừa khứu giác của người uống, đỗ trọng thì mốc meo mà theo lời người bán, “kiểu của nó là thế!”. Hay bột tam thất cũng bị pha bằng bột nghệ…

Chỉ cách đây hơn chục năm thôi, trong ký ức tôi là một Yên Tử khác. Không có cáp treo (đương nhiên là không có những thầy lang “dân tộc” hung hãn). Đường dốc cao như chồng ghế, cứ ngửa mặt bấu víu vào cây cối, dây dợ hai bên đường mà đu, mà leo. Nhìn lên chỉ thấy hun hút trời xanh nhoà trong vần vụ sương mai.

Thời ấy, rừng Yên Tử thâm nghiêm u tịch bởi người đi lễ. Còn bây giờ người ta phải nhờ đến cả lực bảo vệ, công an… nhưng công an như tôi thấy chỉ chăm chăm đứng trên “đỉnh phù vân” còn ở đoạn bán thuốc thì tuyệt nhiên không có.


Trọng Hiế