ĐSQ VN tại Iraq thời chiến tranh - Chuyện bây giờ mới kể (P2): Trở lại Baghdad trong nguy hiểm

Đại sứ Nguyễn Quang Khai | 21/03/2017 07:35





Từ một thành phố đẹp như tranh vẽ, Baghdad sau những ngày chiến tranh ác liệt đã trở thanh vùng đất nguy hiểm và đổ nát. Ảnh: Andrew Cutraro


Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Iraq lúc đó dán lên xe mình dòng chữ "chúng tôi là người Việt Nam".

... Một cuộc di tản khẩn trương đã được tiến hành theo đường bộ. Cán bộ nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Iraq đến thủ đô Amman của Jordan vào tối 19/3/2003 thì rạng sáng ngày 20, Mỹ và Liên quân bắt đầu mở cuộc tấn công lớn bằng một loạt tên lửa Tomahawk bắn vào thủ đô Baghdad, bộ binh tràn qua biên giới Kuwait vào lãnh thổ Iraq...
---
(tiếp theo và hết)


Chuyến trở về Baghdad đầy rủi ro
Sau 6 tháng lánh nạn, trung tuần tháng 9/2003 chúng tôi được giao nhiệm vụ trở lại Baghdad để nối lại hoạt động của Đại sứ quán.



Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và có phần nguy hiểm vì tình hình đã hoàn toàn thay đổi, Iraq không còn thanh bình như trước chiến tranh. Quân Mỹ và đồng minh đã chiếm toàn bộ Iraq. Chính quyền cũ không còn nữa. Các lực lượng khủng bố trỗi dậy hoạt động khắp nơi.


Chính quyền lâm thời CPA của Mỹ cai quản Iraq tuyên bố tất cả các nhà ngoại giao ở Iraq không được hưởng quyền miễn trừ theo công ước Vienna nữa. Chúng tôi không biết sẽ sống và làm việc như thế nào trong tình hình như vậy.



Trước khi rời Hà Nội, theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao, tôi đã gặp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt thông báo việc tôi trở lại Iraq và đề nghị chính quyền Mỹ cai quản Iraq lúc đó bảo đảm an toàn cho tôi và các cán bộ nhân viên của tôi.


Ông Raymond Burghardt hứa báo cáo về nước, nhưng tôi thầm nghĩ, quân Mỹ còn không thể bảo đảm an toàn cho bản thân họ được thì làm sao họ có thể bào đảm an toàn cho người khác. Biết là sẽ có nhiều rủi ro, chúng tôi vẫn phải lên đường.


Chúng tôi từ Jordan qua cửa khẩu biên giới Trebil. Quân Mỹ đã làm nhiệm vụ thay những người lính biên phòng của Iraq trước đây. Xe tăng, xe bọc thép của Mỹ được bố trí dày đặc. Lính Mỹ được trang bị vũ khí đến tận răng đi tuần tra xung quanh khu vực cửa khẩu. Làm thủ tục nhập cảnh xong, xe chúng tôi đi theo con đường quốc lộ về thủ đô Baghdad.




Đại sứ Nguyễn Quang Khai (giữa) cùng cán bộ nhân viên ngoại giao trở lại Đại sứ quán ở Baghdad. (Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp)



Chúng tôi đến Baghdad vào lúc xế chiều, khi cái nóng ngột ngạt của sa mạc đã dịu. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là Baghdad từ một thành phố đẹp như tranh vẽ với những công trình kiến trúc huyền thoại như trong chuyện "Ngàn lẻ một đêm" nay trở nên tiêu điều một màu xám xịt, hỗn độn, ngổn ngang, đổ nát.



Những ngôi nhà đẹp nhất của thủ đô đều đã bị bom đạn Mỹ phá hủy hoặc bị đốt cháy trụi. Hàng đoàn xe tăng, xe quân sự của Mỹ chạy ầm ầm trên các đường phố và luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.


Ngôi nhà của Đại sứ quán Việt Nam nằm trên đường phố Dawoodi Al-Mansour phủ đầy cát bụi sau những trận mưa bom và bão cát vẫn đóng cửa im ỉm.

Tôi mở cổng bước vào, ngôi nhà trống tênh, không người đón tiếp. Nhiều cửa kính bị vỡ do chấn động của bom đạn. Cây cối xanh tươi bây giờ thành khô héo. Khu vườn của sứ quán trước đây đầy hoa không khác gì một công viên nhỏ, nay trở nên tiêu điều, xơ xác vì bị bỏ hoang không người chăm bón.


Cảnh tượng này gợi lại cho chúng tôi những nỗi đau của chiến tranh. Tuy nhiên, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy sứ quán không bị cướp phá, mọi tài sản hầu như còn nguyên vẹn, vì trước khi rời Baghdad chúng tôi đã nhờ những người bạn Iraq trông nom và bảo vệ chu đáo.


Hôm sau nghe tin được biết nhiều Đại sứ quán các nước bị kẻ xấu xông vào cướp đồ đạc, trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc bị đốt phá, cướp hết tài sản.










Nguy hiểm luôn rình rập các nhân viên ngoại giao



Công việc đầu tiên của chúng tôi là kéo lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lên để khẳng định sự có mặt và chủ quyền của mình. Và ngay ngày hôm sau, tất cả mọi người từ Đại sứ đến nhân viên đều xắn quần áo tham gia vào "chiến dịch" quét dọn, tổng vệ sinh toàn bộ khu vực trong ngoài sứ quán. Những nhân viên bảo vệ người Iraq thấy vậy cũng nhập cuộc vui vẻ.

Sau vài ngày ổn định sinh hoạt, chúng tôi bắt đầu ra vườn làm đẹp. Chúng tôi đi mua các loại cây ăn quả, hoa và cỏ về trồng. Sau chừng một tuần, mọi thứ đã sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp. Vườn cỏ được trồng lại mượt như sân golf, xung quanh đầy hoa nở sặc sỡ. Bạn bè ai đến cũng tấm tắc khen.


Cuộc chiến tranh của Mỹ chống Iraq đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và sinh hoạt không những của những người Iraq mà còn của cả các nhà ngoại giao nước ngoài sống và làm việc tại đất nước này. Họ cũng phải đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm như những người dân bản địa, đôi khi nguy hiểm hơn bởi vì họ còn là những mục tiêu của các nhóm khủng bố.


Khói và lửa bốc lên từ khu dinh thự của tổng thống ở thủ đô Baghdad, Iraq sau một trận không kích quy mô lớn ngày 21/3/2003 (Ảnh: Getty Images)



Theo Công ước Vienna năm 1964, các lực lượng chiếm đóng có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng sau khi chiếm được Iraq, Mỹ đã tuyên bố không những không thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao, mà còn tước bỏ mọi quyền ưu đãi miễn trừ của họ. Các lực lượng Mỹ chỉ bảo vệ cho đại sứ quán các nước tham gia liên quân.


Nhiều nước đã phải cử các đội lính đặc nhiệm được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất sang bảo vệ. Nhiều sứ quán xây các bức tường bảo vệ bằng những tấm bê tông chống đạn dày cộp không khác gì lô cốt. Nhiều đại sứ dùng xe chống đạn và lúc nào cũng có các nhân viên bảo vệ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu đi cùng.


Chúng tôi không có điều kiện như họ, nhưng cũng phải làm tất cả những gì có thể để đề phòng những khả năng xấu nhất xảy ra. Ban đêm nằm ngủ, tôi không dám nằm cạnh cửa sổ, phải kê giường vào góc nhà để đề phòng đạn bên ngoài bắn vào.


Nga, Trung Quốc là những nước ủng hộ mạnh mẽ Iraq, tin rằng người Iraq sẽ không hại mình nên đã dán lên xe dòng chữ "chúng tôi là người Nga", "chúng tôi là người Trung Quốc". Chúng tôi cũng bắt chước dán lên xe của mình "chúng tôi là người Việt Nam". Một số nước phương Tây thấy vậy cũng dán lên xe mình dòng chữ "chúng tôi là người Nga".
Sống lại những năm tháng như chiến tranh ở Việt Nam


Chúng tôi bàn với nhau xây dựng một hàng rào bảo vệ bên ngoài. Một loạt các thùng phuy đã được tận dụng nhồi bê tông và cát bên trong xếp thành hàng đặt trước cổng sứ quán làm chướng ngại vật để ngăn chặn phần nào các cuộc đánh bom bằng xe hơi.


Bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam tại Baghdad (Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp)



Tuy nhiên, đó chỉ là các biện pháp đề phòng mà thôi. Không có gì có thể bảo vệ vững chắc được bằng mối quan hệ tốt với người dân bản xứ. Chúng tôi đã làm công tác "dân vận" và xây dựng được mối quan hệ thân thiết với những gia đình cùng khối phố. Sứ quán Việt Nam có rất nhiều bạn bè và chính họ là những người bảo vệ tin cậy nhất.


Tình hình Iraq lúc đó làm cho chúng tôi sống lại những năm tháng chiến tranh gian khổ ở Việt Nam. Tiếng xe tăng gầm rú, tiếng máy bay Apache quần đảo suốt ngày đêm nghe rát tai, những tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả thành phố.


Ban đêm cả thành phố chìm trong bóng tối. Điện một ngày chỉ có khoảng 1 tiếng đồng hồ. Đại sứ quán có một chiếc máy phát điện, mỗi ngày chúng tôi chỉ dám cho vận hành vài tiếng, chủ yếu là để phục vụ cho công việc.



Không ngờ mùa đông năm ấy lại rét như vậy. Nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống tới dưới 0 độ C. Do không có điện, xăng dầu và hơi đốt cũng hết sức khan hiếm, anh em phải đi kiếm các thanh gỗ về làm củi đốt lên rồi quây quần bên bếp lửa cho đỡ lạnh.


Ngày 20/3/2003 được ghi vào lịch sử một cuộc chiến tranh vô cớ. Vào ngày đó, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tấn công Iraq với cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, vi phạm nghị quyết 687 của Hội đồng Bảo an. Sự cáo buộc này đã dựa trên những tài liệu giả do Cơ quan tình báo Mỹ CIA và chính phủ Anh cung cấp.


Năm 2008 khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, Tổng thống G. Bush đã thú nhận rằng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Saddam Hussein đã dựa trên tin tức tình báo sai và đây là điều hối tiếc lớn nhất trong đời làm tổng thống của ông.


Sau đó, Uỷ ban điều tra Chilcot của Anh đã kết luận cuộc xâm lược Iraq của cựu Thủ tướng Tony Blair là một sai lầm và những hậu quả của nó vẫn còn hiện hữu cho đến tận bây giờ.

Theo Trí Thức Trẻ