KHỔNG TỬ: MỖI TUỔI MỘT LỐI DƯỠNG SINH

Khổng Tử không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục mà còn là nhà khoa học về dưỡng sinh. Trong hoàn cảnh đương thời, khi tuổi thọ bình quân chỉ là 30 thì Khổng Tử đã thọ tới 73 tuổi.

Trong thiên Lý thị sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng ở mỗi độ tuổi, con người ta có những yêu cầu khác nhau về dưỡng sinh. Ông viết: “Quân tử có 3 chặng đời: Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh “sắc”; Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh “đấu”; Có tuổi huyết khí suy nhược, tránh “đắc”. Theo cách giải thích của Khổng Tử và vận dụng kinh nghiệm lâm sàng ngày nay, có thể diễn giải là:

Tuổi thiếu niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ, nên tránh sắc dục; Vì sắc dục sớm làm tổn hại sinh lực, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng bình thường, mặt khác có thể ảnh hưởng xấu đến đạo đức con người trong cả cuộc đời.

Tráng niên tránh “đấu”, theo giải thích của Khổng Tử là “đấu khí”, “đấu dũng”, “đấu thắng”, tóm lại là tránh cương cường hiếu thắng. Y học ngày nay coi người có tính khí đó là người có hành vi hình A. Trong lâm sàng, người có hành vi hình A chiếm tỷ lệ rất cao về chứng cao huyết áp, vì họ thường xuyên sống trong tâm trạng căng thẳng. Người tráng niên cần chú ý điều tiết khí độ, nên nhớ câu “tri túc thường lạc” (biết đủ thì thường xuyên vui vẻ) để tránh bệnh tật và tăng tuổi thọ.

Còn như người có tuổi, các chức năng cơ thể đã suy yếu, cả thể lực lẫn tinh lực đều suy giảm, cần cảnh giác trước lòng tham muốn được (“đắc”) thêm thứ mà mình đã được, dẫn đến tiếp tục lao tâm, lao lực rất hại cho sức khỏe và tuổi thọ.

CÀN LONG: “MƯỜI ĐIỀU THƯỜNG TRỰC DƯỠNG SINH ĐẾN GIÀ”

Phần đông các ông vua trong lịch sử đều rượu chè, trụy lạc nên tuổi thọ rất ngắn. Duy chỉ có vua Càn Long đời nhà Thanh thọ tới 89 tuổi. Bí quyết của ông là suốt đời kiên trì nghiêm ngặt thuật dưỡng sinh “mười điều thường trực” đến già không bỏ. Mười điều dưỡng sinh ấy có thể diễn đạt vắn tắt là:

1/ Răng thường đánh: Hai hàm răng đánh vào nhau thành tiếng. Đó là cách luyện cơ chân răng cho chắc, khỏe, giúp răng bền chắc, tránh các bệnh về răng, răng khó rụng, lại giúp cả cơ mặt hoạt động, góp phần làm tăng lưu thông máu lên não...

2/ Bọt thường nuốt: Vì nước bọt giúp điều hòa dịch vị, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, tránh được bệnh viêm loét dạ dày cũng như nhiều bệnh đường tiêu hóa...

3/ Tai thường rung: Hai bàn tay áp vào hai tai, vỗ nhẹ liên hồi; Hoặc hai ngón tay nút vào hai lỗ tai rồi rút mạnh ra, cứ thế liên tiếp nhiều lần. Như thế màng nhĩ thường được rung, tránh được trạng thái chùng màng nhĩ khi có tuổi, khiến cho tai thính cả lúc tuổi già.

4/ Mũi thường vuốt: Hai bàn tay xát nóng, vuốt hai bên mũi nhiều lần, có thể phòng cảm mạo, viêm mũi.

5/ Mắt thường đảo: Ngưng mắt nhìn xa, đảo nhãn cầu nhiều lần, tiếp đến lại ngưng mắt chăm chú, rồi lại đảo nhãn cầu. Luyện tập như thế giúp tăng thị lực, phòng được các chứng hoa mắt, suy giảm thị lực...

6/ Mặt thường xát: Hai bàn tay xoa vào nhau cho nóng lên rồi xoa mặt nhiều lần. Xoa mặt làm tăng lưu thông huyết dịch ở mặt, tránh hoặc giảm được nếp nhăn, lại có thể phòng các bệnh về da mặt.

7/ Chân thường vuốt: Thường xoa vuốt chân từ bàn chân tới đùi, có thể làm giảm tình trạng đọng máu, phòng được nhiễm lạnh cơ thể từ chân, nên phòng được các bệnh ở chân cũng như chứng mất ngủ...

8/ Bụng thường xoa: Dùng bàn tay xoa trên vùng bụng, giúp dạ dày, ruột được vận động nhẹ, tăng khả năng tiêu hóa, ăn ngon miệng, phòng được các chứng chướng bụng, bí trung tiện...

9/ Chi thường duỗi: Tứ chi thường co vào duỗi ra nhiều lần, có thể giúp khí huyết toàn thân lưu thông, phòng được các chứng thiểu năng tuần hoàn não cũng như các chứng về mạch...

10/ Hậu môn thường động: Mỗi ngày dành vài lần tập trung tinh thần làm co duỗi hậu môn, có thể phòng được viêm tuyến tiền liệt cũng như các bệnh đi lỏng mãn tính...

HOA ĐÀ: TRƯỜNG KỲ TẬP LUYỆN

Hoa Đà sống ở thời Tam Quốc (Trung Quốc), là thầy thuốc trứ danh, cũng là một chuyên gia về dưỡng sinh. Tương truyền lúc ông lâm chung, tai vẫn thính, mắt vẫn tinh, tóc không một sợi bạc! Học trò của ông là Ngô Phổ thọ đến trăm tuổi. Bí quyết dưỡng sinh của ông là gì? Chúng ta cùng theo dõi câu chuyện sau đây:

Thời trẻ, có lần lên núi hái thuốc, khi lên đến lưng chừng núi, ông phát hiện một cái hang. Trong hang có hai vị tiên râu dài tóc bạc đang bàn luận y học. Ông đứng ngoài hang nghe và nhớ nhập tâm. Hai vị tiên về sau không những truyền lại cho ông y thuật cao siêu mà còn dạy ông phép tập luyện phỏng theo tư thế của năm loài muông thú là hổ, hươu, gấu, khỉ, hạc, gọi là “ngũ cầm hý” (trò chơi của năm loại cầm thú).

Vận động thân thể theo các động tác khác nhau của năm loài vật trên sẽ tác động tốt đến phủ tạng, giúp khí huyết toàn thân lưu thông, sống lâu vô bệnh, vì đã vận động được tất cả các bộ phận, các tổ chức trong cơ thể cùng một lúc. Y học Trung Quốc cho rằng “ngũ cầm hý” có tác dụng dưỡng sinh rất hiệu quả. Y học hiện đại cũng đã chứng minh “ngũ cầm hý” là bài thể dục dưỡng sinh cùng lúc làm vận động tất cả hệ thống gân, cơ cũng như tác động đến các tuyến nội tiết. Do đó vừa nâng cao công năng của hệ gân cơ, vừa tăng công năng phủ tạng, làm tăng sự lưu thông của khí huyết, kích thích sự hoạt động của các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, bài tiết, các tuyến nội tiết...

“Ngũ cầm hý” không đơn thuần là bài tập dưỡng sinh hay thể dục, mà là một bài luyện khí công cao cấp. Trong bài luyện khí công này, Hoa Đà kết hợp nhịp nhàng giữa vận động gân cơ với luyện thở, lấy khí công dẫn dắt các cơ quan nội tạng điều hòa trạng thái hoạt động cho cân bằng, khiến cơ thể tráng kiện như trẻ lại, kìm chế quá trình lão hóa. Những thuật dưỡng sinh các đời sau dựa trên nguyên tắc “thái cực”, “hình ý”, “bát quái”, xét về nguyên lý đều phù hợp với thuật “ngũ cầm hý” của Hoa Đà. Sống vào thời loạn ly, dân tình cơ cực nhưng nhờ sáng tạo và luyện tập suốt đời thuật khí công - dưỡng sinh “Ngũ cầm hý”, đến lúc tuổi già danh y Hoa Đà vẫn tráng kiện, minh mẫn.

TÔ ĐÔNG PHA: LẠC QUAN, VẬN ĐỘNG

Tô Đông Pha tinh thông các phép dưỡng sinh, đã viết các sách “Quyết luận về phép dưỡng sinh sống lâu, thanh thản”, “Vấn dưỡng sinh”... Đó không chỉ là những phép dưỡng sinh hợp với tuổi tráng niên, mà còn hợp với tuổi già để giữ cho cơ thể tráng kiện, đầu óc sáng suốt. Nhà nghiên cứu dưỡng sinh Tô Đông Pha có kiến giải độc đáo về lá chè. Trong sách “Luận trà”, ông viết: Trừ bệnh về răng lợi, không thể không dùng trà và đề xuất phép dưỡng sinh dùng trà sau bữa ăn: “Sau mỗi bữa, nhấp trà đặc, trừ được chứng viêm lợi, làm chắc răng”. Ông có thói quen dùng lược chải trên da thịt để tăng sức khỏe, nhất là xoa chân được ông coi là bảo bối quan trọng nhất. Mỗi ngày trước khi ngủ và cứ sáng dậy, ông đều ngồi trên giường, nhắm mắt, co từng bàn chân đặt lên đầu gối chân kia, dùng lòng bàn tay xoa mạnh gan bàn chân mỗi bên chừng 200 lượt. Y học ngày nay chứng minh việc xoa gan bàn chân có thể góp phần trị được nhiều bệnh như thiếu máu, tiểu đường, yếu sinh lý, đau lưng...

Ông tự giữ nghiêm ngặt chế độ sinh hoạt điều độ, tiết chế ẩm thực, “mỗi bữa không dùng quá một chén rượu, một miếng thịt”; Coi trọng phương châm sống lạc quan, ham vận động. Cuộc đời ông ba chìm bảy nổi, mấy lần bị hạ ngục, vậy mà trong ngục ông vẫn tập luyện đều đặn, giữ tâm trí thảnh thơi, tinh thần sáng suốt. Lúc gặp cảnh đời bất đắc chí nhất, ông vẫn không hề buồn chán, sa đà rượu chè; Trái lại, ông ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn danh thắng cổ tích, giữ được cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khi còn tham chính, sau công việc chính sự, ông thường đi thăm hỏi dân nghèo, làm điều lợi, trừ điều hại cho dân. Dân quí trọng ông, biết ơn ông, thường truyền tụng về “dê của ông Tô”, “thịt ông Tô cho”...