Từ xưa đến nay, để thực thi án tử hình, các dân tộc, các quốc gia dùng những phương pháp khác nhau. Trung Quốc đời xưa ngoài chặt đầu còn có những hình thức khác như phanh thây, róc thịt… La Mã cổ đại, tội nhân bị treo cổ, thiêu sống… Còn ở Pháp trong thời kỳ cách mạng năm 1789, người ta đã chế tạo ra chiếc máy chặt đầu.

Máy có hai cột trụ cao khoảng 4,5 mét, trên đỉnh bắc một xà ngang có treo một lưỡi dao rất sắc, và bên trên lưỡi dao này buộc một quả lăn bằng sắt, phần dưới lắp một giá hẹp bằng gỗ để kẹp đầu người tù nhân. Khi hành hình chỉ cần thả sợi dây đeo là chiếc dao rơi phập ngay xuống, như chiếc búa máy đóng cọc ở các công trường xây dựng hiện đại và đầu nạn nhân bị chặt đứt phăng. Tại sao người Pháp phải nghĩ ra cách thi hành án tử hình như vậy?

Trước thời kỳ ấy, ở nước Pháp người ta thường chặt đầu phạm nhân bằng kiếm hoặc rìu. Nhưng trong công việc này cũng có sự phân biệt rõ ràng của pháp luật. Nghĩa là tội nhân thuộc giới quý tộc bị tử hình thì dùng kiếm, còn dân thường thì dùng rìu. Thế nhưng trong thời kỳ Cách mạng, người ta đã nêu ra nhiều khẩu hiệu đòi bình đẳng cho người bình dân và quý tộc trong đó có kiến nghị “bình đẳng trong tử hình” của một viên bác sĩ tên là Jordan, thành viên của Hội nghị Lập hiến.

Năm 1791, kiến nghị này được xem xét và thông qua tại phiên họp của Quốc hội Pháp. Sau đó chiếc máy chém đã ra đời để thực hiện sự bình đẳng trong các án tử hình cho mọi công dân dù là quý tộc hay dân thường. Điều đáng nói là vua Luis XVI, người phê chuẩn quyết định này và từng sửa lưỡi dao hình bán nguyệt trên bản thiết kế đầu tiên của máy chém thành lượi dao vát sắc bén hơn, hoàn thiện cho chiếc máy chém, cũng đã lìa đầu bởi chính nó sau vài năm.

Hiện nay nước Pháp đã bỏ án tử hình và chiếc máy chém này được đưa vào nhà bảo tàng.